27.5.15

Walras, người sáng lập kinh tế học tân cổ điển



Léon Walras (1834-1910)

Walras, người sáng lập kinh tế học tân cổ điển

Khi làm cho cung và cầu trở thành cơ chế trung tâm của nền kinh tế, Léon Walras đã cách mạng hóa lý thuyết kinh tế.
Léon Walras muốn thực hiện một tác phẩm về kinh tế học chính trị thuần túy.
Là tác giả của lý thuyết cân bằng chung, Walras là một trong những người truyền cảm hứng chính của kinh tế học hiện đại chính thống. Tuy thường được xem là người đánh bóng chủ nghĩa thị trường và là môn đồ của chủ nghĩa tự do triệt để, nhưng ông tự xác định là một "người theo chủ nghĩa xã hội khoa học tự do và nhân đạo". Ông đối lập với chủ nghĩa tự do chính thống của các nhà kinh tế Pháp cũng như với chủ nghĩa xã hội của Marx và của Proudhon. Ông mong muốn dung hòa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa đạo đức và chủ nghĩa công lợi, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa cá nhân trên cơ sở một nguyên tắc công bằng được kế thừa từ những lý tưởng của cuộc Cách mạng Pháp.
Trong phần đầu sự nghiệp của ông, trước khi có được chức danh giáo sư kinh tế học tại Lausanne, ông cống hiến cho các hợp tác xã và những cơ hội mà chúng có thể mang lại để cải thiện xã hội, một chủ đề quan tâm của ông đến cuối đời[*]. Tin rằng tác phẩm của mình góp phần, có tính quyết định, làm bình ổn các mối quan hệ giữa con người với nhau, ông vận động vào cuối đời ông để được trao giải thưởng Nobel mới thành lập và vì mục đích đó viết cuốn La paix par la justice et le libre-échange (Hòa bình bằng sự công bằng và tự do mậu dịch), một vài năm trước khi qua đời.
Nhà lý thuyết và nhà cải cách xã hội
Walras trước hết là một nhà lý thuyết. Nhiều tác phẩm của ông mang tính khô khan, khó đọc đối với hầu hết những người đương thời ông. Tuy nhiên, ông tự xem như là một nhà cải cách tha thiết mang lại những giải pháp hiệu quả cho vấn đề xã hội, với mục đích nhằm cải thiện đáng kể hoàn cảnh thương tâm của đại đa số giai cấp lao động, những người thừa kế của giai cấp nông nô và nô lệ. Vả chăng trước đó ông đã mượn con đường văn học để truyền đạt thông điệp của mình. Chỉ sau sự thất bại của cuốn tiểu thuyết của ông, Francis Sauveur (Francis đấng cứu thế), ông mới quyết định cống hiến cho kinh tế học để cải thiện xã hội.
Giống như bố ông, Auguste Walras, mà bản thân là một nhà kinh tế và là tác giả của cuốn De la nature de la richesse et de l’origine de la valeur (Luận bàn về bản chất của sự giàu có và nguồn gốc của giá trị), ông đặc biệt tin rằng cải cách xã hội sẽ diễn ra thông qua sự cải cách về quyền sở hữu đất đai và thuế khóa. Theo ông, đất đai thuộc sở hữu tập thể, phải thuộc về nhà nước, và điều này sẽ làm cho một giai cấp xã hội sống nhờ vào tiền thuê đất bị hẫng hụt. Thuộc sở hữu nhà nước, nhà nước sẽ cho thuê lại đất, tiền thuê đất đó trước tiên sẽ cho phép xóa bỏ thuế khóa, điều ngăn cản người làm thuê tiếp cận với tiết kiệm và quyền sở hữu tư bản. Walras tin rằng những cải cách này cuối cùng sẽ dẫn đến việc bãi bỏ giai cấp vô sản, bằng một con đường khác với con đường của Marx và Proudhon.
Đầu tiên, Walras có ý định thực hiện một tác phẩm về kinh tế học chính trị "thuần túy" tập trung vào lý thuyết giá trị trao đổi và của cải xã hội. Chịu ảnh hưởng của bố ông và của Augustin Cournot, ông tin rằng khoa học này cùng bản chất với các ngành khoa học vật lý và do đó phải sử dụng phương pháp và ngôn ngữ của toán học. Ông còn thậm chí khẳng định rằng "kinh tế học chính trị thuần túy nên trở thành một nhánh của toán học" (Œuvres, vol. 7, trang 329). Trên quan điểm này, Walras rõ ràng là nhà tiên phong của lý thuyết kinh tế hiện đại.
Nhưng kinh tế học chính trị thuần túy, mà người ta thường quy giản cho đó là sự đóng góp của Walras, vốn theo ông chỉ là một phần của những gì hợp thành kinh tế học. Nó cần phải được tiếp nối bằng kinh tế học xã hội, mà đối tượng là sự phân phối của cải xã hội. Đây là một khoa học về đạo đức, thuộc phạm trù chuẩn tắc. Cuối cùng, kinh tế học chính trị ứng dụng, thuộc phạm trù nghệ thuật theo nghĩa truyền thống của từ này, có nghĩa là có tính thủ công, là lý thuyết về sản xuất kinh tế, của cải xã hội, tổ chức nền kinh tế.
Walras chỉ hình thức hóa phần đầu tác phẩm của ông, nhưng ông đã viết nhiều nghiên cứu về kinh tế học xã hội và kinh tế học ứng dụng, mà ông đã tập hợp lại một phần trong hai cuốn sách xuất bản năm 1896 và 1898 (xem dưới đây “Walras qua vài năm tháng”).
Thị trường và cân bằng chung
Kinh tế học chính trị thuần túy là lý thuyết về sự vận hành của thị trường. Của cải xã hội được xem như là một tập hợp các sự vật, từ phi vật chất đến vật chất, được giao dịch trên những thị trường chịu sự chi phối của cạnh tranh. Các tác nhân tham gia thị trường với những nguồn lực và sở thích của họ, cầu (bằng cách tăng giá dần dần cho đến khi đạt được những gì họ muốn) và cung (bằng cách hạ thấp giá dần dần) theo cách đấu giá. Những biến động giá cả cho phép đạt được sự cân bằng về lượng cung và cầu. Thị trường lý tưởng đối với Walras là thị trường chứng khoán, nơi mà một mức giá ban đầu được người rao giá xướng lên trước khi khởi động một quá trình dò dẫm để đi đến trạng thái cân bằng.
Toàn bộ nền kinh tế có thể được xem như là một tập hợp các thị trường đan chéo nhau: "Thế giới có thể được xem như là một thị trường chung rộng lớn bao gồm nhiều thị trường đặc biệt khác nhau, nơi mà của cải xã hội được mua và được bán" (Œuvres, vol.  8, p 329). Trong cuốn Elements (Các yếu tố), Walras đầu tiên phân tích thị trường các sản phẩm, bắt đầu bằng sự trao đổi của hai sản phẩm. Sau đó ông đưa sản xuất vào bằng cách bổ sung vào thị trường các sản phẩm, thị trường các dịch vụ sản xuất. Sản xuất là một giao dịch qua đó các doanh nhân kết hợp các dịch vụ sản xuất để làm ra sản phẩm. Giá các dịch vụ sản xuất là kết quả của sự tương tác giữa cung của chúng, được tạo ra bởi các cá nhân, và cầu của chúng, được tạo ra bởi các doanh nhân. Chính thu nhập của các cá nhân cho phép họ có thể mua các sản phẩm được các doanh nhân cung cấp.
Walras sau đó đưa thêm vào thị trường vốn và cuối cùng, là tiền tệ và tín dụng. Tất cả các thị trường đều liên quan với nhau. Và, trên mọi thị trường, lượng cung hoặc cầu của một sản phẩm hay dịch vụ sản xuất không chỉ phụ thuộc vào giá của nó, mà còn phụ thuộc vào giá của tất cả các sản phẩm và dịch vụ sản xuất khác. Đấy là ý nghĩa của sự cân bằng chung, mà sự hình thức hóa toán học tạo thành đóng góp quan trọng nhất của tác phẩm của Walras. Kinh tế học được biểu diễn bởi một hệ phương trình, trong đó các ẩn số cần xác định là giá cả và số lượng của tất cả các sản phẩm và của tất cả các dịch vụ sản xuất, có xét đến các hệ số chế tạo qua đó các dịch vụ được chuyển thành sản phẩm. Như vậy, các phương trình sẽ mô tả công nghệ sử dụng của hệ thống cũng như sở thích của các tác nhân.
Nhận thấy là số lượng các phương trình bằng số lượng các ẩn số trong hệ thống, Walras kết luận rằng có thể giải hệ phương trình, ít nhất là về mặt lý thuyết. Điều đó dĩ nhiên là không đầy đủ, nhưng Walras cho rằng sự tự do cạnh tranh trên thị trường các sản phẩm và dịch vụ sản xuất hợp thành "lời giải trong thực tế các phương trình", quá trình dò dẫm cho phép đi đến trạng thái cân bằng. "Sự tự do, trong một số giới hạn nào đó, mang lại lợi ích tối đa", ông kết luận (ibid., trang 333-335). Lợi ích tối đa không vì thế mà có nghĩa là trạng thái công bằng xã hội. Sự công bằng không đến từ kinh tế học thuần túy, mà từ kinh tế học xã hội. Vấn đề mà kinh tế học thuần túy nhằm giải quyết là vấn đề của tính hiệu quả và tính bền vững của một nền kinh tế thị trường, của sự vận hành của bàn tay vô hình của Adam Smith.
Di sản của Walras
Việc xuất bản cuốn Elements (Các yếu tố) của Walras diễn ra ba năm sau khi cuốn The Theory of Political Economy (Lý thuyết kinh tế học chính trị) của William Stanley Jevons và cuốn Grundsatze fur Volkswirthschaftslehre (Các nguyên lý kinh tế học) của Carl Menger được xuất bản. Ba tác phẩm trên được coi là ngòi nổ của "cuộc cách mạng cận biên". Chúng hợp thành một bước ngoặt lớn của lịch sử tư tưởng kinh tế, để cuối cùng kinh tế học tân cổ điển sẽ thay thế kinh tế học chính trị cổ điển. Ba tác giả trên thiết lập giá trị các sản phẩm dựa trên lợi ích của chúng đối với khách hàng, trong khi hầu hết các nhà kinh tế cổ điển, kể cả Marx, giải thích giá trị đó bằng lao động cần thiết cho việc sản xuất ra chúng. Trong cách nhìn mới này, cung và cầu là cơ chế trung tâm của nền kinh tế.
Walras dành nhiều nghị lực để truyền bá các ý tưởng của ông và để xác lập mình là tác giả. Nhưng, có lẽ vì tính phức tạp của sự trình bày toán học các ý tưởng ấy, mà chúng ít có tác động lúc ông còn sống, ngoài phạm vi trường phái Lausanne, mà Pareto, một môn đồ và người kế tục ông, là người tạo cảm hứng. Nhưng gió đã đổi chiều từ những năm 1930. Một mặt, các nhà toán học, mà người nổi tiếng nhất là John von Neumann, đã quan tâm để chứng minh sự tồn tại của một cân bằng chung trong một nền kinh tế cạnh tranh. Mặt khác, các nhà kinh tế như John Hicks và Paul Samuelson đã diễn dịch kinh tế học vi mô bằng ngôn ngữ của Walras.
Sau chiến tranh, lý thuyết cân bằng chung phát triển đáng kể, giành được nhiều "giải thưởng Nobel". Chẳng hạn, khi sử dụng các công cụ toán học phức tạp, Kenneth Arrow và Gérard Debreu, năm 1954, cung cấp bằng chứng về sự tồn tại của một cân bằng chung cạnh tranh, điều mà Walras chưa thể hoàn thành được. Nhưng kể từ khi có sự công nhận sau khi tác giả qua đời, nhiều người tự hỏi không biết thiết kế gọn gàng này có liên quan thực sự đến thực tế kinh tế không, hay nó chỉ đơn thuần là một hư cấu, một sự tương hợp lý thuyết.
Léon Walras qua vài năm tháng
1834: sinh ngày 16 tháng 12 tại Evreux. Bố ông Auguste, tốt nghiệp Trường cao học sư phạm và thanh tra học viện, bạn của Cournot, là tác giả của cuốn Théorie de la richesse sociale (Lý thuyết về của cải xã hội) (1849).
1851: đỗ tú tài văn chương.
1853: đỗ tú tài khoa học.
1854: ra Trường đại học cầu đường mà không tốt nghiệp, sau khi thất bại trong kỳ thi tuyển sinh vào Trường bách khoa.
1858: tiểu thuyết Francis Sauveur.
1859-1862: biên tập viên của tòa báo Journal des économistes (Tạp chí các nhà kinh tế) và La presse (Báo chí).
1860: L’économie politique et la justice (Kinh tế học chính trị và sự công bằng).
1862-1865: làm việc tại vụ văn phòng Công ty Đường sắt miền Bắc.
1865-1868: quản lý Quỹ tiết kiệm của các hội đoàn nhân dân về tiêu dùng, sản xuất và tín dụng.
1866-1868: thành lập và điều hành tạp chí hợp tác Le travail (Lao động).
1868: Recherche de l’idéal social (Nghiên cứu về lý tưởng xã hội).
1869: kết hôn với Célestine-Aline Ferbach, người mà ông sống chung từ mười năm nay.
1869-1870: làm việc tại ngân hàng Trivulzi, Hollander & Co.
1870-1892: giáo sư kinh tế học chính trị ở học viện (năm 1890 là đại học) ở Lausanne.
1874-1877: Eléments d’économie politique pure (Các yếu tố của kinh tế học chính trị thuần túy).
1877: Théorie mathématique de la richesse sociale (Lý thuyết toán học về của cải xã hội).
1879: Célestine Walras qua đời.
1884: kết hôn với Léonide-Désirée Mailly.
1886: Théorie de la monnaie (Lý thuyết tiền tệ).
1894: Vilfredo Pareto kế nhiệm chức danh giáo sư kinh tế học chính trị của Walras ở Lausanne.
1896: Etudes d’économie sociale (Các nghiên cứu về kinh tế học xã hội).
1898: Etudes d’économie politique appliquée (Các nghiên cứu về kinh tế học chính trị ứng dụng).
1900: người vợ thứ hai qua đời.
1910: mất ngày 05 tháng 1, tại Clarens.
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của Léon Walras
   Œuvres économiques complètes, Auguste và Léon Walras, Economica, 14 vol., publiés depuis 1987.
   Correspondance of Léon Walras and Related Papers, William Jaffé chủ biên, North-Holland, 3 vol., 1965.
Những tác phẩm viết về Léon Walras
   La vie et l’œuvre de Léon Walras, Pierre Dockès và Jean-Pierre Potier, Economica, 2001.
   La vie n'est pas un pique-nique: Léon Walras et l’économie sociale, Pierre Dockès, Economica, 1996.
   Essays on Walras, William Gaffées, Donald A. Walker chủ biên, Cambridge University Press, 1983.
   The Evolutionist Economics of Léon Walras, Albert Jolink, Routledge, 1996.
   L’economie walrasienne: une théorie pure du capital et de la monnaie, Michio Morishima, Economica, 1979.
   La pensée économique de Walras, Antoine Rebeyrol, Dunod, 1999.
   The Equilibrium Economics of Léon Walras, Jan Val Daal et Albert Jolink, Routledge, 1993.
   Walras’s Market Model, Donald A. Walker, Cambridge University Press, 1996.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Léon Walras, fondateur de l'économie néoclassique” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012



[*] Xem về vấn đề này, "Le socialisme singulier de Léon Walras (Chủ nghĩa xã hội lập dị của Léon Walras)", Denis Clerc, Alternatives Economiques số 193, tháng 6 năm 2001, có thể truy cập vào kho lưu trữ trực tuyến của chúng tôi.

Print Friendly and PDF