30.8.16

Thách thức của cải cách kinh tế học



Cải cách kinh tế học nhìn từ bên trong
THÁCH THỨC CỦA CẢI CÁCH KINH TẾ HỌC
Cameron Murray
Không thể cường điệu thách thức mà cải cách kinh tế học phải đối mặt. Kinh tế học hiện đại dòng chính vẫn chiếm ưu thế trong các trường đại học và các chính phủ của chúng ta mặc cho bằng chứng áp đảo chống lại hầu hết các nguyên tắc cốt lõi của nó, và mặc cho nhiều thập niên nỗ lực của các cuộc cách mạng. Khái niệm về trạng thái cân bằng tĩnh và ‘tác nhân tiêu biểu’ (‘representative agent’) của phương pháp tổng gộp chỉ là hai khái niệm mà đã nhiều lần cho thấy là không có sự nhất quán nội tại, không chỉ từ những người bên ngoài mà còn từ nhiều trong số những nhà lãnh đạo trong dòng chính. Tuy nhiên, chúng vẫn tiếp tục thống trị bộ môn [kinh tế học] này.
Điều cốt lõi vẫn không hề suy suyển.
Các khái niệm lỗi thời và không thích đáng về mặt kinh tế vẫn chiếm đầy các trang của những quyển giáo trình nhập môn. Từ đó, chúng được nhồi vào tâm trí của mỗi thế hệ sinh viên mới, đến lượt mình, họ tiếp tục chuyển giao các ý tưởng này cho thế hệ sinh viên tiếp theo, và toàn bộ xã hội rộng lớn hơn. Để biến đổi bộ môn [kinh tế học], điều cần thiết là phải phá vỡ những vòng phản hồi trong hệ thống này.
Lời kêu gọi đa nguyên xứng đáng được ca tụng. Đa nguyên là một mục tiêu mà hầu hết các nhà cải cách đều đồng thuận. Nhưng theo quan điểm của tôi, những nỗ lực cải cách kinh tế học trước đó đã thất bại vì chúng lẩn tránh, hoặc không đủ thấu hiểu, hai rào cản chính đối với sự thay đổi. Thoạt tiên, trông có vẻ không thể vượt qua được những rào cản này, nhưng nếu không tận dụng chúng để tạo ra sự thay đổi, [kinh tế học] dòng chính sẽ vẫn chiếm ưu thế bởi cách tiếp cận phân tích kinh tế chủ đạo.
Rào cản chính đầu tiên là xã hội. Kinh tế học là một ngành thường tưởng thưởng cho lòng trung thành đối với bộ lạc hơn là việc điều hòa ý kiến bất đồng. Nếu bạn theo dõi các blog về kinh tế học trong những năm gần đây, bạn có thể có cái nhìn khá rõ về điều này. Nhưng những hoạt động sôi nổi tương tự cũng xảy ra trong giới học thuật. Các tạp chí buộc [các bài viết phải] tuân theo các phương pháp và các khái niệm ưa thích của mình và hành động như người gác cổng cho bộ lạc, yêu cầu tất cả mọi người khi đến bộ lạc đều phải dâng hương kính lễ cho các tộc trưởng lão làng. Thêm vào đó, [kinh tế học] dòng chính đại diện cho hơn 80% của ngành, vì vậy, bất kỳ thay đổi nào do các nhóm thiểu số khởi xướng đều nhận được những cái chau mày khó chịu. Và đây chính là hiện thực xã hội.
Thách thức về mặt xã hội này, về bản chất, là làm thế nào mang các bộ lạc lại với nhau sao cho tất cả đều cảm thấy bản thân mình là “người trong nhà” trong một nhóm mới lớn hơn. Điều này không có nghĩa là khiêu chiến với các bộ lạc hùng mạnh, đặc biệt là không gây chiến với [kinh tế học] dòng chính hiện nay; mà nó có nghĩa là nêu bật bất kỳ nền tảng chung nào mà các bộ lạc đồng thuận và tin tưởng vào cách mà họ góp tay xây dựng một quan điểm tốt hơn về kinh tế học. Còn nhiều vấn đề có thể bàn về các rào cản xã hội đối với sự thay đổi trong kinh tế học, và tôi hy vọng sẽ giải quyết chúng vào chi tiết trong tương lai. Nhưng với những mục đích hiện tại thì điều này cũng cung cấp đủ bối cảnh để thảo luận về rào cản thứ hai đối với sự thay đổi.
Rào cản chính thứ hai là kỹ thuật. Vấn đề liên quan đến kỹ thuật ở đây là: Làm sao bạn có thể giảng dạy một chương trình đa nguyên khi không có cấu trúc chính thức để giới thiệu nội dung từ các tư tưởng khác nhau và thường trái ngược với nhau, và khi mà có rất ít học giả được đào tạo đủ khả năng để thực hiện điều này?
Simon Wren-Lewis
Giảng dạy một chương trình đa nguyên không nên giống như là đang giới thiệu bộ môn kinh tế học như thể nó là một trong các bộ lạc có mối thù truyền kiếp. Tôi chia sẻ nỗi lo sợ của Simon Wren-Lewis rằng một chương trình giảng dạy đa nguyên có thể trở thành một cửa hàng mà sinh viên có thể mua sắm tất cả mọi thứ, họ lướt qua các bộ lạc trước khi gia nhập vào bộ lạc nào phù hợp với hệ tư tưởng chính trị hiện có của mình nhất. Thay vào đó, mục tiêu nên là đào tạo một thế hệ kinh tế gia nhận thức được di sản của mỗi trường phái tư tưởng, và thừa nhận nền tảng chung giữa chúng.
Có một câu châm ngôn xưa cũ cho rằng nếu bạn hỏi năm nhà kinh tế cùng một câu hỏi, bạn sẽ nhận được năm câu trả lời khác nhau – và sáu nếu có nhà kinh tế ở Harvard. Liệu chúng ta có thể giảng dạy một chương trình đa nguyên mà chương trình này sẽ làm cho các kinh tế gia suy nghĩ theo cách tương tự nhau, để rồi khi bạn đặt cùng một câu hỏi cho năm nhà kinh tế, bạn sẽ nhận được một câu trả lời hay ho?
Vấn đề này cần một giải pháp có hệ thống. Ví dụ, chúng ta cần suy nghĩ về phương cách để cấu trúc việc giảng dạy xung quanh các chủ đề và khái niệm cho phép sinh viên có thể nghiên cứu các vấn đề và đánh giá các cách tiếp cận tiềm năng. Chúng ta cần một giáo trình hoặc một bộ giáo trình thay thế mà ở đó có thể thể hiện thỏa đáng mỗi cách tiếp cận và cuối cùng là cung cấp nền tảng cho một chương trình giảng dạy đa nguyên.
Hiện nay, thậm chí các quyển giáo trình chính thống nhất cũng chỉ bổ sung một vài ý kiến về các cách tiếp cận khác. Ví dụ, các trường phái kinh tế học thực nghiệm hoặc kinh tế học hành vi phổ biến hiện nay - dù cho khắp nơi coi đó là một cuộc cách mạng trong tư duy kinh tế và khoa học kinh tế - nhận được rất ít tín nhiệm trong các quyển giáo trình phổ biến nhất. Sau khi xem xét nội dung của 25 quyển giáo trình nhập môn kinh tế vi mô phổ biến ở bậc đại học, Lombardini-Riipinien và Autio thấy rằng:
“... mười trong số 25 quyển giáo trình được kiểm tra không có tài liệu tham khảo nào về kinh tế học hành vi; sáu quyển dành cho nó ít hơn 1% tổng số trang, sáu quyển từ 1% đến 2,6%, và ba quyển từ 6% đến 11%. Khi thảo luận về kinh tế học hành vi, trọng tâm vẫn có xu hướng bàn về duy lý hạn chế (bounded rationality) hơn là tư lợi hạn chế (bounded self-interest) hoặc ý chí hạn chế (bounded willpower).”
“Kinh tế học thực nghiệm không hề được thảo luận trong mười quyển giáo trình, mười hai quyển dành cho nó ít hơn 0,6% tổng số trang, trong khi ba quyển dành từ 2% đến 10% tổng số trang.”
Joan Robinson (1903-1983)
John Eatwell (1945-)
Joan Robinson đã cố gắng viết lại toàn diện quyển giáo trình cốt lõi về nhập môn kinh tế học với John Eatwell vào năm 1973. Tuy quyển sách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là đặt phân tích kinh tế trong bối cảnh triết học và lịch sử, nhưng nó lại không cung cấp khung sườn cố kết để dựa vào đó mà xây dựng sự thông hiểu về kinh tế học. Nó chứa đựng rất ít nội dung hỗ trợ sinh viên trong việc trả lời các câu hỏi thực tế hàng ngày về nền kinh tế. Tiền đến từ đâu? Làm thế nào để đo lường thất nghiệp? Làm thế nào chúng ta có thể đánh giá các đối chọn thay thế để giải quyết các hiệu ứng ngoại lai tiêu cực (negative externalities)? Khái niệm rất riêng về hiệu ứng ngoại lai này có hữu ích không khi nó ngụ ý sự tồn tại của một thế giới không hề có hiệu ứng ngoại lai?

Điều cần thiết ở đây là một phương cách để kết cấu việc khảo sát phân tích kinh tế bằng cách sắp xếp các vấn đề kinh tế xung quanh một số lĩnh vực cốt lõi. Các phương pháp tiếp cận từ những trường phái tư tưởng khác nhau có thể được đưa vào phân tích khi thích hợp, cùng với việc nhấn mạnh nền tảng chung và các mối liên kết giữa chúng.
Theo quan điểm của tôi, để đạt được điều này đòi hỏi phải sắp xếp những mô hình và ý tưởng vào các lĩnh vực khái niệm vượt khỏi các trường phái tư tưởng cụ thể. Sau đó, bất kỳ chủ đề kinh tế nào cũng đều có thể được trình bày như một vấn đề chung, chẳng hạn như, “Tại sao các công ty tồn tại?”, hoặc “Tại sao chúng ta quan tâm đến việc phân bổ các nguồn lực?” Nhưng các cuộc thảo luận này sẽ được cấu trúc thành các lĩnh vực có thể áp dụng rộng rãi.
Để minh họa, hãy xem xét sơ đồ sau đây. Hai mức thấp hơn (được đánh dấu màu vàng) là hai lĩnh vực kinh tế học dòng chính hiện hành. 
Khi thảo luận về hành vi của người tiêu dùng, nó sẽ được lưu ý rằng đây là một phân tích về phúc lợi. Một giảng viên giỏi sẽ giải thích rằng bất kỳ lựa chọn nào của người tiêu dùng cũng sẽ phụ thuộc vào tình hình trong các lĩnh vực ở phía cao hơn [trong sơ đồ trên]. Khi thảo luận về sản xuất và các lựa chọn của công ty, chúng sẽ được phác họa như là một trong những nguồn lực thực được đồng thuận, hàng hóa vật chất mà chúng ta tiêu thụ, và tư bản hữu hình mà chúng ta đầu tư. Một lần nữa, các lĩnh vực ở phía cao hơn [trong sơ đồ trên] sẽ cung cấp kiến thức cho những điều này, chẳng hạn như ai sở hữu quyền đối với tài sản. (Rốt cuộc thì bạn sẽ không thể xây dựng một tòa nhà mà không có quyền hợp pháp đối với địa điểm bạn dự kiến sẽ xây.)
Cameron Murray
Chúng ta cần phải khám phá các mối liên kết giữa các lĩnh vực và những hạn chế của từng lĩnh vực trong việc đưa ra lời giải thích cho toàn bộ, và tôi hy vọng sẽ phát triển khái niệm này trong tương lai.
Nếu cộng đồng các nhà cải cách kinh tế không nỗ lực để tái xây dựng đường lối giảng dạy kinh tế học, và đưa ra những quyết định khó khăn về phương cách kết cấu các giáo trình cốt lõi mới, bao gồm những gì nên để lại và những gì nên bỏ đi, khi đó sự thay đổi vẫn còn ngoài tầm tay. Chúng ta không thể kêu gọi sự thay đổi trong môi trường xã hội bộ lạc của kinh tế học mà không đưa ra một lựa chọn hấp dẫn thay thế - một lựa chọn mà trong đó bao trùm những tinh hoa từ mỗi trường phái tư tưởng và tìm kiếm nền tảng chung mà không cần tạo ra một tập hợp mới những người ngoài cuộc.
Nguyễn Hoàng Mỹ Phương dịch
Nguồn: Murray, Cameron. “Inside the reform of Economics. Reforming Economics: The Challenge”. Inside, Vol. 1, no.1, November 10, 2014.
Print Friendly and PDF