3.8.16

An sinh gia đình tại nông thôn Nam Bộ hiện nay



AN SINH GIA ĐÌNH TẠI NÔNG THÔN NAM BỘ HIỆN NAY

Vũ Th Thu Thanh[*]

An sinh gia đình là một khái niệm dùng để chỉ sự đảm bảo của gia đình cho từng thành viên, nhất là trong những phân đoạn có khả năng dễ tổn thương như sinh, lão, bệnh, tử và trạng huống khác như tai nạn, thất nghiệp, khuyết tật, mất tài sản… về những nhu cầu cơ bản như thực phẩm, nhà ở, quần áo, giáo dục, tài chính và những sự hỗ trợ tinh thần để giúp các thành viên phát triển và hội nhập xã hội. Sự đáp ứng các nhu cầu cơ bản và lợi ích của các thành viên dựa trên sự phân chia về vai trò và trách nhiệm được thực hiện một cách tuần tự giữa các thế hệ trong gia đình. Nhiều biến động xã hội đã xảy ra ở nông thôn Nam Bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa như áp lực dân số, cạn kiệt quỹ đất nông nghiệp, bất bình đẳng trong phân phối ruộng đất, gia tăng ứng dụng các loại máy móc nông nghiệp tiết kiệm lao động, biến động giá cả nông sản và xuất cư. Bài viết này phân tích một số xu hướng xã hội đã và đang xảy ra làm suy giảm an sinh gia đình, đó là: sự biến động về sở hữu ruộng đất, về cơ hội nông nghiệp, cơ hội sinh kế có được từ mạng lưới trao đổi kinh tế nông thôn, và xu hướng xuất cư; đồng thời cho thấy một bối cảnh sản xuất nông nghiệp rộng hơn đang chi phối nền kinh tế nông nghiệp hiện nay.
Có thể nói, gia đình là nơi đáp ứng những nhu cầu cơ bản và lợi ích cho các thành viên. Trong gia đình luôn có “những cánh tay làm việc lẫn những miệng ăn phải nuôi; trẻ em và người già là những miệng ăn, những đôi tay của họ thì không có ích lợi gì bao nhiêu cho lao động, ngược lại, thanh niên và người lớn sản xuất nhiều hơn cái mà họ ăn, và diễn ra một sự tái phân phối giữa người này và người kia, mỗi người đều biết rằng trong suốt cuộc đời, mình sẽ trải qua tất cả các tình cảnh” (Henri Mendras. 1995:39-49, dẫn lại theo Trần Hữu Quang, 2011:5). Trong xã hội nông nghiệp, gia đình là hình thức phổ biến và là một đơn vị sản xuất mà phương tiện để đảm bảo sự sinh tồn của nó là đất đai. Trong gia đình, con cái là nguồn đảm bảo kinh tế và là nơi nương tựa của bố mẹ khi họ già yếu. Những người già, sau một quá trình dài lao động, được tôn kính và được chăm sóc cho tới chết; trẻ em được nuôi nấng và được xã hội hóa phần lớn trong gia đình; thanh niên và người lớn là nguồn lao động chính để cung cấp các nguồn lực cho các thành viên còn lại. Các biến cố xảy ra trong gia đình đều được các thành viên chia sẻ, chăm sóc và giúp đỡ. Sự phân chia các trách nhiệm được thực hiện giữa các thế hệ theo tuần hoàn chứ không phải theo tuyến tính. Có thể nói gia đình là nơi mà các thành viên, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi, đều có thể dựa vào đó để tìm kiếm sự nuôi dưỡng, chăm sóc, phát triển và chia sẻ tình cảm. Chính trên cơ sở đó mà gia đình được xem như một bộ phận của hệ thống bảo hiểm (Bùi Quang Dũng. 2007:129-130).
Đầu thế kỷ XX, tại các nước phát triển, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã khiến hàng ngàn gia đình di cư từ nông thôn ra đô thị sinh sống và làm việc. Các nhà kinh tế và công tác xã hội bắt đầu thuyết phục rằng công nghiệp hóa không còn tạo ra việc làm cho người già và gia đình bất lực trong việc thực hiện các trách nhiệm cung cấp an sinh kinh tế cho cha mẹ của họ (Weiler, 1986:77-78). Đồng thời, các nhà cải cách bắt đầu nhấn mạnh mối liên hệ giữa tuổi già, bệnh tật và nghèo đói (Haber, 1983, dẫn theo Weiler. 1986:78 ). Bởi vì nhiều giả định cho rằng người già được chăm sóc tốt ở xã hội nông thôn trong quá khứ nhưng trong xã hội hiện đại trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc gia đình suy giảm. Ở các nước thứ ba, sự trông cậy của người già vào gia đình của họ càng cao vì thiếu hụt sự cung cấp các dịch vụ sẵn có như ở các nước phát triển (Bali, 1999:66). Vì vậy, theo đà phát triển, các vấn đề liên quan đến an sinh gia đình, đặc biệt là người già được “thể chế hóa” theo pháp lý bởi chính phủ và các tổ chức công và tư để đối phó với các vấn đề có liên quan (Weiler, 1986:78). Trong tiến trình phát triển, khi công nghiệp hóa vẫn còn trong giai đoạn đầu của sự tích lũy tư bản, việc thực hiện an sinh xã hội chỉ dành cho bộ phận chính thức ở đô thị. Nhưng khi công nghiệp hóa phát triển, với sức mạnh kinh tế mạnh mẽ, thì việc thực hiện an sinh xã hội được cung cấp cho cả bộ phận chính thức và phi chính thức ở cả đô thị lẫn nông thôn. Điều đó có nghĩa là sự xuất hiện của an sinh xã hội là kết quả tất yếu của sự công nghiệp hóa.
Nếu như đến một giai đoạn nào đó của sự phát triển công nghiệp hóa, an sinh gia đình dần yếu đi, thì nhà nước và các tổ chức xã hội sẽ đứng ra đảm nhận vai trò cung cấp các nguồn lực để hỗ trợ cho các công dân của họ. Câu hỏi được đặt ra là tình hình an sinh gia đình nông thôn Nam bộ hiện nay như thế nào, đã tới “ngưỡng” để các chính sách an sinh xã hội tính đến họ hay chưa. Dựa trên kết quả khảo sát đề tài “Một số đặc trưng về định chế xã hội và con người Nam Bộ trong tiến trình phát triển bền vững giai đoạn (2011-2020)” thuộc Chương trình “Nghiên cứu Nam Bộ 2011-2012” (CT 11-22) của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ chủ trì, được tiến hành tại sáu xã nông nghiệp thuộc các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và Bà Rịa-Vũng Tàu, bài viết xem xét các yếu tố có tính chất quyết định đến sự an sinh gia đình, qua đó gợi ý rằng cần có các chính sách an sinh xã hội hiệu quả hơn để thay thế cho an sinh gia đình đang dần yếu đi.
1.  Sở hữu ruộng đất và thu nhập nông hộ hiện nay
Có lẽ vì sự trù phú về nguồn cung cấp lương thực sẵn có, “làm chơi ăn thiệt”, “đất rộng, người thưa” mà Nam Bộ đã thu hút dân cư từ các nơi khác đến định cư và lập nghiệp nên mật độ dân số Nam Bộ gia tăng khá nhanh, đặc biệt trong 80 năm qua: từ 70 người/km2 năm 1931 lên tới 502 người/km2 năm 2011 (Trần Hữu Quang, 2013:36). Cùng với quá trình tăng dân số, diện tích đất canh tác cũng tăng lên đáng kể: từ 294.336 ha năm 1836 (Nguyễn Đình Đầu. 1994:137,182-183) lên gần 4.000.000 ha năm 2011(Tổng cục Thống kê, 2011, bảng 3 và 22, dẫn theo Trần Hữu Quang, 2013). Trải qua hơn ba thế kỷ phát triển, Nam bộ đã không còn mang hình ảnh sung túc như câu ca, câu hát trước đây: “Ai ơi về miệt Tháp Mười, cá tôm sẵn bắt lúa trời sẵn ăn” hay “Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng, về sông ăn cá về đồng ăn cua” hay “cò bay thẳng cánh”… Nam Bộ giờ đây dưới áp lực dân số ngày càng gia tăng trong khi quỹ đất có hạn đã làm bình quân đất nông nghiệp trên đầu người ngày càng thấp.
Cuộc điều tra của Trần Hữu Quang vào 5-2012[1] cho biết số hộ không có đất chiếm 30,3% trên tổng số mẫu điều tra, tuy số hộ có đất vẫn chiếm đa số (209 hộ trong tổng số 300 hộ điều tra) nhưng số hộ có từ một héc-ta trở xuống chiếm đến 68,4%, đặc biệt kết quả cuộc điều tra cho thấy hộ có sở hữu lớn về đất đai không còn như trước đây (xem Bảng 1).
Bảng 1. Cơ cấu nông hộ, phân theo quy mô ruộng đất sở hữu, Nam bộ năm 1931 và 2012 (đvt: %)

Nam bộ 1931
Nam bộ 2012
- Hộ có dưới 0,3 ha

19,6
- Hộ có 0,3-0,5 ha
< 1 ha: 33,7
21,1
- Hộ có 0,5-1 ha

27,7
- Hộ có 1-2 ha
1-5 ha: 38,1
23,0
- Hộ có 2-5 ha

8,6
- Hộ có 5-10 ha
14,7
-
- Hộ có 10-50 ha
11,0
-
- Hộ có trên 50 ha
2,5
-
   Hộ có dưới 1 ha
33,7
68,4
   Hộ có 1-5 ha
38,1
31,6
   Hộ có trên 5 ha
28,2
-
Tổng cộng
100,0
100,0
Diện tích bình quân
của một hộ có đất
...
0,98 ha
Số hộ có đất
trong mẫu điều tra
...
209
Tổng số hộ điều tra
...
300
*Chú thích: Vì sở hữu ruộng đất Nam Bộ trước đây lớn, không manh mún nên Yves Henry chỉ chia hộ có diện tích đất dưới 1 ha (33,7%) và hộ có từ 1-5 ha (38,1%)
Nguồn: Số liệu năm 1931 nguồn Yves Henry,1932; và số liệu năm 2012 theo phân tích trong báo cáo của  Trần Hữu Quang. 2013.
Đối với người nông dân truyền thống, ruộng đất là một nguồn lợi kinh tế cho hầu hết các nhu cầu của họ: thực phẩm, quần áo, nhà cửa, giáo dục và các loại sinh hoạt phí khác đồng thời là nguồn thu nhập để trang trải cho những rủi ro mang tính tự nhiên: sinh, lão, bệnh, tử và những rủi ro khác từ kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, ruộng đất vừa là nguồn sinh kế vừa là nguồn an sinh (Hoskins, 1957:190-194).
Đối với người nông dân có đất thì mức độ sở hữu ruộng đất có ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập của họ, ở đây chúng tôi chỉ nói về thu nhập có được từ hoạt động trồng trọt còn thu nhập từ các hoạt động chăn nuôi và phi nông nghiệp sẽ nói ở phần sau. Bình quân sở hữu ruộng đất đầu người càng thấp thì bình quân thu nhập đầu người càng thấp, dĩ nhiên cùng một mức độ sở hữu ruộng đất như nhau mà khác nhau về loại cây trồng, giống cây trồng cũng sẽ khác nhau về thu nhập nhưng nhìn chung người có sở hữu ruộng đất càng nhiều sẽ có thu nhập cao hơn so với người có ít ruộng đất hơn. Đối với vùng trồng lúa, thì theo một chủ trang trại cho rằng “Tôi nghĩ với thị trường lúa gạo bấp bênh nhiều năm, những người canh tác 1-2 héc-ta ruộng không thể có lời”[2].
Tương tự, một hộ nông dân chỉ có trên dưới hai héc-ta và trồng lúa thì thu nhập “cũng chỉ đủ sống mà không thể nào khá hơn được” (Võ Văn Dân, 2012). Theo tính toán một nông dân ở xã Bình Thủy, An Giang, sau khi đã trừ chi phí của các khoản đầu tư bao gồm vật tư và chi phí thuê máy móc chưa tính công của gia đình, số tiền còn lại chỉ dao động từ 964.000 đồng đến 1.084.000 đồng cho một công đất (1.000 m2) trong vụ Đông Xuân 2011 (Phan Thanh Lời, 2012). Như vậy, ước tính khoảng 10 triệu cho một héc-ta/1 vụ. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân là vụ có thu hoạch cao nhất, đối với hai vụ còn lại là vụ Hè Thu và vụ Mùa số tiền còn lại sau khi trừ chi phí chỉ khoảng 6-8 triệu cho một héc-ta. Như vậy, một gia đình sở hữu một héc-ta, canh tác ba vụ/năm, lợi nhuận khoảng 24.000.000 đồng/năm, khoảng 2.000.000 đồng/tháng/gia đình. Như vậy, nếu dựa vào sự tính toán trên và số liệu về mức sở hữu ruộng đất có được từ cuộc điều tra của Trần Hữu Quang (xem lại Bảng 1) cho thấy được phần nào diện mạo mức sống của người nông dân và khả năng đáp ứng của gia đình khi gặp các rủi ro trong cuộc sống.
Nếu như bình quân sở hữu ruộng đất đầu người thấp là một xu hướng có tính chất quy luật trong thời kỳ công nghiệp hóa và sự gia tăng các hoạt động phi nông nghiệp ở các vùng nông thôn là một xu hướng thì mạng lưới trao đổi kinh tế nông thôn hiện nay và sinh kế của những người không có đất hoặc ít đất sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, nói cách khác tình trạng này sẽ tác động như thế nào đến an sinh gia đình.
2.  Mạng lưới trao đổi kinh tế nông thôn và cơ hội sinh kế
Trong xã hội nông nghiệp truyền thống, sự trao đổi hàng hóa, bao gồm nguyên liệu sản xuất đầu vào và thành phẩm, chủ yếu được giao dịch tại ở địa phương. Ở xã hội nông nghiệp hiện đại, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, giao thông và các công cụ tài chính hiệu quả thì hoạt động phi nông nghiệp diễn ra nhộn nhịp hơn, mức độ thương mại hóa và giao dịch với thị trường bên ngoài trở nên mạnh mẽ hơn. Sự thịnh vượng của vùng nông thôn lúc này không còn chỉ dựa vào ruộng đất mà còn dựa vào mức độ sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ từ bộ phận phi nông nghiệp tại nông thôn (Vaidyanathan, 1986).
Sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỉ trọng nông nghiệp và tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ tại Nam bộ cũng như cả nước vốn được coi như một hệ quả tất yếu của sự phát triển theo hướng công nghiệp hóa. Cụ thể, theo kết quả cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản của Tổng cục Thống kê năm 2011 số lượng hộ nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ còn chiếm 57,6% so với tổng số hộ nông thôn ở Nam bộ, giảm mạnh so với tỷ lệ 67,0% vào năm 2006 trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã gia tăng đáng kể trong gần một thế kỷ qua. Cuộc điều tra do Trần Hữu Quang tiến hành cũng cho thấy một xu hướng tương tự, chỉ có 41% hộ hoàn toàn làm nghề nông, số hộ vừa làm nghề nông vừa làm nghề phi nông lên đến 48% và 11% hộ hoàn toàn làm nghề phi nông nghiệp (Trần Hữu Quang, 2013:49).
Tuy nhiên, các loại ngành nghề phi nông nghiệp mà cuộc điều tra này ghi nhận được ở sáu xã điều tra nói trên chỉ là các ngành nghề và dịch vụ đơn giản như may đồ, uốn tóc, làm nghề mộc, làm nghề tiện, làm nghề bạc, gia công nhôm và sắt, sửa chữa máy móc, sửa chữa điện tử, sửa xe, làm bẫy chuột, làm ghế đá, làm chậu xi-măng, làm bánh lọt, làm bánh mì, làm khô cá lóc, xay xát lúa, làm bợ nhấc nồi, đan giỏ lục bình, chạy xe ôm, chạy xe ba gác, giúp việc nhà... . Điều đó cho thấy một thực tế là tình hình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn Nam bộ còn hết sức yếu kém cỏi và chậm chạp.
Mạng lưới trao đổi kinh tế và cơ cấu thu nhập ở sáu xã điều tra chủ yếu dựa trên hoạt động trồng trọt và chăn nuôi. Thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp không cao, thường hướng đến việc cung cấp các dịch vụ và ngành nghề tiểu thủ công phục vụ cho các nhu cầu tự cung tự cấp trong vùng. Kết quả cuộc điều tra cho thấy mức thu nhập bình quân cho một nhân khẩu một tháng năm 2011 nơi những hộ tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và buôn bán đều thấp hơn so với nông hộ có đất trên mức bình quân, tức nhiều hơn 0,98 héc-ta/hộ (xem Bảng 1). Số liệu này chứng tỏ rằng tuy đã có sự dịch chuyển khá mạnh trong cơ cấu ngành nghề và cơ cấu lao động, nhưng sự chuyển dịch này không mang lại cuộc sống tốt hơn cho người hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp, vì vậy ruộng đất vẫn là nguồn sinh kế vững chắc cho người nông dân.
Sự trao đổi hàng hóa tại nông thôn chủ yếu diễn ra tại địa phương và phần lớn là bán cho thương lái tư nhân. Kết quả khảo sát cho thấy các hộ gia đình nông thôn trong năm 2011 đều bán đi hầu hết sản lượng mà mình làm ra. Tỷ lệ nông sản bán ra chiếm đến 93% sản lượng lúa, 98% sản lượng hoa màu, 98% trái cây, 99,7% cá tôm, và 84% heo. Cách thức tiêu thụ lúa đều tương tự nhau ở cả sáu địa bàn điều tra.
Bảng 2. Cơ cấu thu nhập cả năm 2011 bình quân mỗi hộ, phân theo ngành nghề chính của hộ gia đình, điều tra tại 6 xã Nam bộ năm 2012 (%)

Nông hộ có đất trên mức bình quân
Nông hộ có ít đất, có đi làm mướn trong nông nghiệp
Nông hộ không đất, đi làm mướn nông nghiệp
Hộ tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ
Hộ buôn bán
Hộ phi nông nghiệp khác
Tổng cộng
Trồng trọt
53,9
42,3
-
10,6
17,3
7,0
36,6
Chăn nuôi
24,1
16,4
19,4
4,2
14,4
4,0
17,7
Nghề tiểu thủ công
2,2
2,6
9,3
23,4
3,8
7,2
5,1
Nghề buôn bán
3,6
3,1
0,8
11,1
41,2
1,8
8,5
Đi làm mướn nghề nông
-
19,7
42,6
0,8
1,1
1,0
5,9
Đi làm mướn nghề khác
2,4
5,7
15,4
20,0
6,1
4,3
5,7
Tiền lương
7,1
8,2
3,6
18,0
9,0
59,7
13,2
Tiền người nhà đi làm ăn xa gửi về, hay biếu tặng
3,4
0,8
8,6
10,0
4,9
7,2
4,3
Trợ cấp (chính sách . . .)
0,4
0,4
-
-
1,1
0,0
0,4
Khoản khác
3,0
0,8
0,3
1,9
1,1
7,8
2,6
Tổng cộng
100,0
100,0
100,0
100,0
100,0
100,0
100,0
Thu nhập bình quân 1 nhân khẩu 1 tháng trong năm 2011 (triệu đồng)
1,29
0,88
0,54
0,97
1,17
1,22
1,08
Diện tích đất canh tác bình quân một hộ (héc-ta)
1,20
0,75
-
0,09
0,37
0.19
0,70
Tổng số hộ điều tra
121
61
31
29
34
24
300
Nguồn: Trần Hữu Quang. 2013.
Việc tiêu thụ nông sản phụ thuộc vào mạng lưới trung gian có thể khiến người nông dân bị ép giá. Ngoài ra, người nông dân có đất phụ thuộc nhiều vào vốn và giá cả nông sản thị trường. Trong quá trình trồng trọt từ khâu làm đất đến khi khâu thu hoạch đa số nông dân đều đi vay vốn sản xuất bằng nhiều hình thức khác nhau từ các đại lý tư nhân bao gồm các đại lý phân bón, tiệm cầm đồ, các cơ sở cho thuê máy móc, các tín dụng tư nhân. Các khoản vay này được tính lãi và hoàn trả sau khi thu hoạch, nếu các khoản vay chưa được hoàn trả thì vẫn sẽ bị tính lãi.
Mặt khác, mạng lưới trao đổi có phần khép kín, có tính chất “chia sẻ cơ hội sinh kế” dựa vào hoạt động chính là trồng trọt tạo nên tâm lý gắn với ruộng đất của người nông dân. Người nông dân không biết làm gì nếu không có đất, và “nếu có vốn thì mướn đất làm, còn không thì cố thôi, ở đây thiếu việc làm” (PVS nam chủ hộ, xã Bình Mỹ). Người không có đất và ít đất phụ thuộc nhiều mạng lưới đó, họ bám víu mạng lưới này để tìm kiếm cơ hội việc làm. Địa bàn thôn xã trở thành nơi bao bọc họ. Khi mạng lưới trở nên chật chội và co cụm thì cơ hội việc làm trở nên hiếm hoi. Nỗi lo “sợ thất nghiệp do ngày nay nông nghiệp sử dụng máy móc nhiều” (PVS nam chủ hộ, xã Bình Mỹ) đeo bám họ. Bà S. năm nay đã 60 tuổi, không có học vấn và không có ruộng đất sống với hai đứa cháu vì ba mẹ chúng đã li dị và đều đã tái hôn không trợ cấp cho bà cháu. Hằng ngày, bà làm sơ chế me (trái me tươi, bỏ vỏ rồi phơi khô), thu nhập khoảng 5.000.000 đồng/năm. Hai đứa cháu đang học tiểu học, nhiều lần định nghỉ vì không tiền đóng học phí. Hằng ngày, hai cháu lang thang ở mé sông để nhặt đồ phế liệu đi bán. Bà nói “đêm ngủ không được, lo cho mấy đứa nhỏ, già rồi nên sợ” (PVS nữ chủ hộ, xã Bình Mỹ).
Yasuba (1962) cho rằng tiến trình định cư có liên quan đến cơ hội nông nghiệp và tỉ lệ sinh đẻ, đối với vùng định cư lâu đời, đất đai trở nên khan hiếm và đắt đỏ thì cơ hội nông nghiệp thấp, do áp lực dân số cao nên quy mô gia đình thường nhỏ hơn, ngược lại, đối với vùng đất mới, đất đai sẵn có và rẻ hơn thì cơ hội nông nghiệp dễ dàng hơn và quy mô gia đình lớn hơn (Yasuba, 1962, dẫn lại theo Laidig, Gary L và các tác giả khác, 1981:195). So sánh số liệu của hai cuộc tổng điều tra dân số năm 1999 và năm 2009, tỷ lệ tăng dân số bình quân trong 10 năm này ở miền Tây Nam bộ là 0,64% mỗi năm (tỉ lệ khá thấp), và 3,3% ở Đông Nam bộ. Cơ hội nông nghiệp ở Tây Nam bộ cũng kém hơn so Đông Nam bộ, bằng chứng là số liệu của cuộc tổng điều tra dân số năm 2009 cho biết ở Tây Nam bộ, tỷ lệ di cư ra khỏi vùng chiếm tỷ lệ cao nhất nước (5,6%) và tỷ lệ di cư từ vùng khác đến thuộc hàng thấp nhất trong nước (1,6%) (trong vòng 5 năm 2004-2009, số người di cư đến là 70 ngàn người, và di cư đi là 734 ngàn người, tỷ suất di cư thuần túy là – 8,4 phần ngàn hàng năm). Trong khi đó, miền Đông Nam bộ thì ngược lại có tỷ lệ di cư từ vùng khác đến cao hơn hẳn so với tất cả các vùng khác trong nước (16,5%) (Lê Thanh Sang, 2012). Có lẽ vì vậy, giải thích theo lập luận Yasuba, sự phát triển của Tây Nam bộ có vẻ “chững lại” so với Đông Nam Bộ. Điều đó giải thích cho sự khan hiếm cơ hội việc làm ở Tây Nam bộ trong khi Đông Nam bộ lại diễn ra tình trạng khiếm dụng lao động nông nghiệp (Trần Thị Nhung, 2013).
Với mạng lưới trao đổi kinh tế có tính chất “chia sẻ cơ hội sinh kế” được trình bày như trên, khi đề cập tới một vài suy nghĩ và tâm trạng của người nông dân về đời sống kinh tế của gia đình họ có “cảm thấy yên tâm hay lo âu về đời sống kinh tế của gia đình ông/bà trong năm nay và năm tới” không? có tới trên 1/2 chủ hộ trong mẫu điều tra trả lời là cảm thấy lo âu: chỉ có 9,3% chủ hộ trả lời là khá yên tâm, 37,7% cũng tạm yên tâm, 29,0% cảm thấy hơi lo âu, và 23,7% rất lo âu.
3.  Xuất cư và vấn đề hỗ trợ gia đình
Nếu như ruộng đất là nguồn kinh tế đảm bảo giúp cho người già thì con cái là nơi nương tựa để họ tìm kiếm sự chăm sóc và những hỗ trợ về mặt tình cảm và sức khỏe. Đối với nền kinh tế nông nghiệp dựa trên ruộng đất, nền sản xuất dựa vào hộ gia đình với ít sự di chuyển lao động (Kumar, 1999:78) nhưng trong giai đoạn công nghiệp hóa sự di chuyển lao động giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ diễn ra thường xuyên. Hiện tượng xuất cư là thực tế diễn ra do áp lực dân số gia tăng trong khi quỹ đất nông nghiệp hạn hẹp và đã cạn kiệt, bất bình đẳng trong phân phối ruộng đất, gia tăng ứng dụng các loại máy móc nông nghiệp tiết kiệm lao động trong khi sự thương mại hóa ở nông thôn phát triển chậm, lợi nhuận nông nghiệp thấp, việc làm khan hiếm. Điều đó là lực đẩy cho di cư nông thôn-đô thị và di cư vùng, dẫn đến nông thôn chỉ còn người già và trẻ em. Theo số liệu thống kê năm 2011, tỷ lệ người nhập cư vào ba trung tâm kinh tế lớn của Đông Nam Bộ là Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng mạnh và cao, trong đó Bình Dương 64,8%, Đồng Nai 31,4%, thành phố Hồ Chí Minh 25,0% (Trần Hữu Quang, 2013:36-38). Xu hướng di cư đến các khu vực đô thị, khu vực công nghiệp và dịch vụ ngày càng gia tăng và còn tiếp tục trong thời gian tới.
Có thể nói mạng lưới trao đổi nông thôn hiện nay mang lại thuận lợi cho những hộ có đất. Các hộ này có thể dựa vào nguồn thu ổn định từ việc trồng trọt để đáp ứng mọi nhu cầu của gia đình. Nhưng mạng lưới này gây hạn chế rất nhiều cho cuộc sống của những hộ ít đất và không có đất và một phần hộ thủ công và buôn bán nhỏ. Vì vậy, trong cơ cấu thu nhập, các nông hộ có đất trên mức bình quân và không phải đi làm mướn nông nghiệp có thu nhập cao so với các loại hộ còn lại và họ cũng ít nhận được khoản thu từ tiền của người đi làm xa hay biếu tặng, trong khi tỷ lệ này ở các loại hộ cao hơn. Tuy nhiên, số tiền từ người đi làm xa gửi về không cao vì nhiều lý do đã không cải thiện cuộc sống của người ở lại. Chẳng hạn, trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị B., nữ chủ hộ, xã Bình Mỹ, tỉnh An Giang, 66 tuổi sống với cháu nội 13 tuổi đang học lớp 6. Con trai và con dâu đi làm xa, mỗi tuần về nhà một lần, mỗi tháng cho hai bà cháu 390.000 đồng. Bà nuôi cháu dựa vào tiền cho thuê đất. Bà có ba công cắt (khoảng 3.900m2) với giá 12.000.000 đồng/năm.
4. Nhận xét
An sinh không chỉ là mục đích của gia đình mà còn là mục tiêu của xã hội. An sinh gia đình suy giảm khi khả năng đáp ứng của gia đình không thể đảm bảo được các nhu cầu cơ bản và lợi ích cho tất cả các thành viên. Khả năng đáp ứng của gia đình chỉ có khi đủ các điều kiện ban đầu như nguồn nhân lực (người chăm sóc, người lao động chính) và vật lực (tài sản, ruộng đất và việc làm).
Bức tranh về sự phân phối ruộng đất và mạng lưới trao đổi kinh tế nông thôn cùng với xu hướng xuất cư ra khỏi Tây Nam Bộ và giữa nông thôn-đô thị cho thấy việc hoạch định các chính sách an sinh xã hội đối với vùng nông thôn và các chính sách kinh tế nhằm cải thiện mạng lưới trao đổi kinh tế nông thôn trở nên bức thiết. Việc đề ra các giải pháp để tháo gỡ hiện trạng này đã được rất nhiều nghiên cứu đề xuất và cần được tiếp tục xem xét. Bởi nông nghiệp bền vững và an sinh gia đình là hai mặt của một vấn đề, vừa đảm bảo cuộc sống ổn định của người nông dân và vừa bảo vệ đất đai, an ninh lương thực, môi trường cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới. Những hậu quả của biến đổi khí hậu và việc ngăn lũ đầu nguồn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền nông nghiệp phía Nam. Bên cạnh đó, lối canh tác tận dụng hết khả năng của đất đai hiện nay (3 vụ/năm) đang làm giảm độ màu mỡ của đất đai là một vấn đề đáng quan tâm.
Ngoài ra, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, với sức mạnh kinh tế còn yếu, việc thực hiện an sinh xã hội cho cả bộ phận chính thức và phi chính thức ở cả đô thị lẫn nông thôn là điều chưa thể thực hiện được. Vì vậy, việc giữ người nông dân ở lại nông thôn gắn bó với nông nghiệp, thực hiện an sinh gián tiếp qua các chính sách kinh tế nhằm cải thiện nguồn lực gia đình là điều cần thiết vào giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, vấn đề gìn giữ và đề cao văn hóa gia đình truyền thống để tăng mối dây liên kết trong gia đình cũng hết sức cần thiết.
Trong mẫu nghiên cứu này các xã điều tra đều là những xã nông nghiệp, phần lớn diện tích đều trồng lúa và một phần diện tích trồng rau quả, hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn trái nên kết quả của cuộc điều tra không thể bao quát hết các vùng đặc thù khác như vùng trồng cây ăn trái, cây công nghiệp, vùng ven biển, vùng ven đô, vùng đô thị … vì vậy, bài viết này mang tính chất đặt vấn đề, làm tiền đề cho các cuộc điều tra, nghiên cứu trong thời gian sắp tới.
Tài liệu trích dẫn
1.             Bali, Arun P. 1999. “Well Being of the Elderly”, Social change, tr. 64-76.
2.             Bùi Quang Dũng. 2007. Xã hội học nông thôn. Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội.
3.             Bushman, Richard L. 1981. “Family Security in the Transition from Farm to City, 1750-1850” trong tạp chí Journal of Family History, Fall, tr.238-256.
4.             Hoskins, W.G. 1957. The Midland Peasant: The Economic and Social History of a Leicestershire Village. New York: St. Martin’s Press.
5.             Kumar, S. Vijaya. 1999. “Elderly in the Changing Traditional Family Structure: An Indian Scenario”, tạp chí Social change, p.77-89.
6.             Hùng Anh, “An Giang: Nông dân bỏ làm ruộng, đi làm thuê”, Sài Gòn Tiếp thị, 13/12/2010.
7.             Lê Thanh Sang. 2012. “Internal Migration in the Mekong Delta, Vietnam: Cesus 2009”, bài tham luận tại Hội thảo “Thích ứng với biến đổi khí hậu và di cư ở Đồng bằng sông Cửu Long: hiện trạng, chiến lược và chính sách” do Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Đại học Cần Thơ) phối hợp với Tổ chức Di dân Quốc tế (International Organization for Migration, IOM) tổ chức tại Cần Thơ ngày 4 và 5-6-2012.
8.             Mai Văn Nam. 2008. “Phát triển đa dạng ngành nghề: tăng thu nhập và ổn định đời sống nông dân”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 360, tháng 5-2008, tr. 67-73.
9.             Mai Văn Nam. 2009. “Hiệu quả sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long: các vấn đề cần được giải quyết”, tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 373, tháng 6-2009, tr. 57-58
10.         Nguyễn Đình Đầu. 1994. Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam kỳ Lục tỉnh. Nxb. TP. Hồ Chí Minh
11.         Phan Thanh Lời. 2012. “Thu nhập trên một công đất (1.000 m2) từ trồng lúa vụ Đông Xuân. Chuyên đề của đề tài “Một số đặc trưng về định chế xã hội và con người Nam Bộ trong tiến trình phát triển bền vững giai đoạn (2011-2020)” do Trần Hữu Quang làm chủ nhiệm, thuộc Chương trình “Nghiên cứu Nam Bộ 2011-2012” (CT 11-22) của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ chủ trì
12.         Trần Hữu Quang. 2011. Xã hội học nông thôn (tài liệu giảng dạy). Cần Thơ: Đại học Cần Thơ.
13.         Trần Hữu Quang. 2013. Một số đặc trưng về định chế xã hội và con người ở Nam Bộ trong tiến trình phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 (Báo cáo tổng hợp). Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ. TP Hồ Chí Minh.
14.         Trần Thị Nhung. 2013. Cộng đồng xã ấp trong sự phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ, 2011-2020 (Báo cáo tổng hợp). TPHCM: Viện KHXH vùng Nam Bộ.
15.         Vaidyanathan. 1986. “Labour use in rural India: A Study of Patial and Temporal Variations” Economic and Political Weekly, Vol XXI, No 52, December 27.
16.         Võ Văn Dân. 2012. “Góc nhìn của nông dân về kinh tế nông nghiệp”, Chuyên đề của đề tài “Một số đặc trưng về định chế xã hội và con người Nam Bộ trong tiến trình phát triển bền vững giai đoạn (2011-2020)” do Trần Hữu Quang làm chủ nhiệm, thuộc Chương trình “Nghiên cứu Nam Bộ 2011-2012” (CT 11-22) của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ chủ trì
17.         Weiler, N. Sue. 1986. “Family Security or Social Security? The Family and the Elderly in New York State During the 1920s” trong Journal of Family History, Vol 11, No.1, tr.77-95.
Nguồn: Vũ Thị Thu Thanh. 2015. An sinh gia đình tại nông thôn Nam Bộ hiện nay. Tạp chí Gia đình và Giới, số 1/2015, tr. 10-21



[*] ThS. Trung tâm Sử học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ

[1] Cuộc điều tra được tiến hành tại sáu xã: xã Bình Thủy và xã Bình Mỹ thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang; xã Hiếu Nghĩa và xã Hiếu Thành huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long; xã Láng Dài và xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Các xã điều tra đều là xã nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa, không nằm gần khu vực đô thị. Tổng số mẫu điều tra là 300 hộ gia đình.

[2] Xem Hùng Anh, “An Giang: Nông dân bỏ làm ruộng, đi làm thuê”, Sài Gòn Tiếp thị, 13/12/2010.

Print Friendly and PDF