SỰ TẠO TIỀN TRONG NỀN KINH TẾ HIỆN ĐẠI
Michael McLeay, Amar Radia và Ryland Thomas thuộc Ban Giám đốc Phân tích Tiền tệ của Ngân hàng[1]. - Bài viết này cho thấy đa số tiền trong nền kinh tế hiện đại được tạo ra thông qua việc cho vay của các ngân hàng thương mại như thế nào.
- Việc tạo tiền trong thực tế khác với một vài quan niệm sai lầm phổ biến- các ngân hàng không chỉ đơn thuần là như những trung gian, cho vay tiền gửi mà người gửi tiền kí gởi cho nó, và nó cũng không “nhân” (“multiply up”) tiền ngân hàng trung ương lên để tạo ra các khoản vay mới và tiền gửi mới.
- Lượng tiền được tạo ra trong nền kinh tế rốt cuộc phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Trong thời kỳ bình thường, điều này được thực hiện bằng cách thiết lập những mức lãi suất. Ngân hàng trung ương cũng có thể tác động trực tiếp đến lượng tiền thông qua việc mua tài sản hay “nới lỏng định lượng” (“quantitative easing”).
Tổng quan
Trong nền kinh tế hiện đại, hầu hết tiền tồn tại dưới dạng tiền gửi ngân hàng (bank deposits). Nhưng cách thức mà những khoản tiền gửi ngân hàng được tạo ra đó thường bị hiểu sai: cách chính là thông qua việc cho vay của các ngân hàng thương mại. Bất cứ khi nào một ngân hàng tiến hành cho vay, nó đồng thời tạo ra một lượng tiền gửi tương ứng trong tài khoản ngân hàng của người đi vay, do đó tạo ra tiền mới.
Thực tế cách thức mà tiền được tạo ra ngày nay khác với sự mô tả trong một số giáo trình kinh tế học:
• Thay vì các ngân hàng nhận tiền gửi khi hộ gia đình tiết kiệm và sau đó cho vay chúng, việc cho vay của ngân hàng tạo ra tiền gửi.
• Trong thời kỳ bình thường, ngân hàng trung ương không ấn định lượng tiền lưu thông, tiền ngân hàng trung ương cũng không “nhân lên” thành nhiều khoản vay và tiền gửi.
Mặc dù các ngân hàng thương mại tạo tiền thông qua việc cho vay, nhưng nó không thể làm như vậy một cách tự do như không hề có ràng buộc gì. Các ngân hàng bị giới hạn lượng tiền mà nó có thể cho vay nếu nó muốn duy trì khả năng sinh lời trong một hệ thống ngân hàng cạnh tranh. Quy định thận trọng cũng đóng vai trò như một ràng buộc về các hoạt động của các ngân hàng nhằm duy trì khả năng phục hồi của hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, hộ gia đình và doanh nghiệp, những chủ thể nhận tiền được tạo ra từ việc cho vay mới có thể có những hành động làm ảnh hưởng đến lượng cung tiền (stock of money). Ví dụ, họ có thể “phá hủy” tiền một cách nhanh chóng bằng cách sử dụng chúng để trả khoản nợ hiện tại của họ.
Chính sách tiền tệ đóng vai trò như ràng buộc cuối cùng của việc tạo tiền. Ngân hàng Anh cố gắng đảm bảo lượng tiền tạo ra trong nền kinh tế phù hợp với mức lạm phát thấp và ổn định. Trong thời kỳ bình thường, Ngân hàng Anh thực hiện chính sách tiền tệ bằng cách qui định mức lãi suất đối với các khoản dự trữ ở ngân hàng trung ương. Điều này sau đó tác động đến một loạt các lãi suất trong nền kinh tế, bao gồm cả mức lãi suất cho vay của các ngân hàng.
Trong những trường hợp đặc biệt, khi các lãi suất nằm ở ngưỡng giới hạn thấp hơn hiệu quả (effective lower bound), sự tạo tiền và chi tiêu trong nền kinh tế vẫn có thể quá thấp để phù hợp với các mục tiêu của chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Một phản ứng có thể là thực hiện việc thu mua một loạt tài sản, hay “nới lỏng định lượng” (“quanlitative easing”- QE). QE được kì vọng nhằm tăng lượng tiền trong nền kinh tế một cách trực tiếp thông qua việc mua tài sản, chủ yếu là từ các công ty tài chính phi ngân hàng.
QE ban đầu làm tăng lượng tiền gửi ngân hàng mà những công ty đó nắm giữ (thay vì các tài sản mà nó bán). Những công ty đó sau đó sẽ muốn tái cấu trúc danh mục tài sản của nó bằng cách mua những tài sản có tỷ suất sinh lợi cao hơn. Điều này làm tăng giá của các tài sản đó và kích thích chi tiêu trong nền kinh tế.
Như một phụ phẩm của QE, những khoản dự trữ mới ở ngân hàng trung ương được tạo ra. Nhưng chúng không phải là một phần quan trọng của cơ chế truyền dẫn. Bài viết này giải thích làm thế nào, cũng giống như trong những thời kỳ bình thường, những khoản dự trữ này không thể được nhân thành nhiều khoản vay và tiền gửi, và làm thế nào những khoản dự trữ này không đại diện cho “tiền tự do - free money” của các ngân hàng.
Giới thiệu
“Tiền trong nền kinh tế hiện đại: một lời giới thiệu”, một bài viết đi kèm với bài viết này, cung cấp một cái nhìn tổng quan về những gì là tiền và các loại tiền khác nhau tồn tại trong một nền kinh tế hiện đại. Đồng thời nó đề cập ngắn gọn cách thức mà mỗi loại tiền được tạo ra. Bài viết này tìm hiểu sự tạo tiền trong nền kinh tế hiện đại một cách chi tiết hơn.
Bài viết này mở đầu bằng việc phác họa hai quan niệm sai lầm phổ biến về sự tạo tiền, và giải thích tại sao, trong nền kinh tế hiện đại, phần lớn tiền được tạo ra bởi việc cho vay của các ngân hàng thương mại.[2] Kế đến thảo luận về các ràng buộc đối với khả năng tạo tiền của hệ thống ngân hàng, cũng như vai trò quan trọng của các chính sách của ngân hàng trung ương trong việc đảm bảo tăng trưởng tín dụng và tiền phù hợp với sự ổn định tiền tệ và tài chính trong nền kinh tế. Phần cuối cùng của bài viết này thảo luận về vai trò của tiền trong cơ chế truyền dẫn tiền tệ trong thời kỳ nới lỏng định lượng (QE), và xua tan những chuyện hoang đường xung quanh việc tạo tiền và QE. Một đoạn video ngắn giải thích một số chủ điểm được trình bày trong bài viết này.[3] Hai quan niệm sai lầm về việc tạo ra tiền
Hầu hết tiền mà công chúng nắm giữ nằm dưới dạng tiền gửi ngân hàng. Nhưng “xuất thân” của lượng tiền gửi ngân hàng thường bị hiểu sai. Một quan niệm sai lầm phổ biến là các ngân hàng chỉ đơn thuần là những trung gian, cho vay tiền gửi mà người gửi tiền kí gởi cho nó. Theo quan điểm này tiền gửi điển hình được “tạo ra” thông qua các quyết định tiết kiệm của hộ gia đình, và sau đó các ngân hàng cho những người đi vay, ví dụ như cho các doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn tài trợ cho các khoản đầu tư, hay các cá nhân muốn mua nhà, “vay” những khoản tiền gởi hiện có.
Trong thực tế, khi các hộ gia đình lựa chọn để tiết kiệm thêm tiền trong tài khoản ngân hàng, những khoản tiết kiệm đó đơn giản chỉ gây thiệt thòi cho tiền kí gởi, vì nếu không tiết kiệm chúng đã được chuyển đến các doanh nghiệp nhằm thanh toán cho việc mua hàng hóa và dịch vụ. Tiết kiệm không tự nó làm tăng tiền gởi hay “vốn khả dụng- funds available” để các ngân hàng cho vay. Thật vậy, việc xem các ngân hàng đơn thuần chỉ là những trung gian đã lờ đi sự thật rằng, trong thực tế của nền kinh tế hiện đại, các ngân hàng thương mại là những người tạo tiền gửi. Bài viết này cho thấy, hành động cho vay của các ngân hàng tạo ra tiền gửi, chứ không phải là các ngân hàng cho vay tiền gửi mà nó huy động được như thường được mô tả trong các giáo trình.[4] Một quan niệm sai lầm phổ biến khác là ngân hàng trung ương quyết định lượng cho vay và tiền gửi trong nền kinh tế bằng cách kiểm soát lượng tiền ngân hàng trung ương- mà thường được gọi là phương pháp tiếp cận “số nhân của tiền”. Theo quan điểm đó, các ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ bằng cách chọn một lượng dự trữ. Và, với giả định là tỉ lệ giữa lượng tiền theo nghĩa rộng và tiền cơ sở là không đổi, những khoản dự trữ này sau đó được “nhân lên” một sự thay đổi lớn hơn nhiều trong các khoản cho vay và tiền gửi ngân hàng. Theo lý thuyết đó, lượng dự trữ phải là một ràng buộc chặt đối với việc cho vay, và ngân hàng trung ương phải trực tiếp quyết định lượng dự trữ. Trong khi lý thuyết số nhân của tiền có thể là một cách hữu hiệu để giới thiệu tiền và ngân hàng trong các giáo trình kinh tế, nó không phải là một mô tả chính xác cách thức mà tiền được tạo ra trong thực tế. Thay vì kiểm soát lượng dự trữ, các ngân hàng trung ương ngày nay thường thực hiện chính sách tiền tệ bằng cách thiết lập giá của các khoản dự trữ - tức các lãi suất.
Trong thực tế, dự trữ không phải là một ràng buộc chặt đối với việc cho vay, và cũng không phải ngân hàng trung ương cố định lượng dự trữ có sẵn. Giống như mối quan hệ giữa tiền gửi và tiền cho vay, mối quan hệ giữa dự trữ và tiền cho vay thường vận hành theo cách ngược với những gì được mô tả trong một số giáo trình kinh tế học. Các ngân hàng quyết định cho vay bao nhiêu trước hết phụ thuộc vào các cơ hội cho vay có khả năng sinh lời mà nó có - điều này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào lãi suất được thiết lập bởi Ngân hàng (trung ương – ND) Anh. Những quyết định cho vay này quyết định bao nhiêu tiền gửi ngân hàng được tạo ra bởi hệ thống ngân hàng. Lượng tiền gửi ngân hàng tác động trở lại lượng tiền ngân hàng trung ương mà các ngân hàng muốn nắm giữ dưới dạng dự trữ (để đáp ứng việc rút tiền của công chúng, thanh toán cho các ngân hàng khác, hay đáp ứng các qui định về thanh khoản), mà trong thời kì bình thường, nó được cung ứng bởi Ngân hàng Anh. Phần còn lại của bài viết này thảo luận các vấn đề thực tiễn này một cách chi tiết hơn. Sự tạo tiền.
Sự tạo tiền trong thực tế
Cho vay tạo ra tiền gửi - Xác định tiền theo nghĩa rộng ở cấp độ tổng gộp
Như đã giải thích trong phần “Tiền trong nền kinh tế hiện đại: một lời giới thiệu”, tiền theo nghĩa rộng là thước đo của tổng lượng tiền mà hộ gia đình và doanh nghiệp trong nền kinh tế nắm giữ. Tiền theo nghĩa rộng bao gồm tiền gửi ngân hàng - mà chủ yếu là các giấy nợ (IOUs) từ các ngân hàng thương mại cho các hộ gia đình và doanh nghiệp - và tiền - phần lớn là các IOU từ ngân hàng trung ương.[5],[6] Trong hai loại tiền theo nghĩa rộng, tiền gửi ngân hàng chiếm đại đa số - 97% lượng tiền hiện đang lưu thông.[7] Và trong nền kinh tế hiện đại, các khoản tiền gửi ngân hàng đó chủ yếu do chính các ngân hàng thương mại tạo ra. Các ngân hàng thương mại tạo tiền, dưới dạng tiền gửi ngân hàng, bằng cách cho vay mới. Khi một ngân hàng cho vay, ví dụ như cho một người nào đó vay thế chấp để mua nhà, thì thường không thực hiện theo cách đưa cho người đó hàng ngàn bảng Anh tiền giấy. Thay vào đó, nó ghi có trong tài khoản ngân hàng của người đó một khoản tiền gửi ngân hàng bằng khoản vay thế chấp. Khi đó, tiền mới được tạo ra. Vì lý do này, một số nhà kinh tế học đã xem khoản tiền gửi ngân hàng như là “bút tệ” - loại tiền được tạo ra từ nét bút của ngân hàng khi nó phê duyệt các khoản vay.[8] Quá trình này được minh họa trong Hình 1, nó cho thấy việc cho vay mới tác động đến bảng cân đối kế toán của các chủ thể khác nhau trong nền kinh tế như thế nào (sơ đồ bảng cân đối kế toán tương tự được giới thiệu trong phần “Tiền trong nền kinh tế hiện đại: một lời giới thiệu”). Như thể hiện trong hàng thứ ba của Hình 1, các khoản tiền gửi mới làm tăng tài sản của người tiêu dùng (ở đây đại diện cho hộ gia đình và doanh nghiệp) - các thanh màu đỏ thêm - và khoản vay mới làm tăng nợ của họ - các thanh màu trắng thêm. Tiền theo nghĩa rộng mới đã được tạo ra. Tương tự như vậy, cả hai bên trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng thương mại tăng lên bởi tiền mới và các khoản cho vay mới được tạo ra. Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù sơ đồ đơn giản của Hình 1 cho thấy lượng tiền mới được tạo ra đồng nhất với số tiền cho vay mới, trong thực tế sẽ có một vài yếu tố có thể khiến số tiền gởi khác với số tiền cho vay. Những điều này sẽ được thảo luận chi tiết trong phần tiếp theo.
Trong khi tiền theo nghĩa rộng mới được tạo ra trên bảng cân đối kế toán của người tiêu dùng, dòng đầu tiên của Hình 1 cho thấy rằng không có - ít nhất là ban đầu - bất kỳ sự thay đổi nào trong lượng tiền ngân hàng trung ương hay “tiền cơ sở”. Như đã thảo luận ở trên, lượng tiền gửi cao hơn có thể có nghĩa là các ngân hàng muốn hoặc bị bắt buộc nắm giữ thêm tiền ngân hàng trung ương để đáp ứng sự rút tiền của công chúng hoặc để thanh toán cho các ngân hàng khác. Và trong thời kỳ bình thường, các khoản dự trữ được Ngân hàng Anh đáp ứng “theo yêu cầu” của các ngân hàng thương mại thông qua việc trao đổi các tài sản khác trên bảng cân đối kế toán của nó. Chẳng có cách nào tổng lượng dự trữ ràng buộc trực tiếp lượng cho vay của ngân hàng hay sự tạo tiền gửi.
Mô tả về sự tạo tiền này trái ngược với quan niệm cho rằng các ngân hàng chỉ có thể cho vay tiền có sẵn từ trước (pre-existing money), như nêu ở phần trên. Tiền gửi ngân hàng chỉ đơn giản là một sự ghi nhận về số tiền mà chính ngân hàng nợ khách hàng. Vì vậy, chúng là một khoản nợ của ngân hàng, chứ không phải là một tài sản có thể cho vay. Một quan niệm sai lầm liên quan là các ngân hàng có thể cho vay khoản dự trữ của họ. Khoản dự trữ chỉ có thể được cho vay giữa các ngân hàng, vì người tiêu dùng không có tài khoản dự trữ tại Ngân hàng Anh.[9]
|
Hình 1: Sự tạo tiền từ việc cho vay thêm của khu vực ngân hàng(a) |
Các cách khác để tạo và phá hủy tiền gửi
Cũng giống như việc cho vay mới tạo ra tiền, thì việc hoàn trả khoản vay ngân hàng sẽ phá hủy tiền.[10] Ví dụ, giả sử một người tiêu dùng đã tiêu tiền trong siêu thị suốt cả tháng bằng thẻ tín dụng. Mỗi lần mua hàng bằng thẻ tín dụng sẽ làm tăng dư nợ trên bảng cân đối kế toán của người tiêu dùng và tiền gửi trên bảng cân đối kế toán của siêu thị (theo cách tương tự như trong Hình 1). Nếu người tiêu dùng sau đó thanh toán đầy đủ hóa đơn thẻ tín dụng của họ vào cuối tháng, thì ngân hàng sẽ giảm lượng tiền gửi trong tài khoản của người tiêu dùng một lượng đúng bằng giá trị của hóa đơn thẻ tín dụng, do đó phá hủy tất cả số tiền mới được tạo ra. Các ngân hàng cho vay và người tiêu dùng hoàn trả chúng là những cách quan trọng nhất để tạo ra và phá hủy tiền gửi ngân hàng trong nền kinh tế hiện đại. Nhưng chúng không phải là những cách duy nhất. Sự tạo tiền gửi hay phá hủy cũng sẽ xảy ra bất cứ lúc nào khi khu vực ngân hàng (bao gồm cả ngân hàng trung ương) mua hay bán tài sản hiện có từ hay cho người tiêu dùng, hoặc thường xuyên hơn là từ các doanh nghiệp hay chính phủ.
Các ngân hàng mua và bán trái phiếu chính phủ là một cách đặc biệt quan trọng trong việc mua hay bán tài sản hiện có bởi các ngân hàng để tạo và phá hủy tiền. Các ngân hàng thường mua và nắm giữ trái phiếu chính phủ như là một phần trong danh mục các tài sản thanh khoản của họ, cái mà có thể bán được nhanh chóng để lấy tiền ngân hàng trung ương, ví dụ như những người gửi tiền muốn rút tiền với số tiền lớn.[11] Khi các ngân hàng mua trái phiếu chính phủ từ khu vực tư nhân phi ngân hàng, nó thanh toán cho người bán dưới dạng tiền gửi ngân hàng.[12] Và, như sẽ thảo luận ở phần sau của bài báo này, việc mua tài sản của ngân hàng trung ương, được gọi là nới lỏng định lượng (QE), có những hệ quả tương tự như sự tạo tiền. Tiền cũng có thể bị phá hủy thông qua việc phát hành các công cụ nợ dài hạn và vốn cổ phần của ngân hàng. Ngoài khoản tiền gửi, các ngân hàng còn giữ các khoản nợ khác trên bảng cân đối kế toán của mình. Các ngân hàng quản lý các khoản nợ của mình để đảm bảo rằng nó có ít nhất một số vốn và nợ dài hạn để giảm thiểu những rủi ro nhất định và đáp ứng các yêu cầu pháp lý. Bởi vì những khoản nợ “không phải là khoản tiền gửi” này thể hiện các khoản đầu tư dài hạn vào hệ thống ngân hàng của các hộ gia đình và doanh nghiệp nên chúng không thể chuyển thành tiền dễ dàng như tiền gửi ngân hàng và do đó làm tăng khả năng hồi phục của ngân hàng. Khi các ngân hàng phát hành các công cụ nợ dài hạn và vốn cổ phần này cho các công ty tài chính phi ngân hàng, thì các công ty đó phải trả cho các ngân hàng bằng tiền gửi ngân hàng. Điều đó làm giảm lượng tiền gửi, hay tiền, hay nợ trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng và làm tăng nợ không phải là tiền gửi.[13] Mua bán tài sản hiện có và phát hành nợ dài hạn có thể dẫn đến khoảng cách giữa lượng tiền cho vay và tiền gửi trong nền kinh tế đóng. Bên cạnh đó, trong một nền kinh tế mở như Anh, tiền gửi có thể chuyển từ người dân trong nước cho người nước ngoài, hoặc tiền gửi bằng đồng bảng Anh có thể được chuyển thành tiền gửi ngoại tệ. Bản thân các giao dịch này không phá hủy tiền, nhưng tiền gửi của người nước ngoài và tiền gửi ngoại tệ không phải lúc nào cũng được tính như một phần của cung tiền của một quốc gia.
Những ràng buộc đối với sự tạo tiền theo nghĩa rộng
Mặc dù các ngân hàng thương mại tạo tiền thông qua hành vi cho vay của nó, nhưng nó không thể thực hiện điều đó mà không có ràng buộc gì. Cụ thể, giá của khoản vay - tức là lãi suất (bao gồm tất cả các loại phí) mà các ngân hàng tính - quyết định lượng tiền mà hộ gia đình và các doanh nghiệp muốn vay. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá của khoản vay mới. Đặc biệt là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Anh, nó tác động đến các mức lãi suất khác nhau trong nền kinh tế.
Các ràng buộc của việc tạo tiền từ hệ thống ngân hàng đã được thảo luận trong một bài báo của nhà kinh tế học đoạt giải Nobel - James Tobin, và chủ đề này gần đây đã là đề tài tranh luận giữa các nhà bình luận kinh tế với các blogger.[14] Trong nền kinh tế hiện đại, có ba nhóm ràng buộc chính hạn chế lượng tiền mà các ngân hàng có thể tạo ra. (i) Bản thân các ngân hàng phải đối mặt với ràng buộc về số tiền mà nó có thể cho vay. Đặc biệt:
• Các tác lực thị trường hạn chế cho vay, bởi vì mỗi ngân hàng phải có khả năng cho vay sinh lãi trong một thị trường cạnh tranh.
• Cho vay cũng bị ràng buộc bởi vì các ngân hàng phải thực hiện các bước để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến việc cho vay thêm.
• Chính sách pháp lý đóng vai trò như một ràng buộc đối với các hoạt động của ngân hàng nhằm giảm thiểu rủi ro có thể đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính.
(ii) Việc tạo tiền cũng bị ràng buộc bởi hành vi của những người nắm giữ tiền - hộ gia đình và doanh nghiệp. Hộ gia đình và doanh nghiệp nhận tiền mới được tạo ra có thể phản ứng bằng cách thực hiện các giao dịch phá huỷ tiền ngay lập tức, ví dụ bằng cách hoàn trả các khoản dư nợ.
(iii) Ràng buộc cuối cùng đối với việc tạo tiền là chính sách tiền tệ. Thông qua việc tác động đến các mức lãi suất trong nền kinh tế, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Anh tác động đến số tiền mà hộ gia đình và doanh nghiêp muốn vay. Điều này không chỉ xảy ra trực tiếp thông qua việc tác động đến các lãi suất cho vay của các ngân hàng, mà còn xảy ra gián tiếp thông qua tác động tổng thể của chính sách tiền tệ đối với hoạt động kinh tế trong nền kinh tế. Kết quả là Ngân hàng Anh có thể đảm bảo tăng trưởng tiền tệ phù hợp với mục tiêu lạm phát thấp và ổn định.
Phần còn lại của mục này giải thích xem trong thực tiễn mỗi cơ chế này hoạt động như thế nào.
(i) Các ràng buộc đối với số tiền mà các ngân hàng có thể cho vay.
Các tác lực thị trường mà mỗi ngân hàng đang phải đối mặt.
Hình 1 cho thấy, đối với toàn khu vực ngân hàng, các khoản vay được tạo ra ban đầu tương thích với các khoản tiền gửi như thế nào. Nhưng điều đó không có nghĩa là bất kỳ một ngân hàng nào cũng có thể tự do cho vay và tạo ra tiền mà không ràng buộc gì. Đó là vì các ngân hàng phải có khả năng cho vay sinh lời trong một thị trường cạnh tranh và đảm bảo rằng nó có thể quản lý đầy đủ những rủi ro liên quan đến việc cho vay.
Các ngân hàng nhận được các khoản thanh toán lãi đối với tài sản của nó, chẳng hạn như các khoản cho vay, nhưng nó cũng thường phải trả lãi trên các khoản nợ của nó, chẳng hạn như các tài khoản tiết kiệm. Mô hình kinh doanh của một ngân hàng dựa vào việc nhận được lãi suất đối với các khoản cho vay (hoặc các tài sản khác) cao hơn so với lãi suất phải trả cho tiền gửi (hoặc các khoản nợ khác). Cả lãi suất đối với tài sản và lãi suất đối với nợ của các ngân hàng đều phụ thuộc vào lãi suất chính sách do Ngân hàng Anh đưa ra, điều này đóng vai trò như ràng buộc cuối cùng trong việc tạo tiền. Ngân hàng thương mại sử dụng khoản chênh lệch, hay sai lệch lãi, giữa tiền lãi kỳ vọng trên tài sản và tiền lãi đối với nợ để trang trải cho chi phí hoạt động của nó và tạo ra lợi nhuận.[15] Để cho vay thêm, mỗi ngân hàng thường phải giảm lãi suất cho vay xuống thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh của nó nhằm thúc đẩy hộ gia đình và doanh nghiệp vay nhiều hơn. Và một khi nó đã cho vay, nó có thể “mất” tiền gửi mà nó đã tạo ra “về tay” các ngân hàng cạnh tranh đó. Tất cả các yếu tố này đều tác động đến khả năng sinh lời trong việc cho vay của mỗi ngân hàng và tác động đến lượng tiền cho vay. Ví dụ, giả sử một ngân hàng nào đó giảm lãi suất cho vay của mình, và thu hút một hộ gia đình thực hiện một khoản vay thế chấp để mua nhà. Tại thời điểm khoản vay thế chấp được xác lập, tài khoản của hộ gia đình được ghi có tiền gửi mới. Và một khi họ mua nhà, họ chuyển khoản tiền gửi mới của họ cho người bán nhà. Tình huống này được mô tả trong hàng đầu tiên của Hình 2. Người mua sở hữu một tài sản mới dưới hình thức một ngôi nhà và một khoản nợ mới dưới hình thức một khoản vay mới. Người bán sở hữu tiền dưới hình thức tiền gửi ngân hàng thay vì một ngôi nhà. Nhiều khả năng tài khoản của người bán và tài khoản của người mua không phải được mở ở cùng một ngân hàng. Vì vậy, khi giao dịch diễn ra, các khoản tiền gửi mới sẽ được chuyển đến ngân hàng của người bán, như mô tả trong dòng thứ hai của Hình 2. Ngân hàng của người mua sau đó sẽ có ít tiền gửi hơn tài sản. Ban đầu, ngân hàng của người mua sẽ thanh toán cho ngân hàng của người bán bằng cách chuyển những khoản dự trữ. Nhưng điều đó sẽ khiến ngân hàng của người mua có ít dự trữ và khoản cho vay so với tiền gửi hơn trước. Đây có thể là vấn đề đối với ngân hàng vì nó sẽ làm tăng rủi ro không thể đáp ứng được tất cả các dòng tiền khả dĩ. Và, trong thực tế, mỗi ngày các ngân hàng thực hiện nhiều khoản cho vay như vậy. Bởi vậy, nếu một ngân hàng nào đó tài trợ tất cả các khoản cho vay mới theo cách này, nó sẽ nhanh chóng hết sạch dự trữ.
|
Hình 2: Sự tạo tiền khi một ngân hàng nào đó tiến hành cho vay thêm. |
Do đó, các ngân hàng cố gắng thu hút hoặc dành lại nợ bổ sung song song với khoản cho vay mới. Trên thực tế, các ngân hàng khác cũng sẽ cho vay mới và tạo ra các khoản tiền gửi mới, vì vậy có một cách để họ có thể thực hiện điều này là cố gắng thu hút một vài khoản tiền gửi mới được tạo ra. Trong một thị trường ngân hàng cạnh tranh, điều đó có thể làm tăng lãi suất tiết kiệm dành cho hộ gia đình. Thông qua việc thu hút các khoản tiền gửi mới, ngân hàng có thể tăng dư nợ tín dụng mà không bị cạn kiệt dự trữ, như mô tả trong hàng thứ ba của Hình 2. Ngoài ra, một ngân hàng có thể vay từ các ngân hàng khác hoặc thu hút các hình thức nợ khác, ít nhất là tạm thời. Tuy nhiên, dù thông qua các khoản tiền gửi hay các khoản nợ khác, ngân hàng cần đảm bảo thu hút và giữ lại một số loại vốn để tiếp tục cho vay. Và chi phí của nó cần phải được đo lường dựa trên lãi suất mà ngân hàng dự kiến sẽ kiếm được từ các khoản cho vay mà nó đang thực hiện, và mức lãi suất này phụ thuộc vào mức Lãi suất Ngân hàng được qui định bởi Ngân hàng Anh. Ví dụ, nếu một ngân hàng tiếp tục thu hút những người đi vay mới và tăng cường cho vay bằng cách giảm lãi suất đối với các khoản vay thế chấp, và tìm cách thu hút các khoản tiền gửi mới bằng cách tăng lãi suất đối với tiền gửi của khách hàng thì nó có thể sớm nhận ra rằng việc tiếp tục mở rộng cho vay sẽ không có lời. Bởi vậy, sự cạnh tranh cho vay và tiền gửi, cũng như mong muốn có lợi nhuận, sẽ hạn chế việc tạo tiền của các ngân hàng.
Quản lý rủi ro liên quan đến việc cho vay
Các ngân hàng cũng cần phải quản lý các rủi ro liên quan đến việc cho vay mới. Một cách để thực hiện điều này là đảm bảo rằng họ thu hút các khoản tiền gửi tương đối ổn định để phù hợp với các khoản cho vay mới của họ, đó là các khoản tiền gửi không có xu hướng hoặc không thể được rút ra với một lượng lớn. Điều này có thể đóng vai trò như một ràng buộc bổ sung đối với số tiền mà các ngân hàng có thể cho vay. Ví dụ, nếu tất cả các khoản tiền gửi mà ngân hàng nắm giữ đều ở dạng tài khoản rút tiền nhanh (tức rút tiền mà không cần báo trước - instant access accounts), chẳng hạn như tài khoản vãng lai, thì ngân hàng có thể sẽ phải gánh chịu rủi ro đối với nhiều khoản tiền gửi này trong trường hợp chúng được rút ra trong một khoảng thời gian ngắn. Bởi vì các ngân hàng có xu hướng cho vay với kì hạn nhiều tháng hoặc nhiều năm, nên ngân hàng có khả năng không thể hoàn trả tất cả các khoản tiền gửi đó - nó sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro thanh khoản. Để giảm rủi ro thanh khoản, các ngân hàng cố gắng đảm bảo rằng một số khoản tiền gửi của họ ổn định trong một khoảng thời gian nhất định hoặc kỳ hạn.[16] Người tiêu dùng có khuynh hướng yêu cầu sự bù đắp cho sự bất tiện khi nắm giữ các khoản tiền gửi dài hạn. Tuy nhiên, những điều này có khuynh hướng làm tăng chi phí cho các ngân hàng, hạn chế số lượng các ngân hàng cho vay muốn thực hiện. Và như đã thảo luận ở trên, nếu các ngân hàng phòng ngừa rủi ro thanh khoản bằng cách phát hành nợ dài hạn, điều này có thể phá hủy tiền trực tiếp khi các doanh nghiệp thanh toán chúng bằng cách sử dụng tiền gửi. Việc cho vay của mỗi ngân hàng cũng bị giới hạn bởi sự cân nhắc đến rủi ro tín dụng. Đây là rủi ro mà ngân hàng phải đối mặt khi những người đi vay không có khả năng trả nợ. Phần nào, các ngân hàng có thể phòng ngừa rủi ro tín dụng bằng cách có đủ vốn để hấp thụ bất kỳ tổn thất không mong đợi nào đối với các khoản cho vay của họ. Nhưng vì các khoản cho vay sẽ luôn tồn tại một vài rủi ro khiến các ngân hàng chịu tổn thất, chi phí của những tổn thất này sẽ được tính đến khi định giá các khoản cho vay. Khi một ngân hàng cho vay, lãi suất mà nó tính sẽ thường bao gồm khoản bù đắp cho tổn thất tín dụng trung bình mà ngân hàng dự kiến sẽ gánh chịu. Tỷ trọng của thành phần này trong lãi suất sẽ lớn hơn khi các ngân hàng ước tính họ sẽ phải gánh chịu tổn thất cao hơn, ví dụ như khi cho người vay thế chấp vay với tỷ lệ cho vay/giá trị tài sản thế chấp cao. Khi các ngân hàng mở rộng cho vay, tổn thất dự kiến trung bình trên mỗi đơn vị tín dụng có khuynh hướng tăng lên, khiến cho các khoản cho vay này giảm khả năng sinh lời. Điều này càng hạn chế số lượng các ngân hàng cho vay có thể kiếm được lợi nhuận, và lượng tiền nó có thể tạo ra.
Các tác lực thị trường không phải lúc nào cũng khiến cho mỗi ngân hàng phòng ngừa rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng một cách thích đáng. Do đó, quy định thận trọng nhằm đảm bảo rằng các ngân hàng không chấp nhận rủi ro quá mức khi cho vay mới, bao gồm thông qua các yêu cầu về vốn của ngân hàng và các trạng thái thanh khoản (liquidity positions). Bởi vậy, các yêu cầu này có thể đóng vai trò như một sự kiềm hãm bổ sung đối với số tiền mà các ngân hàng thương mại tạo ra bằng cách cho vay. Khung pháp lý thận trọng, cùng với chi tiết về vốn và tính thanh khoản, được mô tả trong Farag, Harland và Nixon (2013).
Cho đến phần này, chúng ta đã được xem xét trường hợp của một ngân hàng riêng lẻ thực hiện các khoản cho vay thêm bằng cách đưa ra mức lãi suất cạnh tranh - cả lãi suất vay lẫn lãi suất tiền gửi. Nhưng nếu tất cả các ngân hàng đồng loạt quyết định nỗ lực để cho vay nhiều hơn, sự tăng trưởng tiền có thể không bị giới hạn theo cách tương tự. Mặc dù mỗi ngân hàng có thể mất các khoản tiền gửi “về tay” các ngân hàng khác, nhưng chính nó cũng có thể nhận được một số khoản tiền gửi khi các ngân hàng khác cho vay.
Có nhiều lý do khiến nhiều ngân hàng có thể lựa chọn tăng cho vay một cách đáng kể cùng một lúc. Ví dụ, khả năng sinh lời của việc cho vay ở một mức lãi suất nào đó có thể tăng do sự cải thiện chung về các điều kiện kinh tế. Hoặc các ngân hàng có thể quyết định cho vay nhiều hơn nếu họ nhận thấy những rủi ro liên quan đến việc cho hộ gia đình và doanh nghiệp vay đã giảm. Kiểu tiến triển này đôi khi được cho là một trong những lý do khiến ngân hàng mở rộng cho vay nhiều đến mức dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính.[17] Nhưng nếu nhận thức về một môi trường ít rủi ro hơn là thiếu cơ sở, thì có thể khiến cho hệ thống tài chính trở nên mong manh hơn.[18] Một trong những phản ứng đối với cuộc khủng hoảng ở Vương quốc Anh là sự thành lập một cơ quan chuyên trách sự thận trọng vĩ mô (macroprudential authority), Ủy ban Chính sách Tài chính, để xác định, giám sát và hành động nhằm giảm hoặc loại bỏ các rủi ro đe dọa khả năng phục hồi của toàn hệ thống tài chính.[19] (ii) Những ràng buộc phát sinh từ phản ứng của hộ gia đình và doanh nghiệp
Ngoài nhóm ràng buộc từ phía các ngân hàng trong việc hạn chế sự tạo tiền, hành vi của hộ gia đình và doanh nghiệp đối với việc tạo tiền của ngành ngân hàng cũng có thể rất quan trọng, như lập luận của Tobin. Hành vi của khu vực tư phi ngân hàng ảnh hưởng đến tác động cuối cùng của việc tạo tín dụng của ngành ngân hàng lên cung tiền vì có thể tạo ra nhiều tiền hơn (hoặc ít hơn) lượng họ muốn giữ so với các tài sản khác (như của cải hoặc cổ phần). Bởi hộ gia đình và doanh nghiệp vay nợ vì họ muốn chi tiêu nhiều hơn, họ sẽ nhanh chóng chuyển tiền cho người khác khi họ chi tiêu. Cách thức mà hộ gia đình và doanh nghiệp phản ứng sẽ quyết định lượng cung tiền trong nền kinh tế, và có khả năng tác động đến chi tiêu cũng như lạm phát. Có hai khả năng chính cho những gì có thể xảy ra đối với các khoản tiền gửi mới được tạo ra. Thứ nhất, theo ý kiến của Tobin, tiền có thể nhanh chóng bị phá hủy nếu hộ gia đình hay doanh nghiệp nhận tiền sau khi khoản vay được phê duyệt và sử dụng nó để trả nợ ngân hàng. Điều này đôi khi được gọi là “lý thuyết hồi lưu” (“reflux theory”).[20] Ví dụ, người mua nhà lần đầu có thể thực hiện một khoản vay thế chấp để mua một ngôi nhà từ một người cao tuổi, người mà sau đó hoàn trả khoản vay thế chấp hiện tại của mình và cùng gia đình dọn đến nơi ở mới. Như đã thảo luận ở trên, việc hoàn trả khoản vay ngân hàng sẽ phá huỷ tiền giống y như việc cho vay tạo ra nó. Vì vậy, trong trường hợp này, bảng cân đối kế toán của người tiêu dùng trong nền kinh tế sẽ trở lại trạng thái giống như trước khi khoản vay được thực hiện. Khả năng thứ hai có thể xảy ra là việc tạo thêm tiền của các ngân hàng có thể thúc đẩy chi tiêu trong nền kinh tế. Để khoản tiền mới tạo ra bị phá hủy, nó cần phải chuyển đến hộ gia đình và doanh nghiệp mà muốn hoàn trả những khoản vay hiện tại. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng, bởi vì tài sản và nợ mà các chủ thể trong nền kinh tế nắm giữ có xu hướng khác nhau đáng kể.[21] Thay vào đó, ban đầu tiền có thể chuyển đến tay những hộ gia đình hay những doanh nghiệp có tài sản tài chính lạc quan: người cao tuổi có thể đã trả hết khoản vay thế chấp của họ, hay một công ty nhận được tiền thanh toán và có đủ tài sản thanh khoản để trang trải những chi phí hợp lý. Khi đó, họ có thể nắm giữ nhiều tiền hơn họ muốn, và cố gắng giảm số tiền “dư thừa- excess” bằng cách tăng chi tiêu cho hàng hoá và dịch vụ. (Trong trường hợp đối với một doanh nghiệp, nó có thể mua các tài sản khác mà có khả năng sinh lời cao hơn). Hai kịch bản cho những gì có thể xảy ra với tiền mới được tạo ra này - bị phá hủy nhanh chóng hoặc được luân chuyển qua con đường chi tiêu - có những hệ quả rất khác nhau đối với hoạt động kinh tế. Trong trường hợp thứ hai, tiền có thể tiếp tục được luân chuyển giữa các hộ gia đình và các doanh nghiệp khác nhau, kết quả là mỗi chủ thể có thể tăng cường chi tiêu. Quá trình này - đôi khi được gọi là hiệu ứng “khoai tây nóng - hot potato” - có thể dẫn đến, sự gia tăng áp lực lạm phát của nền kinh tế.[22] Ngược lại, nếu tiền bị phá hủy nhanh như trong kịch bản thứ nhất thì sẽ không có tác động gì thêm đối với nền kinh tế. Cho đến phần này chúng ta đã thảo luận hành động của các ngân hàng, hộ gia đình và doanh nghiệp có thể tác động đến lượng tiền trong nền kinh tế, và do đó ảnh hưởng đến áp lực lạm phát như thế nào. Nhưng yếu tố quyết định cuối cùng của những trạng thái tiền tệ trong nền kinh tế chính là chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.
(iii) Chính sách tiền tệ- ràng buộc cuối cùng đối với việc tạo tiền
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Ngân hàng Trung ương Anh là đảm bảo ổn định tiền tệ bằng cách giữ cho mức lạm phát giá tiêu dùng theo đúng lộ trình nhằm đạt mục tiêu 2% mà Chính phủ đề ra. Và, như đã thảo luận trong hộp ở các trang 16-21 (của nguyên tác – ND), qua từng thời kỳ, các thước đo khác nhau của tiền đã tăng trưởng với tốc độ tương đương với chi tiêu danh nghĩa - chỉ tiêu quyết định áp lực lạm phát của nền kinh tế trong trung hạn. Bởi vậy, thiết lập chính sách tiền tệ thích hợp để đạt được mục tiêu lạm phát cần phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng và sự tạo tiền ổn định, phù hợp với mục tiêu đó. Phần này giải thích mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ và các loại tiền khác nhau.
Trong những giai đoạn bình thường, Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC), giống như hầu hết các cơ quan tương đương với nó ở các nước khác, thực hiện chính sách tiền tệ bằng cách thiết lập các mức lãi suất ngắn hạn, cụ thể thiết lập mức lãi suất mà ngân hàng trung ương phải trả cho các ngân hàng thương mại khi nắm giữ các khoản dự trữ của ngân hàng thương mại. Có thể làm được điều này là vì vị thế của Ngân hàng như là nhà cung cấp độc quyền về tiền ngân hàng trung ương ở Vương quốc Anh. Và bởi vì tồn tại nhu cầu về tiền ngân hàng trung ương - phương tiện thanh toán cuối cùng của các ngân hàng, những chủ thể tạo tiền theo nghĩa rộng - điều này khiến cho giá của các khoản dự trữ có tác động có ý nghĩa đối với các mức lãi suất khác trong nền kinh tế.
Lãi suất mà các ngân hàng thương mại có thể kiếm được từ việc kí gởi tiền tại ngân hàng trung ương tác động đến lãi suất mà họ sẵn sàng cho vay với các điều khoản tương tự trong các thị trường đồng bảng Anh - thị trường mà ở đó Ngân hàng và các ngân hàng thương mại cho nhau vay và cho các định chế tài chính khác vay. Chi tiết chính xác về cách thức Ngân hàng sử dụng hoạt động thị trường tiền tệ để thực hiện chính sách tiền tệ đã thay đổi theo thời gian, và các quy trình hoạt động của ngân hàng trung ương ngày nay khác nhau ở các nước khác nhau, như đã thảo luận trong Clews, Salmon và Weeken (2010).[23] Sự thay đổi trong lãi suất liên ngân hàng sau đó làm thay đổi hàng loạt lãi suất ở các thị trường khác nhau và ở các kì hạn khác nhau, bao gồm cả lãi suất cho vay và lãi suất huy động của các ngân hàng.[24] Bằng cách ảnh hưởng đến giá tín dụng theo cách này, Chính sách tiền tệ tác động đến việc tạo tiền theo nghĩa rộng. Sự mô tả mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ và tiền này khác với sự mô tả được đề cập trong nhiều giáo trình, mà ở đó các ngân hàng trung ương quyết định lượng tiền theo nghĩa rộng qua một “số nhân của tiền” bằng cách chủ động thay đổi lượng dự trữ.[25] Theo quan điểm đó, các ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ bằng cách chọn lượng dự trữ. Và với giả định tỷ số giữa tiền theo nghĩa rộng và tiền cơ sở là không đổi, những khoản dự trữ này sẽ được “nhân lên” dẫn đến sự thay đổi lớn hơn trong tiền gửi ngân hàng do các ngân hàng tăng cho vay và tiền gửi. Không phải bước nào trong câu chuyện đó cũng mô tả chính xác mối liên hệ giữa tiền và chính sách tiền tệ trong nền kinh tế hiện đại. Các ngân hàng trung ương thường không chọn một lượng dự trữ để đạt được mức lãi suất ngắn hạn mong muốn.[26] Thay vào đó, họ tập trung vào giá - thiết lập các mức lãi suất.[27] Ngân hàng Anh kiểm soát các mức lãi suất bằng cách cung ứng và trả lãi cho những khoản dự trữ ở mức lãi suất chính sách đã chọn. Cung về cả dự trữ và tiền (chúng cùng tạo nên tiền cơ sở) được quyết định thông qua cầu về dự trữ của các ngân hàng nhằm thanh toán các khoản trả và đáp ứng cầu tiền của khách hàng- cầu mà ngân hàng trung ương thường phải thích ứng. Bởi vậy, cầu về tiền cơ sở này có xu hướng là hệ quả chứ không phải là nguyên nhân của việc các ngân hàng cho vay và tạo tiền theo nghĩa rộng. Điều này là do các quyết định mở rộng tín dụng của các ngân hàng được dựa trên các cơ hội cho vay sinh lời hiện có ở bất kỳ thời điểm nào. Khả năng sinh lời của việc cho vay sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như đã thảo luận ở trên. Một trong số đó là chi phí của các nguồn vốn mà các ngân hàng phải gánh chịu, chi phí này liên quan mật thiết đến lãi suất trả cho các khoản dự trữ, lãi suất chính sách.
Ngược lại, lượng dự trữ hiện có trong hệ thống không ràng buộc việc tạo tiền theo nghĩa rộng thông qua hoạt động cho vay.[28] Trụ đỡ này của số nhân của tiền đôi khi được thúc đẩy bằng cách thu hút các yêu cầu dự trữ của ngân hàng trung ương, theo đó các ngân hàng có nghĩa vụ nắm giữ một lượng tiền dự trữ tối thiểu theo một tỷ lệ cố định với lượng tiền gửi mà họ nắm giữ. Tuy nhiên, các yêu cầu dự trữ không phải là một khía cạnh quan trọng của khung chính sách tiền tệ ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến hiện nay.[29] Một quan điểm mơ hồ hơn của chính sách tiền tệ là có thể làm tăng lượng tiền theo nghĩa rộng bằng cách giảm lãi suất vay và tăng dư nợ cho vay. Và một lượng tiền theo nghĩa rộng lớn hơn, đi cùng với mức chi tiêu tăng lên trong nền kinh tế, có thể khiến các ngân hàng và khách hàng có nhu cầu về dự trữ và tiền nhiều hơn.[30] Bởi vậy, trên thực tế, lý thuyết về số nhân của tiền hoạt động ngược với cách thức mà thường được mô tả. QE - Sự tạo tiền theo nghĩa rộng trực tiếp với chính sách tiền tệ
Phần trước đã thảo luận chính sách tiền tệ có thể được xem như ràng buộc cuối cùng đối với việc tạo tiền của các ngân hàng thương mại như thế nào. Nhưng các ngân hàng thương mại vẫn còn có thể tạo một khoản tiền quá nhỏ để phù hợp với việc đáp ứng mục tiêu lạm phát của nền kinh tế. Trong những thời kỳ bình thường, MPC có thể phản ứng bằng cách hạ lãi suất chính sách để khuyến khích cho vay nhiều hơn và do đó tạo ra nhiều tiền hơn. Nhưng, để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, MPC đã giảm lãi suất Ngân hàng xuống còn 0.5% - thường được gọi là giới hạn thấp hơn hiệu quả (the so-called effective lower bound).
Một khi các lãi suất ngắn hạn đạt đến mức giới hạn thấp hơn hiệu quả, ngân hàng trung ương không thể cung cấp thêm kích thích cho nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất đối với các khoản dự trữ được hưởng lãi.[31] Một cách có thể cung cấp thêm kích thích tiền tệ cho nền kinh tế là thông qua một chương trình mua tài sản (QE). Giống như việc giảm lãi suất Ngân hàng, việc mua tài sản là cách mà MPC có thể nới lỏng quan điểm chính sách tiền tệ nhằm kích thích hoạt động kinh tế và đạt được mục tiêu lạm phát. Nhưng vai trò của tiền trong hai chính sách là không giống nhau. Thông tin về các loại tiền khác nhau và tổng khối lượng tiền
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Ngân hàng Anh là đảm bảo ổn định tiền tệ bằng cách giữ lạm phát theo đúng lộ trình nhằm đạt được mục tiêu 2% của Chính phủ. Milton Friedman (1963) đã đưa ra lập luận nổi tiếng rằng “lạm phát luôn luôn và bất kì đâu cũng là một hiện tượng tiền tệ”. Vì vậy, sự thay đổi trong cung tiền có thể chứa đựng thông tin có giá trị về chi tiêu và áp lực lạm phát trong nền kinh tế. Vì tiền là thứ thiết yếu để mua hàng hoá và dịch vụ, nên có thể chứa đựng thông tin xác thực (corroborative information) về mức chi tiêu danh nghĩa hiện tại trong nền kinh tế. Nó cũng có thể cung cấp thông tin bổ sung (incremental information) về các biến động trong tương lai của chi tiêu danh nghĩa và do đó có thể là một chỉ báo hữu ích về áp lực lạm phát trong tương lai. Cuối cùng, hành vi của tiền có thể giúp tiết lộ bản chất của cơ chế truyền dẫn tiền tệ, đặc biệt khi chính sách tiền tệ được vận hành thông qua “nới lỏng định lượng” (QE). Trên thực tế, khó khăn chính là đánh giá xem những thước đo nào của tiền là những thước đo thích hợp để xem xét cho từng mục đích khác nhau. Ngân hàng gần đây xây dựng nhiều loại đại lượng tổng gộp về tiền và công bố một loạt các dữ liệu giúp tính được chúng, được tóm tắt trong Bảng 1. Biểu đồ A cho thấy một số chuỗi thời gian dài hạn trong quá khứ của sự tăng trưởng tổng khối lượng tiền so với mức chi tiêu danh nghĩa trong nền kinh tế.[32] Với những thay đổi khác nhau trong cơ chế tiền tệ của Anh trong 150 năm qua, rất có thể với một chỉ báo tiền tệ đơn nhất không thể nắm bắt tất cả thông tin xác thực và thông tin bổ sung về tiền một cách đầy đủ. Ngành tài chính Anh cũng đã trải qua những thay đổi cấu trúc khác nhau, và điều này cần phải được lưu ý khi xem xét mối liên hệ cơ bản giữa tiền và chi tiêu. Ví dụ, trong những giai đoạn khi mà lĩnh vực tài chính tăng trưởng tương đối so với phần còn lại của nền kinh tế (chẳng hạn như vào đầu những năm 1980 và những năm 2000), tiền theo nghĩa rộng có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn so với chi tiêu danh nghĩa một cách ổn định. Về nguyên tắc, các thước đo hẹp hơn của tiền, chẳng hạn như tiền giấy và tiền kim loại và tiền gửi không kì hạn (những tài khoản có thể rút ngay lập tức mà không bị phạt) tốt hơn các chỉ báo xác thực về chi tiêu, bởi đây là những loại tiền được sử dụng để thực hiện đa số các giao dịch về hàng hoá và dịch vụ trong nền kinh tế. Tổng lượng tiền giấy, tiền kim loại và tiền gửi không kì hạn được nắm giữ bởi khu vực tư nhân phi ngân hàng thường được gọi là tiền có kì đáo hạn ngay lập tức (zero maturity money) hay “MZM”.[33] Các thước đo rộng hơn của tiền có thể thích hợp hơn các chỉ báo bổ sung về chi tiêu trong tương lai và tiết lộ nhiều hơn về bản chất của cơ chế truyền dẫn. Ví dụ, M2, bổ sung thêm các khoản tiền gửi có kì hạn của hộ gia đình như các tài khoản tiết kiệm.[34] Và M4 lại là một thước đo rộng hơn, bao gồm cả tiền gửi có kì hạn và không kì hạn được nắm giữ bởi các doanh nghiệp phi tài chính và các doanh nghiệp phi ngân hàng. Bài báo chính mô tả cách thức QE vận hành bằng cách tăng tiền gửi của các công ty tài chính ở bước đầu tiên. Khi các công ty này tái cấu trúc danh mục của họ, giá tài sản có khuynh hướng tăng và, với một độ trễ, dẫn đến sự gia tăng trong chi tiêu của hộ gia đình cũng như doanh nghiệp. Vì vậy, việc giám sát tiền theo nghĩa rộng là một phần quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả của QE.[35] Nhiều nghiên cứu kinh trắc đã chỉ ra rằng những thay đổi trong lượng tiền theo nghĩa rộng cũng có thể cung cấp thông tin bổ sung có giá trị về mức chi tiêu trong nền kinh tế.[36] Ví dụ, tiền gửi của các doanh nghiệp phi tài chính dường như là một chỉ báo hàng đầu về đầu tư của doanh nghiệp trong nền kinh tế. Người ta cũng có thể kiểm tra và cân đối các loại tiền hẹp và rộng với nhau bằng cách sử dụng một vài tham số về lượng tiền mà mỗi loại tiền được sử dụng trong các giao dịch - được gọi là chỉ số Divisia.[37] Trong thực tế, lãi suất trả cho một loại tiền nào đó thường được sử dụng như một thước đo gia quyền (weight metric). Đó là bởi vì các cá nhân và doanh nghiệp chỉ có khuynh hướng nắm giữ tiền, loại tài sản có lãi suất thấp so với các công cụ tài chính khác, nếu nó bù đắp cho họ bằng cách cung cấp các dịch vụ giao dịch ấn tượng hơn. Việc xác định thước đo phù hợp của tiền đã trở nên phức tạp do sự phát triển không ngừng của ngành tài chính. Nó đã mở rộng hàng loạt công cụ có thể đối xử như tiền và hàng loạt định chế tài chính có thể vay và gởi tiền từ hệ thống ngân hàng truyền thống. Ví dụ, các hợp đồng bán và mua lại (được biết như repos) - ở đó một công ty đồng ý mua một khoản bảo đảm từ một ngân hàng với cam kết sẽ bán lại nó sau đó - hiện đang được xếp vào M4 bởi khoản bồi thường được nắm bởi ngân hàng có thể được coi là tiền bảo chứng.
Bên cạnh đó, một số nhà kinh tế học đã lập luận rằng, một loạt các công cụ cung cấp tài sản thế chấp cho các hình thức vay và cho vay khác nhau cũng có thể được đưa vào một thước đo rộng hơn về tiền tệ.[38] Hơn nữa, nhiều định chế phi ngân hàng chủ yếu nắm tiền gửi trung gian giữa các ngân hàng. Các khoản tiền gửi của các định chế này, được biết như “các tổ chức tài chính trung gian khác” (IOFCs), có khuynh hướng phản ánh các hoạt động trong hệ thống ngân hàng, chứ không liên quan trực tiếp đến chi tiêu trong nền kinh tế.[39] Vì lý do này, thước đo tổng quát của Ngân hàng về tiền theo nghĩa rộng là M4 mở rộng (M4ex), không bao gồm tiền gửi IOFC. Bảng 1. Các đại lượng tổng gộp về tiền phổ biến có thể được tính toán từ các số liệu hiện có của Anh(a)
Tên | Định nghĩa | Mô tả(b) | Hiệu lực |
Tiền giấy và tiền kim loại | Tiền giấy và tiền kim loại lưu thông bên ngoài Ngân hàng Anh. | Thước đo hẹp nhất của tiền và được sử dụng như một chỉ báo của các giao dịch dựa trên tiền mặt. | 1980- hiện tại(c) |
M0 | Tiền giấy và tiền kim loại cộng với dự trữ tại ngân hàng trung ương. | Thước đo cơ bản mang tính lịch sử của tiền được sử dụng trong tính toán số nhân của tiền. Thường được sử dụng như một thước đo gần đúng về quy mô của bảng cân đối kế toán của Ngân hàng Anh. Không còn được xuất bản bởi Ngân hàng Anh nhưng có thể được khôi phục.(d) | 1870- hiện tại(c) |
M1 không được hưởng lãi suất | Tiền giấy và tiền kim loại cộng với tiền gửi không kì hạn không được hưởng lãi suất mà khu vực tư nhân phi ngân hàng nắm giữ. | Một chỉ báo về các giao dịch hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế, ngày nay nó ít hữu dụng bởi hầu hết tiền gửi không kì hạn đều được hưởng lãi. Không được công bố bởi Ngân hàng Anh nhưng có thể được tính toán từ các thành phần đã công bố. | 1921- hiện tại(c) |
MZM | Tiền giấy và tiền kim loại cộng với tất cả tiền gửi không kì hạn được nắm giữ bởi khu vực tư nhân phi ngân hàng. | Một chỉ báo về giao dịch hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế. Không được công bố bởi Ngân hàng Anh nhưng có thể được tính toán từ các thành phần đã công bố. Ngân hàng Anh cũng đưa ra một thước đo dựa trên một định nghĩa của ECB về M1. | 1977- hiện tại |
M2 hay retail M4 | Tiền giấy và tiền kim loại cộng với tất cả tiền gởi cá nhân (bao gồm cả tiền gửi cá nhân có kì hạn) được nắm giữ bởi khu vực tư nhân phi ngân hàng. | Một thước đo của tiền rộng hơn MZM bao gồm tất cả các khoản tiền gửi cá nhân. Các khoản bổ sung chính là tiền gửi có kì hạn của hộ gia đình và một số loại tiền gửi cá nhân có kì hạn của doanh nghiệp. Được công bố bởi Ngân hàng Anh. Ngân hàng cũng đưa ra một thước đo dựa trên một định nghĩa của ECB về M2. | 1982–hiện tại |
M3 | Tiền giấy và tiền kim loại cộng với tất cả tiền gửi có kì hạn và không kì hạn tại các ngân hàng (không bao gồm tại các định chế tài chính dưới tên gọi building societies) được nắm giữ bởi khu vực tư nhân. | Cho đến năm 1987 khối lượng tiền tổng quát được xây dựng bởi Ngân hàng Anh. Ngân hàng cũng đưa ra một thước đo dựa trên một định nghĩa của ECB về M3. | 1870–1990(c) |
M4 | Tiền giấy và tiền kim loại, tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi, repos và chứng khoán với thời gian đáo hạn ít hơn 5 năm được nắm giữ bởi khu vực tư nhân phi ngân hàng. | Cho đến năm 2007 khối lượng tiền tổng quát được xây dựng bởi Ngân hàng Anh.
| 1963– hiện tại |
M4 mở rộng | M4 không tính đến tiền gửi của IOFCs. | Kể từ năm 2007 đại lượng tổng gộp hàng đầu về tiền được xây dựng bởi Ngân hàng Anh.
| 1997–hiện tại |
Divisia | Tổng theo trọng số của các loại tiền khác nhau. | Nhằm mục đích quyền số hóa các tài sản thành phần của tiền rộng theo các dịch vụ giao dịch mà chúng cung cấp.(e) | 1977–hiện tại |
(a) Tất cả các định nghĩa chỉ đề cập đến thước đo đồng bảng. Một vài định nghĩa trong bảng này được thay đổi tại các thời điểm khác nhau. Ví dụ, đại lượng tổng gộp M3 nguyên thủy bao gồm tiền gửi của khu vực công và tiền gửi bằng ngoại tệ của khu vực tư nhân phi ngân hàng. Một lịch sử toàn diện hơn về sự phát triển của các đại lượng tổng gộp về tiền ở Anh có thể được tìm thấy tại www.bankofengland.co.uk/statistics/Documents/ms/articles/art2jul03.pdf. (b) Được xuất bản bởi Ngân hàng Trung ương trừ khi có quy định khác. (c) Chuỗi này sử dụng dữ liệu được xây dựng bởi Capie và Webber (1985). |
|
|
QE kéo theo một sự thay đổi trong trọng tâm của chính sách tiền tệ đối với lượng tiền: ngân hàng trung ương mua một lượng tài sản, được tài trợ bởi việc tạo tiền theo nghĩa rộng và sự gia tăng lượng dự trữ tại ngân hàng trung ương tương ứng. Người bán tài sản sẽ nắm giữ các khoản tiền gửi mới được tạo ra thay cho trái phiếu chính phủ. Họ có thể sẽ nắm nhiều tiền hơn họ muốn, so với các tài sản khác mà họ muốn giữ. Bởi vậy, họ sẽ muốn tái cấu trúc danh mục của họ, ví dụ bằng cách sử dụng tiền gửi mới để mua các tài sản có có khả năng sinh lời cao hơn như trái phiếu và cổ phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp, dẫn đến hiệu ứng “khoai tây nóng” như đã thảo luận ở trên. Điều này sẽ làm tăng giá trị của những tài sản đó và làm giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong việc huy động vốn ở các thị trường này. Kết quả là, thúc đẩy chi tiêu trong nền kinh tế.[40] Bởi vậy, cách vận hành của QE khác với hai quan niệm sai lầm phổ biến về việc mua sắm tài sản của ngân hàng trung ương rằng: QE bao gồm việc trao cho các ngân hàng “tiền tự do- free money”; Và mục đích chính của QE là tăng cường cho vay ngân hàng bằng cách cung cấp thêm dự trữ cho hệ thống ngân hàng, như có thể được mô tả bởi lý thuyết số nhân của tiền. Phần này giải thích mối quan hệ giữa tiền và QE, đồng thời xua tan những quan niệm sai lầm này. Mối liên hệ giữa QE và lượng tiền
QE có tác động trực tiếp đến cả lượng tiền cơ sở và lượng tiền theo nghĩa rộng do cách mà Ngân hàng tiến hành mua tài sản. Chính sách này nhằm mục đích mua các tài sản, trái phiếu chính phủ, chủ yếu từ các công ty tài chính phi ngân hàng, như quỹ hưu trí hay các công ty bảo hiểm. Ví dụ, giả sử mua trái phiếu chính phủ trị giá 1 tỷ bảng từ quỹ hưu trí. Một cách mà Ngân hàng có thể thực hiện việc mua sắm này là in 1 tỷ bảng Anh và trao đổi trực tiếp với quỹ hưu trí. Nhưng giao dịch với số tiền mặt lớn như vậy là không thực tế. Bởi vậy, những loại giao dịch này được thực hiện bằng cách sử dụng các loại tiền điện tử.
Vì quỹ hưu trí không có tài khoản dự trữ ở Ngân hàng Anh, nên ngân hàng thương mại nơi mà nó mở tài khoản ngân hàng được sử dụng như một trung gian. Ngân hàng của quỹ hưu trí ghi có vào tài khoản của quỹ hưu trí 1 tỷ bảng tiền gửi để đổi lấy trái phiếu chính phủ. Điều này được minh họa như hàng thứ nhất của Hình 3. Ngân hàng trung ương Anh tài trợ cho việc mua sắm này bằng cách ghi có dự trữ cho ngân hàng của quỹ hưu trí- nó trao cho ngân hàng thương mại một IOU (hàng thứ hai). Bảng cân đối kế toán của ngân hàng thương mại mở rộng: nợ tiền gửi mới tương ứng với một tài sản dưới dạng dự trữ mới (hàng thứ ba).
Hai quan niệm sai lầm về cách thức QE vận hành
Tại sao dự trữ bổ sung không phải là “tiền tự do” đối với các ngân hàng
Trong khi việc mua tài sản của ngân hàng trung ương liên quan- và tác động- đến các bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thương mại, thì vai trò chính của các ngân hàng này là một trung gian nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch giữa ngân hàng trung ương với quỹ hưu trí. Khoản dự trữ bổ sung thể hiện trong Hình 3 chỉ đơn giản là một phụ phẩm của giao dịch này. Đôi khi người ta lập luận rằng, bởi vì chúng là tài sản của các ngân hàng thương mại, và ngân hàng thương mại kiếm được lãi từ nó, nên những khoản dự trữ này tượng trưng cho “tiền tự do” của các ngân hàng. Trong khi các ngân hàng kiếm được lãi suất trên dự trữ mới, QE cũng tạo ra một nghĩa vụ nợ đi kèm cho ngân hàng dưới dạng tiền gửi của quỹ hưu trí, mà chính ngân hàng thường phải trả lãi cho tiền gởi đó. Nói cách khác, QE đưa cho các ngân hàng một IOU mới từ ngân hàng trung ương, nhưng cũng đưa một IOU mới tương ứng cho người tiêu dùng (trong trường hợp này là quỹ hưu trí) và các lãi suất của hai IOU này đều phụ thuộc vào lãi suất Ngân hàng.
|
Hình 3: Tác động của QE lên các bảng cân đối kế toán. |
Tại sao các khoản dự trữ bổ sung không được nhân lên thành các khoản cho vay và tiền theo nghĩa rộng mới
Như đã thảo luận ở trên, cơ chế truyền dẫn của QE dựa vào các tác động của khoản tiền theo nghĩa rộng mới tạo ra- chứ không phải tiền cơ sở. Khởi đầu của sự truyền dẫn là việc tạo ra các khoản tiền gửi ngân hàng trên bảng cân đối kế toán của người nắm giữ tài sản thay thế cho nợ của chính phủ (Hình 3, hàng đầu). Điều quan trọng là các khoản dự trữ được tạo ra trong khu vực ngân hàng (Hình 3, hàng thứ ba) không đóng vai trò trung tâm. Như đã giải thích ở trên, điều này là do các ngân hàng không thể trực tiếp cho vay các khoản dự trữ này. Dự trữ là một IOU từ ngân hàng trung ương cho các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng này có thể sử dụng nó để thanh toán cho nhau, nhưng không thể sử dụng chúng cho khách hàng trong nền kinh tế, những người không có tài khoản dự trữ, “vay”. Khi các ngân hàng cho vay thêm, nó phải ghi nợ thêm khoản tiền gửi tương ứng- lượng dự trữ không thay đổi.
Hơn nữa, dự trữ mới không nhân lên một cách cơ học thành các khoản cho vay mới và tiền gửi mới như tiên liệu của lý thuyết về số nhân của tiền. QE làm gia tăng tiền theo nghĩa rộng mà không trực tiếp dẫn đến, hoặc đòi hỏi, sự gia tăng trong cho vay. Trong khi phần đầu tiên của lý thuyết về số nhân của tiền liên quan đến QE- quan điểm về tiền tệ quyết định một cách cơ học lượng dự trữ- các khoản dự trữ mới được tạo ra không tự chúng thay đổi một cách có ý nghĩa các động cơ để các ngân hàng tạo ra khoản tiền theo nghĩa rộng mới bằng cho vay. QE có thể tác động gián tiếp đến các động cơ để các ngân hàng cho vay mới, ví dụ bằng cách giảm chi phí huy động vốn hay tăng dư nợ tín dụng thông qua việc tăng cường hoạt động.[41] Tuy nhiên, QE có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp hoàn trả nợ ngân hàng, nếu như họ phát hành thêm trái phiếu hoặc cổ phiếu và sử dụng số tiền huy động được này để trả nợ ngân hàng. Bởi vậy, nếu cân nhắc kĩ thì QE có thể tăng hoặc giảm lượng tiền vay ngân hàng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, các kênh này không được kỳ vọng là những phần then chốt của cơ chế truyền dẫn: thay vào đó, QE vận hành thông qua việc tác động đến lĩnh vực ngân hàng, nhằm tăng chi tiêu trực tiếp của khu vực tư nhân.[42] Kết luận
Bài báo này đã thảo luận cách thức mà tiền được tạo trong nền kinh tế hiện đại. Hầu hết tiền trong lưu thông được tạo ra không phải từ máy in của Ngân hàng Anh, mà do chính các ngân hàng thương mại tạo ra: các ngân hàng tạo tiền bất cứ khi nào nó cho một ai đó trong nền kinh tế vay hoặc mua một tài sản từ người tiêu dùng. Trái ngược với những mô tả được tìm thấy trong một số giáo trình, Ngân hàng Anh không kiểm soát trực tiếp lượng lượng tiền cơ sở lẫn lượng tiền theo nghĩa rộng. Tuy vậy, Ngân hàng Anh vẫn có thể tác động đến lượng tiền trong nền kinh tế. Nó thực hiện điều này trong những thời kỳ bình thường bằng cách thiết lập chính sách tiền tệ- thông qua mức lãi suất mà nó trả cho các khoản dự trữ của các ngân hàng thương mại ở ngân hàng trung ương. Dù vậy, gần đây, với lãi suất Ngân hàng bị ràng buộc bởi giới hạn thấp hơn hiệu quả (effective lower bound), chương trình mua tài sản của Ngân hàng Anh đã tìm cách tăng lượng tiền theo nghĩa rộng trong lưu thông. Điều này ảnh hưởng đến giá cả và số lượng của một loạt các tài sản trong nền kinh tế, bao gồm cả tiền.
Nguyễn Minh Cao Hoàng dịch
Tài liệu tham khảo
Astley, M and Haldane, A (1995), ‘Money as an indicator’, Bank of England Working Paper No. 35.
Benes, J and Kumhof, M (2012), ‘The Chicago Plan revisited’, IMF Working Paper No. 12/202.
Benford, J, Berry, S, Nikolov, K, Robson, M and Young, C (2009), ‘Quantitative easing’, Bank of England Quarterly Bulletin, Vol. 49, No. 2, pages 90–100.
Bernanke, B (2007), ‘The financial accelerator and the credit channel’, speech at a conference on The Credit Channel of Monetary Policy in the Twenty-first Century, Federal Reserve Bank of Atlanta.
Bindseil, U (2004), ‘The operational target of monetary policy and the rise and fall of the reserve position doctrine’, ECB Working Paper No. 372.
Bowdler, C and Radia, A (2012), ‘Unconventional monetary policy: the assessment’, Oxford Review of Economic Policy, Vol. 28, No. 4, pages 603–21.
Bridges, J, Rossiter, N and Thomas, R (2011), ‘Understanding the recent weakness in broad money growth’, Bank of England Quarterly Bulletin, Vol. 51, No. 1, pages 22–35.
Bridges, J and Thomas, R (2012), ‘The impact of QE on the UK economy — some supportive monetarist arithmetic’, Bank of England Working Paper No. 442.
Brigden, A and Mizen, P (2004), ‘Money, credit and investment in the UK industrial and commercial companies sector’, The Manchester School, Vol. 72, No. 1, pages 72–79.
Burgess, S and Janssen, N (2007), ‘Proposals to modify the measurement of broad money in the United Kingdom: a user consultation’, Bank of England Quarterly Bulletin, Vol. 47, No. 3, pages 402–14.
Butt, N, Domit, S, Kirkham, L, McLeay, M and Thomas, R (2012), ‘What can the money data tell us about the impact of QE?’, Bank of England Quarterly Bulletin, Vol. 52, No. 4, pages 321–31.
Button, R, Pezzini, S and Rossiter, N (2010), ‘Understanding the price of new lending to households’, Bank of England Quarterly Bulletin, Vol. 50, No. 3, pages 172–82.
Capie, F and Webber, A (1985), A monetary history of the United Kingdom, 1870–1982, Vol. 1, Routledge.
Carpenter, S and Demiralp, S (2012), ‘Money, reserves, and the transmission of monetary policy: does the money multiplier exist?’, Journal of Macroeconomics, Vol. 34, No. 1, pages 59–75.
Clews, R, Salmon, C and Weeken, O (2010), ‘The Bank’s money market framework’, Bank of England Quarterly Bulletin, Vol. 50, No. 4, pages 292–301.
Congdon, T (1992), Reflections on monetarism, Clarendon Press.
Congdon, T (2005), ‘Money and asset prices in boom and bust’, Institute of Economic Affairs, Hobart Paper No. 152.
Disyatat, P (2008), ‘Monetary policy implementation: misconceptions and their consequences’, BIS Working Paper No. 269.
Farag, M, Harland, D and Nixon, D (2013), ‘Bank capital and liquidity’, Bank of England Quarterly Bulletin, Vol. 53, No. 3, pages 201–15.
Friedman, M (1963), Inflation: causes and consequences, Asia Publishing House.
Hancock, M (2005), ‘Divisia money’, Bank of England Quarterly Bulletin, Spring, pages 39–46.
Hills, S, Thomas, R and Dimsdale, N (2010), ‘The UK recession in context — what do three centuries of data tell us?’, Bank of England Quarterly Bulletin, Vol. 50, No. 4, pages 277–91.
Howells, P (1995), ‘The demand for endogenous money’, Journal of Post Keynesian Economics, Vol. 18, No. 1, pages 89–106.
Jackson, C and Sim, M (2013), ‘Recent developments in the sterling overnight money market’, Bank of England Quarterly Bulletin, Vol. 53, No. 3, pages 223–32.
Joyce, M, Tong, M and Woods, R (2011), ‘The United Kingdom’s quantitative easing policy: design, operation and impact’, Bank of England Quarterly Bulletin, Vol. 51, No. 3, pages 200–12.
Kaldor, N and Trevithick, J (1981), ‘A Keynesian perspective on money’, Lloyds Bank Review, January, pages 1–19.
Kamath, K, Reinold, K, Nielsen, M and Radia, A (2011), ‘The financial position of British households: evidence from the 2011 NMG Consulting survey’, Bank of England Quarterly Bulletin, Vol. 51, No. 4, pages 305–18.
Kydland, F and Prescott, E (1990), ‘Business cycles: real facts and a monetary myth’, Federal Reserve Bank of Minneapolis Quarterly Review, Vol. 14, No. 2, pages 3–18.
Laidler, D (1984), ‘The buffer stock notion in monetary economics’, The Economic Journal, Vol. 94, Supplement: Conference Papers, pages 17–34.
Laidler, D and Robson, W (1995), ‘Endogenous buffer-stock money’, Credit, interest rate spreads and the monetary policy transmission mechanism, Session 3, conference on The Transmission of Monetary Policy held at the Bank of Canada in November 1994.
Mitchell, B R (1988), British historical statistics, Cambridge University Press.
Moore, B (1988), Horizontalists and verticalists: the macroeconomics of credit money, Cambridge University Press.
Palley, T (1996), Post Keynesian economics: debt, distribution and the macro economy, Macmillan.
Sefton, J and Weale, M (1995), Reconciliation of National Income and Expenditure: balanced estimates of national income for the United Kingdom, 1920–1990, Cambridge University Press.
Singh, M (2013), ‘Collateral and monetary policy’, IMF Working Paper No. 13/186.
Solomou, S N and Weale, M (1991), ‘Balanced estimates of UK GDP 1870–1913’, Explorations in Economic History, Vol. 28, No. 1, pages 54–63.
Thomas, R (1997a), ‘The demand for M4: a sectoral analysis, Part 1 — the personal sector’, Bank of England Working Paper No. 61.
Thomas, R (1997b), ‘The demand for M4: a sectoral analysis, Part 2 — the corporate sector’, Bank of England Working Paper No. 62.
Tobin, J (1963), ‘Commercial banks as creators of ‘money’’, Cowles Foundation Discussion Papers No. 159.
Tucker, P, Hall, S and Pattani, A (2013), ‘Macroprudential policy at the Bank of England’, Bank of England Quarterly Bulletin, Vol. 53, No. 3, pages 192–200.
[1] Các tác giả xin chân thành cảm ơn Lewis Kirkham đã hỗ trợ nhằm hoàn thành bài viết này.↩
[2] Trong bài viết này, Thuật ngữ “các ngân hàng” và “các ngân hàng thương mại” được sử dụng để chỉ các ngân hàng và các định chế tài chính được biết dưới tên gọi là “building society”.↩
[3] Xem tại www.youtube.com/watch?v=CvRAqR2pAgw.↩
[4] Có một tài liệu dài thừa nhận bản chất “nội sinh” của sự tạo tiền trong thực tế. Ví dụ, xem Moore (1988), Howells (1995) and Palley (1996).↩
[5] Định nghĩa về tiền theo nghĩa rộng được sử dụng bởi Ngân hàng Anh, M4ex, cũng bao gồm một loạt khoản nợ ngân hàng rộng hơn so với tiền gửi thông thường; Xem Burgess và Janssen (2007) để biết thêm chi tiết. Để đơn giản, bài viết này mô tả tất cả các khoản nợ này như tiền gửi. Một hộp bên dưới trong bài viết này trình bày chi tiết về một loạt các đại lượng tổng gộp về tiền tệ phổ biến ở Vương quốc Anh.↩
[6] Khoảng 6% tiền trong lưu thông được tồn tại dưới dạng tiền kim loại, tiền này được sản xuất bởi The Royal Mint (cơ quan đúc tiền của Vương quốc Anh – ND). Trong số tiền giấy lưu hành trong nền kinh tế Anh, một số được phát hành bởi một vài ngân hàng thương mại của Scotland và Bắc Ailen, mặc dù chúng hoàn toàn khớp với tiền của Ngân hàng Anh tại Ngân hàng này.↩
[7] Kể từ tháng 12 năm 2013.↩
[8] Bút tệ được thảo luận trong Tobin (1963), người đề cập đến nó khi lập luận rằng, trong thực tế các ngân hàng không thể tạo ra một lượng tiền vô hạn.↩
[9] Một phần của sự nhầm lẫn có thể xuất phát từ việc một số nhà kinh tế học sử dụng thuật ngữ “dự trữ” khi nói đến “dự trữ tùy ý” (dự trữ vượt mức) - số dư vượt trên mức bắt buộc của các quy định dự trữ bắt buộc. Trong bối cảnh này, “cho vay dự trữ” có thể là một cách viết tắt để mô tả quá trình tăng cho vay và tiền gửi cho đến khi ngân hàng đạt đến tỷ lệ tối đa của nó. Khi không có yêu cầu dự trữ tại Anh quá trình này ít có liên quan hơn đối với các ngân hàng Anh.↩
[10] Sự sụt giảm trong cho vay ngân hàng tại Anh từ năm 2008 là một lý do quan trọng dẫn đến sự tăng trưởng tiền trong nền kinh tế thấp hơn rất nhiều so với những năm trước cuộc khủng hoảng, như đã thảo luận trong Bridges, Rossiter và Thomas (2011) và Butt cùng cộng sự (2012).↩
[11] Vì lý do này, việc nắm giữ một ít trái phiếu chính phủ được tính vào việc đáp ứng các yêu cầu thanh khoản thận trọng, như Farag, Harland và Nixon (2013) đã mô tả chi tiết.↩
[12] Trong một sơ đồ bảng cân đối kế toán như Hình 1, việc các ngân hàng mua trái phiếu chính phủ từ người tiêu dùng sẽ được thể hiện bằng sự thay đổi cấu trúc tài sản của người tiêu dùng từ trái phiếu chính phủ sang tiền gửi, song song với một sự tăng cả tiền gửi và trái phiếu chính phủ trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thương mại.↩
[13] Việc mua trái phiếu chính phủ của các ngân hàng thương mại, cũng như việc phát hành nợ dài hạn và vốn cổ phần đã và đang ảnh hưởng quan trọng đến sự tăng trưởng tiền theo nghĩa rộng trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính như đã thảo luận ở Bridges, Rossiter và Thomas (2011), và Butt cùng cộng sự (2012).↩
[14] Tobin (1963) lập luận rằng các ngân hàng không có “nguồn cung vô hạn - widow’s cruse”, như được đề cập trong một câu chuyện kinh thánh (được John Maynard Keynesnhắc đến trong kinh tế trước đây), trong đó một góa phụ có thể rót đầy bình (hay cái xoang hay cái lọ) dầu một cách kỳ diệu trong nạn đói. Tobin đã lập luận rằng có ràng buộc để lượng tiền vay có thể tự điều chỉnh nhằm phù hợp với lượng tiền gửi.↩
[15] Xem trong Button, Pezzini and Rossiter (2010), một sự giải thích về cách thức các ngân hàng định giá các khoản vay mới.↩
[16] Các ngân hàng cũng phòng ngừa rủi ro thanh khoản bằng cách nắm giữ các tài sản thanh khoản (bao gồm dự trữ và tiền), thứ mà hoặc có thể được sử dụng trực tiếp để bù đắp cho các dòng tiền, hoặc nếu không thể chuyển thành các tài sản có thể một cách nhanh chóng và ít tốn kèm. Mặc dù nếu các ngân hàng mua tài sản thanh khoản như trái phiếu chính phủ từ các chủ thể phi ngân hàng, nhưng điều này có thể tạo thêm tiền gửi.↩
[17] Ví dụ, xem Haldane (2009).↩
[18] Tucker (2009) thảo luận về khả năng “ảo giác rủi ro” như vậy trong hệ thống tài chính.↩
[19] Tucker, Hall và Pattani (năm 2013) mô tả các quyền hạn mới đối với việc hoạch định chính sách vĩ mô thận trọng ở Vương quốc Anh sau cuộc khủng hoảng tài chính gần đây.↩
[20] Xem Kaldor and Trevithick (1981).↩
[21] Xem Kamath và cộng sự (2011).↩
[22] Cơ chế này được giải thích chi tiết hơn trong các bài báo như: Laidler (1984), Congdon (1992, 2005), Howells (1995), Laidler và Robson (1995), Bridges, Rossiter và Thomas (2011), Bridges và Thomas (2012).↩
[23] Khung hoạt động của Ngân hàng trên thị trường đồng bảng Anh được trình bày trong “Sách Đỏ” của Ngân hàng, có thể xem tại www.bankofengland.co.uk/markets/Documents/money/publications/redbook.pdf. Sự phát triển gần đây của các thị trường đồng bảng Anh được thảo luận trong Jackson và Sim (2013).↩
[24] Ngân hàng Anh (1999) thảo luận cơ chế truyền dẫn của chính sách tiền tệ chi tiết hơn.↩
[25] Benes và Kumhof (2012) thảo luận về chuyện hoang đường của số nhân của tiền chi tiết hơn.↩
[26] Như đã thảo luận trong Disyatat (2008).↩
[27] Bindseil (2004) cung cấp một bản miêu tả chi tiết về cách thực hiện chính sách tiền tệ thông qua lãi suất ngắn hạn.↩
[28] Carpenter và Demiralp (2012) cho thấy rằng sự thay đổi trong lượng dự trữ không liên quan đến sự thay đổi về số lượng cho vay ở Hoa Kỳ.↩
[29] Ví dụ, Ngân hàng Anh hiện không có các yêu cầu dự trữ chính thức. (Nó yêu cầu các ngân hàng phải nắm giữ một tỷ lệ “tiền mặt/tiền gởi” tại Ngân hàng cho một phần nợ của mình mà không được hưởng lãi. Nhưng chức năng của tỷ lệ tiền mặt/tiền gởi này không có hiệu lực. Mục đích duy nhất của chúng là để cung cấp thu nhập cho Ngân hàng.) Bernanke (2007) thảo luận tại sao các yêu cầu dự trữ hiện nay ở Hoa Kỳ ít có sự ép buộc hơn so với trước.↩
[30] Kydland và Prescott (1990) nhận thấy rằng các đại lượng tổng gộp về tiền theo nghĩa rộng đi trước chu kỳ, trong khi các đại lượng tổng gộp về tiền cơ sở có khuynh hướng trễ hơn chu kì một chút.↩
[31] Nếu ngân hàng trung ương hạ các lãi suất xuống thấp hơn 0% đáng kể, các ngân hàng có thể chuyển đổi dự trữ ngân hàng của họ thành tiền, sẽ phải trả lãi suất cao hơn (0 hoặc ít hơn một chút sau khi tính đến chi phí lưu trữ tiền tệ). Hay dẫn đến vấn đề khác, nhu cầu về dự trữ ngân hàng trung ương sẽ biến mất, do đó, ngân hàng trung ương không còn khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế bằng cách thay đổi giá các khoản dự trữ đó.↩
[32] Những chuỗi này liên quan đến việc kết hợp dữ liệu Ngân hàng Anh hiện tại với dữ liệu lịch sử về các đại lượng tổng gộp về tiền.↩
[33] Một thước đo hẹp hơn được gọi là M1 không được hưởng lãi suất cũng có thể được xây dựng. Thước đo này đã trở thành đại lượng tổng gộp về tiền ít hữu dụng hơn vì hầu hết các khoản tiền gửi không kì hạn hiện nay đều được hưởng lãi. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính khi lãi suất giảm xuống gần mức 0, sự tăng trưởng của M1 không được hưởng lãi suất đã tăng lên rõ rệt vì chi phí liên quan đến việc nắm giữ tiền gửi không được hưởng lãi suất đã giảm mạnh so với giữ tiền gửi được hưởng lãi suất. Tập trung vào M1 sẽ đưa ra tín hiệu sai lạc về sự tăng trưởng trong chi tiêu danh nghĩa trong nền kinh tế.↩
[34] M2 bao gồm tiền giấy và tiền kim loại, cộng với tiền gởi “cá nhân” (“retail deposits”)- loại tiền gởi được nhận một lãi suất quảng cáo. Phần lớn các khoản dự trữ này được nắm giữ bởi hộ gia đình, nhưng cũng sẽ áp dụng cho một vài khoản tiền gửi của doanh nghiệp.↩
[35] Xem trong Bridges, Rossiter and Thomas (2011) và Butt cùng cộng sự (2012).↩
[36] Ví dụ, xem trong Astley và Haldane (1995), Thomas (1997a, b), Brigden và Mizen (2004).↩
[37] Ví dụ, xem trong Hancock (2005).↩
[38] Ví dụ, xem trong Singh (2013).↩
[39] Xem chi tiết hơn trong Burgess and Janssen (2007) và tại www.bankofengland.co.uk/statistics/Pages/iadb/notesiadb/m4adjusted.aspx.↩
[40] Những cách thức mà QE tác động đến nền kinh tế được đề cập chi tiết hơn trong Benford và cộng sự (2009), Joyce, Tong và Woods (2011), Bowdler và Radia (2012). Vai trò của tiền tệ được mô tả cụ thể hơn trong Bridges, Rossiter và Thomas (2011), Bridges và Thomas (2012), và Butt cùng cộng sự (2012).↩
[41] Một cơ chế tương tự, theo đó QE có thể tăng cho vay ngân hàng bằng cách cho phép các ngân hàng thu hút nguồn vốn ổn định hơn được thảo luận trong Miles (2012).↩
[42] Những kênh này, cũng như tác động của QE đối với việc cho vay ngân hàng rộng rãi hơn, được thảo luận chi tiết trong một hộp ở Butt và cộng sự (2012).↩