11.5.15

Malthus: một nhà luận chiến bẩm sinh

Thomas Malthus (1766-1834)

Malthus: một nhà luận chiến bẩm sinh

Malthus chống lại nhà nước phúc lợi, nhưng hình dung trước những phê phán của Keynes đối với kinh tế học trọng cung của Say và Ricardo.
Thomas Robert Malthus. Phân tích kinh tế của ông vẫn còn gây nên nhiều tranh cãi cho đến ngày nay.
Daniel Malthus, bố của Thomas, một luật sư và một quý ông chủ trang trại, là bạn của David Hume và Jean-Jacques Rousseau, người mà ông rất ngưỡng mộ. Ông ủng hộ những lý tưởng bình đẳng và không tưởng của một trong những người cha đẻ chủ nghĩa vô chính phủ, William Godwin, với niềm tin rằng con người có thể hoàn thiện và ông chủ trương, giống như Godwin, mở rộng các luật đối với người nghèo. Được ban hành từ thế kỷ XIV, các đạo luật này nhắm đến việc làm giảm bớt những khó khăn của người nghèo ở nước Anh.
Thomas lớn lên vào một thời kì mà cuộc cách mạng công nghiệp tạo ra cùng lúc sự tăng trưởng kinh tế, sự tập hợp lại của quần chúng lao động mà điều kiện sống ngày càng bấp bênh hơn và sự gia tăng nghèo khổ. Được xuất bản nặc danh, cuốn sách đầu tiên và nổi tiếng nhất của ông, An Essay on the Principle of Population (Tiểu luận về nguyên lý dân số), ra đời từ những cuộc thảo luận đầy sóng gió giữa người bố và người con trai về những vấn đề trên. Tiểu tựa kết thúc bằng câu "với lời nhận xét về những lý thuyết của ông Godwin, của M. Condorcet và của các tác giả khác". Những lời nhận xét trên mang tính rất phê phán. Thật vậy, Malthus chống lại một cách triệt để những ý tưởng xã hội mà bố ông ủng hộ. Ông cho rằng đạo luật mới về người nghèo của Chính phủ Pitt, được ban hành ở Anh năm 1796 và hào phóng hơn đạo luật trước, là một sai lầm. Chính để chứng minh điều đó mà ông đã viết cuốn sách của mình.

Giới tính và thực phẩm

Lý thuyết về dân số của mục sư Malthus dựa trên hai quy luật vĩnh cửu của tự nhiên: ham muốn về tình dục và nhu cầu về thực phẩm. Từ quy luật đầu tiên phát sinh xu hướng gia tăng dân số không ngừng. Nếu không có gì ngăn cản sự gia tăng đó, thì Malthus dự đoán nó sẽ có xu hướng tiếp tục tăng theo cấp số nhân, nhân lên gấp đôi mỗi hai mươi lăm năm. Nhưng các phương tiện sinh nhai, chịu sự chi phối của năng suất giảm dần, chỉ có thể gia tăng nhiều nhất là theo cấp số cộng. Sự mất cân bằng này chính là mầm móng của sự khốn cùng và thảm họa.
Có hai loại phương tiện có thể định kỳ khôi phục lại sự cân bằng hoặc ít ra làm xích lại gần hơn với sự cân bằng. Những rào cản mang tính hủy hoại, tồn tại lâu đời nhất, là những đại dịch, chiến tranh, nạn đói, sự khốn cùng và thói hư tật xấu, triệt hạ các quần thể một cách đều đặn, từ động vật đến con người. Thích hợp với nhân loại hơn là những rào cản mang tính phòng ngừa, xuất phát từ khả năng của con người để dự đoán những hệ quả lâu dài từ hành động của họ. Đó là việc tự nguyện hạn chế sinh đẻ, trì hoãn hôn nhân và thực hành tiết dục, mà mục sư gọi là "sự ràng buộc tinh thần".
Chìm trong sự khốn cùng, người nghèo càng gặp nhiều khó khăn để tự giác với sự ràng buộc trên. Giúp đỡ họ chỉ có thể làm trầm trọng thêm tình hình, khuyến khích họ đẻ thêm. Vả lại các đạo luật về người nghèo còn có hiệu ứng làm giảm động lực lao động, ngăn cản sự điều độ và làm tăng giá lương thực. Thay vì giúp đỡ họ, thì tốt hơn hết là thuyết phục người nghèo không sinh con, trong một đoạn được gỡ bỏ sau lần xuất bản thứ hai cuốn sách của ông, Malthus đã viết: "một người sinh ra trong một thế giới vốn đã hết chỗ, nếu không có khả năng có được sinh kế từ gia đình của anh ta và nếu xã hội không cần đến lao động của anh ta, thì không có quyền đòi hỏi sự giúp đỡ về một phần thực phẩm nhỏ nhất, và trong thực tế, anh ta là người thừa. Ở bữa tiệc lớn của thiên nhiên, sẽ không có chén đũa cho anh ta. Thiên nhiên sẽ đuổi anh ta đi, và chính thiên nhiên sẽ nhanh chóng thực hiện mệnh lệnh đó, nếu anh ta không thể trông nhờ vào lòng từ bi của một số khách mời tại bữa tiệc" (Essai, Seghers, trang 225-226, xem "Tìm hiểu thêm").
Charles Darwin (1809-1962)
Sau lần xuất bản đầu tiên trên, cuốn sách của Malthus gợi lên những phản ứng mạnh mẽ. Những phản ứng đó càng tăng lên khi, năm 1803, xuất hiện một phiên bản mới nâng cao, biến đổi và lần này được tác giả của nó ký tên. Cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Những ý tưởng của Malthus đã cho ra đời một danh từ, chủ nghĩa malthus, và một tính từ, malthusian. Là những ý tưởng khởi xướng về nhân khẩu học, chúng đã được hầu hết các nhà kinh tế cổ điển sử dụng để giải thích các xu hướng duy trì tiền lương ở một mức cần thiết cho sinh kế và sự tái tạo của người lao động. Trái với ý nghĩa thông thường về các mối quan hệ ảnh hưởng giữa các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, các luận điểm của Malthus cũng đã được du nhập vào lý thuyết lựa chọn tự nhiên và lý thuyết về cuộc đấu tranh cho sự sống còn, được phát triển bởi Darwin.
William Beveridge (1879-1963)
Cuộc cải cách về đạo luật đối với người nghèo năm 1834 đánh dấu sự thắng lợi của các luận điểm của Malthus. Trong thực tế, cuộc cải cách nhắm đến việc hạn chế trách nhiệm của Nhà nước trong lĩnh vực trên và làm cho sự trợ giúp người nghèo càng khó khăn hơn. Người ta phải chờ đến kế hoạch Beveridge năm 1944 để thấy ra đời một pháp luật mang tính xã hội phổ quát và rộng rãi hơn, trong khuôn khổ triển khai của những thập niên gần đây, và sự phúc lợi nhà nước này được thực hiện bằng cách sử dụng những lập luận tương tự như của Malthus.

Chi tiêu và tiết kiệm

Bằng một nghịch lý lạ lùng, trong khi các ý tưởng của Malthus về dân số và pháp luật đối với người nghèo hoàn toàn trái ngược với các quan điểm của Keynes về vai trò của nhà nước, thì một số các ý tưởng kinh tế của ông lại báo trước các ý tưởng của Keynes. Quả nhiên, là nhà luận chiến bẩm sinh, Malthus công kích định luật tiêu trường của những người bạn ông, Ricardo và Say, sau khi đối lập với Godwin và các môn đồ của ông ấy. Căn cứ vào định luật trên, cung tạo ra cầu ở quy mô tổng gộp, sao cho không có khả năng xảy ra khủng hoảng sản xuất thừa toàn diện[1]. Chỉ cần quan sát một thực tế mà trong đó hàng hóa gần như không bán được và đồng hành với tình trạng thất nghiệp hàng loạt để hiểu rằng các ý tưởng của Say và Ricardo hết sức sai lầm. Ngoài ra Malthus cũng chê trách Ricardo đã xây dựng những mô hình quá trừu tượng và tách rời thực tế.
Ngược lại, Malthus cho rằng sản xuất đòi hỏi một "cầu thực tế", chính là một trong những khái niệm trung tâm trong phân tích của Keynes. Sức mua không đủ để tạo ra mức cầu đó, mà cần phải có thêm một "giá trị mua". Vì vậy, đó là "một mức cầu của những người có phương tiện và ý muốn đưa ra một mức giá vừa đủ" (Principles, trang 267, xem "Tìm hiểu thêm"). Mức cầu đó không được tạo ra bởi cung và không có gì đảm bảo rằng mức cầu đó đủ sức để hấp thụ sản xuất.
Vì vậy trái với niềm tin của Adam Smith và những người theo ông, tiết kiệm không phải là động cơ của sự tăng trưởng. Ngược lại, tiết kiệm là một sự kìm hãm đối với sản xuất. Điều quan trọng là khuyến khích người dân tiêu dùng hơn là buông trôi theo "nguyên lý của sự biếng nhác", quá phổ biến. Cũng cần phải phát triển thị hiếu tiêu dùng hàng sang. Những giai cấp phi sản xuất bị Quesnay, Smith và những người khác theo Ricardo chê bai, như những người thực lợi, chủ đất và quý tộc, đóng một vai trò then chốt trong cơ chế này. Bằng cách chi tiêu nhiều mà không sản xuất, họ là một trong những chất kích thích mạnh mẽ nhất đối với sản xuất. Đó là lý do tại sao Malthus phản đối việc bãi bỏ các đạo luật về lúa mì, bảo vệ thu nhập của các chủ đất. Ông cho rằng các công trình công cộng và ngoại thương là những chất kích thích khác của mức cầu thực tế.

Một tình bạn mẫu mực

Nói một cách chính dáng, Keynes đã viết rằng các thư từ giữa Malthus và Ricardo[2] là những bức thư trao đổi quan trọng nhất trong lịch sử kinh tế học chính trị. Tình bạn của họ cũng mang tính mẫu mực. Họ gặp nhau lần đầu vào năm 1811, khi Malthus tán thành các quan điểm của Ricardo trong cuộc tranh luận về tiền tệ và vàng. Ngoài sự hòa hợp ban đầu trên, họ đối lập nhau gần như về tất cả các vấn đề, từ lý thuyết đến thực hành: các đạo luật về lúa mì, phương pháp của kinh tế học, lý thuyết giá trị và lý thuyết phân phối, định luật tiêu trường. Một nhà kinh doanh chín chắn và đôi khi bạo lực và một vị mục sư bình tâm cũng là những nhân cách hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, họ vẫn gắn bó chặt chẽ với nhau cho đến ngày chết yểu của Ricardo, Malthus đã viết trong lá thư cuối cùng của ông: "Tôi sẽ không thương ông nhiều hơn nữa nếu ông đồng quan điểm với tôi". Chính những luận điểm của Ricardo, chớ không phải những luận điểm của Malthus, sẽ thống trị sau này. Keynes cho rằng một kết cuộc ngược lại có thể tiết kiệm một trăm năm những sai lầm bi thảm trong kinh tế.

Malthus qua vài năm tháng

1766: sinh ngày 14 tháng 2, gần làng Dorking, Surrey, Anh.
1784-1788: học tại đại học Cambridge.
1789: vào dòng tu của Giáo hội Anh. Malthus được phong trợ tế trong giáo xứ Wotton, Surrey.
1791: được phong tu sĩ.
1793-1804: "thành viên nghiên cứu" tại trường Jesus College, Cambridge.
1796: được phong phó mục sư của Albury, gần với nhà của gia đình.
1798: An Essay on the Principle of Population (Tiểu luận về nguyên lý dân số), được xuất bản nặc danh.
1799: hành trình đi nghiên cứu ở các nước Bắc Âu và ở Nga.
1800: An Investigation of the Cause of the Present High Price of Provisions (Điều tra về nguyên nhân tăng cao giá lương thực hiện tại).
1802: hành trình đi Pháp và Thụy Sĩ.
1803: được phong làm mục sư của Walesby.
1804: kết hôn với Harriet Eckersall. Hai vợ chồng có ba người con.
1805: giáo sư đầu tiên về kinh tế học chính trị ở Anh, ở trường cao đẳng của Công ty Đông Ấn, ở Hertford, rồi ở Hayleybury, nơi ông sống cho đến khi qua đời.
1807: A letter to Samuel Whitbread, Esq. M.P. on his proposed Bill for the Amendment of the Poor Laws (Thư gửi Samuel Whitbread về dự án sửa đổi pháp luật đối với người nghèo).
1811: hai bài viết về các cuộc tranh luận về tiền tệ. Khởi đầu của tình bạn và tranh cãi với David Ricardo.
1814: Observations on the Effects of the Corn Laws (Các quan sát về hiệu ứng của các đạo luật về lúa mì).
1815: Fondements d’une opinion sur la politique de restriction à l’importation du blé étranger (Cơ sở của một ý kiến ​​v chính sách hn chế nhp khu lúa mì nước ngoài). An Inquiry into the Nature and Progress of Rent, and the Principles by which it is regulated (Điều tra về bản chất và sự tiến triển của tô).
1820: Principles of Political Economy (Các nguyên lý kinh tế học chính trị).
1821: Malthus là một trong hai mươi thành viên sáng lập Câu lạc bộ kinh tế học chính trị London.
1823: The Measure of Value, stated and illustrated (Thước đo giá trị).
1824: được bổ nhiệm làm mục sư của Okewood.
1827: Définitions en économie politique (Các định nghĩa về kinh tế học chính trị).
1834: mất ngày 29 tháng 12 ở Bath, nhân một chuyến đi viếng thăm cha mẹ vợ.

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Malthus
   Essai sur le principe de la population, Serghers, 1963; Ined, 1980; Flammarion, 1992.
   Principes d’économie politique, considérés sous le rapport de leur application pratique, Calmann-Lévy, 1969.
   Occasional Papers of T. R. Malthus on Ireland, Population, and Political Economy, B. Franklin, 1963.
Những tác phẩm viết về Malthus
   The Economics of Thomas Robert Malthus, par Samuel Hollander, University of Toronto Press, 1997.
   Thomas Robert Malthus”, In the Collected Writings of John Maynard Keynes, Mcmillan, vol. 10, 1972, pages 71-108.
   Malthus, Jean-Marie Poursin và Gabriel Dupuy, Le Seuil, 1972.
   Malthus, le premier antimalthusien, William L. Petersen, Dunod, 1980.
   Thomas Robert Malthus: Critical Assessments, John Cunningham, Routledge, 4 vol., Londres, 1990.
    Malthus et les malthusiens, Jacques Wolff, Economica, 1994.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Malthus: un polémiste né” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012.




[1] Xem "Say, pionner de l’économie de l’offre (Say, người tiên phong của kinh tế học trọng cung)", sẽ xuất bản.

[2] Thư tư sao chép lại trong Ricardo toàn tập, xem trang 113.


Print Friendly and PDF