13.5.15

Giảng dạy sự năng động trong kinh tế



Giảng dạy sự năng động trong kinh tế

Edmund S. Phelps (1933-)
Về Edmund S. Phelps
Edmund S. Phelps, chủ nhân của giải Nobel kinh tế, là Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu về Chủ nghĩa tư bản và Xã hội thuộc trường Đại học Columbia và là Trưởng Khoa Kinh doanh trường Newhuadu. Một trong những chuyên gia hàng đầu về căn nguyên của sự năng động trong kinh tế, ông là tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm Rewarding Work (Công Việc Vinh Quang) and Mass Flourishing (Phồn Vinh Đại Chúng).

Giảng dạy sự năng động trong kinh tế

NEW YORK – Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường cho rằng hố cách trong giáo dục ngày càng được nới rộng ra – sự lệch pha giữa kiến thức người trẻ tuổi lĩnh hội được và những kỹ năng mà thị trường lao động đòi hỏi – là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng thất nghiệp cao và tăng trưởng chậm ở nhiều quốc gia. Về phần mình, chính phủ các nước dường như tin rằng giải pháp tốt nhất nhằm lắp hố cách này là tăng cường số sinh viên theo học các ngành được gọi là “STEM” (science, technology, engineering, and mathematics – khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Liệu rằng họ có đúng không?
Câu trả lời ngắn gọn là không. Thực vậy, hai luận điểm chính làm cơ sở cho những lời cáo buộc giáo dục không đáp ứng được nhu cầu của xã hội khiến cho nền kinh tế hoạt động yếu kém là, trong trường hợp tốt nhất, không vững chắc.
Luận điểm thứ nhất cho rằng sự thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp đang cản trở doanh nghiệp đầu tư vào những thiết bị tiên tiến. Tuy nhiên, phát triển kinh tế thường không diễn ra theo cách này. Thay vào đó, khi doanh nghiệp bắt đầu đầu tư, hoặc là người lao động sẽ phản ứng với khả năng nhận tiền lương cao hơn bằng cách tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết (chi phí do họ tự chi trả), hoặc là doanh nghiệp sẽ cung cấp cho nhân viên hiện tại và tương lai của họ chương trình đào tạo phù hợp.
Luận điểm thứ hai cho rằng nước Mỹ và các quốc gia phát triển khác ngày càng khó mà sánh kịp thành tựu của các nước đang phát triển bằng cách đầu tư lớn cho trang thiết bị tiên tiến, hướng mục tiêu vào giáo dục trình độ cao và đào tạo kỹ năng. Tuy nhiên, một lần nữa, luận điểm này đi ngược lại động thái truyền thống của thương mại, mà theo đó thành công của một quốc gia không gây ra khó khăn trở ngại cho quốc gia khác.
Hẳn nhiên, theo lý thuyết, khi nhiều quốc gia đồng loạt chuyển đổi, hướng giáo dục cấp 2 và cấp 3 tập trung vào các ngành STEM – đi kèm với sự gia tăng năng suất đáng kể - thì có thể làm suy giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế nào không nỗ lực đi theo hướng đó. Nhưng kịch bản này có rất ít khả năng xảy ra, ít ra là trong tương lai gần.
Thực ra, sự sinh sôi nảy nở của các trường đại học chuyên môn hóa sâu ở châu Âu đã không thể làm trợ lực cho tăng trưởng kinh tế và mức nhân dụng. Sự biến đổi từ các trường đại học tổng hợp thành các viện nghiên cứu chuyên biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ở Nga và Trung Quốc đã không thể ngăn chặn thảm họa kinh tế ở các nền kinh tế đó. (Các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc hiện tại có các chương trình đào tạo 2 năm tương tự như chương trình dạy văn hóa tổng quát của các trường liberal arts ở Hoa Kỳ).
Nhưng trường hợp giáo dục theo định hướng STEM thậm có nhiều sai lầm cơ bản, bởi vì cách giáo dục này xem nền kinh tế như một phương trình. Theo logic này, việc tạo ra công ăn việc làm là vấn đề phân bổ con người vào nhưng cơ hội có thể nhận diện được, và tăng trưởng kinh tế là vấn đề tăng kho vốn con người và vốn vật chất, đồng thời khai thác các tiến bộ khoa học. Đây là một quan niệm không sáng sủa về các nền kinh tế hiện đại, và là một bản thiết kế quy hoạch đáng thất vọng cho tương lai.
Nhằm xây dựng nền móng cho một tương lai dựa trên các ý tưởng và sáng tạo, các doanh nghiệp và chính phủ nên xem xét cách thức mà, trong lịch sử, các sản phẩm và các phương pháp mới từng được phát triển ở một số nền kinh tế tân tiến nhất: Anh Quốc và Hoa Kỳ ngay từ 1820, và trễ hơn là Đức, Pháp vào thế kỷ thứ 19. Ở những nền kinh tế này, sự cách tân không được hỗ trợ bởi tiến bộ khoa học toàn cầu, nhưng bởi sự năng động của dân chúng -  khát vọng, năng lực và quyền tự do sáng tạo của họ - và sự sẵn lòng chấp nhận để giới tài chính chuyển hướng họ ra khỏi những mưu cầu vô vọng.
Hầu hết các ý tưởng cách tân thực sự xuất phát từ sự năng động của con người chứng tỏ kết luận cho rằng tất cả các nền kinh tế cần phải có nền giáo dục tập trung vào các ngành STEM thịnh hành là sai lầm. Tuy rằng một nền tảng STEM phổ biến có thể mang lại lợi ích cho một số nền kinh tế, nhưng hầu hết các nước phát triển đã có đủ năng lực trong những lĩnh vực này để tự mình áp dụng công nghệ và kỹ thuật nước ngoài và thiết kế những công nghệ mới.
Thay vào đó, điều mà các nền kinh tế cần là tăng cường tính năng động. Vấn đề là các nền kinh tế sáng tạo nhất trong lịch sử đã mất đi phần lớn sự năng động họ đã từng có, cho dù họ vẫn duy trì vị thế dẫn đầu về truyền thông xã hội và một số lĩnh vực công nghệ cao. Và một số nền kinh tế khác – ví dụ như Tây Ban Nha và Hà Lan – rõ ràng chưa bao giờ là những nền kinh tế đặc biệt năng động. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi vốn được cho là đang lắp vào khoảng trống – đáng chú ý là Trung Quốc – vẫn đang rơi vào tình trạng thiếu hụt mức độ cải tiến cần thiết để bù đắp cho lợi ích giảm dần của quá trình chuyển giao công nghệ.
Nói cách khác, các nền kinh tế ngày nay thiếu tinh thần cách tân. Thị trường lao động không chỉ cần thêm các chuyên gia kỹ thuật; mà cần tăng cường số kỹ năng mềm, như kỹ năng tư duy tưởng tượng, phát triển giải pháp sáng tạo giải quyết những vấn đề phức tạp, và thích nghi với hoàn cảnh biến đổi cùng những ràng buộc mới.
Đó là những gì người trẻ tuổi cần từ giáo dục. Đặc biệt, sinh viên cần phải tiếp xúc với – và học cách trân trọng – những giá trị hiện đại có liên quan đến chủ nghĩa cá nhân, xuất hiện vào cuối thời Phục hưng và đã tiếp tục tạo được sức hút xuyên suốt đến đầu thế kỷ 21. Cũng như cách các giá trị này đã tạo động lực cho sự năng động trong quá khứ, chúng có thể lại tiếp thêm sinh lực cho các nền kinh tế ngày nay.
Bước đi cấp thiết đầu tiên là khôi phục lại các môn khoa học nhân văn trong chương trình đào tạo ở trường trung học và trường đại học. Tiếp cận với văn học, triết học và sử học sẽ gợi hứng cho người trẻ tuổi theo đuổi một cuộc sống phong phú – một cuộc sống bao gồm những đóng góp mang tính sáng tạo và cách tân cho xã hội. Kỳ thực, học các “kinh điển” sẽ có ích hơn việc trang bị cho thanh niên một tập hợp những kỹ năng hạn hẹp; nó sẽ định hình nhận thức, tham vọng và khả năng của họ theo những hướng mới và tràn đầy sức sống. Trong cuốn sách của tôi có tựa đề Mass Flourishing (Phồn vinh đại chúng), tôi trích dẫn một số nhân vật then chốt phát biểu rõ ràng và khuyến khích những giá trị hiện đại.
Khoa học nhân văn mô tả lộ trình tiến bộ của thế giới hiện đại. Các quốc gia trên khắp thế giới có thể sử dụng khoa học nhân văn để phát triển hoặc làm hồi sinh các nền kinh tế đã kinh qua lộ trình này, đồng thời tạo điều kiện cho con người sống cuộc sống hữu ích và viên mãn.
Edmund S. Phelps
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn: “Teaching Economic Dynamism”, Project Syndicate, Sep 2, 2014.
Print Friendly and PDF