31.10.14

1% sẽ ăn hết của 99%


(TBKTSG) - Nếu trong giới kinh tế học mà cũng có ngôi sao như trong giới điện ảnh, ca hát thì Thomas Piketty ắt sẽ là ngôi sao mới nổi, đang được đón chào chẳng kém diễn viên Brad Pitt. Cuốn sách vừa xuất bản bằng tiếng Anh của ông, “Capital in the Twenty-First Century - Tư bản trong thế kỷ 21” tuần trước lọt vào danh sách sách bán chạy nhất của tờ New York Times.
Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman cho rằng cuốn sách của Piketty sẽ “thay đổi cả cách chúng ta suy nghĩ về xã hội và cách chúng ta nghiên cứu kinh tế học”.
Chủ đề cuốn sách đang gây xôn xao dư luận này là bất bình đẳng trong thu nhập, một chủ đề quen thuộc, từng được đề cập trong hàng ngàn cuốn sách hay hàng ngàn bài viết trước đây. Thế nhưng vì sao sách của Thomas Piketty lại trở thành hiện tượng?
Trước tiên phải nói ngay sự bất bình đẳng trong thu nhập mà tác giả đề cập chủ yếu không xoay quanh chuyện lương các CEO cao gấp mấy trăm lần lương công nhân (có nhưng không phải là điểm chính). Sự bất bình đẳng này thể hiện giữa hai xu hướng: thu nhập từ tư bản, có tốc độ tăng cao hơn nhiều so với thu nhập từ sức lao động, thường thấp hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Print Friendly and PDF

25.10.14

Luật học và kinh tế học

Luật học và kinh tế học

Nhằm hiểu tốt hơn những quan hệ giữa luật và kinh tế, tốt nhất là định nghĩa ít ra là một cách xấp xỉ hai bộ môn này. 
Luật học là khoa học nghiên cứu những qui tắc một xã hội tự thiết kế và được xã hội phê chuẩn chính thức để chi phối những quan hệ của các thành viên dưới dạng những quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên với nhau.
Kinh tế học là khoa học nghiên cứu bằng cách nào những tác nhân xã hội trao đổi với nhau trong một bối cảnh có những nguồn lực hiếm hoi và phân tích một cách chuẩn tắc chất lượng của kết quả thu được.
Do đó hai khoa học này có vẻ tách biệt với nhau, giống như những thực tế mà các khoa học này qui chiếu về là khác biệt nhau. Trong trường hợp của luật, đó là những bộ luật hay quyết định pháp lí; trong trường hợp của kinh tế, đó là những sản phẩm và dịch vụ, doanh nghiệp ... Tuy nhiên những mối liên hệ giữa luật và kinh tế ngày càng hiện rõ trong thực tiễn và ngày càng được phân tích trong lí thuyết.

1. Những quan hệ giữa luật và kinh tế

Rõ ràng là những qui tắc pháp lí ảnh hưởng đến kinh tế vì chúng ấn định những hành vi được phép và những quyền và nghĩa vụ gắn với những hành vi này: do đó những qui tắc pháp lí làm thay đổi chi phí của các hành vi và thông qua kênh này đi vào hạch toán kinh tế trên cơ sở đó các tác nhân hành động. Như thế việc giới hạn tiền thuê nhà cấu trúc những quan hệ chủ nhà-người thuê nhà theo một hình thức nhất định. Nếu mức tiền thuê nhà là không đủ thì chủ nhà sẽ không tiến hành những chi tiêu tu bổ và việc xây dựng chúng cư sẽ chậm lại: có thể dẫn đến một cơn khủng hoảng nhà ở. Tương tự như thế, bằng cách giới hạn vận tốc lưu thông trên những đường cao tốc, luật pháp làm giảm số tai nạn (với tất cả những hệ quả kinh tế của qui định này), ảnh hưởng đến tiêu dùng xăng và có thể ngay cả đến kiểu dáng xe ô tô ...
Print Friendly and PDF

7.10.14

Xã hội học và kinh tế học

Xã hội học và kinh tế học

Những quan hệ giữa xã hội học và kinh tế học thường được đặt thành những đối lập sai lầm. Sai lầm phổ biến nhất là cho rằng những khác biệt giữa hai bộ môn này trước hết và chủ yếu là một khác biệt về đối tượng nghiên cứu. Cái kinh tế, đối tượng của kinh tế học và cái xã hội, đối tượng của xã hội học, đều là những thực tế tự nhiên tồn tại ở trạng thái tự do, có trước những phương pháp tìm cách tìm hiểu chúng.
Theo cách nhìn này thì kinh tế học xử lí những đồ vật, những sản phẩm, nghĩa là những nguồn lực có ích và khan hiếm trong lúc xã hội học nghiên cứu những con người và những nhóm người họ hợp thành. Như thế lĩnh vực hậu cần đối lập với lĩnh vực những cứu cánh giống như cấu trúc thượng tầng đối lập với cơ sở hạ tầng. Sự phân biệt này nằm sau tổ chức bộ máy thông tin thống kê của Pháp được các nhà kinh tế lẫn các nhà xã hội học sử dụng: trường của thông tin kinh tế kết tinh trong những "Tài khoản của đất nước" (Comptes de la Nation) là sản xuất, phân phối, tiêu dùng và tích luỹ những sản phẩm và dịch vụ và những trao đổi giữa đất nước với phần còn lại của thế giới trong lúc trường của xã hội học, được khoanh lại trong "Những dữ liệu xã hội" (Données Sociales) bao phủ dân số, việc làm, giáo dục, văn hoá, sức khoẻ, pháp luật, nhà ở và những điều kiện sống của các cá thể và các gia đình. Hiển nhiên là khó giữ được phân biệt đầu này: phần giao nhau giữa hai lĩnh vực là quan trọng, những dữ liệu thực nghiệm vừa nêu trên cho thấy điều này; mặt khác chính là những con người và những nhóm xã hội sản xuất và trao đổi; cũng chính là trong việc sản xuất ra những trao đổi này mà các nhóm tự cấu trúc lại, những nhóm mà các nhà kinh tế không thể không quan tâm đến; cuối cùng ngay từ khởi thuỷ của xã hội học, Durkheim đã đấu tranh chống lại chủ nghĩa duy tâm: phương pháp của xã hội học đòi hỏi là "các sự kiện xã hội cần phải được xem như những đồ vật"[1] (Durkheim, 1895). Mặc dù có những phê phán này, phân công lao động giữa hai bộ môn theo truyền thống vẫn dựa trên phân biệt đầu này và dưới đây chúng tôi sẽ qui chiếu về đấy khi nói đến những sự kiện kinh tế hay xã hội.
Vilfredo Pareto (1848-1923)
Theo một sự phân biệt khác, bắt nguồn từ Pareto, nhà kinh tế nghiên cứu những hành động logic và nhà xã hội học nghiên cứu những hành động không logic. Thể theo sự phân biệt này, Pareto đã quan tâm đến những hành động logic trong tác phẩm Manuel d économie politique và đến những hành động không logic trong Traité de sociologie (Pareto, 1917-1919). Weber còn phân nhỏ thành những hành động cảm xúc, được những đam mê cá thể hay tập thể hướng dẫn, những hành động truyền thống dựa trên tập quán và bắt chước, những hành động duy lí được những giá trị hướng dẫn (cái Đẹp, cái Tật, cái Đúng, ...) và những hành động duy lí được xác định đối với những mục đích (zweckrational), gắn với sự xuất hiện trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản (Weber, 1920 và 1921).
Print Friendly and PDF