15.4.16

VICKREY William, 1914-1996


William Vickrey (1914-1996)

VICKREY William, 1914-1996

William Vickrey sinh tại Victoria (tỉnh British Columbia, Canada) năm 1914. Sau khi học ở châu Âu và ở Hoa Kì, ông tốt nghiệp Phillips Androver Academy năm 1931. Ông đỗ cử nhân toán năm 1935 rồi học cao học tại đại học Columbia từ 1935 đến 1937 và cuối cùng đỗ Master of Administration năm 1937. Ông làm việc cho National Resources Planning Board ở Washington cũng như cho Division of Tax Research của Ngân khố Mĩ. Từ chối làm nghĩa vụ quân sự vì lí do lương tâm trong thế chiến thứ hai nên trong thời gian làm nghĩa vụ thay thế ông tập trung vào việc xây dựng thuế di sản cho Porto Rico. Năm 1948, ông tốt nghiệp tiến sĩ đại học Columbia. Luận án tiến sĩ của ông có tựa là Lịch trình cho một thuế luỹ tiến, xuất bản năm 1947, nhanh chóng được thừa nhận như một kinh điển của kinh tế học. Năm 1946 ông trở thành Lecturer về khoa học kinh tế tại đại học Columbia và cuối cùng là giáo sư thực thụ năm 1958. Ông lãnh đạo khoa kinh tế từ 1964 đến 1967, được phong tiến sĩ danh dự của đại học Chicago năm 1979 trước khi về hưu với tư cách giáo sư ưu từ năm 1982. Được bầu là thành viên của National Academy of Sciences, năm 1992 ông là chủ tịch American Economic Association. Thành viên của Hội kinh trắc, ông được Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển biểu dương năm 1996, ba ngày trước khi qua đời tại New York.
Frank Ramsey (1903-1930)
Trong cuộc đời nghề nghiệp của ông, William Vickrey vừa tham gia nghiên cứu và giảng dạy nhưng cũng dấn thân vào những hoạt động cụ thể với tư cách cố vấn trong nhiều ủy ban điều tra dưới sự chủ trì của những giới chức công quyền. Như thế ông tham gia vào việc ấn định giá vé metro tại New York (1951). Cho hệ thống metro này ông phát triển một ý lí thú nhưng chưa bao giờ được thực hiện: nhận thức được rằng việc định giá theo chi phí cận biên kiểu Ramsey có thể dẫn đến một thâm hụt cho khu vực công cộng, ông đề nghị là hành khách mua vé metro theo giá tối đa trên đó ghi rõ giờ và trạm xuất phát và được trả lại sự sai biệt với chi phí cận biên khi ra khỏi trạm đến (1987). Ông cũng tham gia vào việc thiết lập nhiều hệ thống vận tải (ở Washington, 1950) và tìm ra giải pháp cho một số vấn đề đô thị hoá ở Ấn Độ, Achentina, Venezuela (1962-1963). Trong số những hoạt động nổi tiếng của ông có việc làm cố vấn về thuế khoá cho Liên hợp quốc. Cách tiếp cận cụ thể này về kinh tế học khiến ông trở thành chuyên gia về những vấn đề lí thuyết liên quan đến việc sử dụng tối ưu các nguồn lực công cộng (tháng ba và tháng tư 1974). Tính sáng tạo của ông trong lĩnh vực lựa chọn xã hội là đáng chú ý cũng như trong lĩnh vực phân bổ các nguồn lực. Ông đã tiến hành nhiều nghiên cứu rất quan trọng về việc xác định giá cả trong khu vực công cộng, cũng như trong kinh tế học vận tải  và kinh tế học đô thị (tháng năm và mùa thu 1969).
Abba Lerner (1903-1982)
Một trong những đóng góp cơ bản nhất của ông cho bộ môn có lẽ là bài viết năm 1961 trong đó ông phân tích những kiểu đấu giá khác nhau và đề xuất khái niệm đấu giá theo giá thứ hai, ngày nay được biết đến nhiều hơn dưới tên gọi đấu giá Vickrey. Ý tưởng, lấy cảm hứng từ một gợi ý của A. P. Lerner, là như sau: khi các thị trường hoạt động với thông tin không hoàn hảo thì phải thành lập những thể chế tạo điều kiện cho tính hiệu quả nhằm sinh ra một phân bổ những nguồn lực gần với phân bổ có thể có được trong cạnh tranh hoàn hảo. Một câu hỏi khác kích thích sự hiếu kì của ông là phải thiết lập kiểu đấu giá nào để cho kì vọng giá là cao nhất có thể? Ông nghiên cứu ba kiểu đấu giá khác. Trong đấu giá kiểu Anh, người xướng giá đòi hỏi những người tham gia nêu một giá đầu tiên, cuộc đấu giá ngưng lại khi không còn ai có thể đẩy giá lên cao hơn nữa. Đấu giá kiểu Hoà Lan bắt đầu với một giá cao hơn nhiều giá thật sự của đối tượng được đấu giá khiến không ai muốn mua nó ở mức giá này cả. Giá này được giảm dần cho đến khi có người chấp nhận nó (và trả cho nó) ở mức giá giảm dần này. Một đấu giá theo giá thứ nhất là một cuộc đấu giá trong đó người mua báo giá mình chịu mua trong một phong bì niêm phong. Người nào bỏ giá cao nhất trả đồ vật theo giá này. Vickrey chứng minh là, trên một quan điểm chiến lược, đấu giá kiểu Anh là tương đương với đấu giá theo giá thứ hai, và đấu giá kiểu Hoà Lan về mặt chiến lược là tương đương với kiểu đấu giá theo giá thứ nhất. Hơn nữa, ông chứng minh rằng nếu đánh giá của những người mua tiềm tàng là độc lập về mặt thống kê và được phân phối đều đặn trên một khoảng nhất định thì, ở thế cân bằng Nash, cả bốn kiểu đấu giá sinh ra cùng một kì vọng giá giống nhau cho người bán. Kết quả này được mở rộng để trở thành định lí tương đương của thu nhập (1962).
Công trình của Vickrey không giới hạn ở vấn đề đấu giá mà còn mở rộng ra tới những vấn đề động viên với thông tin không đầy đủ và đặc biệt là làm cách nào khuyến khích người đóng thuế trả sòng phẳng dịch vụ công cộng mà không gian lận. Luận án tiến sĩ của W. Vickrey với mục tiêu là thiết lập một hệ thống đánh thuế ổn định, chứng minh rằng hệ thống đánh thuế là trung lập đối với thời điểm diễn ra thu nhập, và điều này loại bỏ những động viên các tác nhân đóng thuế muốn hoãn lại đến sau này việc trả thuế. Một bài viết năm 1945 xử lí vấn đề cân bằng phải tìm ra giữa hiệu quả và công bằng khi thiết lập một hệ thống đánh thuế, vấn đề này được biết đến hơn dưới tên gọi vấn đề đánh thuế tối ưu thu nhập.
John Rawls (1921-2002)
John Harsanyi (1920-2000)
Ông cũng nghiên cứu vấn đề đánh giá những lợi ích trong vũ trụ không chắc chắn thông qua những quyết định của các tác nhân (1988). Vickrey đề xuất một cách tiếp cận trong đó chính các tác nhân ước lượng những phân phối thu nhập bằng cách giả định là họ, dựa vào những xác suất bằng nhau, có thể đạt được một vị trí giống như vị trí của bất kì cá nhân nào khác trong phân phối (1977 và 1969). Cách tiếp cận trong đó các xã hội được đánh giá xuyên qua một bức màn không hiểu biết được J. C. Harsanyi (Nobel 1994) khám phá trở lại năm 1953 và 1955 cũng như Rawls trong tác phẩm Lí thuyết công bằng năm 1971. 
Allan Gibbard (1942-)
Kenneth Arrow (1921-)
Mặt khác, luôn quan tâm đến những vấn đề lợi ích, ông sửa một lỗi K. Arrow (Nobel 1972) phạm phải trong định lí bất khả nổi tiếng của tác giả này. Ông khẳng định rằng điều kiện của một tiền thứ tự sở thích độc lập với những đối chọn không với tới được là một điều kiện đủ để cho một phương thức bầu là không thể thao túng được, nói cách khác là dưới điều kiện này không ai có khả năng ảnh hưởng đến những kết quả bầu cử trong chiều hướng có lợi cho mình bằng cách trưng những sở thích giả. Kết quả này mười lăm năm sau sẽ được Allan Gibbard (1973) và Mark Satterthwaite (1975) chứng minh và được biết dưới tên là định lí bất khả của Gibbard-Satterthwaite.
James Mirrlees (1936-)
Mark Satterthwaite
Năm 1996 W. Vickrey và J. A. Mirrlees được giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel vì những đúng góp cơ bản cho lí thuyết kinh tế về những động viên với thông tin không đối xứng.
· Measuring Marginal Utility by Reactions to Risk [Đo lợi ích cận biên bằng những phản ứng với rủi ro], Econometrica, 1945, vol. 13, p. 319-333. Counterspeculation, Auctions, and Competitive Sealed Tenders [Chống đầu cơ, đấu giá và bỏ thầu niêm phong cạnh tranh], Journal of Finance, 1961, vol. 16, p. 8-37. Auction and Bidding Games [Đấu giá và những trò chơi đấu giá], Princeton, Princeton University Press, 1962 (Recent Advances in Game Theory, Proceedings of a Conference). Congestion Theory and Transport Investment [Lí thuyết tắc nghẽn và đầu tư vận tải], American Economic Review, May 1969, vol. 59, n0 2, p. 251-260. Tax simplification through cumulative averaging [Đơn giản hoá thuế thông qua trung bình hoá cộng dồn], Law and Contemporary Problems, Autumn 1977, vol. 44 n0 4, p. 691-707. New Yorks Inefficient Fare Structure and How to Fix It [Cấu trúc không hiệu quả của tiền vé tàu ở New York và cách giải quyết vấn đề này], Working Paper, August 1987, vol. 355, p. 1-17. The Backward Art of Utility Pricing [Nghệ thuật quay lùi của định giá lợi ích], Working Paper, August 1988, vol. 404, p. 1-13. Reaching an Economic Balance between Mass Transit and Provision for Individual Automobile Traffic [Đạt được cân bằng kinh tế giữa lưu lượng trung chuyển đại chúng và dự trữ cho giao thông xe tư nhân], Logistic and Transportation Review, March 1994, vol. 30, n0 1, p. 3-19.    Statement to the Joint Committee on Washington DC Metropolitan Problems [Điều trần trước ủy ban liên ngành về những vấn đề của đường xe metro ở Washington D.C.], Journal of Urban Economics, July 1994, vol. 13, n0 1, p. 42-64.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Những giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel của Damien Gaumont trong Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001, trang 1043-1044.
Print Friendly and PDF