THẾ GIỚI VẬN HÀNH NHƯ THẾ NÀO
Nhiều người Mỹ cứ đinh ninh trong suy nghĩ rằng các quy tắc của Adam Smith về tự do giao thương là những quy tắc chính đáng duy nhất. Nhưng các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất hiện nay đang sử dụng một bộ quy tắc rất khác. Một khi chúng ta từng biết họ — biết họ quá rõ nên chúng ta mới chơi cùng họ và giành thắng lợi. Giờ đây, chúng ta dường như đã lãng quên.
SỐ PHÁT HÀNH THÁNG 12 NĂM 1993
TRONG một chuyến đi vào mùa xuân năm 1992 tới Đại học Hitotsubashi ở Nhật, vốn nổi tiếng với các khoa kinh tế học và kinh doanh, tôi gặp may mắn tới không ngờ. Như một vài đại học khác của người Nhật, đại học Hitotsubashi gần như khiến tôi nao lòng vì nét dễ thương của nó. Con đường từ sân ga tới học khu chính của trường rợp bóng hoa anh đào, dưới chân tôi xao xuyến những cánh hoa trắng muốt nho nhỏ vương vãi trên mặt đất. Các bạn sinh viên lướt trên chiếc xe đạp, trông như thể họ đang tận hưởng một khoảnh khắc không còn chút căng thẳng nào trong cuộc sống của họ nữa.
Họ có thể là như thế. Trong các cuộc khảo sát, phần lớn sinh viên cho rằng họ “chẳng bao giờ” hoặc “hầu như không” học trong suốt thời đại học. Họ đã học đủ ở trường trung học.
Tôi đã đi tới đại học Hitotsubashi để thực hiện cuộc phỏng vấn với một vị giáo sư đang gây nhiều sóng gió. Kể từ khi Thế Chiến II kết thúc, các nhà ngoại giao và những nhà doanh nghiệp người Nhật đã hành xử như thể nền kinh tế của người Mỹ cần phải là mô hình dành cho sự tăng trưởng công nghiệp của riêng Nhật Bản. Các ngành công nghiệp Nhật Bản không chỉ phải nên cố gắng đuổi kịp vị trí dẫn đầu về công nghệ và sản xuất của nước Mỹ mà quốc gia này còn phải tiến hóa theo một tiêu chuẩn trưởng thành về kinh tế do Hoa Kỳ đặt ra. Trường hợp nền kinh tế Nhật Bản khác với mô hình của người Mỹ — ví dụ, trong các liên minh chặt chẽ giữa các tập đoàn mà luật chống độc quyền của Hoa Kỳ sẽ ngăn cấm — sự khác biệt nên được xem là tạm thời, cho tới khi Nhật Bản đuổi kịp.