26.4.16

Những nhà kinh tế học có thể học được điều gì từ các nhà lý thuyết tiến hóa



Paul Krugman (1953-)

NHỮNG NHÀ KINH TẾ HỌC CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC ĐIỀU GÌ TỪ CÁC NHÀ LÝ THUYẾT TIẾN HÓA

(Cuộc nói chuyện với Hiệp hội châu Âu về kinh tế chính trị tiến hóa)
Paul Krugman
Chào buổi sáng. Tôi vừa cảm thấy vinh dự vừa xen lẫn một chút hồi hộp khi được nói chuyện với một nhóm đã dành toàn tâm toàn ý cho ý tưởng về kinh tế chính trị tiến hóa. Như bạn có lẽ đã biết, chính xác thì tôi không phải là nhà kinh tế tiến hóa. Tôi thích nghĩ rằng tôi cởi mở hơn với các tiếp cận đối chọn trong kinh tế học hơn hết, nhưng về cơ bản tôi là kiểu người theo trường phái tối-đa-hóa-và-trạng-thái-cân-bằng. Thật vậy, trong nhiều tình huống, tôi khá cuồng tín trong việc bảo vệ sự phù hợp của các mô hình kinh tế chuẩn.
Thế thì tại sao tôi lại ở đây? Vâng, một phần vì công trình nghiên cứu của tôi đã đưa tôi đến một số biên giới của hệ hình tân cổ điển. Khi bạn quan tâm cũng như tôi đã từng, với những tình huống trong đó lợi suất tăng dần là rất quan trọng, bạn buộc phải từ bỏ giả định về cạnh tranh hoàn hảo; bạn cũng buộc phải từ bỏ niềm tin rằng kết quả thị trường nhất thiết phải tối ưu, hoặc thực sự thị trường có thể được cho là tối đa hóa mọi thứ. Bạn vẫn có thể tin tưởng vào các cá nhân tối đa hóa và kiểu trạng thái cân bằng nào đó, nhưng sự phức tạp của các tình huống trong đó các tác nhân tưởng tượng của bạn tự thấy bản thân họ thường buộc bạn - và có lẽ chính cả họ nữa - thể hiện hành vi của họ theo kiểu quy tắc đặc biệt nào đó chứ không phải là kết quả của vấn đề tối đa được xác định một cách cẩn thận. Và bạn thường được hoàn toàn thúc đẩy bởi sự cần thiết phải có mô hình để tư duy về nền kinh tế như ít nhất là có sự năng động “tiến hóa” một cách mơ hồ, trong đó các điều kiện ban đầu và sự ngẫu nhiên xuất hiện dọc đường có thể xác định nơi bạn kết thúc. Một số bạn có thể đã đọc công trình của tôi về địa lý kinh tế; tôi chỉ phát hiện ra sau khi tôi đã làm việc với các mô hình một ngày nào đó là tôi đã sử dụng “sự năng động bản sao” để thảo luận về vấn đề biến đổi kinh tế.
Nhưng cũng có một lý do khác khiến tôi ở đây. Tôi là một nhà kinh tế, nhưng tôi cũng là người mà chúng ta có thể gọi là người hâm mộ tiến hóa. Điều này có nghĩa là, tôi dành rất nhiều thời gian đọc những gì các nhà sinh học tiến hóa viết - không chỉ là các tuyển tập phổ biến hơn mà cả sách giáo khoa, và gần đây nhất, một số các bài báo chuyên ngành. Tôi thậm chí đã thử nói chuyện với một số các nhà sinh học, mà trong thời đại này của chuyên ngành hẹp, đó quả một nỗ lực lớn. Mối quan tâm của tôi về tiến hóa một phần chỉ là giải trí; nhưng cũng đúng khi nói rằng tôi tìm thấy trong sinh học tiến hóa quan điểm hữu ích để từ đó có thể nhìn chuyên ngành riêng của tôi ở một góc độ mới. Theo đó, điểm mấu chốt là cả sự tương đồng khác biệt giữa kinh tế học và sinh học tiến hóa đã giúp tôi ít nhất là hiểu những gì tôi đang làm khi tôi nghiên cứu kinh tế - để có được, nói một cách huênh hoang, một cách nhìn mới về nhận thức luận trên hai lĩnh vực.
Tôi chắc rằng tôi không hề độc đáo khi quan tâm về sinh học hay khi có cảm giác rằng chúng tôi, những nhà kinh tế, có thể học hỏi điều gì đó từ sinh học. Thật vậy, tôi chắc rằng nhiều người ở căn phòng này biết nhiều hơn tôi vô cùng về lý thuyết tiến hóa. Nhưng tôi có thể có sự khác biệt đặc biệt. Hầu hết các nhà kinh tế cố gắng áp dụng các khái niệm tiến hóa bắt đầu từ một số bất mãn sâu sắc với kinh tế học trong hiện trạng của nó ngày nay. Tôi sẽ không nói rằng tôi hoàn toàn hài lòng với tình trạng của kinh tế học. Nhưng chúng ta phải trung thực: Tôi đã làm rất tốt trong thế giới kinh tế học truyền thống. Tôi đã mở rộng các chiều kích, nhưng không phá vỡ nó, và những ý tưởng của tôi đã được chấp nhận rất rộng rãi. Điều này có nghĩa là tôi có thể thông cảm với kinh tế học chuẩn nhiều hơn so với hầu hết các bạn. Những phê bình của tôi là của một người mê say lĩnh vực này và đã nhìn thấy tình cảm được đáp trả. Tôi không biết điều đó khiến tôi tốt hơn hay xấu hơn về mặt đạo đức so với những người phê bình từ bên ngoài, nhưng dù sao đi nữa, đó cũng làm cho tôi khác biệt.
Dù sao mào đầu như thế là đủ rồi.
Hai lĩnh vực có mối quan hệ gần gũi
Nếu bạn đã quen thuộc với kinh tế học bắt đầu đọc sinh học tiến hóa một cách nghiêm túc - và có lẽ ngược lại - bạn nhanh chóng nhận ra rằng đây là những lĩnh vực có mối quan hệ gần gũi. Chúng thực sự giống nhau đáng kể, không chỉ về loại câu hỏichúng đặt ra và các phương pháp chúng sử dụng, mà còn về cách chúng liên quan đến và được nhận thức bởi phần còn lại của thế giới.
Khởi đầu, sự giống nhau trong cách tiếp cận cơ bản. Hãy để tôi đưa cho bạn định nghĩa của riêng tôi về phương pháp cơ bản của lý thuyết kinh tế. Với tôi, có vẻ như những gì chúng ta biết về kinh tế học là việc nghiên cứu những hiện tượng có thể được hiểu như là nổi lên từ những tương tác giữa các cá nhân tư lợi, thông minh. Chú ý rằng định nghĩa này thực sự có bốn phần. Hãy đọc từ phải sang trái.
1. Kinh tế học là về những gì mà các cá nhân làm: không nhóm, không “tương quan lực lượng”, mà là các tác nhân riêng lẻ. Ở đây không phủ nhận sự xác đáng của các cấp phân tích cao hơn, nhưng chúng phải được căn cứ vào hành vi cá nhân. Phương pháp cá nhân luận là điều cốt yếu.
2. Các cá nhân tư lợi. Không có gì trong kinh tế học vốn dĩ ngăn chúng ta cho phép mọi người hài lòng bắt nguồn từ sự tiêu thụ của những người khác, nhưng sức mạnh tiên đoán của lý thuyết kinh tế xuất phát từ giả định rằng bình thường mọi người đều quan tâm đến bản thân mình.
3. Các cá nhân thông minh: không bỏ mặc các cơ hội thu lợi rõ ràng. Những tờ tiền mệnh giá trăm đô la không nằm vô chủ trên đường phố trong thời gian rất dài.
4. Chúng ta đang quan tâm đến sự tương tác giữa các cá nhân như vậy: Lý thuyết kinh tế thú vị nhất, từ cung và cầu, đó là về các quá trình “bàn tay vô hình” mà trong đó kết quả tập thể không phải là những gì cá nhân dự định.
OK, kinh tế học là về những điều đó. Thế còn lý thuyết tiến hóa là về những gì?
Về cơ bản, câu trả lời đó là những nhà tiến hóa chia sẻ ba trong bốn mối quan tâm kể trên. Lĩnh vực của họ về sự tương tác giữa các cá nhân tư lợi - những người thường được cho sinh vật “cố gắng” để lại càng nhiều con cái càng tốt, nhưng tốt nhất, trong một số trường hợp, được cho là các gen “cố gắngnhân rộng càng nhiều bản sao của mình càng tốt. Sự khác biệt chính giữa lý thuyết tiến hóa và kinh tế học là trong khi các nhà kinh tế thường cho rằng các tác nhân trong mô hình của họ rất thông minh trong việc tìm kiếm chiến lược tốt nhất - một nhà kinh tế thì luôn thủ thế trước bất kỳ mô hình nào mà trong đó các tác nhân được cho là hành động với lý trí hoàn hảo ít hơn – những nhà tiến hóa không e ngại về giả định hành vi có tầm nhìn gần. Thật vậy, hành vi có tầm nhìn gần là điều cốt yếu trong quan điểm của họ.
Tôi sẽ nói sau đâu là khác biệt mà điều này tạo ra. Quan điểm của tôi ngay lúc này là bởi vì các phương pháp nền tảng là tương tự nếu không nói là đồng nhất, kinh tế học và lý thuyết tiến hóa giống nhau một cách đáng ngạc nhiên. Lý thuyết kinh tế thường được khẳng định là lấy cảm hứng từ vật lý, và nó nên trở nên giống sinh học. Nếu đó là điều bạn nghĩ, bạn nên làm hai việc. Đầu tiên, đọc một bài về lý thuyết tiến hóa, chẳng hạn như Di truyền học tiến hóa (Evolutionary Genetics) của John Maynard Smith. Bạn sẽ giật mình trông giống một quyển sách giáo khoa về kinh tế vi mô đến mức nào. Thứ hai, cố gắng giải thích một khái niệm kinh tế đơn giản, chẳng hạn như cung và cầu, cho nhà vật lý. Bạn sẽ khám phá ra rằng toàn bộ phong cách chúng ta suy nghĩ, xây dựng nên những câu chuyện tổng gộp từ các quyết định cá nhân, hoàn toàn không phải là cách họ nghĩ.
Ravi Batra (1943-)
Vì vậy, có mối quan hệ chặt chẽ trong phương pháp mà thực sự là phong cách trí tuệ giữa kinh tế học và tiến hóa. Nhưng còn có một sự tương đồng thú vị khác: cả kinh tế học lẫn tiến hóa đều là các chủ đề hướng tới mô hình nặng về đại số, đó là chủ đề khó nuốt đối với những ai không thích đại số. Và như là kết quả trong mỗi trường hợp, phân biệt giữa những gì người bên ngoài nhận thức (và được mô tả trong các quyển sách nổi tiếng) và những gì mà nó thực sự là rất quan trọng. Chúng ta đều biết rằng kinh tế học là lĩnh vực mà các tác giả nổi tiếng nhất thường là những người mà hầu hết mọi người trong nghề đều xem là, với lý do chính đáng, thậm chí không đáng tranh cãi. Bạn có nhớ quyển sách bán chạy nhất toàn cầu Cuộc đại suy thoái đang sắp đến năm 1990 (The Coming Great Depression of 1990) của Ravi Batra? Và tôi đoán là không có gì là bí mật khi ngay cả John Kenneth Galbraith, vẫn còn là một nhà kinh tế lớn trong quan niệm của công chúng, bị những nhà kinh tế nghiêm túc nhất xem như một tay trí tuệ hời hợt thiếu kiên nhẫn trong việc tư duy cẩn thận. Vâng, điều này cũng đúng đối với thuyết tiến hóa.
John K. Galbraith (1908-2006)
Niles Eldredge (1943-)
Tôi không chắc điều này được biết đến mức nào. Trong lúc chuẩn bị cho buổi nói chuyện này, tôi đã thử đọc một số về kinh tế học tiến hóa, và đặc biệt tò mò những gì mà các nhà sinh học tham khảo. Điều mà tôi gặp phải là khá ít tham khảo đề cập đến Stephen Jay Gould, hầu như không đề cập đến các nhà lý thuyết tiến hóa khác nào. Bây giờ không quá khó để hiểu, nếu bạn dành một ít thời gian trong khi đọc về tiến hóa, rằng Gould, trong chủ đề của ông, chính là John Kenneth Galbraith. Tức là, ông là một cây bút tuyệt vời được các trí thức chuộng văn chương yêu mến và các phương tiện truyền thông đánh bóng tên tuổi bởi ông không sử dụng đại số hoặc thuật ngữ khó hiểu. Thật không may, dường như ông tránh được những lỗi này không phải vì ông đã vượt qua các đồng nghiệp của mình, mà bởi vì ông có vẻ không hiểu những gì họ phải nói; và mô tả của riêng ông về điều mà lĩnh vực này đang nói - không chỉ là câu trả lời mà thậm chí cả câu hỏi - là luôn gây hiểu nhầm. Sự uyên bác ấn tượng về văn chương và về lịch sử của ông làm cho công trình nghiên cứu có vẻ sâu sắc đối với hầu hết độc giả, nhưng người đọc có hiểu biết cuối cùng kết luận rằng chẳng có gì ở đó cả. (Và đúng vậy, có oán giận nào đó về sự nổi tiếng của ông: trong lĩnh vực lý thuyết “trạng thái cân bằng đứt quãng” (“punctuated equilibrium”) nổi tiếng một cách không chính đáng, trong đó Gould và Niles Eldredge khẳng định rằng sự tiến hóa tiến triển không đều đặn mà xảy ra trong các vụ nổ đột ngột của sự thay đổi nhanh chóng, được gọi là “tiến hóa bởi các cú sốc mạnh bất thình lình”).
George C. Williams (1926-2010)
William D. Hamilton (1936-2000)
Điều hiếm xuất hiện trong các tài liệu kinh tế học tiến hóa, ít nhất ở chừng mực mà tôi có thể nói, các tham khảo đề cập đến các nhà lý thuyết mà chính những người thực hành xem là những nhân vật vĩ đại đề cập đến những người như George Williams, William Hamilton, hay John Maynard Smith. Điều này là nghiêm trọng, bởi nếu bạn nghĩ rằng những ý tưởng của Gould đại diện cho lý thuyết tiến hóa vượt trội (như bản thân tôi đã nghĩ cho đến khoảng một năm rưỡi trước đây), bạn có cái nhìn gần như hoàn toàn sai lầm về lĩnh vực này đang ở đâu và thậm chí những vấn đề ở đây là gì.
Điều này là quan trọng, bởi ít nhất ấn tượng của tôi rằng những gìcác nhà kinh tế thích sử dụng các khái niệm tiến hóa” mong đợi từ sự tiến hóa thường là dựa trên cái mà họ tưởng tượng về lý thuyết tiến hóa chứ không phải dựa trên nó thực sự là gì. ngược lại, bạn học được rất nhiều về lý do tại sao kinh tế học truyền thống nhìn theo cách như vậy bằng cách nhìn các nhà lý thuyết tiến hóa đã được đưa tới một số vị trí tương tự như thế nào.
Để giải thích những nhận xét khá khó hiểu này, hãy để tôi nói ngắn gọn về những gì mà – có vẻ như với tôi, nhưng tôi rất vui nếu được ai đó chỉnh sửa – các nhà kinh tế nghĩ cách tiếp cận tiến hóa có thể cung cấp cho chúng ta, rồi tiếp sau là về những gì mà các nhà tiến hóa dường như đang nói trong thực tế.
Nhà kinh tế học tiến hóa mong muốn điều gì
Tôi không nghĩ rằng có nhiều nhà kinh tế, thậm chí trong số những người có tư duy không truyền thống, sẽ cãi nhau nghiêm trọng với định nghĩa cơ bản của tôi về kinh tế như là liên quan đến sự tương tác giữa các cá nhân thông minh, tư lợi. Tôi đoán là người theo trường phái Mác-xít sẽ gặp vấn đề với toàn bộ ý tưởng về phương pháp cá nhân luận, người theo trường phái Galbraith sẽ gặp vấn đề với ý tưởng rằng tư lợi có thể được xác định mà không tính đến khả năng của các nhà quảng cáo, v.v. để hình thành sở thích. Nhưng ngoài những tranh cãi như vậy tôi đoán là chúng ta không có nhiều khác biệt với tuyên bố cơ bản.
Trường hợp xuất hiện sự không thỏa mãn là chúng ta bắt đầu sử dụng hai thuật ngữ đầu tiên trong chương trình bốn phần của tôi như thế nào. Đúng rồi, dĩ nhiên kinh tế học về sự tương tác, các tác nhân thì thông minh; nhưng chính xác thì họ thông minh tới mức nào, và bản chất của sự tương tác của họ là gì?
Không có gì nghi ngờ rằng kinh tế học truyền thống đã vượt ra ngoài những ý tưởng phổ quát về sự thông minh và sự tương tác để đến một thiết lập cực đoan, khó khăn hơn. Ít nhất là kể từ khi Paul Samuelson công bố Các nền tảng của phân tích kinh tế (Foundations of Economic Analysis) năm 1947, lực đẩy áp đảo của lý thuyết truyền thống nói rằng các tác nhân không chỉ thông minh mà họ còn tối đa hóa – tức là, họ đã chọn cái tốt nhất trong số tất cả các đối chọn khả thi. khi họ tương tác, chúng ta giả định rằng những gì họ làm là đạt được trạng thái cân bằng, trong đó mỗi cá nhân đang làm điều tốt nhất có thể khi cân nhắc tới những gì mà tất cả người khác đang làm.
Bây giờ bất cứ ai nhìn vào thế giới đều biết rằng đây là những giả định cực đoan và không thực tế. Tôi chỉ có một số công việc nhà cần phải làm; rõ ràng là vô cùng đau khổ khi nhìn vào hóa đơn cuối cùng, tôi đã không tối đa hóa - tôi đã không tối ưu hóa khi tìm kiếm nhà thầu. Trong khi cố gắng tìm người nào đó thực hiện các công việc còn lại, tôi phát hiện ra rằng tiền lương và giá cả địa phương chưa bắt kịp sự bùng nổ kinh tế ở Massachusetts, do đó vô cùng khó khăn để tìm bất cứ ai làm nghề mộc hoặc sửa ống nước - thị trường chắc chắn là không trạng thái cân bằng. Vì vậy, tại sao chúng ta không từ bỏ phương pháp tối-đa-hóa--trạng-thái-cân-bằng để đến với một phương pháp nào đó thực tế hơn?
Vâng, như tôi biết đó là tất cả những gìkinh tế học tiến hóa nói về. Đặc biệt, các nhà kinh tế học tư duy theo lý thuyết tiến hóa dường như mong muốn những điều sau:
1. Họ mong muốn thoát khỏi ý tưởng các cá nhân tối đa hóa. Thay vào đó, họ muốn mô tả các quyết định như là kết quả của quá trình mò mẫm nào đó các đối chọn, một quá trình mà có thể mất một thời gian dài để đến được sự tối đa - trong quá trình đó, sự tối đa mà bạn tìm có thể mang tính địa phương hơn là toàn cục.
2. Họ mong muốn thoát khỏi khái niệm trạng thái cân bằng. Đặc biệt, họ muốn có một phương pháp mà trong đó mọi thứ luôn ở trạng thái mất cân bằng, trong đó nền kinh tế đang luôn luôn tiến hóa. Sau này cũng có một số nhà kinh tế học mong muốn kết hợp các ý tưởng tiến hóa với khái niệm của Schumpeter rằng nền kinh tế tiến hành thông qua các làn sóng của sự hủy diệt sáng tạo”.
Joseph Schumpeter (1883-1950)

Bây giờ như tôi được biết các nhà kinh tế tiến hóa về cơ bản tin rằng cách tiếp cận tiến hóa sẽ đáp ứng những mong muốn này. Rốt cuộc, các sinh vật thực thường nhìn bằng con mắt sáng suốt như các việc đang tiến hành - chúng có đầy đủ các tính năng nhưng lại thất bại không đạt được cái sẽ giúp chúng thích nghi một cách hoàn hảo với môi trường của chúng, có nghĩa là, chúng đã không thực sự tối đa hóa sự thích hợp của mình. chúng cũng thường dường như bị mắc kẹt trong các tối đa hóa cục bộ: cá heo có thể trông giống như cá, nhưng chúng vẫn cần phải ngoi lên mặt nước để thở. Trong khi đó, sự tiến hóa là gì nếu không phải là một quá trình thay đổi liên tục, từng đưa chúng ta từ vi trùng trở thành con người? nếu bạn là một độc giả của Gould và những người đi theo trường phái của ông, bạn có cảm giác rằng sự tiến hóa tiến triển thông qua các cơn thay đổi đột ngột mà dường như chắc chắn mang tính Schumpeter theo kịch bản của họ.
Vì vậy, sự hấp dẫn của phép ẩn dụ tiến hóa - đặc biệt nếu bạn tin rằng kinh tế học đã rời khỏi con đường sai lầm do căn cứ vào vật lý - là điều dễ hiểu. Nhưng trước khi quá hứng khởi với những triển vọng về một cuộc cách mạng tiến hóa, chúng ta nên có cái nhìn tốt hơn vào những gì mà chính những nhà tiến hóa thực sự làm.
Lý thuyết tiến hóa thực sự giống cái gì?
John M. Smith (1920-2004)
Để đọc điều thực sự về tiến hóa – hãy đọc, chẳng hạn như Tiến hóa và lý thuyết trò chơi (Evolution and the Theory of Games) của John Maynard Smith, hoặc quyển sách mới của William Hamilton tuyển tập các bài nghiên cứu, Những con đường hẹp trong miền đất gen (Narrow Roads in Gene Land), sẽ một trải nghiệm đáng ngạc nhiên cho người nào có ý tưởng trước đó về sự tiến hóa xuất phát từ các bài báo trên tạp chí và các quyển sách viết cho đại chúng. Dù gì thì lĩnh vực này cũng không giống như các câu chuyện đó. Ở mức độ đáng kể, nó trông giống như - tôi có dám nói ra? - kinh tế học tân cổ điển. cung cấp rất ít thoải mái cho những ai muốn có một nơi ẩn náu trốn khỏi giả định khắc nghiệt về tối đa hóa và trạng thái cân bằng.
Richard Dawkins
Hãy xem xét trước tiên vấn đề tối đa hóa. Rõ ràng đây là điểm rất quan trọng về tiến hóa rằng nó phải được tiến hành bằng những bước nhỏ, có nghĩa là sự tối đa chỉ được tiếp cận dần dần và bạn có thể dễ dàng bị mắc bẫy trong một tối đa địa phương. Nhưng những quan sát này có thực sự đóng vai trò lớn trong lý thuyết tiến hóa? Không, không thực sự là vậy.
Ví dụ, hãy xem bài nghiên cứu có ảnh hưởng sâu sắc của William Hamilton “Cơ sở di truyền của hành vi xã hội” (“The genetical basis of social behavior”). Trong phần đầu của bài nghiên cứu này, ông giới thiệu mô hình biến động dân số và cho thấy gen sẽ có xu hướng lan rộng nếu nó tăng cường không phải sự thích hợp của cá nhân sinh vật mà là “sự thích hợp toàn diện”: một tổng có trọng số của sự thích hợp cho tất cả dòng họ của cá thể, với trọng số tỷ lệ với sự gần gũi của mối quan hệ giữa chúng. (Một cách đối chọn để nghĩ về điều này là nghĩ rằng gen sẽ lan rộng nếu tốt cho sự thích hợp của chính nó, không quan tâm gì đến sinh vật mà nó đang trú ngụ; đây là chủ đề cuốn sách của Richard Dawkins Gen ích kỷ (The Selfish Gene). Hiện giờ tiến hóa của Hamilton liên quan đến quá trình - đó là một câu chuyện động về bước đi nhỏ tiếp theo sẽ tiến hành theo hướng nào. Nhưng khi nói đến phần thứ hai, ông sử dụng ý tưởng thảo luận về thế giới thực - tại sao con chim tự phơi bày cho kẻ săn mồi ăn thịt bằng cách cảnh báo những người láng giềng của nó, tại sao côn trùng có các xã hội có tổ chức lớn đến như vậy - ông chỉ đơn giản giả định rằng những gì chúng ta thực sự thấy có thể được xem là cực điểm của quá trình đó, rằng các sinh vật chúng ta thấy đã tối đa hóa rồi. Tóm lại, mặc dù tiến hóa nhất thiết phải là một quá trình gồm các thay đổi nhỏ, các nhà lý thuyết tiến hóa thường đi tắt giả định rằng quá trình này giúp bạn đạt mức tối đa, và ít quan tâm một cách đáng ngạc nhiên đến các động thái trên đường đi.
Daniel Dennett (1942-)
Stuart Kauffman (1939-)
Còn về việc có thể bị mắc bẫy ở những tối đa địa phương? Vâng, đây là mối quan tâm lớn đối với một số lý thuyết gia, chẳng hạn như Stuart Kauffman ở Viện Santa Fe - nhưng Kauffman không phải là nhân vật then chốt trong lĩnh vực này. Thái độ chung của các nhà lý thuyết tiến hóa có vẻ là Thiên nhiên thường có thể tìm thấy những con đường đáng ngạc nhiên để đi đến những nơi mà bạn có thể nghĩ rằng không thể đến được bằng các bước đi nhỏ; rằng qua hơn vài trăm ngàn thế hệ một mảng da hơi nhạy cảm với ánh sáng có thể trở thành con mắt dường như được thiết kế hoàn hảo, hay một xương hàm có thể di chuyển xung quanh và trở thành một phần thiết bị dò âm thanh cực kỳ nhạy. Đây là chủ đề quyển sách mới của Richard Dawkins Không chắc leo núi được (Climbing Mount Improbable). Nếu tôi hiểu đúng, đây cũng điểm mà triết gia Daniel Dennett gọiQuy luật thứ hai của Leslie Orgel: “Tiến hóa thông minh hơn bạn”. (Phiên bản đối chọn, theo Dennett: Tiến hóa thông minh hơn Leslie Orgel).
Leslie Orgel (1927-2007)
Khi đó, trong thực tế, các nhà lý thuyết tiến hóa thường kết thúc ở giả định rằng sinh vật (hay gen, khi nó là quan điểm hữu dụng hơn) thực hiện tối đa hóa; quá trình này, sự cảnh báo trước cần thiết mà chúng phải nhận được bất cứ nơi nào chúng đang đi từng bước đi nhỏ, được đặt sang một bên.
Vậy còn trạng thái cân bằng là gì? Đối với những người ngoại đạo, có vẻ như lý thuyết tiến hóa phải là một lý thuyết về sự thay đổi liên tục và phát triển không ngừng. Thật vậy, quyển sách mới nhất của Stephen Jay Gould lập luận phản đối quan điểm được cho là chính thống cho rằng tiến hóa phải là quá trình liên tục hướng tới các mức độ phức tạp cao hơn. Nhưng ai là người bảo vệ quan điểm chính thống này? Điều thực sự tuyệt vời mà tôi đã tìm thấy khi đọc lý thuyết tiến hóa đó là họ nói quá ít về tiến hóa như là một quá trình liên tục. Thay vào đó, họ có xu hướng cố gắng giải thích cái mà chúng ta thấy là kết quả của quá trình đã hoàn thành, trong đó mỗi loài đã thích nghi hoàn toàn với môi trường - một môi trường bao gồm cả các thành viên khác của chính loài của nó lẫn các thành viên của các loài khác. Có thể thấy rằng tiêu đề quyển sách kinh điển của George Williams thường được ghi nhận là có vai trò quan trọng ảnh hưởng về sau trong lý thuyết tiến hóa hiện đại - một cuốn sách chủ yếu xác lập nguyên tắc rằng ứng xử xã hội nên được giải thích theo tư lợi của gen - Thích ứng và chọn lọc tự nhiên (Adaptation and Natural Selection). “Tiến hóa” không có trong tiêu đề, và chắc chắn không có trong văn bản nếu nó có nghĩa là kiểu động cơ không thể lay chuyển nào đó hướng tới sự hoàn thiện hơn. Giả thiết làm việc của Williams và của hầu hết những nhà lý thuyết tiến hóa khác, ít nhất là ở chừng mực mà tôi có thể nói, là chúng ta nên mô hình hóa thế giới tự nhiên không phải như đang trên đường tiến triển mà như nó đã như vậy rồi.
Stephen Jay Gould (1941-2002)
Ví dụ đáng nói nhất của ưu tiên này là việc sử dụng rộng rãi khái niệm “các chiến lược tiến hóa ổn định” (“evolutionarily stable strategies” – ESS) của John Maynard Smith. Một ESS là chiến lược tốt nhất cho sinh vật đi theo khi cân nhắc các chiến lược được tất cả những sinh vật khác đang theo - chiến lược nhằm tối đa hóa sự thích hợp khi mọi sinh vật khác đang tối đa hóa sự thích hợp, với mỗi sinh vật cân nhắc các chiến lược của những sinh vật khác. Điều này nghe có quen thuộc không? Rất quen thuộc: khái niệm về ESS là hầu như không thể phân biệt với khái niệm về trạng thái cân bằng của nhà kinh tế.
Nhân thể: sách giáo khoa của Maynard Smith rõ ràng là hoài nghi về các tuyên bố rằng tiến hóa nhất thiết phải là một quá trình liên tục, huống hồ là phải có bất kỳ hướng cụ thể nào đó. Không chỉ các mô hình thường ổn định ở trạng thái cân bằng mà các thí nghiệm cũng vậy, ví dụ sự tiến hóa RNA. Và bất kỳ nhà tiến hóa nào cũng đều nhận thức được rằng cuộc sống dường như đã thích hợp ở từng đơn bào trong vài tỷ năm trước khi điều gì đó dẫn đến một bước tiến lớn tiếp theo.
Bây giờ bạn có thể hiểu lý do tại sao tôi nói rằng một quyển sách giáo khoa về tiến hóa đọc rất giống với một quyển sách giáo khoa về kinh tế vi mô. cấp độ sâu, chúng chia sẻ cùng một phương pháp: giải thích hành vi về mặt trạng thái cân bằng giữa các cá nhân tối đa hóa.
Nhưng tại sao lý thuyết tiến hóa trong thực tế không tận dụng lợi thế, nếu chúng ta có thể gọi vậy, hoặc của tầm nhìn gần hoặc của sự năng động vốn có trong bất kỳ câu chuyện tiến hóa nào?
Tại sao các nhà tiến hóa không thực hiện quá trình tiến hóa
Điều mà tôi tranh luận đến thời điểm này là mặc dù tiến hóa là một lý thuyết về sự thay đổi dần dần, về sự năng động có tầm nhìn gần, trong thực tế hầu hết lý thuyết tiến hóa tập trung vào kết quả cuối cùng được cho là đúng về những động thái như vậy: một trạng thái cân bằng trong đó các cá nhân tối đa hóa sự thích nghi của chúng khi biết cá nhân khác làm gì. Tại sao lý thuyết nên đi theo lối rẽ này?
Câu trả lời chắc chắn là do nhu cầu đơn giản hóa luôn hiện diện để giúp cho các mô hình dễ hiểu. Thực tế là tối đa hóa và cân bằng là những cách thức mạnh mẽ đáng ngạc nhiên để xử lí những gì mà nếu không thì có thể phức tạp một cách khó chịu - và các nhà lý thuyết tiến hóa, hoàn toàn chính xác, sẵn sàng chấp nhận sự hư cấu hữu ích cho rằng các cá nhân đạt tới các tối đa của họ và rằng hệ thống đang ở trạng thái cân bằng.
Hãy để tôi đưa cho bạn một ví dụ. Bài nghiên cứu của William Hamilton có tên tuyệt vời là “Hình học dành cho bầy đoàn ích kỷ” (“Geometry for the Selfish Herd”) tưởng tượng ra một bầy ếch ngồi ở rìa của cái hồ hình tròn, từ đó một con rắn có thể xuất hiện - và ông giả định rằng con rắn sẽ vồ lấy và ăn con ếch gần nhất. Những con ếch này sẽ ngồi ở đâu? Nhằm lập luận ngắn gọn, Hamilton chỉ ra rằng nếu có hai bầy ếch xung quanh hồ, mỗi bầy cũng như mỗi con ếch trong mỗi bầy đều có nguy cơ ngang nhau biến thành mục tiêu - có nghĩa là nguy cơ bị ăn ít hơn nếu bạn là một con ếch trong bầy lớn hơn. Vì vậy, nếu bạn là con ếch đang cố gắng tối đa hóa sự lựa chọn sống sót của mình, bạn sẽ muốn là một phần của bầy lớn hơn; trạng thái cân bằng phải liên quan đến sự kết khối của tất cả những con ếch càng gần nhau càng tốt.
Hãy chú ý xem phân tích này thiếu điều gì. Hamilton không nói về các động thái tiến hóa mà theo đó những con ếch có thể có được bản năng ngồi-với-các-con-ếch-khác; ông không đưa chúng ta qua các bước trung gian dọc theo con đường tiến hóa mà ở đó những con ếch vẫn chưa hoàn toàn “nhận rarằng chúng nên ở lại với bầy. Tại sao không? Bởi vì làm như vậy sẽ khiến ông tham gia vào các phức tạp khổng lồ mà về cơ bản không liên quan đến quan điểm của ông, trong khi đó - e hèm - nhảy cóc qua những khó khăn này để nhìn vào trạng thái cân bằng trong đó tất cả các con ếch tối đa hóa cơ hội của chúng khi biết rằng những con ếch khác làm gì là cách thức cực kỳ tiết kiệm, sắc bén để đạt được cái nhìn sâu sắc.
Hiện nay, một số người nói rằng việc tạo ra những hư cấu hữu ích này đã là quá khứ rồi, bởi bây giờ chúng ta có thể nghiên cứu sự năng động phức tạp bằng cách sử dụng mô phỏng bằng máy tính. Nhưng bất cứ ai đã thử kiểu này - tôi đã thử, trong một thời gian thật dài - cuối cùng mới nhận ra rằng phân tích bằng giấy và bút chì dựa trên sự tối đa hóa cân bằng thực sự là gì. Dĩ nhiên chúng ta có thể sử dụng mô phỏng để mở rộng ranh giới hiểu biết của chúng ta; nhưng việc chạy rất nhiều mô phỏng và thấy những gì xảy ra là bài tập gây bực bội và cuối cùng là không hiệu quả trừ khi bằng cách nào đó bạn có thể tạo ra một “mô hình của mô hình” cho phép bạn hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Tôi có nhiều ví dụ ở đây, nhưng tôi nghĩ điểm mấu chốt đã rõ ràng. Những nhà lý thuyết tiến hóa, mặc dù họ có khung nền tảng nói với họ rằng bạn không thể giả định tối-đa-hóa--trạng-thái-cân bằng một cách an toàn, sử dụng tối đa hóa và trạng thái cân bằng như các thiết bị mô hình - như các hư cấu hữu ích về thế giới cho phép họ xử lí được những điều phức tạp. các nhà tiến hóa đã tìm thấy những hư cấu rất hữu ích để thống trị phân tích quá trình tiến hóa gần như hoàn toàn như những hư cấu giống vậy đang thống trị lý thuyết kinh tế.
Kinh tế học tân cổ điển là gì?
Tôi chỉ nói rằng những hư cấu này thống trị kinh tế học. Nhưng câu hỏi trong kinh tế học là liệu chúng ta có hiểu rằng chúng là hư cấu chứ không phải là chân lý sâu xa. Có lẽ, đây là chỗ mà các nhà kinh tế học hỏi gì đó từ các nhà tiến hóa.
Trong kinh tế học, chúng ta thường dùng thuật ngữ tân cổ điển” như là cách hoặc để ca ngợi hoặc nguyền rủa các đối thủ của chúng ta. Cá nhân tôi, tôi tự hào là nhà kinh tế theo trường phái tân cổ điển. Nói như vậy không có nghĩa là bao giờ tôi cũng tin tưởng hoàn toàn vào sự cạnh tranh hoàn hảo. Điều tôi muốn nói là tôi thích, khi có thể, hiểu thế giới bằng cách sử dụng các mô hình mà trong đó các cá nhân tối đa hóa sự tương tác của các cá nhân này có thể được tóm tắt bằng khái niệm trạng thái cân bằng nào đó. Lý do tôi thích loại mô hình này không phải là tôi tin rằng nó đúng theo nghĩa đen, mà là tôi nhận thức được rõ ràng sức mạnh của tối-đa-hóa--trạng-thái-cân-bằng để tổ chức tư duy - và tôi thấy khuynh hướng của những người cố gắng nghiên cứu kinh tế học mà không có những thiết bị tổ chức đó dẫn đến việc đưa ra những điều vô nghĩa hoàn toàn khi họ tưởng tượng tự mình giải phóng bản thân ra khỏi vòng cương tỏa của quan điểm chính thống.
Cũng nói thêm, thực sự có những nhà kinh tế học xem tối đa hóa và trạng thái cân bằng cao hơn các hư cấu hữu ích. Họ xem chúng hoặc là chân lý theo nghĩa đen - mà tôi thấy hơi khó hiểu khi xét thực tại kinh nghiệm hàng ngày - hoặc là nguyên tắc trung tâm đối với kinh tế học mà không dám đứng thẳng lên trước chúng thậm chí một chút, không quan tâm đến mức hữu ích thế nào khi làm như vậy.
Để công bằng, có một số biện minh cho việc một số nhà kinh tế cứ khăng khăng tiếp tục đi trên con đường rất khó khăn của nguyên tắc cân bằng và đặc biệttối đa hóa. Rốt cuộc, con người thông minh hơn các gen. Nếu tôi đưa ra mô hình trong đó mọi người dường như bỏ lỡ cơ hội có lợi nào đó, bạn có thể chính đáng hỏi tôi lý do tại sao họ không chỉ đơn giản là nhận nó. Và không giống trường hợp của gen, lập luận cho rằng đối chọn này khá khác với những gìtác nhân tưởng tượng của tôi hiện đang làm không nhất thiết phải là lựa chọn rất tốt: trong thế giới thực người ta đôi khi phản ứng với các cơ hội bằng cách thay đổi mạnh mẽ hành vi của họ. Trong sinh học, thay đổi thuần cục bộ là một nguyên tắc thiêng liêng; trong kinh tế học không có sự biện minh tương đương có thể so sánh.
Và tôi nghĩ rằng mặc dù có sự khác biệt, sẽ tốt hơn nếu các nhà kinh tế tự nhận thức được nhiều hơn - nếu họ hiểu rằng họ sử dụng tối-đa-hóa-và-trạng-thái-cân-bằng, giống như các nhà sinh học tiến hóa, một hư cấu hữu ích chứ không phải là một nguyên tắc được bảo vệ bằng bất cứ giá nào. Nếu chúng ta khiêm tốn hơn về những gì chúng ta nghĩ chiến lược mô hình của chúng ta đang làm, chúng ta có thể tự giải phóng mình để thích nghi nhiều hơn với thế giới trong phân tích của chúng ta.
vì vậy hãy để tôi kết luận buổi nói chuyện này bằng cách đưa ra hai ví dụ về việc làm thế nào mà cách tiếp cận kinh tế học theo phong cách tiến hóa” thoải mái hơn có thể giúp chúng ta thoát khỏi rắc rối.
Hai ví dụ về kinh tế
Như bạn biết, một trong những lĩnh vực nghiên cứu của tôi là nghiên cứu địa lý kinh tế. Có lẽ sự thấu hiểu cơ bản nhất trong các mô hình này là khả năng của quá trình tích lũy kết tụ. Giả sử có hai khu vực, và một khu vực bắt đầu với sự tập trung lớn hơn một chút của ngành công nghiệp. Sự tập trung này của ngành công nghiệp sẽ cung cấp những thị trường lớn hơn và các nguồn cung tốt hơn cho nhà sản xuất so với khu vực kia, có lẽ sẽ khiến nhiều nhà sản xuất chọn địa điểm hoạt động trong khu vực đó, tiếp tục củng cố lợi thế của nó hơn nữa, và cứ tiếp tục như vậy. Đó là một câu chuyện hay, và tôi khá chắc rằng theo ý nghĩa nào đó thì nó đúng. Tuy nhiên, khi tôi và học trò của mình cố gắng trình bày công trình nghiên cứu này, chúng tôi thường đâm đầu vào một khó khăn đáng ngạc nhiên: các lý thuyết gia rất khó chịu về sự năng động. Họ hỏi tại sao các cá nhân không thể dự đoán chính xác vị trí tương lai của ngành công nghiệp? Làm thế nào mà bạn có thể có một mô hình như vậy mà không có các tác nhân nhìn về tương lai và các kỳ vọng duy lý?
Bây giờ thực tế là khi bạn cố gắng thực hiện những kỳ vọng duy lý trong các mô hình như vậy, chúng trở nên vô cùng khó khăn hơn, che khuất đi điểm cơ bản. Tóm lại, đây là tình huống mà vận dụng tới cùng hành vi tối đa hóa đầy đủ - cố gắng tránh sự mất cân bằng, động lực tiến hóa, tôi giả định thế khiến cho cuộc sống khó khăn hơn chứ không phải dễ dàng hơn. Dường như với tôi, ít nhất rằng đây là tình huống mà các nhà kinh tế sẽ thực hiện tốt hơn nếu họ hiểu rằng tối đa hóa một phép ẩn dụ chỉ được dùng trong chừng mực mà nó giúp có được sự hiểu biết.
khi tôi đối mặt với loại phê bình này, tôi ghen tị với các nhà lý thuyết tiến hóa những người cũng làm mô hình như, ví dụ, lý thuyết Fisher về sự chọn lọc tình dục không kiểm chế, và có thể sử dụng động thái mất cân bằng với tầm nhìn gần mà không cần lời xin lỗi. (Nếu bạn không biết mô hình đó, thì nó hoạt động như thế này: giả sử có một gien tạo con công mái, giống như con công đực có đuôi lớn, và một gen khác tạo đuôi lớn ở con đực. Nếu có đa số con cái mang gen trội này, thì con đực với đuôi lớn sẽ có nhiều con cháu hơn ngay cả khi chúng có ít cơ hội sống sót bởi kẻ săn mồi có thể trông thấy chúng dễ dàng. Nhưng con đực với một cái đuôi lớn có khả năng là con của một con cái thích đuôi lớn, thành công này cũng sẽ có xu hướng lan rộng gen với sở thích đuôi lớn… Sự tương đồng với sự tích tụ là quá rõ ràng, phải không?)
Một vấn đề khác: xem xét câu hỏi chính sách tiền tệ có hiệu ứng thực hay không và có tác động như thế nào. Cuối cùng vấn đề này quy lại là giá danh nghĩa có tính nhờn hay không. Theo quan điểm của tôi, bằng chứng mạnh mẽ cho rằng chúng có. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế bác bỏ bằng chứng như vậy nguyên tắc: một người thiết lập giá duy lý phải không có ảo tưởng tiền tệ, do đó đây là kinh tế học xấu khi cho rằng họ có ảo tưởng đó. Nếu những người theo trường phái tân Keynes như tôi đề nghị rằng một chút tính duy lý hạn chế làm được điều ấy, câu trả lời là tính duy lý hạn chế là một khái niệm để mở, và có thể được dùng để hợp lý hóa quá nhiều hành vi khác nhau.
trong tiến hóa, ý tưởng rằng sự chính xác của tối đa hóa có những giới hạn được thông qua một cách phấn khởi. Khi con chim nhìn thấy kẻ săn mồi, nó kêu lên để cảnh báo và hành động này có thể đặt chính nó vào nguy cơ nhưng có thể cứu được các con chim láng giềng; lý do hành vi này “có tác dụng”, chúng tôi tin như thế, vì nhiều con trong số những con chim hàng xóm đó có thể là bà con dòng họ, và do đó con chim có thể tăng cường “sự thích hợp toàn diện” của nó. Nhưng tại sao con chim không tạo ra cảnh báo chỉ có bà con của nó có thể nghe thấy được? Vâng, chúng tôi chỉ giả định rằng đó là điều không thể.
Tóm lại, tôi tin rằng kinh tế học sẽ là lĩnh vực hiệu quả hơn nếu chúng ta học được điều gì đó quan trọng từ các nhà tiến hóa: các mô hình là phép ẩn dụ, và chúng ta nên sử dụng chúng, chứ không phải ngược lại.
Nguyễn Hoàng Mỹ Phương dịch
Print Friendly and PDF