7.10.16

Thu nhập cơ bản đã giải quyết vấn đề cơ bản của chủ nghĩa tư bản như thế nào?



Thu nhập cơ bản đã giải quyết vấn đề cơ bản của chủ nghĩa tư bản như thế nào?
Điều gì cản đường nó?
Tom Streithorst
Chủ đề Thu nhập cơ bản bảo đảm (BIG, Basic Income Guarantee) lại xuất hiện trở lại trên các trang tin tức. Người Phần Lan đang xem xét triển khai chế độ trên, giống như người Thụy Sĩ, thay thế tất cả các chế độ phúc lợi đã được kiểm định bằng một trợ cấp đơn giản cho mọi người dân, cho họ có đủ tiền để tồn tại. Không giống như hầu hết các chương trình phúc lợi hiện tại, nó không đòi hỏi điều kiện bạn có xứng đáng hay phải là người nghèo để được hưởng trợ cấp. Mọi người đều được hưởng khoản trợ cấp đó, bạn, tôi, Rupert Murdoch, hay người vô gia cư ngủ dưới gầm cầu. Chế độ thu nhập cơ bản bảo đảm, lần cuối được tổng thống Richard Nixon đề xuất một cách nghiêm túc vào năm 1969, ngày càng được nhiều nhà kinh tế và các blogger gợi ý rằng cuối cùng đó có thể là vị cứu tinh của chủ nghĩa tư bản. Chế độ BIG sẽ xoá đói giảm nghèo, giảm thiểu sự bất bình đẳng, và cải thiện rộng rãi đời sống của những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta. Nhưng đó không phải là lý do vì sao chúng ta cần nó. Đó có thể là điều có vẻ phi thực tế, thậm chí không tưởng: nhưng tôi tin chắc rằng chế độ BIG sẽ được thiết lập trong vòng vài thập kỷ tới, bởi vì nó giải quyết được vấn đề cơ bản nhất của chủ nghĩa tư bản hiện đại, bài toán thiếu cầu.
Richard Nixon (1913-1994)
Rupert Murdoch (1931-)
Công nghệ và chủ nghĩa tư bản đã phần lớn giải quyết được vấn đề cung. Hơn bao giờ hết, chúng ta có khả năng sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn, sử dụng ít hơn lao động và tư bản đầu vào. Chúng ta có bí quyết sản xuất, chúng ta có nguồn lực, chúng ta có lao động có tay nghề, chúng ta có tiền. Điều duy nhất mà các doanh nghiệp thiếu là khách hàng. Sản xuất ra sản phẩm đã trở thành điều dễ. Chính việc bán sản phẩm mới là điều làm cho các doanh nhân (và các chủ ngân hàng trung ương) không ngủ yên. Việc chậm trả lương cho thấy nguồn cung lao động đã vượt cầu. Lãi suất cực nhỏ cho thấy chúng ta có nhiều vốn hơn mức cần thiết. Kể từ cuộc Đại suy thoái phần lớn các nhà kinh tế đã thừa nhận rằng cầu là tử huyệt của nền kinh tế hiện đại.
Trong 80 năm qua, chúng ta đã giải quyết bài toán cầu theo ba cách rất khác nhau.
John M. Keynes (1883-1946)
Cách thứ nhất là chiến tranh. Năm 1938, tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ là gần 20%. Năm 1944, nó hầu như bằng 1%. Mọi người đều biết Thế Chiến II đã làm kết thúc cuộc Đại suy thoái: nhưng nên nhớ rằng không phải việc tàn sát dân thường hoặc phá tan các thành phố làm nền kinh tế toàn cầu phục hồi, mà là sự kích thích tài chính khổng lồ các khoản vay của chính phủ. Nếu chúng ta vay tiền và chi tiêu nhiều như thế vào việc xây dựng trường học, nhà cửa và đường xá, giống như khi chúng ta đã chi tiêu để đánh bại phe Trục thì hiệu ứng kinh tế còn lớn hơn. Lợi thế của học thuyết Keynes về mặt quân sự là chính trị: phe bảo thủ, những người không thích các khoản chi tiêu của chính phủ đã có thể vượt qua sự không thích của mình khi nói đến chiến tranh.
Cách thứ hai là tăng tiền lương, trong thời hậu chiến – Thời hoàng kim (Golden Age). Giữa những năm 1950 và 1970, người lao động trung bình của Mỹ thấy tiền lương thực tế của mình tăng gấp đôi: kể từ đó, tiền lương hầu như không tăng lên được bao nhiêu. Vào thời đó, việc cải thiện năng suất đã gần như tác động ngay lập tức đến thu nhập tiền lương. Khi tiền lương của người lao động tăng lên, thì chi tiêu tiêu dùng cũng tăng lên. Năng suất tăng có nghĩa là người lao động có khả năng làm ra nhiều sản phẩm hơn. Tăng lương có nghĩa là người lao động có đủ khả năng để mua sản phẩm. Quảng cáo đã biến hàng xa xỉ thành nhu yếu phẩm. Năng suất tăng kết hợp với tiền lương tăng làm cho sự tăng trưởng GDP, trong Thời hoàng kim, đạt mức cao nhất mà thế giới chưa từng thấy.
Margaret Thatcher (1925-2013)
Ronald Reagan (1911-2004)
Trong kỷ nguyên gần đây nhất, từ năm 1982 cho đến cuộc khủng hoảng tài chính, động cơ của sự tăng trưởng kinh tế đã ngày càng làm tăng các mức nợ tư nhân. Sau thời kỳ lãnh đạo của Reagan và Thatcher, tiền lương trung vị ngừng tăng, ngay cả khi năng suất vẫn duy trì mức tăng không ngừng nghỉ của nó. Với tiền lương không tăng, thì người tiêu dùng chỉ có cách vay nợ nhiều hơn để có đủ khả năng mua sắm tất cả những gì mà họ đã sản xuất ra. Khi mà các ngân hàng còn thích thú cho vay, thì nền kinh tế còn có thể tăng trưởng (mặc dù chậm hơn nhiều so với Thời hoàng kim) và cuộc chơi có thể tiếp diễn. Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính, khi sự sẵn sàng gánh chịu nhiều khoản nợ lớn hơn của các hộ gia đình và sự sẵn sàng cho vay của các ngân hàng co cụm lại, thì sẽ dẫn nền kinh tế đến trì trệ mà ngày nay chúng ta đang lọt vào bẫy.
Ba phương pháp kích cầu cũ này đã lỗi thời. Chiến tranh toàn cầu sẽ phục hồi lại nền kinh tế, nhưng với một chi phí không kham nổi. Điều không may là việc tăng lương không có nhiều khả năng xảy ra, với việc thay thế ngày càng nhiều người lao động bằng robot, phần mềm hay người lao động nước ngoài được trả công rẻ hơn nhiều. Và mức nợ tăng cao không chỉ làm tăng tình trạng bất bình đẳng, mà còn tạo ra tình trạng bất ổn tài chính. Vậy cần phải làmgì?
Hàng năm, sự tiến bộ công nghệ cho phép chúng ta tạo ra nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn trong khi sử dụng ít lao động và tư bản hơn. Là người tiêu dùng, đó là điều tuyệt vời. Chúng ta có thể mua hàng hóa tốt hơn và rẻ hơn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, là người lao động, năng suất tăng lên đe dọa việc làm của chúng ta. Khi cần ít nhân công hơn để sản xuất ra cùng một lượng sản phẩm, thì sẽ có nhiều người lao động trở nên dư thừa. Và điều này có nhiều khả năng trở nên tồi tệ hơn. Sự gia tăng sử dụng robot có thể loại bỏ 47% những công việc hiện tại trong vòng hai thập kỷ tới. Điều không may là, mặc dù một robot có thể sản xuất ra một chiếc iPhone, nhưng nó không thể mua chiếc iPhone đó. Nếu tiến tới một tương lai hậu khan hiếm, thì chỉ có một Thu nhập cơ bản bảo đảm mới có thể đảm bảo đủ mức cầu để duy trì cho nền kinh tế toàn cầu vận hành cầm chừng.
Ben S. Bernanke (1953-)
Với BIG, không chỉ người nghèo được lợi. Người giàu cũng được hưởng khoản tiền tương tự, dưới hình thức cắt giảm thuế. Các doanh nghiệp cũng hưởng lợi. Với việc người tiêu dùng có nhiều tiền hơn trong túi, thì doanh thu bán hàng sẽ tăng lên, và lợi nhuận sẽ tăng lên. Và khi mà các doanh nghiệp không còn cần phải chi một mức lương đủ sống, thì chi phí lao động có thể giảm, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động có lý do để thuê lao động. Trong khi đó, người lao động, với một thu nhập bảo đảm, bất luận là gì, sẽ có được quyền tự do để nói với một ông chủ quá đáng rằng "hãy nhận lấy công việc này và biến đi." Những phúc lợi này gợi ý rằng một Thu nhập cơ bản bảo đảm có thể bao quát sự hỗ trợ đáng kể từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng đó là tất cả những gì các bên đơn thuần được hưởng từ BIG.
Nếu sự tiến bộ công nghệ tiếp tục loại bỏ công ăn việc làm, thì Thu nhập cơ bản bảo đảm có thể là cách duy nhất có khả năng duy trì mức cầu trong một tương lai hậu việc làm. Qua việc cung cấp cho mỗi công dân một ngân phiếu hàng tháng, Thu nhập cơ bản bảo đảm sẽ là một công cụ kích cầu tài chính như Thế chiến II mà không phải giết chết hàng triệu người. Thu nhập cơ bản bảo đảm mang tính hợp lý về mặt kinh tế và thiết thực về mặt chính trị. Điều gì sẽ cản trở nó?
Lord Adair Turner (1955-)
Martin Wolf (1946-)
Vấn đề đầu tiên với Thu nhập cơ bản bảo đảm là nó có vẻ quá tốt để trở thành sự thật. Chúng ta đã được nói phải ngờ vực bất cứ ai hứa hẹn cho một bữa ăn trưa miễn phí, và cho người ta tiền để không làm gì, chắc chắn điều đó có vẻ giống như một món quà không tốn gì. Lo sợ về một cảnh sống túng thiếu có nguồn gốc từ trong DNA của chúng ta. Để thu nhập cơ bản bảo đảm có vẻ khả thi đối với hầu hết mọi người, thì cần phải biết rằng cầu, chứ không phải cung, là nút thắt cổ chai của sự tăng trưởng. Chúng ta cần thừa nhận rằng tiền là một cái gì đó con người tạo ra, chớ không phải là một cái gì đó gắn với mức cung cố định và hạn chế. Với việc nới lỏng định lượng, các ngân hàng trung ương đã in tiền và đưa nó vào lĩnh vực tài chính, hy vọng sẽ kích thích hoạt động cho vay. Ngày nay, ngay cả những nhân vật thuộc dòng chủ đạo như Lord Adair Turner, Martin Wolf và ngay cả Ben Bernanke cũng thừa nhận rằng việc "vãi tiền qua trực thăng (helicopter drops)" vào các tài khoản ngân hàng cá nhân có thể tạo ra nhiều hiệu quả hơn. Các nhà kỹ trị đang bắt đầu nhận ra tính thực tế của Thu nhập cơ bản. Chúng ta, trong thế giới blog kinh tế, cần phải truyền bá thông điệp này cho công chúng. Việc gia tăng sử dụng robot, làm giảm giá hàng hóa và dịch vụ chưa từng có, và rút cục làm biến mất việc làm có thể dạy cho chúng ta bài học này một cách hiệu quả hơn bất kỳ số lượng bài tiểu luận có ý nghĩa nào.
Adam Smith (1723-1790)

Vấn đề thứ hai là về mặt xã hội học. Hầu hết chúng ta còn có việc làm. Theo một số cách cơ bản nào đó, chúng ta cảm thấy công việc làm cho chúng ta đáng được kính trọng hơn những người biếng nhác ngồi hưởng phúc lợi. Điều này đồng thời làm cho chúng ta không hứng thú với việc nâng cao phúc lợi cho người khác (hoặc làm tăng số lượng người hưởng phúc lợi) và không hứng thú với suy nghĩ về bản thân như là kiểu người nhận tiền từ nhà nước. Adam Smith, trong cuốn The Theory of Moral Sentiments Lý thuyết các tình cảm đạo đức (cuốn sách được ông coi là kiệt tác của mình), cho biết chúng ta, là con người, được thúc đẩy chủ yếu bởi sự tôn trọng của người khác. Chúng ta muốn người khác nghĩ tốt về mình, và chúng ta muốn nghĩ tốt về bản thân. Niềm vui tâm lý của việc xem bản thân tốt hơn những người nhận phúc lợi có thể làm hiểu sai thu nhập kinh tế đích thực. Để khắc phục sự phản bác này, chúng ta cần nhận ra rằng việc nhận diện bản thân qua việc làm là điều rất đặc thù của thế kỹ 20. Nếu sự tiến bộ công nghệ tiếp tục cướp đi những việc làm mang tính truyền thống, thì sự phản bác này cuối cùng cũng sẽ tiêu tan. Khi việc làm toàn thời gian trở nên khó tìm hơn, thì nhiều người trong chúng ta sẽ nhận ra sự cần thiết của một Thu nhập cơ bản bảo đảm.
Vấn đề thứ ba có lẽ là vấn đề mang tính trọng tâm nhất. Qua việc kích thích nền kinh tế và đẩy nó đến giới hạn khả năng sản xuất, Thu nhập cơ bản bảo đảm không chỉ mang tính thúc đẩy sự tăng trưởng, mà còn mang tính tái phân phối, một điều không thể phủ nhận. Chiếc bánh sẽ lớn hơn, nhưng sẽ được chia cắt một cách khác nhau. Trong 30 năm qua, chúng ta đã kích thích nền kinh tế qua việc dịch chuyển tiền tệ hướng đến người giàu. Thu nhập cơ bản bảo đảm dịch chuyển tiền tệ hướng đến người nghèo. Và đối với nhiều người trong top 1% nhà giàu, thì đó là điều đáng ghét.
Đảng Bảo thủ, nói chung, ủng hộ việc cắt giảm thuế như là một cách để kích thích nền kinh tế. Dù không muốn thừa nhận, nhưng đây là giáo huấn trong cuốn sách giáo khoa theo học thuyết Keynes. Chừng nào chính phủ không cắt giảm chi tiêu, thì việc người tiêu dùng có nhiều tiền hơn trong túi chắc chắn sẽ làm tăng mức cầu. Điều không may là việc cắt giảm thuế nói chung có lợi cho những người giàu nhất, và họ, không giống như người nghèo, có nhiều khả năng tiết kiệm hơn là tiêu xài của trời cho của họ. Kích thích tiết kiệm là một sự lãng phí cắt giảm thuế. Ngày nay, chúng ta thừa tiền tiết kiệm và thiếu tiền đầu tư và tiêu dùng. Thu nhập cơ bản bảo đảm có thể được coi như là một sự cắt giảm thuế nhắm đến những người có khả năng chi tiêu, đó là những gì mà nền kinh tế cần đến.
Tom Streithorst
Thu nhập cơ bản bảo đảm giải quyết vấn đề cầu, kích thích nền kinh tế, làm tăng lợi nhuận của công ty, cung cấp cho người lao động nhiều quyền tự do hơn, và cung cấp một tấm lưới an toàn cho những người dễ bị tổn thương nhất. Nó là một biện pháp lành mạnh về mặt kinh tế và khôn ngoan về mặt chính trị. Nhưng những người rất giàu không sợ tình trạng thất nghiệp, họ sợ sự phân phối lại và sẽ là lực lượng đáng kể nhất chống lại việc triển khai Thu nhập cơ bản bảo đảm.
Tom Streithorst là thành viên của nghiệp đoàn, doanh nhân, nhà quay phim chiến tranh, giám đốc quảng cáo, nhà báo. Là một người Mỹ sống ở London, ông đã viết cho nhiều tạp chí ở cả hai bờ Đại Tây Dương từ năm 2008.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: How Basic Income Solves Capitalism’s Fundamental Problem, Evonomics, 20 December 2015.
Print Friendly and PDF