17.8.16

Ngân hàng trung ương



Ngân hàng trung ương

Central bank
® Giải Nobel: MUNDEL, 1999
Ngân hàng trung ương được định nghĩa như định chế nằm ở trung tâm của hệ thống thanh toán nhằm đảm bảo việc chi trả và kiểm soát sự bành trướng của cung tiền. Đây là định chế được xem là có khả năng gìn giữ giá trị đồng tiền của một nước.
Những ngân hàng lâu đời nhất, Ngân hàng Anh (1694), Ngân hàng Thuỵ Điển (1666) hay mới hơn như Ngân hàng Pháp (1800) không được quan niệm như những định chế trung ương mà chỉ như những viện phát hành giấy bạc ngân hàng và chiết khấu những hối phiếu và lệnh phiếu, một phần những hoạt động này nhằm làm lợi cho Nhà nước.
Chính như thế mà, để chỉ giới hạn ở trường hợp của Pháp, những nghiệp vụ của Ngân hàng Pháp chủ yếu là phát hành giấy bạc vô danh trả ngay khi xuất trình cũng như những lệnh phiếu, đối phần của những thương phiếu có đầy đủ ba chữ kí. Hơn nữa, ngân hàng cũng có thể nhận kí gởi của các cá nhân và của những cơ quan công cộng. Ngân hàng Pháp cam kết cung cấp một số dịch vụ khác nhau cho Kho bạc, những dịch vụ này sau đấy đã phát triển dưới hình thức những ứng trước tạm thời cho Kho bạc. Lúc đầu những nghiệp vụ chiết khấu phải là nguồn gốc cho việc phát hành tiền tín dụng. Trong những năm đầu tồn tại của Ngân hàng Pháp, tỉ phần của những ngân hàng trong những nghiệp vụ chiết khấu là vô cùng quan trọng. Tỉ phần của chiết khấu trong toàn bộ những thương phiếu lên đến hơn 50% năm 1935 và chỉ bị bãi bỏ vào năm 1970. Rồi đạo luật về tính độc lập của Ngân hàng Pháp năm 1993 đã gần như bỏ hẳn khách hàng tư nhân, cấm cung cấp tín dụng cho Nhà nước và giao cho ngân hàng trung ương trách nhiệm về chính sách tiền tệ. Chính như thế mà dần dần Ngân hàng Pháp, lúc ban đầu là một ngân hàng thương mại chiết khấu đã thật sự biến thành một ngân hàng trung ương chịu trách nhiệm về sự an toàn và trường tồn của toàn bộ hệ thống thanh toán cũng như về chính sách tiền tệ.
Vị thế, chức năng và ngay cả sự tồn tại của ngân hàng trung ương đều viện dẫn đến lí thuyết tiền tệ. Một cuộc tranh luận rộng rãi bao giờ cũng đối lập những người chủ trương free banking với những người chủ trương central banking. Đối với những người theo quan niệm đầu thì một ngân hàng trung ương là không cần thiết, qui tắc tiền tệ chủ yếu duy nhất là xác định một đơn vị tính toán. Việc tập trung hoá là vô ích và chỉ có làm giảm trách nhiệm của những nhà tác nghiệp ngân hàng. Ngược lại một hệ thống free banking đảm bảo, do có cạnh tranh, một đồng tiền ổn định và có chất lượng, những ngân hàng tồi bị loại khỏi thị trường và những ngân hàng tốt thu hút được vốn. Trong thực tế trái lại, chính mô hình tập trung hoá đã tự khẳng định sau một quá trình lịch sử dài. Mô hình này đã cho phép nêu bật những chức năng của một ngân hàng trung ương, và ngày càng trao cho nó một cương vị độc lập nhiều hơn đối với giới chức trách chính trị, thậm chí là phi quốc hữu hoá và ngay cả địa phương hoá nó như được dự tính trong khuôn khổ của Liên hiệp tiền tệ châu Âu. Kết quả là có một đột biến sâu sắc của chính ngay khái niệm ngân hàng trung ương và càng thêm sâu sắc khi chính môi trường của ngân hàng trung ương đã bị sự toàn cầu hoá các thị trường làm thay đổi.
Ngân hàng trung ương, nhà phát hành giấy bạc ngân hàng và nhà quản lí những phương tiện bút tệ
Ngay từ cuối thế kỉ XIX, vai trò trung tâm của việc phát hành giấy bạc ngân hàng bắt đầu nổi lên. Vai trò trung tâm này càng được khuếch đại tiếp sau một quá trình tập huấn dài và đôi lúc đau đớn khi sự phát triển của bút tệ đã dẫn đến việc tập trung hoá các thanh toán.
Vai trò của ngân hàng trung ương trong việc phát hành giấy bạc ngân hàng. Lúc ban đầu những ngân hàng phát hành truyền thống chỉ khác những ngân hàng thương mại ở quy mô vốn mà chúng có khả năng huy động. Giấy bạc ngân hàng nhanh chóng có lợi thế, so với trái phiếu thương mại, là được đổi ngay, ngang giá, khi xuất trình và vô danh, tại những quầy của các ngân hàng, để lấy tiền mặt. Nhưng ban đầu viện phát hành phải tuân thủ ràng buộc chuyển đổi tiền giấy thành tiền kim loại giống như ngân hàng thương mại phải hoàn trả những kí gởi bằng giấy bạc ngân hàng. Trong cả hai trường hợp, đòi hỏi gắn với việc kinh doanh ngân hàng là giống nhau: nghĩa vụ phải hoàn trả. Một loạt những qui định pháp lí đã góp phần phân biệt ngân hàng thương mại với viện phát hành. Trước tiên là việc cho giấy bạc ngân hàng có tính lưu thông bắt buộc trang bị cho nó một khả năng thanh toán không giới hạn; những ngân hàng có đặc quyền phát hành được hưởng khả năng này. Chỉ cần là đặc quyền này chỉ được trao cho một ngân hàng duy nhất để cho ngân hàng này trở thành một ngân hàng trung ương: từ nay tất cả những ngân hàng khác đều có nhu cầu mua hay vay tiền giấy được các khách hàng của mình yêu cầu.
Trên quan điểm của việc phát hành tiền giấy, việc hoàn tất quá trình tiến hoá đến cương vị ngân hàng trung ương được tiến hành bằng quyết định lưu thông bắt buộc của tiền qui định, qua đấy bằng việc miễn cho viện phát hành việc hoàn trả tiền giấy bằng tiền kim loại đã cắt đứt mối quan hệ hợp đồng giữa nhà phát hành tiền tín dụng và người nắm giữ đồng tiền này.
Vai trò của ngân hàng trung ương trong việc quản lí những phương tiện thanh toán bằng bút tệ. Tập trung hoá việc thanh toán đã tự khẳng định cùng với sự can dự ngày càng tăng của bút tệ biến công cụ thanh toán (séc, chuyển khoản, ) thành một phương tiện lưu thông tiền tệ đơn giản được ghi bằng một kí gởi trong một tổ chức tín dụng. Kết quả là sự cần thiết của một tổ chức thanh toán đa phương. Tổ chức này dưới sự chủ trì của một ngân hàng trung ương tỏ ra là hơn hẳn tổ chức do những tổ chức tập thể tư nhân đảm nhận (kinh nghiệm free banking của Hoa Kì vào thế kỉ XIX). Do đó sự nổi lên của ngân hàng trung ương ở trung tâm của hệ thống bù trừ giữa những vị thế nợ và vị thế có và qua đấy ngân hàng trung ương bước lên thứ hạng là tác nhân trung tâm của những thanh toán. Đó là trường hợp của Hoa Kì lúc thành lập hệ thống Cục dự trữ liên bang vào năm 1913.
Ngày nay, các ngân hàng trung ương giữ một vai trò quan trọng trong những hệ thống quyết toán tổng theo thời gian thực (Real Time Gross Settlent hay RTGS), những hệ thống nằm ở trung tâm của những thiết kế thanh toán của các nước thuộc Liên hiệp châu Âu. Kể từ 1997, hệ thống chuyển nhượng của ngân hàng trung ương Pháp (TBF) là hệ thống thanh toán theo thời gian thực của Pháp. Hệ thống này cho phép đảm bảo việc thanh toán không thể huỷ ngang và dứt khoát trong ngày những thanh toán với số tiền lớn. Các hệ thống RTGS đảm bảo những thanh toán không thể huỷ ngang và tức thì bằng tiền trung ương, khác với những hệ thống bù trừ trong đó có một thời gian giữa lúc nhận thông tin về cuộc chi trả và lúc thanh toán.
Ngân hàng trung ương, người cho vay cuối cùng
Henry Thornton (1760-1815)
Walter Bagehot (1826-1877)
Khi đảm nhận vai trò trung tâm này trong hệ thống thanh toán, ngân hàng trung ương đặt ra vấn đề rủi ro liên quan đến tính thanh khoản. Nói cách khác, ngân hàng trung ương có phải đảm nhận rủi ro của người cho vay cuối cùng không? Ngay từ 1802, H. Thornton đã đặt ra ra câu hỏi này: ông chỉ ra là Ngân hàng Anh phải có trách nhiệm cung cấp thanh khoản cho những ngân hàng lành mạnh khi có sự hoảng loạn ngân hàng. Bagehot sẽ là người công thức hoá học thuyết can thiệp của Ngân hàng Anh (1866). Sự hỗ trợ tài chính của ngân hàng trung ương phải đoán trước cuộc khủng hoảng thanh khoản và hỗ trợ này chỉ là tạm thời. Mục đích duy nhất của việc hỗ trợ này là sự ổn định của hệ thống tài chính và không thể hỗ trợ cho những tổ chức đã thất bại.
Cuộc tranh luận về chức năng người cho vay cuối cùng vẫn còn mang tính thời sự vì đây là một giao dịch vi phạm những qui tắc của thị trường, miễn cho ngân hàng mất khả năng thanh toán nghĩa vụ phải chi trả. Chỉ có thể biện minh cho chức năng người cho vay cuối cùng trong chừng mực mà chức năng này cho phép đảm bảo sự trường tồn của thị trường trước nguy cơ lây lan việc mất khả năng thanh toán. Nhưng chức năng này cũng có thể khơi lên một rủi ro đạo đức vì những đảm bảo nó cho được và do đó cũng khuyến khích việc mất khả năng thanh toán, cho nên chức năng này cũng phải tạo ra việc không thể dự đoán được sự can thiệp của nó. Trong thực tế, chức năng này hiếm khi được vận dụng trong thời kì đương đại. Tuy nhiên, ở Nhật, tình trạng của hệ thống tài chính Nhật buộc các giới chức công quyền và ngân hàng trung ương đòi hỏi phải có một hành động mạnh được thể hiện trong thông báo ngày 25 tháng mười một 1997: Chúng tôi, bộ trưởng bộ tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhật, muốn khẳng định lại quyết tâm hoàn thành cam kết đảm bảo sự ổn định của những giao dịch liên ngân hàng và bảo vệ hoàn toàn những kí gởi Bởi thế chúng tôi nhất quyết đảm bảo có đủ thanh khoản để ngăn chặn mọi sự chậm trễ trong việc chi trả những kí gởi và trong những cam kết khác của các định chế tài chính.
Như thế, nằm ở trung tâm của hệ thống thanh toán, và về nguyên tắc là người cho vay cuối cùng, ngân hàng trung ương được hướng dẫn bởi một tính duy lí không thể nào là tính duy lí của tối đa hoá lợi nhuận nhưng bởi một một tính duy lí tập thể, điều này trao cho ngân hàng trung ương những trách nhiệm nặng nề, đặc biệt là trách nhiệm trông chừng tính ổn định của hệ thống tài chính. Như thế ngân hàng trung ương can dự vào chức năng theo dõi hệ thống tài chính. Ngân hàng trung ương tất yếu được kết hợp với việc qui định hoá những tổ chức tín dụng và góp phần kiểm soát những tổ chức này theo những phương thức khác nhau tuỳ theo mỗi nước.
Ngân hàng trung ương, nhà phát hành và nhà quản lí tiền trung ương
Thanh khoản ngân hàng đo tài sản sẵn có tức thì bằng tiền trung ương của những tổ chức tín dụng. Cung và cầu thanh khoản của những tổ chức tín dụng và của Kho bạc được thể hiện bằng tiền trung ương.
Những tổ chức này thực hiện những giao dịch mà việc thanh toán mỗi ngày đều thông qua ngân hàng trung ương. Một số giao dịch chỉ đơn giản là những chuyển nhượng tiền trung ương giữa các tổ chức (ví dụ những giao dịch liên ngân hàng) mà không ảnh hưởng đến thanh khoản ngân hàng, một số khác có một hiệu ứng thắt chặt hay mở rộng thanh khoản này: những giao dịch của khách hàng rút tiền-kí gởi tiền giấy, giao dịch với Kho bạc, mua/bán ngoại tệ ở ngân hàng trung ương. Ba loại giao dịch này hợp thành những yếu tố độc lập của thanh khoản ngân hàng ngoài tầm kiểm soát của các giới chức tiền tệ. Còn có những yếu tố chính trị phản ảnh hành động của ngân hàng trung ương buộc các tổ chức tín dụng giữ tại ngân hàng trung ương dưới dạng dự trữ bắt buộc một tỉ lệ biến đổi của những kí gởi họ nhận được.
Thật thế, hai trường hợp có thể xảy ra. 1) Tiền trung ương là dồi dào: các tổ chức tín dụng là nằm ngoài ngân hàng (hors banque). Đó là trường hợp ví dụ khi ngân hàng trung ương tiền tệ hoá những số lượng quan trọng ngoại tệ hay cung ứng nhiều cho Kho bạc. 2) Tiền trung ương là khan hiếm: các tổ chức tín dụng được gọi là nằm trong ngân hàng (en banque). Những tổ chức tín dụng này nợ một cách cấu trúc đối với ngân hàng trung ương. Tuy nhiên các tổ chức này có thể có được thanh khoản bằng tiền trung ương bằng việc huy động từ ngân hàng này một phần tài sản của họ.
Khi các tổ chức tín dụng nằm trong ngân hàng thì ngân hàng trung ương tiếp ứng các tổ chức này bằng cách cho vay tiền trung ương để đối mặt với những nhu cầu thanh khoản. Ngân hàng trung ương tái tài trợ các tổ chức tín dụng này và như thế giữ một vai trò chủ yếu nhưng gián tiếp trong quá trình tạo sinh tiền tệ. Chính những nhu cầu về tiền trung ương (tiền giấy, tài sản trong tài khoản ở ngân hàng trung ương) cung cấp cho ngân hàng trung ương những phương tiện để điều tiết việc tạo sinh thanh khoản bằng cơ chế những nghiệp vụ tái tài trợ các tổ chức tín dụng và cho phép ngân hàng trung ương tiến hành một chính sách tiền tệ.
Ngân hàng trung ương tiến hành chính sách này bằng cách hoặc tác động vào lượng tiền được cung hoặc gián tiếp tác động vào giá của lượng tiền này. Trong trường hợp đầu, ngân hàng trung ương có thể thay đổi lượng tiền trung ương được phát hành bằng cách bơm những lượng tiền vào nếu đánh giá rằng thanh khoản ngân hàng là không đủ hoặc rút bớt lượng tiền ra nếu cho rằng thanh khoản ngân hàng là dư thừa. Như thế ngân hàng trung ương tiến hành một chính sách gọi là chính sách cơ số tiền tệ. Chính sách này, dưới một dạng nghiêm ngặt, đã được Cục dự trữ liên bang Mĩ vận dụng từ 1979 đến 1982 nhưng sau đó bị bỏ rơi vì gia tăng mạnh của lãi suất mà chính sách này đã kéo theo. Ngân hàng trung ương, bằng những can thiệp của mình, cũng có thể nhắm tác động vào giá của tiền trung ương, nghĩa là vào lãi suất. Trong những năm 1980 các ngân hàng trung ương thường theo một chính sách lãi suất.
Mỗi một ngân hàng trung ương có thể triển khai chính sách tiền tệ của mình bằng cách: 1) Xác định một mục tiêu có tính hoạt động cho các lãi suất trên thị trường tiền tệ (lãi suất chủ đạo hay những lãi suất điều chỉnh thanh khoản ngân hàng). 2) Tiếp đấy vận dụng những nghiệp vụ thị trường mở hợp thành bởi những can thiệp của ngân hàng trung ương trên thị trường, thường là dưới dạng chuyển nhượng tạm thời (pension). Có thể thỏa mãn nhu cầu tái tài trợ của các tổ chức tín dụng bằng cách để các tổ chức này cạnh tranh nhau khi mời thầu theo định kì được thông báo trước. Giao thầu được tiến hành trên cơ sở một lãi suất do ngân hàng trung ương xác định trước hoặc trên cơ sở nhu cầu của các tổ chức tín dụng. 3) Và có thể bằng cách đề nghị những điều kiện thường xuyên cho phép các ngân hàng thương mại vay hay kí gởi vốn ở ngân hàng trung ương với những lãi suất do ngân hàng trung ương ấn định trước. Bình thường những can thiệp của ngân hàng trung ương ít xảy ra hơn khi có những điều kiện thường xuyên xác định những lãi suất trần và sàn. 4) Hơn nữa, một hệ thống những dự trữ bắt buộc, áp đặt những thanh khoản bằng tiền mặt cao hơn mức trung bình mà các ngân hàng phải nắm giữ, cho phép hấp thụ dễ dàng hơn những nhu cầu thanh khoản tạm thời, điều này có xu hướng làm giảm nhu cầu can thiệp của ngân hàng trung ương.
Việc ngân hàng trung ương thực thi chính sách tiền tệ một cách độc lập với Nhà nước (ví dụ, ở Hoa Kì) hay không độc lập với Nhà nước (trường hợp thường xảy ra ở châu Âu cho đến những năm 1990, ngoại trừ Đức) đòi hỏi phải ấn định một mục tiêu cuối cùng và một chiến lược để đạt mục tiêu này.
Mục tiêu cuối cùng có thể là đơn nhất hay là một mục tiêu bội. Mục tiêu đơn nhất, dưới dạng tính ổn định của giá cả như được qui định bằng pháp luật trong trường hợp của Bundesbank (ngân hàng trung ương Đức ND) (1957) hay của Ngân hàng Pháp (1994). Ngược lại, Cục dự trữ liên bang (Fed) ở Hoa Kì, thể theo điều 1 của Federal Reserve Act được tu chỉnh bởi đạo luật về toàn dụng lao động và tăng trưởng cân bằng năm 1978, phải đảm bảo toàn dụng lao động, sự ổn định của giá cả và tính vừa phải của những lãi suất dài hạn.
Một khi đã xác định mục tiêu cuối cùng, vấn đề đặt ra cho ngân hàng trung ương là việc lựa chọn kiểu can thiệp: chính sách lèo lái tự động từ một qui tắc hay chính sách tuỳ nghi.
Tránh việc viện đến một qui tắc máy móc, hầu hết các ngân hàng trung ương công khai theo đuổi một chiến lược dựa trên một mục tiêu trung gian được lượng hoá (monetary targeting), một mục tiêu lạm phát (inflation targeting) hay qui chiếu về một tỉ giá hối đoái. Thử nghiệm của Hoa Kì rồi của châu Âu (Đức, Pháp) cho thấy là những đại lượng tiền tệ tổng gộp không còn là một mục tiêu trung gian nữa vì không quan sát được một quan hệ ổn định giữa biến thiên của các đại lượng tổng gộp và biến thiên của tỉ suất lạm phát. Việc tự do hoá tài chính và những đổi mới tài chính đi liền sau việc tự do hoá này đặt lại thành vấn đề giả thiết của lí thuyết trọng tiền về một quan hệ ổn định giữa cung tiền tệ và tổng sản phẩm danh nghĩa. Những biến thiên của đại lượng qui chiếu là kết quả của những thay đổi về thuế khoá nhắm vào một số tài sản hay của những thay đổi lãi suất ngắn hạn (đặc biệt ở Pháp là những thay đổi liên quan đến những lãi suất bị quản chế). 
Trước những khó khăn trong việc áp dụng chính sách monetary targeting, một số nước chọn một mục tiêu lạm phát, nghĩa là một mục tiêu lạm phát được thông báo trước (Vương quốc Anh, Canada). Trong khuôn khổ của hệ thống tiền tệ châu Âu, một số nước có một nền kinh tế qui mô nhỏ và gắn chặt với ngoại thương (Hà Lan, Bỉ, ) chọn việc neo tỉ giá hối đoái vào một tỉ giá danh nghĩa.
Tại Hoa Kì, Cục dự trữ liên bang tiến hành một chính sách tuỳ nghi và làm cho các thị trường bị bất ngờ mà không qui chiếu về một qui tắc nào được xác định trước. Chính như vậy mà quyết định của Fed ngày 15 tháng mười 1998 giảm một phần tư điểm lãi suất chủ đạo rồi liên tiếp giảm thêm hai lần nữa trong những tuần sau đã khiến mọi người bị bất ngờ.
Ngân hàng trung ương, nay trở thành độc lập, chịu trách nhiệm chính sách tiền tệ
Edward C. Prescott (1940-)
Finn E. Kydland (1943-)
Sự tăng tốc chung của lạm phát vào cuối những năm 1970 (lạm phát hai con số) đã kéo theo việc chỉnh lại trọng tâm của nhiệm vụ của ngân hàng trung ương nhằm vào yêu cầu ổn định tiền tệ. Chuyển động giảm phát, được khởi động tại Hoa Kì vào đầu những năm 1980, đã lan sang toàn bộ các nước công nghiệp, đảm bảo cho khái niệm ổn định tiền tệ cuơng vị, rõ ràng hay ngầm ẩn, của một mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ. Thế mà, theo những phân tích lí thuyết, tính độc lập của ngân hàng trung ương đối với Nhà nước cho phép chống lạm phát một cách hiệu quả. F. Kydland và E. Prescott (1977) rồi R. Barro (1983) làm rõ nguy cơ tiền hậu bất nhất trong thời gian (time inconsistency) của những quyết định tiền tệ của giới chức công quyền dẫn đến một rủi ro lạm phát.
Robert Barro (1944-)
Tuy nhiên kinh nghiệm lịch sử cho thấy là có thể giảm tỉ suất lạm phát dù cho tính độc lập của các ngân hàng trung ương không được thừa nhận. Giai đoạn giảm phát, bắt đầu vào đầu những năm 1980, diễn ra trong tất cả các nước công nghiệp mặc dù trong phần lớn những nước này (đặc biệt là Pháp, cho tới tận 1994) ngân hàng trung ương là không độc lập. Trong thực tế, tính độc lập của ngân hàng trung ương, một điều bình thường trong một nước theo cấu trúc liên bang (Hoa Kì, Đức, Canada), kể từ đầu những năm 1990, có xu hướng lan rộng khi đối mặt với quá trình toàn cầu hoá và đổi mới ngày càng tăng của các thị trường tài chính. Do đó, có những thay đổi gần đây của những điều lệ của nhiều ngân hàng trung ương, và đặc biệt là ở Pháp (1994), Anh (1997) và Nhật (1997).
Ngân hàng trung ương và những chức năng đang thay đổi
Biến hoá của khái niệm ngân hàng trung ương và qua đó vai trò của ngân hàng này vẫn chưa chấm dứt. Diễn tiến này không được xác định rõ ràng trong lĩnh vực kiểm tra giá của những tài sản và trong lĩnh vực tỉ giá hối đoái.
Báo cáo của Ngân hàng thanh toán quốc tế năm 1997 đã làm rõ là ngân hàng trung ương cần phải quan tâm đến diễn tiến của giá những tài sản tài chính. Những chuyển động quá đáng và kéo dài so với những cơ bản dẫn đến những hiện tượng bong bóng cho các bên tham gia trên các thị trường và làm rối việc truyền đạt những xung lực của chính sách tiền tệ.
Còn về tỉ giá hối đoái, phải phân biệt giữa việc xác định chế độ tỉ giá và chính sách đối với những biến động trên các thị trường ngoại hối. Trong tất cả các nước, chế độ tỉ giá đều thuộc thẩm quyền của những giới chức chính trị. Việc thay thế, ví dụ, một chế độ tỉ giá cố định bằng một chế độ tỉ giá linh hoạt không thuộc thẩm quyền của ngân hàng trung ương. Những mức điều chỉnh quan trọng giữa các đồng tiền là đối tượng của những tuyên bố cuối cùng trong những buổi họp của các bộ trưởng tài chính của các nước G7 với sự tham gia của những thống đốc của các ngân hàng quốc gia của những nước có liên quan (thoả thuận Plaza vào tháng chín 1995, thoả thuận Louvre tháng hai 1987, lời kêu gọi tái lập có trật tự các tỉ giá vào tháng tư 1995 nhằm điều chỉnh sự lên giá quá đáng của đồng yen).
Một khuôn khổ mới của ngân hàng trung ương: hệ thống ngân hàng trung ương châu Âu
Hệ thống ngân hàng trung ương châu Âu. Hệ thống ngân hàng trung ương châu Âu (ESCB) gồm một ngân hàng trung ương mới (ECB) và các ngân hàng trung ương quốc gia (NCB). Hệ thống kiểu liên bang này dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau của các thành tố của hệ thống cũng như sự độc lập của những thành tố này đối với các giới chức công cộng.
Độc lập của ESCB: do duy chỉ ECB là có quyền xây dựng chính sách tiền tệ của EMU nên ECB hoàn toàn độc lập, điều này nhằm bảo đảm, dưới mắt các thị trường, tính đáng tin cậy của ECB. Cũng giống như tính độc lập của những ngân hàng trung ương quốc gia, tính độc lập của ECB được xác định như sau: ECB không nhận lệnh của bất kì định chế quốc gia hay định chế châu Âu nào, ECB không phải bù cho thâm hụt hay ứng trước bất kì kiểu tín dụng nào khác cho những định chế của EMU hay cho bất kì cơ quan công cộng nào khác. ECB là định chế châu Âu duy nhất kiểm soát trực tiếp một công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô trên toàn bộ vùng euro.
Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa ECB và các NCB: đây là kết quả của sự tham gia góp vốn (3 tỉ euro) cũng như việc chuyển nhượng một phần những dự trữ ngoại hối (50 tỉ euro) của các NCB vào việc thành lập ECB.
Tính liên bang của ESCB: có thể gọi hệ thống này là một hệ thống liên bang trong chừng mực mà những quyết định tiền tệ được tập trung ở cấp ECB trong lúc việc thi hành được phân tán ở cấp những ngân hàng quốc gia khác nhau. Duy chỉ ECB mới có quyền phát hành tiền giấy bằng euro; Hội đồng thống đốc ra những quyết định về chính sách tiền tệ (biến thiên của những lãi suất chủ đạo và những tỉ suất dự trữ bắt buộc). Các hội đồng của các ngân hàng quốc gia độc lập (ví dụ Hội đồng chính sách tiền tệ Pháp, Hội đồng của Bundesbank) đã chuyển, ngày 1 tháng giêng 1999, quyền ra quyết định tiền tệ cho Hội đồng các thống đốc của ECB. Hội đồng này gồm có một ban lãnh đạo có sáu thành viên, kể từ tháng 2 năm 1998, do các nguyên thủ quốc gia hay thủ tướng của các nước thành viên bổ nhiệm cũng như mười một thống đốc các ngân hàng quốc gia của các nước này.
Các NCB đảm bảo việc thực thi những quyết định của ECB. Chúng buộc phải đảm bảo sự hoạt động tốt của những hệ thống thanh toán, đặc biệt là những RTGS (TBF trong trường hợp của Ngân hàng trung ương Pháp) để có thể nuôi dưỡng hệ thống TARGET nối kết những RTGS với nhau.
Một thiết kế thực dụng về chính sách kinh tế. Như mọi hệ thống tiền tệ, hệ thống mới được đặc trưng bằng nhà chức trách lãnh đạo nó, chiến lược và những công cụ của những giới chức này. Chức trách tiền tệ là ECB do Hội đồng các thống đốc lãnh đạo.
a) Mục tiêu và chiến lược của ESCB: Hội đồng đã xác định chính sách tiền tệ cho toàn bộ vùng euro có tính đến mục tiêu cuối cùng được ấn định trong hiệp định Maastricht, sự ổn định của giá cả (điều 105, đoạn 1). Mục tiêu này được Hội đồng các thống đốc định nghĩa, vào tháng mười 1998, như là tiến triển dưới 2% trên một năm của chỉ số giá cả trong vùng euro. Chỉ số được xem xét là chỉ số giá tiêu dùng điều hoà (HICP).
Hội đồng các thống đốc chủ yếu có lựa chọn giữa hai chiến lược, hoặc hướng dẫn những can thiệp bằng những mục tiêu trung gian lượng hoá như ở Đức và ở Pháp (đại lượng tiền tệ tổng gộp được xác lập trên bình diện châu Âu) hoặc sử dụng một mục tiêu lạm phát như ở Vương quốc Anh. Hội đồng cũng có thể, như hệ thống Cục dự trữ liên bang Hoa Kì, tiến hành một chính sách tuỳ nghi dựa trên một loạt những chỉ báo đơn giản được xác lập trên bình diện châu Âu.
Hội đồng muốn tiếp tục theo những chiến lược rõ ràng, có lẽ nhằm tránh mọi sự bất trắc về những ý đồ của mình. Chọn một mục tiêu lạm phát có thể cung cấp một điểm neo danh nghĩa rõ ràng cho các tác nhân kinh tế: nhưng một tỉ suất biến thiên của chỉ số giá cả, đối với những tác nhân này, là gợi cảm hơn những biến thiên của những đại lượng tổng gộp. Tuy nhiên, dù đã lượng hoá mục tiêu cuối cùng song Hội đồng không công bố dự báo lạm phát, do không muốn biến dự báo này thành một công cụ cơ bản.
Mong muốn tiếp tục một chính sách liên tục so với những định hướng chung của Ngân hàng Pháp và Bundesbank, Hội đồng trước tiên nói rõ là chọn chính sách theo dõi một đại lượng tổng gộp rộng, M3 (M3 gồm có tiền tín dụng cũng như những kí gởi không kì hạn, kí gởi có kì hạn dưới hay bằng hai năm, kí gởi hoàn trả với thời hạn báo trước bằng hoặc dưới ba tháng, trợ cấp, những trái quyền có thời hạn dưới hay bằng hai năm, và cuối cùng là những OPVCN tiền tệ và những công cụ của thị trường tiền tệ. Đại lượng tổng gộp M3 cho vùng euro là rộng hơn đại lượng được xây dựng cho chính sách tiền tệ Pháp), được điều hoà cho toàn bộ EMU và vừa khẳng định rằng đại lượng tổng gộp này là một giá trị qui chiếu chứ không phải là một mục tiêu trung gian theo nghĩa hẹp. Cho năm hoạt động đầu tiên của ESCB, giá trị qui chiếu của tăng trưởng của cung tiền tệ được ấn định là 4,5%. Việc ấn định giá trị này được tiến hành trong khuôn khổ của một giả thiết trượt giá thấp hơn 2% một năm, có tính đến tăng trưởng tiềm tàng (xu thế tăng trưởng của GDP thực tế) cũng như tiến hoá dự kiến của vận tốc lưu thông của tiền tệ được ước lượng là giảm trong dài hạn trung bình từ 0,5% đến 1%. Xu thế tăng trưởng hàng năm của vùng euro được ước lượng là 2-2,5%. Cuối cùng các thành viên của Hội đồng đã quyết định là việc theo dõi giá trị qui chiếu được bổ sung bằng việc theo dõi một số chỉ báo kinh tế và tài chính nhằm đánh giá những rủi ro đối với sự ổn định của giá cả trong vùng euro.
b) Những công cụ của ESCB: ESCB có ba kiểu công cụ được các ngân hàng trung ương quốc gia triển khai để thực thi những quyết định của Hội đồng các thống đốc: những nghiệp vụ thị trường mở, những điều kiện tiếp cận thường xuyên những đối phần tiền tệ và những dự trữ bắt buộc.
1) Nghiệp vụ thị trường mở: Những nghiệp vụ thị trường mở giữ một vai trò hàng đầu trong việc điều tiết tiền tệ và có nhiều loại. Phương thức gọi thầu đều đặn về tiền trung ương euro là công cụ chủ yếu của việc tái tài trợ và lèo lái những lãi suất ngắn hạn. Những tín dụng cung cấp bằng kênh này chủ yếu là dưới dạng những thoả thuận mua lại (giao dịch chứng khoán có cam kết) hay dưới dạng những khoản cho vay có bảo đảm theo định kì hàng tuần. Những tín dụng này có kì hạn là hai tuần. Cũng có những phương thức tái tài trợ với kì hạn dài hơn (ba tháng). Cuối cùng những nghiệp vụ tinh chỉnh và những nghiệp vụ gọi là cấu trúc bổ sung cho thiết kế này.
2) Những điều kiện tiếp cận thường xuyên những đối phần tiền tệ: Ngoài những phương thức thị trường này, các tổ chức tín dụng của ESCB còn có hai điều kiện tiếp cận thường xuyên trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ, một điều kiện tái tài trợ cận biên và một điều kiện nhận lại những kí gởi. Điều kiện thứ nhất nhằm cho vay tiền ngân hàng trung ương bằng euro để thoả mãn những nhu cầu thanh khoản tạm thời theo một lãi suất trần, điều kiện thứ hai mà lãi suất là lãi suất sàn của thị trường liên ngân hàng cung cấp khả năng đầu tư thặng dư ngân quĩ. Việc sử dụng những điều kiện này thuộc thẩm quyền của các bên đối tác. Hai công cụ này giới hạn hành lang biến động giá của tiền tệ mỗi ngày. Lãi suất áp dụng tại những quày này có giá trị chỉ báo về định hướng lâu dài của chính sách tiền tệ. Như thế hệ thống can thiệp gồm có ba lãi suất chủ đạo: một lãi suất tái tài trợ đều đặn thường xuyên nằm giữa một lãi suất cao liên quan đến một khả năng cho những tổ chức tín dụng vay thường xuyên và một lãi suất thấp đảm bảo nhận lại thanh khoản.
Hội đồng các thống đốc quyết định sử dụng kể từ 4 tháng giêng 1999 làm lãi suất tái tài trợ đều đặn lãi suất 3% được các ngân hàng trung ương quốc gia ấn định vào cuối tháng mười hai 1998 cho những can thiệp của các ngân hàng này. Hội đồng cũng đã ấn định lãi suất của những điều kiện thường xuyên: mức cao là 4,5 % và mức thấp là 2%. Bằng cách cho biến thiên ba lãi suất chủ đạo, Hội đồng có thể tác động đến những điều kiện tái tài trợ của các tổ chức tín dụng của vùng euro.
3) Dự trữ bắt buộc: Toàn bộ thiết kế được bổ sung bằng một hệ thống những dự trữ bắt buộc được trả lãi. Bằng cách thực hiện hệ thống dự trữ bắt buộc này ECB cho thấy là muốn giữ khoảng cách với thực tiễn fine tuning (tinh chỉnh) của Hoa Kì, theo đó Cục dự trữ liên bang can thiệp để ấn định mức thanh khoản. Được hình thành từ những trung bình trên một thời kì nhất định, những thanh khoản này cho phép giảm bớt những biến động quá đột ngột của các lãi suất ngắn hạn. Thiết lập những dự trữ bắt buộc cũng còn là cách để ESCB làm tăng sự phụ thuộc của những tổ chức tín dụng vào ESCB. Ngày 8 tháng bảy 1998, Hội đồng các thống đốc quyết định là những tổ chức tín dụng giao cho các ngân hàng trung ương quốc gia từ 1,5 đến 2,5% số kí gởi, và vào tháng mười tỉ số này được ấn định là 2%. Lãi suất được trả là trung bình của những lãi suất gọi thầu của thời kì dự trữ.
Hệ thống chính sách tiền tệ này gồm có những công cụ đơn giản và dễ đọc. Chúng nằm trong một sự nối tiếp nhất định của những công cụ được hầu hết các ngân hàng trung ương quốc gia sử dụng, và đặc biệt là những công cụ đã được Bundesbank và Ngân hàng trung ương Pháp thử nghiệm.
Chính sách tỉ giá hối đoái. Những định hướng chiến lược đã được Hội đồng các thống đốc quyết định không coi tỉ giá hối đoái là một mục tiêu cuối cùng. Tuy nhiên tỉ giá hối đoái là một yếu tố để suy nghĩ vì là một dữ liệu sẵn có và dễ đọc trong lúc những dữ liệu thống kê khác, hiện thời, là khó nắm bắt cho toàn thể mười một nước. Hơn nữa tính đáng tin của ngân hàng trung ương quốc gia, cần thiết cho việc bảo vệ đồng tiền quốc gia, nay được chuyển lên cấp của ECB.
Do các giới chức trách chịu trách nhiệm về chế độ tỉ giá hối đoái nên Hội đồng kinh tế tài chính của Liên hiệp châu Âu (15 nước), nếu trường hợp xảy ra, đàm phán những hiệp định kiểu những hiệp định kí sau thế chiến thứ hai tại Bretton Woods. Còn đối với những định hướng chung cho một chính sách tỉ giá hối đoái kéo theo một khả năng tác động vào các tỉ giá, cần phân biệt trường hợp của một sự can thiệp trực tiếp bằng mua hay bán ngoại tệ với trường hợp của một sự can thiệp gián tiếp bằng việc thay đổi những lãi suất chủ đạo. Giả thiết đầu dẫn đến việc cầu viện đến trách nhiệm của ECB trong khuôn khổ của những định hướng chung do Hội đồng kinh tế tài chính vạch ra. Trong trường hợp thứ hai, quyết định chỉ thuộc về trách nhiệm của Hội đồng các thống đốc của ECB.
Dưới chế độ tỉ giá hối đoái thả nổi, những công cụ của chính sách tỉ giá hối đoái có vẻ là giới hạn. Không thể ấn định tỉ giá hối đoái bằng nghị định, tỉ giá hối đoái của đồng euro, cũng như của những đồng tiền khác, là kết quả của cung và cầu. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy là tỉ giá hối đoái chịu sự chi phối của những nhân tố quyết định cơ bản trong dài hạn. Những nhân tố quyết định này có xu hướng kéo tỉ giá hối đoái về giá trị cân bằng của nó, một giá trị được định nghĩa như mức tương hợp với cân bằng đối nội (mức sản xuất cho phép sử dụng hết năng lực sản xuất và tỉ suất thất nghiệp bằng với NAIRU) cũng như với cân bằng đối ngoại (mức bền vững của cán cân thanh toán). Tuy nhiên những mất cân bằng vẫn có thể tỏ ra dai dẳng và đòi hỏi phải có những chỉnh sửa. Để có hiệu quả, những chỉnh sửa này kéo theo một hành động đồng bộ nhằm vào những lãi suất chủ đạo lẫn những can thiệp trên thị trường ngoại hối, được nhấn mạnh bằng những tuyên bố thích hợp của các giới chức chính trị và tiền tệ.
Trước những nguy cơ thất thường của các tỉ giá hối đoái, nhiều lời kêu gọi được gióng lên ủng hộ một sự phối hợp quốc tế có thể đi đến việc ấn định những vùng mục tiêu cho đồng euro và một vài đồng tiền khác. Việc chấp nhận những vùng mục tiêu có vẻ không thực hiện được do những vấn đề mà việc định nghĩa mang tính hoạt động những vùng này đặt ra cũng như do việc hoàn chỉnh những phương tiện có khả năng đảm bảo việc tôn trọng những vùng này. Các ngân hàng trung ương không nhìn một cách thuận lợi một tỉ giá hối đoái cố định tước mất đi một phần biên độ hành động của họ trong chừng mực mà các ngân hàng này sẽ buộc phải thay đổi những lãi suất chủ đạo độc lập với những yêu cầu của tình thế của vùng nhằm mục tiêu duy nhất là bảo vệ tỉ giá các đồng tiền. Chính vì thế mà suy nghĩ hướng nhiều hơn đến một kiến trúc mới của hệ thống tiền tệ quốc tế, đến việc củng cố sự hợp tác giữa những khối tiền tệ chính (đôla, euro, yen) trong nội bộ của hệ thống tiền tệ quốc tế. Chính trong khuôn khổ của những chiến lược hợp tác này mà các ngân hàng trung ương mới đảm nhận một vai trò thiết yếu trong một vũ trụ tài chính toàn cầu hoá.
Phụ lục 1
Những đại lượng tổng gộp tiền tệ
Những đại lượng tổng gộp là những đại lượng do các giới chức tiền tệ xác định, cho phép đo lượng tiền tệ có khả năng được chi tiêu. Như thế người ta cố gắng nắm bắt tiền tệ dưới dạng một kho những thành tố khác nhau hợp thành biểu trưng thống kê của tiền tệ, nghĩa là cung tiền tệ. Việc nắm bắt này là kết quả của những qui ước có thể xét lại với thời gian và biến đổi tuỳ theo nước. Khái niệm cung tiền tệ được sử dụng cho việc xác định chính sách tiền tệ. Các giới chức tiền tệ phải cố gắng tìm ra những đại lượng tiền tệ tổng gộp có tương quan nhất với những đại lượng tổng gộp kinh tế như tổng sản phẩm trong nước và chi tiêu thuần trong nước nhằm tính vận tốc lưu thông của tiền tệ và đảm bảo việc theo dõi những diễn tiến tiền tệ.
Những đại lượng tiền tệ tổng gộp phải gồm có, ngoài những phương tiện thanh toán ra, tất cả những đầu tư mà các tác nhân kinh tế xem như một dự trữ sức mua sẵn sàng tức thì vì chúng dễ dàng được chuyển đổi thành phương tiện thanh toán và không có nguy cơ quan trọng mất giá trị của vốn. Cách tiếp cận rộng này về những đại lượng tiền tệ tổng gộp đã trở nên cần thiết do có nhiều sáng  tạo đổi mới tiền tệ mở rộng, ví dụ ở Pháp kể từ 1984, gam đầu tư (chứng khoán nợ thương thảo được, OPVCM: organisms de placement collectif en valeurs mobilières [tổ chức đầu tư chứng khoán}, thuật ngữ này bao phủ toàn bộ những SICAV (sociétés dinvestissement à capital variable) [công ti đầu tư với vốn biến đổi} và những FCP (fonds communs de placement) [quĩ đầu tư tập thể}). Từ nay gam này cung cấp cho các tác nhân kinh tế một continuum kì hạn và, song song đó, một continuum những mức rủi ro.
Tóm lại, những đại lượng tiền tệ tổng gộp liệt kê những phương tiện thanh toán và những tài sản thương thảo được không rủi ro. Những đại lượng này đi từ định nghĩa hẹp nhất đến định nghĩa rộng nhất, bằng việc hợp nhất các sản phẩm.
Lãnh thổ được chọn để tính các đại lượng tổng gộp, những khu vực phát hành và nắm giữ tiền tệ cũng như những loại công cụ sử dụng được chỉ rõ trong hai danh sách dưới đây cho những đại lượng của Ngân hàng (trung ương) Pháp.
Những đại lượng tổng gộp sau có mặt trong cả hai danh sách:
M1 gộp toàn thể những phương tiện thanh toán: một mặt tiền tín dụng và tiền lẻ, mặt khác bút tệ (kí gởi không kì hạn). Định nghĩa của M1 là giống nhau trong cả hai danh sách.
M2 trong đại lượng tổng gộp của Ngân hàng (trung ương) Pháp bao gồm cả những tài khoản tiết kiệm không kì hạn và trong danh sách ECB được mở rộng ra cho cả những kí gởi có kì hạn ban đầu thấp hơn hay bằng hai năm.
M3 hơn nữa còn gồm cả những chứng khoán được xem là những đầu tư tiền tệ.
Phụ lục 2
Từ những đại lượng tiền tệ tổng gộp của Ngân hàng trung ương Pháp đến đại lượng tiền tệ tổng gộp của ECB

Ngân hàng trung ương Pháp (có hiệu lực cho đến tháng mười hai 1998)
Ngân hàng trung ương châu Âu (có hiệu lực từ tháng giêng 1999)
Lãnh thổ

Pháp và Monaco
Vùng euro: trong đó có: Pháp, Monaco, các tỉnh hải ngoại, Mayotte và Saint-Piere-et Miquelon

Khu vực phát hành tiền tệ

Tổ chức tín dụng và OPCVM

Kho bạc và Bưu điện
Tổ chức tín dụng và OPCVM tiền tệ (thể chế tài chính tiền tệ)
Kho bạc và Bưu điện ở cương vị người thu nhận kí gởi

Khu vực nắm giữ tiền tệ

Tác nhân phi tài chính
Quĩ quốc gia đường cao tốc và quĩ quốc gia viễn thông
Tác nhân phi tài chính
Những trung gian tài chính khác

Loại công cụ

Bằng quan Pháp trừ trường hợp nói khác
Tiền giấy và tiền kim loại trong lưu thông
+ Kí gởi không kì hạn
= M1
+ Tài khoản tiết kiệm không kì hạn theo chế độ đặc biệt


= M2
+  Chứng khoán OPVCM tiền tệ
+ BMTN có kì hạn ban đầu thấp hơn hay bằng hai năm
Bằng ngoại tệ trừ trường hợp nói khác
Tiền giấy và tiền kim loại trong lưu thông (euro)
+ Kí gởi không kì hạn
= M1
+ Kí gởi hoàn trả với thời hạn báo trước bằng hoặc dưới ba tháng
+ Kí gởi có kì hạn ban đầu thấp hơn hay bằng hai năm mọi ngoại tệ
+ Trợ cấp
= M2
+ Chứng khoán OPVCM tiền tệ







AGLIETTA M., Genèse des banques centrales et légitimité de la monnaie”, Annales ESC, mai-juin 1992. BARRO R., Inflation and economic growth, NBER, n0 5326, October 1995. BARRO R. & GORDON D., Rules, discretion and reputation in a model of monetary policy, Journal of Monetary Economics, July 1983.  BASSONI M. & CARTAPANIS A., Autonomie des banques centrals et performances macroéconomique: un réexamen, Revue économique, mars 1995. BLINDER, Central banking in theory and practice, Marshall Lecture, Cambridge, May 1995. BOISSIEU C. DE, Monnaie et économie, Paris, Économica, 1998. BRUNEEL D., La monnaie, Revue Banque, 1992. CECHETTI S., Inflation indicators and inflation policy, NBER, n0 51624, 6 June 1995. CHAINEAU A., Mécanismes et politique monétaire, Paris, PUF, 1996. DWYER, Rules and discretion in monetary policy, Revue de la Fed Saint-Louis, May-June 1993. ESTRELLE A & MISKHIN F., Is there a role for monetary aggregates in the conduct of monetary policy?”, NBER Working Paper, Nov. 1996. FLOUZAT D., Économie contemporaine, t. II, Les phénomènes monétaires, 1997; Leuro, Les éditiens Milan, 1998.  FRIEDMAN B. M. & HAHN F., Handbook in Monetary Economics, Amsterdam, North-Holland, 1990. HARDY D., How often should a central bank intervene?, Working Paper 97/24, IMF. PATAT J.-P., Monnaie, institutions financières et politique monétaire, Paris, Économica, 1993. SAINT-MARC M. & BECKERMAN, Leuro, Paris, PUF, Que sais-je, 1999. TAYLOR J. B., Discretion versus policy rules in practice, Carnegie-Rochester Conferences Series in Public Policy, 1993, n0 39. Coll.: Banque centrale européenne (BCE), La politique monétaire unique en phase III, sept. 1998, Bulletin mensuel. Banque de France, La politique monétaire à lheure des marchés de capitaux; Rapports adressés au Président de la République et au Parlement par J.-C. Trichet, gouverneur, Bulletins de la Banque de France; Notes dinformation dont n0 112, La politique monétaire du système européen de banque centrale (communication J.-C. Trichet)  INSTITUT MONÉTAIRE EUROPÉEN (IME), Rapport sur la convergence; mars 1998; Rapports annuels. OCDE, Perspectives économiques, 1998, n0 64.
Denise FLOUZAT-OSMONT DAMILLY
Giáo sư ưu tú đại học Panthéon-Sorbonne (Paris 1), cựu thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ (Paris)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Chính sách tiền tệ; Dự kiến; Đại lượng tổng gộp tiền tệ; Lãi suất; Thị trường tiền tệ; Tỉ giá hối đoái; Tiền tệ; Tiêu chí hội tụ của các nền kinh tế.
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001
Print Friendly and PDF