16.7.18

Lịch sử văn minh châu Âu (4) – Chủ nghĩa nhân bản

LỊCH SỬ VĂN MINH CHÂU ÂU (4): CHỦ NGHĨA NHÂN BẢN
Tác giả: Tôn Thất Thông, CHLB Đức
Chủ nghĩa nhân bản tự bản chất là một trào lưu phản kháng, với mục tiêu trước tiên là chống lại hệ thống qung bá văn chương và khoa học đương thời. Nhưng nguồn gốc sâu xa hơn của tinh thần phản kháng là sự bất ổn nội tâm của những nhóm người trong xã hội với cuộc sống đô thị hóa, trong đó phong cách tiếp cận thuần lý của họ trong xã hội gặp xung đột với các giá trị truyền thống và lớp người này không tìm thấy một mẫu mực nào trong truyền thống giáo dục gia đình làm gương cho ý thức rèn luyện nhân cách của họ.[1]
Benedikt K. Vollmann, giáo sư văn chương cổ điển, đại học München
Để tìm nguồn gốc của chủ nghĩa nhân bản châu Âu, chúng ta phải trở về nước Ý, hay chính xác hơn là đến Florence, một thành phố thương mại giàu có nằm trong vùng Toscana ở miền bắc nước Ý. Đặc điểm của cộng hòa Florence là chưa bao giờ có một vị hoàng đế hoặc Giáo hoàng đóng đô ở đó, nhờ thế mà những trào lưu văn hóa tiến bộ có xu hướng xây dựng nhân sinh quan mới, trật tự xã hội mới có thể phát triển tự nhiên, không gặp sự cấm đoán từ lúc mới thành hình trong trứng nước.
Lĩnh vực thương mại của Florence cũng có nhiều thuận lợi đặc biệt so với những nơi khác. Khắp châu Âu trong thời trung cổ, mọi hoạt động kinh tế đều bị điều khiển và kiểm soát bởi các thế lực vương triều và giáo hội. Mỗi hoạt động của thương nhân đều bị khống chế bởi các phường hội cưỡng bách. Các tổ chức này kiểm soát sản xuất, qui định lương tiền giá cả và qui định cả thị phần tối đa cho từng hội viên. Trong thế giới kinh doanh bị khống chế chặt chẽ đó, mỗi người trong thực tế chỉ có thể thực hiện một nghề nghiệp duy nhất trong suốt cuộc đời, cha truyền con nối. Florence là một ngoại lệ hiếm hoi. Vương triều và giáo hội không áp đặt qui định gì ngặt nghèo mà để cho từng cá nhân, kể cả thương gia được tự do hoạt động. Truyền thống phường hội cũng tự do hơn, và mỗi người có thể đăng ký vào hai hoặc ba nghề kinh doanh khác nhau[2].
Điều quan trọng không kém là, cộng hòa Florence từ thế kỷ 14 không bị cai trị bởi những dòng họ tham quyền tàn bạo, mà được dẫn dắt bởi giới tinh hoa tư sản có học thức[3]. Trong thời trung cổ, người Ý nói chung và người Florence nói riêng vẫn luôn luôn tự hào về quá khứ La Mã của mình. Sức thu hút của văn hóa La Mã dù có giảm theo thời gian, nhưng chưa bao giờ mất hẳn trong giới học thuật. Sự khởi đầu chủ nghĩa nhân bản từ Ý cũng không phải là một sự tình cờ.
Nhưng đi tìm thời khắc sinh thành của nó là công việc khó khăn hơn, vì ranh giới giữa lúc sinh, lớn lên và trưởng thành của chủ nghĩa nhân bản rất nhạt nhòa, và cũng không có một biến cố lịch sử hay văn hóa nào rõ rệt để chúng ta lấy đó làm mốc. Để định vị buổi sinh thành của chủ nghĩa nhân bản, có lẽ chúng ta bắt đầu bằng cuộc đời và sự nghiệp của hai vị học giả đi tiên phong trong việc qung bá luồng văn hóa mới, vốn dĩ sau này là nền móng của chủ nghĩa nhân bản. Hai vị ấy là Dante Alighieri và Francesco Petrarca.
Dante Alighieri (1265-1321)
Dante Alighieri[4] (1265-1321) sinh tại Florence, mồ côi sớm và sống một cuộc đời buông thả, cho đến lúc ông gặp một thiếu nữ tên là Beatrice, có sắc đẹp huyền ảo tưởng chừng khó tìm thấy trên trần thế. Phong thái thiên thần, vẻ đẹp kiều diễm, nụ cười thánh thiện của Beatrice và nhất là tình yêu say đắm[5] với nàng đã mang Dante trở lại đời sống lành mạnh. Dante sáng tác tập thơ “Cuộc đời mới[6] bằng tiếng địa phương Toscana để tưởng nhớ tới nàng. Đấy là những bài thơ đầu tiên sáng tác bằng tiếng Ý, là tuyệt tác bất tử và trở thành biểu tượng của trào lưu mới trong sáng tác văn học mang ý nghĩa nhân văn.
Phong cách sáng tác của Dante đã tạo cảm hứng cho nhiều áng văn chương kịch nghệ của người đời sau trong những thế kỷ kế tiếp. Đối với giới phê bình văn học và viết tiểu sử thì khỏi nói. Ngày hôm nay chúng ta có thể kiếm được hàng vạn tựa sách và vài trăm ngàn bài viết về Dante. Chỉ riêng tác phẩm Hài kịch thần thánh (Divina Commodia) đã có hơn 40 bản dịch khác nhau bằng tiếng Đức được xuất bản đi kèm với vài trăm bài điểm sách cho mỗi phiên bản.
Hình [1]: Dante gặp Beatrice bên cầu Santa Trinita
Nguồn: Henry Holiday (1839-1927) – Vùng công cộng
Ở Ý và cả lục địa châu Âu, không có một người thứ hai nào như Dante. Ông vẫn tồn tại như là ngôi sao đầu tiên đã đưa nền văn hóa cổ đại lên bức phông của đời sống văn hóa đương thời. Nhưng khác với văn hóa có tính khuôn thước của thời cổ đại, lịch sử và tính tưởng tượng trong thế giới Kitô dưới ngòi bút của Dante gần gũi hơn, hấp dẫn hơn và hứa hẹn hơn. Không ai có thể làm tốt hơn Dante trong công việc đó.
Khác với sự nghiệp huy hoàng trong văn chương thơ phú, Dante không may mắn chút nào khi sống trong một thời đại đầy khủng hoảng chính trị, mà lại xuất hiện trên vũ đài không đúng chỗ, đúng lúc, và thuộc vào phe chống Giáo Hoàng đầy quyền lực. Dante bị tòa án Florence kết án tử hình vắng mặt, nên phải sống lưu vong hơn 20 năm cho đến lúc mất.
Francesco Petrarca (1304-1374)
Francesco Petrarca[7] (1304-1374) sinh muộn hơn Dante 40 năm tại Arezzo, khoảng 80 cây số về phía đông nam của Florence. Lúc còn trẻ, Petrarca nổi danh nhờ những bài thơ trữ tình bằng tiếng Ý, nhất là những bài thơ nói về tình yêu thánh thiện, sắc đẹp và nét kiều diễm của một cô gái Laura dường như không hiện hữu trong đời thực. Tương truyền rằng, Petrarca gặp Laura ngày 6.4.1327 trong một thánh đường ở Avignon, lúc ông ở lứa tuổi ngoài hai mươi. Dù hai người chưa bao giờ có một quan hệ gắn bó nào, tình yêu Petrarca dành cho Laura đã theo ông suốt cuộc đời. Những bài thơ đẹp nhất trong sự nghiệp văn chương của ông là những vầng thơ về tình yêu với Laura cũng như về cảm nhận sau này rằng, đó là mối tình không căn cứ. Nhiều nhà sử học đi tìm dấu vết của người phụ nữ Laura, nhưng không ai tìm thấy điều gì cụ thể[8].    
Từ lúc nhỏ, Petrarca đã say mê văn hóa cổ điển, không những của Hy Lạp và La Mã, mà còn vượt thời gian về các nền văn hóa cổ đại đã suy tàn. Mộng ước lớn nhất đời Petrarca là tác động vào việc hồi sinh nền văn hóa Hy Lạp và La Mã, đồng thời ông muốn nâng tiếng Ý sử dụng thường nhật lên tầm cao ngang hàng với tiếng la-tinh thời cực thịnh. Ông sớm trở thành một trong những học giả nổi tiếng nhất của châu Âu đương thời. Năm 37 tuổi, Francesco Petrarca được đăng đàn vinh danh là nhà thơ vĩ đại (poeta laureatus) với vòng nguyệt quế[9] tại điện Capitol ở Rome.
Nếu không có Petrarca, thơ trữ tình trong thời kỳ phục hưng châu Âu chắc hẳn không có diện mạo yêu kiều như nó đã đạt được. Và nếu không có Petrarca, trào lưu văn hóa nhân bản chắc hẳn phải đợi thêm một thời gian dài để thành hình và được qung bá khắp châu Âu. Ông là biểu tượng của khoảnh khắc rạng đông cho một ngày mới[10] trong lịch sử châu Âu như nhà nhân bản lớn Leonardo Bruni sau này nhận xét. Ngoài ra, Petrarca còn có một bộ sưu tập đồ sộ, bao gồm không những các tác phẩm cổ điển bằng tiếng la-tinh, mà còn có nguyên bản của hai nhân vật vĩ đại Plato và Holmer thời cổ Hy Lạp.
Leonardo Bruni (1370-1444)
So sánh giữa hai vị học giả tiên phong nói trên, không có gì để bàn cãi rằng Dante là nhân vật lỗi lạc nhất thế kỷ 14 về văn học, lại có kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực. Trong lúc còn sống, có người gọi ông là thi sĩ, kẻ khác thì gọi là triết gia, nhiều người khác thì phong ông là nhà thần học[11]. Cuộc đời Dante không được trải nghiệm nhiều về hòa hợp và ngọt ngào, nhưng thơ phú của Dante đã để lại cho chúng ta cảm nhận thật gần gũi về sự hài hòa và tâm trạng yên bình như nhìn thấy thiên đường trên trần thế. Tình yêu lãng mạn, tính thánh thiện của con người và giá trị nhân văn là những món quà vô giá mà Dante để lại cho hậu thế, không riêng gì đối với giới học thuật, mà cho cả đại chúng dân gian. Nhưng khi Dante chết đi, vẫn chưa có một trào lưu gì kế tục. Có lẽ Dante đã đi trước quá sớm, khi nền văn chương nghệ thuật trong xã hội chưa đủ chín mùi để tiếp thu.
Petrarca, ngoài tính chất lãng mạn như Dante, còn có những hoạt động thực tiễn khác trong xã hội. Ông có một bộ sưu tập phong phú các tác giả Hy Lạp cổ đại, mặc dù ông không phải là người tinh thông tiếng Hy Lạp cổ. Ông cùng với một số bạn bè là tác giả của sáng kiến mới về một nền giáo dục nhân bản, lấy studia humanitatis của thời cổ đại làm nền móng, thích ứng với nhu cầu mới của xã hội đương thời để đưa vào nội dung giáo dục. Trong thời gian Petrarca còn sống, Florence đã chứng kiến một trào lưu văn hóa mới được trỗi dậy trên đường tiến đến chủ nghĩa nhân bản sau này, trong đó Petrarca và người bạn thâm giao Giovanni Boccaccio là hai gương mặt tiêu biểu.
Vì thế, chúng ta có thể xem khoảng thời gian thành danh của Petrarca là điểm khởi đầu của chủ nghĩa nhân bản. Ấy là thời gian từ 1330 đến 1350. Đến giữ thế kỷ 15, nó đã vượt dãy núi Alps để đến Hungary, Bohemia, Ba Lan, Đức, Hà Lan, Anh, Pháp và bán đảo Tây Ban Nha với tốc độ khác nhau trong mỗi nước. Sinh viên và học giả khắp nơi đổ về Ý như đi hành hương, họ thu thập sáng kiến và mua sách vở mang về nước. Ngược lại, cũng không ít nhà nhân bản Ý đến các nước đó trong thời gian dài ngắn khác nhau, với tư cách là sứ thần, học giả vương triều hay giáo sư đại học[12]. Luồng giao lưu này làm cho việc quảng bá chủ nghĩa nhân bản được thực hiện nhanh chóng hơn, quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các học giả khắng khít hơn, mặc dù các đặc tính hình thành trong từng quốc gia có ít nhiều khác biệt.
Đến đây, xin có ghi chú nhỏ. Thuật ngữ chủ nghĩa nhân bản (Humanism) không phải do người đương thời sáng chế, mà do những nhà sử học thế kỷ 19 đặt tên cho trào lưu văn hóa thế kỷ 14/15 trong mối liên hệ với hệ thống giáo dục studia humanitatis của thời cổ đại. Trong hệ thống giáo dục đó, con người được đào tạo về lý luận, ngôn ngữ và những ngành liên quan để không ngừng nâng cao bản sắc con người trong quan hệ xã hội. Thêm một điều nữa, chủ nghĩa nhân bản có nội dung tương đối khác nhau tùy theo thời kỳ. Ở đây, chúng ta đang nói đến chủ nghĩa nhân bản trong thời kỳ phục hưng.
Vậy, chủ nghĩa nhân bản có những đặc trưng gì?
Trong số những người được gọi là nhà nhân bản, rất ít người là triết gia mà đa số là các nhà đạo đức học, ngôn ngữ học, văn chương và lịch sử. Tinh thần chung của những người ưa chuộng chủ nghĩa nhân bản là sự đón nhận nồng nhiệt nguồn văn chương triết học thời cổ đại, được viết bằng tiếng Hy Lạp cũng như tiếng la-tinh. Vốn xuất phát từ Florence, chủ nghĩa nhân bản Ý tỏ ra là gắn liền với ý thức hệ tư sản mang tính chất kinh doanh, thị thành và tiền tư bản. Tuy nhiên nó cũng rất thích hợp và hữu ích trong những nước khác, nơi mà giới tư sản mang những tính chất xã hội khác.
Một cách tổng quát, chủ nghĩa nhân bản đi tìm những khái niệm mới để thay thế cho hệ thống tư tưởng cũ theo trật tự đẳng cấp trong xã hội trung cổ. Khái niệm này, một mặt có xu hướng nghiêng về chủ nghĩa tự do cá nhân, mặt khác quảng bá cho mối quan hệ huynh đệ giữa những con người tương đối không khác nhau nhiều. Chủ nghĩa nhân bản thuộc về nền văn hóa mở, tự do và năng động, nền văn hóa hướng về con người mang tính nhân văn, vì thế không áp đặt lên họ sự gò bó nào có thể làm cho con người bị vong thân[13].
Trong ý thức trở về với nền văn hóa cổ đại, các nhà nhân bản vô hình trung đã làm sống lại những giá trị mang tính biểu tượng của xã hội Hy Lạp xa xưa, mà trên hết là sự thông thái (Sophia) và đức hạnh (Arete). Những người được xã hội trọng vọng là những người thông thái, chứ họ không cần phải có sức mạnh ghê gớm hơn người, cũng không cần giàu sang quyền lực có thể làm kẻ khác hoảng sợ, vốn dĩ là những truyền thống phổ quát trong xã hội trung cổ châu Âu.
Nói chung, chủ nghĩa nhân bản mang tính chất đạo đức triết lý trong một trào lưu văn hóa, chứ không phải là một ý thức hệ, mặc dù nhiều người theo chủ nghĩa nhân bản muốn xây dựng một xã hội đại đồng, trong đó mọi người đều nhận được cơ hội như nhau để phát triển bản sắc cá nhân và thăng tiến địa vị trong xã hội. Tất nhiên không phải ai cũng có thể vươn lên các vị trí quyền lực cao, nhưng lấy thí dụ cộng hòa Florence, nhờ hiến pháp rất tiến bộ và các nhà cai trị có học thức, sự tham dự của tầng lớp tư sản có học vào guồng máy chính trị đương thời ngày càng nhiều, qua đó, tự do và pháp chế ngày càng có sức nặng trong hệ thống quyền lực[14].
Khác với văn chương nghệ thuật trung cổ trước thế kỷ 15, những người nhân bản đặt các đối tượng thần thánh lùi về sau hậu trường để đưa con người thế tục ra bức phông phía trước cuộc sống. Xu hướng này được danh họa Piero della Francesca (1420-1492) gởi gắm vào bức tranh Flagellation of Christ bên dưới, một bức tranh làm điên đầu các nhà phê bình hội họa suốt cả 500 năm sau.
Hình [2]: Flagellation of Christ (khoảng 1470), tác giả Piero della Francesca
Nguồn: Galleria Nazionale delle Marche – Vùng công cộng
Bức tranh diễn đạt cảnh Đức Chúa Trời bị tra tấn bằng roi ở xa xa phía sau, ngụ ý rằng đề tài thần thánh vẫn còn tồn tại trong xã hội, nhưng đã trở nên thứ yếu. Nổi bật hơn phía trước là ba người đàn ông ăn mặc bảnh bao, áo quần sặc sỡ theo phong thái thời kỳ phục hưng. Họ đang bình thản bàn luận chuyện riêng tư, không hề quan tâm đến những gì xảy ra đàng sau, không ném một ánh mắt cảm thông với dáng dấp đau khổ của Chúa, cũng không cần nghe tiếng kêu than và tiếng roi xé ruột của màn tra tấn[15].
Trong trào lưu nhân bản, tinh thần phê phán là một tính chất vô cùng nổi bật. Trên con đường phục hưng các lý tưởng thời cổ đại, họ quan sát thật kỹ càng mọi biến cố xảy ra trong xã hội hiện tại. Họ không những tìm kiếm và phê phán các sách vở tài liệu có nội dung sai lạc, mà còn có tầm nhìn nghiêm khắc hướng về các cơ cấu tổ chức và phương cách hành động của chúng. Và trên quan điểm của người trí thức, tổ chức quan trọng hàng đầu trong mọi tổ chức là giáo hội và bộ máy thần quyền ở Rome[16]. Trong ý nghĩa đó, nhà nhân bản vĩ đại nhất, Erasmus có thể được xem là người đã sinh ra quả trứng đầu tiên của phong trào cải cách tôn giáo[17]. Kể từ đây, giáo hội được đặt trên bàn mổ của các nhà nhân bản. Mỗi động thái của giáo hội đều được quan sát kỹ lưỡng, mỗi lý giải trừu tượng xa rời cuộc đời thế tục đều được mổ xẻ phê phán. Thái độ đó, dù chưa giúp gì cho một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa thần quyền và thế tục, nhưng đã mở đường cho những tư tưởng muốn tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị, khoa học và triết học trong những thế kỷ tiếp theo. 
Con người, chứ không phải là thần thánh, trở thành đối tượng trung tâm của văn chương thơ phú, phong cách viết lịch sử, sáng tác hội họa, điêu khắc. Nghệ thuật thời cổ đại được xem là khuôn thước vì nó phản ánh lại thiên nhiên, vốn dĩ là người mẹ sinh thành nên nghệ thuật. Ranh giới giữa các dòng họ hoặc giai tầng trước đây trong xã hội trở nên lu mờ. Quan niệm của cộng đồng về giàu sang và thứ bậc mặc dù chưa thay đổi tận gốc, nhưng trình độ hiểu biết và phẩm hạnh của từng cá nhân được xem là tiêu chí quan trọng hơn trong sự phân biệt giá trị giữa người này người kia[18].
Một hiện tượng đặc thù của trào lưu nhân bản Ý là sự vươn lên của người phụ nữ trong các vai trò chính trị và xã hội, đặc biệt là phụ nữ trong các gia đình quyền quí. Những nhà nhân bản Ý không có mảy may thắc mắc nào về việc đào tạo tri thức văn học và cả triết học cho con cái, đối với con trai cũng như con gái[19]. Nhờ được thụ hường nền giáo dục nhắm đến việc rèn luyện nhân cách và phẩm hạnh, nhất là trong các tầng lớp cao trong xã hội, người phụ nữ tự tin hơn, bản sắc cá nhân của họ vững chãi hơn, địa vị xã hội của người phụ nữ Ý cũng được nâng cao hơn trong thời kỳ này. So với các nước chung quanh, vai trò của phụ nữ, kể cả những công chúa hoàng hậu, ở các lãnh địa khác vẫn còn mờ nhạt trong đời sống xã hội cho đến sau thế kỷ 15.
Về hướng đi cụ thể, những người nhân bản đòi hỏi trước hết một cuộc cải tổ giáo dục sâu rộng, nhằm tiến đến một hệ thống giáo dục, trong đó con người có cơ hội tự phát triển nhân cách bằng tri thức và phẩm hạnh. Họ tranh luận với nhau để tiến đến việc thành lập chương trình học dựa vào các ngành văn phạm, hùng biện, thi ca, lịch sử đạo đức học. Các ngành học này vốn là những nghành căn bản của studia humanitatis thời cổ đại, qua năm tháng đã thay đổi nhiều nhưng chưa bao giờ mất hẳn. Nhờ sự phục hồi của các nhà nhân bản, kiến thức về văn hóa truyền thống Hy Lạp cũng như La Mã ngày càng được phổ biến rộng. Một khía cạnh khác của trào lưu nhân bản là sự mở rộng ra ngoài lĩnh vực thuần văn học nghệ thuật cổ đại, để dần dần tiến ra những ngành hiện đại như kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc và trong khoa học là toán, vật lý, thiên văn học[20].
Người ta ghi nhận trong chương trình học đó một phương tiện rất hiệu quả là quan điểm mới về lịch sử do Leonardo Bruni (1369-1444) triển khai và quảng bá. Trong thời trung cổ, tư duy về lịch sử luôn luôn mang tính chất chung quả luận[21] và hướng đến mục đích phục vụ đại đồng. Nó tìm cách lý giải các dữ kiện lịch sử trong khuôn khổ trật tự định sẵn của Thượng Đế. Ngược lại, cách phán xét lịch sử của Bruni đặt trọng tâm vào thời gian thực trong đời sống thực và hướng về từng con người thực trên trần thế. Với quan điểm đó, xã hội có thể cống hiến cho từng công dân của nó điều kiện thuận lợi nhất để có một đời sống sinh động. Từ quan điểm đó và với tư cách là quan đại pháp[22] đứng đầu guồng máy cai trị trong cộng hòa, Bruni cố gắng thiết lập một mô hình hoạt động trong xã hội, nơi đó con người, chứ không phải thần thánh, được đưa vào trung tâm để quan sát, tìm hiểu và phán quyết[23].
Coluccio Salutati (1331-1406)
Coluccio Salutati[24], nhà nhân bản thuộc thế hệ đầu tiên, thì chú trọng nhiều hơn đến lý luận và hùng biện (Rhetoric). Trước hết cần nói thêm rằng, hùng biện trong thời kỳ phục hưng không chỉ là ăn nói thuyết giảng, mà nó bao hàm nội dung về ngôn ngữ, văn chương, kỹ năng viết và diễn đạt ý tưởng cũng như kỹ năng chăm sóc các mối quan hệ xã hội. Sự rèn luyện trong ngành này trở thành tiêu chí không thể thiếu đối với luật gia, chưởng khế, công chức nhà nước, sứ thần và những người làm trong các phái bộ ngoại giao.
Ngành hùng biện rất được sinh viên ưa chuộng, không những vì tự nó đã có tính hấp dẫn, mà còn do hoạt động không mệt mỏi của Salutati. Ông viết nhiều bài luận chiến sâu sắc, đọc những bài diễn văn lôi cuốn, những lời hiệu triệu về tình yêu tự do và sự tự hào của người dân Florence trong việc chống xâm lăng. Người ta ví von rằng, một bài bút chiến của Salutati có sức mạnh bằng 1000 kỵ binh; hoặc như đối thủ của ông ở Mailand, Giangaleazzo Visconti thú nhận: “Bằng phong cách thượng đẳng trong các bức thư, Coluccio Salutati đã gây cho tôi nhiều thiệt hại hơn cả một đạo quân[25]”. Những bức thư sắc sảo của Salutati đã làm ông nổi tiếng hơn trong giới học thuật, và trở thành khuôn mẫu cho các văn kiện ngoại giao. 
Với những đặc trưng mới mẻ nói trên, trào lưu nhân bản được giới học giả Ý và các nước chung quanh dễ dàng tiếp thu. Trước hết, tự bản thân chủ nghĩa nhân bản đã hàm chứa những thành tố nhân văn đủ mạnh và uyển chuyển để thích ứng với đòi hỏi của mọi người trong xã hội. Lấy thí dụ về Dante. Mọi sách vở ở Tây La Mã trong thời trung cổ đều được viết bằng tiếng la-tinh, cho nên chỉ phục vụ cho một thiểu số có học. Dante là người đầu tiên làm thơ bằng tiếng Ý. Ông hăng hái quảng bá cho trào lưu sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ, cho nên đã tạo cảm hứng cho một trào lưu rộng rãi trong châu Âu. Từ đó, văn chương thơ phú được ngâm nga truyền tụng trong mọi giới, mở rộng vòng ảnh hưởng của văn hóa mới lên cộng đồng, từ giới hàn lâm đến những người bình dân không biết chữ. Những bài thơ hay bằng tiếng mẹ đẻ được truyền miệng dễ dàng đến mọi người. Sự thành hình ý thức quốc gia, theo nghĩa tích cực, cũng nhờ thế phát triển nhanh chóng. Dante có thể xem là người khai sinh ra ngôn ngữ Ý trong văn chương, là người có công lớn trong việc phát triển bản sắc dân tộc Ý, từ đó xu hướng này lan sang cả cộng đồng châu Âu.
Sự lan truyền nhanh chóng của chủ nghĩa nhân bản trong xã hội được ghi nhận qua số lượng ngày càng đông sinh viên quan tâm đến triết học cổ điển, từ đó thành hình những nhóm làm việc kết nối những người có cùng quan tâm đến các công trình của những tác giả thời cổ đại. Hơn thế nữa, quan tâm đặc biệt của họ còn thể hiện qua việc tìm tòi các công trình quí giá đang còn thất lạc. Tiến bộ về ngành khoa học nhân văn còn thể hiện qua những phương pháp khảo sát các văn bản thời cổ đại, từ đó kiến thức về văn hóa Hy Lạp và La Mã ngày càng đầy đủ hơn[26].
Với sự lan truyền chủ nghĩa nhân bản từ Ý sang phía đông, tây và bắc, đại biểu cho trào lưu nhân bản trong từng vùng tất nhiên không phải là người Ý, và tính chất của trào lưu ấy ở địa phương cũng mang tính chất khác với nguyên thủy của Ý. Điều này cũng dễ hiểu: studia humanitatis là lời giải cho nhu cầu về xã hội và văn hóa. Ở những nước mà cấu trúc kinh tế, xã hội và văn hóa khác Ý, thì tất yếu nhu cầu ấy cũng khác nhau, tương quan giữa người đương thời và văn hóa cổ đại cũng khác nhau[27]. Nhưng điều này không ngăn cản tính nhất quán trong châu Âu về các giá trị nền tảng so với trào lưu nhân bản ở Ý. Con người luôn luôn chiếm vị trí trung tâm trong văn hóa và xã hội. Các hoạt động đều nhắm tới việc tạo dựng cho con người có cơ hội tự trao dồi nhân cách và phẩm hạnh.
Chủ nghĩa nhân bản không chỉ được ưa chuộng và thảo luận giữa các học giả trong khuôn viên đại học và các trường cao cấp, mà dần dần lan rộng ra mọi tầng lớp học thức khác như doanh nhân, lãnh chúa, và cả Giáo hoàng. Một thí dụ sống động là dòng họ Medici ở Florence, trong đó nhiều thế hệ liên tục đều là người ưa chuộng chủ nghĩa nhân bản và tích cực quảng bá trào lưu văn hóa ấy ra xã hội Ý và cả châu Âu.
Dòng họ Medici khởi đầu thành danh bởi những người doanh nhân giàu có, thành đạt trong lĩnh vực thương mại và ngân hàng, được người Florence trọng vọng, nắm quyền bính chính trị trong Cộng hòa Florence, có người trở thành Giáo hoàng La Mã. Thí dụ vài nhân vật[28]: Giovanni Bicci de Medici là người giàu nhất trên bán đảo Ý. Cosimo de Medici xây dựng Banco Medici thành một ngân hàng tiếng tăm ở châu Âu. Giovanni de Medici trở thành Giáo hoàng Leo X năm 1513. Giulio de Medici thành Giáo hoàng Clemens VII năm 1523. Gần mười người khác là Hồng y, có cả lãnh chúa, hoàng hậu Pháp v.v.. Suốt 200 năm kể từ giữa thế kỷ 14, đời sống văn hóa của cộng hòa Florence cũng như của Ý nói chung luôn luôn gắn liền với tên tuổi dòng họ Medici, mà đấy là những người quảng bá tích cực cho chủ nghĩa nhân bản, cho nên trào lưu này bám rễ nhanh chóng vào xã hội nước Ý đương thời.
Thế kỷ 14 và 15 của cộng hòa Florence là thế kỷ của chủ nghĩa nhân bản. Mạnh hơn cả gia đình Medici là tác động của ba nhà nhân bản tiếng tăm đương thời[29], những người đã trị vì cộng hòa Florence hơn 2/3 thời gian trong vòng 100 năm từ giữa thế kỷ 14. Họ không chỉ là những người ngưỡng mộ, ủng hộ thụ động, mà là những chính trị gia có quyền lực và học giả nhân bản uyên thâm, mỗi người ghi lại những dấu ấn khác nhau lên đời sống văn hóa của Florence và cả nước Ý nói chung. Ba vị đó là ai?
Thứ nhất, Coluccio Salutati là học giả về đạo đức học. Trong việc nghiên cứu văn hóa cổ đại, không những ông kế thừa hết tinh hoa của Marcus Tullius Cicero[30], mà còn nâng nghệ thuật viết thư, văn phạm và hùng biện lên một tầm cao, trở thành mẫu mực cho các bài bút chiến và văn thư ngoại giao. Thứ hai, Leonardo Bruni làm một dấu chấm hết cho quan điểm lịch sử cổ điển mang tính chất thần học để xây dựng quan điểm khảo sát lịch sử lấy con người thế tục trong xã hội đời thực làm trung tâm. Thêm vào đó, nếu như Salutati đã nhiều lần nhắc nhở đến nhiệm vụ của công dân trong một xã hội nhân bản, thì Bruni còn đi xa hơn khi nói: Từng cá nhân chỉ có thể đạt đến sự toàn thiện cao nhất trong một xã hội phục vụ cho con người. Thứ ba, Poggio Bracciolini là nhà văn, chuyên gia dịch thuật, đã làm việc với tính cách tông đồ của bốn đời Giáo hoàng La Mã[31].
Việc trở về khai thác, sử dụng và triển khai văn chương nghệ thuật thời cổ đại là tính chất nền tảng của chủ nghĩa nhân bản, cũng như phong trào phục hưng đi kèm với nó. Như Leonardo Bruni[32] nhận xét một cách hãnh diện: “Ngay cả kiến thức của văn chương Hy Lạp vốn dĩ bị chôn vùi trên đất Ý hơn 700 năm, nay được cộng hòa chúng ta đánh thức dậy[33]”. Bruni muốn làm một sự so sánh mang tính ẩn dụ rằng, Florence chính là Athens của thế kỷ 15.
Chúng ta không đi sâu vào khía cạnh triết học của trào lưu nhân bản, nhưng cũng cần làm một cước chú nhỏ. Dù tư tưởng của hai thầy trò Plato và Aristotle thời cổ đại Hy Lạp đều đặt trên một nền tảng như nhau, trào lưu nhân bản có xu hướng thiên về tư tưởng của Plato hơn là sử dụng các học thuyết của Aristotle. Điều này dẫn đến hệ luận là, nền giáo dục theo chủ nghĩa nhân bản dần dần từ bỏ nội dung và phương pháp giảng dạy của phái kinh viện[34] vốn dĩ được bám rễ từ lâu trong các tu viện và các đại học có xu hướng theo Aristotle. Ngoài ảnh hưởng của tư tưởng Plato, các nhà nhân bản còn đặt lại một vấn đề cốt lõi của Kitô giáo cho rằng “tất cả mọi chi tiết của hoàn vũ đều được Thượng Đế sắp đặt phán bảo[35]”. Hơn thế nữa, họ nghi ngờ tính chính danh của nhà nước thần quyền[36], mà cơ cấu quyền lực là Tòa Thánh Rome và các giáo phận. Vì thế, chủ nghĩa nhân bản tất yếu gặp sự chống đối của giáo hội đối với trào lưu văn hóa mới này. Cuộc đấu tranh tư tưởng giữa thế tục và thần quyền bắt đầu đi vào một khúc quanh mới.
Hình [3]: Toàn cảnh bích họa “The school of Athens”. Tác giả: Raffaello Sanzio.
Nguồn: Museivaticani.va, vùng công cộng
Ở trung tâm, dưới vòm cửa là Plato và Aristotle (xem hình phóng đại bên dưới)
Hình [4]: Plato và Aristotle, phóng lớn một góc của bích họa “The school of Athens”. Tác giả: Raffaello Sanzio
Nguồn: Web Gallery of Art, vùng công cộng
Nhà vật lý siêu hiện thực Plato chỉ tay lên trời với thông điệp: những điều thánh thiện được tác động từ bên trên trong lúc Aristotle theo chủ nghĩa hiện thực với bàn tay hướng về quả đất.
Cũng không có gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy chủ nghĩa nhân bản đã nhanh chóng bám rễ vào xã hội Ý và ảnh hưởng lên các trào lưu văn hóa châu Âu kể từ thế kỷ 15. Cộng hòa Florence cũng như Venice, Genoa và Mailand là những mẫu mực của châu Âu về thương mại và giàu có. Bologna, Padua là mẫu mực về giáo dục đại học, Rome là biểu tượng cho quyền lực, cho nên Ý được xem như thánh địa cho những ai yêu chuộng chủ nghĩa nhân bản và trào lưu văn hóa mới.
Đến cuối thế kỷ 15, chủ nghĩa nhân bản đã được phổ biến rộng trên khắp lục địa châu Âu. Học giả các nước tìm cách sử dụng sáng kiến từ Ý và thích ứng vào hoàn cảnh văn hóa địa phương. Những gương mặt tiêu biểu đầu tiên có thể kể là Robert Gaguin và LeFrèvre d’Etaples ở Pháp; Rudolf Agricola, Conrad Celtis và Johann Reuchlin ở Đức; William Grocyn, Thomas Linacre và John Colet ở Anh.
Mỗi địa phương có một nét đặc thù khác nhau, nhưng không làm thay đổi tính chất nền tảng của chủ nghĩa nhân bản Ý. Ở phía bắc dãy núi Alps, trào lưu nhân bản gắn liền với các vấn đề về đạo đức và tôn giáo. Ở Đức, nó mang thêm nội dung yêu nước. Khác với Ý, nét đặc thù này ở phía bắc đã dẫn đến sự thành hình những nhân tố cách mạng vốn dĩ có tác động mạnh vào phong trào cải cách tôn giáo vào đầu thế kỷ 16. Ở Pháp, nhà nhân bản thuộc thế hệ thứ hai Guillaume Budé tiếp tục đặt trọng điểm vào triết học cổ điển, trong lúc nhà nhân bản Tây Ban Nha Juan Luís Vives thì thiên về các vấn đề đạo đức và xã hội đương thời. Thomas Morus của Anh thì cá nhân hóa những xung đột nội tâm của các nhà nhân bản Kitô. Nhà nhân bản lớn Erasmus của Hà Lan thì kết nối các tính chất kể trên. Ông nghiên cứu văn hóa cổ đại, giáo dục và luân lý học, đồng thời giữ khoảng cách với phong trào cải cách tôn giáo[37] trong giai đoạn phát triển cực đoan.
Trong lúc trào lưu nhân bản là thành tố quan trọng thúc đẩy sự ra đời cuộc cải cách tôn giáo thì oái ăm thay, nó cũng bắt đầu tàn lụi khi cuộc cải cách đang dâng lên cao độ. Nền tảng tự do khoan dung của chủ nghĩa nhân bản với một viễn kiến xa rộng phải nhường chỗ cho sự chia rẽ hận thù mang tính chất học phái. Và các cuộc chiến tranh vô nghĩa đi liền sau đó trên khắp lục địa đã hủy diệt môi trường cần thiết cho chủ nghĩa nhân bản tiếp tục phát triển.
Nhưng dù sao, nền văn hóa châu Âu trong thế kỷ 16 và các thế kỷ tiếp theo vẫn mang đậm dấu ấn từ các thành quả đạt được trong trào lưu nhân bản. Trong mối tương quan với văn hóa Kitô thời hiện đại, giáo sư Alexander Schwan nhận xét như sau[38]: Chủ nghĩa nhân bản, với những gương mặt tiếng tăm chúng ta đã biết, tất nhiên không chỉ là những triết lý mang tính lý thuyết; chủ nghĩa đó đã khắc đậm dấu ấn lên toàn bộ nền văn hóa, giáo dục và chính trị châu Âu cũng như tại các nước khác chịu ít nhiều ảnh hưởng của châu Âu. Chủ nghĩa nhân bản thời hiện đại, với sự thành hình từ nguồn gốc triết lý của nó, vừa là sự tiếp nối đồng thời cũng đối chọi với giáo lý Kitô, vừa là ái lực trên một vài khía cạnh, nhưng cũng nhiều lúc là sự phủ quyết từ gốc rễ với văn hóa Kitô.
Bằng thái độ thoát ly khỏi sự giám hộ của tôn giáo, con người nhân bản trong thời đại phục hưng đã tạo một thế đứng độc lập cho triết học và khoa học, một giá trị mới cho con người châu Âu hiện đại. Từ thế giới quan làng xã của xã hội trung cổ, họ bước sang tư duy cởi mở của con người mới trong kỷ nguyên hiện đại. Cho dù xu hướng này chưa trở thành một trào lưu không thể nào đảo ngược, nhưng nó đã tạo nên một biểu tượng mới, tạo cảm hứng cho những thế hệ đi sau. Hệ tư tưởng của lục địa châu Âu đạt đến một khúc quanh mới có nhiều hứa hẹn.
Để kết thúc phần này, xin mượn lời giáo sư Ilan Rachum: Bản sắc của người châu Âu hiện đại khó có thể phát triển như hiện nay, nếu không có những thành quả gặt hái được từ chủ nghĩa nhân bản trong thế kỷ 14 và 15, vốn dĩ là dòng văn hóa chủ đạo của phong trào phục hưng[39].
Cáo lỗi: Vì khuôn khổ giới hạn của báo mạng, bài này xin bỏ qua một số vấn đề cũng lý thú về chủ nghĩa nhân bản: triết lý đạo đức học, khoa học tự nhiên, cuộc đời những nhà nhân bản lớn, phát triển tại các nước Tây Ban Nha, Pháp, Anh và Đức. Xin cáo lỗi cùng bạn đọc và hẹn dịp khác.
Tác giả: Tôn Thất Thông, CHLB Đức
(Độc giả có quyền đăng lại hoặc trích dẫn không giới hạn, nhưng cần ghi rõ nguồn. Để theo dõi nội dung này một cách đầy đủ hơn, xin mời quí vị tham khảo các sách về “Văn minh châu Âu“ của cùng tác giả)
Xem thêm: Những bài đã đăng về Lịch sử Văn minh châu Âu

Tài liệu tham khảo

1.   Böckle, Franz & Franz-Xaver Kaufmann, Karl Rahner, Bernhard Welte chủ biên
Niềm tin Kitô trong xã hội hiện đại, Tập 19 (Christlicher Glaube in moderner Gesellschaft, Teilband 19). ISBN 3-451-19219-5
2.   Brucker, Gene
Florence trong thời kỳ phục hưng (Florenz in der Renaissance – Claudia Preuschoft dịch từ tiếng Anh: Renaissance Florence). ISBN 3-499-55480-1
3.   Bùi Văn Nam Sơn
Trò chuyện triết học. Nhà xuất bản Tri Thức, 2012
4.   Burckhardt, Jacob
Văn hóa phục hưng ở Ý (Die Kultur der Renaissance in Italien). ISBN 3-933-20389-9
5.   Guizot, François
Lịch sử Văn minh châu Âu (The History of Civilization in Europe – William Hazlitt dịch từ tiếng Pháp: Histoire Générale de la Civilisation en Europe). Penguin Books 1997
6.   Hay, Denys
Phục hưng - Trở về thời cổ đại (Die Renaissance – Die Rückwende zur Antik – Siglinde Summerer dịch từ tiếng Anh). ISBN 3-426-03630-4
7.   Jeismann, Michael chủ biên và nhiều tác giả
Thế kỷ 15 (Das 15. Jahrhundert). ISBN 3-406-45615-4
8.   Johnson, Paul
Thời Phục Hưng - Một lịch sử tóm tắt (The Renaissance – A short history). ISBN 978-0-8129-6619-0
9.   Kuester, Hildegard chủ biên & nhiều tác giả
Thế kỷ 16 - Thời phục hưng ở châu Âu (Das 16. Jahrhundert – Europäische Renaissance). ISBN 3-7917-1468-6
10.        Le Goff, Jacques
Thời trung cổ hưng thịnh (Das Hochmittelalter – Sigrid Metken dịch từ tiếng Pháp). ISBN 3-596-60011-1
11.        Rachum, Ilan
Từ điển tường giải phong trào phục hưng (Enzyklopädie der Renaissance – Hermann Teifer dịch từ tiếng Anh: The Renaissance: An Illustrated Encyclopaedia. ISBN 3-7611-0725-0
12.        Romano, Ruggiero & Tenenti, Alberto
Thành tố cơ bản của thế giới hiện đại (Die Grundlegung der Modernen Welt – Helga Brissa, Heinz Wismann và Egbert Türk dịch từ tiếng Ý: Alle origini del mondo moderno). ISBN 3-828-90400-9
13.        Samhaber, Ernst
Lịch sử châu Âu (Geschichte Europas). ISBN 3-771-30169-6
14.        Stevenson, Leslie; Haberman, David L. & Wright, Peter M.
Mười hai học thuyết về bản tính con người (Lưu Hồng Khanh dịch từ tiếng Anh: Twelve Theories of Human Nature). ISBN 978-604-956-006-4
15.        Stützer, Herbert Alexander
Phong trào phục hưng ở Ý (Die Italienische Renaissance). ISBN 3-7701-0990-2
16.        Van Doren, Charles
Lịch sử của tri thức (Geschichte des Wissens – Anita Ehler dịch từ tiếng Anh: A history of knowledge). ISBN 3-764-35324-4
17.        Vorländer, Karl
Triết học thời kỳ phục hưng (Philosophie der Renaissance). ISBN 3-499-55242-6




Ghi chú

[1] Xem tài liệu [9], H. Kuester và Benedikt Konrad Vollmann, trang 25

[2] Xem tài liệu [2], G. Brucker trang 83-87

[3] Xem tài liệu [6], D. Hay & N. Rubinstein, trang 18

[4] Xem thêm tài liệu [4], J. Burckhardt, trang 229-231 và tài liệu [16], C. Van Doren, trang 169-171

[5] Đấy là một mối tình đơn phương, vì sử sách cũng không nói rõ là Beatrice có thật hay không, chỉ phỏng đoán rằng Beatrice lấy chồng năm 20 tuổi và chết năm 25 trong một trận dịch. Cũng có thể tất cả chỉ là huyền thoại.

[6] Dịch từ Vita Nova, sau này nhiều người viết là Vita Nuova. Từ “mới” mang nhiều nghĩa: nó là sức mạnh mới từ tình yêu đối với Beatrice, là phong cách mới trong sáng tác, và cũng là cuộc đời mới của Dante kể từ đây.

[7] Xem thêm tài liệu [16], C. Van Doren, trang 177-178, tài liệu [6], D. Hay & R. Weiss, trang 76-77 và tài liệu [4], J. Burckhardt trang 231-232

[8] Không ai biết là Laura có thật hay không, Petrarca có gặp nàng lần đầu trong một thánh đường ở Avignon hay không, có phải Laura lúc ấy mới 16 tuổi và đã có chồng hay không. Tất cả, không có gì rõ rệt được lưu truyền lại.

[9] Vòng nguyệt quế, lần đầu tiên được Caesar tự đội lên đầu lúc đăng quang, là biểu tượng của quyền uy cao nhất, xem như ngang hàng với thánh.

[10] Xem tài liệu [17], K. Vorländer trang 16

[11] Xem tài liệu [4], J. Burckhardt trang 167. Đấy là nhận xét của Boccaccio

[12] Xem tài liệu [9], H. Kuester & B. K. Vollmann, trang 26-27

[13] Xem tài liệu [12], R. Romano và A. Tenenti, trang 147

[14] Xem tài liệu [6], D. Hay & N. Rubinstein, trang 19

[15] Xem tài liệu [16], C. Van Doren trang 176

[16] Xem tài liệu [8], P. Johnson trang 180

[17] Tất nhiên là vai trò khai mào cho trào lưu cải cách vẫn thuộc về Martin Luther với 95 luận đề nổi tiếng năm 1517, làm động tác sau cùng để trứng nở thành gà con.

[18] Xem tài liệu [17], K. Vorländer, trang 15

[19] Xem tài liệu [4], J. Burckhardt trang 425-427

[20] Xem tài liệu [2], G. Brucker, trang 279

[21] Dịch từ teleology. Học thuyết này cho rằng hành động và tư duy con người là do chủ ý của một sức mạnh ngoại tại, dẫn dắt đến một mục đích rõ ràng.

[22] Tạm dịch chữ Chancellor. Thời nay, người ta dịch Chancellor là Thủ tướng.

[23] Xem tài liệu [2], G. Brucker, trang 287

[24] Coluccio di Piero Salutati (1331-1406) là nhà nhân bản đầu tiên làm đến quan đại pháp (tạm dịch từ Chancellor) của Florence vào năm 1375.

[25] Xem tài liệu [15], H. A. Stützer, trang 11

[26] Xem tài liệu [2], G. Brucker, trang 279

[27] Xem tài liệu [9], H. Kuester & B. K. Vollmann, trang 27

[28] Xem tài liệu [11], I. Rachum, trang 336-337

[29] Coluccio Salutati trị vì Florence 39 năm từ 1367 đến 1406, Leonardo Bruni 17 năm từ 1427 đến 1444, Poggio Bracciolini trị vì 6 năm từ 1453 đến 1459.

[30] Cicero (106-43 trước công nguyên) là nhà học giả đa năng thời cổ đại: chính trị gia, luật sư, văn sĩ, triết gia và đặc biệt nổi bật là nghệ thuật hùng biện, năng khiếu ngôn ngữ và viết thư.

[31] Xem tài liệu [15], H. A. Stützer, trang 11-12

[32] Leonardo Bruni (1370-1444) là nhà nhân bản xuất sắc trong thời đại của ông, đồng thời cũng là chính trị gia lỗi lạc của Florence, đã từng là nhân viên thân cận của hai đời Giáo hoàng (xem tài liệu [11], I. Rachum, trang 78).

[33] Xem tài liệu [6], D. Hay & N. Rubinstein, trang 25

[34] Dịch từ Scholasticism, được phát triển trong thời trung cổ dựa vào các tài liệu để lại của Aristotle.

[35] Xem tài liệu [14], L. Stevenson và Lưu Hồng Khanh, trang 212.

[36] Xem tài liệu [16], C. Van Doren trang 208

[37] Xem tài liệu [11], I. Rachum trang 223

[38] Xem tài liệu [1], F. Böckle & A. Schwan trang 51 (Humanismen und Christentum)

[39] Xem tài liệu [11], I. Rachum, trang 222-223

Print Friendly and PDF