21.12.18

Đọc Karl Marx! Một cuộc trao đổi với Immanuel Wallerstein


ĐỌC KARL MARX! MỘT CUỘC TRAO ĐỔI VỚI IMMANUEL WALLERSTEIN
Marcello Musto
Trong ba thập kỉ qua, các chính sách và hệ tư tưởng tân tự do gần như không bị thách thức trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, cùng với những bất bình đẳng sâu sắc tồn tại trong lòng xã hội chúng ta – đặc biệt giữa phương Bắc và phương Nam– và các vấn đề môi trường đầy thảm họa của thời đại chúng ta đã thúc giục nhiều học giả, nhà phân tích kinh tế và chính trị gia mở lại cuộc tranh luận về tương lai của chủ nghĩa tư bản và sự cần thiết của một đối chọn khác. Chính trong bối cảnh này, hầu như ở khắp nơi trên thế giới, nhân dịp sinh nhật lần thứ 200 của Marx, đã có “sự hồi sinh của Marx”; trở về với vị tác gia trong quá khứ vốn thường bị gắn kết một cách sai trái với chủ nghĩa giáo điều Marx – Lenin, và sau đó nhanh chóng bị bác bỏ sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin [tháng 11/ 1991].
Trở lại với Marx không chỉ là cần thiết để hiểu được lô gíc và cơ năng của chủ nghĩa tư bản. Công trình của ông cũng là một công cụ rất hữu ích, cung cấp một cuộc thẩm tra nghiêm ngặt giải thích tại sao các thử nghiệm kinh tế xã hội trước đó thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một phương thức sản xuất khác lại thất bại. Sự giải thích về những thất bại này là điều rất quan trọng để chúng ta tìm kiếm những lựa chọn thay thế hiện nay.
Immanuel Wallerstein (1930-)

Immanuel Wallerstein (www.iwallerstein.com), hiện tại ông là học giả cao cấp (Senior Research Scholar) tại đại học Yale, New Haven – Hoa Kì, là một trong những nhà xã hội học vĩ đại nhất còn sống, và là một trong những học giả thích hợp nhất để thảo luận về tính phù hợp cho hiện tại của Marx. Ông là một độc giả của Marx trong thời gian dài và công trình của ông chịu ảnh hưởng bởi lí thuyết của nhà cách mạng sinh ra ở Trier, ngày 5 tháng 5 năm 1818 này. Wallerstein đã viết hơn 30 cuốn sách, được dịch ra nhiều thứ tiếng, bao gồm cả tác phẩm nổi tiếng The Modern World-System [Hệ thống-Thế Giới Hiện Đại], xuất bản thành 4 tập trong khoảng thời gian từ năm 1974 đến năm 2011.
***
Karl Marx (1818-1883)
Marcello Musto (1976-)
Marcello Musto: Giáo sư Wallerstein, 30 năm sau khi kết thúc cái gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực”, đã liên tục có các ấn phẩm, những cuộc tranh luận và các hội nghị trên toàn cầu về khả năng của Karl Marx để tiếp tục giải thích hiện tại. Điều này có đáng ngạc nhiên không? Hay ông có tin rằng ý tưởng của Marx sẽ vẫn phù hợp với những người đang tìm kiếm một sự thay thế cho chủ nghĩa tư bản?
Immanuel Wallerstein: Có một câu chuyện cũ về Marx: bạn ném ông ấy ra cửa trước và rồi ông lại lẻn vào qua cửa sổ phía sau. Đó là những gì đã tái diễn. Marx rất phù hợp, bởi chúng ta phải xử lí các vấn đề mà ông vẫn còn có rất nhiều điều để nói và bởi những gì ông nói thì khác với những gì mà hầu hết các tác giả khác lập luận về chủ nghĩa tư bản. Nhiều nhà báo và học giả – không chỉ bản thân tôi – nhận thấy Marx cực kì hữu ích và ngày nay ông đang ở trong một giai đoạn nổi tiếng mới của mình, bất chấp những gì đã được dự đoán vào năm 1989.
Marcello Musto: Sự sụp đổ của Bức tường Berlin đã giải phóng Marx ra khỏi các chuỗi của một hệ tư tưởng ít có liên quan đến quan niệm về xã hội của ông. Bối cảnh chính trị sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết [năm 1991] đã giúp Marx được giải phóng ra khỏi vai trò bù nhìn cho một bộ máy nhà nước. Điều gì khiến những giải thích của Marx về thế giới tiếp tục thu hút sự chú ý?
Immanuel Wallerstein: Tôi tin rằng khi mọi người nghĩ tới cách diễn giải của Marx về thế giới bằng một khái niệm thì họ sẽ nghĩ đến “đấu tranh giai cấp”. Khi tôi đọc Marx dưới ánh sáng của các vấn đề hiện tại, đối với tôi, đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh cần thiết của cái mà tôi gọi là Cánh Tả Toàn Cầu – những người mà tôi tin rằng nỗ lực để đại diện cho 80% dân số trên thế giới thuộc tầng lớp bên dưới tính theo thu nhập – chống lại Cánh Hữu Toàn Cầu – đại diện cho khoảng 1% dân số. Cuộc đấu tranh giai cấp giành giựt 19% dân số còn lại. Và đó là cuộc đấu tranh để làm sao họ về phe đông đảo, hơn là về phe còn lại.
Chúng ta đang sống trong thời đại khủng hoảng có tính cấu trúc của hệ thống thế giới. Hệ thống tư bản không thể tồn tại, nhưng không ai có thể biết chắc chắn điều gì sẽ thay thế nó. Tôi tin rằng có hai khả năng: một là cái mà tôi gọi là “Tinh thần Davos”. Mục tiêu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos là thiết lập một hệ thống duy trì những đặc điểm tồi tệ nhất của chủ nghĩa tư bản: tình trạng phân cấp xã hội, bóc lột và, trên hết là, phân cực giàu nghèo. Phương án thay thế là một hệ thống phải dân chủ hơn và bình đẳng hơn. Đấu tranh giai cấp là nỗ lực cơ bản để tác động đến tương lai của những gì sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản.
Antonio Gramsci (1891-1937)
Marcello Musto: Suy ngẫm của ông về tầng lớp trung lưu khiến tôi nhớ tới ý tưởng về bá quyền của Antonio Gramsci, nhưng tôi nghĩ điểm mấu chốt là làm cách nào để thúc đẩy cả khối người, nhóm 80% mà ông đã đề cập, tham gia chính trị. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với phương Nam, nơi phần lớn dân số thế giới tập trung, và ở đó, trong những thập kỉ qua, bất chấp tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng do chủ nghĩa tư bản tạo ra, các phong trào tiến bộ đã yếu hơn nhiều so với trước đây. Ở những vùng này, phe đối lập với quá trình toàn cầu hóa tân tự do thường được chuyển đổi thành phe ủng hộ các xu thế bảo căn tôn giáo cũng như thành các phe bài ngoại. Chúng ta ngày càng thấy hiện tượng này đang trỗi dậy ở châu Âu.
Câu hỏi đặt ra là: Marx có giúp ta hiểu kịch bản mới này không? Các nghiên cứu được công bố gần đây đã cung cấp những diễn giải mới về Marx có thể góp phần mở “cửa sổ phía sau” khác trong tương lai, để sử dụng thành ngữ của ông. Các công trình này bộc lộ một tác giả đã mở rộng việc thẩm tra những mâu thuẫn của xã hội tư bản, vượt ra ngoài mâu thuẫn giữa tư bản và lao động, sang các lĩnh vực khác. Sự thật là, Marx đã dành rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu các xã hội ngoài châu Âu và vai trò hủy hoại của chủ nghĩa thực dân ở ngoại vi của chủ nghĩa tư bản. Một cách nhất quán, trái ngược với những cách giải thích đồng nhất quan điểm chủ nghĩa xã hội của Marx với sự phát triển của các lực lượng sản xuất, các mối quan tâm về sinh thái được làm nổi bật trong công trình của ông.
Cuối cùng, Marx rất quan tâm đến một số chủ đề khác mà các học giả thường bỏ qua khi nói về ông. Trong số đó có tính tiềm năng về công nghệ, sự phê phán chủ nghĩa dân tộc, việc tìm kiếm các hình thức sở hữu tập thể không bị nhà nước kiểm soát và nhu cầu tự do cá nhân trong xã hội đương đại: đó cũng chính là tất cả các vấn đề cơ bản của thời đại chúng ta. Nhưng bên cạnh những bộ mặt mới của Marx – điều này gợi ý là mối quan tâm trở lại đối với tư duy của ông là một hiện tượng sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới – ông có thể chỉ ra ba ý tưởng được công nhận nhất của Marx mà ông cho là đáng được xem xét lại ngày nay không?


Immanuel Wallerstein: Trước hết, Marx đã giải thích cho chúng ta tốt hơn bất kì người nào khác rằng chủ nghĩa tư bản không phải là cách tự nhiên để tổ chức xã hội. Trong The Poverty of Philosophy [Sự Khốn Cùng của Triết học], xuất bản khi ông mới 29 tuổi, ông đã chế giễu các nhà kinh tế chính trị tư sản, những người đã lập luận rằng quan hệ tư bản “là quy luật tự nhiên, độc lập với sự ảnh hưởng của thời gian”. Marx viết rằng đối với họ “đã từng có lịch sử, vì trong các xã hội phong kiến, chúng ta tìm thấy những quan hệ sản xuất khá khác với những quan hệ sản xuất trong những ​​xã hội tư sản”, nhưng họ không áp dụng lịch sử cho phương thức sản xuất mà họ ủng hộ; họ biểu trưng chủ nghĩa tư bản “như một thứ gì đó tự nhiên và vĩnh viễn”. Trong cuốn Historical Capitalism [Chủ nghĩa Tư bản Lịch sử] của mình, tôi đã cố gắng nhấn mạnh rằng chủ nghĩa tư bản là những gì đã diễn ra trong lịch sử, trái ngược với một số ý tưởng mơ hồ và không rõ ràng được một số nhà kinh tế chính trị dòng chính tán thành. Tôi lập luận nhiều lần rằng chẳng có chủ nghĩa tư bản nào mà không phải là chủ nghĩa tư bản lịch sử. Với tôi điều này đơn giản như thế và chúng ta nợ Marx rất nhiều.
Thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của khái niệm “tích lũy ban đầu”, có nghĩa là chính việc nông dân bị truất quyền sở hữu ruộng đất là nền tảng của chủ nghĩa tư bản. Marx hiểu rất rõ rằng đó là một quá trình quan trọng hình thành sự thống trị của giai cấp tư sản. Nó đã có từ lúc khởi đầu của chủ nghĩa tư bản và vẫn tồn tại ngày nay.
Joseph Stalin (1878-1953)
Cuối cùng, tôi muốn mời gọi suy ngẫm nhiều hơn về chủ đề “tư hữu và chủ nghĩa công sản”. Trong hệ thống đã được thành lập ở Liên bang Xô Viết – đặc biệt là dưới thời Stalin – nhà nước sở hữu tài sản nhưng nó không đồng nghĩa là mọi người không bị bóc lột hoặc bị áp bức. Họ đã bị như thế. Nói về chủ nghĩa xã hội ở một đất nước, như Stalin đã làm, cũng là một thứ chẳng bao giờ đi vào tâm khảm của bất kì người nào, kể cả Marx, trước thời kì đó. Sở hữu công về các phương tiện sản xuất là một khả năng. Chúng cũng có thể là đối tượng của việc đồng sở hữu. Nhưng ta phải biết người nào đang sản xuất và người nào đang nhận giá trị thặng dư nếu ta muốn thiết lập một xã hội tốt hơn. Điều đó phải được tổ chức lại hoàn toàn, so sánh với chủ nghĩa tư bản. Đó là câu hỏi then chốt đối với tôi.
Marcello Musto: Năm 2018 đánh dấu sinh nhật lần thứ 200 của Marx và những cuốn sách cũng như các bộ phim mới đã được xuất bản để tưởng nhớ về cuộc đời ông. Có giai đoạn nào trong tiểu sử của Marx mà ông thấy thú vị nhất không?
Immanuel Wallerstein: Marx có một cuộc sống rất khó khăn. Ông đã đấu tranh chống lại tình trạng nghèo khổ của bản thân và ông đã may mắn có một người đồng chí như Friedrich Engels, người đã giúp ông [tiếp tục] sinh tồn. Marx cũng không có một đời sống tình cảm dễ dàng và ông rất kiên trì, nỗ lực làm những gì mà ông nghĩ rằng đó là công trình của đời mình – sự hiểu biết về cách thức hoạt động của chủ nghĩa tư bản – thật đáng ngưỡng mộ. Đây là những gì mà ông thấy bản thân mình đang làm. Marx không muốn giải thích về thời cổ đại, cũng như không định nghĩa thế nào là chủ nghĩa xã hội trong tương lai. Đây không phải là nhiệm vụ mà ông tự đặt ra cho mình. Ông muốn hiểu về thế giới tư bản [trong thời đại] mà ông đang sống.
Marcello Musto: Trong suốt cuộc đời của mình, Marx không chỉ đơn thuần là một học giả đứng đơn độc giữa những cuốn sách trong Viện bảo tàng Anh ở London, mà ông cũng luôn là một nhà cách mạng, một chiến binh tham gia vào cuộc đấu tranh trong thời đại của mình. Vì những hoạt động của mình, ông đã bị trục xuất khỏi Pháp, Bỉ và Đức vào lúc trẻ. Ông cũng buộc phải đi lưu vong ở nước Anh khi cuộc cách mạng năm 1848 bị thất bại. Ông tích cực viết báo và tạp chí cũng như luôn ủng hộ phong trào lao động theo mọi cách có thể. Sau đó, từ năm 1864 đến năm 1872, ông trở thành lãnh đạo của Hội liên hiệp Lao động Quốc tế [Quốc tế đệ nhất], tổ chức xuyên quốc gia đầu tiên của giai cấp công nhân, và năm 1871, bảo vệ Công Xã Paris, thử nghiệm xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử.

Immanuel Wallerstein: Vâng, đúng như thế. Đó là điều cần thiết để nhớ về sự đấu tranh của Marx. Như ông vừa nêu lên một cách nổi bật trong cuốn Workers Unite! [Công Nhân Đoàn Kết!], Marx đã có một vai trò phi thường trong Quốc tế [Đệ nhất], một tổ chức của những người ở cách xa nhau về mặt địa lí, tại một thời điểm khi chưa có các cơ chế giao tiếp thuận tiện. Hoạt động chính trị của Marx cũng liên quan đến báo chí. Ông đã thực hiện điều đó trong suốt cuộc đời của mình, như một cách giao tiếp với một lượng độc giả lớn hơn. Ông làm việc như một nhà báo để có thu nhập, nhưng ông lại nhận thấy những đóng góp của mình như một hoạt động chính trị. Ông không có bất kì cảm giác nào về việc mình là người trung lập. Ông luôn là một nhà báo dấn thân.
Marcello Musto: Vào năm 2017, nhân dịp kỉ niệm 100 năm Cách mạng [tháng 10] Nga, một số học giả đã trở lại với [chủ đề] sự tương phản giữa Marx và những nhà cầm quyền trong thế kỉ 20 tự nhận mình là học trò của Marx. Sự khác biệt chính yếu giữa Marx và họ là gì?
Immanuel Wallerstein: Các tác phẩm của Marx đang tỏa sáng, tinh tế và đa dạng hơn một số cách giải thích đơn giản về ý tưởng của ông. Sẽ rất tốt nếu ta luôn nhớ đến câu nói hóm hỉnh nổi tiếng của Marx: “Nếu đây là chủ nghĩa Marx, chắc chắn là tôi không phải là một người theo chủ nghĩa Marx.” Marx luôn luôn sẵn sàng để xử lí thực tiễn thế giới, không giống như nhiều người khác áp đặt quan điểm của họ. Marx thường xuyên đổi ý. Ông liên tục tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề mà ông thấy rằng thế giới đang phải đối mặt. Đó là lí do tại sao ông vẫn là một người hướng dẫn rất hữu ích và hữu dụng.
Marcello Musto: Để kết thúc [cuộc trò chuyện này], ông muốn nói gì với thế hệ trẻ, những người chưa từng gặp Marx?

Immanuel Wallerstein: Điều đầu tiên tôi phải nói với những người trẻ rằng họ phải đọc Marx. Đừng đọc về Marx, mà hãy đọc Marx. Rất ít người – so với nhiều người luôn nói về Marx – thực sự đọc Marx. Điều đó cũng đúng với Adam Smith. Nói chung, người ta chỉ đọc về những tác giả kinh điển này. Mọi người tìm hiểu về họ thông qua phần tóm tắt của người khác. Họ muốn tiết kiệm thời gian nhưng, thực sự, đó lại là một sự lãng phí thời gian! Mọi người phải đọc những người thú vị và Marx chính là học giả thú vị nhất của thế kỉ 19 và 20. Chẳng còn gì phải nghi ngờ nữa. Chẳng có ai là có thể bằng ông về số lượng những điều ông viết, cũng như [bằng ông] về chất lượng trong phân tích của ông. Vì vậy, thông điệp của tôi với thế hệ mới đó là Marx cực kì đáng được khám phá và bạn phải đọc, đọc, đọc Marx. Hãy đọc Karl Marx!
-----------------------------


Marcello Musto là Phó Giáo sư về Lí thuyết Xã hội Học tại Đại học York, Toronto – Canada. Ông đã biên soạn và biên tập một số cuốn sách về Marx, bao gồm Karl Marx’s Grundrisse [Grundrisse của Karl Marx] (Routledge, 2008); Marx for Today [Marx cho Ngày nay] (Routledge, 2012); Workers Unite! [Công nhân Đoàn kết!] (Bloomsbury, 2014) và mới nhất là Another Marx [Một Marx khác (Bloomsbury, 2018). www.marcellomusto.org
Về Immanuel Maurice Wallerstein, có thể tham khảo bài viết Immanuel Wallerstein với lý thuyết hệ thống thế giới hiện đại và lý thuyết trung tâm - ngoại vi, Hồ Sĩ Quý, năm 2014 [ND]
Hoàng Văn Lộc Lý Hoàng Minh Uyên dịch
Print Friendly and PDF