THỜI ĐẠI THÁI CỰC 1914 – 1991 (15)
THE AGE OF EXTREMES
Tác giả: Eric J. Hobsbawm; Người dịch: Nguyễn Ngọc Giao
PTKT: Kể từ tháng 8.2021, chúng tôi lần lượt đăng tiếp các chương còn lại của tác phẩm Thời đại thái cực 1914-1991. Để có một cái nhìn chung giới thiệu tác giả và tác phẩm, mời bạn đọc lại bài Nhà sử học của hai thế kỷ.
MỤC LỤC
Hình ảnh minh họa
Chú thích các hình ảnh
Phần thứ nhất - THỜI ĐẠI TAI HỌA
chương 1 Thời đại chiến tranh toàn diện
chương 3 Dưới đáy vực thẳm kinh tế
chương 4 Sự suy sụp của chủ nghĩa liberal
chương 6 Nghệ thuật, 1915-1945
chương 7 Sự cáo chung của các Đế chế
Eric J. Hobsbawm (1917-2012) |
Phần thứ hai - THỜI ĐẠI HOÀNG KIM
chương 10 Cách mạng xã hội, 1945-1990
chương 13 “Chủ nghĩa xã hội hiện tồn”
Phần thứ ba: SỤP ĐỔ
chương 14 Những thập niên Khủng hoảng
chương 15 Thế giới thứ Ba và cách mạng
chương 16 Sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội
chương 17 Tiền phong hấp hối: nghệ thuật sau 1950
chương 18 Phù thủy và đồ đệ tập việc: các ngành khoa học tự nhiên
chương 19 Tiến tới thiên niên kỉ mới
* * *
Phần thứ ba
SỤP ĐỔ
Chương 15
THẾ GIỚI THỨ BA VÀ CÁCH MẠNG
“Tháng giêng năm 1974, trong một cuộc kinh lí thanh tra, trung tướng Beleta Abebe đặt chân tới trại lính ở Gode.[…] Ngày hôm sau, Cung vua nhận được bản báo cáo khó tưởng tượng: tướng Abebe đã bị binh lính bắt giữ, ép buộc ông ta phải nếm một suất ăn của lính tráng. Đồ ăn hôi thối tới mức người ta lo trung tướng sẽ trúng độc mà chết. Hoàng đế [Ethiopia] đã gửi một đơn vị không vận của Đội cận vệ hoàng gia đến Gode giải thoát Abebe và chở trung tướng vào bệnh viện”.
Jyszard KAPUSCINSKI, The Emperor (1983, tr. 130)
“Chúng tôi bắt đầu giết đàn súc vật [của trại thực nghiệm Trường đại học] ra sức giết bao nhiêu thì giết. Nhưng khi chúng tôi đang giết như vậy thì những bà nông dân khóc lóc: mấy con vật này, chúng làm gì nên tội mà giết đi như vậy? Các señoras khóc rống lên, thế là chúng tôi phải buông tay. Nhưng chúng tôi cũng đã giết tới 1/4 đàn súc vật, khoảng 80 con gì đó rồi. Định giết cả đàn, nhưng làm không nổi, nông dân khóc lóc dữ quá.
Chúng tôi còn đứng ngây ra đó một lúc thì có một ông cưỡi ngựa từ Ayacucho tới, chạy đi báo. Ngày hôm sau, đài phát thanh và báo La Voz đều đưa tin. Thế là chúng tôi đi về: có những đồng chí mang theo đài và chúng tôi nghe bản tin. Nghe mà nức lòng, đúng thế không nào?”.
Một đội viên trẻ của tổ chức Con đường Sáng,
Tiempos (1990, tr. 198)
I
Hastings Banda (1898-1997) |
Houphouët-Boigny (1905-1993) |
Bất luận người ta lí giải ra sao về những biến đổi của Thế giới thứ Ba, về sự phân hóa và rạn nứt tiệm tiến của khu vực này, Thế giới thứ Ba khác Thế giới thứ Nhất trên một điểm cơ bản. Trên thế giới, nó là khu vực của cách mạng – vừa tiến hành cách mạng xong, hay cách mạng đang chín muồi, hay có khả năng bùng nổ. Khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu trên quy mô hoàn cầu, thì Thế giới thứ Nhất nói chung là ổn định về chính trị và xã hội. Còn ở Thế giới thứ Hai, sức cản của đảng Cộng sản và khả năng quân đội Liên Xô can thiệp đã ngăn chận mọi chuyển động ngấm ngầm. Trái lại, kể từ năm 1950 (hay từ ngày thành lập), ít có quốc gia đáng kể nào ở Thế giới thứ Ba lại không trải qua cách mạng – hoặc là đảo chính quân sự nhằm đập tan, ngăn ngừa hay tiến hành cách mạng, hoặc dưới dạng giao tranh nội chiến. Sang đầu thập niên 1990, những biệt lệ chủ yếu là Ấn Độ và vài ba thuộc địa đặt dưới sự thống trị của những nhà độc tài gia trưởng chủ nghĩa như Bác sĩ Hastings Banda ở Malawi (thời thực dân, gọi là Nyasaland), và cho đến năm 1994, Houphouët-Boigny, người hùng tưởng như bất khả xâm phạm của Bờ biển Ngà. Bất ổn định về xã hội và chính trị đã tạo thành mẫu số chung của Thế giới thứ Ba.