NHỮNG NGƯỜI ĐOẠT GIẢI NOBEL GIÚP GIẢI QUYẾT CÂU ĐỐ
BẤT BÌNH ĐẲNG
|
Ảnh chụp bởi Atila Altuntas/Anadolu, Getty Images |
Trong khi ngay cả
những nền kinh tế nghèo nhất thế giới
cũng giàu lên thêm trong những thập kỷ gần đây, họ vẫn còn tụt hậu rất xa so với các nền kinh tế có thu nhập cao hơn – và khoảng cách này không hề thu hẹp lại. Theo các nhà
kinh tế đoạt giải Nobel năm nay, lý do chính nằm ở các thể chế. Từ quá trình tái thiết Ukraine đến việc quản lý trí tuệ nhân tạo, những tác động này có hệ quả quan trọng và tầm ảnh
hưởng rộng khắp.
BỨC TRANH TOÀN CẢNH
Ngày 14 tháng
10 năm 2024 | Các biên tập
viên của PS
Giải Nobel Kinh tế năm nay đã được trao cho Daron
Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson vì
đã mở mang sự hiểu biết của chúng ta về mối quan hệ giữa các thể chế và sự thịnh vượng.
Các công cụ lý thuyết để phân tích tại sao và khi nào các thể chế thay đổi của những học giả này đã nâng cao đáng kể khả năng giải
thích – và giải quyết – sự khác biệt lớn về sự giàu có giữa các quốc gia.
Thất bại của các nhà hoạch định chính sách trong việc
nắm bắt cách thức hoạt động của các thể chế hiện lên rõ
ràng ở Afghanistan. Như
Acemoglu đã giải thích vào năm 2021, “sự sụp đổ nhục nhã” của đất
nước này, và
việc Taliban tiếp quản sau cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ, phản ánh ý tưởng sai lầm sâu sắc rằng một “nhà
nước vận hành tốt” có thể được “áp đặt từ trên xuống bởi các lực lượng
nước ngoài”. Như ông và Robinson
đã chỉ ra trước đây, “cách tiếp cận này thật vô nghĩa khi khởi điểm bạn có là một
xã hội cực kỳ hỗn tạp thiết lập xung quanh các phong tục và chuẩn mực địa phương,
nơi các thể chế nhà nước đã vắng bóng
hoặc bị suy yếu từ lâu”.
Các nhà lãnh đạo không nên mắc phải những sai lầm tương tự trong quá trình
tái thiết Ukraine. Như Acemoglu và Robinson đã quan sát vào năm 2019, sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng
sản, đất nước này “vẫn kẹt trong các thể chế tham nhũng trong giới cầm quyền vốn đã tạo ra một nền văn hóa tham nhũng và phá hủy
lòng tin của công chúng”. Nếu Ukraine muốn phát triển sau khi cuộc chiến hiện tại
kết thúc thì
cần tránh việc khôi phục (áp đặt) từ trên xuống của các “thể chế tước
đoạt” [extractive institutions] trong quá
khứ, thay vào đó, cần huy động xã hội dân sự để “xây dựng các thể chế tốt hơn” từ
cơ sở.
Acemoglu và Johnson còn lập luận rằng việc hiểu rõ hơn về các thể chế cũng chỉ đường cho chính
sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Mặc dù sự trỗi dậy của ngành sản xuất Trung
Quốc dường như là ví dụ hoàn hảo cho “quy luật lợi thế so sánh” nổi tiếng của nhà kinh tế học thế kỷ 19 David Ricardo, Trung Quốc đã luôn dựa
vào các thể chế đàn áp để đạt được lợi thế đó.
Vì vậy, trái với giả định của quy luật Ricardo rằng mọi người đều
được lợi, sức mạnh kinh tế của Trung
Quốc “đe dọa sự ổn định toàn cầu và lợi ích của Hoa Kỳ” theo những cách mà Hoa Kỳ phải – và ngày càng ra sức – định hướng chính sách của
họ đối với quốc gia này.
Và không chỉ có Trung Quốc. Như Acemoglu đã chỉ ra, “dự án toàn cầu hóa hậu Chiến tranh Lạnh cũng tạo điều kiện cho chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy
trên toàn thế giới”, chẳng hạn như ở Hungary, Ấn Độ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối
cảnh này, phương Tây phải suy nghĩ lại cách tiếp cận trong
việc giao thiệp, cả về kinh tế và
chính trị, với các quốc gia này.
Hồi đầu năm nay,
Acemoglu và Johnson đã lưu ý rằng
những hiểu biết sâu sắc của Ricardo
cũng có liên quan đến các cuộc tranh luận về trí tuệ nhân tạo (AI). Việc máy móc “phá hủy hay tạo ra việc làm hoàn toàn phụ thuộc vào
cách chúng ta triển khai chúng và vào những người đưa ra những lựa chọn đó”, họ
viết, lưu ý rằng “cần có những cải cách chính trị lớn để tạo ra nền dân chủ thực
sự, hợp pháp hóa các nghiệp đoàn, và thay đổi hướng tiến bộ công nghệ ở Anh trong
Cách mạng Công nghiệp”. Tương tự như vậy, việc xây dựng AI “ủng hộ người lao động”
ngày nay sẽ đòi hỏi chúng ta phải “thay đổi hướng đổi mới trong ngành công nghệ
và đưa ra các quy định và thể chế mới”.