20.8.16

Huyền thoại về tư lợi đã gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu như thế nào

Huyền thoại về tư lợi đã gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu như thế nào

Liệu sự tiến hóa có dạy cho chúng ta điều gì quan trọng về kinh tế học và chính sách công hay không?
Mark van Vugt Michael Price
Một người bạn của tôi là một nhà quản lý nguồn nhân lực làm việc trong ngành ngân hàng ở Hà Lan vào đầu thế kỷ 21. Đây là thời kỳ những năm vinh quang khi các ngân hàng chuyển từ chỗ bạn có thể bảo vệ các khoản tiền tiết kiệm cá nhân của mình thành các ngân hàng đầu tư với các danh mục đầu tư cổ phiếu, phái sinh, trái phiếu và bất động sản của họ. Các ngân hàng đầu tư làm ra hàng tấn tiền và công việc của bạn tôi là trao các khoản tiền thưởng năm. Tiền thưởng bằng một bội số tiền lương hằng năm không phải là điều ngoại lệ. Tôi hỏi ông ấy các nhân viên ngân hàng phản ứng như thế nào khi được trao tiền thưởng. Họ có bao giờ cảm ơn ông không? Không, ông cho biết, ông chưa bao giờ nhận được một lời cảm ơn. Điều duy nhất mà họ hỏi là "bao nhiêu vậy và như vậy đủ chưa?" Bị vỡ mộng với nghề, giờ đây ông ấy làm việc tại trường đại học của tôi, giảng dạy cho sinh viên về đạo đức kinh doanh và quản trị nguồn nhân lực.
Mark van Vugt
Michael E. Price
Tiến nhanh đến năm 2013. Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn giữa của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã khởi đầu tại Hoa Kỳ vào năm 2008, và nay đã lan rộng đến mọi ngóc ngách của thế giới. Nhiều doanh nghiệp đã thất bại, một số quốc gia đã bị phá sản, và chi phí cá nhân về mặt thất nghiệp, nghèo đói, và y tế là rất lớn – ví dụ, kể từ cuộc khủng hoảng, tình trạng thất nghiệp đã gây ra nhiều vụ tự tử hơn ở những đàn ông trung niên ở châu Âu.
Cuộc khủng hoảng tài chính nên dạy cho chúng ta một số bài học quan trọng về cách thức các nền kinh tế vận hành và cách thức thiết kế các tổ chức của chúng ta. Về bản chất, chúng ta chỉ đơn giản đưa ra những giả thiết sai về bản chất con người. Mô hình hàng đầu trong lý thuyết kinh tế là mô hình Homo Economicus, con người đưa ra các quyết định dựa trên sự tư lợi duy lý của họ. Được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình, bàn tay vô hình của thị trường, việc theo đuổi tư lợi tạo ra kết quả tốt nhất cho mọi người một cách tự động. Thử nhìn vào cuộc khủng hoảng tài chính ngày nay, ý tưởng này không còn đứng vững nữa. Khi sự tham lam chi phối con người, thì mọi người đều thiệt thòi. Chúng ta có thể biết được điều này khi nhìn kỹ hơn vào quá trình tiến hóa của con người.
Niall Ferguson (1964-)
Các nhà khoa học kinh tế thường mô tả sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp như là một cuộc đấu tranh theo thuyết Darwin, mà ở đó các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau và chỉ có doanh nghiệp thích hợp nhất mới tồn tại. Nhà sử học tài chính người Anh Niall Ferguson đã viết "Nếu không can thiệp vào, thì sự chọn lọc tự nhiên sẽ vận hành nhanh chóng để loại bỏ những định chế yếu kém nhất trên thị trường, thường bị thâu tóm bởi những định chế thành công hơn."
Điều này có thể đúng nhưng đó không phải là kết quả của sự tham lam và cạnh tranh của con người. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp giả định trước rằng con người hợp tác tốt với nhau, và những tổ chức nào hợp tác tốt nhất thì tồn tại, và những tổ chức nào hợp tác kém nhất thì tiêu vong. Đây là sự lựa chọn nhóm, một sự lựa chọn diễn ra ở cấp độ nhóm, nơi mà nhóm nào hiệu quả nhất thì tồn tại. Đây là một mô hình chính xác hơn nhiều về cách thức các nền kinh tế và doanh nghiệp vận hành, và nó đưa ra một cách suy nghĩ hoàn toàn mới về việc thiết kế các tổ chức và cách thức để phòng chống khủng hoảng tài chính toàn cầu.[*]
David Sloan Wilson (1949-)
John Gowdy
Một nhóm các nhà tâm lý học, các nhà sinh vật học và các nhà kinh tế có tư tưởng tiến hóa, dưới sự dẫn dắt của nhà sinh vật học David Sloan Wilson và nhà kinh tế John Gowdy, đã đến với nhau trong một vài năm qua để tìm ra một mô hình chính xác hơn về cách thức các doanh nghiệp và các nền kinh tế vận hành. Mô hình dựa trên Homo Sapiens (con người thông thái) hơn là Homo Economicus (con người kinh tế). Những nỗ lực của họ được đề cập trong một bài viết đặc biệt của Tạp chí Journal of Economic Behavior and Organiziation (Tạp chí về Hành vi kinh tế và Tổ chức). Có một bản tóm tắt của bài viết trên trang web This View of Life (Quan điểm về cuộc sống này) (liên kết bên ngoài).
Elinor Ostrom (1933-2012)
Các nhà khoa học này khẳng định rằng con người có bản năng mang tính hợp tác thực sự mà họ đã phát triển qua hàng trăm ngàn năm sống và làm việc rất gắn kết theo nhóm. Chiến lược sinh tồn tốt nhất đối với các tổ tiên của chúng ta là hợp tác với nhau và triệt tiêu sự tham lam và ích kỷ cá nhân, những điều tốt cho cá nhân nhưng có hại cho nhóm. Tất cả các bằng chứng thực nghiệm cho thấy nếu có những điều kiện đúng đắn, con người sẽ vui vẻ cùng làm việc với nhau để tạo ra những tổ chức hiệu quả cao hướng tới những lợi ích chung. Công trình của Elinor Ostrom, nhà khoa học chính trị đoạt giải Nobel, ví dụ, cho thấy cách thức các cộng đồng có khả năng quản lý các nguồn lực một cách bền vững qua nhiều thế kỷ với sự hòa nhập đúng đắn giữa các khích lệ của xã hội và của cá nhân. Homo Sapiens (con người thông thái) là mô hình khả thi duy nhất về cuộc sống tổ chức, và nếu phủ nhận điều này, thì có nghĩa là phủ nhận bản chất con người.
Thật không may, cách thức mà nhiều doanh nghiệp vận hành vào những năm đầu của thế kỷ 21 là phủ nhận các bản năng hợp tác này. Những người được tuyển vào những vị trí lãnh đạo hàng đầu tại các ngân hàng và các công ty tiện ích đều được chọn vì sự khát vọng và ham tiền của họ. Nếu được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình, họ sẽ làm điều tốt cho công ty hay xã hội nói chung. Chúng ta thấy quá rõ điều này đã dẫn đến kết cuộc như thế nào.
Ví dụ, được truyền cảm hứng từ lý thuyết tân kinh tế và bị thuyết phục bởi các công ty tư vấn hàng đầu như McKinsey, công ty Enron đã tổ chức Ngày hội nhân tài nổi tiếng của họ, để tuyển dụng những sinh viên giỏi nhất và cạnh tranh nhất từ ​​các chương trình MBA uy tín mà không cần quan tâm đến các kỹ năng hợp tác và chuẩn mực đạo đức của họ (đáng buồn là điều này không được dạy tại các chương trình MBA nói chung). Không có gì ngạc nhiên khi có một văn hóa cạnh tranh, dối trá, và tham lam tại Enron và không có gì ngạc nhiên khi doanh nghiệp đi xuống một cách ngoạn mục. Các ngân hàng, doanh nghiệp, và thậm chí toàn bộ các quốc gia bị phá sản bởi vì họ duy trì huyền thoại về tư lợi, trong khi chối bỏ bản năng xã hội của con người. Đã đến lúc phải có chuyển hướng của hệ ý trong kinh tế học, và khoa học và chính sách quản trị kinh doanh.
Mark van Vugt, Tiến sĩ, là giáo sư về tâm lý học xã hội và tổ chức tại Đại học VU Amsterdam và là một nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: How the Myth of Self-interest Caused the Global Crisis, Psychology Today, 2013/07.




[*] Johnson, D., Price, M., & Van Vugt, M. (2013). Darwin's invisible hand: Market competition, evolution and the firm. Journal of Economic Behavior and Organization (Bàn tay vô hình của Darwin: Cạnh tranh thị trường, sự tiến hóa và doanh nghiệp. Tạp chí Hành vi kinh tế và tổ chức) (liên kết bên ngoài).

Print Friendly and PDF