THỜI ĐẠI THÁI CỰC 1914 –
1991 (17)
THE AGE OF EXTREMES
Tác giả: Eric J. Hobsbawm; Người dịch: Nguyễn
Ngọc Giao
PTKT: Kể từ tháng 8.2021, chúng tôi lần lượt đăng tiếp các chương
còn lại của tác phẩm Thời đại thái cực 1914-1991. Để có một cái nhìn chung
giới thiệu tác giả và tác phẩm, mời bạn đọc lại bài Nhà sử học của
hai thế kỷ.
MỤC LỤC
Lời tựa và Cảm tạ
Lời tựa bản tiếng
Pháp
Hình
ảnh minh họa
Chú
thích các hình ảnh
Thế kỉ nhìn từ
đường chim bay
Phần thứ nhất - THỜI ĐẠI TAI HỌA
chương 1 Thời đại chiến tranh toàn diện
chương 2 Cách mạng thế giới
chương 3 Dưới đáy vực thẳm kinh tế
chương 4 Sự suy sụp của chủ nghĩa liberal
chương 5 Chống kẻ thù chung
chương 6 Nghệ thuật, 1915-1945
chương 7 Sự cáo chung của các Đế chế
|
Eric J. Hobsbawm (1917-2012) |
Phần thứ hai - THỜI ĐẠI HOÀNG KIM
chương 8 Chiến tranh Lạnh
chương 9 Thời đại Hoàng kim
chương 10 Cách mạng xã hội, 1945-1990
chương 11 Cách mạng văn hóa
chương 12 Thế giới thứ Ba
chương 13 “Chủ nghĩa xã hội hiện tồn”
Phần thứ ba: SỤP ĐỔ
chương 14 Những thập niên Khủng hoảng
chương 15 Thế giới thứ Ba và cách mạng
chương 16 Sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội
chương
17 Tiền phong hấp hối: nghệ thuật sau 1950
chương
18 Phù thủy và đồ đệ tập việc: các ngành
khoa học tự nhiên
chương
19 Tiến tới thiên niên kỉ mới
* * *
Phần thứ ba
SỤP
ĐỔ
Chương 17
TIỀN PHONG
HẤP HỐI: NGHỆ THUẬT SAU 1950
“Nghệ thuật như một lối đầu tư là một
ý tưởng không sớm hơn đầu thập niên 1950”.
G. REITLINGER,
The Economics of Taste, vol. 2, 1982, tr. 14
“Những món hàng to đùng màu trắng,
nghĩa là những vật dụng làm cho nền kinh tế của ta vận hành trôi chảy – tủ
lạnh, xoong chảo, tất cả những vật dụng làm bằng sứ trắng – bây giờ đều pha màu
cả rồi. Mới đấy. Do pop art mà ra. Đẹp lắm. Mỗi lần bạn mở cửa tủ lạnh để uống
cốc nước cam, cứ như là thấy nhà ảo thuật Mandrake trèo tường nhảy xuống”.
Studs TERKEL,
Division Street: America, 1967, tr. 127
I
Các nhà sử học, kể cả người viết sách
này, có thói quen bàn luận về diễn tiến của các ngành nghệ thuật – mặc dầu
chúng bắt rễ hiển nhiên và sâu xa trong xã hội – như là một cái gì hầu như có
thể tách bạch ra khỏi bối cảnh đương thời, như là một ngành hay một thể loại
hoạt động nhân văn có những quy luật riêng, và có thể được đánh giá trên cơ sở
ấy. Vào thời đại mà cuộc sống con người trải qua những biến đổi cách mạng chưa
từng thấy, thì cái nguyên tắc lâu đời và thuận tiện ấy (phân loại cấu trúc
trong nghiên cứu lịch sử) ngày càng trở thành phi hiện thực. Nguyên nhân điều
này không phải chỉ vì ranh giới giữa “nghệ thuật” và không “nghệ thuật”, “sáng
tạo” hay không “sáng tạo” ngày càng trở nên mơ hồ, thậm chí đã biến mất rồi; hay
bởi vì một trường phái quan trọng về phê bình văn học đã chủ trương rằng đánh giá
vở kịch Macbeth của Shakespeare cao hơn hay thấp hơn cuốn phim Batman
là một điều không thể, vô vị và phản dân chủ. Mà còn nguyên nhân này nữa: các
lực lượng quy định những gì đã xảy ra trong các bộ môn nghệ thuật (hay trong
những gì mà các nhà quan sát kiểu cũ quen gọi như vậy) đều có tính chất ngoại
lai cao độ. Đó là những lực lượng chủ yếu là công nghệ học – điều này cũng
không ngạc nhiên trong một thời đại cách mạng khoa học – kĩ thuật phi thường như
ngày nay.