18.6.15

Dân chủ đối lại tăng trưởng?



Harold James (1956-)

Dân chủ đối lại tăng trưởng?

PRINCETON – Tình trạng bất ổn hiện nay của châu Âu đã khơi lại cuộc tranh luận cũ về vấn đề hình thức chính quyền nào tạo ra hiệu quả kinh tế tốt hơn. Có phải đó là các chế độ chuyên quyền, với khả năng áp đặt những lựa chọn mất lòng dân, nhưng hiệu quả hơn trong việc tạo ra tăng trưởng? Hay đó là chế độ dân chủ tự do, đặt cơ sở trên sự kiểm soát và cân bằng, mới mang lại sự thịnh vượng vật chất lớn hơn?
Đó là một cuộc thảo luận mà các bằng chứng hỗ trợ dường như dao động từ bên này đến bên kia trong những thập niên gần đây. Trong những năm 1980, thành tựu kinh tế ở Chile, dưới chế độ độc tài của tướng Augusto Pinochet, và ở Singapore, dưới chế độ của Lee Kuan Yew ôn hòa hơn, nhưng vẫn là chuyên quyền, là rất ấn tượng. Trong khi đó, các nước dân chủ của thế giới công nghiệp hóa đang vật lộn với suy thoái và trì trệ.
Augusto Pinochet (1915-2006)
Tại châu Âu, thực trạng trên dẫn đến sự ra đời của thuật ngữ “Eurosclerosis (Bệnh xơ cứng châu Âu)". Các chế độ dân chủ, theo các nhà khoa học chính trị, dễ bị tổn thương bởi các lợi ích đặc biệt liên quan đến kiềm chế tăng trưởng. Các chế độ chuyên quyền – ít nhất là những chế độ không tìm cách vơ vét đất nước họ – có thể ở vào vị thế tốt hơn để triển khai những chính sách đảm bảo sự thành công kinh tế dài hạn.
Quan điểm này sụp đổ với sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và sự từ bỏ kế hoạch hóa tập trung ở Đông Âu đã dẫn đến một dòng tư tưởng mới, khi một lượng lớn cử tri cho thấy họ sẵn sàng chấp nhận những hy sinh tạm thời, nếu những hy sinh đó gắn với một chương trình cải cách thực tế và không tham nhũng. Ở châu Mỹ Latinh, các chính trị gia cánh tả chấp nhận các nguyên tắc thị trường như là cách tốt nhất để đáp ứng nguyện vọng của cử tri, và phục hồi lại sự tăng trưởng. Trong phần lớn những năm 1990, các chế độ dân chủ dường như chiếm ưu thế.
Nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Kể từ đầu thế kỷ này, mức tăng trưởng kinh tế siêu căng thẳng của Trung Quốc một lần nữa dường như làm nổi bật những lợi ích của chủ nghĩa chuyên quyền. Sự thành công của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc lèo lái vượt qua không mấy ngần ngại sự hỗn loạn của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã thu hút sự chú ý của các quốc gia khác muốn đi theo tấm gương ấy. Những nhà lãnh đạo như Vladimir Putin của Nga, Recep Tayyip Erdoğan của Thổ Nhĩ Kỳ, Abdel Fatah el–Sisi của Ai Cập, và Viktor Orbán của Hungary cho rằng cái giá của sự ổn định và tăng trưởng kinh tế đôi khi có thể là việc đình chỉ chế độ dân chủ.
Jean-Claude Juncker (1954-)
Cuộc khủng hoảng dường như bất tận của đồng euro đã khiến một số nhà lãnh đạo châu Âu tin vào quan điểm trên. Vào lúc bắt đầu cuộc khủng hoảng, Jean-Claude Juncker, nay là Chủ tịch Ủy ban châu Âu, được cho là đã nói, "Tất cả chúng ta đều biết phải làm gì, chúng ta chỉ không biết làm thế nào để được bầu lại sau khi đã làm xong điều đó". Vào tháng năm năm 2010, các nhà lãnh đạo châu Âu quyết định rằng họ không thể ép buộc cải cách ở Hy Lạp theo ý riêng của họ, và cầu viện đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế, như là một cơ chế kỉ luật hơn là một nguồn lực tài chính. Gần đây hơn, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble gây ra tranh cãi khi, công khai lấy cảm hứng từ kinh nghiệm trên, ông nói rằng "nước Pháp nên vui nếu có ai đó buộc quốc hội" phải cải cách.
Tất nhiên, chân lý là các hệ thống chuyên quyền - bất luận những thành công ngắn hạn bằng cách duy trì các chính sách vô trách nhiệm - mang tính không bền vững trong dài hạn. Sự thiếu trách nhiệm giải trình chắc chắn tạo ra tham nhũng và sự kém hiệu quả – những vấn đề mà Trung Quốc hiện đang vật lộn.
Thách thức đối với các chế độ dân chủ là phát triển những cơ chế cho phép họ thiết lập những chính sách bền vững trong dài hạn trong khi vẫn bảo vệ chính quá trình dân chủ. Sự đồng thuận của công chúng trong việc ủng hộ những cải cách khó khăn ở Đông Âu trong những năm 1990 chứng minh rằng các cử tri có khả năng hiểu được và chấp nhận đánh đổi khi nhận thức được là không có giải pháp thay thế nào khác. (Tương tự, cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp cho thấy cử tri sẽ từ chối hy sinh nếu nghĩ rằng còn có một lối thoát khác).
Cuộc tranh luận ở quốc hội là một cách hiệu quả để thiết lập những ưu tiên dài hạn; nhưng các chính trị gia cần phải đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra phải được thực hiện mà không phải quá nhiều chắp vá hoặc trở cờ. Ví dụ, sau cuộc Đại suy thoái, đã có một sự đồng thuận rộng rãi tại Hoa Kỳ rằng Quốc hội, với sự can thiệp thái quá, phải chịu trách nhiệm về sự gia tăng tai hại các rào cản nhập khẩu theo biểu thuế Smoot-Hawley Tariff. Chính sách thương mại, đã được quyết định rằng, nên được giao cho tổng thống, một cơ quan được cách ly tốt hơn khỏi những áp lực bầu cử.
Tương tự, cuộc tranh luận ở châu Âu về những khung tài chính thích hợp có thể được giải quyết thỏa đáng nhất bằng một cuộc trưng cầu dân ý, tiếp sau cuộc tranh luận công khai về một chiến lược dài hạn và bền vững. Nhưng việc triển khai quyết định tốt nhất nên giao cho các quốc gia thành viên.
Cho dù ở cấp độ châu Âu hay ở cấp độ mỗi nước thành viên, thẩm quyền đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế dài hạn nên được giao một cách chính xác và rõ ràng cho những cơ quan mà tính chính danh bắt nguồn từ quá trình dân chủ, trong khi vẫn được bảo vệ từ những ý tưởng thất thường của chính các cơ quan này. Các giải pháp thay thế bền vững đối với quá trình ra quyết định dân chủ không phải là chủ nghĩa chuyên quyền; đó là sự triển khai những cơ chế đảm bảo rằng sự cân nhắc thận trọng của những cái đầu lạnh không bị phá hoại bởi sự đáp trả của những cái đầu nóng đối với một cuộc khủng hoảng trước mắt.
Harold James là giáo sư Lịch sử và Quan hệ quốc tế tại Đại học Princeton, giáo sư lịch sử tại Viện Đại học Châu Âu, Florence, và một nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm đổi mới quản trị quốc tế. Là một chuyên gia về lịch sử kinh tế của Đức và về toàn cầu hóa, ông là tác giả của The Creation and Destruction of Value: The Globalization Cycle (Sự hình thành và hủy diệt giá trị: chu kỳ toàn cầu hoá), Krupp: A History of the Legendary German Firm (Krupp: lịch sử về doanh nghiệp huyền thoại Đức), và Making the European Monetary Union (Thành lập Liên minh tiền tệ châu Âu).
Harold James
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Democracy versus Growth”, Project Syndicate, April 24, 2015
Print Friendly and PDF