1.8.16

Hãy chặn đứng chủ nghĩa tự do kinh tế: Bài phỏng vấn Alan Kirman gây sốc



Hãy chặn đứng chủ nghĩa tự do kinh tế: Bài phỏng vấn Alan Kirman gây sốc
Christian Chavagneux
Alan Kirman, giáo sư danh dự về kinh tế tại Đại học Aix-Marseille 3, không được công chúng biết đến nhiều. Nhưng ông rất được tôn trọng trong thế giới nhỏ bé của các nhà kinh tế, ở nước ngoài cũng như ở Pháp. Là môn đồ của lý thuyết thống trị và các công cụ của nó, ông được các đồng nghiệp thừa nhận, nhưng điều đó không ngăn ông thường phê phán rất gắt những tiến hóa của phân tích kinh tế. Trong cuộc phỏng vấn này dành cho trang Evonomics (kinh tế học tiến hóa) của Mỹ, ông tranh luận về vị thế của chủ nghĩa tự do trong các suy tưởng kinh tế.

Từ Smith đến Hayek

Adam Smith (1723-1790)
Alan Kirman (1939-)
Tự do kinh doanh, đó là ý tưởng cho rằng càng để cho các cá nhân quyết định làm những gì họ muốn, thì nền kinh tế càng có nhiều khả năng tự tổ chức tốt hơn. Bằng cách nào? Đối với câu hỏi này, các nhà kinh tế lại không trả lời được, Kirman khẳng định. Tư tưởng của Adam Smith đã bị những người theo chủ nghĩa tự do làm biến dạng và chuyển hướng, ông chưa bao giờ viết rằng chỉ cần để cho các cá nhân làm những gì họ muốn, thì mọi thứ sẽ vận động tốt.
Đối với Walras, vấn đề là phải chứng minh bằng toán học, dưới một số giả định nào đó, rằng tất cả các thị trường đều có thể tồn tại đồng thời ở trạng thái cân bằng. Ông không quan tâm đến việc liệu điều đó tốt hay không cho xã hội và ông không phải là người ủng hộ chủ nghĩa tự do kinh tế. Về phần mình, Pareto nói rằng nếu đạt được trạng thái cân bằng cạnh tranh thì đó là điều tối ưu theo nghĩa không thể cải thiện vị thế của một ai đó mà không làm xấu đi vị thế của một người khác. Kirman nhấn mạnh rằng đó là một tiêu chí tối ưu khá yếu. Và Pareto không nói rằng nếu có được tối đa chủ nghĩa tự do, thì có đạt được kết quả ấy không.
Friedrich Hayek (1899-1992)

Nhưng những mũi tên độc nhất nhắm vào Hayek, "một con người kinh khủng". Đối với Kirman, đó là điều hiển nhiên rằng Hayek, là người phân biệt chủng tộc, viện dẫn một bài phỏng vấn trong đó ông gán các đặc điểm chủng tộc cho các sinh viên người Ấn Độ tại Trường Kinh tế học London, nơi ông giảng dạy (Kirman nói về một băng video nhưng không cho biết nguồn). Người ta tìm thấy một trích dẫn tương đương, và không chỉ đối với người Ấn Độ, trong bài viết này. Hayek đã tạo nên một danh tiếng vào cuối Thế chiến II khi tố cáo bộ máy quan liêu, được coi là nguyên nhân dẫn đến chủ nghĩa phát xít. Nhưng ông không trả lời câu hỏi bất nhã của Ronald Coase chỉ ra rằng Hoa Kỳ là nước đầy dẫy các viên chức quan liêu, những bộ máy quan liêu trong các tập đoàn đa quốc gia lớn. Vã lại, Hayek sẽ chấp nhận để công ty General Motors chi trả việc xuất bản phiên bản hoạt hình về cuốn sách của ông The Road to Serfdom (Đường về nô lệ) ...

Một hệ tư tưởng cho những kẻ quyền lực và người tham lam

Oliver Stone (1946-)

Trong thực tế, người phỏng vấn hỏi ông, có phải tự do kinh doanh là một hệ tư tưởng phục vụ cho những kẻ quyền lực, muốn làm những gì họ muốn mà không bị hạn chế không? "Hoàn toàn đúng," giáo sư Kirman trả lời. Và thông điệp chính của kẻ mạnh là thông điệp của Gordon Gekko, nhà tài chính gian xảo trong bộ phim Wall Street của Oliver Stone: "tham lam là tốt"!
Tiếp đó, Kirman lên án sự ám ảnh về tính hiệu quả của các nhà kinh tế tự do. Phải xóa bỏ mọi quy tắc ngăn cản tính hiệu quả tối đa. Kể cả các quy tắc tồn tại trên thị trường lao động. Tuy nhiên Kirman vặn lại, các quy tắc ấy được ban hành vì một mục đích rõ ràng và nếu muốn loại bỏ chúng thì phải đánh giá các hệ quả mang lại. Như vậy, thị trường lao động càng linh hoạt, thì các doanh nghiệp càng ít đầu tư cho việc đào tạo nhân viên của họ. Liệu đó có thực sự là kết quả mong muốn không? Đơn giản hóa các quy định hành chính là điều luôn luôn hữu ích, nhưng "nó không có nghĩa là loại bỏ tất cả các quy định".
Đây là câu chuyện về một thầy tu, một nhà phân tâm học và một nhà kinh tế ...
Cuối cùng, Kirman minh họa việc đi tìm tính hiệu quả tuyệt đối từ một câu chuyện. Một thầy tu, một nhà phân tâm học và một nhà kinh tế cùng chơi golf. Nhưng họ mất nhiều thời gian, bởi vì người chơi đứng trước họ chơi rất chậm, làm chậm đi cuộc chơi của họ. Mặc cho tiếng la ó, người chơi kia không chơi nhanh hơn bao nhiêu. Vì vậy, vị thầy tu đến nói chuyện với người ấy và quay trở lại nói: "người ấy chơi chậm bởi vì ông ấy bị mù! Thật là khủng khiếp, bởi vì tôi luôn nói với con chiên tôi rằng phải thân thiện và tôn trọng người khác". Nhà phân tâm học nói: "Thật là khủng khiếp, bởi vì tôi thường tiếp người mù tại phòng khám của tôi và tôi nói với họ hãy cứ sống như những người khác, và tôi hét điều đó vào mặt anh ta". Và nhà kinh tế nói: "Thật là khủng khiếp, bởi vì tình hình hoàn toàn không hiệu quả, anh chàng kia nên đến chơi vào ban đêm!"
Christian Chavagneux
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF