30.3.15

Ferdinando Galiani chống lại chủ nghĩa giáo điều kinh tế

Ferdinando Galiani chống lại chủ nghĩa giáo điều kinh tế

Là một học giả phát triển sớm, Galiani quan tâm rất sớm đến quy chế tiền tệ. Ông công kích các luận điểm ủng hộ chủ trương tự do kinh doanh. Và lên án "giáo phái" của những nhà kinh tế học tin vào sự tồn tại các quy luật phổ quát của nhân loại.
Đối với Ferdinando Galiani, sẽ là điều rất nguy hiểm khi đưa ra những kết luận chính trị từ những trừu tượng hóa mang tính phổ quát.
Ferdinando Galiani là một thiên tài bao biện. Quan tâm đến thần học, trong một số những ngành khác, là tác giả bài viết ca tụng Đức Giáo Hoàng Benedict XIV, nhưng ông chỉ là thầy tu trên danh nghĩa. Trong suốt sự nghiệp, ông giữ nhiều chức vụ quản lý hành chính quan trọng, trong đó có Bí thư Đại sứ quán Vương quốc Naples ở Paris, từ năm 1759 đến 1769. Là nhà La tinh học hoàn hảo, ông là tác giả của hai nghiên cứu về Horace, trong đó ông tự so sánh với Horace vì bản thân cũng sáng tác được thơ. Ông viết một cuốn sách về phương ngữ của Naples. Đam mê sử học, địa lý học và khảo cổ học, ông tham gia vào các cuộc khai quật Herculaneum. Thỉnh thoảng là nhà địa chất học, ông đã cố giải thích sự phun trào của núi lửa Vésuve, và suy đoán về nguồn gốc của điện và sấm sét.
Là người khéo nói chuyện, khéo kể chuyện, trào phúng và không trọng truyền thống, nên sự cao hứng, văn hóa và óc hài hước sắc bén của Galiani, như cá gặp nước, được đánh giá cao trong giới thượng lưu ở Paris của những năm 1760. Trong số những người thân thiết với ông có Diderot, nam tước d'Holbach, Grimm - người bảo hộ của gia đình Mozart - và quý bà Madame d'Epinay, người mà những thư từ của ông gửi cho quý bà được xuất bản thành năm tập. Diderot, người mà ông ấy đã hướng dẫn bước đầu về kinh tế học và chính trị học, đã viết về Galiani như sau: "Tôi yêu quý vị cha dòng này đến phát điên". Diderot là tác giả của hai bài viết bảo vệ ý tưởng của Galiani chống lại những người gièm pha ông ấy.
Print Friendly and PDF

28.3.15

Học thuyết cận biên



Học thuyết cận biên

Marginalism
Học thuyết cận biên ra đời vào khoảng những năm 1870, gây nên một cuộc cách mạng khoa học thật sự trong lí thuyết kinh tế. Cuộc đảo lộn này đã diễn ra trong lí thuyết giá trị. Cuộc cách mạng này bộc lộ hết ý nghĩa của nó qua việc đoạn tuyệt với lí thuyết giá trị gắn bó với trường phái cổ điển, đặc biệt là trường phái cổ điển Anh. Sau khi nhận diện ý nghĩa của lí thuyết cổ điển về giá trị, ta được trang bị tốt hơn để hiểu bản chất của cuộc cách mạng cận biên.  

Điểm xuất phát: lí thuyết cổ điển về giá trị

Xin nhắc lại rằng thuật ngữ lí thuyết giá trị được hiểu như là bộ phân của lí thuyết kinh tế nhằm giải thích những quan hệ giữa giá cả của những hàng hoá và dịch vụ. Lí thuyết được xem là giải thích cho chúng ta hiểu, ví dụ, quan hệ giữa giá một chiếc xe và giá một cân bơ. Cho mỗi hàng hoá, có một giá được xác lập trên các thị trường; toàn bộ những quan hệ giữa những giá khác nhau này, được thể hiện bằng đơn vị tiền tệ, hợp thành điều được gọi là hệ thống những giá tương đối. Lí thuyết giá trị không gì khác hơn là lí thuyết những giá tương đối và giữ một vị trí trung tâm trong lí thuyết kinh tế. Không phải lúc nào tầm quan trọng của lí thuyết này cũng đuợc nhận thức rõ ràng: đó là vì giá cả là những tín hiệu hướng dẫn và phương tiện định hướng nhiều hơn là những công cụ đo đạc. Nếu không có giá cả thì các tác nhân kinh tế sẽ được trang bị giống như người đi biển không có la bàn: các tác nhân chỉ phải vật lộn với những sản phẩm và dịch vụ hỗn tạp nên không thể xác định một cách duy lí việc phân bổ các nguồn lực của mình. Thế mà đối với các tác nhân sự cần thiết phải lựa chọn là một tất yếu trong tất cả những tình thế của đời sống kinh tế: làm thế nào một nguời tiêu dùng phân bổ chi tiêu của mình giữa thịt và cà chua? bằng cách nào một doanh nghiệp lựa chọn ga hay điện làm nguồn năng lượng? Chính hệ thống giá cả sẽ cho phép tiến hành những lựa chọn này một cách duy lí, bằng cách chuyển đổi những đơn vị vật lí thành đơn vị giá trị và nhờ đó mỗi chủ thể có khả năng áp đặt một tính chặt chẽ thật sự cho những lựa chọn kinh tế của mình.
Print Friendly and PDF

26.3.15

Antoine de Montchrestien, nhà phát minh kinh tế học chính trị



Antoine de Montchrestien, nhà phát minh kinh tế học chính trị

Là nhà kinh tế và nhà văn, Antoine de Montchrestien là một đại diện của trường phái trọng thương. Trong phân tích của ông, trong đó kinh tế và chính trị có vai trò ngang nhau, thương mại nổi lên là cách ưu tiên để đảm bảo quyền lực của nhà nước và sự ổn định của xã hội.
Công việc buôn bán lông thú ở thế kỷ XVI. Theo Montchrestien, thương nhân là gương mặt chính của nền kinh tế.
Cuộc đời của Antoine de Montchrestien[1] sóng gió như những vở bi kịch của ông, mang dấu ấn của bạo lực và tội ác. Mồ côi từ nhỏ, ông suýt chết trong một trận đấu tay đôi ở tuổi 20, trước khi làm giàu bằng việc truy tố kẻ tấn công ông ra tòa. Để thoát đoạn đầu đài sau khi giết chết con trai của Sieur de Grichy-Moinnes trong một trận đấu tay đôi khác, ông buộc phải lưu vong trong năm năm, khi đơn xin ân xá bị vua Henry IV bác. Cuối cùng, ông đã được ân xá nhờ sự can thiệp của vua nước Anh, Jacques I, khi diễn vở kịch Người phụ nữ Scotland. Nhà vua là con trai của Mary Stuart, nhân vật anh hùng nữ trong vở bi kịch của ông.
Là người quen thuộc tòa án, ông giúp một người phụ nữ kiện chồng, một "quý ông giàu có, nhưng xấu xí về ngoại hình và ngu xuẩn về đầu óc." Ông lấy bà ấy làm vợ sau khi chồng bà ấy chết và tài sản tiếp thu được cho phép nhà viết kịch trở thành doanh nhân và thương gia.
Print Friendly and PDF

24.3.15

Lợi ích



Lợi ích

Utility
® Giải Nobel: ALLAIS, 1988 ARROW, 1972 DEBREU, 1983 HARSANYI, 1994 HICKS, 1972 VICKREY, 1996
Khái niệm lợi ích xuất hin trong những năm 1870 và gắn liền với tên của ba nhà kinh tế được biết đến nhờ những công trình của họ về học thuyết cận biên: người Anh W. S. Jevons (1835-1882), người Áo C. Menger (1840-1921) và người Pháp L. Walras (1834-1910). Khái niệm này, tương ứng với việc biểu trưng mức độ thoả mãn một tác nhân kinh tế thu được từ việc có được một lượng nhất định của một sản phẩm, được gọi là lợi ích bản số. Cách tiếp cận tâm lí này về lợi ích nhằm đo cường độ của một thực thể định tính, sự thoả mãn, bị V. Pareto (1848-1923) phản bác và tỏ ra nghi ngờ nghiêm trọng đối với tính đo được cường độ này. Như thế xuất hiện một khái niệm thứ hai về lợi ích: khái niệm lợi ích thứ tự mà đối tượng chỉ là biểu trưng thứ tự của những sở thích trên một tập những phần tử được đề nghị cho một tác nhân kinh tế lựa chọn. Phải đợi đến giữa thế kỉ XX mới xuất hiện một khái niệm thứ ba về lợi ích. Được J.-von Neumann (1903-1957) và O. Morgenstern (1902-1977) đề nghị, khái niệm này dựa trên một hệ thống tiên đề toán học cho phép gán cho khái niệm cương vị của một độ đo. Lợi ích neumannian cho phép đo cường độ thoả mãn phân cách những chênh lệch lợi ích. Lợi ích này cũng là cơ sở của lí thuyết những lựa chọn trong tình thế bất trắc.
Print Friendly and PDF

22.3.15

Thế nào là một lí thuyết khoa học?


Karl Popper (1902-1994)
Thế nào là một lí thuyết khoa học?
Lí thuyết vạn vật hấp dẫn của Newton, lí thuyết tiến hóa của Darwin, lí thuyết tương đối rộng của Einstein là bấy nhiêu ví dụ về những thành tựu lỗi lạc của điều tra khoa học. Không nghi ngờ gì, một trong những nhiệm vụ chính của các nhà khoa học là sản xuất những lí thuyết, được quan niệm như những hệ thống giải thích thế giới bao quanh ta. Nhưng chính xác thế nào là một “lí thuyết”?
Một mặt, dường như đó là hình dạng của nhận thức khoa học sau một quá trình điều tra sâu rộng; những khoa học lúc khởi đầu không được trình bày dưới dạng có hệ thống như những lí thuyết hoàn chỉnh nhất. Trong nghĩa này, lí thuyết là sự hoàn tất cuộc điều tra khoa học; một khi được xác lập trên cơ sở một sự quan sát tỉ mĩ những hiện tượng, đến lượt nó lí thuyết cho phép ta dự báo các hiện tượng này bằng suy luận chặt chẽ. Mặt khác, ý niệm lí thuyết mang trong bản thân nó một giá trị giả định và tư biện cao: ví dụ, lí thuyết big bang, hay lí thuyết dây, còn xa mới được xác thực và có thể được những lí thuyết khác thế chỗ. Như vậy, ý niệm lí thuyết đặt chúng ta đối mặt với một nghịch lí lạ lùng: lí thuyết vừa là dạng thức hoàn chỉnh và có hệ thống của nhận thức khoa học vừa là, do bản chất, điều bao giờ cũng có thể bị đặt thành vấn đề. Khía cạnh không chắc chắn và tạm thời này của lí thuyết, như nhà triết học Karl Popper đã chỉ ra, cũng làm nên chính giá trị của nó. Thật vậy, Popper nhìn thấy trong tính chất phản bác được của một một giả thiết dấu ấn của tính khoa học của giả thiết ấy; theo ông, một giả thiết càng “rủi ro” thì nó càng đáng quan tâm về mặt khoa học, vì không tầm thường.
Print Friendly and PDF

21.3.15

Một nhà tiên phong trong kinh tế học


Một nhà tiên phong trong kinh tế học

Janet Stotsky sơ lược tiểu sử của Kenneth J. Arrow, một lý thuyết gia đoạt giải Nobel, người đã tiên phong trong nhiều lĩnh vực kinh tế học.
Những đóng góp mang tính mở đường của Kenneth J. Arrow đối với lý thuyết kinh tế trong những năm sau Thế chiến II là nền tảng của những công trình nghiên cứu của nhiều thế hệ các học giả kế tiếp về kinh tế học (lý thuyết và ứng dụng).
Cố lý thuyết gia kinh tế Frank Hahn, mượn lời của Shakespeare khi mô tả Julius Caesar, đã từng nói rằng Arrow, đồng nghiệp của ông, "bắc ngang qua thế giới giống như một người khổng lồ... Khó có bất kỳ lãnh vực chuyên ngành nào của chúng ta mà đã không được ông ta soi sáng và nhiều khi biến đổi sâu sắc," một nhận định có lẽ đã được chứng minh bởi nhiều khái niệm kinh tế khác nhau gắn liền với tên tuổi của ông—chẳng hạn như mô hình Arrow-Debreu, định lý bất khả của Arrow, và chứng khoán Arrow.
Mặc dù tình yêu đầu tiên của Arrow là toán học và thống kê toán học, ông trở thành là nhà kinh tế vì những lý do rất kinh tế. Ông khó khăn về tiền bạc khi là sinh viên đại học ngành thống kê toán học ở Đại học Columbia ngay trước khi chiến tranh thế giới II, và khoa kinh tế đã đề nghị hỗ trợ tài chính cho ông.
Harold Hotelling (1895-1973)
Người bỏ giá cao nhất
Harold Hotelling, một nhà kinh tế học, giảng một số bài về thống kê học và "một bài về kinh tế toán học" mà Arrow cho biết ông theo học vì "tò mò." Nhưng vì kinh tế học bắt đầu thu hút ông, và khi đang cạn tiền thì Arrow tiếp cận Hotelling. Nhà kinh tế học nói với Arrow rằng ông không có ảnh hưởng gì đối với ngành tài chính của khoa toán, nhưng ông có thể giúp nếu ông ta chuyển sang ngành kinh tế học. "Vì vậy, tôi chuyển sang học kinh tế học. Nhiều người rất sốc với quyết định này. Tôi nói, “tất cả các bạn đều là nhà kinh tế học - thế tại sao tôi không chọn người trả giá cao nhất?" ông nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại văn phòng của ông ở Đại học Stanford, nơi ông đã dành phần lớn thời gian cho sự nghiệp của ông.
Print Friendly and PDF

18.3.15

PARETO Vilfredo, 1848-1923



PARETO Vilfredo, 1848-1923
® Giải Nobel: ALLAIS, 1988

Vilfredo Pareto sinh tại Paris ngày 15 tháng bảy 1848. Mẹ ông là người Pháp và bố là người Italia. Sau khi trở về Italia ông học tại Trường Bách khoa Turino. Năm 1869, luận án của ông là về cân bằng của những chất rắn. Trong hai mươi năm sau đó, ông hành nghề kĩ sư. Chịu ảnh hưởng của nhà kinh tế Maffeo Pantaleoni, vào khoảng 1890 ông quan tâm đến kinh tế toán học của Léon Walras. Liên lạc được với Walras và được Walras tiến cử, Pareto thế chỗ giáo sư kinh tế chính trị học tại Lausanne của Walras năm 1893. Từ đó Pareto bắt đầu sự nghiệp của ông trong khoa học xã hội liên tiếp trong hai hướng bổ sung cho nhau, và theo một tiến trình định tính: một hướng trong kinh tế học với Cours déconomie politique (Giáo trình kinh tế chính trị học) (1896-1897) rồi Manuel déconomie politique (Tóm tắt kinh tế chính trị học) (1906-1909); một hướng trong xã hội học với Systèmes socialistes (Những hệ thống xã hội chủ nghĩa (1901-1902) rồi Traité de sociologie générale (Khảo luận về xã hội học tổng quát) (1916). Ông mất ngày 2 tháng 3 1923 để lại một sự nghiệp khổng lồ (Oeuvres complètes, 30 vol.)
Pareto rất coi trọng phương pháp logic-thực nghiệm của ông, một phương pháp dựa trên ba nguyên lí cơ bản: 1) Đối tượng của khoa học là tính khả tri duy lí của những đều đặn của các hiện tượng. 2) Để làm việc này, thiết kế lí thuyết được tiến hành bằng những xấp xỉ lần lượt và mỗi lí thuyết phải được thử thách bằng những sự kiện khách quan được quan sát. Do đó diễn dịch và qui nạp nối tiếp nhau theo trình tự những xấp xỉ: diễn dịch trong xấp xỉ thứ nhất và qui nạp cho những xấp xỉ tiếp theo bằng cách ngày càng tiến gần đến mô tả hiện thực. 3) Những quan hệ vận động trong những hiện tượng được nghiên cứu thường không phải là từ nguyên nhân đến hệ quả nhưng là những quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.
Print Friendly and PDF

16.3.15

Đóng góp của thế giới A-rập

Al-Khwarzimi 
(khoảng 780-khoảng 850)

 Đóng góp của thế giới A-rập 

“Giữa thế kỷ VIII và XV, nghiên cứu khoa học tiên tiến nhất được tiến hành bằng tiếng A-rập. Đó là ngôn ngữ của khoa học, từ Tây Ban Nha tới biên giới Trung Hoa”. Nhận xét của Roshdi Rashed, người chủ biên của bộ sách đồ sộ Lịch sử khoa học A-rập (Histoire des Sciences arabes, 3 tập, nxb Le Seuil 1977). Vào thế kỷ XIX, những sử gia Tây phương như Ernest Renan xem khoa học A-rập như một trạm tiếp nối đơn thuần giữa khoa học Hy Lạp và thời Phục hưng ở phương Tây. Ngoại trừ phát minh ra đại số học, những nhà học giả không làm gì khác ngoài việc truyền sang châu Âu di sản của người Hy Lạp – Ptolémée, Aristote, Hippocrate, Euclide và vài người khác. Ngày nay, người ta biết rằng sự thật khác hẳn. Nghiên cứu của nhiều sử gia cho thấy người A-rập đã đóng góp nhiều biết bao trong việc chuẩn bị, nhiều khi đi trước, cho phép nổ ra cuộc cách mạng kỹ nghệ ở thế kỷ XVII. Và đó là thực tế trong nhiều lĩnh vực: toán học, thiên văn, hoá học và y khoa.

Nhưng, Khoa học A-rập là gì?

Khoa học A-rập? Người ta dùng thuật ngữ đó để chỉ tất cả những sản phẩm về mặt học thuật bằng tiếng A-rập giữa các thế kỷ VIII và XV. Cần nhắc lại rằng sau khi đế chế La Mã sụp đổ, đời sống tinh thần gần như kiệt quệ hoàn toàn ở phương Tây. Trong nhiều thế kỷ, tư duy không được phép vượt qua những bức tường các tu viện, nơi Khoa học hầu như hoàn toàn vắng bóng. Ở Phương Đông, một đời sống tri thức tiếp tục tồn tại ở các trung tâm đô thị. Từ thế kỷ V, một nền văn hoá độc đáo nảy nở trong đế chế Sasan (Iran hiện nay), ở biên giới đế chế Byzance. Văn hoá này thừa hưởng những thành quả của các nền văn minh Hy Lạp, Ấn Độ và Trung Hoa, nhưng sẽ sụp đổ khi bị những người Hồi giáo chinh phục.
Print Friendly and PDF

14.3.15

Guanxi, Xinyong và Mạng lưới kinh doanh của Người Hoa



GUANXI, XINYONG VÀ MẠNG LƯỚI KINH DOANH CỦA NGƯỜI HOA[1]

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Mức tăng trưởng cao ở các nền kinh tế Đông Á (Nhật, Hàn Quốc, Taiwan, Hongkong và Singapore) khuấy lên nghiên cứu về cấu trúc “chủ nghĩa tư bản châu Á” và hình thái tổ chức thương mại của người Hoa hải ngoại. Đa số tác giả thiên về lối giải thích văn hóa, nhất là giả thuyết hậu Khổng giáo. Như Kahn (1979) cho rằng thành công của các tổ chức ở Hongkong, Taiwan, Hàn Quốc, Nhật và Singapore chủ yếu là do những đặc trưng mà đa số thành viên tổ chức cùng chia sẻ. Đó là chủ nghĩa gia đình, sự tuân phục, tính nhẫn nại, tính tiết kiệm, những đặc trưng mà tác giả quy về truyền thống Khổng giáo (Clegg, Higgins và Spybey 1990; Clegg 1990: 132-152). Silin (1976) viện dẫn Khổng giáo để hiểu ý nghĩa của các hình thái và hành vi tổ chức phổ biến ở Taiwan. Người ta cho rằng chủ nghĩa gia đình ảnh hưởng tiêu cực đến cố kết xã hội, nhưng lòng tin giữa các gia đình lại làm giảm ảnh hưởng tiêu cực ấy. Tương tự, Redding (1980) nhấn mạnh khía cạnh tri nhận (cognitive aspect) để giải thích khác biệt giữa hành vi quản lý và hình thái tổ chức Trung Hoa và phương Tây. Ông lập luận “… văn hóa ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động xã hội bằng cách tác động đến những ý nghĩa (a) thông qua bản đồ nguyên nhân (cause-maps) của các mô thức (paradigms) và (b) thông qua các giá trị làm cho người ta thấy sẽ là đáng để thực hiện sự việc theo cách này hơn là theo cách kia” (1980: 130). Bond và Hwang (1986) cũng như Redding và Wong (1986) đều đặc biệt chú ý đến tâm lý học về người Hoa để lý giải hành vi tổ chức của họ.
Hamilton và Bigart (1986) coi lối giải thích hậu Khổng giáo không bổ ích, vì dựa trên một yếu tố tri nhận quá rộng cho xã hội nói chung, vì thế không giải thích được cụ thể cái gì cả. Thêm nữa, nó không giải thích được những khác biệt trong cấu trúc và hành vi tổ chức giữa người Hoa hải ngoại, người Hàn và người Nhật, vốn đều chịu ảnh hưởng Khổng giáo. Clegg (1990) nhận xét cách giải thích văn hóa Khổng giáo là quá khái quát giống như quy giản luận để dễ dàng tạo ra lập luận cho một cái nhìn quá nhấn mạnh mặt xã hội đối với hành vi kinh tế.
Bài viết này tập trung vào những nền tảng xã hội và động năng (dynamics) tổ chức của các công ty người Hoa, đặc biệt là xu hướng kết hợp quan hệ cá nhân vào quá trình ra quyết định. Bài viết phân tích ba yếu tố then chốt của chủ nghĩa liên cá nhân (personalism): sự kiểm soát cá nhân, các liên hệ mang tính quan hệ (guanxi) cá nhân, và lòng tin giữa các cá nhân hay còn gọi là xinyong. Ta lý giải như thế nào về sự phổ biến của chủ nghĩa liên cá nhân trong thực tiễn kinh doanh của người Hoa? Guanxi hình thành và duy trì như thế nào? Nó bị xói mòn và thay đổi trong những điều kiện nào? Vì sao một số nền tảng (hay cơ sở, base) guanxi thì hoạt động tích cực trong khi một số khác lại ngủ yên? Bài viết này xem xét động năng của cả guanxi và xinyong. Đã có nhiều nghiên cứu về guanxi Trung Hoa, nhưng phần lớn có xu hướng trình bày một mô hình được lý tưởng hóa và tĩnh, mà không xem xét đến các quá trình năng động khi guanxi hoạt động. Bài viết này nghiên cứu sự cách biệt giữa mô hình lý tưởng và thực tế. Các lý tưởng Trung Hoa vận hành như thế nào trong đời sống hàng ngày là một phần quan trọng trong sự phân tích của chúng tôi.
Print Friendly and PDF

12.3.15

Gộp những sở thích



Gộp những sở thích

Aggegation of preferences

® Giải Nobel: ARROW, 1972 SEN, 1998

Annie, Brigitte và Charlotte quyết định cùng đi ăn quán. Họ có thể lựa chọn giữa ăn cơm Trung quốc, ăn cơm nhanh (fast-food) và ăn cơm Pháp truyền thống. Ba người đồng ý sử dụng phương pháp sắp xếp tập thể sau khi được xác định từ những sắp xếp cá thể của họ: một quán ăn x được sắp đứng trên một quán ăn y nếu có hai trong ba người sắp xếp x đứng trên y. Thứ tự sắp xếp của Annie là thứ nhất, quán ăn tàu, tiếp đó là quán fast food và cuối cùng là quán ăn tây truyền thống;  thứ tự sắp xếp của Brigitte là trước hết quán fast food, tiếp đó là quán ăn tây truyền thống sau cùng là quán ăn tàu; còn Charlotte thích quán ăn tây truyền thống hơn quán ăn tàu và quán ăn tàu hơn quán fast food (thức ăn nhanh). Thể theo phương pháp sắp xếp tập thể được chọn thì quán fast food nói chung được ưa chuộng hơn quán ăn tây truyền thống, quán ăn tây truyền thống nói chung được ưa chuộng hơn quán ăn tàu và quán ăn tàu nói chung được ưa chuộng hơn quán fast food. Do đó có một tuần hoàn và không thể có một quyết định tập thể được. Ví dụ này là một trường hợp đặc biệt của của điều được gọi là nghịch lí Condorcet và cho thấy là có những khó khăn có thể xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Phương pháp được chọn ở đây để gộp các sở thích có tên là phương pháp ra quyết định theo đa số. Điều này chỉ rõ là nguồn gốc của những nghiên cứu về việc gộp những sở thích chủ yếu nằm trong lĩnh vực những quyết định chính trị. Nếu người ta cho rằng sự ra đời của những nghiên cứu này là vào thế kỉ XVIII, với những công trình của Borda và của Condorcet (nhưng điều này vẫn còn tranh cãi ví dụ ta biết có những bài viết của Pline le Jeune và, vào thời Trung Cổ có những bài viết của Raymond Lulle và của Nicholas de Cues), thì việc quan tâm trở lại đến những vấn đề này trong thế kỉ XX bắt nguồn chủ yếu từ kinh tế học phúc lợi. Tác phẩm của Arrow (1963) mà lần xuất bản đầu tiên là vào năm 1951, rất rõ ràng trên điểm này.
Print Friendly and PDF

10.3.15

Triết học về các khoa học



Triết học về các khoa học

Triết học về các khoa học khác với triết học về nhận thức. Bộ môn sau quan tâm đến những điều kiện và giới hạn của nhận thức con người nói chung; còn bộ môn đầu chỉ đặc biệt bàn về nhận thức khoa học. Do đó triết học về các khoa học chỉ có thể ra đời khi các các khoa học, kể từ thế kỉ XVIII, đã hình thành những ngành tự trị, khác với triết học. Như thế những nhà tư tưởng như David Hume, Emmanuel Kant, và William Whewell đã có những suy tưởng về tri thức khoa học trong thời đại của họ. Nhưng chỉ đến cuối thế kỉ XIX thì triết học về các khoa học mới trở thành một bộ môn riêng về mặt định chế, với việc thành lập những chức vị giáo sư đầu tiên về “triết học qui nạp” hay về “lí thuyết các khoa học qui nạp”. Trong trường hợp này, tính từ để định danh phản ảnh một quan niệm được xem là hiển nhiên thời bấy giờ: một cách khái quát, các khoa học tự nhiên tiến hành bằng qui nạp, nghĩa là phát biểu những qui luật tổng quát sau những quan sát lặp đi lặp lại các hiện tượng giống nhau, hơn là bằng suy luận, như cách làm của các khoa học hình thức (logic học và toán học). Tính hiển nhiên này sẽ bị Pierre Duhem, Ernst Mach và, ở một mức nhẹ hơn, Henri Poincaré, ba gương mặt lớn đầu tiên của triết học về các khoa học ở đầu thế kỉ XX, phản bác.
Print Friendly and PDF

8.3.15

Sở thích


Sở thích

Preferences
® Giải Nobel: ARROW, 1972 BECKER, 1992 DEBREU, 1983 SAMUELSON, 1970 SEN, 1998

Những mô hình kinh tế, đặc biệt là những mô hình bắt nguồn từ truyền thống tân cổ điển, thường đặt cơ sở trên những sở thích cá thể của các tác nhân có liên can, hiếm khi trên những sở thích xã hội (của đất nước, gia đình, ) mà ta biết là khó giải quyết được bằng những sở thích cá thể (những định lí bất khả tổng gộp những sở thích cá thể). Giả thiết tối đa hoá do đó được áp dụng vào những sở thích cá thể và cho phép giải mô hình và làm rõ những kết luận của nó. 
Có thể định nghĩa những sở thích như những quan hệ thứ tự giữa những đối tượng được đề xuất cho người ra quyết định lựa chọn. Do đó trước khi định nghĩa những quan hệ này phải làm rõ những tập lựa chọn trên đó những sở thích sẽ được thực hiện. Thật vậy, việc mở rộng những tập này, cấu trúc đại số và tôpô của chúng ảnh hưởng mạnh đến tính chất của những sở thích được xác định trên các tập này. Ví dụ, J. K. Arrow (1960) đã chứng minh trong khuôn khổ của lí thuyết những sở thích bộc lộ rằng những sở thích phản đối xứng (chính xác hơn là thoả mãn tiên đề yếu của Samuelson) tất yếu có tính bắc cầu một khi tập những lựa chọn chứa đựng những cặp đôi và cặp ba phần tử, do đó một khi các nhà ra quyết định có thể thể hiện lựa chọn của mình giữa hai phần tử bất kì của tập. Do đó cần phải làm rõ ngay từ đầu rằng tập lựa chọn là rời rạc hay liên tục (vấn đề chia nhỏ các sản phẩm), mọi tập con của tập đầy đủ có thuộc những lựa chọn đề xuất cho cá thể không, đâu là những quan hệ nhân quả hay quan hệ láng giềng giữa những đối tượng lựa chọn
Print Friendly and PDF

6.3.15

Tự do là cội nguồn của tiến bộ



Tự do là cội nguồn của tiến bộ

Laura Wallace trò chuyện cùng Amartya Sen
Amartya Sen là một nhân vật quý hiếm: là người Ấn Độ, ông lấy cảm hứng tư tưởng của một nhà kinh tế Scotland thế kỉ XVIII, từ một nhà toán học Pháp và từ một nhà thơ Bengale nổi tiếng và kết hợp thành công triết học, đạo đức và kinh tế học để đề cập một vài vấn đề gai góc nhất của sự phát triển. Con người đầy đam mê và năng động này, thoải mái trích dẫn triết Đông lẫn triết Tây, là người Ấn Độ đầu tiên (và cũng là người Á châu đầu tiên) nhận giải Nobel kinh tế. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo nào hi vọng mời ông tư vấn có khả năng sẽ bị thất vọng. Suốt cuộc đời, ông đều tránh cố vấn các chính phủ, thích nêu quan điểm của mình để công chúng bàn luận. Sen nói với F & D (Finance and Development, chuyên san của IMF – ND): “Tôi thích bàn luận hơn là ban phát những lời khuyên ưu tiên, nhưng tôi cũng nghĩ rằng tranh luận công cộng là động cơ tốt nhất cho sự thay đổi xã hội”.
Khi được trao giải Nobel năm 1998, ông được Viện hàn lâm hoàng gia Thụy Điển vinh danh là đã phục hồi “chiều kích đạo đức” cho cuộc bàn luận những vấn đề kinh tế cốt tử bằng cách kết hợp những công cụ của kinh tế học và triết học. Giải thừa nhận những đóng góp của Sen trong các lĩnh vực lí thuyết lựa chọn xã hội, kinh tế học phúc lợi và đo lường kinh tế. Ông được cho là đã khởi động đổi mới việc đánh giá và ước lượng những bất bình đẳng – qua đó cho phép có những so sánh tốt hơn về phúc lợi xã hội – và làm thay đổi những cách thức các chính phủ phòng ngừa và chống các nạn đói.
Print Friendly and PDF

4.3.15

Hiệu quả đối lại công bằng


Hiệu quả đối lại công bằng

Efficiency vs Equity
Khái niệm hiệu quả có một nghĩa chính xác trong kinh tế học sản xuất: một tình thế là có hiệu quả nếu việc phân bổ những nguồn lực hiếm giữa những nhà sản xuất khác nhau và việc sử dụng chúng đưa đến một tập những sản phẩm được sản xuất sao cho không có những tập nào khác có nhiều hơn mỗi một sản phẩm đã được sản xuất. Nói cách khác, nếu gọi bằng miền sản xuất tập những điểm tượng trưng cho những sản xuất có thể thì những tình thế có hiệu quả là đường biên của miền này. Có thể mở rộng khái niệm này ra cho những cá thể người tiêu dùng nếu giả định là những cá thể này có một hàm lợi ích, được trang bị một số đặc tính nghiêm ngặt, đo sự thoả mãn họ thu được từ việc họ tiêu dùng sản phẩm. Nếu việc phân bổ những nguồn lực quí hiếm giữa các nhà sản xuất và những sản phẩm được sản xuất giữa các người tiêu dùng là sao cho không một tình thế nào khác cho được mỗi người tiêu dùng một sự thoả mãn lớn hơn sự thoả mãn đạt được trong trạng thái này thì trạng thái này được gọi là có lợi tức xã hội tối đa hay là một tối ưu Pareto.
Khái niệm bình đẳng không có một ý nghĩa chính xác bằng và, dù sao đi nữa, hiếm khi được sử dụng trong khoa học kinh tế. Mở rộng ý nghĩa thông thường của từ này thì một trạng thái có thể được gọi là bình đẳng nếu mỗi người tiêu dùng đạt được cùng một mức thoả mãn, hay cụ thể hơn nếu mỗi người có cùng một mức nguồn lực.
Còn khái niệm công bằng lại càng mơ hồ hơn nữa vì thuộc về một đánh giá đạo đức chủ quan. Trong thực tiễn, một tình thế được gọi là thuận công bằng nếu đáp ứng những tiêu chuẩn được sự đồng thuận rộng rãi trong một xã hội nhất định, ví dụ tiêu chuẩn có những cơ hội bằng nhau.
Print Friendly and PDF

2.3.15

On Economic Inequality



Sen Amartya K.
The Radcliffe Lectures Delivered in the University of Warwick,
1972, Oxford, Clarendon Press, 1973
Phiên bản mới có bổ sung một phụ lục đáng kể của Foster James E. và Sen Armata K.,
Oxford, Clarendon Press, 1997

Amartya Sen sinh năm 1933 ở Bengale (Ấn Độ). Thuở nhỏ, nạn đói lớn năm 1943 để lại ấn tượng sâu sắc nơi ông, và dù bản thân không bị đói, năm 9 tuổi ông đã nhận thấy rằng những nạn nhân của nạn đói là những người nghèo. Nhận xét này có vẻ là tiểu tiết nhưng việc lựa chọn các chủ đề nghiên cứu của Sen trái lại chứng minh tầm quan trọng của nó. Amartya Sen tốt nghiệp tiến sĩ ở đại học Cambridge (Anh) năm 1959 và từng là giáo sư kinh tế ở Ấn Độ, London School of Economics (nhiệm sở của ông vào lúc On Economic Inequality được xuất bản) và đại học Oxford. Tiếp đó, ông là giáo sư kinh tế và triết học tại đại học Harvard, trước khi quay trở lại, năm 1998, Trinity College ở Cambridge (mà ông từng là fellow – [nghiên cứu sinh – ND] – từ 1957 đến 1963). Ông được vinh danh nhiều lần trong suốt sự nghiệp của ông, trong đó có giải Nobel kinh tế do Hàn lâm viện Thụy Điển trao năm 1998 vì sự đóng góp cho kinh tế học phúc lợi.
Print Friendly and PDF