19.8.16

Phỏng vấn Mark Blaug


Mark Blaug (1927-2011)

Mark Blaug (1927-2011)

Brian SnowdonHoward R. Vane
Mark Blaug hiện nay là Professor Emeritus tại đại học London và đại học Buckingham và Visiting Profesor tại đại học Exeter, Anh. Ông được biết đến nhất nhờ những công trình về kinh tế học giáo dục, khoa học luận và lịch sử tư tưởng kinh tế.
Chúng tôi phỏng vấn Giáo sư Mark Blaug trong văn phòng của con ông tại đại học Leeds ngày 1 tháng năm 1998.
Thông tin căn bản
Giáo sư bắt đầu học kinh tế lúc nào và ở đâu?
Tôi học khoá kinh tế đầu tiên tại đại học California, Berkeley năm 1947. Nhưng mối quan tâm của tôi đối với kinh tế học thực sự được phát triển từ thời học trung học ở Hoa Kì. Tôi là một người Hoà Lan đến Hoa Kì vào giữa thế chiến thứ hai. Năm cuối bậc trung học tôi có một người thầy dạy thương mại - vào lúc bấy giờ kinh tế học được dạy dưới tên gọi này ở bậc trung học và không bao giờ được gọi là kinh tế học. Bà ta dẫn tất cả những học trò giỏi trong lớp, mà tôi là một trong những số đó, đi nghe một buổi diễn thuyết về Henry George tại Henry George School of Social Science ở New York và được phát miễn phí một quyển sách của ông, Tiến bộ và nghèo khó (1879)[1]. Khi đọc quyển này tôi vào khoảng 17 tuổi và nghĩ rằng đây quả thật là một cuốn sách tuyệt vời - thật ra nó làm tôi hoàn toàn sửng sốt. Sau đó tôi quyết định là tôi muốn học kinh tế học. Tôi tiếp tục ở đại học California, Berkeley, nơi tôi học khoá kinh tế đầu tiên. Vào thời đó tôi là một nhà mácxít. Từ chủ nghĩa Marx tôi học được quyết định luận kinh tế, theo đó không có gì quan trọng hơn bằng những cơ sở kinh tế của xã hội. Tiếc thay, càng học nhiều về kinh tế tôi lại càng ít tin vào Henry George hay vào Karl Marx. Nói như thế rồi thì tôi cũng phải nói thêm là, ngay cả ngày nay, tôi chưa bao giờ khắc phục hết chủ nghĩa triệt để của George và Marx và tôi nghĩ kết quả là nhờ thế tôi là một nhà kinh tế tốt hơn.
Những người thầy nào của giáo sư đã khơi lên sự quan tâm của giáo sư đối với kinh tế học?
George Stigler (1911-1991)
Joseph Soudek
Tôi hoàn thành những năm học đầu tại Queens College ở New York và người thầy đầu tiên của tôi về lịch sử tư tưởng kinh tế tại đấy là Joseph Soudek. Soudek được biết đến nhờ một bài viết gây kinh ngạc về Aristotle và kinh tế học của Aristotle. Lúc bấy giờ tôi vào khoảng hai mươi tuổi khi lần đầu tiên tôi đọc bài này và thấy rằng nó vượt quá sức mình. Tuy nhiên nó cũng cho tôi nỗi ưa thích đầu tiên về học thuật. Tôi nhận ra là để viết được một bài như thế Soudek đã phải có khả năng đọc tiếng Hi lạp, suy nghĩ về những bản dịch và những cách kiến giải văn bản, và v.v.. Điều này nhanh chóng thôi thúc tôi muốn học thêm về lịch sử tư tưởng kinh tế để có thể một ngày bắt đầu giải quyết kiểu phân tích này. Sau trường Queens tôi học cao học ở đại học Columbia tại đấy tôi có một cặp giáo sư rất có ảnh hưởng. Đặc biệt George Stigler -người sau này hướng dẫn luận án tiến sĩ của tôi- đã ảnh hưởng khủng khiếp đến tôi, về mặt kinh tế học cũng như về phong cách viết của ông. Mặc dù đã cố gắng nhưng tôi không có khả năng khôi hài của ông được.
Những cuộc phỏng vấn
Quyển sách của giáo sư năm 1990, John Maynard Keynes: cuộc đời, tư tưởng và di sản[2], gồm có một số bài giáo sư phỏng vấn nhiều nhà kinh tế nổi tiếng. Nhiều nhà kinh tế khác, đặc biệt là Arjo Klamer (1984)[3], cũng đã sử dụng cũng những cuộc phỏng vấn như một phương tiện để giao lưu tư tưởng và làm rõ những cách nhìn tương phản nhau. Theo giáo sư đâu là những điểm mạnh và những điểm yếu chính của những cuộc phỏng vấn như một công cụ làm để sáng tỏ tính chất những bất đồng giữa các nhà kinh tế?
Arjo Klamer (1953-)
Đây là một câu hỏi tế nhị. Nếu bạn xem lời trích dẫn của tôi in trên bìa sau của cuốn sách của Klamer (1984) thì bạn sẽ thấy là tôi yêu cuốn sách này. Tôi rất nhiệt tình đón nhận những cuộc trao đổi và phỏng vấn như một kĩ thuật để làm cho sinh viên quan tâm đến kinh tế học, đặc biệt là khi nó khiến thiên hạ tìm đọc những bài viết được các nhà kinh tế đề cập đến. Bạn càng biết nhiều về kinh tế thì những cuộc phỏng vấn này càng thêm hấp dẫn vì có thể đọc được ở đó đủ mọi chuyện. Hơn nữa hiểu biết sâu sắc tính cách của các nhà kinh tế, mặc dù nói một cách chặt chẽ là không liên quan gì đến giá trị những quan điểm của họ, cũng rọi thêm một chiều kích quan tâm và giúp cho chủ đề thêm sống động. Nói hơi lạc đề một tí, tôi thích âm nhạc cổ điển và đã thảo luận với nhiều người về tính cách của những nhà sáng tác lớn. Nhiều người nói là họ không thích Wagner vì đó là một tên chó đẻ. Tuy điều này về cơ bản không liên quan gì đến âm nhạc của ông ta nhưng bạn không thể không nghĩ đến nhân cách của ông ấy có được phản ánh trong âm nhạc của ông ta không và lạ lùng làm sao một nhân vật khó chịu đến thế lại có thể sáng tạo ra được những công trình nghệ thuật lớn đến như vậy. Có một đường ranh tế nhị giữa việc khẳng định là cuộc đời của những nhà sáng tạo làm cho những công trính sáng tạo của họ thú vị hơn và việc đánh giá hoàn toàn công trình sáng tạo bằng nhân cách của tác giả. Để quay trở lại câu hỏi của các bạn, nếu những tác phẩm kinh tế bạn đọc chỉ duy là những cuộc phỏng vấn các nhà kinh tế thì đấy không phải là cách để học kinh tế học. Tuy nhiên đó là một cách tuyệt vời để gây hứng thú tìm đọc thêm và cũng để suy nghĩ về tính cách của những nhà kinh tế có liên quan.
Deirdre McCloskey (1942-)
Nay Arjo Klamer đi từ quyển sách này, cùng với Deirdre McCloskey, để phát triển một kiểu khoa học luận về tu từ học -rằng tất cả khoa học xã hội không gì khác hơn là một cuộc đàm thoại- gợi ý rằng tất cả những gì bạn thật sự có thể làm được là vạch ra những qui tắc cho những cuộc trò chuyện lịch sự và có tính xây dựng. Tôi không thể chấp nhận điều này. Theo tôi, trong khoa học xã hội còn có điều gì nhiều hơn việc là chỉ có những cuộc chuyện trò lịch sự giữa những cá nhân được thông tin. Đương nhiên tôi đồng ý là tất cả những bài viết và thuyết trình có một yếu tố tu từ và có thể xem đấy như là một kiểu trò chuyện tinh vi. Tuy nhiên Klamer và McCloskey đã toan biến điều này thành một siêu lí thuyết, một khoa học luận để xem xét kinh tế học. Theo tôi làm như vậy là quá đáng.
Tobin (1988)[4] gợi ý là những bài viết tốt về kinh tế học luôn có những điều gây ngạc nhiên. Trong loạt phỏng vấn chúng tôi đã tiến hành có câu trả lời nào làm giáo sư ngạc nhiên không?
James Tobin (1918-2002)

Tôi biết hầu hết những nhà kinh tế được các bạn phỏng vấn. Tuy vậy những câu trả lời của Paul Roemer đã làm tôi ngạc nhiên. Cá nhân tôi không quen Paul Roemer và tôi cũng không biết ai quen ông ta. Do đó tôi đọc bài phỏng vấn Roemer của các bạn một cách hoàn toàn vô tư và những quan điểm của ông làm tôi khá ngạc nhiên. Khi đọc những bài viết của ông, tôi đã không thích chiều hướng Chicago của ông mà về cơ bản là của một nhà kinh tế cổ điển mới. Đặc biệt là cuộc phỏng vấn đã đóng góp thêm vào một chiều kích lí thú cho công vịệc của ông ta làm. Nhưng vì tôi biết gần như hầu hết các nhà kinh tế khác được các bạn phỏng vấn nên những câu trả lời của họ xác nhận những điều tôi đã tin. Điều này đặc biệt đúng đối với các cuộc phỏng vấn Friedman, Lucas, Clower và Tobin. Ví dụ, tôi từng là đồng nghiệp của Tobin thời trai trẻ ở Yale, do đó tôi biết ông ta nhiều.
Khoa học luận[5]
Những bài viết của giáo sư về khoa học luận đã có một vai trò quan trọng trong việc khơi dậy sự quan tâm đến khoa học luận và triết học trong kinh tế. Trong tác phẩm Phương pháp luận của kinh tế học (1992)[6] giáo sư biện luận làkhoa học luận hỗ trợ tốt nhất cho nỗ lực tìm hiểu thực chất những quan hệ kinh tế là khoa học luận gắn với tên tuổi của Karl Popper và Imre Lakatos. Tôi vẫn tin rằng nắm bắt đầy đủ ý tưởng của tính kiểm sai là ước vọng đầu tiên của kinh tế học”. Điều gì đưa giáo sư đến kết luận đặc biệt này?
Imre Lakatos (1922-1974)
Karl Popper (1902-1994)
Tôi đến với Popper, học thuyết Popper và tính kiểm sai vào cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970 sau khi bắt đầu nhận thức một cách chậm chạp rằng tôi đã nhiễm những ý tưởng như thế từ quan hệ cá nhân với Stigler và sớm hơn nữa với Friedman, mà không thấy được là những ý tưởng này từ đâu tới. Stigler trong tất cả những bài giảng cao học của ông và trong cả những bài viết, tuy không nêu đích danh Popper, thực ra đã minh hoạ quan điểm rằng cuối cùng bạn phải đánh giá những lí thuyết kinh tế bằng khả năng có thể phủ nhận chúng một cách thực nghiệm. Quan điểm này được lặp lại trong gần như hầu hết những gì ông ấy đã viết và tôi đã tiếp nhận nó mà không thấy rằng vào thập niên 1960 đó là, đứng về mặt khoa học luận, một quan điểm lỗi thời. Khi lần đầu tiên tôi đọc bài viết của Friedman (1953a)[7] về “Phương pháp luận của kinh tế học thực chứng”, -một bài viết có ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế học hiện đại- thì quan điểm này hoàn toàn thuyết phục tôi. Ngày nay có thể đọc bài viết này ở nhiều mức độ và nay tôi nhìn nó như một chủ nghĩa Popper Mickey Mouse[8] tầm thường trong nghĩa là các giả thiết là không quan trọng, điều quan trọng duy nhất là tiên đoán. Khi bạn đọc thật sự Popper bạn sẽ nhận thấy là ông ta tinh vi hơn nhiều. Popper không bao giờ nói là những giả thiết là không quan trọng và không có gì khác quan trọng hơn ngoại trừ tiên đoán. Khi bạn đọc Friedman một cách tương đối không phê phán, và đó là điều tôi đã làm lúc còn trẻ, bạn sẽ bị nhiễm học thuyết Popper tầm thường. Chắc chắn là khi tôi bắt đầu đọc Popper một cách nghiêm túc trong thập niên 1960 quan niệm của tôi về tính kiểm sai được trở thành tinh vi hơn nhiều. Sau đấy tôi đọc thêm Lakatos, một người tôi quen biết và đã trở thành một người bạn tốt của tôi. Lakatos còn tinh vi hơn cả Popper trong nghĩa là tính kiểm sai không bao giờ được hiểu như chỉ đơn giản là một sự bác bỏ duy nhất một lí thuyết. Với Lakatos bạn phải xem xét toàn bộ những loạt phủ nhận trước khi bạn bác bỏ một lí thuyết và ngay cả như thế bạn chỉ bác bỏ một lí thuyết dưới ánh sáng của những lí thuyết cạnh tranh với nó. Như thế đến giữa 1970, tôi đã trở thành, theo cách nói của Lakatos, một nhà kiểm sai tinh vi. Đó chính là kiểu suy nghĩ được tôi đưa vào quyển sách năm 1980.
Giáo sư có ngạc nhiên không khi cuốn sách này đã làm tốt được việc đó?
Frank Hahn (1925-2013)
Rất bị ngạc nhiên. Khi tôi viết cuốn sách này, lúc bấy giờ, và ngay cả ngày nay, khoa học luận không được các nhà kinh tế coi trọng. Chắc chắn là nó không được coi như là một lĩnh vực nghiên cứu có thanh thế. Ngày nay quan điểm chủ đạo về khoa học luận bắt đầu bằng cách nói rằng: tôi không cần đến khoa học luận; tôi không thích những tuyên bố về khoa học luận; đâu là những triết gia của khoa học xã hội chỉ cho tôi cách làm kinh tế? Rồi phần lớn những nhà kinh tế chuyển sang việc phát biểu những quan điểm về thế nào là xấu hay tốt trong kinh tế học, và mỉa mai thay chính lại là những quan điểm khoa học luận. Ví dụ, Frank Hahn đã hoàn thiện công thức này bằng cách bắt đầu một bài viết nói rằng khoa học luận là một viên thuốc đắng khó nuốt, rằng ông không muốn người ta bảo ông cách làm kinh tế; rằng những ai không làm kinh tế được mới viết sách về khoa học luận, v.v.. Tiếp đấy ông phát biểu mọi loại quan điểm -như là ông ta không thích học thuyết trọng tiền hay kinh tế cổ điển mới, và v.v.-, tất cả đều toàn là những quan điểm khoa học luận. Ông không bao giờ thấy sự mâu thuẫn giữa việc coi thường một điều gì đó để rồi sau đấy sử dụng nó để biện minh cho những tuyên bố của mình. Do đó khi tôi viết quyển sách này, tôi nhận thức được là phần lớn các nhà kinh tế rất coi thường khoa học luận. Do đó tôi thật tình bị ngạc nhiên khi thấy quyển sách lại thành công đến thế. Bây giờ có người nói là nó đã làm sống lại mối quan tâm đối với khoa học luận. Chắc chắn là nó đã sản sinh ra sự gia tăng những bài viết về khoa học luận - từ đấy đến nay đã có thêm bốn hay năm sách giáo khoa về khoa học luận. Ngày nay nhìn lại tôi thấy dư luận đã chuyển động - tôi đã trở thành một nhà khoa học luận thời Neanderthal[9] được thiên hạ bắt giơ đầu chịu báng trong đoạn đầu của những bài họ viết, nói rằng còn rất ít những nhà theo đường lối kiểm sai, ngoại trừ Terence Hutchinson và Mark Blaug và cả hai người này khư khư giữ quan điểm của họ và họ thật sự nghĩ là chỉ cần một sự kiểm sai thì ta phải bác bỏ lí thuyết. Đôi lúc họ chuyển ngược sự vu khống không chỉ đối với tôi và Hutchinson mà còn nhắm cả vào Popper nữa. Trong lúc Popper có đủ loại giới hạn, ông ta chưa bao giờ khuyến khích ý tưởng cho rằng phải bác bỏ tức khắc một lí thuyết khi nó bị kiểm sai một, hai và nhiều lần. Tôi nay ở một vị thế buồn cười của một ông già dở hơi trong khoa học luận (Cười). Nhưng tôi muốn trở lại việc là dù có sự quan tâm trở lại đến khoa học luận thì vẫn là ngộ nghĩnh khi thấy các nhà kinh tế thường thể hiện là họ không ưa khái niệm khoa học luận. Điều buồn cười nữa là có sự lẫn lộn ngày càng lan rộng về nghĩa của thuật ngữ này - khoa học luận có nghĩa là logic của phương pháp, những nguyên lí dựa trên đấy ta đánh giá những lí thuyết cạnh tranh nhau trên bất kì chủ đề nào, chứ không phải là bản thân phương pháp. Các nhà kinh tế rất thường bắt đầu bất kì thao tác thống kê nào bằng cách nói đến khoa học luận của tôi trong lúc điều họ muốn nói thật sự là phương pháp của tôi[10].
Giáo sư vừa nhắc đến Friedman và điều giáo sư xem như là chủ nghĩa Popper kiểu con chuột Mickey. Tuy nhiên chúng tôi đoán là giáo sư sẽ đồng ý với Friedman khi ông nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi là “một kiểu lí thuyết đúng là một lí thuyết cung cấp được những dự báo có thể bị phản bác”.
Thomas Kuhn (1922-1996)
Vâng, hoàn toàn như thế. Nếu việc đánh giá một cách rõ ràng những tiên đoán của các lí thuyết kinh tế là một việc dễ làm thì quả thật là ta có thể nói rằng tính thực tế của các giả thiết là không quan trọng. Nhưng tiếc thay ngay cả việc đồng ý với nhau là lí thuyết kinh tế có thể tiên đoán điều gì đã là một việc khó và lại càng khó hơn nữa để đánh giá rõ ràng những tiên đoán để biết là ta có thành công trong việc phản bác lí thuyết hay không. Bởi thế chúng ta phải quan tâm đến tính thực tế của các giả thiết. Cũng đúng là nếu tất cả các lí thuyết, kể cả những lí thuyết kinh tế, có một cấu trúc suy diễn chặt chẽ thì bạn có thể nói là nếu một lí thuyết tiên đoán đúng đắn thì những giả thiết phải có độ chính xác có thể đoán được. Nhưng một lần nữa, tiếc thay con đường dẫn từ giả thiết đến tiên đoán -và đó chính là lí thuyết- gần như không bao giờ kéo theo một cấu trúc suy diễn. Thật ra con đường này rất là bừa bãi. Khi bạn nhìn thật sự điều gì tới sau những giả thiết thường rất khó quyết định là A, B, C hay D là kết quả của các giả thiết. Sự thật là các giả thiết chỉ nối kết một cách lỏng lẻo các giả thiết với các tiên đoán. Bởi thế điều rất quan trọng khi đánh giá một lí thuyết là phải xem xét những giả thiết được chọn và quan tâm đến tính mô tả chính xác của chúng. Quan điểm của Friedman cho rằng tính thực tế của các giả thiết là không quan trọng và điều quan trọng là sự tiên doán. Đấy chỉ là một điều tốt nếu đánh giá được một cách chính xác các tiên đoán là một việc dễ dàng.
Khi chúng tôi hỏi Franco Modigliani ông ấy nghĩ sao về bài viết nổi tiếng của Friedman (1968)[11] trên tạp chí của Hội kinh tế Mĩ ông trả lời rằng: Tôi xem đường Phillips thẳng đứng là một minh hoạ tốt cho khái niệm thay đổi hệ ý của Thomas Kuhn”. Giáo sư nhìn cách tiếp cận của Kuhn như thế nào trong việc giải thích tiến trình của khoa học kinh tế và giáo sư có cho là ví dụ của Modigliani là một ví dụ tốt không?
Franco Modigliani (1918-2003)
Neil Wallace (1939-)
Hiển nhiên là có một điều gì đó đằng sau ý tưởng cho rằng những hệ ý hướng dẫn nghiên cứu khoa học, kể cả khoa học kinh tế - nếu bằng hệ ý bạn muốn nói đến một cách nhìn thế giới, một quan niệm tổng quát về cách thế giới vận động. Không nghi ngờ gì là niềm tin vào một đường Phillips thẳng đứng trong ngắn hạn và ý tưởng về tỉ suất thất nghiệp tự nhiên được hướng dẫn bởi một hệ ý trong đó các thị trường được làm cân bằng khá nhanh chóng. Nếu bạn nói đến thất nghiệp, cũng giống như khi bạn nói đến giá cả, thì bạn phải xét đến những giá trị dài hạn. Trong nghĩa này ý tưởng thị trường cân bằng là một kiểu hệ ý chủ đạo không chỉ nằm sau kinh tế học vĩ mô kiểu Friedman-Lucas-Sargent-Wallace nhưng còn ở sau toàn bộ kinh tế học vi mô. Thực chất của kinh tế học keynesian là một toan tính bẻ gãy hệ ý cân bằng thị trường toàn dụng lao động này. Nói ngắn gọn kinh tế học keynesian bác bỏ hệ ý toàn dụng lao động nằm đằng sau toàn bộ kinh tế học cả 100 năm, thậm chí có người còn nói cả 150-200 năm trước cuộc cách mạng keynesian. Keynes bác bỏ ý cho rằng một nền kinh tế tư bản có xu hướng tự động trở lại trạng thái toàn dụng lao động khi bị nhiễu loạn và rằng bất đồng duy nhất giữa các nhà kinh tế là phải mất bao lâu để nền kinh tế trở lại tình trạng này. Keynes bác bỏ ý là có một lực tự phục hồi trong một nền kinh tế tư bản. Đó là lí do vì sao ngay cả 60 năm sau vẫn còn có người có tư tưởng chính trị thiên hữu trở nên quẫn trí và đỏ mặt khi nghe nhắc đến Keynes. Họ hiểu là Keynes bác bỏ hệ ý cơ bản này và ông đã gợi mở một kiểu hành động của chính phủ, điều mà những nguời thiên hữu trọng thị trường không thể chấp nhận được. Ví dụ của Modigliani thường được các nhà bình luận kinh tế vĩ mô sử dụng. Bài viết của Friedman là một bước quay ngược phi thường trở về lại với hệ ý toàn dụng lao động. Việc làm này càng thêm hấp dẫn ở chỗ là Friedman, người khởi xướng mọi chuyện, không bao giờ đi xa như Lucas, Sargent và Wallace, cả ba tác giả này đều đẩy quan điểm của Friedman đi rất xa hơn nữa. Friedman chưa bao giờ tán đồng việc đường Phillips thẳng đứng dài hạn được phục hồi gần như tức thì. Ông luôn nhấn mạnh là có một đường Phillips ngắn hạn nằm chéo có độ dốc âm. Tôi phải khen ông ta vì ông là một trong những ít nhà kinh tế vĩ mô hiện đại muốn ấn định một khoảng thời gian để phân biệt giữa đường Phillips ngắn hạn và đường Phillips dài hạn - mặc dù ông không dứt khoát đó là 12-18 tháng hoặc đó là 3-5 năm. Tôi vô cùng ngưỡng mộ việc ông ta không nói suông. Một trong những điều các nhà kinh tế, đặc biệt là các nhà kinh tế vĩ mô, gây bực mình nhất là rất nhiều mệnh đề được họ đề xuất, nói thật ra, là không có thời hạn - họ viện đến thời gian logic chứ không phải là thời gian thực hay thời gian lịch sử. Hầu như không bao giờ họ nói với chúng ta phải thật sự mất bao nhiêu thời gian để những điều chỉnh các mất cân bằng hội tụ về trạng thái cân bằng, đặc biệt là trong kinh tế học vĩ mô. Mọi việc đều tốt đẹp khi thiên hạ lập luận là đường Phillips có độ dốc âm hay là thẳng đứng, nhưng câu hỏi thật sự là phải mất bao nhiêu thời gian để đường Phillips thẳng đứng trồi lên. Như tôi đã làm, bạn có thể đọc từ đầu đến cuối những bài viết của Lucas, Sargent và Wallace và thấy là chữ “tức thì” hay “gần như tức thì” xuất hiện nhiều lần, nhưng không bao giờ nói rõ thời gian là bao lâu. Tức thì hay gần như tức thì có nghĩa là gì? Phải chăng đó là một tuần, một tháng, hai tháng hay một thời hạn khác nữa? Tùy theo định nghĩa về thời gian này mà sẽ có sự khác biệt to lớn cho vấn đề là bạn có tác động được đến sản xuất thực tế và thất nghiệp bằng cách quản lí cầu hay không.
Giáo sư có nghĩ rằng nếu sinh viên hiểu những vấn đề khoa học luận thì họ sẽ ở thế tốt hơn để hiểu những cuộc tranh luận hiện nay trong kinh tế học vĩ mô không?
Henry George (1839-1897)
Sigmund Freud (1856-1939)
Đương nhiên là tôi tin tưởng một cách sâu sắc như thế vì nếu không thì tôi đã không bỏ ra bao nhiêu năm để đọc và viết về khoa học luận (Cười). Tôi hơi gặp khó khăn để hiểu vì sao không chỉ sinh viên mà cả các nhà kinh tế đều có xu hướng không thích khoa học luận. Tôi đoán mình là một người về mặt tâm lí có xu hương vô thần - tôi say mê Henry George, Karl Marx và một người không phải là nhà kinh tế, Sigmund Freud. Tôi cũng có một niềm bi quan tiềm tàng vào phút chót ngăn cản tôi có được niềm tin. Mặc dù tôi được giáo dục trong một môi trường tôn giáo tôi trở thành vô thần vào năm 15 tuổi. Tôi luôn là một kẻ muốn tin vào thánh thần nhưng nỗi bi quan luôn ló lên. Mỗi khi tôi bắt gặp những ý tưởng và nghiên cứu chúng điều đầu tiên tôi luôn tự hỏi là: Tôi có tin điều này chăng? Điều này có đúng không? Làm sao tôi biết điều này là đúng hay không? Tôi không thể hình dung là người ta có thể cưỡng lại không đặt vấn đề khoa học luận là lí thuyết có đúng hay không; tự hỏi đâu là những lí do để tin vào một lí thuyết. Tôi lấy làm ngạc nhiên là sinh viên không tự hỏi, ví dụ, là họ có tin là những thị trường tự cân bằng được hay không. Đối với tôi dạy khoa học luận là một nỗ lực làm cho sinh viên suy nghĩ về giá trị thật sự những ý tưởng như thế và về những lí do chúng ta có được để tin vào những ý tưởng đó. Như thế tôi tin là sinh viên phải được học phương pháp luận, điều đương nhiên họ được dạy nhưng không rõ ràng. Không thể dạy kinh tế học sơ đẳng mà không phổ biến một cách tinh tế đủ loại quan điểm về chân lí. Ví dụ, khái niệm cân bằng, một khái niệm nằm ở trung tâm của toàn bộ kinh tế học, về mặt khoa học luận là một ý tưởng cực khó. Chúng ta phải làm cho sinh viên suy nghĩ về sự tương quan của khái niệm cân bằng, được chúng ta minh hoạ bằng hai đường giao nhau và việc xác định một giá trong thực tế.   
Robert Lucas (1937-)
Robert Solow (1924-)
Tôi tin tưởng mãnh liệt là kinh tế học phải được dạy theo quan điểm lịch sử. Ví dụ, trong kinh tế học, bạn bắt đầu với Keynes, tiến qua Friedman, Lucas và v.v. và như vậy bạn học lịch sử của kinh tế học hiện đại. Người ta có xu hướng chỉ gán lịch sử tư tưởng kinh tế với thế kỉ mười tám và mười chín. Một bài viết được công bố tuần qua là một phần của lịch sử tư tưởng. Nếu sinh viên ngay từ khoá học đầu tiên nhận thức được là kinh tế học luôn tiến hoá và có nhiều vấn đề khoa học luận quan trọng cần được giải quyết thì họ dễ nắm bắt chủ đề hơn. Kinh tế học càng ngày càng được dạy như một số những kĩ thuật, một thể những ý tưởng kĩ thuật, hầu như là những ý tưởng toán học với hậu quả là sinh viên thấy chủ đề là không thân thiện và không thể hiểu nó liên quan đến những gì cả. Như vậy tôi tin vào sự kết hợp khoa học luận và lịch sử trong việc dạy kinh tế học.
Khi chúng tôi phỏng vấn Bob Solow ông ta gợi ý là có hai cách nhìn hay hai tính khí trong kinh tế học vĩ mô”. Một số nhà kinh tế, những lí thuyết gia chu kì kinh doanh thực tế và những nhà kinh tế cổ điển mới, muốn thiết lập một mô hình chính tắc, và sau đó trả lời mọi câu hỏi họ quan tâm bằng cách sử dụng mô hình này”. Một số nhà kinh tế khác, trong đó ông tự xếp mình vào, theo một cách tiếp cận thực dụng/chiết trung hơn và sử dụng bất kì mô hình nào soi sáng được một vài vấn đề. Giáo sư có nhìn sự phân biệt như thế không?
Edward C. Prescott (1940-)
Finn E. Kydland (1943-)
Tôi nghi ngờ rằng đó chỉ là một sự đối lập về phong cách. Ta không thể phủ nhận được là kinh tế học đã trở thành ngày càng kĩ thuật và bí hiểm dưới ảnh hưởng của những người như Lucas, một điều tôi rất lấy làm đau khổ. Điều này đã bỏ rơi những ai có óc thực tiễn và chiết trung hơn và những ai quan tâm một cách cơ bản đến những vấn đề của kinh tế học hơn là đến tính chất kĩ thuật của bản thân kinh tế học, thành một thiểu số bơ vơ. Tất cả những nhà kinh tế thuộc thế hệ lớn tuổi được các bạn phỏng vấn rơi vào nhóm này. Bob Solow (1997c)[12] mới đây viết một bài có tựa là “Do đâu kinh tế học ở vào tình trạng này và đã đi vào bằng cách nào?” trong đó ông ghi nhận là một số người nói là kinh tế học ngày càng trở nên trừu tượng, phi thực tế và không liên quan gì đến những vấn đề chính sách. Tiếp đấy ông nói là ông không tin sự thật là như vậy. Tuy nhiên theo tôi, kinh tế học không chỉ trở thành kĩ thuật hơn. Trong vòng 15-20 năm qua các nhà kinh tế đã biến kĩ thuật thành một thói quen tốt và nâng tính kĩ thuật thành một mục đích tự thân. Sinh viên cao học thích những công trình của những nhà kinh tế như Lucas, Sargent, Kydland và Prescott. Ngay cả kinh trắc học cũng đã qui phục cuộc tìm kiếm kĩ thuật này. Kinh trắc học đã trở thành cực kì kĩ thuật và càng gắn nhiều với kinh trắc học lí thuyết hơn là với kinh trắc học ứng dụng. Ý tưởng xa xưa theo đó kinh trắc học sẽ kiểm định bằng một cách nào đó những giả thiết kinh tế và trợ giúp quá trình thừa nhận giá trị của những lí thuyết kinh tế ít nhiều đã bay biến mất. Điều rất đáng báo động là ngày nay ta thường thấy những khoa kinh trắc tách rời khỏi khoa kinh tế. Đây là một sự phát triển khủng khiếp.
Bob Clower nhận xét với chúng tôi là kinh tế học được xem là một khoa học chứ không phải là một ngành của toán họccó nhiều người đối xử với kinh tế học như thể đây là một ngành của toán học và từ đó phiên dịch thành câu chữ. Rõ ràng là giáo sư đồng tình với quan điểm của Clower.
Philip Mirowski (1951-)
Tom Sargent (1943-)
Hoàn toàn đồng ý. Kinh tế học đã trở thành toán học xã hội trong nghĩa là những từ như giá, thị trường và hàng hoá có mặt trong bộ môn này nhưng thật ra chúng lại không dính dáng gì đến những giá thực sự, những thị trường thực sự và những hàng hoá thực sự - chúng chỉ là những điểm trong không gian toán học. Deirdre McCloskey (1996)[13], trong một  trong số ít những bài viết của bà được tôi ưa thích thật sự, đã nói rất hay về điểm này. Bà ta nói là các nhà kinh tế ngày càng mong đợi những lí tưởng từ toán học, chứ không phải từ vật lí học. Phil Mirowski nói rằng các nhà kinh tế đau khổ vì ghen tị vật lí - không, chúng ta đau khổ vì ghen tị với toán học. Nếu bạn nói chuyện với các nhà vật lí thì điều họ thật sự quan tâm là những thí nghiệm vật lí và những chứng cứ thực nghiệm. Nếu bạn hỏi họ đâu là mô hình chặt chẽ phát triển được những kết quả này họ sẽ nói mặc kệ mô hình chúng tôi có được những thí nghiệm để chứng minh các kết quả. Đây là phong cách làm kinh tế mà tôi muốn thấy hơn. Thật tình kinh tế học như là một nhánh của toán học ứng dụng không làm cho tôi mấy quan tâm - tôi nên học toán học hơn (Cười).
Khi chúng tôi phỏng vấn Milton Friedman ông ta cho rằng kinh tế học ngày càng trở nên một nhánh bí ẩn của toán học hơn là xử lí những vấn đề kinh tế thực tế ”.
Milton Friedman (1912-2006)
Stanley Fischer (1943-)
Tôi hoàn toàn đồng ý với Friedman trên điểm này. Điều lạ lùng là tôi luôn cách biệt Friedman 180 độ về những quan điểm chính trị  -tôi không phải là một người ủng hộ nhiệt tình thị trường và tôi không chia sẻ quan điểm chính trị chung của ông ta- nhưng tôi khâm phục cách ông ấy làm kinh tế. Đặc biệt điều tôi rất ngưỡng mộ ở ông là, khác với phần lớn những nhà kinh tế hiện đại, ông thật sự vận dụng sử học hơn là những phương trình hồi qui để công nhận giá trị của những giả thiết kinh tế. Đừng bao giờ quên là khi nói đến mong muốn đối chiếu lí thuyết với chứng cứ thực nghiệm là hầu hết mọi người tức khắc nghĩ là bạn nghĩ đến kinh trắc học. Theo tôi cũng phải nghĩ đến so sánh với kinh nghiệm lịch sử và tôi xem tác phẩm của Friedman và Schwartz (1963)[14], Lịch sử tiền tệ của Hoa Kì, như một đóng góp quan trọng vào hiểu biết của chúng ta về vai trò của tiền tệ trong các hệ thống kinh tế. Một trong những thảm kịch của kinh tế học hiện đại là phong cách nghiên cứu thực nghiệm này, thông qua lịch sử, chưa bao giờ thật sự lan truyền. Trong lúc cuốn sách của Friedman và Schwartz không ngớt bị chỉ trích thì phong cách này đã không được mở rộng, cải tiến, phát triển và áp dụng vào các lĩnh vực khác.
Nhiều nhà kinh tế được chúng tôi phỏng vấn, như Stanley Fischer (1994), đã nói là tác phẩm của Friedman và Schwartz (1963)[15] đã có ảnh hưởng quan trọng đến họ. Bob Lucas (1994b)[16] cũng đã đặc biệt chú ý đến quyển sách này vì ảnh hưởng của nó.
Tôi mong là Lucas, vốn ban đầu là một sinh viên sử học, sẽ làm nhiều nghiên cứu theo kiểu này hơn (Cười).
Một cách mỉa mai, Lawrence Summers (1991)[17] cho rằng những công trình kinh trắc hình thức đã ít có ảnh hưởng đến tăng trưởng của tri thức kinh tế trong lúc cách tiếp cận thực dụng không hình thức của những người như Friedman và Schwartz đã có tác động có ý nghĩa.
Lawrence Summers (1954-)
Paul Samuelson (1915-2009)
Có lần Samuelson đã có một nhận xét tương tự như thế với Stanley Fischer, theo đó nỗi thất vọng lớn nhất của ông đối với kinh tế học là niềm hi vọng lớn ông đặt vào kinh trắc học lúc ông ta còn trẻ chưa bao giờ được hoàn thành và kinh trắc học đã không phân loại được các lí thuyết kinh tế. Đây cũng là điều Larry Summers nói đến. Quả vậy thật là một thất vọng lớn khi sự phát triển và cải tiến của kinh trắc học không hề giúp các nhà kinh tế lựa chọn giữa những lí thuyết cạnh tranh nhau và sự thật là đã làm rối thêm sự lựa chọn này. Điều này không có nghĩa là ta phải bác bỏ kinh trắc học, một bộ môn mà tôi vẫn cho là vô cùng quan trọng để vật lộn với những khó khăn. Vì sao kinh trắc học hình như đã đẩy ta từ một con đường hoa lá xuống một mớ ngày càng rối răm là một bài toán đố. Ngày nay dựa trên những kết quả kinh trắc để ủng hộ hay bác bỏ các lí thuyết kinh tế lại càng khó hơn nữa.
Trong tiểu luận năm 1994b Lời thú tội của một người popperian không hối hận”[18], giáo sư kết luận là trong thế kỉ hai mươi đã có nhiều tiến bộ trong lí thuyết kinh tế và cũng có vài tiến bộ thực nghiệm. Như thế giáo sư không qui phần lớn tiến bộ này cho những kĩ thuật kinh trắc ngày càng tinh vi?

Vâng, đúng thế. Ngày càng có nhiều nỗ lực để kiểm tra và thêm vào những chứng cứ thực nghiệm về những mệnh đề đặc biệt. Ví dụ, nếu bạn hỏi kết quả kinh trắc về tương đương Ricardo[19] là như thế nào thì hoá ra là chúng rất không rõ ràng - chúng ta có chừng khoản năm hoặc sáu bài kinh trắc hỗ trợ cho mệnh đề này nhưng đồng thời ta cũng có mười bốn hay mười lăm bài kinh trắc bác bỏ nó. Ngay cả Barro cũng phải thừa nhận rằng chứng cứ là cực kì trái ngược nhau. Bây giờ những cố gắng để tìm thêm chứng cứ, và luôn tự hỏi là chúng có trái ngược hay không là một thao tác vô cùng có giá trị - chúng ta phải luôn kiểm tra chứng cứ thực nghiệm về những mệnh đề kinh tế. Nếu chứng cứ là cực kì không rõ ràng và không thể biết, ví dụ, là tương đương Ricardo có đứng vững hay không thì chúng ta phải lặp lại điều này mãi, chứ không chỉ dạy rằng đó là một mệnh đề quyến rũ về những dự kiến duy lí và về quan hệ giữa thuế khoá và chi tiêu cho những chân trời vô giới hạn của một tác nhân tiêu biểu. Như thế thường khi ta dạy tương đương Ricardo ta biến nó thành một vấn đề kĩ thuật tuy rằng điều cực kì quan trọng là phải biết là mệnh đề này có đứng vững được không - nếu có thì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến những gì ta nói về chính sách tài chính và tiền tệ.
Một câu hỏi cuối cùng về khoa học luận trước khi ta chuyển sang tiến trình lịch sử của kinh tế học vĩ mô. Giáo sư tóm tắt như thế nào những chia rẽ khoa học luận chính có thể nhận diện được trong số những cuộc phỏng vấn của chúng tôi đã tiến hành với những nhà kinh tế hàng đầu?
Ludwig v. Mises (1881-1973)
Trong khoa học luận, ngoài những cuộc phỏng vấn ra, thì chia rẽ chính là ngày nay tính kiểm sai bị phần lớn những người viết về phương pháp luận gạt ra ngoài và ngày họ càng đi vào tu từ học, phương pháp luận về những cuộc nói chuyện, chủ nghĩa kiến tạo, chủ nghĩa hậu hiện đại - nó có nhiều tên gọi, nhưng rốt cuộc đó là một kiểu chủ nghĩa tương đối theo đó chúng ta thật sự không biết gì và trên cơ sở những chứng cứ chúng ta không thể quyết định giữa các lí thuyết. Đó là một cố gắng mở cửa trí óc để bạn đón nhận mọi khả năng - có thể chấp nhận mọi thứ. Điều này ít được phản ảnh trong những cuộc phỏng vấn các bạn đã tiến hành. Trong những cuộc trao đổi này, theo tôi bạn có thể nhận diện hai phương pháp luận. Một phương pháp luận là một kiểu khái quát hoá ý tưởng cho là chứng cứ thực nghiệm là quan trọng nhưng sau đó là sự thất bại trong việc coi đó một cách nghiêm túc để lựa chọn giữa các lí thuyết, điều mà tôi gọi là một thuyết kiểm sai vô hại. Các nhà kinh tế nói là phải đối chiếu các lí thuyết với những chứng cứ để xem chúng có bị bác bỏ hay không nhưng không bao giờ họ xem trọng cách tiếp cận này cả. Các bạn thấy là điều này được phản ảnh trong những cuộc phỏng vấn của các bạn. Sau đấy bạn thấy có một quan điểm khác mà tôi cho là đáng lo lắng và được nói rõ trong bài viết của Lucas (1980b)[20] “Những phương pháp và vấn đề trong lí thuyết chu kì kinh doanh thực tế”. Trong bài viết này, ông nói rằng bản thân những lí thuyết kinh tế là giống với một phòng thí nghiệm và rằng chúng ta có thể kiểm định các lí thuyết bằng cách xem xét những đặc tính hình thức kĩ thuật của chúng. Ta lấy một biểu trưng riêng biệt của một lí thuyết và điều chỉnh mô hình và điều này giống như một kiểu thí nghiệm tinh thần. Như thế đây gần như là sự bác bỏ chứng cứ thực nghiệm và biến kinh tế học, nói một cách chặt chẽ, thành những mô hình toán học thành những tương phản giữa các mô hình toán học khác nhau - cách duy nhất bạn nối liền lí thuyết với chứng cứ là thông qua kĩ thuật gò[21]. Khi bạn có những mô hình sản sinh ra những kết quả truy tìm bằng chứng thì bạn nhấn mạnh đến những đặc tính hình thức của chính bản thân các mô hình. Điều này là rất đáng lo ngại vì nó biến các lí thuyết trở thành đáng tin một cách dễ dàng, chống lại những chứng cứ thực nghiệm. Đây quả là một sự phủ nhận tiêu chí kiểm sai, một khoa học luận chống sự kiểm sai mà Lucas nói đến một cách bóng gió nhưng không bao giờ giải thích đầy đủ.
Tiến trình lịch sử của kinh tế học vĩ mô
Trong tác phẩm được biết đến nhiều của giáo sư, Nhìn lại lí thuyết kinh tế (1997a)[22], giáo sư đã cung cấp một cái nhìn toàn diện về tiến trình của phân tích kinh tế. Những nhà kinh tế nào được giáo sư xem là có những đóng góp quan trọng nhất vào cái mà ngày nay ta gọi là kinh tế học vĩ mô trước Keynes?
Dennis Robertson (1890-1963)
Knut Wicksell (1851-1926)
Kinh tế học vĩ mô trước Keynes, trong suốt cả thế kỉ mười chín và đầu thế kỉ hai mươi, là lí thuyết định lượng về tiền tệ, một lí thuyết liên quan đến việc ấn định mức giá, vốn là một biến tổng gộp. Lí thuyết định lượng về tiền tệ tập trung vào một vấn đề tổng gộp bằng cách xét luồng của chi tiêu dưới ánh sáng của những gia tăng của quĩ tiền tệ - đó chủ yếu là một phân tích vĩ mô. Nếu bạn nhìn vào, ví dụ tác phẩm Sức mua của đồng tiền của Fisher (1911)[23] -một trong những trình bày cổ điển về lí thuyết định lượng- thì đó là một quan hệ giữa những số lượng tổng gộp. Kể từ Keynes khi nhắc tới kinh tế học vĩ mô chúng ta nghĩ đến việc làm và sản xuất. Trước Keynes nhà kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng nhất là Knut Wicksell. Quyển sách quan trọng thứ hai của Wicksell (1898)[24], Lãi suất và Giá cả, và đặc biệt là học thuyết về quan hệ giữa lãi suất thực tế -hay được ông gọi là lãi suất tự nhiên, một tính từ được Friedman sau này sử dụng cho trường hợp thất nghiệp- và lãi suất danh nghĩa để tính đến những cuộc bùng nổ và suy thoái. Ludwig von Mises nắm lấy học thuyết này và biến nó thành cái gọi là lí thuyết Áo về chu kì kinh doanh, một lí thuyết mà suốt thập niên 1930 đã là học thuyết cạnh tranh chính với lí thuyết của Keynes. Điều vô cùng lạ lùng là phần lớn những sinh viên kinh tế vĩ mô ngày nay chưa bao giờ nghe nói đến Mises và chỉ nghe phớt qua về Friedrich von Hayek. Một trong những cú đánh chủ lực của Keynes trong Lí thuyết tổng quát là ông hầu như không bao giờ nhắc đến Hayek và lí thuyết Áo về chu kì kinh doanh, một lí thuyết bị ông công kích một cách cơ bản. Kết quả là lí thuyết này đã bị xoá sạch. Tuy nhiên sẽ rất là có ích nếu sinh viên được học một chút về lí thuyết Áo về chu kì kinh doanh, đặc biệt là quan điểm được Mises phát triển theo đó chu kì kinh doanh là một hiện tượng tự nhiên của nền kinh tế tư bản. Theo cách nhìn Áo thì một cơn suy thoái là một cuộc tẩy rửa hệ thống và nếu bạn thử làm điều gì đó cho hệ thống và toan trừ khử thất nghiệp thì sẽ làm mọi việc tồi tệ hơn bằng cách ức chế cuộc bùng nổ sẽ xảy ra sau cơn suy thoái. Hệ ý theo đó hệ thống tư bản chủ nghĩa tự động tự phục hồi cung cấp một quan điểm tự do kinh doanh về chu kì kinh doanh -quan điểm này cũng đã được Schumpeter phát biểu-, một quan điểm thống trị trước 1936. Giảng dạy Keynes cho sinh viên sẽ có ý nghĩa hơn nếu ta nói chút ít đến quan điểm Áo. Dù sao Wicksell hoàn toàn là một khuôn mặt trung tâm của những lí thuyết chu kì kinh doanh vào đầu thế kỉ hai mươi. Ngoài Wicksell ra, bạn chỉ cần kể thêm Dennis Robertson, người đã phát triển một biến thể của lí thuyết chu kì kinh doanh trong thập niên 1910 và 1920. Trong cách nhìn này thì chu kì kinh doanh cơ bản là do công nghệ của nền kinh tế tư bản tạo ra. Kydland và Prescott làm bạn nhớ lại truyền thống này của lí thuyết chu kì kinh doanh thực tế, mặc dù lí thuyết của họ là rất khác.
Những ai được giáo sư xem là những nhà kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng nhất từ sau Keynes?
Joan Robinson (1903-1983)
Ronald Coase (1910-2013)
Hiển nhiên đó là Friedman -dễ thấy rằng bài diễn văn chủ tịch của ông tại Hội kinh tế Mĩ là bài viết có ảnh hưởng nhất về kinh tế học vĩ mô được công bố trong thời hậu chiến. Friedman đã ghi bàn hai lần, một lần với bài viết về phương pháp luận và một lần với bài viết về vai trò của chính sách tiền tệ. Ở đây ông ta và Ronald Coase đứng đầu về chỉ số được trích dẫn như những nhà kinh tế đạt được danh hiệu này nhờ hai bài viết xuất sắc (Cười). Rõ ràng Lucas là rất quan trọng, mặc dù cá nhân tôi không thích kinh tế học vĩ mô cổ điển mới và tôi không tin vào những dự kiến duy lí. Nhưng nếu muốn bạn nói đến ảnh hưởng thì đơn giản là không có vấn đề: Friedman và Lucas là hai nhà kinh tế đã có ảnh hưởng lớn nhất. Nếu giải Nobel được trao vì tầm ảnh hưởng thì họ đã có lí khi trao giải này cho Lucas. Một trong những câu đố về giải Nobel là giải được trao trên những cơ sở nào. Chúng ta không được chia sẻ bí mật của những cuộc thảo luận và hình như là các tiêu chí trao giải thay đổi năm này sang năm khác. Đôi lúc giải được trao cho những đóng góp của cả một đời người; đôi lúc cho một công trình đã làm đảo lộn một chủ đề; đôi lúc cho những công trình vững bền được một nhóm trong ngành đánh giá. Nhưng cũng có khi giải được trao cho một vài nhà kinh tế có ít ảnh hưởng. Nếu giải chỉ được trao theo tiêu chí ảnh hưởng thì Joan Robinson sẽ là người đáng được giải nhất -cạnh tranh không hoàn hảo, ngoài những gì khác mà bà đã từng làm, đã có một ảnh hưởng đáng ngạc nhiên đến kinh tế học vi mô hiện đại.
Khi chúng tôi nói chuyện với Bob Lucas, ông ấy nói với chúng tôi rằng ông ta nghĩ là Joan Robinson sẽ được giải Nobel kinh tế đầu tiên.
Điều này làm tôi rất ngạc nhiên.
Ông ta cũng cho rằng Keynes sẽ là một trong những người sớm nhận được giải nếu còn sống đến lúc giải Nobel kinh tế đầu tiên được trao vào năm 1969. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi ông ta là sinh viên kinh tế vĩ mô có còn phải đọc Lí thuyết tổng quát nữa không thì ông trả lời không. Giáo sư có nghĩ rằng sinh viên phải đọc Lí thuyết tổng quát là một điều quan trọng không?   


Tôi tin là sinh viên phải đọc một số đoạn của tác phẩm này, nhưng chắc chắn là không phải đọc hết cả cuốn sách. Đây là một cuốn sách khó đến độ khó tin và nó càng thêm khó khi năm tháng ngày càng trôi qua. Đối với chúng ta ngày nay đọc Lí thuyết tổng quát là khó hơn vào năm 1936. Cuốn sách xét kĩ mọi ngõ ngách -nó có bốn hay năm lập luận khác nhau ít nhiều đưa đến một kiểu kết luận giống nhau. Sinh viên coi đây là một quyển sách rất khó và gây lúng tung do nó ngoài tầm của kiểu kinh tế học vĩ mô mà ngày nay họ đang học. Bạn có thể hỏi như thế tại sao sinh viên lại phải đọc đôi phần của Lí thuyết tổng quát? Vì đến một lúc nào đó họ phải nhận thức được là, hoặc buộc phải nghĩ đến rằng, những tác phẩm có ảnh hưởng lớn thường là rất khó hiểu và gây bối rối khi nhìn lại sau và đọc chúng. Điều này không chỉ đúng đối với những công trình của Keynes mà cả đối với những trước tác của Marx và Ricardo. Ngay cả quyển Của cải của các dân tộc của Smith (1776)[25] cũng xét kĩ mọi ngõ ngách dù cho đây là một quyển sách viết rất hay. Thường rất khó quyết định đâu là điều Smith thật sự muốn nói. Nhưng đó là lịch sử tư tưởng và là bản chất của nó. Điều này thường cũng đúng khi bạn đọc những bài viết mới đây hơn và cũng có ảnh hưởng lớn. Ví dụ nếu bạn để cho sinh viên đọc bài diễn văn chủ tịch của Friedman năm 1967 sinh viên sẽ hoang mang vì họ không tìm thấy trong đó đường Phillips thẳng đứng. Bởi thế tôi nghĩ là sinh viên phải đọc một cách có chọn lọc những đoạn của Lí thuyết tổng quát và đọc lướt qua tác phẩm. Bạn biết là Lucas không những chỉ khuyên sinh viên đừng đọc Lí thuyết tổng quát mà ông ta còn làm hơn thế nữa. Ông ta gần như coi thường tác phẩm này -chính xác hơn ông nói là phong cách lập luận của Keynes là quá lộn xộn và không kĩ thuật như thường lệ chúng ta có thể làm tốt hơn ngày nay. Điều này tôi không thể chấp nhận vì cho dù nó quả là rối rắm thì Lí thuyết tổng quát cũng thật sự là một tác phẩm thiên tài. Mỗi một trong những bốn năm tuyến lập luận của nó có thể được phát triển thành một kiểu kinh tế học.
Lucas thừa nhận rằng Lí thuyết tổng quát là một cuốn sách “quan trọng một cách khác thường, đặc biệt là vì nó “nhấn mạnh là có thể giải quyết những cuộc suy thoái trong khuôn khổ của một nền dân chủ tự do mà không cần viện đến kế hoạch hoá tập trung. Bob Clower gợi ý cho chúng ta là Keynes “theo cách của ông, là một người lừa đảo kì dị và chính thuật luận chiến và khả năng làm chủ tiếng Anh của ông đã giúp ông tranh thủ người ta.
Tôi nghĩ là Keynes rất có ý thức về khả năng hùng biện của ông. Ông đã thật sự nghĩ đến cách bán ý tưởng của mình cho các đồng nghiệp. Ông đã suy nghĩ rất cẩn thận về cấu trúc của Lí thuyết tổng quát và đã có nhiều cách trình bày lạ thường. Nếu khi nói rằng Keynes là một kẻ lừa đảo Clower muốn nói là Keynes đã cố gắng bán hàng thì quả đúng là như thế. Keynes nghĩ cách tiếp thị Lí thuyết tổng quát cho các đồng nghiệp của ông và đã trao đổi có hiệu quả với họ. Trong quyển sách của bà về tu từ học, McCloskey lẽ ra nên theo gương của Keynes. Keynes là một ví dụ tuyệt vời về một phân tích tu từ có ý thức. Dù cho điều ông làm là đúng hay sai ông cũng đã có ảnh hưởng lớn.
Paul Romer gợi ý cho chúng ta là “khi bạn nhìn lui và đọc lại những trước tác kinh tế chỉ được viết thuần tuý bằng lời văn thì luôn có nguy cơ là bạn đọc giữa các dòng chữ. Romer nói đến nguy cơ “sùng bái tổ tiên.
Paul Romer (1955-)
Các nhà kinh tế thiên nhiều về toán học có xu hướng chê bai những nhà kinh tế chủ yếu viết bằng văn xuôi. Họ hoàn toàn ý thức sự không rõ ràng của từ ngữ. Một cách tương phản, các nhà kinh tế thích viết bằng văn xuôi có xu hướng chê bai phong cách toán học của nhiều nhà kinh tế vì trong lúc kinh tế học được phát biểu bằng toán học là chính xác và chặt chẽ thì nó cũng là cực kì hạn hẹp. Tiếc thay khi bạn cố gắng thể hiện khoa học xã hội bằng toán học nhiều ý tưởng bạn muốn giải quyết và những vấn đề bạn muốn xử lí phải bị gạt sang một bên do chúng không thể được phát biểu một cách chính xác và chặt chẽ. Toán học là một công cụ và những nhà kinh tế toán học hiện đại trong lúc thử tận dụng công cụ này nghĩ là đó là một công cụ rất giới hạn. Kinh tế học liên quan đến những đánh đổi và một trong những đánh đổi cơ bản về phương pháp luận là giữa tính chặt chẽ và tính thích đáng. Trên cương vị một nhà kinh tế riêng lẻ bạn phải quyết định là bạn muốn tính chặt chẽ và chính xác, cho dù những vấn đề bạn đang xử lí là hoàn toàn không thích đáng, hay là bạn muốn xử lí những vấn đề quan trọng và thích đáng, cho dù bạn làm việc này theo một cách ít chặt chẽ và thiếu chính xác. Đâu đó trong quá trình nghiên cứu, bạn phải quyết định là bạn muốn chặt chẽ, chính xác và không thực tế hay là thích đáng dù cho có phải thiếu chính xác và ít chặt chẽ. Hoàn toàn không có gì quan trọng nếu có vài người lựa chọn làm nhà kinh tế toán học và số còn lại trong chúng ta giải quyết những vấn đề chính sách cụ thể. Điều đáng báo động là khi những người ở một đầu đánh đổi -ở phía chặt chẽ của phổ đánh đổi- khống chế cả ngành nghề. Bạn có thể phân loại hầu hết các nhà kinh tế các bạn đã phỏng vấn theo phổ này, với Lucas, Prescott và Romer rõ ràng là ở bên phía toán học.
Theo giáo sư vì sao sau thời hậu chiến vai trò lãnh đạo tri thức trong kinh tế học chuyển từ Anh sang Hoa Kì? Friedman gợi ý là điều này liên quan đến việc lí thuyết keynesian chính thống được xác lập quá vững chắc ở đại học Cambridge.
Tôi nghĩ về cơ bản điều này không liên quan gì đến tiến hoá tri thức về kinh tế học ở trong hai nước này. Vấn đề chủ yếu là, và vẫn còn là một vấn đề con số, đặc biệt là con số sinh viên. Như tôi luôn nói với các nhà kinh tế châu Âu hệ thống Mĩ có 6000 định chế đại học với hơn 5 triệu sinh viên. Để chỉ tập trung vào một con số, mỗi năm Hoa Kì sản xuất khoảng 500-600 tiến sĩ kinh tế, và theo Lee Hansen một phần ba trong số này tìm việc làm trong các đại học. Bạn có việc làm ở đại học thông qua việc đăng bài trong hai mươi tạp chí hàng đầu. Như thế khoảng 200 nghiên cứu sinh tiến sĩ mỗi năm viết bài từ luận án của họ. Không có nước nào ở châu Âu, hay ngay cả tất cả các nước châu Âu, sản xuất 50 tiến sĩ kinh tế mỗi năm cả. Trong số này khoảng 20 luận án được viết bằng tiếng Anh và có thể cạnh tranh được trên thị trường Mĩ. Bởi thế không có gì ngạc nhiên khi phần lớn kết quả nghiên cứu đến từ Hoa Kì. Lập luận này cũng áp dụng được cho tất cả các ngành khoa học xã hội. Kết quả là giống như một đầu máy - một cơn lở sạt tuyết!
Giáo sư có ngại là đánh giá nghiên cứu định kì ở Anh (Research Assessment Exercise) sẽ đẩy những định chế đại học của chúng ta vào một cuộc chạy đua công bố công trình không?
Robert Barro (1944-)
Chắc chắn như thế. Tôi rất tiếc phải nói là tám đến mười năm trước đây tôi đã háo hức ủng hộ RAE. Ngày nay tôi nhận ra là bạn chỉ có thể nhấn mạnh đến kết quả nghiên cứu trong một hệ thống kiểu Mĩ có những khác biệt về lương giữa một số lớn các đại học. Những định chế đại học Mĩ đi từ loại tốt nhất thế giới -như Harvard và Chicago- đến những trường mà về mặt tri thức còn đứng dưới một trường trung bình ở Ấn Độ. Hệ thống Mĩ là cực kì không đồng nhất với những sai biệt lương bổng rất lớn. Ví dụ Robert Barro, vừa được chào mời 300.000 đô la một năm để dạy ở Columbia, trong lúc nhiều đại học Mĩ ở cuối nấc thang trả cho các giáo sư của họ khoảng 40.000-50.000 đô la một năm. Điều chúng ta đã làm ở Anh với RAE là đã quá nhấn mạnh đến nghiên cứu trong một hệ thống thật sự không có khác biệt về lương. Điều này đã sinh ra một cuộc giành giật điên khùng giữa các định chế để mua giáo sư vì công trình nghiên cứu của họ. Tôi chỉ hi vọng là chúng ta có thể loại trừ những mặt xấu mà chúng ta đã phạm. Chúng ta đã không xem xét đầy đủ các vấn đề và đã quá ít nhấn nhấn mạnh đến giảng dạy.
Milton Friedman gợi ý cho chúng ta là cứ mỗi 10 hoặc 20 năm mỗi khoa học phải có một mốt nhất thời mới nếu không thì nó sẽ chết”. David Colander thường nói đến sự cần thiết của những ý tưởng mới để thoả mãn điều ông ta gọi là tiêu chuẩn viết bài nếu những ý tưởng này hợp với thời trang của giới đại học. Giáo sư có đồng ý với những ý kiến này không?
David Colander (1947-)
David Colander luôn nói là với tất cả những sinh viên mới có bằng tiến sĩ chúng ta cần đến một kinh tế học có thể dễ dàng nhân bản. Ông ta giải thích sự phát triển của kinh tế học bằng những chương trình nghiên cứu dễ sao lại. Nhìn ngược lại đây có vẻ là một giải thích thông minh nhưng ý cho là bạn có thể giải thích những phát triển của kinh tế học vĩ mô bằng sự hấp dẫn của thời trang không thuyết phục được tôi. Những dự kiến duy lí chỉ là thời trang thôi sao?
Friedman nghĩ đến lí thuyết chu kì kinh doanh thực tế khi có nhận xét trên.
Vâng từ đấy đến nay ta đã có lí thuyết chu kì kinh doanh thực tế rồi. Phải chăng điều này có nghĩa là có điều gì mới đang đến đâu đó? Tôi không tin là có. Còn có thời trang nào khác nữa?
Bắt đầu từ giữa thập niên 1980 chúng ta có những đóng góp của những nhà keynesian mới nhấn mạnh đến việc xây dựng những cơ sở kinh tế vi mô vững chắc hơn cho kinh tế học vĩ mô keynesian. Giáo sư có nghĩ là trào lưu này có đóng góp gì thêm cho sự hiểu biết của chúng ta về những ý tưởng keynesian không?
Chắc chắn là trào lưu này giúp chúng ta hiểu sâu thêm sự vận hành của các thị trường, nhưng ở một mức độ nào đó nghiên cứu này đã đi lệch hướng. Nó đã thử hoà hợp kinh tế học vĩ mô keynesian với khuôn khổ tân cổ điển về lựa chọn duy lí. Vâng, chúng ta cần làm rõ vì sao thị trường lao động không cân bằng khi tổng cầu giảm. Nhưng nếu bạn muốn ngừng tin là hành vi luôn là duy lí thì nỗ lực nghiên cứu phải cung cấp những kết quả phong phú hơn. Các nhà keynesian mới phải viện đến những lí thuyết về lương hiệu quả[26] và về người trong cuộc-người ngoài cuộc để trình bày tính cứng nhắc của lương thực tế. Đã có những kiểu nhào lộn tri thức này vì chúng ta không muốn từ bỏ những ý tưởng về các sở thích và hành vi lúc nào cũng tối đa hoá lợi ích. Nếu chúng ta làm việc tích cực hơn để xây dựng một quan niệm mô tả thực tế hơn hành vi kinh tế thì tự nhiên chúng ta sẽ phát triển những cơ sở vi mô thích hợp hơn cho những mô hình vĩ mô.
Alberto Alesina (1957-)
Giáo sư nghĩ như thế nào về lĩnh vực kinh tế vĩ mô được những nhà kinh tế như Alberto Alesina phát triển trong những năm gần đây? Ông ta tin chắc là phân tích kinh tế cần phải tính đến tác động của những méo mó chính trị.
Vâng. Tôi chào đón toàn bộ sự phát triển gắn với lí thuyết chu kì chính trị kinh doanh. Tôi nghĩ đó thật là một phát triển phong phú từ kinh tế học vĩ mô keynesian. Nếu bạn tính quản lí cầu thì phải quan tâm nhiều đến việc là những chính sách này do những chính phủ có những quyền lợi bầu cử và những sở thích ý thức hệ riêng tiến hành. Lĩnh vực này đã phát triển nhanh đến kinh ngạc kể từ khi quan điểm ban đầu của Nordhaus xuất hiện trong kinh văn. Mặc dù tôi không nghiên cứu hoặc quan tâm sâu sắc đến hướng nghiên cứu này tôi vẫn nghĩ đây là một phát triển rất quan trọng. Nó cũng nhấn mạnh đến những mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế và giúp chúng ta đưa kinh tế học đến gần với một trong những bộ môn trong những khoa học xã hội khắng khít một cách tự nhiên với kinh tế học. Tôi đặc biệt chào mừng trào lưu này vì nó tạo cơ hội để bớt nhấn mạnh đến mặt kĩ thuật của lí thuyết kinh tế - càng quan tâm đến những khía cạnh kĩ thuật của kinh tế vĩ mô hơn thì chúng ta càng bớt sùng bái bàn thờ kĩ thuật.
Kể từ giữa thập niên 1980 mối quan tâm đến tăng trưởng kinh tế đã được hồi sinh lại phần lớn nhờ những công trình của Romer và Lucas. Một số công trình về lí thuyết tăng trưởng nội sinh[27] làm rõ tầm quan trọng của vốn con người. Giáo sư đã từng nhiều lần tư vấn cho nhiều nước chậm phát triển và cũng đã nghiên cứu lĩnh vực kinh tế giáo dục, cảm tưởng của giáo sư về những công trình trên là như sao?    
Tôi nghĩ là đưa tăng trưởng trở lại vào trung tâm sân khấu là một điều tuyệt diệu. Tuy nhiên tôi lo lắng là lí thuyết tăng trưởng mới này vô tình bỏ qua nhiều vấn đề rất khó chưa từng bao giờ được xác lập đúng đắn. Trong lúc những ý tưởng cho là vốn con người và những nghiên cứu triển khai sinh ra những ngoại ứng làm cho tăng trưởng trở thành nội sinh đã lảng vảng đâu đó trong một thời gian dài thì chúng chưa từng thật sự có dẫn chứng thực nghiệm. Ví dụ lí thuyết tăng trưởng mới không biết đến một loạt những nghiên cứu tiến hành trong thập niên 1960 và 1970 về những ngoại ứng[28] của vốn con người. Lí thuyết này cũng cực kì kĩ thuật liên quan nhiều đến việc xây dựng mô hình hơn là dẫn chứng những cơ sở thực nghiệm cho những tin tưởng đặc biệt.
Gregory Mankiw (1958-)
Tôi từng là thành viên của một nhóm làm việc của uỷ ban Dearing trong đó ngoài một số chuyện khác chúng tôi xem xét tỉ suất sinh lời cho tư nhân và cho xã hội của giáo dục cao đẳng ở Anh. Hiện nay tỉ suất sinh lời cho xã hội là khoảng 7 phần trăm, xấp xỉ với tỉ suất giới hạn được bộ tài chính sử dụng để đánh giá đầu tư trong khu vực công. Như thế là tỉ suất sinh lời của giáo dục cao đẳng ở Anh chỉ vừa đúng, biện minh cho việc không chi tiêu thêm cho giáo dục cao đẳng. Nhiều người đã hỏi: thế còn những ngoại ứng thì sao, chúng không được tính vào tỉ suất này? Kết quả là chúng tôi bỏ ra nhiều thời gian xem xét có những bằng chứng nào cho thấy là có những ngoại ứng từ giáo dục cao đẳng ở Anh. Chúng tôi đi đến kết luận chung là tại Anh, và ở bất kì nơi nào khác chưa một ai có thể lượng hoá những ngoại ứng của giáo dục cao đẳng. Hơn nữa không chắc là nếu ta có thể làm được điều này thì con số có là bất kì con số dương nào khác với số không. Đâu là chứng cứ cho thấy là vốn con người sinh ra những ngoại ứng làm cho tăng trưởng thành nội sinh? Trong khi lí thuyết tăng trưởng mới đã nêu lên một loạt những ý tưởng kĩ thuật lí thú liên quan đến ảnh hưởng của kinh tế theo qui mô, những ngoại ứng, nghiên cứu triển khai và v.v., không ý nào trong số này được định nghĩa một cách thật chính xác. Tất nhiên tôi tin rằng tăng trưởng là nội sinh nhưng tôi không nghĩ là lí thuyết mới đã bắt đầu dẫn chứng được điều này. Như thế điểm tối đa cho việc làm nổi bật lại tăng trưởng. Tôi vừa mới đọc xong quyển sách giáo khoa mới của Gregory Mankiw (1997b)[29] về các nguyên lí. Đó là một quyển sách dễ thương và tác giả nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tăng trưởng nhưng nó vẫn mang nặng căn bệnh cũ về hình thức hoá, viết ra một mô hình làm cho tăng trưởng thành nội sinh. Đó không phải là vấn đề. Vấn đề là chỉ ra rằng về mặt thực nghiệm ta có những lí do rất chính đáng để tin rằng tăng trưởng thật sự là một cỗ máy nội sinh.
Ngày nay có thật là chúng ta biết nhiều hơn về tăng trưởng kinh tế hơn là thời Adam Smith không?
Điều ta biết hơn Adam Smith là kinh nghiệm tăng trưởng so sánh của hơn 200 năm qua. Chúng ta có thể quan sát kinh nghiệm tăng trưởng của thế giới cộng sản, của các nước Đông Á và những nước đang phát triển khác cũng như sự phát triển liên tục của những nền kinh tế các nước OECD. Smith đã dành 150 trang của quyển III của Của cải của các dân tộc để chứng minh cho người đọc thời đó là giữa 1600 và 1776 đã có sự tăng trưởng vì ông ta biết là trong thế kỉ mười tám phần lớn người ta cho là mức sống vẫn không đổi trong vòng 175 năm. Quả thật là nhiều người nghĩ rằng mức sống vật chất đã sụt giảm và đã không phục hồi lại được từ sau cơn đại dịch đen[30]. Trong khi tôi tin là ngày nay chúng ta biết nhiều hơn Adam Smith, quả thật là đặt câu hỏi này cũng có hiệu quả về mặt tu từ (Cười).
Giáo sư đang nghiên cứu những đề tài nào?
Tôi vẫn làm về đánh giá phương pháp luận. Để có thể đánh giá bạn phải biết lí thuyết bạn muốn đánh giá. Thời gian gần đây tôi đọc nhiều về kinh tế tiến hoá[31] và suy nghĩ xem đó có phải là một hướng mới để theo chăng. Ngày nay tôi càng quan tâm đến kinh tế hơn là khi tôi bắt đầu học nó - đây là một bộ môn rất quyến rũ. Khi tôi đọc tôi luôn tự hỏi: Điều này có đúng không? Tôi có thể đặt tay lên tim và nói rằng tôi tin vào những điều tôi đọc không?
Giáo sư có nghĩ là những ranh giới của kinh tế học di chuyển nhanh đến độ gần như là không thể theo dõi điều gì đang xảy ra? Càng đọc ta càng thấy là mình không biết.
Vâng trong một nghĩa nào đó, điều này là đúng. Nhưng vấn đề trở nên lí thú hơn nữa. Khi ban đêm tôi nhìn lên bầu trời tôi thấy nó quyến rũ hơn là một người tin vào thượng đế vì những người này biết là các vì sao là từ đâu đến. Do tôi không tin là thượng đế đã đặt các ngôi sao ở đấy nên bầu trời càng thêm bí ẩn và quyến rũ. Tôi cũng nhìn kinh tế học như vậy và càng ngày tôi càng quan tâm đến việc kinh tế học phải đi về đâu và nó phải phát triển như thế nào. Nói xong như thế thì có một số ý tưởng cơ bản trong kinh tế học là cực kì có ích: những quyết định ở cận biên; phân tích chi phí-lợi thế; đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp và v.v.. Tính chất chính xác của sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp vẫn là một trong những ý trung tâm của kinh tế học vĩ mô. Suy nghĩ về những vấn đề chính sách kinh tế vĩ mô là điều vô giá. Ý tưởng keynesian cho rằng nền kinh tế tư bản là dồi dào sinh lực, luôn đe doạ sản xuất nhiều hơn là nó có khả năng bán được và rằng nền kinh tế này ít có khả năng phục hồi  nếu không có sự kích thích của tổng cầu vẫn còn thuyết phục được tôi. Nếu điều đó là kinh tế học keynesian thì tôi là một nhà kinh tế keynesian.
 Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Conversations with Leading Economists. Interpreting Modern Macroeconomics của Brian Snowdon và Howard R. Vane, nhà xuất bản Edward Elgard, Cheltenham, 1999, UK, trang 314-333.




[1] Progress and Poverty, được tái bản năm 1929 New York, Schalkenback Foundation

[2] John Maynard Keynes: Live, Ideas, Legacy, London: Macmillan in association with the Onstitute of Economic Afrairs

[3] The New Classical Macroeconomics: Conversations with New Classical Economists and their Opponents, Brighton: Harvester Wheatsheaf

[4] “Comment’’ on David Romer’s Paper on “What are the Costs of Excessive Deficits”, National Bureau of Macroconomics Annual

[5] Về chủ đề này có thể tham khảo Các triết gia đối mặt với khoa học, Câu lạc bộ thành Wien và tinh thần mới về khoa học, Thế nào là một lí thuyết khoa họcTriết học về các khoa học (ND)

[6] The Methodology of Economics: Or How Economists Explain, 2nd ed., Cambridge: Cambridge University Press

[7] The Methodology of Positive Economics” trong M. Friedman, Essays in Positive Economics, Chicago, IL.: University of Chicago Press

[8] Mickey Mouse: chú chuột trong tranh hoạt hình của Walt Disney (ND)

[9] người sống vào thời đại đồ đá ở châu Âu nay đã tuyệt chủng (ND)

[10] Trong tiếng Anh cùng một từ methodology có hai nghĩa khoa học luận và phương pháp (ND).

[11] The Role of Monetary Policy”, American Economic Review, March 1968

[12] How Did Economics Get That Way and What Way Did It Get?”, Daedalus, Winter 1997

[13] The Vices of Economists - The Virtues of the Bourgeoisie, Chapter 3, Amsterdam: Amsterdam University Press

[14] A Monetary History of the United States, 1867-1960, Princeton, NJ: Princeton University Press

[15] xem chú thích 14

[16] “Review of Milton Friedman and Anna J. Schwartz’ A Monetary History of the United States, 1867-1960”, Journal of Monetary Economics, August 1994

[17] The Scientific Illusion in Empirical Macroeconomics”, Scandinavian Journal of Economics

[18] “Why I am not a Constructivist: Confesions of an Unrepentant Popperian”, trong R. E. Backhouse (chủ biên), New Directions in Economic Methodology, London: Routledge

[19] Xem mục “tương đương Ricardo (đinh lí)” trong Từ điển phân tích thuật ngữ kinh tế (ND)

[20] Methods and Problems in Business Cycle Theory”, Journal of Money, Credit and Banking, November 1980

[21] Xem mục “Chu kì thực tế (lí thuyết)” trong Từ điển phân tích kinh tế (ND)

[22] Economic Theory in Retrospect”, 5th edn, Cambridge: Cambridge University Press

[23] The Purchasing Power of Money, New York: Mcmillan

[24] Interest and Prices, do Richard Kahn dịch cho Royal Economic Society năm 1936, được nxb Augustus Kelley ở New York in lại năm 1962

[25] An Inquiry into the Nature and Causes of the Weath of Nations, R. H. Campbell và A. S. Skinner, 1976 Oxford: Clarendon Press

[26] Xem mục “lương hiệu quả (lí thuyết)” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND)

[27] Xem mục “Tăng trưởng nội sinh (lí thuyết)” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND)

[28] Xem mục “Ngoại ứng (hay hiệu ứng ngoại lai)” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND)

[29] Principles of Economics, New York: Dryden Press

[30] Cơn đại dịch thế kỉ 14 đã giết chết một phần ba dân số châu Âu (ND)

[31] Xem mục “trường phái tiến hoá” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND)

Print Friendly and PDF