John M. Keynes (1883-1946) |
KEYNES vÀ kinh tẾ thỊ trưỜng: hai cÁch ĐỌc khÁc nhau [I]
Trần Hải Hạc[*]
Tóm tắt
Chính thống hay tà đạo? Hơn sáu mươi năm sau khi ra đời, Lý thuyết khái quát về nhân dụng, lãi suất và tiền tệ của Keynes vẫn chất vấn người đọc và không ngừng gây ra những cuộc tranh cãi trong giới lý luận kinh tế. Bài viết đầu tiên này nhắm làm sáng tỏ tính chất nhập nhằng, nước đôi của học thuyết mang tên Keynes, từ thời kỳ phổ biến Lý thuyết khái quát sau năm 1936, cho đến thời kỳ thuyết Keynes toàn thắng và trở thành kinh tế học thống trị trong những thập niên 50-60, rồi đến thời kỳ thuyết Keynes bước vào khủng hoảng và suy vong trong những thập niên 70-80, cho tới thời kỳ gần đây đã chứng kiến thuyết Keynes hồi sinh. Một lời mời viếng lại sáu mươi năm lịch sử tư tưởng kinh tế.
Xuất bản năm 1936 dưới đầu đề Lý thuyết khái quát về nhân dụng, lãi xuất và tiền tệ, tác phẩm chủ yếu của John Maynard Keynes đã được ông giới thiệu như là một cuộc cách mạng trong tư duy kinh tế: theo lời của Keynes, đó là một công trình “sẽ tạo nên một cuộc cách mạng lớn trong cách thế giới tiếp cận các vấn đề kinh tế” [thư gửi G.B. Shaw ngày 1.1 1935, CW, XIII, trg 492-493][1]. Cuộc cách mạng của Keynes nhằm lật đổ khoa học kinh tế chính thống mà ông còn gọi là “cổ điển”, bao gồm các tác giả cổ điển - kể cả Marx - và các tác giả tân cổ điển đang thống trị khoa học kinh tế đương đại[2]. Theo sự phân loại của Keynes, phạm trù “chính thống” chỉ tất cả các học thuyết tin rằng nền kinh tế thị trường có thiên hướng đạt đến cân bằng toàn dụng do khả năng tự điều chỉnh khi mọi giá cả đều linh hoạt. Phủ nhận điều đó là “tà thuyết”, và Keynes tự xếp mình vào phạm trù này [The Listerner 21.11 1934, CW, XIII, trg 487].