4.6.18

Marx, người báo trước sinh thái học

MARX, NGƯỜI BÁO TRƯỚC SINH THÁI HỌC?[*]

Michel Husson
Karl Marx (1818-1883)
Khi thì mang tinh thần lấp bể vá trời” ("Promethean")khi thì mang tính trọng sản xuất trong cái nhìn về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, Karl Marx không kém phần phê phán chủ nghĩa tư bản, một chế độ vốn nhất định vắt cạn tất cả các nguồn lực.
Trong trò chơi nhỏ về trích dẫn, người ta có thể tìm thấy ở Marx ít nhất ba cách tiếp cận về mối quan hệ giữa loài người và tự nhiên. Cách tiếp cận thứ nhất, được phát triển trong tác phẩm Các bản thảo năm 1844, có thể gọi là  tính “lấp bể vá trời”("Promethean"). Marx nhấn mạnh đến ý tưởng cho rằng chủ nghĩa cộng sản là "giải pháp thực sự cho cuộc xung đột giữa con người và tự nhiên. "Một xã hội không có tư hữu là "việc hoàn thành sự thống nhất giữa bản chất con người với tự nhiên, sự phục sinh thực sự của tự nhiên, chủ nghĩa tự nhiên hoàn hảo của con người và chủ nghĩa nhân văn hoàn hảo của tự nhiên".
Kế đến là phiên bản "trọng sản xuất" được phát triển trong nhiều bản thảo của bộ Capital [Tư bản luận đặc biệt trong tác phẩm Góp phần phê phán kinh tế học chính trị xuất bản năm 1859. Marx đã giới thiệu trong đó sự đối lập nổi tiếng giữa "lực lượng sản xuất" và "quan hệ sản xuất". Nhưng ông không thảo luận về bản chất của các lực lượng sản xuất này.
Trong tác phẩm Grundrisse (hay Các bản thảo từ 1857-1858), ông thậm chí còn cho thấy ông rơi vào một hình thức mê hoặc trước "hành động khai hóa vĩ đại của tư bản" đã biết tạo ra "sự chiếm đoạt phổ quát tự nhiên". Chỉ duy nhất đối với tư bản thì "tự nhiên [mớitrở thành một đối tượng thuần túy đối với con người, một vấn đề tiện ích thuần túy; tự nhiên không còn được thừa nhận như là một quyền lực tự thân; và ngay cả những hiểu biết lý thuyết về các định luật độc lập của tự nhiên hiện ra như là một mưu mẹo để phục vụ các nhu cầu của con người".

Chủ nghĩa tư bản hủy diệt

David Ricardo (1772-1823)
Justus von Liebig (1803-1873)
Cuối cùng, một cách thứ ba đặt vấn đề đồng hành với các công trình của Marx là vấn đề địa tô. Theo Ricardo, lợi tức giảm dần vì việc khai thác đất đai chuyển từ những đất đai màu mỡ nhất sang những đất đai kém màu mỡ hơn, điều mà Marx tranh luận. Ricardo đặc biệt dựa vào tác phẩm của Justus von Liebig (Chimie organique appliquée à la physiologie végétale et à l’agriculture [Hóa hữu cơ ứng dụng vào sinh lý học thực vật và nông nghiệp]), theo đó một trong những "giá trị bất hủ" là phát triển "khía cạnh tiêu cực của nông nghiệp hiện đại." Vả lại, điều thú vị cần lưu ý là Marx theo dõi cách phát triển của Liebig, giữa những kỳ xuất bản liên tục cuốn sách của Liebig, từ một biện hộ thiếu tính phê phán đối với hóa học nông nghiệp đến việc đặt lại vấn đề về những thiệt hại  nó gây ra. Vì vậy, chúng ta thấy xuất hiện một chủ đề hoàn toàn khác, khi chủ nghĩa tư bản "hủy hoại nguồn sống của tất cả sự giàu có: đất đai và người lao động" (xem khung bên dưới).
Bàn về nghệ thuật cướp bóc đất đai
"Với ưu thế ngày càng tăng của dân số thành thị mà nó dồn vào các trung tâm lớn, sản xuất tư bản một mặt tập trung động lực lịch sử của xã hội và mặt khác làm rối loạn sự chuyển hóa về chất giữa con người và đất đai, có nghĩa là sự quay trở lại với đất đai, những thành phần của đất đai được con người sử dụng, dưới hình thức thức ăn và quần áo, và vì thế là điều kiện tự nhiên vĩnh cửu của tình trạng màu mỡ bền vững của đất đai. (...) Việc người lao động nông nghiệp phân tán trên những diện tích rộng hơn đồng nghĩa với việc phá vỡ lực đề kháng của họ, trong khi sự tập trung [vào thành thị] làm gia tăng lực đề kháng của người lao động thành thị. Giống như trong công nghiệp thành thị, sự gia tăng lực lượng sản xuất và tính lưu động của việc làm ở mức cao nhất trong nông nghiệp hiện đại được trả bằng cái giá của sự suy sút và bệnh tật, làm suy yếu chính bản thân lực lượng lao động.
Và bất kỳ sự tiến bộ nào của nông nghiệp tư bản không chỉ là sự tiến bộ trong nghệ thuật cướp bóc người lao động, mà còn trong nghệ thuật cướp bóc đất đai; bất kỳ sự tiến bộ nào trong việc làm tăng tình trạng màu mỡ của đất đai trong một khoảng thời gian nhất định cũng đồng thời là sự tiến bộ trong việc hủy hoại các nguồn bền vững của tình trạng màu mỡ đó. Một quốc gia, chẳng hạn như, Hoa Kỳ, càng xây dựng ngành đại công nghiệp như là một hậu cảnh phát triển thì quá trình hủy diệt này càng tiến nhanh hơn. Cho nên sản xuất tư bản, khi phát triển công nghệ kỹ thuật và kết hợp quá trình xã hội của sản xuất, cũng đồng thời hủy hoại các nguồn sống của tất cả sự giàu có: đất đai và người lao động.
Trích từ Karl Marx, Le CapitalEditions sociales, 2016 (p 485)
Về điểm này cũng như các điểm khác, công trình của Marx không phải là một khối đồng nhất mà là một công trình không ngừng phát triển, lấy cảm hứng từ các công trình khoa học thời của ông và cho phép diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Đối với một số người, ông Marx coi trọng sản xuất đã là nguồn cảm hứng cho một chủ nghĩa xã hội được quan niệm như là một sự phát triển mãnh liệt của các lực lượng sản xuất, dẫn đến một xã hội phồn vinh. Vì vậy, Marx có thể được xem là người chịu trách nhiệm về mặt trí tuệ đối với kết quả sinh thái thảm khốc của Liên Xô, được biểu tượng hóa bởi sự cạn kiệt của biển Aral.
Sergei Podolinsky (1850-1891)
Friedrich Engels (1820-1895)
Không cần đi xa đến thế, dù sao thì Marx cũng đã lỡ hẹn với sinh thái học khi từ chối những gợi ý của Sergei Podolinsky, một nhà xã hội chủ nghĩa người Ukraina, người đề xuất ông bổ sung lý thuyết về giá trị-lao động bằng một thước đo dựa trên sự chi tiêu năng lượng. Từ các cuộc trao đổi của họ, người ta đặc biệt biết được ý kiến ​​của Engels trong một bức thư gửi cho Marx, khi ông viết: "Điều mà Podolinsky đã hoàn toàn quên đi là con người, với tư cách là người lao động, không chỉ lấy nhiệt hiện tại của mặt trờimà còn lãng phí nhiều hơn nữa lượng nhiệt của mặt trời trong quá khứ. Chúng ta đã thành công trong việc phung phí các nguồn dự trữ năng lượng, than đá, khoáng sản, rừng, v.v., như bạn biết rõ hơn tôi".

Daniel Tanuro
Vì vậy, chính Engels là người nói đúng, và câu cuối của ông tương đối hóa những phê phán của Daniel Tanuro trong cuốn sách (cũng đáng chú ý) của mình L’impossible capitalisme vert [Chủ nghĩa tư bản xanh bất khả thi], theo đó Marx và Engels chỉ xem xét đến các luồng năng lượng mà bỏ qua sự suy giảm của các nguồn dự trữ, đặc biệt là than đá.
John Bellamy Foster (1953-)
Vì vậy, người ta có thể tìm thấy ở Marx những bước đầu của việc xem xét chiều kích sinh thái. Dù sao, hệ thống của ông không khép kín với những bận tâm kiểu này. Nhưng thật khó để nói về Marx như là một nhà sinh thái học, người luôn đặt câu hỏi về tính bền vững về mặt môi trường của chủ nghĩa tư bản. Đó là điều mà các nhà mác-xít người Mỹ, như John Bellamy Foster hoặc Paul Burkett, đã tìm cách làm, những người đã đưa ra khái niệm "sự rạn nứt về mặt chuyển hóa về chất" giữa tự nhiên và loài người mà theo họ Marx đã thiết lập.

Cuộc lỡ hẹn

Douglas Weiner
Nhưng chính vì thế phải giải thích lý do tại sao truyền thống mác-xít đã không thực sự nắm bắt cách tiếp cận này. Người ta chắc chắn có thể tìm thấy những cách tiếp cận mở rộng ví dụ ở Kautsky, nhà lý thuyết về vấn đề nông nghiệp. Ngoài ra còn có một điều cần nhớ là Liên Xô đã triển khai các yếu tố của một chính sách về môi trường. Thậm chí chính Lenin là người đã sáng lập ra công viên tự nhiên đầu tiên trên thế giới, dành riêng cho nghiên cứu khoa học tự nhiên và là người đã ban hành các nghị định để bảo vệ nghề cá khỏi một sự khai thác có tính hủy diệt (xem Ecology in the USSR [Sinh thái học ở Liên Xô] của Douglas Weiner).
Trofim Lysenko (1898-1976)
Nhưng điều này chỉ kéo dài có một thời gian và bước ngoặt diễn ra vào năm 1928 với chính sách nông nghiệp áp chế chống lại các kulaks [tầng lớp địa chủ - ND] và sự nổi lên của chủ nghĩa Lysenko[1]. Đây có thể là cuộc lỡ hẹn thực sự, dẫn đến một sự rạn nứt lâu dài giữa các nhà sinh thái học và những người mác-xít trọng sản xuất.
Sự nổi lên của các quan tâm về môi trường đi kèm với một động thái kép về sự phân biệt hóa giữa sinh thái học sâu sắc và sinh thái học xã hội, và về việc người mác-xít giữ khoảng cách với truyền thống trọng sản xuất. Sự hội tụ đang hình thành đó dựa trên việc quan sát cho rằng chủ nghĩa tư bản, "về bản chất", thực sự không có khả năng xem xét những ràng buộc môi trường. Sự phát triển tư bản chủ nghĩa đi kèm với một lượng phát thải khổng lồ, một sự cạn kiệt các tài nguyên và làm hại môi trường.
Jason W. Moore
Marx không thể biết được các công trình của nhóm IPCC (Nhóm liên chính phủ đánh giá sự biến đổi khí hậu) nhưng sự liên kết mà ông đã thiết lập giữa logic tư bản chủ nghĩa và nguy cơ làm cạn kiệt đất đai vẫn là một chỉ dẫn hữu ích cho ngày nay. Điều này dẫn đến việc một số người, như Jason Moore, đã đối lập khái niệm "capitalocene" với khái niệm "anthropocene"[2].
Thomas Malthus (1766-1834)
Về phần Marx, kinh tế học thống trị đã mất rất nhiều thời gian để từ bỏ ý tưởng “quà tặng của tự nhiên cho con người", như Thomas Malthus đã nói. Lý thuyết tân cổ điển gần đây đã nỗ lực tích hợp chủ đề môi trường bằng cách bổ sung thêm một "nhân tố sản xuất" thứ ba, năng lượng, bên cạnh nhân tố lao động và tư bản, để chỉ ra rằng chỉ cần tăng giá năng lượng để làm giảm sự đóng góp của năng lượng. Nhưng khung lý thuyết này dựa trên một giả thuyết ad hoc về tính thay thế hoàn hảo, không tương thích với một chính sách môi trường mang tính tác nghiệp.
William Petty (1623-1687)
Marx đã viện dẫn châm ngôn của William Petty: sự giàu có "có bố là lao động và có mẹ là đất đai”. Cáo buộc chống lại ông khi xem lao động như là nguồn duy nhất tạo ra giá trị chỉ cho thấy một sự lẫn lộn giữa giá trị và sự giàu có. Khi chỉ ra là chủ nghĩa tư bản chỉ quan tâm đến giá trị trao đổi, Marx đã thiết lập một sự phê phán có thể được mở rộng một cách dễ dàng đến các vấn đề về môi trường. Mục tiêu của hệ thống kinh tế không còn là tối đa hóa lợi nhuận của một thiểu số người, như trường hợp trong chủ nghĩa tư bản, mà là tối đa hóa phúc lợi của mọi người dưới sự ràng buộc về môi trường.
Trong xã hội đó, "những người cộng tác sản xuất sẽ quản lý một cách duy lý sự chuyển hóa về chất với tự nhiên". Vì vậy, có thể huy động một cách hữu ích các công cụ phân tích mác-xít để thiết lập một chủ nghĩa xã hội sinh thái xung quanh nguyên lý này: các giải pháp thị trường (thuế sinh thái, giấy phép phát thải, v.v.) không thể đáp trả thực sự thách thức của biến đổi khí hậu, mà đòi hỏi phải thiết lập một kế hoạch hoá sinh thái.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
NguồnMarx précurseur de l’écologieAlternatives économiques, dossier Marx, avril 2018.



[*] Xem thư mục ở đây.
[1] Lấy từ tên của Trofim Lysenko, nhà nông học người Ukraina. Đề cập đến một chính sách nông nghiệp dựa trên sự tăng trưởng ngoạn mục sản lượng nông nghiệp.
[2] Anthropocene (thế nhân sinh) là tên gọi khoảng thời gian mà từ đó ảnh hưởng tiêu cực của con người lên sinh quyển đạt một mức cao. "Capitalocene”, thay vì đề cập đến con người nói chung, nhấn mạnh đến trách nhiệm riêng biệt của chủ nghĩa tư bản.

Print Friendly and PDF