30.7.14

Coase Ronald H.

The Problem of Social Cost
Author(s): R. H. Coase Source: Journalof Law and Economics, Vol. 3 (Oct., 1960), pp. 1-44
Published by: The University of Chicago Press

Khi Ronald Coase công bố đóng góp “The Problem of Social Cost” [Vấn đề chi phí xã hội], ông đã được cộng đồng các nhà kinh tế thừa nhận là tác giả từng làm sáng tỏ một vấn đề thiết yếu: vì sao người ta tạo ra những định chế kinh tế và với qui mô nào? Sinh năm 1910, ông học đại học Dundee rồi London School of Economics, nơi ông được phong làm giảng viên năm 1947 và dạy những vấn đề liên quan đến các dịch vụ công. Các nghiên cứu của ông dẫn ông đến khoa học quản lí, vì tự nhận mình ít có khiếu về các môn nhân văn và không thích toán học. Ông đặt câu hỏi sau: vì sao người ta giám sát các công ti theo các thứ bậc mà không kiểm tra toàn bộ nền kinh tế theo cùng cách ấy? Ông trả lời là khi xem xét các bên tham gia trong các cuộc trao đổi càng ở xa nhau hay càng chuyên biệt thì những chi phí thông tin và phối hợp mà cách tổ chức theo thứ bậc kéo theo sẽ trở nên quá đáng và không nhất thiết có đối phần là sự gia tăng giá trị của sản phẩm thuần. Do đó có những ranh giới cho doanh nghiệp và có thể quyền lợi của doanh nghiệp là để cho thị trường cung cấp cho mình những sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp từ bỏ việc tự sản xuất lấy. Đó là nội dung của đóng góp thiết yếu đầu tiên của ông năm 1937, “The Nature of the Firm” [Bản chất của công ti]. Bằng cách nhận diện các chi phí giao dịch này để đối lập với các chi phí sản xuất, hay chi phí về thời gian và nỗ lực cần thiết cho việc chuẩn bị, thiết lập và theo dõi các hợp đồng, ông đi đến kết luận rằng như vậy công ti xuất hiện khi việc huy động và tổ chức trực tiếp các nhân tố sản xuất là ít tốn kém hơn việc tìm mua các nguồn lực được sản xuất bên ngoài doanh nghiệp. Qui mô của doanh nghiệp tăng đến điểm mà chi phí tổ chức nội bộ của việc sản xuất lớn hơn các chi phí giao dịch gắn với việc thị trường cung cấp các sản phẩm ấy. Do đó công ti hiện ra như một chùm những “hợp đồng nội bộ”. Bằng cách giải thích sự ra đời của định chế doanh nghiệp bằng các chi phí giao dịch, Coase khai trương một truyền thống từ đây không ngừng kích thích những nghiên cứu, giải thích và đề xuất (Williamson, 2000).  
Năm 1960, Coase nối dài và vượt qua phân tích trên, sau khi rời nước Anh năm 1951 để sang Hoa Kì lần lượt giảng dạy tại các đại học Buffalo và Virginia.
Print Friendly and PDF

28.7.14

Williamson Oliver E.



Williamson Oliver E.
  Markets and Hierarchies.
Analysis and Antitrust Implications
New York, Free Press, 1975
 Việc xuất bản Markets and Hierarchies [Những thị trường và thứ bậc], năm 1975, đánh dấu một bước ngoặt trong tư tưởng và ảnh hưởng của một nhà kinh tế còn trẻ, cho đến lúc bấy giờ được biết đến nhất về những công trình trong kinh tế học doanh nghiệp. Sinh tại bang Wisconsin năm 1932, trước tiên học kĩ sư ở MIT. Việc học tập này dẫn ông khám phá thế giới các tổ chức công cộng và tư nhân khiến ông theo học quản lí, trước tiên ở Standford với sự hỗ trợ của Arrow, rồi ở Carnegie-Mellon, nơi ông gia nhập nhóm những nhà nghiên cứu xuất sắc tập hợp chung quanh Herbert Simon và Richard Cyert. Tại đây ông viết một luận án về hành vi quản lí, The Economics of Discretionary Behavior: Managerial Objectives in a Theory of Economics of the Firm [Kinh tế học về hành vi tùy nghi: các mục tiêu quản lí trong kinh tế học công ti], thể hiện mối quan tâm của ông đối với công ti và xác lập vững chắc sự nổi tiếng của mình trong giới các nhà kinh tế doanh nghiệp và các nhà quản lí. Trong những năm sau đó, các ảnh hưởng trên được kết hợp với sự say mê của ông đối với học thuyết thể chế của Commons (1934) và việc gặp gỡ những công trình của Coase, đặc biệt là “The Nature of the Firm” (1937) [Bản chất của công ti]. Sau vài bài báo hiệu, vận dụng khái niệm chi phí giao dịch, một khái niệm sẽ trở thành hòn đá tảng trong thiết kế lí thuyết của ông, Williamson công bố tác phẩm năm 1975, sau khi gặp khó khăn để tìm một nhà xuất bản. Ảnh hưởng của tác phẩm là to lớn và lâu dài, trong kinh tế lẫn trong quản lí và các khoa học xã hội – nó được rất nhiều nhà xã hội học và chính trị học trích dẫn. Tiếp sau đó là hai tác phẩm nổi bật, The Economic Institutions of Capitalism (1985) [Những thể chế kinh tế của chủ nghĩa tư bản] và The Mechanisms of Governance (1996) [Những cơ chế điều hành]. Tuy nhiên quyển sách thứ nhất vẫn là
Print Friendly and PDF

Tính khoa học và tính thời sự của "Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes"

... Sự kiện người cầm chịch chính sách tiền tệ Mĩ trong gần hai mươi năm liên tục mà mỗi một tuyên bố khiến thị trường phải chờ đón từng lời, hai năm trước mới rời khỏi chức vụ trong hào quang của một bậc thầy (maestro), nay buộc phải nhận một phần trách nhiệm để nổ ra cuộc khủng hoảng chưa biết sẽ đưa thế giới về đâu, đủ biện minh cho việc cần phải quan tâm đến tư tưởng kinh tế...

Tính khoa học và tính thời sự của Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes

Diễn Đàn: Ngày 12.12.2008 vừa qua, một cuộc Hội thảo về kinh tế với nội dung: Việt Nam nên tìm hiểu và đánh giá như thế nào các luồng tư tưởng kinh tế đương đại? đã diễn ra tại Trung tâm Văn Hóa Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
Cuộc hội thảo được Nhà xuất bản Tri thức, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, và Trung tâm Nghiên cứu chính sách và kinh tế đồng tổ chức; với sự tham gia của các diễn giả Nguyễn Đôn Phước, Nguyễn Đức Thành, Đinh Tuấn Minh và Võ Trí Thành.
Dưới đây chúng tôi xin đăng bài giới thiệu tác phẩm Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes của Michel BeaudGilles Dostaler, do dịch giả Nguyễn Đôn Phước trình bày.
The volume conceived by Michel Beaud and Gilles Dostaler to distill the essentials of economic thought since Keynes into a single and readily manageable volume is now available to English readers.... It is, in a word, `exceptional'.
Journal of the History of Economic Though
The history of very recent economic thought has been sadly neglected. This book seeks to fill this gap. This is a book that has no parallel in the secondary literature. It is a unique contribution to the historiography of the recent past of our subject.
Mark Blaugh[*], University of Exeter
Ban tổ chức giao cho tôi nhiệm vụ bất khả thi phải giới thiệu tác phẩm Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes của Michel Beaud và Gilles Dostaler, xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp năm 1993 và đã được dịch sang tiếng Anh, Arap, Bồ Đào Nha và Rumani. Khi NXB Tri thức lên kế hoạch xuất bản bản dịch, chúng tôi đã tranh thủ hai đồng tác giả viết riêng cho ấn bản tiếng Việt lời tựalời bạt trình bày những suy nghĩ cập nhật của họ về hiện trạng tư tưởng kinh tế, và đồng thời chúng tôi mời một chuyên gia khác là anh Trần Hải Hạc, viết lời giới thiệu cho bạn đọc Việt Nam. Vượt lên hẳn những gì tôi sắp nói, các bài viết trên chắc chắn sẽ giúp các bạn tiếp cận một cách đầy đủ và sâu sắc hơn tác phẩm và tư tưởng của các tác giả.
Song do không thể thoái thác phải đăng đàn đêm nay, xin có đôi lời của một người dịch nghiệp dư nhân đọc lại Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes trong những ngày cả thế giới đang đối mặt với “một cơn sóng thần (tsunami) 100 năm mới đổ xuống một lần”, theo như đánh giá của cựu chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mĩ (Fed), ông Alan Greenspan.
Michel Beaud và Gilles Dostaler chọn năm 1936, năm xuất bản tác phẩm chính của Keynes, Lí thuyết tổng quát về việc làm, tiền lãi và tiền tệ, làm khởi điểm cho một phác họa toàn cảnh diễn tiến sôi động của tư tưởng kinh tế đến cuối thể kỉ qua, một lịch sử “đầy ắp âm thanh và cuồng nộ”.
Xin trích dẫn những dòng cuối của tác phẩm nổi tiếng của Keynes:
"Tư tưởng của các nhà kinh tế học và các triết gia chính trị học còn có thế lực mạnh hơn là người ta tưởng kể cả khi tư tưởng đó đúng hay sai ... Những người có đầu óc thực tiễn cho rằng họ hoàn toàn không bị chi phối bởi bất kì ảnh hưởng của học thuyết nào lại thường là nô lệ của một nhà kinh tế học nào đã chết. Những kẻ điên rồ nắm quyền lực trong tay tưởng như nghe thấy tiếng nói trong không trung, nhưng lại đang chắt lọc cuồng mộng của họ từ một cây bút tầm thường nào đó mấy năm về trước. Tôi chắc rằng tầm quan trọng của những lợi ích cục bộ được thổi phồng lên nhiều so với ảnh hưởng mở rộng dần dần của những tư tưởng này ... Sớm hay muộn, chính những tư tưởng, chứ không phải những lợi ích cục bộ, mới là điều nguy hại đối với điều tốt hay điều xấu"[1].
Cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế đang diễn ra càng làm nổi bật tính thời sự của nhận định trên về tầm quan trọng của tư tưởng kinh tế, như được minh chứng qua cuộc đối thoại sau. Ngày 23.10 vừa qua, điều trần trước quốc hội Mĩ, ông Greenspan, khi được nhắc lại niềm tin của ông trước đây vào hệ thống "free market" mà theo lời ông thì "những thị trường tự do và cạnh tranh là cách tốt nhất, và không có gì bằng, để tổ chức các nền kinh tế"[2], đã thừa nhận rằng ông đã "tìm thấy một sai lầm, một vết rạn nứt, không rõ có ý nghĩa như thế nào và mang tính thường xuyên hay không, khiến tôi vô cùng đau khổ". Bị vị chủ tịch ủy ban giám sát hoạt động chính phủ hối thúc ông nói rõ thêm ý ông khi hỏi thẳng: "Nói cách khác, phải chăng ông thấy rằng thế giới quan, hệ tư tưởng của ông là không đúng, không khả thi", Greenspan xác nhận ngay: "Đúng vậy, chính xác là như thế. Đó là lí do khiến tôi bị sốc vì trong suốt 40 năm hay lâu hơn thế nữa, một cách vô cùng hiển nhiên hệ thống đã hoạt động đặc biệt tốt"[3].
Sự kiện người cầm chịch chính sách tiền tệ Mĩ trong gần hai mươi năm liên tục mà mỗi một tuyên bố khiến thị trường phải chờ đón từng lời, hai năm trước mới rời khỏi chức vụ trong hào quang của một bậc thầy (maestro), nay buộc phải nhận một phần trách nhiệm để nổ ra cuộc khủng hoảng chưa biết sẽ đưa thế giới về đâu, đủ biện minh cho việc cần phải quan tâm đến tư tưởng kinh tế. Cũng trong lần phát biểu trên trước quốc hội Mĩ, Greenspan còn thừa nhận là sự thất bại trong việc xác định đúng đắn giá những tài sản có rủi ro cao đã đẩy nhanh cuộc khủng hoảng và nhắc đến các công trình của cái gọi là giải Nobel kinh tế năm 1990 làm cơ sở hỗ trợ cho những tiến bộ của thị trường các chứng khoán phái sinh, dựa trên công nghệ tin học và viễn thông, với sự góp sức của các chuyên gia toán học và tài chính. Ông cũng nhận định rằng thiết kế lí thuyết này, từng có ảnh hưởng lớn đến việc quản lí rủi ro suốt nhiều thập niên đã sụp đổ vào mùa hè năm qua, nhưng vẫn cho rằng nếu các mô hình được nạp thêm dữ liệu về những thời kì lịch sử khác thì bộ mặt của thị trường tài chính sẽ không thê thảm như hôm nay[4]. Trong Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes, Beaud và Dostaler dành nguyên một chương cho sự hình thành xu hướng tiên đề hóa, hình thức hoá và toán học hoá, được xem như một ”đột biến triệt để” mà tầm quan trọng, trong một thời gian dài, bị cuộc ”cách mạng keynesian” che khuất[5]. Trước những biện pháp đối phó khẩn cấp của các chính quyền phương Tây, một sinh viên chỉ còn nhớ tư tưởng kinh tế qua danh tiếng của những nhà lí thuyết nối tiếp nhau trong thời gian có thể cho rằng giờ Keynes phục thù Hayek đã điểm ! Hay một nhà báo theo dõi thời sự kinh tế có thể cho là cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn khép lại mấy thập niên thống trị của học thuyết ”tân tự do” và từ nay sẽ là sự hồi sinh của các chính sách tùy nghi theo kiểu keynesian và của những biện pháp quy định hoá. Nhưng ai có đọc Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes thì sẽ không vội vàng tiếp nhận kiểu kết luận như thế. Vì bao giờ cũng có một khoảng cách giữa tư tưởng của lí thuyết gia và những chính sách được thực thi nhân danh (hay núp bóng hoặc đội lốt) tư tưởng này. Phải chăng vì thế mà tương truyền rằng Keynes từng thốt lên: "tôi không phải là một nhà keynesian", cũng như Marx trước đây có nói ông không phải là nhà marxist? Và nếu trong lịch sử, sự phân cực các học thuyết khác nhau diễn ra trên trục Nhà nước-thị trường thì hai tác giả cũng đã cho thấy là dù cho ở mỗi thời điểm, bao giờ cũng có sự thống trị của một học thuyết ”chính thống” nhưng nhiều học thuyết ”phi chính thống” khác vẫn không chịu khuất phục. Bối cảnh hình thành, tính phức tạp, đối lập lẫn đan xen, chuyển hoá lẫn nhau, thậm chí hội tụ trên một số điểm nhất định, giữa các trào lưu khiến cho họa đồ tư tưởng kinh tế đương đại không chỉ đậm một gam màu duy nhất. Điều này càng hiện rõ khi bắt đầu xuất hiện những cách lí giải và đề xuất hướng thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay theo cách nhìn của tổng hợp tân cổ điển[6], theo cách nhìn hậu keynesian kiểu Minsky[7], theo quan điểm của trường phái Áo (ABCT)[8], theo quan điểm thể chế, theo quan điểm marxist[9], hoặc vận dụng những khái niệm như tính bất toàn của thông tin, thông tin không đối xứng[10], hoặc lấy cảm hứng từ kinh tế học hành vi, v.v... Đối với nhà nghiên cứu muốn theo dõi các cuộc tranh luận lí thuyết đang khởi động chung quanh cuộc khủng hoảng hiện nay, quyển Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes cung cấp những thông tin ban đầu về các vấn đề không thuộc chuyên ngành hẹp của mình. Để viết tác phẩm này, Beaud và Dostaler tuân thủ các nguyên tắc sau: "từ chối đánh giá nội dung có trước mắt theo thước đo của bất kì học thuyết chính thống nào", "kết hợp lịch sử tư duy và lịch sử tư tưởng" và vận dụng "phương pháp tái tạo lịch sử", tức là "trình bày tư tưởng của các tác giả bằng chính những khái niệm do chính các tác giả này sử dụng và theo những cách trình bày mà họ có thể chấp nhận"[11]. Tác phẩm còn có phần từ điển điểm qua tiểu sử, sự nghiệp, những đóng góp và luận điểm của 150 nhà kinh tế đương đại chính tiêu biểu cho các trào lưu khác nhau trong số hơn 1.000 nhà kinh tế được nêu tên và/hoặc trích dẫn trong phần phác thảo lịch sử. Thư mục chung cùng với những thư mục chi tiết về các tác giả có mặt trong từ điển, và một bảng tra cứu theo chủ đề biến quyển sách thành một công cụ làm việc đắc lực, tập hợp nhiều nguồn tham khảo cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn. Còn phụ lục "Một lịch sử đầy sôi động" là một tổng quan ngắn gọn về lịch sử tư tưởng kinh tế từ xưa đến nay. Tòan cảnh dễ đọc này cũng soi sáng quan niệm phương pháp luận của các tác giả được họ vận dụng để viết Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes.
Về mặt học thuật trên đây là vài nét chính tôi thu hoạch được khi đọc Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes, với mong muốn chia sẻ cùng các bạn rằng kinh tế học không hẳn đã là một ”khoa học buồn thảm” (dismal science).
Nhưng tôi sẽ sai lầm nếu gieo cho các bạn cảm giác rằng đây là một quyển sách hàn lâm do hai giáo sư đại học ngồi viết trong tháp ngà. Với tư cách nhà khoa học, các tác giả đã viết tác phẩm một cách khách quan, trung thực dựa trên một quan điểm rõ ràng như vừa được nêu, thoả mãn đầy đủ những chuẩn mực học thuật nên được các đồng nghiệp đánh giá cao, dù có đồng ý với họ hay không. Vì đứng trước sự phong phú của tư tưởng đương đại, hai đồng tác giả giữ thái độ không giáo điều khi viết rằng: "Nhận xét có sự bùng nổ [...] của tri thức kinh tế trước hết phải dẫn đến việc ghi nhận tính đa dạng, chấp nhận sự đa nguyên này nhưng cũng là để mọi người cùng chấp nhận nó"[12]. Nhưng thấm nhuần tinh thần nhân văn của thế kỉ Ánh sáng, như câu họ trích dẫn nhà văn Rabelais cho thấy: "Khoa học mà không có lương tâm chỉ là điêu tàn của tâm hồn"[13], nên với tư cách nhà kinh tế đồng thời cũng là công dân toàn cầu, họ không ngần ngại lên tiếng khi nhận thức rằng trái đất không phẳng. Trong lời tựa cho bản in tiếng Việt, sau khi nhắc lại đánh giá của Keynes trong chương 12 nổi tiếng của Lí thuyết tổng quát, rằng đầu cơ là vô hại khi các nhà đầu cơ là những "bọt bong bóng trong dòng hoạt động kinh doanh ổn định" thì tình hình trở nên nguy kịch khi "hoạt động kinh doanh chỉ còn là một bọt bong bóng trong cơn lốc đầu cơ", và như thế sự phát triển của tư bản trở thành "một thứ phẩm của các hoạt động trong sòng bạc"[14], Gilles Dostaler viết tiếp:
"Nhận định trên của Keynes có tính tiên tri và đáng kinh ngạc khi ta xét đến sự phát triển trong hai mươi năm vừa qua, với việc nhân bội các cuộc khủng hoảng tài chính, mà cuộc khủng hoảng mới nhất vào lúc những dòng này được viết ra (tháng giêng 2008), gây nên bởi đầu cơ bất động sản quá đáng ở Hoa Kì, bắt đầu được mở rộng và đe dọa nền kinh tế thế giới. Sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods, mà Keynes đã góp phần dựng lên, việc phi quy định hoá tài chính, việc hủy bỏ mọi cản trở cho sự lưu thông vốn trên bình diện quốc tế, tất cả các hiện tượng liên kết với nhau này và gắn với điều được gọi là toàn cầu hoá làm cho những xu hướng nguy hiểm cho sự tồn vong của nhân loại thêm đậm nét. Từ nay, hơn bao giờ hết, chủ nghĩa tư bản là một hệ thống thế giới bị các quyền lực tài chính thống trị, những quyền lực mà thước đo duy nhất là đồng tiền và mục đích duy nhất là khả năng sinh lợi tài chính. Trách nhiệm của những nhà kinh tế (trên cương vị công dân) là phải góp phần đảo ngược xu hướng này"[15].
Còn trong lời bạt, Michel Beaud nhất trí là "chúng ta đang ở trong một cuộc đột biến toàn cầu không có tiền lệ trong lịch sử [...] và bị cuốn vào một quá trình tiến hoá mạnh mẽ và nguy hiểm đe dọa tương lai của các xã hội loài người, chủ nghĩa nhân văn và hành tinh"[16]. Thế mà, ông thất vọng ghi nhận rằng: "đứng trước thách thức này, phần chủ yếu của các công trình trong kinh tế học không được lồng vào một nỗ lực tập thể nhằm góp phần chẩn đoán và đề xuất những liệu pháp. Một phần vì, như Gilles Dostaler đã nhấn mạnh trong lời tựa, ”một phần lớn lí thuyết kinh tế hiện nay giống như toán học ứng dụng hơn là suy tư về hiện thực con người và xã hội”. Một phần khác vì hiếm có những nhà kinh tế mà động cơ các công trình của họ là một động cơ đạo đức, chính trị, hay đơn giản hơn là vì con người". Bởi thế, sau khi "nhắc lại rằng trong hơn hai thế kỉ, hầu hết những công trình kinh tế học chính trị đều không bỏ qua chiều kích đạo đức, lẫn lịch sử và các bộ môn khác bàn về con người và xã hội", Michel Beaud kêu gọi các nhà kinh tế noi gương hai bậc tiền bối ở Cambridge là Marshall và Keynes để "khi tính đến sự phân mảnh của tri thức, học cách tư duy tính phức hợp trong sự cộng tác với các chuyên gia của tất cả các bộ môn liên quan đến đối tượng nghiên cứu, ... xem Trái đất trong tổng thể của nó và trong sự đa dạng của những hệ sinh thái và xem Nhân loại trong tính thống nhất của nó và trong sự đa dạng của các xã hội con người và do đó tìm kiếm những giải pháp" cho điều ông gọi là ”cuộc xung đột các quá trình tái sản xuất”, "vừa với mối quan tâm đến tính tổng thể vừa nghĩ đến tính đa dạng của các lộ trình"[17]. Và ông mong chờ "các xã hội mới nổi lên, những xã hội năng động nhất và sáng tạo nhất của giai đoạn hiện nay, không chỉ phải tìm cách đuổi kịp mà còn phải đi trước bằng cách sáng tạo không phải chỉ công nghệ và năng lượng mà còn cả những nền nông nghiệp, những phương thức qui hoạch đô thị, những phương tiện giao thông vận tải không gây nguy hại cho Trái đất và sự Sống".
Xin được kết thúc với những trích dẫn tâm huyết trên của hai đồng tác giả, và nếu phải gói gọn trong một câu tôi sẽ nói rằng quyển Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes là một sản phẩm trí thức ra đời trong những đất nước có xã hội dân sự phát triển.
12.12.2008
Nguyễn Đôn Phước
(Nguồn: Diendan.Org)



[1] dẫn theo bản dịch (có chỉnh sửa) Lí thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1994, trang 438.

[2] Le président de la commission, Henry Waxman, venait de rappeler à M. Greenspan les propos qu'il avait tenus dans le passé, selon lesquels "des marchés libres et concurrentiels sont de loin la meilleure façon d'organiser les économies, sans équivalent" ; xem http://www.lemonde.fr/la-crise-financiere/article/2008/10/25/alan-greenspan-fait-part-de-son-grand-desarroi_1111060_1101386.html).

[3] Referring to his free-market ideology, Mr. Greenspan added: “I have found a flaw. I don’t know how significant or permanent it is. But I have been very distressed by that fact.” Mr. Waxman pressed the former Fed chair to clarify his words. “In other words, you found that your view of the world, your ideology, was not right, it was not working,” Mr. Waxman said. “Absolutely, precisely,” Mr. Greenspan replied. “You know, that’s precisely the reason I was shocked, because I have been going for 40 years or more with very considerable evidence that it was working exceptionally well.”; xem http://economix.blogs.nytimes.com/2008/10/23/greenspans-mea-culpa/, http://www.nytimes.com/2008/10/24/business/economy/24panel.html?_r=3&hp&oref=slogin&oref=slogin , và http://fr.youtube.com/watch?v=fRu1nIAi9uc)

[4] http://clipsandcomment.com/wp-content/uploads/2008/10/greenspan-testimony-20081023.pdf

[5] Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes, NXB Tri thức, Hà Nội, 2008, trang 111.

[6] http://rationalitelimitee.wordpress.com/2008/12/05/certes-on-est-tous-mort-a-long-terme-mais-quand-meme/#more-1044, http://www.nytimes.com/2008/11/30/business/economy/30view.html?_r=2&partner=permalink&exprod=permalink và http://rodrik.typepad.com/dani_rodriks_weblog/2008/12/some-unpleasant-keynesian-arithmetic.html

[7] http://econ.bus.utk.edu/faculty/davidson/minksy7.pdf

[8] http://notsneaky.blogspot.com/2008/10/minsky-austrians-and-mmt.html

[9] http://www.internationalviewpoint.org/spip.php?article1562

[10] http://www.guardian.co.uk/commentisfree/cifamerica/2008/oct/15/kenneth-arrow-economy-crisis và http://www.newstatesman.com/business/2008/10/economy-world-crisis-financial

[11] nt, trang 36-37

[12] nt, trang 231

[13] nt, trang 231

[14] dẫn theo bản dịch (có chỉnh sửa) Lí thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1994, trang 203.

[15] nt, trang 23

[16] nt, trang 237

[17] nt, trang 241

[*] Chuyên gia về lịch sử tư tưởng kinh tế, nổi tiếng trong giới đại học anglo-saxon với hai tác phẩm Economic Theory in Retrospect và The Methodology of Economics: Or, How Economists Explain. Ông chủ trì nhiều tủ sách quan trọng của nhà xuất bản Edward Elgar: Schools of Thought in Economics, The International Library of Critical Writings in Economics và Pioneers in Economics (xem chi tiết trong Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes, NXB Tri thức, Hà Nội, 2008, trang 280-283).

Print Friendly and PDF

Như bất kỳ lập luận nào muốn có tính khoa học

(Diễn từ tại buổi lễ giải thưởng Văn hoá Phan Châu Trinh 2010)

Một trong hai "tân khoa" được trao giải dịch thuật Phan Châu Trinh năm nay, anh Nguyễn Đôn Phước đã "ra mắt" người đọc Việt ngữ với bản dịch một cuốn sách "không giống ai", cuốn Từ điển phân tích kinh tế của B.  Guerrien, một tác phẩm "không có tương đương hiện nay trên thị trường từ điển", theo đánh giá của Trần Hải Hạc trên mặt báo này. Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét trong bài phát biểu bế mạc lễ trao giải của ông: Nguyễn Đôn Phước là một người đã có thể "lẳng lặng" làm việc - trong 10 năm trời - để thực hiện "ý đồ nghiêm trang và to lớn, lâu dài của mình". Bài diễn từ nhận giải ngắn gọn mà súc tích này là một minh chứng cho "cá tính" đó.   
(Hình trên: Bà Nguyễn Thị Bình (bìa phải) - nguyên phó chủ tịch nước CHXHCN VN - chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh - trao giải thưởng 'Dịch thuật: cho dịch giả Nguyễn Đôn Phước - Ảnh: Minh Đức, nguồn: Tuoitre.vn)
 
Kính thưa Bà Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh,
Kính thưa Giáo sư Hoàng Tụy,
Thưa quý vị, 
Tôi vô cùng vinh dự hôm nay được nhận giải thưởng cao quý của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và xin chia sẻ niềm vui này cùng dịch giả Phạm Văn Thiều.
Print Friendly and PDF

25.7.14

“Quyền tự do lựa chọn được dành cho mỗi người”

TTCT - Lâu nay nói đến sách kinh tế, không ít bạn đọc vẫn hiểu rằng sách kinh tế là sách dạy bí quyết kinh doanh, sách về quản trị hay marketing... Có thể gọi chung là sách dạy làm giàu. Để hiểu thêm về sách kinh tế, TTCT đã có cuộc trao đổi với dịch giả chuyên ngành sách kinh tế học Nguyễn Đôn Phước.
* Thưa ông, có thể xem sách dạy làm giàu là sách kinh tế?  
- Cũng có thể xem như vậy nếu hiểu nôm na kinh tế là những gì dính đến “cơm áo gạo tiền”. Còn mảng tôi chuyên dịch là sách kinh tế học, một bộ môn mà định nghĩa còn tùy thuộc vào mỗi trường phái và học thuyết. Không phải là một khoa học “cứng” như vật lý học thế thì hiểu biết kinh tế học giúp ích gì cho ta trong cuộc sống?
Tôi xin mượn ý của Joan Robinson (nhà kinh tế học người Anh, 1903-1983) để trình bày một cách dễ hiểu rằng: nếu có được kiến thức kinh tế thì giúp ta cảnh giác khỏi bị đánh lừa bởi những ý tưởng phổ biến trong xã hội. Chẳng hạn, đề cập đến thị trường ta thường nghe rằng “khách hàng là thượng đế”, “thương trường là chiến trường”, “quy luật cung cầu”...
Nhưng đâu là “chủ quyền” của người tiêu dùng (một khái niệm của kinh tế học tân cổ điển) và người ấy có thật là thượng đế không? Trong thực tế, do thu nhập hạn chế thì chỉ có thể “tự do” lựa chọn mua thực phẩm... không an toàn!
Print Friendly and PDF

“Ngồi chờ thì biết đến bao giờ…”

Nguyễn Đôn Phước là một cái tên hàng đầu trong phân vùng dịch giả sách kinh tế hiện nay tại Việt Nam. 

Nói về dịch thuật, ông tự nhận mình là người nghiệp dư, với hai nghĩa: không được đào tạo chuyên ngành dịch thuật và không sống bằng nghề dịch. Nhưng những ai theo dõi chín dịch phẩm là tự điển, học thuyết, tư tưởng kinh tế đầy công phu và cẩn trọng mà ông giới thiệu với độc giả trong năm năm qua, có thể thấy Nguyễn Đôn Phước là một cái tên hàng đầu trong phân vùng dịch giả sách kinh tế hiện nay tại Việt Nam.
Phóng viên có một cuộc trao đổi ngắn với dịch giả Nguyễn Đôn Phước nhân dịp ông sắp nhận giải thưởng Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh 2010.
Thưa ông, trong năm năm qua, thị trường sách Việt Nam có một điểm chung: sách được độc giả ưa chuộng hầu hết tập trung vào các phân vùng khá “thực dụng” như hồ sơ những đại gia kinh tế, công cụ quản trị, marketing hay bí quyết kinh doanh, làm giàu… Trong lúc đó, sách tư tưởng, học thuyết kinh tế chuyên sâu vốn đã thiếu, lại ít được chú trọng. Ông có nghĩ đây là điều bất thường?

Print Friendly and PDF

Ngân Hàng Thế Giới - Đi Tìm Mô Hình Phát Triển Và Trường Hợp Việt Nam


(Nguồn: Vinabook.com)
Tác giả: Nhiều Tác Giả
Người dịch: Nguyễn Đôn Phước
 NXB Tri thức
Giới thiệu về nội dung
Ngân hàng thế giới được thành lập năm 1944 nhằm cung cấp vốn vay phục vụ công cuộc tái thiết ở Châu Âu và giúp đỡ các nước đang phát triển, lúc bấy giờ chưa mấy đông đảo.
Từ đó đến nay cơ cấu của Ngân hàng đã thay đổi rất nhiều. Từ một Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD) chuyên cho khu vực nhà nước vay, Ngân hàng đã dần dần mở rộng thêm Hiệp hội Phát triển Quốc (IDA), và ba định chế khác: Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), phụ trách mảng cấp vốn cho khu vực kinh tế tư nhân, Tổ chức bảo lãnh đầu tư Đa phương (MIGA) và Trung tâm Giải quyết các Tranh Chấp Đầu tư Quốc tế (ICSID).
Tầm quan trọng của Ngân hàng Thế giới trong
Print Friendly and PDF