GIỚI THIỆU SÁCH
ĐẠI HỌC
của NGUYỄN XUÂN XANH
Chức năng quan trọng nhất của các trí thức Nhật Bản là đã truyền được tri thức của thế giới phương Tây vào Nhật Bản.
NAGAI MICHIO
Giáo sư, nhà nghiên cứu, nguyên Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Nhật Bản
Đại học là một trường, nhưng là một trường loại đặc biệt duy nhất. Ở đó không phải chỉ có dạy, nhưng người sinh viên tham gia vào nghiên cứu, và qua đó đạt một sự giáo dục khoa học quyết định cho cuộc đời. Theo tinh thần đại học, các sinh viên là những nhà tư tưởng độc lập, tự trách nhiệm và lắng nghe thầy mình một cách phê phán. Họ có tự do trong sự học.
Đại học là nơi ở đó xã hội và nhà nước để cho ý thức sáng sủa nhất về thời đại phát triển. Ở đó thầy và trò có thể đến với nhau như những con người chỉ có tiếng gọi là đi tìm và nắm bắt chân lý. Vì rằng đâu đó việc đi tìm chân lý vô điều kiện (phải) diễn ra, bởi đó là một nhu cầu của con người với tư cách là con người.
Các quyền lực trong nhà nước và xã hội tuy nhiên cũng chăm lo cho đại học, vì đại học đem lại nền tảng cho việc thực hành các nghề (thuộc) nhà nước, điều đòi hỏi phải có tri thức khoa học và giáo dục tinh thần. […]
Chỉ có ai mang trong mình ý niệm đại học, người đó mới có thể tư duy và hành động đúng theo sự việc cho đại học. Ai không như thế, người ấy chỉ nhìn thấy một bộ máy… Bộ máy này được cải trang bằng những lời lẽ hùng hồn truyền thống.
KARL JASPERS
Bác sĩ tâm thần học, nhà triết học và giáo dục đại học Đức
Thế hệ chúng ta thừa hưởng di sản được truyền lại bởi thế hệ trước. Chúng ta thường biết nhiều hơn, không phải vì chúng ta đã tiến lên bằng năng lực tự nhiên của chúng ta, mà bởi vì chúng ta được nâng đỡ bởi sức mạnh tinh thần của những người khác, và sở hữu tài sản được thừa hưởng từ ông cha ta. Bernard ở Chartres thường so sánh chúng ta với những người lùn bé bỏng được đặt trên vai những người khổng lồ. Ông chỉ ra rằng chúng ta nhìn thấy nhiều hơn và xa hơn những người đi trước chúng ta, không phải vì chúng ta có tầm nhìn sắc sảo hay chiều cao lớn hơn, mà bởi vì chúng ta đã được nâng lên và đứng cao trên tầm vóc khổng lồ của họ.
JOHN ở Salisbury
Nhà triết học và giáo dục, linh mục Anh ở nhà thờ Chartres, Pháp (1176), trong tác phẩm Metalogicon bảo vệ giáo dục khai phóng
[1]
Đại học là một định chế giáo dục cao bền vững phát triển tri thức của châu Âu Kitô giáo Trung cổ, một hiện tượng rất đặc thù không nền văn minh nào khác có, đánh dấu sự thức tỉnh tinh thần của một nền văn minh mới của thế giới sau đêm dài một nghìn năm vắng bóng học thuật. Đại học tiếp nối truyền thống trí thức Hy Lạp cổ đại, đưa tư duy logic, khoa học sáng sủa trở lại con người một cách hệ thống và, một cách không ý thức, làm bệ phóng tinh thần cho khoa học hiện đại phát triển. Đại học Trung cổ, rồi Đại học Đức thế kỷ 19, là những innovation then chốt của lịch sử có tác động quyết liệt lên sự định hình nền văn minh phương Tây và thế giới.