17.12.18

Xã hội không phân tán thành những cá nhân



XÃ HỘI KHÔNG PHÂN TÁN THÀNH NHỮNG CÁ NHÂN (1851)

Tác giả: Auguste Comte
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Theo truyền thống học thuật, Auguste Comte là cha đẻ của khoa xã hội học, vì ông là người đã đặt ra từ “sociologie” để chỉ môn học này (mà trước năm 1839 ông còn gọi là “physique sociale” = vật lý học xã hội), đồng thời là một trong những lý thuyết gia đầu tiên của nó.
Thật ra, người đầu tiên đã sử dụng từ sociologie (trong một trước tác không công bố, khoảng thập niên 1780[1]), là Emmanuel-Joseph Sieyès (1748-1836)*, một trong những nhân vật mấu chốt của cuộc Cách mạng 1789 ở Pháp. Mặt khác, nếu giới hạn xã hội học vào phần lý thuyết, hình thức tồn tại ưu thắng của nó trong thế kỷ thứ XIX, thì xã hội học đương thời thực chất chỉ là triết lý xã hội, một loại hình triết học có thể đã khởi nguồn từ Hy Lạp cổ đại[2].
Nhưng hãy để vấn đề này lại cho giới sử gia khoa học, và tập trung trên trích đoạn dịch dưới đây. Nó cho ta thấy một số đặc trưng của xã hội học lý thuyết kiểu Auguste Comte.
Auguste Comte (1798-1857)
Joseph Schumpeter (1883-1950)
Về đối tượng, đây là một thứ xã hội học vĩ mô (macro-sociologie) đặt nền trên quan điểm “toàn thể luận” (holism = holisme, do từ holos = toàn thể). Nhưng cái toàn thể cao nhất ở Comte không phải là xã hội mà là nhân loại, đối tượng tôn thờ của tác giả[3]. Mặt khác, trong hệ thống vĩ mô của Comte, viên gạch xây nên xã hội là gia đình, nghĩa là một tập thể chứ không phải là những cá nhân. Như vậy, quan điểm tổng quát của Comte hoàn toàn đối lập với một trào lưu xã hội học khác, gọi theo một thuật từ xuất phát từ nhà kinh tế người Áo Joseph A. Schumpeter (1883-1950), sau được các tác giả lớn như Max Weber (1864-1920) và Karl R. Popper (1902-1994) phổ biến, là “cá nhân luận phương pháp = methodological individualism”, và thời nay được khá nhiều nhà xã hội học vận dụng. Nội dung của nó là xử lý mọi vấn đề xã hội như kết quả, có thể là cố ý hoặc không chủ tâm, của những cá nhân hành động từ loại lý do riêng của mỗi người[4].
Karl Popper (1902-1994)
Max Weber (1864-1920)
Về phương pháp, chịu ảnh hưởng của các khoa học “cứng”, Comte nghĩ có thể tách xã hội học thành hai phần, “xã hội học tĩnh [trạng] (sociologie statique)”, phần xã hội học nghiên cứu xã hội theo hình thái của nó, trong trạng thái tĩnh) và “xã hội học động [trạng] (sociologie dynamique), phần xã hội học nghiên cứu xã hội trong trạng thái động, trong dòng lịch sử). Như vậy, nhân loại là thứ xã hội lớn với một lịch sử lũy tích mà mọi xã hội quốc gia là thành phần, và xã hội ở mọi cấp đều tiến hóa từ những hình thái xã hội này sang các hình thái xã hội khác vững chắc hơn, xuyên qua một số thời kỳ phân rã tương đối.  
Nguyễn Văn Khoa
*
Sự phân tán nhân loại[5] thành các cá nhân theo nghĩa đen chỉ là một lối phân tích không có nguyên tắc[6], vừa trái với lý trí[7] vừa vô luân[8], bởi vì nó có xu hướng giải cấu, thay vì giải thích, tồn tại xã hội – nghĩa là nó chỉ có thể được đem ra áp dụng khi sự liên đới xã hội không còn nữa. Trong xã hội học, nó cũng sai lầm như, trong sinh học, sự phân tán hóa học một cá nhân thành những phân tử hoàn toàn biệt lập, bởi vì một sự tách rời như thế không bao giờ có thể xảy ra trong môi trường của sự sống. Sự thật là, khi trạng thái xã hội bị thay đổi sâu sắc, sự tan rã sẽ thâm nhập đến một mức độ nhất định vào tận tổ chức gia đình, như chúng ta đã thấy quá nhiều ngày nay[9]. Tuy nhiên, mặc dù đây là triệu chứng hỗn loạn nghiêm trọng nhất trong tất cả, chúng ta đều có thể nhận thấy, một mặt, cái thiên hướng phổ quát nhằm tự duy trì đến mức có thể được của những quan hệ gia đình trước kia, và mặt khác, cái xu hướng bộc phát nhằm xây dựng những gia đình mới, đồng nhất và ổn định hơn[10]. Như vậy, chính các trường hợp bệnh hoạn này đã xác nhận định đề[11] sơ đẳng của xã hội học tĩnh trạng: gia đình chứ không phải cá nhân mới là những thành tố cơ bản của xã hội loài người[4]. Theo một nguyên lý triết học mà tác phẩm nền tảng của chúng tôi đã đặt ra từ một thời gian rồi, thì bất kỳ một hệ thống nào cũng chỉ có thể được hình thành từ những yếu tố giống như bản thân nó, chỉ ít phức tạp hơn mà thôi. Như vậy, ta không thể nào phân tán một xã hội thành những cá nhân, giống như trong hình học, ta không thể nào phân tán một mặt phẳng thành những đường thẳng, và đường thẳng thành những điểm[12]. Cái xã hội ít phức tạp hơn, cụ thể là gia đình, dù đôi khi quy mô chỉ là đôi vợ chồng cơ sở, do đó, mới là yếu tố xã hội học thực sự. Từ đấy, sẽ xuất hiện sau đó những nhóm phức hợp hơn, dưới danh nghĩa các giai cấp, thành phố, và đối với Hữu thể Lớn [Nhân loại], trở thành những thành tố tương đương với các mô và cơ quan sinh học, như tôi sẽ giải thích [ở phần sau].
Auguste Comte,
Système de politique positive
(Hệ Thống Chính Trị Thực Chứng),
1851-1854, q. II, ch. III.




Chú thích:

[1] Xem: Jacques Guilhaumou, Sieyès et le non-dit de la sociologie: du mot à la chose, Revue d’Histoire des Sciences humaines, 2006, 15, tr. 117-134. Có thể đọc trên, hoặc tải về từ, Internet.

[2] Xem: Charles A. Ellwood, Aristotle As A Sociologist, Annals of the American Academy of Political Science, vol. 19, 1902. Có thể đọc trên, hoặc tải về từ, Internet. Sẽ được dịch và đăng trên trang mục này.

[3] Nhân loại là Hữu thể Lớn hay Hữu thể Vĩ đại, theo cách gọi của Comte. Vào cuối đời, Comte còn là người sáng lập, đồng thời là giáo chủ của một tôn giáo mới, gọi là Nhân Loại Giáo hay Tôn Giáo Nhân Loại hay Thực chứng Giáo. Đối tượng tôn thờ của nó là Nhân loại, được định nghĩa như “toàn bộ tập hợp người trong quá khứ, hiện tại và tương lai”; đây là một hình thức sùng bái người chết (culte des morts) mà theo ông vẫn tiếp tục “lèo lái người sống”, được đặt nền trên 3 khái niệm: tha nhân (autrui, Comte được cho là cha đẻ của từ altruisme = chủ nghĩa tha nhân), trật tự, và tiến bộ. Dù là một thứ tôn giáo thế tục, Nhân Loại Giáo cũng có nhà thờ, tổ chức và chức sắc giáo hội, lịch tôn giáo với những ngày lễ (ngày sinh hay ngày giỗ của các vĩ nhân) và tham vọng toàn cầu hóa như mọi tôn giáo hữu thần khác.

[4] Cá nhân luận phương pháp… “là học thuyết theo đó chúng ta phải cố gắng tìm hiểu mọi hiện tượng tập thể như đều do loại hành động, tương tác, cứu cánh, hy vọng, và tư tưởng của những cá nhân, và các truyền thống được những cá nhân tạo ra và duy trì = the doctrine that we must try to understand all collective phenomena as due to the actions, interactions, hopes and thoughts of individual men, and as due to traditions created and preserved by individual mens” (Karl R. Popper, The Poverty Of Historicism, 1944-1945 (London, Routledge & Kegan Paul, 1963, tr. 157-158).

[5] Xem phần giới thiệu trích đoạn ở trên.

[6] Trong nguyên bản: anarchique. Anarchie (HL: anarkhia), chỉ hình thức chính trị vô chính phủ, nghĩa là sự biến mất của nhà nước, và sự xây dựng mọi quan hệ xã hội trên những cá nhân. Comte không thực sự biết hình thức chính trị này vào thời đại của ông, nhưng ông xem quan điểm cá nhân chủ nghĩa là anarchique, bởi vì nó cho rằng cá nhân là một thực thể, hơn nữa, một thực thể cao hơn cả xã hội lẫn nhà nước. Và theo Comte, đấy là đầu mối của mọi hỗn loạn. Tất nhiên, ở phía đối lập, người ta có thể phản bác: nếu anarchisme chỉ sự tách rời cá nhân khỏi xã hội, thì tại sao không xem nó như một nhân tố giải phóng cá nhân khỏi sự giám hộ của xã hội? Ở đây, chúng tôi chọn dịch analyse anarchique là một sự phân tích không có nguyên tắc hay phương pháp chỉ đạo, nghĩa là bừa bãi.

[7] Nếu cá nhân chỉ thực sự tồn tại khi xã hội tan rã (như trong quan điểm của Comte), thì việc sử dụng cái chỉ tồn tại sau xã hội để giải thích sự hình thành và phát triển của xã hội là điều trái với lý trí, là cực kỳ vô lý. Ngược lại, nó hoàn toàn có thể được dùng để giải thích sự giải cấu hay giải thể của xã hội.

[8] Nếu quan hệ xã hội được suy ra từ cá nhân thay vì cái toàn thể (xã hội, thậm chí, nhân loại), thì không thể ngăn cản cá nhân hành động vì quyền lợi riêng của mình, trong khi sống đạo lý là hành động vì con người và loài người nói chung, vì lợi ích chung chứ không phải vì quyền lợi cá nhân. Nói cách khác, nền tảng của luân lý đạo đức, theo Comte, là tư tưởng cho rằng chỉ nhân loại mới là cái toàn thể.

[9] Ở đây, Comte không chỉ công nhận sự phân rã của xã hội như một khả năng lý thuyết, một sai lầm do chủ nghĩa cá nhân gây ra, mà còn như hiện thực, vì là một sự kiện lịch sử đang diễn ra “ngày nay”.

[10] Tuy nhiên, Comte đối lập nhận định về chủ nghĩa cá nhân như sự kiện, với một nhận định kép về sự ưu việt của sự kiện xã hội trên sự kiện cá nhân, đó là: những nỗ lực nhằm duy trì quan hệ gia đình như một khuynh hướng phổ biến, và sự thiết lập những “gia đình mới” (với hàm nghĩa là “mới” về hình thức), “thuần nhất” hơn (có những thành viên gần gũi nhau hơn), “ổn định” hơn (ít có khuynh hướng tan vỡ hơn), trong hoàn cảnh phân rã của xã hội. Điều này nói lên rằng sự phân rã của xã hội không bao giờ là tuyệt đối, nghĩa là cá nhân chưa bao giờ từng phải hoàn toàn đơn độc đối mặt với xã hội hết cả.

[11] Đặt gia đình chứ không phải cá nhân như thành tố cơ bản của xã hội loài người làm định đề, Comte muốn nói rằng đây là một nguyên lý nền tảng, có giá trị triết lý liên quan đến tri thức khoa học. Theo Comte, định đề này còn dựa trên một nguyên lý khoa học tổng quát hơn nữa là, dù trong hệ thống nào, các yếu tố của hệ thống phải có cùng bản chất với bản thân hệ thống: một mặt phẳng chỉ có thể được phân tích thành những mặt phẳng nhỏ hơn, chứ không phải thành những đường thẳng; cũng vậy, một xã hội chỉ có thể được phân tích thành những xã hội nhỏ hơn, chứ không phải thành những cá nhân.

[12] Tuy nhiên, định đề và lập luận của Comte ở trên mang tính chất siêu hình hơn là phương pháp. Trong sinh học và toán học, sự giải thích bằng một yếu tố khác với hệ thống không dẫn đến cùng một kết quả như trong xã hội học của Comte: giải thích sự sống bằng tế bào hay đường thẳng bằng những điểm không thay đổi gì về hiện thực của sự sống hay của đường thẳng cả. Ngược lại, nếu có thể giải thích xã hội bằng cá nhân, thì cá nhân sẽ có một hiện thực vượt lên trên cả xã hội, và có thể đòi hỏi mọi quyền năng và quyền lợi (điều mà Comte cho là “vô luân”, nếu không phải là bệnh hoạn hay tội lỗi, nhưng là hiện thực xã hội tại mọi quốc gia xây dựng trên quyền con người và quyền công dân hiện nay). Thật ra, người ta vẫn có thể khởi đi từ xã hội như tập hợp xã hội đầu tiên mà không chối bỏ sự độc lập thực sự của cá nhân, nghĩa là khác với Comte, chỉ chủ trương một thứ “toàn thể luận phương pháp (methodological holism)” mà thôi. Rốt cuộc, câu hỏi là Comte đã bác bỏ ý niệm cá nhân như nguyên lý giải thích trong xã hội học vì lý do chính trị và đạo đức, hay vì lý do khoa học? Có vẻ như, vì Comte là người đồng thời và đồng hành với phản ứng chống lại chủ nghĩa cá nhân tự do theo sau cuộc cách mạng 1789, thứ toàn thể luận của ông bao hàm một quan niệm về những cứu cánh chính trị và đạo đức dành ưu tiên cho nhân loại trên các xã hội thành viên, và cho xã hội trên những cá nhân – nghĩa là thực ra nó nhân danh chính trị hơn là khoa học.

Print Friendly and PDF