30.9.20

Lợi nhuận bị mất của các quốc gia

 LỢI NHUẬN BỊ MẤT CỦA CÁC QUỐC GIA

Ba nhà kinh tế học, Thomas Tørsløv (Københavns Universitet), Ludvig Wier (UC Berkeley) và Gabriel Zucman (UC Berkeley), đã công bố những số liệu ước tính chưa từng công bố về tỷ phần lợi nhuận của các công ty đa quốc gia được chuyển đến các thiên đường thuế. Bằng cách đề xuất những độ lớn khác nhau trong cuộc tranh luận sôi nổi này, giữa sự khó khăn trong việc hài hòa thuế và vấn đề về tính hiệu quả của cơ quan điều tiết, họ đã mang đến một viễn cảnh mới lạ về phạm vi rộng lớn của hiện tượng tránh thuế và những hậu quả của nó.

Tác giả: Thomas Tørsløv, Ludwig Wier, Gabriel Zucman

Người dịch: Thomas Belaich

Ngày 9 tháng 9 năm 2020


Vai trò của các thiên đường thuế trong áp lực giảm thuế toàn cầu

Có lẽ diễn biến nổi bật nhất của chính sách thuế trên thế giới trong những thập kỷ gần đây là việc giảm một nửa mức thuế bình quân đánh trên doanh nghiệp. Thực vậy, từ năm 1985 đến năm 2018, thuế suất theo luật định của thuế thu nhập doanh nghiệp đã biến động bình quân từ 49% xuống 24% trên toàn thế giới.

Nghiên cứu của chúng tôi sử dụng các dữ liệu kinh tế vĩ mô mới để chỉ ra rằng các vụ chuyển lợi nhuận là một nhân tố chính dẫn đến mức giảm thuế rất ấn tượng này: gần 40% lợi nhuận của các công ty đa quốc gia đã được chuyển, một cách giả tạo, đến các thiên đường thuế trong năm 2015, và sự tránh thuế to lớn này, cũng như sự bất lực trong việc kiểm soát nó, đang khiến ngày càng có nhiều nước từ bỏ việc đánh thuế các công ty đa quốc gia.

Cách giải thích cổ điển cho xu hướng giảm thuế là do sự toàn cầu hóa đã đẩy các nước ngày càng cạnh tranh nhiều hơn về tư bản sản xuất, và do đó phải thắt chặt sự cạnh tranh về thuế. Bằng cách giảm thuế, một nước có thể thu hút thêm nhiều máy móc hơn, nhiều nhà máy và trang thiết bị hơn, và điều này làm cho người lao động làm việc có năng suất cao hơn và cuối cùng làm tăng lương họ, v.v.. Lý thuyết này đặc biệt phổ biến trong các nhà hoạch định chính sách, và là cơ sở thông tin cho hầu hết các cuộc thảo luận trong nghị trình về chính sách thuế, như được minh họa bằng quyết định giảm thuế doanh nghiệp của Mỹ từ 35% xuống 21% vào năm 2018 (CEA 2017).

Print Friendly and PDF

29.9.20

Một nhà kinh tế học kéo còi báo động

MỘT NHÀ KINH TẾ HỌC KÉO CÒI BÁO ĐỘNG

Về cuốn sách “Il faut dire que les temps ont changé... Chronique (fiévreuse) d’une mutation qui inquiète (Phải nhận thấy thời thế đã thay đổi …”, Bản thời luận bồn chồn về một sự đột biến gây lo lắng) của Daniel Cohen[1], NXB Albin Michel.
Christian Baudelot[2]

Daniel Cohen (1953-)
Daniel Cohen đề cập những thay đổi trong thế giới toàn cầu hóa của chúng ta với một mối quan tâm hiếm khi nhận thấy nơi các nhà kinh tế học. Sự ra đời của homo digitalis/con người số hóa, mạng xã hội và sự robot hóa các nền kinh tế đòi hỏi tìm kiếm các cách thức làm chủ tập thể những biến động đang diễn ra.
Rất hiếm khi một nhà kinh tế bày tỏ cảm xúc của mình. Tuy nhiên, đây là điều mà Daniel Cohen thể hiện ngay từ tựa đề cuốn sách của mình. Có những sự chuyển dịch kỳ lạ diễn ra đã đưa chúng ta từ thế giới này sang thế giới khác, hoàn toàn xa lạ với cái thế giới đã sinh ra nó”. Thật vậy, biến đổi là chủ đề chính của cuốn sách này. Và đó là một sự biến đổi có cường độ to lớn vì nó liên quan đến sự chuyển dịch “từ thế giới này sang thế giới khác”. Đó là cái tối thiểu. Lấy cảm hứng từ sự phân kỳ được Fourastié xác lập năm 1948 (Le grand espoir du XXe siècle/Hy vọng to lớn của thế kỷ XX), Cohen cho rằng sau thời đại nông nghiệp, rồi đến thời đại công nghiệp, xã hội của chúng ta đã bước sang thời đại thứ ba, thời đại của kỹ thuật số và con người số hóa. Ông không phải là người đầu tiên phân tích những biến đổi sâu sắc mà các công nghệ mới đang ghi lại trong lối sống, tâm trí và cách sử dụng không gian và thời gian của chúng ta. Nhận thức được rằng mọi thứ đang chuyển động, nhà kinh tế học cũng là người đọc thông tin sành sỏi về một loạt các nghiên cứu tất cả những biến động này trong các lĩnh vực đa dạng nhất, bắt đầu từ các cơ sở kinh tế của xã hội chúng ta. Mục đích của cuốn sách này là cung cấp cho người đọc phương tiện để đạt đến một cái nhìn tổng thể về những gì đang xảy ra với chúng ta. Đây là lý do tại sao, nhân rộng các góc độ của cách tiếp cận, ông kết nối không những cái nhìn của các nhà kinh tế học, xã hội học, nhân khẩu học, tâm lý học trước đây và hiện nay, mà còn của các nhà triết học, phân tâm học, và các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, các nhà vật lý, sinh học và không bỏ qua sự đóng góp rất quan trọng của các nhà văn, nhà làm phim và ca sĩ, đặc biệt là Bob Dylan. Sự tập hợp các yếu tố tạp nham này rất bổ ích và độc đáo. Ông tạo nên một bức tranh làm cho các động lực phức tạp của tất cả các đột biến này trở nên dễ hiểu và đáng lo ngại. Chúng đang đảo lộn thế giới của chúng ta đến mức làm cho cả một số thành phần dân chúng... và chính nhà kinh tế học bị mất phương hướng. Tình hình thực sự nghiêm trọng! Sự đánh mất ý nghĩa nằm ở trung tâm của cuốn sách.
Print Friendly and PDF

28.9.20

Việc không làm gì đối với khí hậu cũng sẽ tốn kém như đại dịch trong một năm

VIỆC KHÔNG LÀM GÌ ĐỐI VỚI KHÍ HẬU CŨNG SẼ TỐN KÉM NHƯ ĐẠI DỊCH TRONG MỘT NĂM

Một chiến lược kinh tế tốn kém
Các nhà khoa học, các nhà bảo vệ môi trường, giới trẻ tuổi quan tâm đến tương lai của họ, tất cả các nhà quan sát về biến đổi khí hậu đều đã lên tiếng trong nhiều năm qua. Sự bất động về chính trị và sợ trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang đẩy chúng ta thẳng đến một thế giới không thể sống nỗi. Điều mà chúng ta ít biết hơn, và vừa được tiết lộ trong một nghiên cứu quốc tế được công bố trên tạp chí danh tiếng Nature, đó là sự bất động trong cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu có một tác động kinh tế khổng lồ, chưa từng được đo lường. Các nhà nghiên cứu cho rằng cái giá của việc không làm gì đối với khí hậu có thể so sánh với cái giá của đại dịch hiện tại, điều sẽ tái diễn hàng năm cho đến năm 2100. Nói cách khác, thảm họa khí hậu được dự đoán sẽ đi đôi với một thảm họa kinh tế không thể khắc phục. Điều làm cho tất cả các nhà lãnh đạo bị cám dỗ bởi các chính sách tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa phải suy nghĩ.
Một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Mỹ và Thụy Điển đã hợp lực để thực hiện một phép tính to lớn: chi phí của những biện pháp cần thực hiện để đưa tình trạng khí hậu nóng lên toàn cầu xuống dưới mức 1,5°C, do Thỏa thuận Paris thiết lập, là bao nhiêu? Một câu hỏi kèm theo một câu hỏi khác, theo hướng ngược lại: Cái giá phải trả là bao nhiêu, nếu không thực hiện các biện pháp nói trên, và nếu để cho khí hậu tiếp tục diễn biến như bình thường?
Print Friendly and PDF

27.9.20

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói: Chi tiêu cho COVID-19 phải “Thông minh với khí hậu”

TỔNG THƯ KÝ LIÊN HỢP QUỐC NÓI: CHI TIÊU CHO COVID-19 PHẢI “THÔNG MINH VỚI KHÍ HẬU”

Phỏng vấn

Ngày 8 tháng 9 năm 2020

Các hãng truyền thông đối tác của Covering Climate Now như NBC News, Noticias Telemundo và Agence France Presse đã thực hiện phỏng vấn với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres. Ông António Guterres cho biết các chính phủ nên sử dụng gói phục hồi kinh tế COVID-19 để “đầu tư lớn” vào các công ăn việc làm xanh và công nghệ xanh.

Ông nói: “Chúng ta có thể xây dựng lại như cũ, nhưng đó là một sai lầm lớn vì sự yếu kém của thế giới, hoặc chúng ta có thể xây dựng lại một nền kinh tế và xã hội bền vững hơn và cho mọi người hơn.”

Guterres đã nói chuyện với các hãng truyền thông đối tác của Covering Climate Now vào thời điểm trước khi bản báo cáo Trạng thái khí hậu mới của Hiệp hội Khí tượng Thế giới và Liên Hợp Quốc sẽ được công bố vào thứ Tư, ngày 9 tháng 9. Mời độc giả xem video clip và đọc các cuộc phỏng vấn dưới đây.

Biến đổi khí hậu và Vi-rút corona: Phóng viên Al Roker của NBC trò chuyện với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc


Print Friendly and PDF

25.9.20

Liệu có đánh thuế được GAFA hay không?

LIỆU CÓ ĐÁNH THUẾ ĐƯỢC GAFA HAY KHÔNG?

Ngày 18/09/2017
Các Bộ trưởng Tài chính của Liên minh châu Âu đã họp vào các ngày 16 và 17 tháng 9 để cố gắng đi đến nhất trí về một vấn đề then chốt: làm thế nào để bắt các tập đoàn Google, Apple, Facebook, Amazon (GAFA) và các công ty kỹ thuật số khác trả đúng phần thuế của họ? Đã có rất nhiều đề xuất được xem xét, nhưng cho đến giờ chưa có một đề xuất nào thực sự thỏa đáng. Chỉ có một giải pháp toàn cầu mới mang lại một câu trả lời thích đáng.
Vấn đề là gì?
Các quy định đánh thuế công ty đều dựa trên nguyên tắc “cơ sở thường trú”: chỉ có thể đánh thuế những công ty nào có một sự hiện diện vật lý trong một quốc gia, được đo bằng giá trị các tích sản, số lượng nhân viên và doanh thu bán hàng. Thế nhưng, các công ty kỹ thuật số có thể cung cấp các dịch vụ qua mạng, mà về mặt pháp lý vẫn đặt trụ sở tại những nơi mà họ muốn, trên thực tế, tại những nơi mà họ được chào mời các sản phẩm thuế thiếu minh bạch, cho phép họ trốn những khoản thuế mà họ đáng ra phải trả.
Google hưởng lợi ở châu Âu với một mức thuế từ 0,36 đến 0,82% và Facebook thì từ 0,03 đến 0,1%
Print Friendly and PDF

23.9.20

Vandana Shiva: Tự do của hạt giống là tương lai của nông nghiệp

TỰ DO CỦA HẠT GIỐNG LÀ TƯƠNG LAI CỦA NÔNG NGHIỆP

Vandana Shiva
Vandana Shiva là một nhà bác học Ấn Độ danh tiếng trên thế giới, nhà hoạt động tiên phong về sinh thái và là tác giả của hơn hai mươi quyển sách. Bà đã tham gia vào các phong trào đấu tranh quần chúng chống lại công nghệ biến đổi gen trên toàn thế giới và đã lãnh đạo thành công nhiều phong trào đấu tranh chống lại các tập đoàn đa quốc gia và các tổ chức quốc tế khi họ tìm cách chiếm độc quyền và tư nhân hóa các hạt giống, những tri thức cổ truyền và các nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa.
Trong cuộc phỏng vấn quan trọng này tại tạp chí trực tuyến ROAR mà UP’Magazine đã công bố toàn văn, Vandana Shiva nói về vai trò của nông nghiệp công nghiệp hóa trong biến đổi khí hậu, những thách thức mà nông dân các nước đang phát triển phải đối mặt và cách tránh khỏi thảm họa nhãn tiền về môi trường đang đe dọa sự tồn tại của chúng ta trên hành tinh này.
Cuộc phỏng vấn được công bố lần đầu trên UP’Magazine ngày 20 tháng 2, 2018.

Trong nhiều năm, trong các bài viết lẫn hành động, bà đã tích cực chống lại toàn bộ sự biến đổi từ nền nông nghiệp với hệ hình nông nghiệp sinh thái sang hệ hình công nghiệp. Trong quyển sách mới nhất của bà, Who Really Feeds the World? - Ai thực sự nuôi sống thế giới? - (Zed Books, 2016), bà cũng nhấn mạnh rằng “hệ hình công nghiệp của nông nghiệp là nguồn gốc của biến đổi khí hậu”. Chúng ta phải thiết lập khái niệm về sự khác biệt giữa hai hệ hình này như thế nào và chúng đóng vai trò gì trong diễn biến của biến đổi khí hậu?
Vandana Shiva: Có hai hệ hình nông nghiệp khác hẳn nhau. Hệ hình đầu là nông nghiệp công nghiệp hóa, được thiết kế và triển khai bởi “cartel các chất độc”, các doanh nghiệp và nhà máy hóa chất này xuất hiện trong chiến tranh thế giới thứ hai và kiểm soát việc sản xuất hóa chất dùng trong chế tạo chất nổ cũng như trong việc tiêu diệt hàng loạt người. Sau chiến tranh, họ lại đưa chính những hóa chất này vào các sản phẩm nông hóa - thuốc trừ sâu và phân bón - và họ đã thuyết phục chúng ta rằng chúng ta không thể có thức ăn mà không có các chất độc này. Hệ hình thứ hai là hệ thống nông nghiệp sinh thái đã tiến triển từ 10.000 năm nay và hoạt động cùng với thiên nhiên theo những nguyên tắc sinh thái.
Print Friendly and PDF

22.9.20

Bố trí lại hay di dời nhà xưởng? Khi các công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc

BỐ TRÍ LẠI HAY DI DỜI NHÀ XƯỞNG? KHI CÁC CÔNG TY NƯỚC NGOÀI RỜI KHỎI TRUNG QUỐC

Công nhân Trung Quốc trong một nhà máy sản xuất khẩu trang ở Thượng Hải, ngày 31/1/2020. (Nguồn: Echos)
Việc các công ty Mỹ và Nhật Bản di dời nhà xưởng có thể được giải thích theo hai động thái. Động thái thứ nhất xuất phát từ việc Hoa Kỳ tăng thuế quan đối với một số sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc. Động thái thứ hai đã được khởi động bởi các thông báo từ chính quyền Trump kêu gọi tách rời hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ. Nó còn được củng cố bởi đại dịch, khi cho thấy sự phụ thuộc nặng nề của nhiều lĩnh vực sản xuất vào nguồn cung của Trung Quốc. Mục tiêu của việc di dời các nhà xưởng này hiếm khi là việc chuyển các nhà xưởng sản xuất tại Trung Quốc đó về lại Hoa Kỳ hoặc Nhật Bản, mà là tổ chức lại các chuỗi sản xuất toàn cầu ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Indonesia.
Print Friendly and PDF

21.9.20

Nhà bác học và các chính sách. Khoa học xã hội mang lại lợi ích gì?

NHÀ BÁC HỌC VÀ CÁC CHÍNH SÁCH. KHOA HỌC XÃ HỘI MANG LẠI LỢI ÍCH GÌ?

Bernard Lahire
Bernard Lahire (1963-)
Bài này được soạn cho buổi lễ trảo Giải Học Sinh 2012 của sách kinh tế và khoa học xã hội ở Trường Sư Phạm Cao Cấp ở Lyon ngày 21 tháng 11 năm 2012. Bernard Lahire, giáo sư xã hội học ở trường này cố gắng mang lại hướng trả lời cho hai câu hỏi sau đây: Khoa học xã hội mang lại lợi ích gì? Các nhà khoa học xã hội có phải dấn thân vào không gian công cộng không và dưới hình thức nào?
***********************
Ở một thời buổi mà nhà nghiên cứu bị ép phải “chứng minh” về “lợi ích” của mình khi được mời hướng tới “công chúng”, phổ biến các công trình nghiên cứu của mình, thậm chí còn phải đưa chúng lên các phương tiện truyền thông, tôi muốn bắt đầu câu chuyện của tôi với một trích dẫn Ernest Renan. Nhà văn này đã viết:
“Nếu một ngày nào đó, các người nộp thuế, để chấp nhận lợi ích của bài giảng về toán siêu việt ở Collège de France (Pháp quốc Học viện), cần phải hiểu được lợi ích của những tư biện được giảng dạy ở đó, thì bộ môn này sẽ gặp rất nhiều nguy cơ.” (E. Renan, Nền đại học ở Pháp).
Trong buổi nói chuyện hôm nay, tôi sẽ cố gắng mang lại một trả lời ban đầu cho hai câu hỏi:
1) Khoa học xã hội mang lại lợi ích gì?
2) Còn về sự dấn thân công khai của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội thì sao?
Max Weber đã viết: “Một khoa học thực nghiệm không thể dạy cho bất cứ ai những gì họ phải làm, mà chỉ những gì họ có thể và - nếu có dịp - họ muốn làm.” (M. Weber, Essais sur la théorie de la science (Tiểu luận về lý thuyết của khoa học), Paris, Presses Pocket, Agora, 1992, trg. 125).
Print Friendly and PDF

19.9.20

Vandana Shiva: Sau coronavirus, “ngưng toàn cầu hóa và giải thực dân cho trái đất”

VANDANA SHIVA: SAU CORONAVIRUS, “NGƯNG TOÀN CẦU HÓA VÀ GIẢI THỰC DÂN CHO TRÁI ĐẤT”

(Nguồn: Associated press) Một người đàn ông đang đi trên một con đường vắng ở vùng ven New Delhi, Ấn Độ, tháng tư 2020.
Virus corona cho chúng ta biết gì về thời đại hiện nay của chúng ta? Chúng ta có thể phân tích cuộc khủng hoảng y tế này như thế nào? “Thế giới hậu Covid-19” sẽ ra sao? Đối với nhà hoạt động tiên phong về nữ quyền sinh thái người Ấn Độ Vandana Shiva, khủng hoảng virus corona là một hậu quả tàn khốc của nền kinh tế toàn cầu hóa và sự hủy hoại môi trường. Theo bà, chỉ có sự giảm tăng trưởng và một nền kinh tế hài hòa với thiên nhiên mới có thể ngăn ngừa được những cuộc khủng hoảng y tế mới trong tương lai.
PHỎNG VẤN do Cyrielle Cabot[*] ghi lại
Vandana Shiva là một nhà hoạt động tiên phong về nữ quyền và sinh thái Ấn Độ. Bà là tác giả của tiểu luận 1%: Giành lại quyền, đối mặt với sức mạnh vô song của những người giàu, bà thường tấn công vào số “1% những người giàu nhất hành tinh”, đặc biệt là những người khổng lồ về kỹ thuật số: Mark Zuckerberg, Bill Gates hay Jeff Bezos mà bà xem như là “những quí tộc ăn cướp mới”. Bà là người đi tiên phong trong cuộc chiến chống sinh vật biến đổi gen, đáng chú ý là bà đã được nhận giải thưởng thay thế giải Nobel vào năm 1993. (Prix Nobel alternatif hay Right Livelihood Award: Đây là một giải thưởng quốc tế nhằm “tôn vinh và ủng hộ những người đề ra những giải pháp thực tế và mẫu mực cho những thách thức cấp bách mà ngày nay chúng ta phải đối mặt”. Giải thưởng được thiết lập vào năm 1980 bởi nhà từ thiện người Đức lai Thụy Điển tên là Jakob von Uexkull. Giải được trao hàng năm vào đầu tháng 12 - Theo Wikipedia - ND)
Print Friendly and PDF

17.9.20

Người nhận tiền và người làm ra tiền: ai là người tạo ra giá trị thực?

NGƯỜI NHẬN TIỀN VÀ NGƯỜI LÀM RA TIỀN: AI LÀ NGƯỜI TẠO RA GIÁ TRỊ THỰC?

Khi giá trị đáp ứng lợi nhuận và lợi nhuận đáp ứng tiền thuê kinh tế
Tác giả: Mariana Mazzucato
Chúng ta thường nghe các doanh nghiệp, doanh nhân hoặc các lĩnh vực nói về bản thân họ là người “tạo ra của cải”. Các bối cảnh có thể khác nhau - ngành tài chính, công ty dược phẩm lớn hoặc các công ty khởi nghiệp nhỏ - nhưng các mô tả về bản thân đều giống nhau: Tôi là một thành viên đặc biệt hiệu quả của nền kinh tế, hoạt động của tôi tạo ra của cải, tôi chấp nhận ‘rủi ro’ lớn và vì vậy tôi xứng đáng thu nhập cao hơn những người chỉ đơn thuần hưởng lợi từ sự lan tỏa của hoạt động này. Nhưng nếu cuối cùng, những mô tả này chỉ đơn giản là những câu chuyện thì sao? Những câu chuyện kể được tạo ra nhằm biện minh cho sự bất bình đẳng về tài sản và thu nhập, khen thưởng ồ ạt cho một số ít người có khả năng thuyết phục chính phủ và xã hội rằng họ xứng đáng được thưởng cao, trong khi những người khác phải tự xoay xở với những gì còn lại.

Nếu giá trị của một vật được xác định bởi giá tiền của vật đó - và giá tiền thì được thiết lập bởi các lực được giả định là cung và cầu - rồi sau đó cho tới khi nào một hoạt động tìm được người mua (hợp pháp), nó được coi là tạo ra giá trị. Vì vậy, nếu bạn kiếm được nhiều tiền bạn phải là người tạo ra giá trị. Tôi sẽ tranh luận rằng cách thức mà từ “giá trị” được sử dụng trong kinh tế học hiện đại đã khiến các hoạt động khai thác giá trị trở nên dễ dàng hơn để giả dạng là các hoạt động tạo ra giá trị. Và trong quá trình này, tiền thuê (thu nhập phi tiền lương) bị nhầm lẫn với lợi nhuận (thu nhập do lao động); bất bình đẳng gia tăng và đầu tư vào nền kinh tế thực bị giảm sút. Hơn nữa, nếu chúng ta không thể phân biệt được việc tạo ra giá trị với việc khai thác giá trị, thì gần như không thể thưởng cho hoạt động khai thác giá trị nhiều hơn hoạt động tạo ra giá trị. Nếu mục tiêu là tạo ra tăng trưởng dựa trên sự đổi mới (tăng trưởng thông minh), bao trùm hơn và bền vững hơn, chúng ta cần hiểu rõ hơn về giá trị để định hướng cho mình.
Print Friendly and PDF

15.9.20

Nguyên nhân là sự kiện xảy ra trước, và cho phép dự báo những sự kiện tiềm năng (1831)

NGUYÊN NHÂN LÀ SỰ KIỆN XẢY RA TRƯỚC, VÀ CHO PHÉP DỰ BÁO NHỮNG SỰ KIỆN TIỀM NĂNG (1831)

Tác giả: John Herschel[*]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
John Herschel (1792-1871)

Nếu mọi việc đều xảy ra thường xuyên và định kỳ, nếu mọi biến cố cứ nối đuôi nhau xuất hiện mà không tùy thuộc vào ý chí của ta, thì ý nghĩ truy tìm nguyên nhân của chúng khó lòng đến trong tâm trí chúng ta. Không ai xem đêm là nguyên nhân của ngày, cũng không ai coi ngày là nguyên nhân của đêm. Cả hai đều do một nguyên nhân chung mà chúng ta không thể xác định bằng sự kiện duy nhất là chuỗi nối tiếp đều đặn của chúng; trên hết, và có lẽ hoàn toàn từ chính nhóm những biến cố tiềm năng này mà chúng ta đã rút ra các ý niệm về nhân và quả. Chỉ chính từ loại biến cố này mà chúng ta kết luận rằng có những quy luật tự nhiên. Ý tưởng quy luật bao hàm ý tưởng ngẫu nhiên. “Ai làm thơ con cóc sẽ ăn roi”. Nếu trường hợp này xảy ra, nó sẽ có kết quả đó. Nếu bạn châm lửa vào thuốc nổ, sẽ có một vụ phát nổ. Mỗi quy luật phải báo trước các trường hợp có thể xảy ra, và áp dụng được cho vô số những trường hợp khác chưa bao giờ hoặc sẽ không bao giờ hiện ra trước mắt. Chính khả năng dự báo những sự kiện tiềm năng, chính sự chờ đợi những gì có thể xảy ra, chính sự tiên liệu điều phải xảy ra này đã in sâu vào tâm trí ta các ý niệm quy luật và nhân quả... Sự hoàn hảo của một định luật là nó phải bao gồm tất cả mọi trường hợp, phải tạo ra sự tuân thủ tuyệt đối, và đấy chính là trường hợp của mọi quy luật trong thiên nhiên.
Print Friendly and PDF

14.9.20

Xếp hạng Thượng Hải: một bảng vinh danh không sáng giá lắm!

THẢO LUẬN: XẾP HẠNG THƯỢNG HẢI, MỘT BẢNG VINH DANH KHÔNG SÁNG GIA LẮM!

Alain Beretz
Giáo sư, Đại học Strasbourg
Có thể nào tóm lược chất lượng một đại học vào một điểm số? Shutterstock
Hàng năm cứ đến ngày 15 tháng tám lại có công bố mới bảng “xếp hạng Thượng Hải” - chính xác là bảng xếp hạng của Đại học Giao Thông (Jiao Tong) Thượng Hải. Mục đích lúc đầu của việc xếp hạng này là định vị các đại học Trung Quốc so với các đại học Mỹ. Nó cũng có thể “được xem là dấu hiệu của một xu hướng truyền thống trong văn minh Trung Hoa về sắp xếp thứ tự và phân loại”.
Vượt ra khỏi biên giới của Trung Quốc từ khi mới thành lập vào năm 2003, theo thời gian bảng xếp hạng này trở thành một công cụ so sánh phổ biến, không những của các đại học mà còn là giữa các quốc gia. Tuy nhiên, những trao đổi thông tin về nó có phóng đại quá so với chất lượng kỹ thuật của nó không?
Một phương pháp luận cần được chất vấn
Trước tiên cần ghi nhận là bảng xếp hạng này chỉ chuyên tập trung khảo sát hoạt động nghiên cứu của các đại học. Một số ngành học, như các khoa học xã hội và nhân văn không được kể đến.
Hoạt động giảng dạy không được đánh giá, đời sống sinh viên, hoạt động văn hóa, hòa nhập thực tế cũng không được đánh giá, tuy rằng đó là những khía cạnh quan trọng khi một sinh viên tương lai muốn đánh giá “chất lượng” của một đại học. Một cách tổng quát, cách xếp hạng này thuận lợi cho những đại học mạnh về các khoa học thực nghiệm trong các nước nói tiếng Anh.
Phương pháp luận của xếp hạng cũng gây nên những phê phán, trên phương diện trắc lượng thư mục khoa học, về những chỉ báo không đầy đủ và thiên lệch, về khó khăn trong việc thuần nhất hóa các dữ liệu giữa các nước. Chính nhận định chủ quan của người cung cấp bảng xếp hạng sẽ xác định những chỉ báo quan trọng nhất mà không hề có một minh chứng lý thuyết nào, và thực sự áp đặt cho người sử dụng.
Tổng quát hơn, thật là sai lầm nếu cho rằng một bảng xếp hạng chỉ dựa trên duy nhất một điểm số tổng quát lại có thể phản ánh chất lượng của một đại học, vốn là một cơ cấu phức tạp và đa dạng. Cũng hơi tương tự như việc chỉ định chiếc xe hơi tốt nhất thế giới. Một chiếc xe Zoé có “tốt hơn” một chiếc Porsche hay Kangoo? Tất nhiên điều đó còn tùy việc sử dụng xe, tùy ngân sách dành cho nó, và cũng tùy các thông số chủ quan (thẩm mỹ, “nhãn hiệu ưa thích” v.v.). Vậy thì tại sao người ta lại áp dụng cho các đại học điều mà họ không dám làm đối với xe hơi?
Tình trạng tệ hại trong sử dụng
Cho dù sai hay thiên lệch, các bảng xếp hạng không là vấn đề lớn nếu chúng không trở thành một sản phẩm tiêu thụ, một món lợi bất ngờ và thậm chí một công cụ nguy hiểm của quản trị chiến lược.
Hãy trở lại với những loại “người tiêu thụ” khác nhau của xếp hạng. Lúc đầu, các bảng xếp hạng nhắm đến sinh viên và gia đình họ, để giúp họ lựa chọn khi vào đại học. Đó là trường hợp của bảng xếp hạng đầu tiên của phúc trình US News and World (Tin Hoa Kỳ và Thế giới) vào năm 1983, và bây giờ là trường hợp của “bảng xếp hạng Thượng Hải”.
Như vậy, ta đi đến những loại chỉ nam đại học tương tự như “sách chỉ dẫn Michelin” (thường gọi là sách chỉ dẫn đỏ - Guide rouge - là một quyển sách dưới dạng niên giám về hướng dẫn du lịch, khách sạn, ẩm thực do công ty lốp xe Michelin phát hành từ đầu thế kỷ 20 đến nay - ND). Một sự so sánh thú vị, vì ta biết rằng tính chính đáng của sách chỉ dẫn đỏ đã bị phản bác nhiều, cả về vấn đề phương pháp luận (hệ thống lỗi thời, không rõ ràng, thiếu minh bạch), lẫn về sử dụng (áp lực ngày càng tăng đối với những người hưởng lợi).
Nhưng sự so sánh dừng ở đó: nếu tôi tin vào một đánh giá sai trong một sách chỉ dẫn ẩm thực thì cùng lắm tôi sẽ có một bữa ăn tồi. Nếu tôi chỉ dùng các bảng xếp hạng để chọn ngành học, tôi có nguy cơ lựa chọn sai trong đời!
Doanh nghiệp là những đơn vị sử dụng bảng xếp hạng. Đôi khi họ tuyển dụng một bằng cấp “sáng giá” hơn là con người. Tại nước Pháp, xu hướng này tồn tại trong khu vực tư nhưng cũng có trong lĩnh vực công, với ngoại lệ mang tính văn hóa là các vị trí công chức cao cấp của Nhà nước thường là độc quyền của một số trường lớn nổi tiếng.
Chính các trường đại học cũng có thể thử sử dụng chúng để chọn lựa một đối tác nước ngoài. Nhưng than ôi, họ cũng có thể xây dựng một chiến lược nhắm đến việc lên hạng trong bảng xếp hạng hơn là tập trung vào những mục tiêu trọng yếu của họ: chất lượng đào tạo, đua tranh trong nghiên cứu, hoạt động phục vụ xã hội. Thế là người ta đã chuyển sự xếp hạng như một “yếu tố thông tin và bối cảnh đơn giản” thành “một yếu tố của một chiến lược”.
Cuối cùng, Nhà nước có thể xem tiến bộ trong xếp hạng như là một mục tiêu chiến lược của các đại học. Cũng vậy, tồn tại nguy cơ bảng xếp hạng được các cơ quan kiểm soát tính đến hoặc xem như các biến trong các thuật toán phân bổ nguồn lực.
Từ thương mại đến chính trị
Vâng, có thể “bán” được xếp hạng các đại học. Nó thâm nhập vào sự ham mê của báo chí về những vinh danh thuộc đủ mọi loại, và trở thành một trong những bài báo xoàng xĩnh lấp chỗ trống của báo chí trong mùa hè. Phân tích ngữ nghĩa cho thấy một cách trái khoáy rằng chính sự yếu kém của các đại học Pháp lại tạo nên sự kiện (“các đại học Pháp giẫm chân tại chỗ”, “các đại học Pháp vẫn bị thụt lùi”…).
Giống như một câu lạc bộ bóng đá, những xếp hạng chính cũng thương mại hóa những sản phẩm sinh lợi phái sinh: tư vấn, quảng cáo, hội nghị, phòng trưng bày, hỗ trợ viết đơn ứng viên…
Cách mà các đại học hay các chính phủ truyền thông về các xếp hạng này chỉ làm tăng thêm cái vòng lẩn quẩn thực sự khi nó biến đổi xếp hạng từ một công cụ đơn giản thành một mục tiêu chiến lược. Ta không nên bình luận về vị trí của các đại học của chúng ta trong các xếp hạng này với một ngôn từ thể thao: các đại học không phải là trong một cuộc đua vô địch.
Xếp hạng có biến giáo dục đại học thành một sân tranh giải vô địch không? Shutterstock
Dù sao cũng có một tác dụng tích cực với việc truyền thông này, đó là thấy công chúng quan tâm đến thành công trong học thuật. Thế nhưng, tại sao lại có ít tiếng vang cho những thành công khác? Chẳng hạn như việc trao tặng giải Nobel hóa học năm 2013 cho giáo sư Martin Karplus thuộc đại học Strasbourg và Harvard hầu như không được biết đến tại Pháp.
Khao khát với xếp hạng có phản ánh tình trạng thiếu thông tin về khoa học và đại học không? Tầm quan trọng của các xếp hạng như xếp hạng Thượng Hải có lấp được khoảng trống do các đại học tạo ra khi không chia sẻ thông tin đầy đủ với công chúng rộng rãi?
Đánh giá, và không xếp hạng
Ta có thể nói rằng tất cả những điều đó là lập luận của “người thua cuộc tồi”: bị xếp hạng càng thấp thì càng phê phán nhiều hơn sự xếp hạng. Nhưng Liên minh các đại học nghiên cứu châu Âu LERU (League of European Research Universities), một tổ chức qui tụ các đại học châu Âu được xếp hạng tốt nhất, đã lấy một lập trường rất rõ ràng:
Các xếp hạng nên tốt nhất là không liên quan đến các giá trị của đại học, hay tệ nhất là phá hoại chúng. Xếp hạng sẽ khuyến khích sự hội tụ về một mô hình bị thống trị bởi nghiên cứu, làm giảm bớt sự đa dạng của hệ thống và phá hỏng tiềm năng đóng góp cho xã hội bằng những phương tiện khác (…) Điều này có thể đưa đến một thứ văn hóa bị ám ảnh bởi sự đo lường và kiểm soát, và phát huy ý tưởng “đại học - siêu thị”.
Nhưng hãy chú ý, chất vấn về xếp hạng, đặt vấn đề về tầm quan trọng của nó, thảo luận độ tin cậy của nó không có nghĩa là các đại học không muốn được đánh giá, vì đánh giá đã nằm trong hoạt động hàng ngày của đại học rồi.
Xin lập lại, ta không thể tóm lược sự đa dạng và phong phú của các đại học của chúng ta vào những con số mà độ tin cậy đang bị phản bác. Mục đích của đại học không phải là để xuất hiện trong các bảng xếp hạng. Đại học hoạt động vì sự thành công của sinh viên, để sinh viên có thể đào sâu kiến thức một cách tốt nhất. Đại học chuyên tâm vào việc nghiên cứu vừa vô vị lợi vừa hướng về xã hội, toàn bộ xã hội. Chính là tùy thuộc vào các mục tiêu cơ bản này mà chất lượng đại học phải được xem xét, phân tích, bình phẩm, nhưng không xếp hạng.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn:Débat: Classement de Shangai, un palmarès pas très classe!”, The Conversation, 13.8.2020
Print Friendly and PDF