16.6.15

Sự kiến tạo xã hội các khoa học



R. K. Merton (1910-2003)

Sự kiến tạo xã hội các khoa học

Trong một thời gian dài, khoa học nằm ngoài trường của những công trình xã hội học. Giống như nhiều người, các nhà xã hội học là nạn nhân của những huyền thoại bao quanh khoa học: nhà nghiên cứu là một người ẩn cư, thậm chí là khắc khổ, và sống giam hãm trong phòng thí nghiệm; tri thức khoa học không phải là một kiến thức như những kiến thức khác mà đúng hơn là chân lí mạc khải; các nhà nghiên cứu chỉ vén lên (“khám phá”) chân lí này.
Việc xã hội học về các khoa học thật sự phát triển mạnh mẽ là kết quả của những công trình nghiên cứu cơ bản của nhà xã hội học Mĩ Robert K. Merton, vào khoảng năm 1940. Ngày nay không thể bác bỏ sự sống động của chuyên ngành này của xã hội học, đặc biệt do cường độ của những tra vấn xã hội về vị trí của khoa học. Một cách tổng quát, xã hội học về các khoa học cố gắng trả lời hai loại câu hỏi: thứ nhất, những câu hỏi về các phương thức hoạt động và tổ chức của không gian khoa học (cộng đồng khoa học hoạt động như thế nào? các định chế khoa học được tổ chức ra sao?); thứ hai, những câu hỏi về bối cảnh sản xuất các kiến thức (kiến thức do các nhà khoa học thiết lập có phụ thuộc vào những điều kiện xác lập chúng không? Đâu là tác động của những tình huống xã hội, văn hóa, ý thức hệ hay kinh tế trên các kiến thức được sản xuất?). Loại tra vấn cuối này cũng gắn với vấn đề tính đặc thù của tri thức khoa học so với những kiểu tri thức khác.
Những câu trả lời của các nhà xã hội học là vô cùng đa dạng: không chỉ tại vì các vấn đề phải giải quyết rất khác nhau mà còn vì những quan niệm được thiết kế để xử lí chúng thuộc về những quan điểm khoa học luận rất đa dạng. Xã hội học về các khoa học còn lâu mới có được một hệ ý độc nhất: vả lại, đây là một trong những lí do của sự sống động của bộ môn này. Bởi thế ở đây, chúng tôi xin tự bằng lòng với việc nêu một vài công trình và lí thuyết chính của xã hội học về các khoa học.

Merton và những chuẩn của đời sống khoa học

Talcott Parsons (1902-1979)
Có thể xem R. K. Merton (học trò của Talcott Parsons và đại diện cho truyền thống chức năng) như nhà xã hội học đầu tiên về các khoa học: kể từ những năm 1940, ông đã góp phần làm cho khoa học trở thành đối tượng chính đáng của các nhà xã hội học. Trong một bài viết năm 1942 có tựa là “The Normative Structure of Science” (Cấu trúc quy phạm của khoa học), R. K. Merton hình dung khoa học, nghĩa là các định chế khoa học và thành viên của các định chế này, như một không gian do một hệ thống bốn chuẩn chi phối.
- Chuẩn thứ nhất, tính phổ cập, nói rõ là những tri thức bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học có tính phổ cập và khách quan: do đó những tiêu chí đánh giá các kết quả phải khách quan và không phụ thuộc vào các tình huống. Đó là lí do tại sao các tạp chí khoa học đánh giá một cách nặc danh những bài viết đề nghị họ đăng tải.
- Chuẩn thứ hai, tính cộng đồng, cho biết là kiến thức khoa học có tính cộng đồng và không thuộc về bất kì ai: các nhà khoa học không phải là chủ nhân các khám phá của mình và công bố chúng trong những tạp chí mà mọi người tiếp cận được.
- Chuẩn thứ ba, tính vô vị lợi, nói rõ rằng động cơ của các nhà khoa học không phải là quyền lợi riêng mà chỉ có thể là quyết tâm tìm kiếm chân lí và những quy luật của tự nhiên.
- Chuẩn thứ tư, sự hoài nghi có tổ chức, cho rằng những kết quả thực nghiệm phải là đối tượng của sự phê phán tập thể và sự cảnh giác của cộng đồng khoa học: chính vì thế mà không thể phát tán các kết quả nếu chúng không được kiểm tra và phê phán.           
Các chuẩn này sẽ được tu chỉnh và xem xét lại nhiều lần, nhưng ý tưởng theo đó khoa học bị chi phối bởi một hệ thống các chuẩn sẽ thắng thế và tạo nên cốt lõi của xã hội học của Merton về khoa học.
Trong thực tế, không gian khoa học được Merton mô tả có tính tự do, bình đẳng và dân chủ. Các chuẩn này tạo thành điều mà Merton gọi là tâm thế (ethos) khoa học, nghĩa là những nguyên tắc luân lí và đạo đức hướng dẫn công trình của tất cả các nhà khoa học. Cũng chính bằng cách tôn trọng các nguyên tắc này mà cộng đồng khoa học đảm bảo sự tự trị của mình đối với những quyền lợi chính trị hay kinh tế. Khi cộng đồng những nhà nghiên cứu không hay không thể tôn trọng các chuẩn trên, đặc biệt khi một chế độ độc tài chính trị áp đặt quyền lực quá đáng trên cộng đồng này, thì khoa học đánh mất giá trị của mình: ví dụ, đó là trường hợp của chính quyền quốc xã tìm cách phát triển một “vật lí học Đức” trong những năm 1930, độc lập với vật lí học lượng tử và vật lí học tương đối bị đánh giá là quá trừu tượng tuy rằng sự phát triển và thành công của hai vật lí học này là không thể chối cãi.
Xã hội học này không nhắm đến những kiến thức khoa học mà nhắm vào những sự kiện của nhận thức: các nhà mertonian không có tham vọng giải thích một cách xã hội học nội dung của khoa học mà chỉ giải thích những điều kiện sản sinh ra khoa học. Họ cũng không có tham vọng mô tả động cơ cá nhân của các nhà khoa học: các chuẩn của Merton cấu thành những nguyên tắc cấu trúc hóa cộng đồng khoa học nhưng không vì thế mà có tham vọng giải thích hành vi thực tế của những thành viên cộng đồng này.
Tiếp sau các công trình của Merton nhưng đặt trọng tâm phân tích vào các tác nhân chứ không vào các cấu trúc, các nhà xã hội học Mĩ Norman Storer (The Social System of Science, 1966) và Warren Hagstrom (The Scientific Community, 1969), cũng như Pháp là Gérard Lemaine và Benjamin Matalon (Revue franVaise de sociologie, 1969, n02) hình dung khoa học như một “hệ thống trao đổi”. Khoa học là một thị trường, giống như thị trường kinh tế: trong cả hai trường hợp các tác nhân tìm cách sở hữu những sản phẩm chỉ có được qua trao đổi, bằng cách tôn trọng một số quy tắc. Duy chỉ bản chất các sản phẩm được trao đổi là khác nhau: trong không gian khoa học, sản phẩm trao đổi là các tri thức và sự công nhận; trong không gian kinh tế thì đó lại là những sản phẩm và dịch vụ.
Thật vậy, một nhà nghiên cứu khám phá một định luật mới của tự nhiên hay thực hiện những thí nghiệm có sức thuyết phục trao đổi những kết quả của mình để lấy sự công nhận dưới dạng những trích dẫn và tưởng thưởng (giải, học bổng, tài trợ), tước vị (bằng cấp, huy chương) hay thăng tiến. Có thể kiến giải châm ngôn nổi tiếng “publish or perish” (công bố hay tiêu tùng) dưới ánh sáng của quan niệm trên về sự vận hành của không gian khoa học: một nhà khoa học không công bố kết quả không thể có chỗ làm việc, tài trợ hay trợ giúp để tiếp tục nghiên cứu; sự nghiệp của anh/chị ta nhanh chóng dừng lại. Do đó các nhà nghiên cứu phải đấu tranh để sống trong cộng đồng khoa học: những trọng thưởng là tương đối hiếm, sự cạnh tranh giữa các tác nhân là quyết liệt. Tinh thần cạnh tranh này kích thích các nhà nghiên cứu và là động lực của khoa học và của những phát minh khoa học.
Pierre Bourdieu (1930-2002)
Lấy lại phần chủ yếu của lí thuyết trên, Pierre Bourdieu cũng nhìn không gian khoa học như một không gian bị những qui tắc của thị trường và cạnh tranh thống trị[*]. Đối với ông, khoa học là một trường, nghĩa là một không gian trung gian giữa xã hội và các tác nhân trong đó một sản phẩm đặc thù (tri thức khoa học) được sản xuất. Trường khoa học là một đấu trường; sự được mất của cuộc đấu tranh là việc tích lũy “vốn biểu tượng” (tước vị, giải thưởng, chức vụ, tài trợ). Tuy nhiên Bourdieu nói rõ là những sản phẩm được trao đổi trên trường này không có giá trị khách quan: giá trị được gán cho một kết quả thực nghiệm hay cho một lí thuyết mới phụ thuộc vào sự quan tâm mà những thành viên khác của cộng đồng khoa học dành cho nó. Ví dụ, ngày nay những nghiên cứu về bộ gien con người được đánh giá cao hơn những nghiên cứu về lịch sử địa chất dãy Massif central, cho dù cả hai loại nghiên cứu này đều cung cấp những tri thức có giá trị.
Bourdieu còn nói rõ rằng cuộc đấu tranh này là không cân xứng: không phải các nhà khoa học đều bình đẳng. Một số được trang bị nhiều hơn về vốn biểu tượng: họ dễ dàng tác động vào trường hơn, để nói cái gì đáng nghiên cứu hơn cái khác, làm lệch hướng các chính sách khoa học. Đương nhiên là một giáo sư ở Collège de France không có cùng một khả năng hành động như một giáo sư đại học ở tỉnh lẻ. Cuộc đấu tranh này càng không cân sức khi vốn biểu tượng của các tác nhân tập hợp hai loại quyền lực vốn được phân bổ rất bất bình đẳng: một quyền lực chính trị và thể chế, gắn với những vị thế thứ bậc và trách nhiệm và một quyền lực đặc thù, gắn với năng lực khoa học và trí tuệ của các nhà nghiên cứu. Hai quyền lực này không hoàn toàn phụ thuộc nhau: một nhà nghiên cứu có thể được công nhận vì tài năng và chất lượng nghiên cứu của mình nhưng không vì thế mà có được một quyền lực thể chế cao; ngược lại, các giám đốc phòng thí nghiệm, thành viên của các hội đồng đánh giá và những người nắm giữ những vị thế cao trong các định chế khoa học không phải bao giờ cũng là những nhà nghiên cứu từng chứng tỏ năng lực khoa học cao. 
Mô tả trên về cộng đồng khoa học có thể khiến ta nghĩ rằng hoạt động của nó do những quy tắc riêng chi phối và cộng đồng này hình thành một không gian vừa tự chủ vừa khác một cách hoàn toàn với phần còn lại của không gian xã hội. Tuy nhiên, khoa học chia sẻ với phần còn lại của xã hội một số lớn những nét thiết yếu: khoa học là bất bình đẳng, có phân tầng, và có những trường hợp phân biệt giới tính và chủng tộc. Do đó khoa học không cấu thành một thành quốc lí tưởng, nơi ngự trị của tinh thần bình đẳng và dân chủ và nơi mà vị thế thể chế gắn liền tức thì với sự xứng đáng khoa học.
Lí tưởng này bị thực tế tổ chức của cộng đồng khoa học đánh đổ. Cộng đồng này có một tầng lớp tinh hoa có xu hướng tập trung tất cả quyền lực: phân bổ ngân sách và chức vụ, chọn lọc những nghiên cứu hứa hẹn nhất, xuất bản và phổ biến các kết quả được đánh giá là lí thú nhất, kiểm soát các tạp chí uy tín nhất. Tầng lớp này cũng tập trung tất cả các tước vị, tưởng thưởng và chức vụ uy tín.
Sự tập trung quyền lực này có thể là không hiệu quả trong chừng mực mà thành viên của giới tinh hoa khoa học, ví dụ những người được giải Nobel, có xu hướng hợp tác với nhau và xem nhẹ việc trao đổi với các nhà nghiên cứu khác. Người ta cũng đã chứng minh rằng công trình của những nhà nghiên cứu vô danh hay những nhà khoa học trẻ không phải bao giờ cũng được những thành viên của giới tinh hoa nghiêm túc xem xét; đó là trường hợp của nhà toán học Na Uy trẻ Abel, vào đầu thế kỉ XIX đã không giới thiệu được các công trình của mình cho những nhà toán học nổi tiếng.
Nhiều nhà xã hội học (Stephen và Jonathan Cole, Diane Crane) đã đề xuất một lí thuyết cho phép giải thích sự tồn tại của thứ bậc các quyền lực và tình thế này: lí thuyết lợi thế cộng dồn khẳng định rằng sự công nhận thu hút sự công nhận và, ngược lại, việc không được công nhận tự củng cố lấy nó. Như vậy, một nhà khoa học trẻ từng học trong một đại học có uy tín, dưới sự hướng dẫn của một nhà nghiên cứu nổi danh, có nhiều cơ may nhận một chức vụ trong một phòng thí nghiệm hàng đầu; do đó nhà khoa học trẻ này có nhiều cơ hội hơn để ở trong một môi trường kích thích và kề cạnh được những nhà nghiên cứu nổi tiếng; do đó nà khoa học này ở vào vị thế có thể tiến hành những nghiên cứu đầy hứa hẹn và có được tài trợ; những nghiên cứu của anh sẽ làm anh nhanh chóng được biết đến và giúp có được những chức vụ có uy tín.
Ngược lại, bất luận năng lực cá nhân của anh là như thế nào, một nhà nghiên cứu trẻ do một giáo sư ít được biết đến hướng dẫn và hành nghề trong một phòng thí nghiệm hạng hai, sẽ gặp khó khăn lớn để được thừa nhận và được trở thành thành viên của giới tinh hoa khoa học. Thứ bậc này của các quyền lực và hoàn cảnh không phải là hình thức duy nhất của sự phân tầng và bất bình đẳng trong nội bộ cộng đồng khoa học. Cũng giống như xã hội, cũng có những bất bình đẳng gắn liền với giới tính, xuất thân xã hội, sắc tộc hay tôn giáo. Đặc biệt là nhiều nghiên cứu, do các phong trào nữ quyền khởi xướng, cho thấy rằng phụ nữ là nạn nhân của nhiều sự phân biệt đối xử: họ thường ở những chức vụ thấp và hiếm khi là thành viên của giới tinh hoa khoa học; họ khó nhận được chức vụ nghiên cứu cho dù hồ sơ học vấn và khoa học của họ có chất lượng cao.
Tại Pháp, trường hợp của Marie Curie là điển hình: mặc dù sở hữu hai giải Nobel, chưa bao giờ bà được bầu vào Viện hàn lâm khoa học tuy chồng bà là thành viên nhờ giải Nobel mà cả hai vợ chồng cùng được trao. Nguồn gốc xuất thân xã hội cũng là một nhân tố của sự bất bình đẳng. Ví dụ, trong những năm 1970 ở Hoa Kì, chưa đến 3% những người được giải Nobel có cha là nông dân, trong lúc đó là trường hợp của 20% các tiến sĩ và của 30% nhân viên. Có thể nhân bội các ví dụ. Nhưng nhận định vẫn thế thôi: cộng đồng khoa học giống với xã hội bao quanh nó.  

Các xã hội học đầu tiên về nhận thức

Vào đầu những năm 1970, thoát ra khỏi việc nghiên cứu chỉ độc nhất việc tổ chức và sự phân tầng của khoa học, nhiều nhà nghiên cứu (chủ yếu là người Anh) đã nối lại với truyền thống nghiên cứu xã hội học về nhận thức khoa học, vốn là một truyền thống lâu đời của xã hội học.
Thể theo quy luật ba trạng thái của Auguste Comte, khoa học chỉ nổi lên trong các xã hội công nghiệp và các xã hội thần quyền không thể phát triển kiểu tri thức này. Trái lại, Émile Durkheim cho rằng đường biên phân cách tôn giáo và khoa học không phải là kín kẽ: trong tác phẩm Les formes élémentaires de la vie religieuse (Những hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo) (1912), ông đã chứng minh rằng những khuôn khổ của tư duy khoa học (logic, các nguyên lí phân loại, các ý niệm thời gian và khoảng cách) bắt nguồn từ các tư tưởng tôn giáo và huyền thoại.
Ngoài cuộc tranh luận này còn có thêm một tra vấn về những điều kiện xã hội của sự sản xuất các tri thức. Đối lập với ý tưởng rằng khoa học là một sản phẩm phổ cập mà mọi người tiếp cận được, Karl Marx cho rằng việc các giai cấp bị thống trị bị “điều kiện hóa tâm trí” khiến cho các giai cấp này không thể thiết kế những kiến thức khoa học. Nhiều nhà tư tưởng khác, như Max Scheler hay Karl Mannheim, đã phát triển những luận đề tương tự: quan điểm của một cá nhân về thế giới, tự nhiên và xã hội do hoàn cảnh xã hội của cá nhân ấy điều kiện hóa. Vậy há chăng cá nhân không có giá trị nào cả? Trên vấn đề này, triết học Âu châu đầu thế kỉ XX không có ý kiến dứt khoát.
Ít nhiều bị lãng quên từ những năm 1940 đến 1970, xã hội học và nhận thức được quan tâm trở lại kể từ những năm 1970. Một cách nghịch lí, sự tái đổi mới này đến từ triết học về các khoa học. Thật vậy, những công trình của Ludwig Wittgenstein, Willard Quine, Alexandre Koyré và nhất là của Thomas Kuhn đã khai tử quan niệm thuần túy thực chứng về khoa học: các thí nghiệm khoa học không cấu thành những chứng cứ tuyệt đối của các lí thuyết; các lí thuyết bao giờ cũng có những yếu tố ngoài thực nghiệm (bị xâm nhập bởi các tư tưởng tôn giáo, siêu hình hay triết học): các lí thuyết là có ý nghĩa trong một paradigm và chỉ một thôi. Được T. S. Kuhn sáng tạo để chỉ toàn bộ những giáo điều, tin tưởng, lí thuyết và tiên đề (ngầm ẩn hay không) được một cộng đồng chia sẻ, ý niệm paradigm đã kích thích sự đổi mới này.

Các trào lưu tương đối luận

Barry Barnes (1943-)
Như vậy, nhiều nhà xã hội học Anh đã khơi lên lại những vấn đề khác nhau của xã hội học về nhận thức: các tri thức có phụ thuộc vào những điều kiện sản sinh ra chúng không? Nếu có, thì trong chừng mực nào và bằng cách nào? Hai kiểu trả lời, xuất phát từ hai trường phái khác nhau đã được đề xuất: cả hai trường phái này đều bảo vệ quan điểm tương đối luận, nhưng theo những cách khác nhau. Thứ nhất đối với Barry Barnes và David Bloor thuộc đại học Edimbourg, bảo vệ một cách tiếp cận gọi là “chương trình mạnh”, theo đó không hể bác bỏ rằng bối cảnh xã hội và văn hóa nói chung quyết định khoa học, tức là nội dung của các lí thuyết khoa học. Bằng cách nghiên cứu nhiều cuộc tranh luận khoa học, họ cho thấy là khi có hai lí thuyết giành nhau giải thích một hiện tượng tự nhiên thì lí thuyết cuối cùng được cộng đồng khoa học chấp nhận sẽ là lí thuyết được những nhà hành động giữ những vị trí xã hội và chính trị mạnh nhất bảo vệ; do đó chính những nhân tố xã hội vĩ mô cho phép khép lại một cuộc tranh cãi khoa học để cho một lí thuyết nổi lên như là người chiến thắng. Mục đích của “chương trình mạnh” chủ yếu nhằm cung cấp những công cụ lí thuyết cho phép nghiên cứu những cuộc tranh luận và bàn luận khoa học: chương trình này khuyến khích không nên lấy hậu quả của việc khép lại cuộc tranh luận làm nguyên nhân thắng lợi của lí thuyết này trên lí thuyết kia. Trong thực tế, các tác giả của chương trình đặt lại vấn đề ý tưởng theo đó một lí thuyết thắng thế vì nó “đúng”: thật ra, nó có thể thắng thế vì nó được “những người mạnh nhất” bảo vệ.
Harry Collins (1943-)
Cách nhìn của những đại diện trường phái thứ hai, đặc biệt của Harry Collins thuộc đại học Bath (Anh) gần với cách nhìn của “chương trình mạnh”. Tuy nhiên, những người thuộc trường phái này tách ra khỏi chương trình trên trên một điểm mấu chốt: đối với họ, nguyên nhân thắng lợi của một lí thuyết nằm trong bối cảnh địa phương (xã hội vi mô) chứ không có tính toàn cục (xã hội vĩ mô). Chính những nét cá nhân, đặc điểm của các nhóm và bản sắc cá thể điều kiện hóa các tri thức khoa học. Đối với những người bảo vệ quan điểm này, việc kiến giải các thí nghiệm và quan sát không có tính đơn ứng: mọi thí nghiệm và mọi kiến giải viện đến những kiến thức cụ thể mặc nhiên và những kiến thức lí thuyết ngầm thì bao giờ cũng có một số lớn những kiến giải khác nhau về cùng một “sự kiện” khoa học.
David Bloor (1942-)
Ví dụ, trong những năm 1970, cộng đồng các nhà vật lí đã tranh luận rất lâu về tính khả thi của một thí nghiệm nhằm chứng minh sự tồn tại của sóng hấp dẫn. H. Collins cho thấy là cộng đồng này không đi đến nhất trí được vì các nhà vật lí không đồng ý với nhau về cách kiến giải gán cho thí nghiệm này, và ngay cả về những cách lặp lại thí nghiệm lẫn những kết quả của những thí nghiệm tương tự. Nếu cuối cùng thỏa thuận đã đạt được thì đó không phải vì các nhà vật lí đã tìm ra một thiết kế hay lí thuyết khiến họ thỏa mãn nhưng đơn giản vì họ không muốn đánh mất khuôn khổ lí thuyết của mình (vốn không dự báo là thí nghiệm có thể phát hiện sóng); họ đã không muốn đánh mất “căn cước khoa học” của họ. 

Khoa học như sự thực hành: nhân học của Latour

Bruno Latour (1947-)
Rời khỏi phân tích xã hội học vĩ mô về không gian khoa học và việc nghiên cứu những nhân tố xã hội quyết định các kiến thức khoa học, nhiều nhà xã hội học và nhân học đã đề nghị tập trung việc nghiên cứu khoa học vào những cách thực hành, những hành động cụ thể của các nhà khoa học trong các định chế của họ: cách tiếp cận này cấu thành nhân học về khoa học. Cũng giống như với các cách tiếp cận tương đối luận, bối cảnh xã hội can dự vào việc thiết lập các tri thức khoa học, nhưng, khác với các nhà tương đối luận, chính các cách thực hành, hành vi và hành động của nhà nghiên cứu, chứ không phải những nhân tố văn hóa hay xã hội chung, mới định hình các tri thức. Hiểu cách “hoạt động” của khoa học là nghiên cứu khoa học “như nó được thực hành” chứ không chỉ bằng lòng với việc nghiên cứu các sản phẩm của nó: không thể hiểu nguồn gốc của các tri thức và kết quả khoa học chỉ bằng cách nghiên cứu các bài viết và công bố khoa học vì những tài liệu này đã là những sản phẩm hoàn chỉnh, được xác thực và thiết chế. Đối với nhân học về khoa học, tìm hiểu khoa học là tìm hiểu cái khoa học còn chưa chắc chắn; là tìm hiểu những quá trình thực tiễn cho phép nhà nghiên cứu tìm ra một sự thỏa thuận, quyết định rằng thí nghiệm nào là có thể chấp nhận hay rằng phải bác bỏ kết quả kia.
Do đó, lấy cảm hứng từ phương pháp luận nhân học, nhiều nhà xã hội học và nhân học (Bruno Latour, Steve Woolgar, Karin Knorr-Cetina, Michael Lynch) đã tiến hành phân tích nhân học “cuộc sống hằng ngày” trong các phòng thí nghiệm: những sự kiện và hành xử của nhà các nghiên cứu, những cuộc thảo luận và ghi chép của họ, những thao tác thí nghiệm. Phương pháp của họ nghiêm cấm tất cả những nguồn không có tính nhân học: phải tìm hiểu những gì nhà nghiên cứu làm chứ không phải những gì nhà nghiên cứu nói là họ đã làm. Ví dụ, không thể tin các nhà khoa học khi họ được phỏng vấn do những gì họ phát biểu đượm màu khoa học luận, hệ tư tưởng khoa học và không tương ứng với thực tế của những cách làm của họ. Vì thế, nhà xã hội-nhân học phải sử dụng và duy trì sự không biết của mình về bộ môn được tìm hiểu (sinh học trong trường hợp của B. Latour); không tìm cách hiểu các lí thuyết do các nhà khoa học thiết kế mà chỉ nắm bắt những thủ tục cho phép dẫn đến các lí thuyết này.
Nhiều tác phẩm của Latour (Laboratory Life: The Construction of Scientific Facts, Science in Action: How to follow scientists and engineers through society) là đặc biệt tiêu biểu cho trào lưu này của xã hội học về các khoa học. Đặc biệt tác giả này đã nghiên cứu việc sản xuất những mệnh đề khoa học: bằng cách nào một mệnh đề, thu được trong một bối cảnh thực nghiệm và lí thuyết chính xác, đạt được cương vị của một mệnh đề tổng quát, được mọi người chấp nhận và tách rời khỏi bối cảnh không gian và thời gian của việc kiến tạo ra nó? Latour làm rõ nhiều quá trình “ổn định hóa” các mệnh đề: bằng cách tìm kiếm những điểm giống nhau với các mệnh đề khác, kết hợp nhiều mệnh đề, nối kết mệnh đề với những nghiên cứu khác, nhà khoa học dần dần tăng tính đáng tin của các mệnh đề thực nghiệm của mình.
Các nhà xã hội-nhân học về các khoa học bác bỏ hai nguyên tắc giải thích khoa học được những người đi trước triển khai: nguyên tắc của các tương đối luận cho rằng xã hội quyết định khoa học; nguyên tắc của các nhà duy thực cho rằng tự nhiên quyết định khoa học. Thật ra, các nhà xã hội-nhân học tìm cách không ưu tiên cho bất kì hệ thống nhân quả nào, đối với họ xã hội cũng như tự nhiên đều can dự vào việc kiến tạo khoa học. Do đó các tác nhân của khoa học là những nhà nghiên cứu, nhưng còn có cả các “thực tế” được họ nghiên cứu: chuột, hạt, phân tử hay phản ứng hóa học. Và các thực tế này được “trung giới hóa” bằng những thiết bị thực nghiệm (máy hiện sóng, máy gia tốc, kính hiển vi, chất liệu và nguyên liệu), các thiết bị này cũng là những tác nhân của khoa học.
Quan niệm này về hoạt động khoa học buộc các nhà xã hội-nhân học phải tính đến phía bên ngoài phòng thí nghiệm: khoa học không chỉ được kiến tạo trong khuôn viên của phòng thí nghiệm mà còn cả trong các cuộc hội thảo, xêmina, bàn luận và thương thảo với phía nhà tài trợ (các bộ ngành hay các đối tác tư nhân). Do đó không chỉ có rất nhiều thành phần tham gia vào việc kiến tạo khoa học nhưng chúng còn được nối kết với nhau trong thực tiễn: nhà nghiên cứu này sẽ sử dụng sản phẩm này để thực hiện thí nghiệm này bằng cách sử dụng các công cụ này nhằm tìm ra câu trả lời cho một câu hỏi mà nhà tài trợ hay cơ quan này quan tâm. Tập hợp trên cấu thành điều được B. Latour và Michel Callon gọi là một “người hành động” (actant) hay người hành động-mạng (actant-réseau). Chính các “người hành động” này mới là thành phần thật sự tạo nên khoa học.
Khuôn khổ lí thuyết trên về người hành động-mạng cho phép tư duy sự nối khớp giữa nghiên cứu khoa học, các ứng dụng kĩ thuật và nhu cầu công cộng. Chắc chắn đó là một trong những giá trị của khuôn khổ này: trước đây phân tích khoa học tách biệt với việc phân tích các ứng dụng thực tiễn và những được mất có tính công nghiệp của khoa học trong khi vị thế của các khoa học công nghệ trong các xã hội chúng ta khiến cho việc tách biệt này là một điều ảo tưởng.

Xã hội học về khoa học và những đường biên của nó

Về mặt lịch sử, xã hội học về các khoa học đã phát triển để phản ứng chống lại triết học và lịch sử các khoa học: triết học về các khoa học, bất lực trong việc tính đến thực tế của hoạt động khoa học và của những cách thực hành của các nhà nghiên cứu, bị xem là quá lí thuyết; lịch sử các khoa học, bất lực trong việc vượt qua lịch sử các sự kiện và việc thu thập một cách uyên thâm các sự kiện bị xem là không có khả năng nhận diện một logic cho sự phát triển khoa học và thực tế đời sống của nhà nghiên cứu.
Tuy nhiên, đôi lúc xã hội học về các khoa học đã lấy cảm hứng từ những vấn đề và ý niệm của triết học và lấy từ các công trình sử học những ví dụ để minh họa các luận điểm của mình. Ngược lại, triết học, và nhất là lịch sử các khoa học đã lấy cảm hứng từ những suy tưởng của các nhà xã hội học để nuôi dưỡng các công trình của hai chuyên ngành này: không thể phủ nhận là lịch sử xã hội và văn hóa về các khoa học, như được thực hành trong nhiều trung tâm nghiên cứu, ở Pháp cũng như trong các nước anglo-saxon, mang dấu ấn của những công cụ và khái niệm của xã hội học về các khoa học. Tìm hiểu về khoa học vẫn là một được mất chủ yếu và các bộ môn tham gia vào điều này chia sẻ cùng những vấn đề và khó khăn.  
Olivỉer Martin
Giáo sư xã hội học, phân khoa khoa học nhân văn và xã hội của đại học Paris-Descartes
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Histoire et philosophie des sciences, Éditions Sciences Humaines, 2013

Royal Society, một đạo đức tin lành về khoa học?

Royal Society được thành lập ở London năm 1660 với mục đích quảng bá khoa học và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà bác học gặp nhau. Tổ chức này được thành lập theo sáng kiến của các nhà khoa học và dưới sự bảo vệ của nhà vua, sáu năm trước Viện hàn lâm khoa học Pháp. Từ năm 1665 Royal Society xuất bản tạp chí Philosophical Transactions.
Trong số những thành viên lỗi lạc nhất của Royal Society, có Robert Boyle, Isaac Newton và đối thủ lớn của ông là Robert Hooke, và nhiều nhân vật lỗi lạc khác của khoa học cổ điển như John Ray, William Halley, Christopher Wren, nhà toán học và kiến trúc sư tham gia vào việc xây dựng lại London sau trận hỏa hoạn lớn năm 1666.
Trong luận án của ông về Royal Society, nhà xã hội học Robert K. Merton đã thử tìm sự tương đương giữa tinh thần khoa học thời bấy giờ với đạo đức thanh giáo của các nhà sáng lập tổ chức này. Tất nhiên, nghiên cứu của ông theo truyền thống của Max Weber với tác phẩm Nền đạo đức tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (1905). Đối với R. Merton, đạo đức thanh giáo đã có một vai trò quan trọng trong sự phát triển khoa học.
Vào lúc được thành lập, Royal Society tập hợp các nhà bác học, tất cả đều tin đạo và thấm nhuần những giá trị thanh giáo. Đạo đức thanh giáo này cổ vũ lí tính, như một công cụ chống lại các đam mê. Như Merton nói “việc kết hợp tính duy lí và chủ nghĩa kinh nghiệm, rất hiển nhiên trong đạo đức thanh giáo, hợp thành bản chất của khoa học hiện đại”. Một yếu tố khác của đạo đức thanh giáo là mối quan tâm không ngừng nghỉ về phúc lợi cho số đông người nhất: ngoài chiều kích vật chất, quyền năng của khoa học trong việc cải thiện hoàn cảnh cụ thể của con người là một điều tốt, phù hợp với học thuyết tin mừng về sự cứu rỗi, theo quan niệm của những người tin lành. Trong thực tế, ta nhận thấy một quan hệ chặt chẽ giữa ảnh hưởng thanh giáo với sự phát triển của khoa học trong các đại học và hội đoàn bác học. Chẳng hạn, ở Cambridge, việc nghiên cứu các khoa học lan rộng cùng với sự thắng thế của ảnh hưởng thanh giáo. Những bài viết được Royal Society xuất bản nhấn mạnh mối liên kết giữa việc nghiên cứu tự nhiên và việc vinh danh Thượng đế.
Jean-FranVois Dortier
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Histoire et philosophie des sciences, Éditions Sciences Humaines, 2013



[*] P. Bourdieu, “Le champ scientifique”, Actes de la recherche en sciences sociales, n02/3, 1976.

Print Friendly and PDF