30.4.24

Cho con tới Brooklyn

CHO CON TỚI BROOKLYN

Nguyễn Hồng Sơn

LTS – Tối thứ sáu 26.4.2024, tại Foyer Vietnam (Paris), gần một trăm bạn bè Pháp và Việt Nam, có người tới từ tỉnh xa, đã dự bữa ăn ủng hộ vụ Trần Tố Nga kiện Monsanto và những công ti hóa chất sản xuất Chất Da Cam – Dioxin. Tham gia cuộc gặp này, còn có phái đoàn của hội VAVA (Hội nạn nhân Chất Da Cam ở Việt Nam), dẫn đầu là bác sĩ quân y, thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, phó chủ tịch VAVA. Phái đoàn sang Pháp để ủng hộ bà Trần Tố Nga vào dịp Tòa án phúc thẩm Paris sẽ xét xử vào ngày 7.5.2024 tới đây.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn còn là một nhạc sĩ nghiệp dư. Cách đây gần 20 năm, khi tòa án Brooklyn (Mỹ) bác bỏ vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam, ông đã mượn lời một em bé nói lên nỗi lòng của mấy triệu nạn nhân Chất Da Cam ở Việt Nam – và rộng hơn nữa, ở Mỹ và nhiều nước khác. Lời kêu gọi “xuống đường” và cất tiếng hỏi “vì sao” của em bé trong bài ca đã gặp sự đồng thanh tương ứng ở bên kia bờ Thái Bình Dương: điển hình là cuộc chiến đấu của bà Carol Van Strum (xem bài Hai người phụ nữ, một cuộc gặp, Diễn Đàn 12.4.24). Chắc chắn nó sẽ được cộng hưởng tại Quảng trường La République Paris 15g chiều thứ bảy 4-5-2024, cũng như tại Tòa án Paris sáng ngày 7.5.2024.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tác phẩm của Nguyễn Hồng Sơn:

Print Friendly and PDF

Hai người phụ nữ, một cuộc gặp

HAI NGƯỜI PHỤ NỮ, MỘT CUỘC GẶP

Tác giả: Lam Ngọc

Tại Pháp, có một người phụ nữ người Pháp gốc Việt đã ngoài 80, trong hơn 10 năm qua, đã chấp nhận sống đơn độc, xa gia đình, xa con và cháu để theo đuổi vụ kiện chống lại các tập đoàn hóa chất Mỹ đã sản xuất chất khai quang trong đó có chứa nồng độ dioxine rất cao trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tuổi cao, bệnh nhiều, đã nhiễm chất khai quang trong chiến tranh Việt Nam, bà Trần Tố Nga hội đủ ba điều kiện để kiện: công dân Pháp đang sống trên đất Pháp có bộ luật cho phép luật sư Pháp thực hiện các vụ kiện quốc tế đồng thời là nạn nhân da cam đã có xác nhận của một phòng thí nghiệm.

Đây là vụ kiện duy nhất trong lịch sử về thảm họa da cam không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Philippines, Australia, New Zealand, là những nước đã từng cử các công dân của mình tham gia chiến tranh Việt Nam.

19 công ty hóa dầu Mỹ, đứng đầu là Monsanto, Dow Chemical đã chấp nhận hầu tòa đại hình Evry với 19 phiên tòa phúc thẩm và một phiên tranh tụng mà kết quả là Tòa đại hình Evry tuyên bố “không có quyền thụ lý đơn kiện của bà Trần Tố Nga” dù đã trải qua hơn sáu năm thụ lý từ 2015 đến 2021.

Ngày 7 tháng 5 năm 2024, không mệt mỏi, bà Trần Tố Nga sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu của mình tại phiên xử phúc thẩm của tòa án phúc thẩm Paris.

Tại Mỹ, bang Oregon, có một người phụ nữ tên Carol Van Strum.

Print Friendly and PDF

29.4.24

Hãy hát cùng nhau

HÃY HÁT CÙNG NHAU

Xã hội học karaoke

Christophe Gaudin[*]

Ở Phương Tây, người ta một mình liều lĩnh nhập cuộc với micro trước đám khán giả người lạ. Ở Châu Á, người ta hát cùng nhau, với bạn bè hoặc đồng nghiệp, để tạo ra một nơi náu mình, một bong bóng giữa chúng ta với nhau. Mỗi xã hội đều có van riêng của mình để xả hơi!

-------------------------------------------------------

“Karaoké” là một từ ghép rút gọn, sự kết hợp của karappo, 空っぽ, có nghĩa là trống rỗng và dàn nhạc/orchestra, được phát âm trong tiếng Nhật. Một phép ẩn dụ trong suốt để gợi ý rằng một ca sĩ xuất hiện trên sân khấu mà không cần có nhạc sĩ đi cùng. Nhưng phép ẩn dụ này cũng gây hiểu lầm và đó là lý do khiến nó mang lại nhiều thông tin.

Một sự chuyển dịch nhỏ xảy ra khi chúng ta chuyển dịch từ karaoké sang các ngôn ngữ Phương Tây, một sự chuyển dịch cũng bộc lộ rất rõ cách thức mà khái niệm này được xuất khẩu sang Phương Tây. Không quá đáng khi nói rằng những gì bị bỏ sót trong cách dịch cụm từ “dàn nhạc trống rỗng” theo từng chữ lại chính là điều khiến karaoké trở nên phổ biến ở các xã hội Đông Á.

Print Friendly and PDF

27.4.24

Đọc sách Dặm đường tôi đi của Võ Quang Huệ

Giới thiệu sách mới

Võ Quang Huệ

DẶM ĐƯỜNG TÔI ĐI[*]

Hành trình từ BMW, BOSCH đến VINFAST

Cuốn sách đã được giới thiệu tại đường sách TP HCM và tại không ít trường đại học cũng như trên nhiều báo, đài (Thời báo Kinh tế SG, Đầu tư, Nhân Dân, Đài Truyền hình Quốc hội...), và tác giả được NXB cho biết hai lần in đầu (mỗi lần 2000 cuốn) đã bán hết, đang chuẩn bị in lần 3... Nhưng người viết bài này vẫn ngậm ngùi với con số mấy ngàn bản ấy đối với một cuốn sách lẽ ra ngay lần đầu phải được in ra vài chục ngàn nếu không muốn nói hàng trăm ngàn bản và mau chóng bán hết trong đất nước 100 triệu dân rất đang cần loại sách hữu ích và hấp dẫn này. 

Tôi đã có dịp biết anh Huệ từ thời anh hoạt động trong phong trào sinh viên phản chiến tại Đức, và vào khoảng năm 2000 nhân một chuyến đi chơi Ai Cập vợ chồng tôi đã được anh lấy một ngày nghỉ (lúc đó anh làm Tổng đại diện hãng xe BMW tại Cairo) đưa đi thăm thành phố và mấy Kim tự tháp gần đó. Nhưng phải đọc sách tôi mới biết nhiều công việc anh làm cho BMW ở nhiều nước và nhiều cương vị, trong đó có giai đoạn làm ở Việt Nam (đề án lắp ráp xe BMW liên doanh với công ty VMC), và nhất là những công việc anh làm với Bosch - tập đoàn sản xuất linh kiện ô tô hàng đầu thế giới (từ 2007 đến 2017, với cương vị Tổng giám đốc Bosch Việt Nam), rồi chuẩn bị về hưu thì được Vingroup mời làm Phó Tổng giám đốc để xây dựng đề án làm ô tô Vinfast (trong 22 tháng trời, từ lúc ông Phạm Nhật Vượng mời anh đến để nói về ý tưởng làm xe tới lúc những chiếc xe Vinfast đầu tiên ra lò). Như tiểu đề của sách cho biết, “Hành trình từ BMW, Bosch đến Vinfast” của tác giả là chủ đề chính của sách, với nhiều câu chuyện lý thú thuật lại quá trình làm việc đó và những kinh nghiệm của anh, một người kỹ sư được đào tạo bài bản và đạt những thành quả đáng kể trong suốt đời hoạt động của mình. Nội dung của nhiều bài học anh rút ra chính là phần hữu ích mà, theo thiển ý, bạn đọc có thể và cần suy ngẫm cho chính mình, dù bạn là một sinh viên mới ra trường, một kỹ sư đứng đầu một ê-kíp trong sản xuất hay điều hành cả một nhà máy, một nhà quản lý cần thương lượng với đối tác trong kinh doanh...

Print Friendly and PDF

25.4.24

SAINT-SIMON Claude-Henri de, 1760-1825

SAINT-SIMON Claude Henri de, 1760-1726

Sự nghiệp của Saint-Simon diễn ra vào một thời kì quan trọng trong lịch sử ra đời của xã hội học. Xuất thân từ một gia đình quý tộc nhưng bị tước mất tài sản, ông tích cực tham gia vào các cuộc xung đột lớn của thời đại ông: chiến tranh giành độc lập của Hoa Kì khi ông chiến đấu với tư cách sĩ quan từ năm 1777 đến năm 1783 và cuộc cách mạng 1789 mà ông đã tham gia trước khi bị nghi làm giàu bất chính và phải vào tù. Ngay cả trước khi Đế chế Pháp sụp đổ, ông đã quyết định chỉ tập trung vào các công trình khoa học với sự hỗ trợ của hai thư kí, lần lượt là A. Thierry và A. Comte.

Từ công trình đầu tiên công bố năm 1802, ông thiết lập dự án áp dụng cho các sự kiện của con người, “những hiện tượng gọi là đạo đức”, các phương pháp của các khoa học vật lí. Trước tiên, ông chờ đợi từ vật lí chất lỏng những mô hình tư duy cần thiết cho sự hình thành của “Khoa học về Con người”, rồi quay sang sinh học và có tham vọng phân tích những quan hệ xã hội bằng những khái niệm của “sinh lí học”. Con đường vòng qua các khoa học tự nhiên cho phép ông đoạn tuyệt với những giải thích thần học, “có tính ước đoán” và với triết học. Như ông thường lặp lại, mọi tri thức phải “đi từ ước đoán đến thực chứng”.

Print Friendly and PDF

24.4.24

Mỹ châm thêm lửa ở Trung Đông

MỸ CHÂM THÊM LỬA Ở TRUNG ĐÔNG

Tác giả: Stephen M. Walt (Foreign Policy)

Người dịch: Nguyễn Phú Lộc

Israel đang ngày càng gặp nguy hiểm nhưng trách nhiệm nằm ở Washington nhiều hơn là ở Tehran.

Quyết định của Iran trả đũa cuộc tấn công của Israel vào lãnh sự quán của họ ở Damascus, bằng cách tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa cho thấy chính quyền Biden đã xử lý sai vấn đề ở Trung Đông như thế nào. Sau khi tự thuyết phục mình vào đêm trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 rằng, khu vực này “yên tĩnh hơn so với nhiều thập kỷ trước”, các quan chức Hoa Kỳ kể từ đó đã phản ứng theo những cách khiến tình hình đã tồi tệ càng trở nên tồi tệ hơn. Điều tốt nhất mà người ta có thể nói để bào chữa cho họ là họ có rất nhiều bạn đồng tình: Các chính quyền Trump, Obama, Bush và Clinton vốn cũng đã tạo ra nhiều thứ tương tự.

Phản ứng của chính quyền trước cuộc tấn công tàn bạo của Hamas vào ngày 7 tháng 10 có ba mục tiêu chính. Đầu tiên, họ đã tìm cách truyền đạt sự ủng hộ kiên định dành cho Israel: ủng hộ Israel bằng các tuyên bố, thường xuyên trao đổi với các quan chức hàng đầu của Israel, bảo vệ Israel trước các cáo buộc diệt chủng, phủ quyết các nghị quyết ngừng bắn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cung cấp cho nước này nguồn cung ứng vũ khí ổn định, những vũ khí sát thương. Thứ hai, Washington đã cố gắng ngăn chặn xung đột ở Gaza leo thang. Cuối cùng, họ đã cố gắng thuyết phục Israel hành động kiềm chế, vừa để hạn chế gây tổn hại cho dân thường Palestine vừa để giảm thiểu thiệt hại cho hình ảnh và danh tiếng của Hoa Kỳ.

Print Friendly and PDF

23.4.24

Tác động kinh tế và xã hội của trí tuệ nhân tạo, một cuộc đàm thoại với Martin Tisné, Ann Bradford, Anne Bouverot, Marc Faddoul và Brando Gabriel Ramos

TÁC ĐỘNG KINH TẾ VÀ XÃ HỘI CỦA TRÍ TUỆ NHÂN TẠO, MỘT CUỘC ĐÀM THOẠI VỚI MARTIN TISNÉ, ANU BRADFORD, ANNE BOUVEROT, GABRIELA RAMOS, MARC FADDOUL VÀ BRANDO BENIFEI

ChatGPT mới xuất hiện gần một năm nay. Từ đó, trí tuệ nhân tạo đã trở thành một chủ đề bàn luận toàn cầu. Giữa những vấn đề địa chính trị mà cuộc cách mạng công nghệ này là nguồn gốc và những xáo trộn mà ChatGPT gây ra trong các xã hội Phương Bắc và Phương Nam, trí tuệ nhân tạo làm lung lay mọi điều mà ta đã tin chắc. Liệu chúng ta còn có thể tác động đến tương lai mà trí tuệ nhân tạo dành cho chúng ta? Đó là toàn bộ nội dung của cuộc thảo luận phong phú với sáu người tham gia đã diễn ra trong buổi họp thượng đỉnh năm 2023 của Grand Continent.

Các tác giả: Anu Bradford, Gabriela Ramos, Anne Bouverot, Brando Benifei, Marc Faddoul, Martin Tisné

Cuộc đàm thoại này được ghi lại từ bàn tròn “Tác động kinh tế và xã hội của trí tuệ nhân tạo” do Martin Tisné điều hành, đã qui tụ Anu Bradford, Anne Bouverot, Gabriela Ramos, Marc Faddoul và Brando Benifei trong lần xuất bản đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh của Grand Continent diễn ra tại Vallée d’Aoste, từ 18 đến 20 tháng 12 năm 2023. Chúng tôi công bố kỷ yếu hội nghị và các video của các phiên toàn thể.

Print Friendly and PDF

21.4.24

Xây dựng một mô hình trung tâm-ngoại vi trong khoa học xã hội

XÂY DỰNG MỘT MÔ HÌNH TRUNG TÂM-NGOẠI VI TRONG KHOA HỌC XÃ HỘI

Các khía cạnh đặt vấn đề trong quan hệ quốc tế trong khoa học xã hội

Wiebke Keim[*]

Mục đích của bài này là phân tích những bất bình đẳng và thứ bậc toàn cầu trong quá trình sản xuất và phổ biến kiến ​​thức xã hội học trong viễn cảnh Nam-Bắc. Bài đề xuất một mô hình trung tâm-ngoại vi để nắm bắt những bất bình đẳng này. Việc giải thích sự phân phối không đồng đều trước hết phải có tính lịch sử: các khoa học xã hội hiện đại xuất hiện trước tiên ở Châu Âu. Nguồn gốc ngoại sinh của các khoa học xã hội ở các quốc gia Phương Nam ngày nay vẫn đặt ra những vấn đề ở nhiều cấp độ. Về mặt phân tích, sự khái niệm hóa mô hình trung tâm-ngoại vi cho phép phân biệt ba chiều kích: chiều kích về cơ sở hạ tầng và tổ chức nội bộ được xác định mạnh mẽ bởi các yếu tố ngoại khoa học, trong khi chiều kích về các điều kiện tồn tại và tái sản xuất cũng như về vị trí và sự công nhận quốc tế trước hết gắn với các vấn đề nội khoa học. Một số chỉ báo thực nghiệm về chiều kích cuối cùng này được trình bày ở đây. Nếu việc thiết lập một mô hình trung tâm-ngoại vi để nắm bắt các cấu trúc quốc tế trong xã hội học có vẻ thích đáng, càng quan trọng hơn nữa là cần phải kết thúc bằng một giọng điệu lạc quan hơn, bằng cách chỉ ra rằng, ngày nay, có nhiều sự phát triển khác nhau đặt ra thách thức đối với quyền bá chủ về mặt lịch sử của các cách tiếp cận từ góc độ Bắc Đại Tây Dương.

Từ khóa: xã hội học quốc tế, lịch sử các khoa học xã hội, quan hệ Bắc-Nam, trung tâm-ngoại vi, phát triển khoa học, chủ nghĩa lấy châu Âu làm tâm điểm.

DÀN BÀI

Dẫn nhập

Xây dựng mô hình trung tâm-ngoại vi trong nghiên cứu về khoa học

-          Khái niệm hóa mô hình trung tâm-ngoại vi

Trung tâm-ngoại vi: chiều kích phụ thuộc - tự chủ

Trung tâm và ngoại vi: chiều kích ngoài lề - trung tâm

-          Cơ sở dữ liệu thư mục: các chỉ báo và các công cụ loại trừ

-          Phân công lao động nhận thức không đồng đều trong các khoa học xã hội

-          Tính bản địa, tính hướng ngoại và tính ngoại lai kỳ lạ (exotisme), đặc điểm của các khoa học xã hội ngoài lề

-          Các giả định tiến hóa vốn có trong khoa học xã hội

Các cuộc tấn công chống lại bá quyền Bắc Đại Tây Dương

Print Friendly and PDF

20.4.24

Peter Higgs: Tôi sẽ không đủ năng suất cho hệ thống học thuật ngày nay

PETER HIGGS: TÔI SẼ KHÔNG ĐỦ NĂNG SUẤT CHO HỆ THỐNG HỌC THUẬT NGÀY NAY

Nhà vật lý nghi ngờ khả năng đạt được những công trình như xác định boson Higgs trong môi trường học thuật ngày nay, khi mà các học giả được kỳ vọng "sản xuất bài báo hàng loạt".

Decca Aitkenhead

Peter Higgs: 'Giờ tôi sẽ không kiếm nổi việc làm trong lĩnh vực học thuật. Đơn giản là thế'. Ảnh: David Levene chụp cho Guardian

Lời của Phân Tích Kinh Tế: Peter Higgs vừa qua đời vào ngày 8 tháng 4 năm 2024 ở tuổi 94. Ông là nhà vật lý lý thuyết người Anh nổi tiếng với dự đoán về boson Higgs vào những năm 1960. Lý thuyết của ông và các đồng nghiệp, được biết đến với tên gọi Cơ chế Brout-Englert-Higgs, dự đoán về một trường năng lượng bao trùm khắp vũ trụ, ảnh hưởng đến sự tương tác của các hạt hạ nguyên tử và lý giải tại sao chúng có khối lượng. Công trình tiên phong này mở đường cho một cuộc tìm kiếm kéo dài hàng thập kỷ, cuối cùng dẫn đến việc xác nhận sự tồn tại của boson Higgs tại Máy va chạm Hadron Lớn (LHC) thuộc Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) vào năm 2012. Phát hiện mang tính đột phá trong lĩnh vực vật lý hạt này mang về giải Nobel năm 2013 cho Higgs và đồng nghiệp của ông, François Englert.

Peter Higgs, nhà vật lý người Anh, có tên được dùng để đặt cho boson Higgs, tin rằng không có trường đại học nào sẽ tuyển dụng ông trong hệ thống học thuật ngày nay vì ông sẽ không được coi là đủ "năng suất".

Print Friendly and PDF

19.4.24

Kỷ yếu Hạt Higgs và Mô hình chuẩn

HẠT HIGGS VÀ MÔ HÌNH CHUẨN

Cuộc phiêu lưu kỳ thú của Khoa học

Nhóm chủ biên:

CAO CHI – CHU HẢO – PIERRE DARRIULAT

NGUYỄN XUÂN XANH – PHẠM XUÂN YÊM

Trong tháng qua tôi đã trải qua một trong những giai đoạn kích động nhất, căng thẳng nhất của đời tôi, nhưng cũng lại là thành công nhất. Tôi không thể nghĩ gì đến việc viết thư được nữa.

Albert Einstein tâm sự với Arnold Sommerfeld sau khi hoàn tất Thuyết tương đối rộng

Dưới ánh sáng của nhận thức đã đạt được thì cái đã may mắn thu hoạch được hiện ra gần như tất nhiên, và mỗi sinh viên thông minh đều hiểu nó không khó nhọc lắm. Nhưng sự tìm kiếm đầy linh cảm, kéo dài nhiều năm trong bóng tối với nhớ nhung căng thẳng của nó, luân phiên giữa sự tin chắc và nỗi tuyệt vọng, rồi với sự bứt phá cuối cùng đạt đến chân lý, những điều đó chỉ có ai đã tự trải nghiệm mới biết được.

Albert Einstein cảm nhận sau khi đã hoàn tất Thuyết tương đối rộng

Lời nói đầu. Nhân bài trả lời phỏng vấn đầy cảm xúc và lôi cuốn của GS Ngô Bảo Châu ngày 4 tháng 9, năm 2020 cho báo LAO ĐỘNG:

“Đó có lẽ là một tình yêu quá lớn”

trong đó ông có nói về ý tưởng từ một bài báo khoa học giúp ông tìm được phương pháp giải bài toán Bổ đề cơ bản Langlands:

Đúng lúc đó thì tôi đọc lại một bài báo nổi tiếng, lúc đầu thì thấy nó bình thường, nhưng đến một lúc, tôi chợt hiểu đấy chính là cái tôi tìm, chính là cái mô hình cho phép tôi có thể áp dụng cái ý tưởng tôi từng có. Và tôi nhớ khoảnh khắc đúng là niềm vui của sáng tạo khi tôi đang làm việc trong một Viện nghiên cứu ở Pháp. Phát hiện đó tuy rất đơn giản, nhưng nó làm sáng tỏ nhiều điều mà tôi chỉ hiểu một cách mù mờ trước đó. Phát kiến toán học đôi khi là thế, nó là một cái gì đó rất đơn giản nhưng nó như là mở mắt mình trong rất nhiều vấn đề khác bằng cách trổ ra một cửa sổ mới và xếp đặt lại một trật tự mới.

Print Friendly and PDF

17.4.24

‘Ngụy suy chi phí chìm’ là gì? Liệu nó có bao giờ là một điều tốt hay không?

‘NGỤY SUY CHI PHÍ CHÌM’ LÀ GÌ? LIỆU NÓ CÓ BAO GIỜ LÀ MỘT ĐIỀU TỐT HAY KHÔNG?

Tác giả: Aaron Nicholas

Eugene Shelestov/Pexels

Bạn đã bao giờ ăn một bữa sáng kém chất lượng ở khách sạn trong một kỳ nghỉ chưa? Bạn không thực sự thích những lựa chọn đồ ăn do khách sạn cung cấp, nhưng vì được suất ăn sáng miễn phí khi đặt phòng ở khách sạn, nên bạn buộc bản thân phải ăn ở đó thay vì đi ra đường tìm một quán cà phê.

Các nhà kinh tế họcnhững nhà khoa học xã hội cho rằng hành vi như vậy có thể xảy ra do “ngụy suy chi phí chìm” – chúng ta không có khả năng phớt lờ những chi phí đã chi ra và không thể thu hồi được. Trong ví dụ về suất ăn sáng ở khách sạn, chi phí chìm là mức giá bạn phải trả cho gói dịch vụ của khách sạn: tại thời điểm quyết định ăn sáng ở đâu, chúng ta không thể thu hồi được những chi phí đó và do đó không thể phớt lờ được.

Các ví dụ tương tự bao gồm từ việc biện minh cho việc đọc nốt một cuốn sách bình thường, đang đọc giữa chừng (hoặc xem nốt xê-ri truyền hình nào đó) dựa trên khoảng thời gian trước đó đã “dành cho” hoạt động đọc (hoặc xem), cho đến việc ít có khả năng rời khỏi các nhóm khép kín như các hội nữ sinh và những câu lạc bộ thể thao nếu đã rất nỗ lực để hoàn tất nghi thức nhập hội.

Mặc dù không hợp lý song những hành vi này đều quá phổ biến, vì vậy việc chúng ta nhận ra được xu hướng này sẽ rất hữu ích. Trong một số hoàn cảnh, bạn thậm chí có thể sử dụng nó vì lợi ích của chính bạn.

Print Friendly and PDF

15.4.24

Cuộc khảo sát lớn nhất sau đại dịch nhận thấy sự tin tưởng cao vào các nhà khoa học

CUỘC KHẢO SÁT LỚN NHẤT SAU ĐẠI DỊCH NHẬN THẤY SỰ TIN TƯỞNG CAO VÀO CÁC NHÀ KHOA HỌC

Nghiên cứu trên 70.000 người cho thấy mức độ tin tưởng biến đổi giữa các quốc gia và có liên quan đến định hướng chính trị.

Carissa Wong

Cuộc khảo sát toàn cầu chỉ ra rằng nhìn chung mọi người có mức độ tín nhiệm khá cao đối với các nhà khoa học. Nguồn ảnh: Michael Candelori/Pacific Press trên Zuma Wire/Shutterstock

Một cuộc khảo sát toàn cầu với hơn 70.000 người tham gia cho thấy mọi người trên khắp thế giới có sự tin tưởng cao vào các nhà khoa học và hầu hết đều muốn các nhà nghiên cứu tham gia nhiều hơn vào việc hoạch định chính sách. Tuy nhiên, theo mô tả trong bản thảo đăng trực tuyến vào tháng trước của nghiên cứu, mức độ tin tưởng (của người tham gia) bị ảnh hưởng bởi định hướng chính trị và khác nhau giữa các quốc gia1.

James Liu, nhà tâm lý học tại Đại học Massey của New Zealand ở Auckland, cho biết: “Thông điệp tổng thể khá tích cực”. “Mặc dù đại dịch COVID-19 có thể gây ra sự phân cực đối với niềm tin vào các nhà khoa học, nhưng nhìn chung, mức độ tin tưởng của công chúng thuộc nhiều nhóm nhân khẩu học khác nhau vẫn tương đối cao."

“Các nhà nghiên cứu sử dụng thước đo độ tin tưởng thiết thực hơn so với các nghiên cứu trước đây vốn chỉ tập trung vào một hoặc hai chiều (dữ liệu), Nan Li, người chuyên nghiên cứu cách công chúng tương tác với khoa học tại Đại học Wisconsin–Madison, cho biết. “Tôi thực sự ngưỡng mộ tham vọng của các tác giả khi thực hiện loại nghiên cứu này, tính đến cả các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới.”

Phạm vi này khiến cuộc khảo sát trở thành một trong những nghiên cứu lớn nhất về niềm tin vào các nhà khoa học được thực hiện kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Print Friendly and PDF

14.4.24

Gặp hai đạo diễn Israel và Palestine của phim “No Other Land”

GẶP HAI ĐẠO DIỄN ISRAEL VÀ PALESTINE
CỦA PHIM “NO OTHER LAND”:

“TÔI SỐNG DƯỚI CHẾ ĐỘ DÂN LUẬT
CÒN ANH ẤY DƯỚI THIẾT QUÂN LUẬT”

Nicolas Rouger

Phóng viên đặc biệt của báo Libération (Pháp)

tại Masafer Yatta (Cisjordanie). Bài được đăng

trên báo Thuỵ Sĩ “Le temps” ngày 08-04-2024.

Bản dịch: Đỗ Tuyết Khanh

Đoạt giải phim tài liệu hay nhất ở festival Berlinale, “No Other Land”, do hai đạo diễn Yuval Abraham, người Israel, và Basel Adra, người Palestine, đồng thực hiện, đã gây chấn động nơi người xem. Gặp gỡ ở Masafer Yatta, vài ngày trước khi bộ phim được trình chiếu ở festival Visions du Réel ở Nyon (Thuỵ Sĩ).

Hoàng hôn đến, chấm dứt ngày nhịn ăn ở At-Tuwani, trung tâm không chính thức của Masafer Yatta, một vùng gồm khoảng hai mươi làng nhỏ Palestine nằm trên các ngọn đồi khô cằn ở phía nam Hébron, trong lãnh thổ Cisjordanie bị chiếm đóng. Trong sân nhà của Basel Adra, 27 tuổi, các khách mời háo hức đợi ăn những đĩa cơm với thịt gà. Basel, khuôn mặt thanh tú, ánh mắt đanh lại, dỏng tai lên. Anh không tìm nghe tiếng bom dội ì ầm từ Gaza, cách đây 50 cây số đường chim bay, mà rình xem có chiếc máy bay không người lái nào, của quân đội hay của khu di dân Do Thái Ma’on, trong những năm gần đây đã bành trướng và lan tới phía trên của làng.

Đêm xuống, anh thở phào: “Sẽ không có tụi nó.” Hôm nay, ngày 14.3, bộ phim tài liệu “No Other Land” được chiếu lần đầu ở Palestine trong sân trường học, trước buổi chiếu ra mắt ngày 16.4 ở festival Visions du Réel ở Thuỵ Sĩ. Basel là đồng đạo diễn, với một người tranh đấu Palestine khác, Hamdan Ballal, và hai nhà báo Israel Rachel Szor và Yuval Abraham. Buổi chiếu được tổ chức cho dân chúng ở Masafer Yatta và các nhà hoạt động Israel ủng hộ họ.

Ở đây, từ bốn mươi năm nay, các khu di dân Do Thái dần dần trưởng giả hoá, được ưu tiên dùng đường sá đi lại và hưởng những dịch vụ do bộ máy quản lý của quân đội cung cấp, trong khi các cộng đồng Palestine và một ngàn cư dân có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào ngày càng suy giảm. Người Palestine phải đối mặt với bạo lực trên thể xác, có khi thiệt mạng, và cả về mặt biểu tượng như cái giếng bị đổ đầy xi-măng, những ống dẫn nước bị cắt. Quân đội phá huỷ ban ngày, người dân xây dựng lại ban đêm.

Bộ phim cho thấy cách một thanh niên hoạt động Palestine ghi lại chứng cớ về những làng mạc trong vùng dần dần bị huỷ diệt.

Print Friendly and PDF

13.4.24

Tăng trưởng kinh tế ít gây ô nhiễm hơn? Vấn đề là cần hiểu tăng trưởng theo nghĩa nào…

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NHƯNG ÍT GÂY Ô NHIỄM HƠN? VẤN ĐỀ LÀ CẦN HIỂU TĂNG TRƯỞNG THEO NGHĨA NÀO…

Các tác giả:

Albert Bouffange

Nghiên cứu sinh tiến sĩ kinh tế, Sciences Po Lyon

Baptiste Andrieu

Nghiên cứu sinh tiến sĩ về khoa học trái đất và môi trường, Đại học Grenoble Alpes (UGA)

Florence Jany-Catrice

Giáo sư kinh tế tại Đại học Lille, đồng chủ nhiệm bộ môn Tái chuyển đổi sinh thái, lao động, việc làm và chính sách xã hội tại Trường Cao đẳng Nghiên cứu Toàn cầu, FMSH., Fondation Maison des Sciences de l’Homme (FMSH)

Pierre-Yves Longaretti

Nhà nghiên cứu của CNRS trong nhóm “Tính bền vững, Lãnh thổ, Môi trường, Kinh tế và Chính trị”, Inria

Liệu phát thải khí nhà kính có thể đi theo một quỹ đạo khác với tốc độ tăng trưởng kinh tế? Shutterstock

Khi chủ đề biến đổi khí hậu càng chiếm được một chỗ đứng trong cuộc tranh luận chính trị và kinh tế, thì các cuộc thảo luận ngày càng phân cực xoay quanh khả năng có hay không một sự “tách rời”. Đằng sau thuật ngữ này, là một câu hỏi đơn giản: liệu việc giảm thiểu các tác động môi trường có thể diễn ra cùng lúc với việc tiếp tục phát triển các hệ thống kinh tế hay không? Một bài báo gần đây của Gregor Semieniuk, nhà kinh tế học tại Ngân hàng Thế giới, đã đề cập đến một khía cạnh mấu chốt và chưa được thảo luận nhiều: liệu chúng ta có đo lường hoạt động kinh tế một cách đúng đắn hay không?

Vấn đề “tách rời” là vấn đề về hai đường cong, thứ mà chúng ta muốn biết liệu chúng có thể tách rời nhau, hoặc thậm chí tiến triển, theo cách trái ngược nhau hay không: đường cong phát thải khí nhà kính, và đường cong tăng trưởng kinh tế, tức là sự biến đổi của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế: liệu có thể thấy được đường cong GDP thực tế tăng lên theo thời gian, trong khi đường cong phát thải lại tăng chậm hơn (“sự tách rời tương đối”), hoặc thậm chí (“sự tách rời tuyệt đối”) giảm hay không? Ở đây, chúng tôi xem xét đến GDP thực tế, vì nó cho phép so sánh GDP nhiều năm khác nhau bằng cách tính đến lạm phát (trái với GDP danh nghĩa). Khi thao tác với các chuỗi thời gian thì bao giờ cũng sử dụng GDP thực tế.

Print Friendly and PDF

11.4.24

Trí tuệ nhân tạo: một đối tượng khó hiểu của tranh luận

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO: MỘT ĐỐI TƯỢNG KHÓ HIỂU CỦA TRANH LUẬN

Tác giả: Matthieu Hug

Kỹ thuật số không chỉ là một tập hợp các công nghệ mà còn là một “môi trường” mà chúng ta sống trong đó. Chính vì vậy mà quân đội ở Pháp cũng như ở Mỹ nhắm đến và nhận diện 5 môi trường tương tác với nhau, với những ràng buộc riêng: không khí, đất, biển, không gian và “cyber” (không gian mạng). Môi trường này bao phủ các mối quan hệ liên cá nhân và quan hệ xã hội, các mối tương tác giữa chúng ta và Nhà Nước, mối liên hệ của chúng ta với tri thức, với sự tưởng tượng hay với nghệ thuật, và định hình lại chúng. Môi trường này xác định lại ranh giới giữa không gian riêng và không gian công cộng cũng như giữa giám sát và tự do, nó tạo nên sự tồn tại của xã hội diễn cảnh thường trực, bởi mọi người và vì mọi người, nó xâm chiếm, thậm chí thao túng trí não của chúng ta: kỹ thuật số là một vectơ thiết yếu của các dự án chính trị.

Với Internet, vectơ chính trị này trước hết đã tạo điều kiện cho việc phổ biến các ý tưởng trong một diễn đàn toàn cầu được xây dựng từ cơ sở, một cách ngẫu nhiên và thực sự không kiểm soát; diễn đàn mới này đã mở ra những không gian và những niềm hy vọng về lòng khoan dung, với đỉnh cao là các mùa xuân Ả Rập[*] và các cuộc cách mạng màu[**]. Tuy nhiên diễn đàn toàn cầu của thời kỳ đầu bị hòa tan trong rất nhiều bong bóng bộ lọc (bulle de filtres) trong đó nảy nở sự ngờ vực và khiêu khích, và diễn đàn này phải đối đầu với sự đe dọa của “quá trình chia nhỏ Internet” (“splinternet” ), hầu như đã được thực hiện tại Trung Quốc. Sự tan rã này phần lớn liên quan đến sự tiến triển của các nền tảng từ khoảng 10 năm nay, vốn đã tạo ra một sự phát triển Internet và các công nghệ kỹ thuật số rất tập trung và phân cấp rất mạnh (descendant). Một số tác nhân công nghệ dần dần áp đặt những cách sử dụng: một số đặt lại vấn đề về cơ sở của xã hội như Uber, một số khác tổ chức những thao tác để thay đổi như Cambridge Analytica[1] thông qua Facebook, hay gần đây hơn là Team Jorge thông qua tất cả các mạng xã hội, như tập thể Forbidden Stories đã tiết lộ[2]. Có thể làm điều này được nhờ tốc độ triển khai các công nghệ và sự hiện diện của chúng ở khắp nơi: những cách sử dụng đã có sẵn trước khi ta có thể hiểu chúng, trước khi ta có thể giải thích tác động của chúng đối với xã hội, nghĩa là trước khi có mọi hình thức thảo luận nghiêm túc. Các điều chỉnh đến sau một cách hậu nghiệm với nhiều khó khăn: trong lúc chờ đợi sự điều tiết các cách sử dụng gây nguy hiểm cho nền dân chủ, những can thiệp về thông tin gia tăng, những tin giả lan rộng và những cuộc bầu cử bị thao túng như Brexit hay cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ.

Print Friendly and PDF

9.4.24

Phân tích khung pháp lý trong khuôn khổ đối tác ICA-EU

PHÂN TÍCH KHUNG PHÁP LÝ TRONG KHUÔN KHỔ QUAN HỆ ĐỐI TÁC ICA-EU

Báo cáo của Hàn Quốc

Liên minh Hợp tác xã Quốc tế, Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (ICA-AP) là tiếng nói của những hợp tác xã (HTX) trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. ICA-AP, với tư cách là văn phòng khu vực của ICA, cũng là bên đồng ký kết Thỏa thuận Đối tác Khung giữa Liên minh HTX Quốc tế và Ủy ban Châu Âu vào tháng 03/2016, nhằm tăng cường phong trào và năng lực HTX để thúc đẩy sự phát triển trên toàn thế giới. Thỏa thuận này củng cố chương trình “HTX trong sự phát triển”[1] và bao gồm các hoạt động xây dựng tri thức ở phạm vi toàn cầu (hài hòa) và khu vực (phi tập trung).

Các hoạt động được lên kế hoạch trong khuôn khổ của chương trình bao gồm các hoạt động nghiên cứu đa dạng được thực hiện ở phạm vi toàn cầu và khu vực. Các hoạt động chính được thực hiện ở cấp độ toàn cầu bao gồm Phân tích Khung Pháp lý (A2.2), do tất cả các văn phòng ICA phối hợp thực hiện. Trong khuôn khổ này, ICA-AP giám sát việc triển khai nghiên cứu ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Nghiên cứu về khuôn khổ pháp lý trong phần Phân tích Khung Pháp lý (A2.2) sẽ đánh giá các quy định về thẩm quyền và quy định chính sách theo khả năng mà chúng hỗ trợ cho sự phát triển của HTX. Tài liệu này sẽ trình bày các khuyến nghị cho các bước tiếp theo trong việc đổi mới khung pháp lý và giúp định hình các chương trình nghị sự chính sách theo mục tiêu ở các khu vực và quốc gia khác nhau. Nó sẽ đánh giá khung pháp lý về HTX cùng với các chỉ số chung, thể hiện bằng thang mức độ “thân thiện với HTX” của pháp luật ở một quốc gia. Trong bối cảnh tương tự, báo cáo này đề cập đến Phân tích Khung Pháp lý của Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc).

Print Friendly and PDF