10.6.15

Alfred Marshall, người anh em đối thủ của Walras



Alfred Marshall (1842-1924)

Alfred Marshall, người anh em đối thủ của Walras

Là nhà lý thuyết lớn, Alfred Marshall đưa ra cách trình bày mang tính quy tắc về sự cân bằng giữa cung và cầu, cũng như nhiều công cụ vẫn được các nhà kinh tế sử dụng.
Alfred Marshall, mặc dù là người ủng hộ kinh tế thị trường, cho rằng sự cạnh tranh tự do không dẫn đến một tình trạng tối ưu.
Trong một bài rất hay, viết sau khi Alfred Marshall mất năm 1924, John Maynard Keynes, cựu học trò của Marshall, lưu ý rằng nhà kinh tế giỏi là một người hiếm, bởi vì môn học này, tự thân nó dễ hơn rất nhiều so với triết học hay các khoa học thuần túy, đòi hỏi một sự kết hợp những tài năng rất ít khi hội tụ ở một người: "Người đó phải là một nhà toán học, một nhà sử học, một chính khách, một nhà triết học, ở một mức độ nào đó. Người đó phải hiểu các biểu tượng và diễn đạt bằng câu chữ. Người đó phải nắm bắt cái đặc thù bằng những thuật ngữ tổng quát và đạt đến cái trừu tượng và cái cụ thể trong cùng một dòng tư tưởng bay bổng. Người đó phải nghiên cứu cái hiện tại dưới ánh sáng của quá khứ vì nhu cầu của tương lai. Người đó không thể để thoát khỏi tầm mắt của mình một khía cạnh nào của bản chất con người và các thể chế. Người đó phải kiên định và vô vụ lợi, trong cùng một hành động; giữ khoảng cách và liêm khiết như một nghệ sĩ, nhưng đôi khi cũng thực tế như một chính trị gia" ("Alfred Marshall," trong The Collected Works of John Maynard Keynes - Các tuyển tập của John Maynard Keynes, trang 173).
Tuy không có những thiên chất trên, Marshall vẫn xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt về lịch sử và toán học. Mặc cho tính khí độc đoán và nóng nảy, khiến ông tuyệt giao với hầu hết bạn bè và đồng nghiệp, Alfred Marshall tự khẳng định mình như là nhà kinh tế số một của thời đại ông và là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Viết một cách chậm chạp và khó khăn, ông là tác giả của một cuốn sách duy nhất, Principles of Economics (Các nguyên lý kinh tế học), trong nhiều thập kỷ như là một cuốn sách giáo khoa kinh tế phổ biến nhất cho đến khi cuốn Economics (Kinh tế học) của Paul Samuelson được xuất bản vào năm 1949.
Một người mâu thuẫn trong thời đại của Nữ hoàng Victoria
Cuốn sách trên thực sự đánh dấu sự ra đời của phương pháp tiếp cận tân cổ điển, sẽ trở thành dòng tư tưởng thống trị trong thế kỷ XX. Là người sáng lập Hội kinh tế Anh năm 1890, sau này là Hiệp hội kinh tế hoàng gia, năm 1903, ông thành công trong việc tách lìa việc giảng dạy kinh tế học với việc giảng dạy triết học đạo đức, vốn ông cho đến thời điểm đó gắn liền với nhau. Như vậy, chính Marshall là người giúp kinh tế học trở thành một bộ môn đáng tin ở Anh. Nhưng trên hết với tư cách là một giảng viên, ông đã gây một ảnh hưởng rất lớn đến nhiều sinh viên, ở hàng đầu trong số đó có thể kể Herbert Foxwell, Arthur Cecil Pigou và John Maynard Keynes. Qua đó trong thực tế ông thành lập trường phái kinh tế học Cambridge, thống trị tư tưởng kinh tế học Anh giữa hai thời kỳ chiến tranh, cho đến khi Keynes chống lại người thầy của mình.
Henry Sidgwick (1838-1900)
Bố của Alfred, William Marshall, nhân viên ngân hàng, người rất mộ đạo, là tác giả của một tiểu luận có tựa là Les droits de l’homme et les devoirs de la femme (Quyền của nam giới và nghĩa vụ của phụ nữ). Ông hướng con trai của ông theo sự nghiệp tôn giáo. Nhưng, giống như Henry Sidgwick, bạn của ông, và nhiều nhà đạo đức học đương thời, Alfred đã mất niềm tin. Tuy nhiên, suốt cuộc đời, ông vẫn giữ phong cách và tính khí của một mục sư thế tục. Từ rất sớm ông đã thiết lập một mục tiêu đóng góp vào sự tiến bộ đạo đức của giai cấp công nhân, qua việc cải thiện tình hình kinh tế của họ. Ông có thói quen, trong những kỳ nghỉ, tham quan những khu ổ chuột của các thành phố ở Anh và ở nước ngoài, và văn phòng của ông được trang trí bằng một bức tranh về một công nhân vô danh.
Với nhiều mâu thuẫn, Alfred Marshall thông cảm với chủ nghĩa xã hội và hệ thống hợp tác xã, trong khi vẫn thù địch với chủ nghĩa công đoàn và chủ nghĩa mác-xít. Ông vẫn là một trong số ít các nhà kinh tế của thời ông đọc kỹ và bằng tiếng Đức, các tác phẩm của Marx. Là người chủ trương kinh tế thị trường, ông cho rằng sự cạnh tranh tự do không dẫn đến một tình trạng tối ưu và cần phải có sự can thiệp của nhà nước để sửa chữa những khiếm khuyết. Là người theo thuyết công lợi, nhưng không vì thế mà ông tin rằng trong chừng mực nào đó ta có thể biến con người thành một người tính toán ích kỷ và duy lý những thú vui và nhọc nhằn của bản thân.
Khi 35 tuổi, ông kết hôn với Mary Paley, một nhà kinh tế sau này là người cộng sự của ông. Là người ngưỡng mộ nhà bảo vệ nữ quyền John Stuart Mill, song giống như bố ông, ông tin chắc rằng phụ nữ kém hơn nam giới về mặt trí tuệ và rằng vị trí tự nhiên của phụ nữ là phải đảm đương việc nội trợ[*]. Vào thời đó, ở Cambridge, phụ nữ không thể có quy chế học tập toàn phần. Trong khi Sidgwick và bố của Keynes tranh đấu để bãi bỏ quy định trên, thì Marshall lại làm mọi cách để duy trì nó. Ông đã thắng năm 1897, và người ta còn phải chờ đợi để quyền bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ được công nhận tại trường đại học uy tín này.
Charles Darwin (1809-1882)

"Tự nhiên không có những bước nhảy vọt"

Nêu rõ thành tiêu đề trong tác phẩm chính của ông, Marshall viết: "Natura non facit saltum ("tự nhiên không có những bước nhảy vọt"). Câu này được ông lấy cảm hứng từ Immanuel Kant, mà tác phẩm của tác giả này được ông đọc thường xuyên. Ông cũng nghiên cứu Friedrich Hegel, người mà công trình La philosophie de l’histoire (Triết học lịch sử), theo lời ông, là một trong số những công trình gây ảnh hưởng lớn nhất đến ông. Chịu ảnh hưởng của triết học Đức, Marshall cũng chịu ảnh hưởng của sinh học, đặc biệt là cuốn On the Origin of Species (Nguồn gốc các loài), của Charles Darwin, được xuất bản năm 1859, và những kết luận mà Herbert Spencer đã rút ra từ cuốn sách đó.
Trong khi nhiều người cùng thời ông ưu tiên cho tính tương đồng với vật lý học, Marshall cho rằng các nhà kinh tế phải lấy cảm hứng từ khoa sinh học. Cũng giống như con người, các doanh nghiệp, các nền kinh tế và các xã hội đều được sinh ra, lớn lên, suy tàn và chết. Thời gian đóng một vai trò then chốt trong câu chuyện trên. Không bác bỏ những phân tích trừu tượng, tĩnh tại và suy diễn, Marshall cho rằng cần phải bổ sung chúng bằng những phương pháp tiếp cận mang tính thực nghiệm, quy nạp và động.
Tuy là nhà toán học dày dạn kinh nghiệm, Marshall cũng bác bỏ kinh tế toán học theo kiểu mà Léon Walras đã khởi xướng vào những năm 1870. Sự xung đột giữa hai phương pháp tiếp cận theo Marshall và theo Walras đã để lại dấu ấn trong tư tưởng kinh tế cho đến ngày nay. Người ta sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng các mối quan hệ, vả lại chỉ thuần túy về mặt thư tín, giữa hai nhà tiên phong chính của tư tưởng kinh tế hiện đại là không mấy thân mật. Vả chăng Marshall cho rằng đã phát hiện trước Walras các yếu tố cơ bản của lý thuyết cận biên mới.
Hegel (1770-1831)
Tầm nhìn tiến hóa của Marshall về thực tế kinh tế học cũng được áp dụng cho lý thuyết kinh tế học. Vì vậy, ông bác bỏ ý tưởng của Stanley Jevons và Léon Walras, về một sự đoạn tuyệt giữa kinh tế học chính trị cổ điển và kinh tế học cận biên mới. Ngược lại, ông cho rằng "những lý thuyết mới đã bổ sung cho các lý thuyết cũ, mở rộng chúng, phát triển chúng và đôi khi sửa chữa chúng" (Principles of Economics - Các nguyên lý kinh tế học). Vì vậy Thorstein Veblen đã đặt ra thuật ngữ "kinh tế học tân cổ điển" để mô tả cách tiếp cận của Marshall.

Một hộp dụng cụ

Chính Marshall là người đưa ra cách trình bày mang tính quy tắc về sự cân bằng giữa cung và cầu trên một thị trường. Cách tiếp cận của Walras bằng khái niệm cân bằng chung và được thể hiện thông qua một hệ thống các phương trình, được Marshall thay thế bằng một cách tiếp cận dựa trên khái niệm cân bằng bộ phận, và được thể hiện trên một đồ thị. Ông cho rằng sẽ thực tế hơn khi xem xét riêng rẽ từng thị trường theo giả định cho rằng "mọi nhân tố khác không đổi." Marshall Luôn đối lập với Walras, vì theo tác giả này sau, giá cả là những biến điều chỉnh, còn trong mô hình của Marshall, chính sự biến động về lượng sản xuất sẽ đảm bảo sự cân bằng giữa cung và cầu.
Immanual Kant (1724-1804)
Đôi khi người ta cho rằng các nhà kinh tế theo trường phái cổ điển ưu đãi mức cung, chi phí sản xuất, như là nhân tố xác định giá trị, trong khi các nhà kinh tế theo trường phái tân cổ điển đặt lên hàng đầu mức cầu và lợi ích. Về phần Marshall, ông cho rằng cung và cầu giống như hai lưỡi của một chiếc kéo. Tuy nhiên, tùy theo giai đoạn điều chỉnh được xem xét, trong thời gian ngắn hay dài, mà một hay hai nhân tố trên sẽ đóng vai trò thống trị: cầu chiếm ưu thế trong thời gian rất ngắn, trong thời gian đó không thể điều chỉnh cung.
Marshall cũng hoàn chỉnh, trong số các công cụ then chốt khác của lý thuyết kinh tế học hiện đại, độ co dãn của cầu, thặng dư của người tiêu dùng, tính kinh tế theo quy mô bên trong và bên ngoài, doanh nghiệp đại diện, sự khác biệt giữa các ngành công nghiệp với chi phí tăng và giảm và tựa tô. Đối với ông, kinh tế học về cơ bản là một hộp dụng cụ cho phép nghiên cứu nhân loại trong những vấn đề bình thường của cuộc sống. Đó là lý do tại sao nội dung cuốn Principles of Economics (Các nguyên lý kinh tế học) của ông - ông đã từ bỏ tên gọi cũ "kinh tế học chính trị" - chứa đựng nhiều dụng cụ mới, được những môn đồ của ông lấy lại và hoàn thiện, để tạo nên vốn kinh doanh của một phần lớn lý thuyết kinh tế chính thống cho đến ngày nay.

Alfred Marshall qua vài năm tháng

1842: sinh ra ở Bermondsey, gần London, ngày 26 tháng Bảy.
1861-1865: học ở trường Saint-John, Cambridge.
1865: cử nhân toán.
1865-1877: thành viên nghiên cứu tại Trường Saint-John’s College.
1868: sống ở Đức, ông trở lại đây vào những năm 1870-1871, trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ.
1875: đi đến Hoa Kỳ.
1877: kết hôn với Mary Paley, một trong những sinh viên của ông.
1877-1881: hiệu trưởng (và giáo sư) tại đại học University College, Bristol.
1879: The Economics of Industry (Kinh tế học công nghiệp), đồng tác giả với M. Paley. The Pure Theory of Foreign Trade, The Pure Theory of Domestic Values (Lý thuyết thuần túy về ngoại thương, Lý thuyết thuần túy về các giá trị nội địa).
1881-1882: bị bệnh, ông sống mười hai tháng ở Italia.
1882-1883: giáo sư tại Đại học Bristol.
1883-1884: giáo sư tại Đại học Oxford.
1885: chủ nhiệm bộ môn kinh tế học chính trị tại đại học Cambridge.
1887: điều trần trước Ủy ban về vàng và tiền tệ.
1890: Principles of Economics (Các nguyên lý kinh tế học), xuất bản tám lần cho đến năm 1920. Thành lập British Economic Association (Hiệp hội kinh tế Anh), bắt đầu xuất bản Economic Journal (Tạp chí kinh tế) từ năm 1891.
1891: thành viên của một ủy ban chính phủ để điều tra về việc làm.
1892: Elements of Economics of Industry (Các yếu tố của kinh tế học công nghiệp).
1903: thiết lập, theo sáng kiến ​​ca Marshall, bng c nhân v khoa hc kinh tế và chính tr.
1908: Marshall nghỉ hưu và đấu tranh để Arthur Cecil Pigou kế vị chức chủ nhiệm của ông.
1919: Industry and Trade (Công nghiệp và thương mại).
1924: Money, Credit and Commerce (Tiền tệ, tín dụng và thương mại). Mất ngày 13 tháng Bảy.
1925: Memorials of Alfred Marshall (Tưởng niệm Alfred Marshall), do Pigou chủ biên, người thi hành di chúc văn học của ông. Thành lập thư viện Marshall Library, từ thư viện riêng của ông.
1926: Official Papers of Alfred Marshall (Càc bài viết chính thức của Alfred Marshall), do Keynes chủ biên.

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Alfred Marshall
Principes d’économie politique, Gordon & Breach, 2 vol., 1971.
The Early Economic Writings of Alfred Marshall 1867-1890, Mcmillan, 2 vol., 1975.
The Correspondence of Alfred Marshall, Economist, Cambridge University Press, 3 vol., 1996.
Những tác phẩm viết về Alfred Marshall
A Soaring Eagle: Alfred Marshall 1842-1924, Peter Groenewegen, Edward Elgar, 1995.
Alfred Marshall”, In The Collected Works of John Maynard Keynes, Mcmillan, vol. 10, 1972.
The Economics of Alfred Marshall, David Reisman, éd. Mcmillan, 1986.
Centenary Essays on Alfred Marshall, John K. Whitaker (chủ biên), Cambridge University Press, 1990.
Alfred Marshall: Critical Assessments, Cunningham Wood, Croom Helm, Londres, 1982.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Alfred Marshall, le frère ennemi de Walras” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012.



[*] Joan Robinson, người biết Alfred Marshall, đã nói với chúng tôi rằng đó là một người đàn ông rất lịch thiệp, đặc biệt với phụ nữ, nhưng "chủ nghĩa sô vanh về nam giới" của ông thì không thể chịu nổi.

Print Friendly and PDF