LÚC KHỞI ĐẦU, MỌI DÂN TỘC ĐỀU NHƯ NHAU
Tôn Thất Thông, CHLB Đức
Lịch sử nền văn minh châu Âu là một đề tài rất rộng, khó lòng trình bày một cách đầy đủ trong khuôn khổ báo mạng. Vì thế, chúng tôi chỉ có thể trình bày trên trang mạng này những bài biên khảo ngắn thuộc đề tài trên, nhưng có tính chất độc lập, không theo thứ tự thời gian, cũng không theo một chuẩn mực có hệ thống. Tùy lượng thời gian cho phép và điều kiện tiếp cận tài liệu cần thiết, tác giả sẽ lần lượt phổ biến kết quả nghiên cứu để góp phần vào diễn đàn tranh luận. Nếu có lúc vài ba tháng chưa viết xong bài nào vì độ phức tạp của nó, thì cũng là chuyện có thể xảy ra, mong quí độc giả thông cảm.
Xin mời độc giả theo dõi bài đầu tiên như một lời dẫn nhập, bao gồm hai phần 1a và 1b. Tác giả rất mong được đón nhận nhiều ý kiến phản hồi. Mọi phê bình khen chê đều có ích cho những bài biên khảo tiếp theo.
Kể từ thế kỷ 17, lục địa châu Âu đạt những bước tiến nhảy vọt hơn hẳn các nước khác, mọi phát minh lớn có ảnh hưởng sâu sắc lên đời sống nhân loại đều xuất phát từ châu Âu. Tình trạng đó kéo dài liên tục vài thế kỷ, cho nên không tránh khỏi nhiều phán đoán chủ quan cho rằng, người châu Âu – hay nói rõ hơn là người da trắng – vốn thông minh, ưu việt và có tư chất phát triển hơn các giống dân da mầu. Cũng không ít người dùng những thuật ngữ cường điệu như dân tộc ưu việt, giống dân thượng đẳng, v.v..
Những phán đoán đó xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau. Hoặc với dụng ý chính trị để tuyên truyền cho một chính sách nào đó trong một thời điểm nhất định, nhưng động cơ mạnh nhất vẫn xuất phát từ lối suy nghĩ mang tính kỳ thị chủng tộc.
Thực chất như thế nào? Có một giống dân thượng đẳng hơn hẳn các giống dân khác hay không? Từ thế kỷ 19 đã có nhiều nhà nhân chủng học quả quyết như thế và đưa khái niệm đó vào lý thuyết. Trong bản đồ nhân chủng dưới đây, họ định vị hai giống dân đặc biệt: Euro-Aryan ở vùng đất châu Âu hiện nay và Indo-Aryan ở vùng đất trải dài từ Ấn Độ đến Iran. Họ cho rằng đó là hai giống dân ưu việt nhất, nhưng đấy chỉ là luận cứ hoàn toàn nằm trên lý thuyết, chứ chưa ai chứng minh được bằng dữ liệu và luận cứ khoa học.
Hình [1]: Bản đồ nhân chủng thế kỷ 19
Nguồn: Meyers Konversationslexikon (1885-1892) – Vùng công cộng
Quốc Xã Hitler trong vòng 12 năm cầm quyền đã sử dụng hàng trăm giáo sư đại học, hàng ngàn chuyên gia nghiên cứu trong các lĩnh vực y khoa, sinh học và nhân chủng học để tìm những chứng cớ khoa học về giống dân thượng đẳng Aryan, xem đó là nguồn gốc của dân tộc Đức. Học thuyết nhân chủng Aryan là bộ phận cốt lõi trong ý thức hệ Quốc Xã, làm sườn cho những đạo luật kỳ thị chủng tộc trong thập niên 1930; nó là nền tảng lý luận của chính sách bài Do Thái và chiến lược “mở rộng không gian sống[1]”, thực chất là đi xâm chiếm đất đai. Họ khảo sát cấu trúc và thành phần sinh học trong não trạng con người. Họ đã thử nghiệm trên hàng vạn tù nhân Do Thái, Sinti, Roma và cả tù chính trị người Đức để tìm kết luận. Kết quả thế nào? Trong toàn bộ hồ sơ nghiên cứu của Quốc Xã, người ta không hề thấy một báo cáo nào có giá trị khoa học khả dĩ làm nền tảng cho luận cứ nói trên. Ngoài ra, hàng ngàn viện nghiên cứu DNA hiện nay trên thế giới vẫn chưa tìm thấy một nguyên tố nào mang tính chất quyết định góp phần vào trình độ ưu việt của con người thuộc một sắc dân nhất định, từ đó có thể phán đoán rằng giống dân da trắng ưu việt hơn những giống dân khác.
|
Jared Diamond (1937-) |
Giáo sư Jared Diamond trong tác phẩm công phu của ông[2] đã có những kinh nghiệm và lý luận vững chắc về các nguyên do sinh tồn và phát triển hoặc sụp đổ suy tàn của các dân tộc. Diamond bỏ ra hơn 20 năm đến tận nơi để nghiên cứu, từ Greenland ở Bắc Cực đến Easter Island ở Nam Mỹ, từ Úc Châu đến Nam Phi, từ Angkor Vat đến thung lũng Indus vùng Pakistan. Ở những nơi đó, Diamond nghiên cứu nếp sống và văn hóa bản địa để tìm cách lý giải các biến cố lịch sử trong quá khứ. Jared Diamond tổng kết mười nhóm dân từ thời cổ đại trước công nguyên và trung cổ, cũng như bốn nhóm dân của thời cận đại cho đến thế kỷ 19, để từ đó rút ra kết luận mang tính thuyết phục rằng, ngoại trừ một số trường hợp sụp đổ do thảm họa thiên nhiên mà sức người không đủ mạnh để chống cự, hoặc do bạo lực từ bên ngoài, còn lại thì sự phát triển hay suy tàn của một dân tộc đều do quyết định đúng hay sai của con người, không phân biệt vùng địa lý hay sắc dân. Dân tộc nào hiểu biết qui luật phát triển của môi trường sống, nơi đó họ có thể sử dụng được nguồn lực vô tận của thiên nhiên để sinh tồn và phát triển. Dân tộc nào thiếu kinh nghiệm hoặc sử dụng kinh nghiệm của vùng này để áp dụng tại một vùng khác không phù hợp, dân tộc đó sẽ gặp đại họa. Diamond không tìm thấy một thành tố nhân chủng nào tác động vào sự thành công hay thất bại của các dân tộc.
Vậy thì luận cứ “giống dân thượng đẳng” chỉ là huyền thoại của những người mang ý thức hệ chủng tộc, không hơn không kém. Nhưng nếu đúng như vậy, chúng ta cắt nghĩa thế nào về sự chênh lệch về mức sống và trình độ phát triển xã hội của những dân tộc khác nhau ở những vùng địa lý khác nhau trong những thời kỳ lịch sử khác nhau?
Trở về thượng nguồn của lịch sử
|
Vũ Quang Việt |
Tiến sĩ kinh tế Vũ Quang Việt trong bài nghiên cứu về lịch sử phát triển kinh tế thế giới[3] đã kết luận rằng, trong thời cổ đại trước công nguyên, những vùng đất phát triển đầu tiên đều do sự đãi ngộ tình cờ của thiên nhiên: “Loài người chỉ sinh sôi nảy nở và phát triển khi nông nghiệp phát triển, nhờ đó có thể định cư định canh thay vì làm người săn bắn lang thang từ vùng này sang vùng khác. Và có thặng dư lương thực mới tạo cơ hội cho sự ra đời của vua chúa, quân đội. Nông nghiệp phát triển trước tiên từ ít nhất 12.000 năm trước ở vùng lưỡi liềm mầu mỡ (fertile crescent) hay còn gọi là khu vực Lưỡng Hà[4], hiện nay bao trùm Iraq, Iran và Syria. Đây là khu vực có nhiều giống cây và loài vật hoang sơ có thể thuần hoá như lúa mì, lúa mạch, đậu Hà Lan, đậu lăng… và bò, cừu, dê, heo, ngựa. So với vùng mầu mỡ này, Úc châu không có loại cây cỏ hoặc động vật nào có thể thuần hoá, ngoài trừ hạt macadamia. Thặng dư và nền văn minh không thể phát triển từ hạt macadamia, do đó thổ dân Úc châu tiếp tục đời sống săn bắn cho đến khi người Tây phương đặt chân tới”. Một số vùng khác cũng có sự phát triển tương tự tuy rằng ở mức độ ít hơn, thí dụ như vùng đất mầu mỡ ở hạ nguồn sông Nile đã tạo điều kiện cho Ai Cập trở nên giàu có và xây dựng một nền văn minh lớn trong thời cổ đại. Hoặc khu vực trù phú ở hai bên bờ sông Indus dài hơn 3.000 cây số ở tây bắc Ấn Độ và Pakistan, nơi sinh thành của văn minh Indus thuộc một đế chế rộng lớn hơn một triệu cây số vuông. Cũng chính trên giòng sông huyền bí này với những khu rừng nhiệt đới âm u hai bên bờ, đội quân bách chiến bách thắng của Alexander đại đế bỗng nhiên chùn bước, nhớ nhà nên nổi loạn đòi trở về quê quán. Cuối cùng, Alexander phải bỏ mộng chinh phục phương Đông. Tương tự như Indus, vùng đất ở hai bên bờ sông Hoàng Hà và Dương Tử[5] ở Trung Hoa có lợi thế của phù sa mầu mỡ để phát triển nông nghiệp và tạo nên nếp sống định cư định canh rất sớm so với nhiều vùng khác trên thế giới. Thí dụ sống động hơn là nền văn minh Maya ở châu Mỹ. Giáo sư Jared Diamond đã dành một chương sách để nói về Maya[6], một nền văn minh độc đáo thành hình từ 4.000 năm trước. Các khám phá khảo cổ mới đây cho thấy là văn minh của họ đã có từ lâu đời, mà nếu so sánh với đế chế La Mã thời cổ đại thì cũng không biết ai hơn ai kém. Họ biết tận dụng ưu đãi của thiên nhiên để xây dựng thành một dân tộc giàu có và văn minh. Rồi cũng chính vì thiên nhiên khắc nghiệt, hạn hán mà dân số ở nhiều vùng giảm xuống theo thời gian. Cho đến lúc đội quân Tây Ban Nha đặt chân đến châu Mỹ, trong vòng 100 năm, dân số Maya chỉ còn lại 1% của thời hưng thịnh, “vì những lý do liên quan đến cuộc xâm chiếm của Tây Ban Nha” như Diamond nhận xét. Đấy là chưa kể Giám mục Diego de Landa[7] đã đốt hết sách vở của Maya, mục đích để “tiêu diệt các dị giáo” ở châu Mỹ[8]. Nếu không có những động thái tàn bạo đó, biết đâu chúng ta hôm nay có thể chứng kiến một nền văn minh khác ở Nam Mỹ không kém gì văn minh phương Tây? Hình [2]: Tây Ban Nha và thổ dân châu Mỹ
Nguồn: Bibliothèque Nationale de France – Vùng công cộng
Tác giả: Joos van Winghe & Theodor de Bry (tranh khắc gỗ)
Trở lại vùng Lưỡng Hà có liên quan đến châu Âu. Khu vực trù phú về nông nghiệp và chăn nuôi này đã tạo nên một đời sống vật chất cao hơn những nơi khác, lại nằm trên tuyến giao thông đường thủy thuận lợi cho việc giao lưu và tiếp thu sáng kiến từ các vùng khác trong khu vực Địa Trung Hải. Họ đã sớm phát triển từ đời sống bộ lạc chuyển sang xã hội có tổ chức, có giao lưu với thế giới bên ngoài, có phát triển thương mại và họ cũng mang nếp sống văn minh đến các vùng đất chung quanh. Từ đời sống vật chất đầy đủ, nhu cầu xã hội cũng thay đổi theo. Khi giao thương phát triển, họ cần nhiều sáng kiến để tạo thêm phương tiện quản lý xã hội. Hoạt động đó làm phát sinh nhiều tiến bộ kỹ thuật cải thiện đời sống và thúc đẩy phồn vinh xã hội. Văn hóa tư tưởng cũng từ đó có đất nẩy mầm, tạo ra hiệu ứng hổ tương để văn minh phát triển. Đó là lý do để chúng ta cắt nghĩa tại sao vùng Iran và Hy Lạp, bắt đầu từ cội nguồn Crete nằm giữa Địa Trung Hải, đã phát triển chữ viết từ cả ngàn năm trước công nguyên, một thành tố quan trọng để xây dựng xã hội văn minh sau này.
Nhờ giao thương trao đổi giữa các lục địa liên thông nhau thuộc châu Âu, châu Á và Bắc Phi mà đời sống vật chất trên các tuyến giao thông tại các khu vực đó ngày càng cao, tổ chức xã hội ở nhiều vùng địa lý khác nhau trên các lục địa này ngày càng thay đổi, từ nếp sống bộ lạc lấy săn bắn làm phương tiện sinh nhai, dần dần chuyển sang phát triển nông nghiệp để có đời sống định cư. Riêng vùng Nam châu Phi là một trường hợp đặc thù. Tại đó “không có con vật và cây cỏ nào có thể thuần hóa, do đó đời sống con người chỉ có thể dựa vào hái lượm và săn bắn. Văn minh các vùng khác không thể tràn xuống dễ dàng vì sự ngăn cách của sa mạc Sahara[9]”. Trong thời cổ đại và trung cổ, ngoài sự đãi ngộ của thiên nhiên, sáng kiến giao thương trao đổi với các giống dân khác là yếu tố cực kỳ quan trọng để nâng cao phồn vinh vật chất, tạo tiền đề để nền văn minh phát triển. Vùng đất nào sống cô lập không liên hệ với bên ngoài, nơi đó văn minh đến chậm. Thí dụ, mãi đến khi người châu Âu đặt chân đến châu Mỹ từ đầu thế kỷ 16 hoặc đến châu Úc từ cuối thế kỷ 18, đời sống bộ lạc lấy săn bắn hái lượm làm phương tiện sinh nhai mới dần dần bị đẩy lùi, thay vào đó là phát triển nông nghiệp với đời sống định cư định canh, tổ chức xã hội và nâng cao đời sống tinh thần[10]. Nam châu Phi cũng là trường hợp tương tự nhưng với một kết quả bi thảm cho dân bản địa. Mặc dù vùng đó nằm trên cùng một lục địa như Bắc Phi, nhưng bị thiên nhiên cô lập với thế giới bên ngoài bởi sa mạc Sahara ở phía bắc và ba mặt đại dương ở phía nam. Mãi đến thế kỷ 15, khi kỹ thuật hàng hải đã phát triển cao, người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha mới đặt chân đến các vùng ven biển Nam châu Phi. Một mặt, họ mang nếp sống châu Âu đến vùng đất mới, nhưng mặt trái của hoạt động đó là, Bồ Đào Nha đã mở đầu cho chế độ buôn bán nô lệ có một không hai trong lịch sử loài người. Có thể kết luận được chăng, thảm họa Nam châu Phi đã bắt đầu từ thế kỷ 15 và sau đó tăng tốc vào thế kỷ 17? Chứ đâu phải họ chậm tiến hơn các lục địa khác chỉ vì họ là dân da đen?
Tóm tắt thời kỳ xưa cổ trước công nguyên, chúng ta thấy có vài dân tộc, bất kể vùng địa lý hoặc chủng tộc nào, nếu biết tận dụng ưu đãi của thiên nhiên, họ có thể phát triển ngành nông nghiệp, tạo nên nếp sống định cư, xây dựng đời sống xã hội văn minh, phát triển thương mại để xã hội giàu có hơn. Từ sự giàu có ấy, nếu họ có sáng kiến và cơ chế phù hợp để thích nghi với đòi hỏi mới của xã hội theo từng thời kỳ, dân tộc ấy có thể nâng cao nền văn minh, phát triển văn hóa và khoa học để vươn lên hơn hẳn các dân tộc khác. Ngược lại, cũng có những dân tộc đã tương đối phát triển, nhưng hoặc vì thiên nhiên khắc nghiệt, hoặc vì bị kẻ khác xâm chiếm, hoặc vì làm những quyết định sai lầm đưa đến thảm họa và bị diệt vong. Yếu tố chủng tộc không đóng một vai trò gì trên quá trình phát triển văn minh hay suy tàn sụp đổ.
(Còn tiếp phần 1b)
Tác giả: Tôn Thất Thông, CHLB Đức
(Độc giả có quyền trích dẫn không giới hạn, nhưng cần ghi rõ nguồn. Để theo dõi nội dung này một cách đầy đủ hơn, xin mời quí vị tham khảo cuốn “Lịch sử văn minh châu Âu – Khảo sát tổng quát các giai đoạn” của cùng tác giả)
1. Burckhardt, Jacob
Văn hóa thời phục hưng ở Ý (Die Kultur der Renaissance in Italien). ISBN 3-933-20389-9
2. Challoner, Jack
1001 phát minh thay đổi thế giới (1001 Inventions that changed the world). ISBN 978-1-84403-611-0
3. Diamond, Jared
Sự sụp đổ - Tại sao các xã hội tồn tại hoặc suy tàn. (Kollaps – Warum Gesellschaften überleben oder untergehen. Sebastian Vogel dịch từ tiếng Anh: Collapse – How Societies Choose to Fail or Succeed).
ISBN 978-3-596-16730-2 4. Guizot, François
Lịch sử Văn minh châu Âu (The History of Civilization in Europe - William Hazlitt dịch từ tiếng Pháp: Histoire Générale de la Civilisation en Europe). Penguin Books 1997
5. Lotze, Detlef
Lịch sử Hy Lạp – Từ cội nguồn đến thời đại Hellen (Griechische Geschichte – Von den Anfängen bis zum Hellenismus).
ISBN 3-406-39500-7
6. Maddison, Angus
Kinh tế thế giới - Tập I và II (The World Economy – Volume I & II). ISBN 92-64-02261-9
7. Samhaber, Ernst
Lịch sử châu Âu (Geschichte Europas). ISBN 3-771-30169-6
8. Stevenson, Leslie; Haberman, David L. & Wright, Peter M.
Mười hai học thuyết về bản tính con người (Lưu Hồng Khanh dịch từ tiếng Anh: Twelve Theories of Human Nature). ISBN 978-604-956-006-4
9. Van Doren, Charles
Lịch sử của tri thức (Geschichte des Wissens. Anita Ehler dịch từ tiếng Anh: A history of knowledge). ISBN 3-764-35324-4
10. Vũ Quang Việt
Chú thích:
[1] Không gian sống (Lebensraum) vốn là một thuật ngữ quen thuộc trong sách vở, nhưng kể từ khi vị bộ trưởng Quốc Xã, Hjalmar Schacht tuyên bố “Hãy trả lại cho dân tộc Đức không gian sống trên hoàn cầu”, thuật ngữ đó trở thành biểu tượng của chính sách bành trướng hung hãn của Quốc Xã.↩
[2] Xem tài liệu [3], J. Diamond (sinh năm 1937, Giáo sư sinh lý học đại học California. J. Diamond đoạt nhiều giải thưởng về các công trình nghiên cứu nhân chủng học, là tác giả của nhiều sách Bestseller vào cuối thế kỷ 20)↩
[3] Xem tài liệu [10], Vũ Quang Việt ↩
[4] Vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia hoặc Two-River Region) là khu vực trù phú trải dài từ bờ đông Địa Trung Hải đến Vịnh Ba Tư, dọc theo hai con sông Tigris và Euphrates chạy song song với nhau.↩
[5] Sông Dương Tử (Yangtze) dài hơn 6.000 Km đổ ra biển đông vùng Shanghai, sông Hoàng Hà (Huang He hay Yellow River) dài hơn 5.000 Km đổ ra vùng biển phía Nam Beijing. Tại Trung Hoa, hai con sông này tạo ra một vùng ảnh hưởng thu hút dân cư trong hai khu vực rộng lớn cộng lại hơn 2 triệu cây số vuông.↩
[6] Xem tài liệu [3], J. Diamond, trang 199-224↩
[7] Giám mục Diego de Landa Caldéron (1524-1579) được cử đến Yucátan để truyền giáo. Ông có công trong việc ghi chép lại nền văn minh Maya trước thời Columbus, đồng thời cũng rất cuồng tín trong việc tiêu diệt dị giáo của Maya và là một trong những gương mặt quen thuộc trong “Truyền thuyết đen” (Black Legend) trong lịch sử đế chế Tây Ban Nha.↩
[8] Xem tài liệu [3], J. Diamond, trang 201 và 221↩
[9] Xem tài liệu [10], Vũ Quang Việt ↩
[10] Ở đây xin tạm thời chưa lý giải đến sự sụp đổ của các nền văn hóa bản địa, xuất phát từ chính sách thuộc địa tham lam và tàn độc của các nước đi xâm chiếm.↩