28.2.23

Không thể tin cậy vào Putin

KHÔNG THỂ TIN CẬY VÀO PUTIN

Chủ tịch Hội nghị An ninh trả lời phỏng vấn về Ukraine

Tác giả: Christoph Heusgen, nhật báo taz phỏng vấn

Người dịch: Daniel Trần

Christoph Heusgen chủ trì Hội nghị An ninh Munich, bắt đầu vào thứ Sáu 16.2.2023. Và kêu gọi chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine trước.

Christoph Heusgen cùng chịu trách nhiệm về chính sách Nga của bà Merkel, mà ông vẫn bảo vệ cho đến ngày nay

Từ năm 2005 đến 2017, người đàn ông 67 tuổi này đã từng là cố vấn chính sách đối ngoại cho Thủ tướng Angela Merkel và sau đó là Đại sứ Đức tại Liên Hiệp Quốc (LHQ). Ông hiện đang chủ trì Hội nghị An ninh Munich. Cuốn sách mới của ông “Lãnh đạo và Trách nhiệm – Chính sách Đối ngoại của Angela Merkel và Vai trò tương lai của Đức trên Thế giới” vừa được nhà xuất bản Siedler phát hành.

TAZ: Thưa Ông Heusgen, ông từng là cố vấn về chính sách ngoại giao cho bà Angela Merkel trong 12 năm. Đức đã phạm sai lầm gì trong chính sách đối với Nga?

Christoph Heusgen: Tôi muốn tránh dùng từ sai lầm. Bạn phải xem ở sự tương quan toàn diện hơn. Mối quan hệ của chúng ta với Nga được định hình bởi Chiến tranh Thế giới II. Đức chịu trách nhiệm về cái chết của hơn 20 triệu người trên lãnh thổ Liên Xô. Và chúng ta biết ơn Gorbachev, người đã giúp nước Đức thống nhất. Cảm giác tội lỗi và lòng biết ơn là lý do sâu xa cho nhiều quyết định.

Print Friendly and PDF

27.2.23

ChatGPT: bạn, thù hay nhàm chán?

CHATGPT: BẠN, THÙ HAY NHÀM CHÁN?

Bạn đã bao giờ trò chuyện với ChatGPT chưa? Phần mềm này, mà bất kỳ người dùng web nào cũng có thể đối thoại, là SỰ phát triển công nghệ mới mà mọi người đang bàn tán… và sử dụng! Chương trình này, vốn chạy trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), đã thu hút hơn 100 triệu người dùng trên toàn thế giới chỉ sau vài tuần. TikTok đã phải mất chín tháng để đạt được kết quả tương tự, còn Instagram là hai năm rưỡi. Thành công đó không có gì đáng ngạc nhiên khi đã gây ra một loạt bình luận, với việc người người sử dụng lưỡng lự giữa ba kiểu phản ứng: thật tuyệt, thật tệ, thật nguy hiểm.

Bạn tôi!

Trước tiên, hãy nói về phiên bản thần kỳ. Hãy quên đi những yêu cầu đơn giản hay vui vui theo kiểu “hãy làm cho tôi một bài thơ về cải cách lương hưu thời thượng/theo kiểu của Victor Hugo” hoặc “hãy viết cho tôi một bài văn nhân ngày sinh nhật của một người bạn đam mê công nghệ”. Bởi vì đối với ChatGPT, đó là một điều nghiêm túc. Ví dụ, có một kiến trúc sư đã kể chuyện trên đài France Inter, rằng ChatGPT đã giải quyết một vấn đề chuyên môn trong vài giây, một vấn đề mà bản thân anh ta đã mất mười ngày để giải quyết. Cũng có ví dụ của một vị giáo sư thuộc Đại học Wharton, Hoa Kỳ, người cho công cụ dựa trên AI này dự thi chương trình MBA của khoa ông và nó đạt kết quả tốt. Còn có ví dụ của một kỹ sư, người đã thành công trong việc yêu cầu một chương trình bằng ngôn ngữ lập trình Python cho trò chơi yêu thích của mình.

Thế nên, sẽ có rất nhiều chuyên gia tìm thấy một công dụng rất lớn khi sử dụng AI, nhờ vào kiến thức, khả năng tổng hợp, chất lượng biểu đạt và khả năng huy động các nguồn thông tin của nó, điều mà không con người nào có thể lĩnh hội được trong suốt cuộc đời của mình.

Print Friendly and PDF

26.2.23

David Hilbert: Nhận thức tự nhiên và logic học

NHẬN THỨC TỰ NHIÊN VÀ LOGIC HỌC

NATURERKENNEN UND LOGIK

David Hilbert

Diễn từ tại Königsberg, 1930

Nguyễn Xuân Xanh chuyển ngữ


Nếu bạn có thể nhìn vào hạt giống của thời gian,
Và nói hạt nào sẽ phát triển, và hạt nào sẽ không,
Thì hãy nói chuyện với tôi.
William Shakespeare, Macbeth

 

Nghệ thuật làm toán là ở chỗ tìm ra trường hợp đặc biệt chứa tất cả mầm mống của tính tổng quát.

– David Hilbert

Không có nhà toán học nào có tầm vóc tương đương đã vươn lên từ thế hệ của chúng tôi… Hilbert đặc biệt không có định kiến về quốc gia và chủng tộc; trong tất cả các vấn đề liên quan đến công chúng, dù là chính trị, xã hội hay tâm linh, ông ấy đã mãi mãi đứng về phía tự do.

— Hermann Weyl

Tôi long trọng hỏi ngài rằng liệu bằng lời thề đã định, ông có cam kết hứa và xác nhận một cách tận tâm nhất rằng ngài sẽ bảo vệ khoa học chân chính một cách can đảm, mở rộng và tô điểm nó, không phải vì lợi ích riêng tư hay để đạt được ánh hào quang hão huyền, mà để cho ánh sáng chân lý của Chúa tỏa sáng và lan rộng.

(Lời thề được khoa trưởng khoa Toán Đại học Königsberg chuẩn bị để David Hilbert xác nhận trước khi trao bằng Tiến sĩ Triết học cho ông.)

David Hilbert (sinh ngày 23 tháng 1, 1862, tại Königsberg, Đông Phổ – mất ngày 14 tháng 2, 1943, tại Göttingen, CHLB Đức)

Lời nói đầu. Năm 1930, tức gần một thế kỷ trước, tại Hiệp hội các nhà khoa học tự nhiên và bác sĩ Đức (Gesellschaft der Deutschen Naturforscher und Ärzte) diễn ra ở thành phố Königsberg của Đông Phổ, nay là Kaliningrad thuộc Nga, nhà toán học David Hilbert, được xem như một Euclid thứ hai của thế kỷ 20, đọc một báo cáo quan trọng có tên Nhận thức tự nhiên và Logic học[1] (Naturerkennen und Logik). Năm đó, Hilbert cũng nghỉ hưu, và thành phố Königsberg bầu ông làm công dân danh dự. Ông trình bày về hệ luận của các khám phá lớn của khoa học diễn ra từ cuối thế kỷ 19 đến những thập niên đầu thế kỷ 20, có ảnh hưởng lớn lên triết học tự nhiên (natural philosophy) và nhận thức luận (epistemology) trong toán học và khoa học tự nhiên. Các tiến bộ này xuất phát mạnh mẽ và chủ yếu từ những khám phá trong lãnh vực vật lý và thiên văn học. Triết học tự nhiên là môn học ngự trị lâu đời ở phương Tây. Trong tác phẩm Principia của Newton thế kỷ 17, nó chịu một khúc quanh đầu tiên lớn nhất trong lịch sử rất tích cực, gắn liền với cuộc cách mạng khoa học và có ảnh hưởng lớn lên phong trào khai sáng ở châu Âu. Và 250 năm sau, một khúc quanh khác có lẽ còn triệt để hơn đã diễn ra cũng tại châu Âu. Hilbert muốn nói về khúc quanh đó mà ông là một nhân chứng như một bài học nhận thức luận cho công chúng. Bài này không thể thiếu cho văn hóa khoa học.

Đoạn cuối của bài diễn từ (đoạn [6]) được Hilbert làm gọn lại, và được ông đọc trên radio trong bốn phút. Đó là diễn từ rất ấn tượng và nổi tiếng. Có thể nghe giọng nói của ông ở đây: https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/david-hilbert/.

Sự phân đoạn [1], [2], … là do người dịch thực hiện cho dễ đọc hơn về mặt tâm lý. Trong đoạn [2] tôi cũng đã lược bớt một thí dụ của ông. Tôi tin không làm ảnh hưởng đến toàn bộ ý tưởng của Hilbert, vốn rất phong phú.

Tôi rất mong nhận được các lời bình của các đc giả xa gần về nội dung bài viết của Hilbert.

Print Friendly and PDF

24.2.23

Chiến lược lâu dài của Nga ở châu Âu

CHIẾN LƯỢC LÂU DÀI CỦA NGA Ở CHÂU ÂU

Bằng cách kết hợp hỏa lực quân sự với sự rối loạn của Trái đất, nước Nga của Putin đã biến khí hậu thành vũ khí chiến tranh – chĩa về phía châu Âu. Kho vũ khí chiến lược và tác chiến mà nó triển khai, nét đặc thù của cái “ngưỡng cửa của chiến tranh” bên ngoài lãnh thổ Ukraine, lôi cuốn tất cả các bên liên quan trong một mối quan hệ chiến lược với thời gian.

Jean-Michel Valantin[*]

© AP Photo/Felipe Dana

Châu Âu đang trở lại địa ngục của chiến tranh, khi sự rối loạn khí hậu thể hiện những tác động ngày càng mãnh liệt của nó. Bước ngoặt của những năm 2022 và 2023 chứng kiến ​​sự chằng chịt, cả quốc tế và trên hành tinh, của cuộc chiến Ukraine và của sự phát triển không được kiểm soát của khí hậu. Thật vậy sự chằng chịt này cũng bị Điện Kremlin công cụ hóa như một vật liệu chiến lược. Các chiến lược được xây dựng dựa trên quá trình gần như là sự quân sự hóa “sức mạnh mềm”[1] của Nga, cụ thể là ảnh hưởng mà nước này được phong cho nhờ vị thế là một cường quốc nông nghiệp và năng lượng mạnh. Do đó, quyền lực mềm của Nga được chuyển hóa hoàn toàn thành một “vũ khí gây bất ổn trên diện rộng”, được thực hiện trên các đường đứt gãy của các xã hội châu Âu và Liên minh châu Âu.

Những tương tác giữa chiến lược của Nga và các tình huống địa chính trị và khí hậu của châu Âu áp đặt một thử thách lớn đối với châu Âu về sự gắn kết và khả năng phục hồi.

Trong bài viết này, chúng tôi khảo sát sự xuất hiện của những hình thức căng thẳng mới này và những vấn đề chiến lược mà chúng là cơ sở.

Print Friendly and PDF

23.2.23

ChatGPT: nghiên cứu của chúng tôi cho thấy AI có thể tạo ra các bài báo học thuật đủ tốt để đăng lên các tạp chí – cũng như có một số tạp chí đã cấm nó

CHATGPT: NGHIÊN CỨU CỦA CHÚNG TÔI CHO THẤY "AI" CÓ THỂ TẠO RA CÁC BÀI BÁO HỌC THUẬT ĐỦ TỐT ĐỂ ĐĂNG LÊN CÁC TẠP CHÍ –CŨNG NHƯ CÓ MỘT SỐ TẠP CHÍ ĐÃ CẤM NÓ

Xuất bản: 26 tháng 1 năm 2023 1 giờ 38 phút chiều theo giờ GMT
Cập nhật: 27 tháng 1 năm 2023 4 giờ 34 phút chiều theo giờ GMT

Ảnh: Shutterstock

Một số nhà xuất bản tạp chí học thuật lớn nhất thế giới đã cấm hoặc hạn chế tác giả của họ sử dụng con chatbot tiên tiến, ChatGPT. Vì lý do bot sử dụng thông tin từ internet để đưa ra các câu trả lời dễ đọc cho những câu hỏi nên các nhà xuất bản lo lắng rằng những công trình không chính xác hoặc đạo văn có thể lọt vào tài liệu học thuật.

Vài nhà nghiên cứu đã đưa ChatGPT vào danh sách đồng tác giả trong các nghiên cứu học thuật và một số nhà xuất bản đã chuyển sang cấm hành động này. Nhưng tổng biên tập của Science, một trong những tạp chí khoa học hàng đầu trên thế giới, đã đi một bước xa hơn, cấm sử dụng bất kỳ văn bản nào từ chương trình AI trong các bài báo đã nộp cho tạp chí.

Không có gì lạ khi việc sử dụng các chatbot như vậy được các nhà xuất bản học thuật quan tâm. Nghiên cứu gần đây của chúng tôi, xuất bản trong Finance Research Letters, cho thấy có thể dùng ChatGPT để viết ra một bài báo tài chính có khả năng được tạp chí học thuật chấp nhận. Mặc dù con bot hoạt động tốt hơn trong một vài lĩnh vực so với số còn lại, việc bổ sung kiến ​​thức chuyên môn của chúng tôi đã giúp khắc phục các hạn chế của chương trình trong mắt những biên tập viên các tạp chí.

Tuy nhiên, chúng tôi lập luận rằng các nhà xuất bản và nhà nghiên cứu không nhất thiết phải coi ChatGPT là mối đe dọa mà nên xem nó là một trợ lý quan trọng đầy tiềm năng cho nghiên cứu – một trợ lý điện tử với chi phí thấp hoặc thậm chí miễn phí.

Print Friendly and PDF

21.2.23

Một năm sau cuộc xâm lược Ukraine, khả năng chịu đựng ngạo nghễ của nền kinh tế Nga?

MỘT NĂM SAU CUỘC XÂM LƯỢC UKRAINE, KHẢ NĂNG CHỊU ĐỰNG NGẠO NGHỄ CỦA NỀN KINH TẾ NGA?

Ngày 17 tháng 2 năm 2023

Albert Lessoua

Trong một siêu thị ở Mátxcơva, ngày 12 tháng 12 năm 2022. Năm 2022, nền kinh tế Nga đã không suy sụp, nhưng đã bị suy thoái và sức mua của các hộ gia đình đã giảm. Oxana A/Shutterstock

Đầu năm 2022, nền kinh tế của Liên bang Nga là một trong những nền kinh tế lớn của thế giới, và có GDP được xếp hạng thứ 11 thế giới vào năm 2021. Nhưng, vào ngày 21 tháng 2, bỗng Moscow đã quyết định công nhận nền độc lập của khu vực ly khai Donbass, rồi tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vài ngày sau đó, bất chấp luật pháp quốc tế.

Các nước phương Tây đã có phản ứng rất nhanh chóng và đã tăng cường các biện pháp trừng phạt trong suốt cả năm. Không tự định vị là một bên tham chiến, nhiều quốc gia thuộc NATO đã đặt cược vào một đáp trả về kinh tế: Liên minh châu Âu đã khai trừ [Nga] khỏi hệ thống thương mại thế giới có đi có lại, khỏi mạng Swift, và gia tăng các biện pháp trừng phạt, cho đến việc triển khai một lệnh cấm vận, vào ngày 5 tháng 2 vừa qua, đối với tất cả các sản phẩm dầu tinh chế của Nga. Với mục tiêu là “giới lãnh đạo Nga cần hiểu rằng việc lựa chọn chiến tranh sẽ khiến cho các dân tộc và Lịch sử cô lập đất nước họ”, như lời tuyên bố của Emmanuel Macron trong bài phát biểu vào ngày 2 tháng 3 năm 2022.

Bị suy yếu một cách tương đối, nền kinh tế Nga vẫn cho thấy một khả năng chịu đựng nhất định vào năm 2022. Khác xa với dự đoán của IMF, vào tháng 4, về tình trạng suy giảm thê thảm 8,5%, sự tăng trưởng kinh tế của Nga chỉ trải qua một mức suy thoái 2,2%. Và thậm chí còn dự kiến một mức tăng trưởng nhẹ 0,3% vào năm 2023. Liệu nền kinh tế Nga có thực sự đang trong tình trạng tồi tệ?

Print Friendly and PDF

19.2.23

ChatGPT sẽ làm chúng ta bớt cả tin không?

CHATGPT SẼ LÀM CHO CHÚNG TA BỚT CẢ TIN KHÔNG?

Tác giả: Erwan Lamy[*]

Cách đây vài tuần, ngày 30 tháng 11 năm 2022, công ty OpenAI đã tung ra cho thế giới một sản phẩm trí tuệ nhân tạo ngoạn mục, ChatGPT - Chat Generative Pre-trained Transformer -. Sau DALL•E, một hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra những hình ảnh từ những mô tả viết bằng ngôn ngữ bình thường, ChatGPT có khả năng phỏng theo hầu như hoàn hảo toàn bộ những cuộc thảo luận, hay trả lời những câu hỏi phức tạp bằng cách tạo ra những văn bản có vẻ như xuất phát trực tiếp từ một bộ não con người.

Tiến bộ mới này không khỏi gây lo lắng, vì những lý do kinh tế (đặc biệt là có thể hủy bỏ một số việc làm), đạo đức (ví dụ với nguy cơ thấy những mô hình ngôn ngữ như ChatGPT lấy lại những diễn ngôn mang tính kỳ thị chủng tộc), hay “nhận thức” (“épistémique”), vì cho đến nay kiểu trí tuệ nhân tạo này không phân biệt được những thông tin đáng tin cậy với những thông tin đáng ngờ (thuật ngữ “épistémique” liên hệ đến việc tạo ra hay thủ đắc những kiến thức và thông tin đáng tin cậy).

Tuy nhiên có nhiều lý do để nghĩ rằng việc dân chủ hóa ChatGPT và các công cụ tương tự có thể là một tin tốt, ít ra là đối với mối quan hệ giữa chúng ta và thông tin.

Print Friendly and PDF

17.2.23

Chống lại sự thao túng lịch sử. Lời nói đầu cho ấn bản mới của “Thời đại thái cực” của Eric Hobsbawm

CHỐNG LẠI SỰ THAO TÚNG LỊCH SỬ

Lời nói đầu cho ấn bản mới của “Thời đại thái cực” của Eric Hobsbawm

Đây là bài tựa cho ấn bản cuốn sách của nhà sử học Anh Eric Hobsbawm (1917-2012) đã được chỉnh sửa và cập nhật mới được NXB Agone ấn hành.

Serge Halimi, 16 tháng tư 2020

Le Monde Diplomatique

Vassily Kandinsky. — “Jaune-Rouge-Bleu, 1925

Chúng ta có thể chịu đựng sống trong hang động, chiêm ngưỡng bóng tối của nó, miễn là, ít nhất là một lần trong cuộc sống, chúng ta có thể phá bỏ xiềng xích của mình, cảm thấy đôi cánh của mình lớn lên, nhìn thấy mặt trời.

Upton Sinclair, La Jungle (1906)

Lịch sử của thế kỷ 20 đã kết thúc từ lâu, nhưng sự diễn giải nó chỉ mới bắt đầu. Ít nhất là về điểm này, và chỉ về điểm này, lịch sử nối lại với ký ức mà Hobsbawm cho rằng “không phải là một cơ chế để ghi lại mà là một cơ chế để chọn lọc” cho phép “đọc những mong muốn của hiện tại trong quá khứ”.

Eric J. Hobsbawm (1917-2012)

Liệu chúng ta có thể thoát khỏi sự lệch lạc như vậy không khi một quá khứ rất gần đè nặng lên hầu hết mọi cuộc đấu tranh đương thời của chúng ta? Sự giải thích về triều đại của Louis XI tất yếu ít gây chấn động đối với độc giả ngày nay, nhất là khi người này còn hoạt động tích cực về mặt chính trị, hơn là sự phân tích lịch sử của chủ nghĩa cộng sản, việc nhắc lại các vụ thiêu đốt dân thường bằng vũ khí hạt nhân hoặc việc xác định các lực lượng xã hội ủng hộ sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít. Điều này thậm chí còn đúng hơn khi trật tự hiện tồn gây ra gần hàng loạt các cuộc nổi dậy ở gần khắp mọi nơi và vẫn chưa thể xếp vào hạng mục những cổ tích đầy bụi bm các chương gần đây của một lịch sử đã chứng kiến ​​các dân tộc lật đổ những gì được coi như là không thể bị lật đổ. Niềm hy vọng của họ đôi khi bị thất vọng, bị tiêu diệt, bị chặt đầu (câu chuyện này ai cũng biết), nhưng đôi khi cũng được đền đáp (và câu chuyện này ngày càng ít đi). Nhân loại không phải lúc nào cũng bất lực và không có vũ khí khi khao khát thay đổi vận mệnh của mình. Nói cách khác, chúng ta không bao giờ bị “buộc phải sống trong thế giới mà chúng ta đang sống[1]”.

François Furet (1927-1997)

Điều này không còn được coi là đương nhiên vào năm 1994 khi Hobsbawm xuất bản The Age of Extremes/Thời đại Thái cực. Và thậm chí còn ít hơn vào năm sau khi, dưới sự bảo trợ của quỹ Saint-Simon mà ông đã thành lập, François Furet đã công bố Le Passé d´une illusion/Quá khứ của một ảo tưởng ở Pháp. Trong tâm trí của con người trước đây là cộng sản, người đã tự nhận mình từng ca tụng Stalin trước khi sau cùng trở thành một người theo chủ nghĩa tự do kiên trì, vấn đề rõ ràng là phải tiễu trừ “ảo tưởng” về một xã hội hậu tư bản. Furet dự định tẩy sạch ảo tưởng này ra khỏi đất nước, giống như hai thập kỷ trước đó ông đã từng giải ngộ cuộc Cách mạng Pháp. Thành công của ông sau đó càng được chú ý hơn khi kỷ niệm hai trăm năm cách mạng 1789 trùng với sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Nhà sử học cộng sản Albert Mathiez đã mô tả Lênin như là “một Robespierre đã thành công”, và mọi người đều biết rằng những người Bolshevik đã lấy cảm hứng từ những người Jacobins, như vậy cùng một xẻng đất được dùng để chôn vùi hai điều không tưởng. Đúng vậy, nhưng được bao lâu?

Print Friendly and PDF

15.2.23

ChatGPT được đưa vào danh sách tác giả trên các bài nghiên cứu: nhiều nhà khoa học không tán thành

CHATGPT ĐƯỢC ĐƯA VÀO DANH SÁCH TÁC GIẢ TRÊN CÁC BÀI NGHIÊN CỨU: NHIỀU NHÀ KHOA HỌC KHÔNG TÁN THÀNH

Ít nhất bốn bài báo công nhận công cụ AI với tư cách là đồng tác giả, khi các nhà xuất bản đua nhau để điều chỉnh việc sử dụng nó.

Chris Stokel-Walker


Chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT đảo lộn nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả học thuật. Ảnh: Iryna Imago/Shutterstock

Chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT vốn gây bão trên toàn thế giới đã chính thức ra mắt trong các tài liệu khoa học — đạt được ít nhất bốn ghi công tác giả trên các bài báo và bản thảo.

Các biên tập viên, nhà nghiên cứu và nhà xuất bản tạp chí hiện đang tranh luận về vị trí của các công cụ AI như vậy trong các tài liệu đã xuất bản và liệu việc trích dẫn bot với tư cách là tác giả có phù hợp không. Các nhà xuất bản đang chạy đua để tạo chính sách cho chatbot GPT, công cụ đã được phát hành miễn phí vào tháng 11 bởi công ty công nghệ OpenAI ở San Francisco, California.

ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), tạo ra các câu có vẻ thuyết phục bằng cách bắt chước kiểu cấu tạo ngẫu nhiên ngôn ngữ trong cơ sở dữ liệu văn bản khổng lồ được thu thập và đối chiếu từ Internet. Con bot đã đảo lộn các lĩnh vực bao gồm cả học thuật: cụ thể, ChatGPT đang đặt ra câu hỏi về tương lai của các bài luận đại học và sản phẩm nghiên cứu.

Print Friendly and PDF

13.2.23

Pierre Nora (1931-)

PIERRE NORA (1931-)

Patrick Garcia[*]

Pierre Nora (1931-)

Sinh năm 1931, cử nhân văn chương và triết học, thạc sĩ lịch sử, Pierre Nora có một sự nghiệp kép vừa là sử gia vừa là nhà xuất bản.

Với tư cách là người xuất bản sách, đặc biệt ông đã sáng lập tủ sách “Archives” (1964) trong NXB Juliard, rồi trở thành giám đốc văn chương cho NXB Gallimard, sáng lập “Bibliothèque des sciences humaines” (1966), “Témoins” (1967) và “Bibliothèque des Histoires” (1970). Các tủ sách này đồng hành cùng sự phát triển của trào lưu “Nouvelle Histoire” và tức thì được công nhận là những tác phẩm tham chiếu có mẫu số chung là chia sẻ tham vọng “bám sát những chuyển động” của thời cuộc các tác phẩm lịch sử. Tủ sách “Archives” (Kho sử liệu) đổi mới khi để cho bạn đọc tiếp cận với các nguồn được các sử gia sử dụng. Tủ sách “Bibliothèque des Histoires” (Thư viện các lịch sử) mà văn bản sáng lập lấy cảm hứng từ những luận điểm của Michel Foucault, đã trở thành biểu tượng cho sự “bung vỡ của sử học” và sự “đổi mới các phương pháp, chia cắt và đối tượng của sử học”. Cũng cùng một mối quan tâm đến thời cuộc trí thức và quyết tâm can dự vào thời cuộc ấy đã đưa P. Nora thành lập tạp chí Le Débat (Tranh luận) vào năm 1980.

Tuy nhiên không vì thế mà Pierre Nora từ bỏ sử học. Ông đặc biệt quan tâm hai lãnh địa: một mặt là thuật viết sử và khoa học luận của sử học và mặt khác là quốc gia.

Print Friendly and PDF

11.2.23

Tương lai nào cho các nhà sản xuất nội dung? Cuộc trò chuyện với… ChatGPT!

TƯƠNG LAI NÀO CHO CÁC NHÀ SẢN XUẤT NỘI DUNG? CUỘC TRÒ CHUYỆN VỚI… CHATGPT!

Mô hình ngôn ngữ do OpenAI phát triển có thể hiểu và tạo văn bản bằng các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến.

Marc Bidan[*]

Đóng góp này là kết quả của một cuộc gặp ảo với ngôi sao kỹ thuật số hiện nay ChatGPT, ra mắt vào cuối năm 2022, qua đó chúng tôi đã đặt một số câu hỏi. Ngoài ấn tượng rất mạnh, những nỗi sợ hãi và biến động mà robot đàm thoại này khơi dậy, chúng tôi tập trung đặt câu hỏi vào những tác động tiềm ẩn của nó đối với một phương tiện truyền thông như The Conversation, vốn tự định vị là nơi hợp lưu giữa báo chí và nghiên cứu học thuật. Các câu hỏi là 100% của con người và câu trả lời là 100% của ChatGPT vào ngày 16 tháng 1 lúc 3:40 chiều!

Đọc bài phỏng vấn này chắc chắn giúp ta thấy được những hạn chế của công cụ này ở thời điểm hiện tại: sự lặp đi lặp lại, văn phong ít được trau chuốt, câu trả lời tương đối rỗng tuếch, v.v.. Do đó, sự tinh tế và sáng tạo của con người dường như không gặp nguy hiểm ngay lập tức – và ChatGPT đảm bảo ngày nay rằng nó sẽ luôn là phần bổ sung cho sự lao động của con người, ngay cả khi một phiên bản mới, mạnh mẽ hơn nhiều có thể được đưa lên mạng ngay trong năm nay. Chúng ta có nên tin không? Tùy thuộc vào bạn để có ý kiến của bản thân!

Print Friendly and PDF

9.2.23

Học thuyết Musk: công nghệ chính trị học của một gã khổng lồ về công nghệ

HỌC THUYẾT MUSK: CÔNG NGHỆ CHÍNH TRỊ HỌC CỦA MỘT GÃ KHỔNG LỒ VỀ CÔNG NGHỆ

Để hiểu tính hợp lý của hệ thống Musk, phải phá vỡ các nguyên tắc lớn của nó. Qua việc vô hiệu hóa internet vệ tinh Starlink ở Ukraine hay ý định mua lại Twitter với ít nhiều rối rắm, nhà tỷ phú đang xây dựng một thế lực địa chính trị chính quy, bổ sung cho những đặc quyền hiện nay của Mỹ - một thế lực được xây dựng trên một hỗn hợp mới: khiêu khích trực tuyến (trolling), công nghệ toàn phần, chính trị-công nghệ. Asma Mhalla phân tích rõ trong nghiên cứu này.

Tác giả: Asma Mhalla

Hình ảnh: © Patrick Pleul/Pool via AP

Elon. Musk. Một nhân vật, nổi tiếng thiên tài và kỳ khôi, chia rẽ, khiêu khích, làm cho cuồng loạn. Mỗi một tweet (bài đăng trên twitter - ND) của ông ta đều được bình luận, mổ xẻ, đưa lên trang nhất của chương trình truyền thông. Ông là một ngôi sao đang thụ hưởng một quyền lực mềm cá nhân mạnh mẽ, cùng với quyền lực tài chính to lớn của ông. Nhưng dù được ca ngợi hay bị ghét, người ta cũng phải biết ông vẫn là biểu tượng của những cải tổ định hình lại cấu trúc quyền lực. Để hiểu tính hợp lý của hệ thống Musk, cần thiết phải phá bỏ các nguyên tắc lớn của hệ thống này, có thể được cảm nhận dễ dàng qua những hàm ý trong các tweet của ông. Bài báo này đề nghị vài hướng suy nghĩ về nền tảng của học thuyết của ông.

Musk là tên của điều gì?

Cho đến những công bố gây luận chiến gần đây của ông về trường hợp của Ukraine hay Đài Loan, Elon Musk được biết đến như một doanh nhân có tầm nhìn xa và có tính đột phá. Sau một giai đoạn phát triển Paypal [công ty thanh toán điện tử] mà ông cùng làm việc với Peter Thiel và đã giàu lên, từ năm 2002 ông chuyển qua ba lĩnh vực chiến lược kết hợp các công nghệ mới và công nghiệp nặng: Tesla (xe hơi điện), Neutalink (khởi nghiệp công nghệ thần kinh, NBIC [Nanotechnology, Biotechnology, Information Technology and Cognitive Sciences], nổi tiếng với kỹ thuật cấy chip vào não người), Space X (hàng không vũ trụ, công ty mẹ của các vệ tinh Starlink), The Boring Company (một doanh nghiệp thượng vàng, hạ cám, từ đào các đường hầm, súng phun lửa cho đến nước hoa). Nhưng Musk không giới hạn vào việc thực hiện nhanh chóng và thành công nhiều dự án công nghiệp của ông, ông đặc biệt có một niềm vui tinh quái là đưa lên Twitter nhiều cuộc luận chiến đa dạng chắt lọc các ý kiến hay tầm nhìn của ông về thế giới. Tuần tự phê phán phe dân chủ hay phe cộng hòa, những cuộc đấu khẩu đối nghịch ông với tổng thống Joe Biden mà ông có quan hệ xấu, thương thảo căng thẳng với dàn lãnh đạo của Twitter lúc ông thông báo mua lại doanh nghiệp này, đề nghị một kế hoạch hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine, ý kiến về quy chế của Đài Loan, lấy lập trường chính trị bảo thủ rõ ràng trong lĩnh vực phong tục hay tập trung vào công nghệ khi giải quyết sự rối loạn khí hậu hay sự suy giảm dân số, lập trường về các đồng tiền mã hóa [tiền điện tử] không ổn định và gây mất ổn định… Và phương thức này vận hành tốt. Mỗi tweet tự nó là một sự kiện nho nhỏ, khuấy động trong vài giờ lĩnh vực chính trị-truyền thông.

Print Friendly and PDF

7.2.23

Vì sao người ta nói nhiều về ChatGPT?

VÌ SAO NGƯỜI TA NÓI NHIỀU VỀ ChatGPT?

Thierry Poibeau

Việc ChatGPT ra mắt vào ngày 30 tháng 11 vừa qua đã đánh dấu một cột mốc mới trong sự phát triển các công nghệ về xử lý ngôn ngữ. Trong mọi trường hợp, đây là lần đầu tiên một hệ thống AI, kết quả trực tiếp từ công trình nghiên cứu, đã khơi dậy sự nhiệt tình như thế: nhiều bài viết đã xuất hiện trên các báo chuyên ngành cũng như trên các báo phổ thông. ChatGPT (hay OpenAI, công ty phát triển ChatGPT, hoặc cả hai) đã đều đặn dẫn đầu xu hướng trên Twitter cho đến tận ngày nay.

Vì sao có một tiếng vang lớn như thế? Liệu các khả năng của ChatGPT có đánh dấu một bước ngoặt khác so với các công nghệ trước đây trong việc tạo ra các văn bản hay không?

Print Friendly and PDF

5.2.23

Jacques Derrida: “Nếu tôi có thể nói nhiều hơn một câu ...”

JACQUES DERRIDA: “NẾU TÔI CÓ THỂ NÓI NHIỀU HƠN MỘT CÂU…”

Phỏng vấn do Sylvain Bourmeau[*], Jean-Max Colard[**]Jade Lindgaard[***] thực hiện

Jacques Derrida (1930-2004)
Jean-Michel Blanquer (1964-)

Theo Jean-Michel Blanquer[1], tư tưởng của Derrida là một loại virus. Đó là lý do chính đáng để dành thời gian cho nhà triết học của mục tiêu mới cần phải bắn hạ - “giải cấu trúc” - thời gian để triển khai tư tưởng của mình, như cách đây mười tám năm nó đã cho phép chúng ta nắm được những gì, trong sự vận hành của thế giới, chỉ càng nổi bật trong lĩnh vực chính trị và truyền thông.

Cùng với Foucault và Deleuze, và giữa cơn đại dịch toàn cầu, tư tưởng của Jacques Derrida gần đây đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia, Jean-Michel Blanquer, mô tả như một “vi-rút”, người đã làm tôi ngạc nhiên khi tưởng tượng rằng ông chắc hẳn đã từng đọc Fig Mag vào thời điểm mà, phong trào sinh viên tháng 11-12 năm 1986, giám đốc của tờ báo này, Louis Pauwels, cho rằng cần phải mỉa mai về căn “bệnh AIDS tâm thần”... Ít, có quá ít phản ứng về điều khủng khiếp này đã được phát biểu một cách chính thức bên lề cái gọi là “hội thảo” Sorbonne, trong đó một hội đồng cau có đã quyết định lấy khái niệm “giải cấu trúc” của Derrida làm mục tiêu, ngoại trừ phản ứng của Elisabeth Roudinesco, một người trung thành, đã lựa chọn trên tờ Le Monde nói về “cuộc chiến chống trí tuệ”, và đó không phải là ngẫu nhiên.

Gilles Deleuze (1925-1995)
Michel Foucault (1926-1984)

“Lời kêu gọi chống lại cuộc chiến chống trí tuệ là tiêu đề của văn bản chẩn đoán mà vào tháng 2 năm 2004, cùng với một số người bạn, chúng tôi đã viết cho tạp chí Les Inrockuptibles sau đó quyết định kêu gọi công chúng ký vào, và nó đã trở thành trong vài giờ, tại Pháp, bản kiến ​​nghị đầu tiên tận dụng tối đa công nghệ kỹ thuật số, thu thập hàng trăm nghìn chữ ký, đến mức được đưa lên trang nhất của tờ New York times và dẫn đến sự sa thải Bộ trưởng Văn hóa lúc bấy giờ là Jean-Jacques Aillagon. Đơn giản, đó là một câu hỏi về việc liên kết các phong trào xã hội khác nhau gần đây, từ các nhân viên giải trí không thường xuyên đến các thẩm phán, từ nhà nghiên cứu đến kiến ​​trúc sư, từ nhà phân tâm học đến sinh viên, tất cả những người, theo chúng tôi, dường như chống đối lại một điều mà chúng tôi đ nghị gọi bằng tên của chính nó: một cuộc tấn công triệt để vào trí tuệ, được hiểu theo từ nguyên là một cách kết nối, tạo ra xã hội.

Tất nhiên, Jacques Derrida là một trong những người đầu tiên đã ký kiến nghị. Và ông ấy rất tức giận khi, để thay thế vị bộ trưởng bị sa thải này – không phải là người tồi tệ nhất - Thủ tướng vào thời điểm đó, Jean-Pierre Raffarin, đã chỉ định người mà ông ấy đã cử đi làm nhiệm vụ đáp trả Lời kêu gọi của chúng tôi trên trang nhất của tờ Le Monde, một Renaud Donnedieu de Vabres nào đó…

Tức giận đến mức ông đã mời chúng tôi đến nhà ông để nói chuyện chính trị. Jacques Derrida bị ốm, tôi tin là ông biết rằng bệnh của ông không thể chữa được nữa - ông ấy đã mất sáu tháng sau đó. Vì vậy, Jade Lindgaard, Jean-Max Colard và tôi, cùng với nhiếp ảnh gia Laure Vasconi, vào một ngày tháng 3 năm 2004, đã đi về phía ngôi nhà nhỏ trong một khu nhà ở Ris-Orangis, trong đó, đó không phải là điều được bịa ra, Jacques và Marguerite Derrida chuyển đến vào tháng 5 năm 1968. Và chúng tôi đã có một buổi chiều tuyệt vời và khó quên để thực hiện, cho tờ báo khi đó của chúng tôi, Les Inrockuptibles, cuộc phỏng vấn dài này mà tôi nghĩ là đặc biệt thích hợp để xuất bản lại hôm nay, khi nó vang lên, mười tám năm sau.

Sylvain Bourmeau.

Print Friendly and PDF