29.9.19

Kinh tế học như là một khoa học xã hội


KINH TẾ HỌC NHƯ LÀ MỘT KHOA HỌC XÃ HỘI

Về Mark Granovetter, Society and Economy. Framework and Principles (Xã hội và kinh tế. Bộ khung và các nguyên tắc), Harvard University Press, 256 trang.
Là một nhân vật quan trọng của xã hội học kinh tế, Mark Granovetter, tiếp nối con đường của Max Weber, cho xuất bản một cuốn sách tìm cách vượt lên trên những ranh giới giữa các khoa học để đưa ra một sự hiểu biết toàn thể về nền kinh tế.
 “Xã hội học kinh tế mới” là một trào lưu nghiên cứu được một số nhà xã hội học chủ trương từ những năm 1980, vốn xem rằng những mô hình lý thuyết của kinh tế học tân cổ điển không tốt và cần phải huy động những tài nguyên của tổng thể các khoa học xã hội để nghiên cứu các hoạt động kinh tế, đặc biệt sự phân tích các mạng xã hội (được hiểu như là sự nghiên cứu các mối quan hệ cụ thể giữa các cá nhân hay các nhóm).
Mark Granovetter (1943-)
Đã được biết trước đây với một luận văn về thị trường lao động và một bài quan trọng về sức mạnh của các mối quan hệ yếu, Mark Granovetter đã trở thành một nhân vật sáng lập trào lưu này với một bài được xuất bản năm 1985 về sự lồng kết các hoạt động kinh tế vào các cấu trúc xã hội. Từ đó, Granovetter đã viết nhiều bài nghiên cứu, khảo sát những bước đầu của công nghiệp điện ở Mỹ, sự vận hành của Silicon Valley, và về nhiều đề tài khác, nhưng ông đã thông báo ngay từ đầu những năm 1990 dự án của cuốn sách này mà cái tựa cố ý đảo ngược những từ của tựa của cuốn sách kinh điển của Max Weber. Rốt cuộc cuốn sách này được xuất bản thành hai tập, mà tập này là phần lý thuyết, tập kia sẽ trình bày những nghiên cứu cụ thể hơn.
Hành động kinh tế và những cấu trúc xã hội
Trong chương đầu, vốn là một nhập đề tổng quát, tác giả giới thiệu dự án của ông như vượt qua xã hội học kinh tế: “tôi hy vọng đóng góp vào một cách hiểu biết về kinh tế vượt qua những ranh giới giữa các khoa học và, do đó, không chú trọng đến nguồn gốc tri thức của các ý tưởng có ích” (trg. 1).
Ông phân biệt ba cấp độ của các hiện tượng kinh tế cần phải được giải thích: cấp độ của các hành vi kinh tế cá nhân, những mô hình hành vi vượt lên trên cấp độ của cá nhân và những định chế kinh tế. Những mạng xã hội là những gì nối liền các cấp độ triển khai của các hiện tượng kinh tế.
Ông phê bình một cách đối xứng những quan niệm thuần cá nhân chủ nghĩa hay, ngược lại, tổng thể chủ nghĩa, bằng cách chứng minh rằng những quan niệm này đều hướng đến một quan niệm mang tính nguyên tử chủ nghĩa về hành động xã hội: “cả hai đều chia sẻ một quan niệm về hành động xã hội như là được sản xuất bởi những tác nhân bị xem như là những đơn vị nguyên tử. Trong bản tường thuật ít mang tính xã hội hóa, s nguyên tử hóa là kết quả của sự theo đuổi hạn hẹp lợi ích cá nhân; còn trong bản tường thuật được xã hội hóa quá đáng thì các mô hình cư xử đã được nội tâm hóa và cũng ít bị tác động bởi những mối quan hệ xã hội bền vững” (trg. 13). Để xác định tư thế của mình, ông đã lấy lại nguyên văn hai đoạn trong bài viết của ông vào năm 1985:
“Các tác nhân (cá nhân) không hành động hay quyết định như những nguyên tử ở ngoài mọi bối cảnh xã hội, cũng như họ không tán đồng một cách mù quáng những định mệnh đã được chuẩn bị cho họ ở điểm giao thoa của những thành phần xã hội mà họ là thành viên. Những cố gắng để hành động có chủ tâm thường là lồng kết vào hệ thống cụ thể của những mối quan hệ xã hội.” (trg. 14)
Đối với ông, với những cá nhân, những mạng lưới không chỉ là những sự gò bó mà còn là những tài nguyên, vì sự lồng kết không phải là một sự hòa tan hay một quyết định luận, mà là một sự phụ thuộc. Ông phân biệt ba hình thức lồng kết: hình thức dựa trên quan hệ (“bản chất của những mối quan hệ mà các cá nhân có với những cá nhân đặc thù khác”, trg. 17); hình thức mang tính cấu trúc (“sự tác động của cấu trúc tổng thể của hệ thống mà các cá nhân được lồng kết vào”, trg. 18); hình thức gắn với thời gian (“Trong các quan hệ xã hội, mỗi ngày, con người không bắt đầu từ con số không, họ đưa vào trong mọi tương tác mới những gì họ kế thừa từ những tương tác đã có trước”, trg. 19.)   
Phần dẫn nhập cô đọng này kết thúc với một quan niệm về những cách cư xử cá nhân có thể “là thuần lý hay không, ích kỷ hay không, và hướng tới kinh tế hay xã hội” (trg. 20). Điều này dẫn ông đến sự phê phán từng điểm một quan niệm cổ điển về con người kinh tế.
Thiết kế tâm trí, sự tin cậy và quyền lực
Edward P. Thompson (1924-1993)
Chương về các thiết kế tâm trí đề cập đến các những chuẩn mực xã hội, những giá trị và ý tưởng “kinh tế đạo đức” được lấy từ nhà sử học Edward P. Thompson. Chuẩn mực xã hội được phân biệt với giá trị được xem như là mang tính tổng quát hơn. “Các “chuẩn mực” là những nguyên tắc mà con người công nhận và đôi khi tuân thủ về cách thức đúng đắn, thích hợp hay “đạo đức”, và những nguyên tắc này được những người khác chia sẻ về mặt xã hội và áp dụng một cách không hình thức. “Giá trị” là những quan niệm tổng quát hơn về cách sống tốt và một xã hội tốt, mà từ đó ta có thể, trên nguyên tắc, rút ra những chuẩn mực đặc thù và được định hướng tùy vào những tình huống” (trg. 27).”. “Kinh tế đạo đức” là một tổ hợp cố kết những chuẩn mực về kinh tế.
Trong chương sau, tác giả phân biệt và bình luận về sự tin cậy dựa trên các mối quan hệ cá nhân, sự tin cậy xuất phát từ việc “thuộc về một nhóm hay một mạng lưới”, sự tin cậy có nguồn gốc nơi các định chế, và sau cùng sự tin cậy dựa trên các chuẩn mực. Ông nhấn mạnh đến việc sự tin cậy luôn luôn  có một phần không thể dự kiến được và đến sự quan trọng phải phân biệt những cấp độ triển khai của các hiện tượng. Trở lại tầm quan trọng của các mạng lưới trong việc xây dựng và bảo dưỡng sự tin cậy, ông giải quyết vấn đề của những cấp độ hành động bằng cách đưa vào điều mà ta có thể gọi là những chuỗi quan hệ:
“một ít tin cậy có thể dẫn đi xa: nếu có những người có thể tin cậy vào những người chỉ có mối liên hệ gián tiếp với họ [1], thì quy mô của các cấu trúc trong đó sự tin cậy được xây dựng sẽ vượt rất xa những gì có thể có khi mà chỉ có những mối quan hệ trực tiếp mới có hiệu lực (trg. 87)”.
Sau đó ông phân biệt những loại hình quyền lực khác nhau tùy thuộc vào việc quyền lực được xây dựng trên sự phụ thuộc, sự chính đáng hay khả năng tác động đến việc các tác nhân xác định các tình huống, cả ba loại hình đều được phối hợp với nhau trong những tình huống cụ thể. Để phân tích các tình huống quyền lực, ông nhấn mạnh đến các tương tác, đến vị trí trong các mạng lưới và đến những bối cảnh xã hội-lịch sử:
“Những người thực thi một quyền lực đặt cơ sở trên sự phụ thuộc (sự kiểm soát những nguồn lực mà những người khác cho là có tính quyết định), một quyền lực chính đáng hay sự kiểm soát những lịch trình công, dưới con mắt của những người bị chi phối bởi quyền lực đó, thường được xem như là có những thẩm quyền và một hiệu lực độc nhất, và điều đó có thể là đúng. Nhưng, nếu ta giữ được một khoảng cách với tình huống tức thời, ta có thể thấy rằng những hoàn cảnh lịch sử, chính trị và kinh tế đóng một vai trò to lớn khi đặt những con người đó, dù họ có thẩm quyền đến đâu đi nữa, trong những tình huống giúp cho họ triển khai quyền lực của họ.” (trg. 126)
Các định chế
Hai chương cuối đề cập đến các định chế được định nghĩa như là “những tổ hợp những mô hình bền vững xác định vì sao có một số hành động xã hội đặc thù được và cần được thực hiện” (trg. 136).  
Granovetter từ chối xác định một hệ thống các loại hình định chế hay những tiêu chuẩn tổng quát: “Trong những bối cảnh nhất định, ta có thể thấy qua kinh nghiệm vì sao các hoạt động được kết hợp lại và ta có thể lấy các tập hợp cụ thể làm điểm xuất phát cho sự phân tích.” (trg. 139). Sau đó, ông đề cập đến vấn đề của mối liên hệ giữa những định chế này và hành động cá nhân và trình bày một mô hình hành động. Hành động bị ràng buộc bởi các cấu hình cấu trúc vốn tạo ra một tổ hợp hạn hẹp những khả năng tương đối tương đương mà các tác nhân, dựa trên những nguồn lực và những mạng lưới của họ, có thể tác động để dành ưu tiên cho khả năng này hay khả năng kia. Lúc đó mục tiêu là:      
“xác định cho một nước hay một vùng đâu là những khung thay thế hay “logic” mà các tác nhân có thể lựa chọn trong việc tổ chức hoạt động kinh tế và có vẻ có sẵn về mặt lý thuyết, xác định xem các khung này bị tách biệt và độc lập so với các khung khác đến mức nào hay chồng chéo lên nhau, giải thích cái gam đặc thù này hay cái “thực đơn” những lựa chọn này đã sinh ra như thế nào, và lý thuyết hóa tiến trình thông qua đó các tác nhân thiết kế, từ những nguyên liệu sẵn có, những giải pháp cho những vấn đề kinh tế mà họ phải đối mặt (trg. 192).
Một khung phân tích vững mạnh
Tôi đã cố gắng tóm tắt những nét chính của cái khung tổng quát của cuốn sách bằng cách dựa nhiều nhất có thể trên những lời phát biểu của chính tác giả. Nhưng tôi đã không nêu lên rất nhiều những công trình, lý thuyết và thực nghiệm, đã được khảo sát một cách tỉ mỉ và bàn luận để làm điểm tựa cho những đề xuất được trình bày trong suốt các chương. Như vậy, mỗi điều khẳng định được biện luận một cách chính xác với một văn phong giản dị, trong sáng và chính xác mà những người quen thuộc với những bài viết của Granovetter đều biết. Ta tìm lại được những ý tưởng được tác giả bảo vệ từ lâu, với những giải thích, những bổ sung, đặc biệt về các định chế, và sự trình bày môt khung tổng quát có thể là rất quý báu cho những người thực hiện những công trình nghiên cứu về các hoạt động kinh tế.         
Tác giả có thể cải tiến cái khung phân tích này không? Có thể là không ở cấp độ mà ông đặt lập luận của ông trong cuốn sách này, nhưng nếu ta tự đặt trong một viễn cảnh vạch rõ một cách đầy đủ hơn những phạm trù phân tích trong các khoa học xã hội, thì tôi nghĩ đến ba hướng nghiên cứu. Hướng thứ nhất liên quan đến các tập thể, tức là tổ hợp những người chia sẻ những nguồn lực, vốn có những ranh giới ít nhiều rõ ràng. Hoạt động của các tổ chức ít nhiều được lồng kết trong những mạng lưới quan hệ liên cá nhân, nhưng các quan hệ này cũng bị lồng kết ít nhiều vào những tập thể, được tổ chức hay không. Điều này biện minh cho việc lý thuyết hóa cơ năng của các sự lồng kết này, và những tiến trình tự chủ hóa có thể giới hạn hay hòa tan các sự lồng kết.
Michel Callon (1945-)
Một hướng khác liên quan đến chiều kích vật chất của đời sống xã hội. Các định chế không chỉ mang tính thuần túy nhận thức như cuốn sách gợi ý hơi nhiều, theo nhận định của tôi. Do đó, việc tính, một cách có hệ thống hơn, đến những đối tượng kỹ thuật và những yếu tố vật chất khác tạo ra cái khung cho những hoạt động xã hội (chẳng hạn, những công cụ tính toán cho kinh tế) là có ích. Đó chính là sự đóng góp của những công trình nghiên cứu xã hội học về khoa học và kỹ thuật như các công trình của Michel Callon.
Hướng thứ ba, những định chế thường được duy trì và phát triển bởi những người chuyên nghiệp. Về kinh tế, ông đã có thể bàn đến các trường quản lý, các giáo sư và các cuốn sách được dành cho môn này, đến giới của các tham vấn và các chuyên gia, và tất nhiên đến chính các nhà kinh tế học, vốn ảnh hưởng rất nhiều đến các quyết định chính trị. Giới hạn của cuốn sách không phải là sự thiếu quan tâm đến ba khía cạnh này trong những phân tích cụ thể mà là sự không lý thuyết hóa chúng trong hệ thống lý thuyết.
Xã hội và kinh tế
Max Weber (1864-1920)

Là một cuốn sách được xuất bản sau khi ông chết, thuộc một dự án về một bộ sách về kinh tế chính trị học, cuốn Kinh Tế và Xã hội của Max Weber đã trở thành một tác phẩm kinh điển về xã hội học, nhưng lại ít được các sinh viên kinh tế học biết đến. Cuốn Xã hội và Kinh tế được viết bởi một tác giả được đồng nhất với xã hội học kinh tế, nhưng dự án của nó vượt rất xa chuyên ngành này.
Rồi sẽ có một ngày, các nhà kinh tế học sẽ thoát ra khỏi những ngõ cụt mà giấc mơ của họ để mô phỏng các khoa học tự nhiên, bằng cách làm cứng lại một cách hấp tấp những giả thuyết rất mong manh, đã dẫn họ đến, và sẽ hợp tác với những đồng nghiệp xã hội học, nhân học hay sử học để dựng lên một khoa học xã hội thật sự về kinh tế (các Công trình Nghiên cứu về Kinh tế - Economy Studies,  cũng như đã từng có những Công trình Nghiên cứu về Khoa học – Sciences Studies). Ngày hôm đó, Xã hội và Kinh Tế sẽ là môt tác phẩm quy chiếu và Mark Granovetter sẽ được xem như là một trong những nhà sáng lập chính của cái khoa học cứng cáp này về kinh tế mà thế giới đang rất cần đến.
Để tìm hiểu thêm  


• Michel Callon, 2017, L’emprise des marchés - Comprendre leur fonctionnement pour pouvoir les changer (Sự chi phối của các thị trường – Hiểu sự vận hành của các thị trường để có thể biến đổi chúng), La Découverte.
• Alain Degenne & Michel Forsé, 2004, Les réseaux sociaux, (Các mạng xã hội), Armand Colin (2e éditiosn).
• Mark S. Granovetter, 1974, Getting a Job. A Study of Contacts and Careers (Kiếm việc làm. Nghiên cứu về các sự tiếp xúc (mối quan hệ) và sự nghiệp), Cambridge (Mass.), Harvard University Press. Mark Granovetter, 1974, Cambridge (Mass.), Harvard University Press.
• Mark S. Granovetter, 1973, “The strength of weak ties (“Sức mạnh của các mối quan hệ yếu”), The American Journal of Sociology, 78, 1973, p. 1360-1380.
• Mark S. Granovetter, 1985, “Economic Action and Social Structure: The Problem of Embeddedness (“ Hành động kinh tế và cấu trúc xã hội: vấn đề của sự lồng ghép”), The American Journal of Sociology, 91-3, p. 481-510.
• Michel Grossetti, 2015, “Note sur la notion d’encastrement (“Ghi chép về khái niệm lồng ghép”), SociologieS.
Michel Grossetti

• Michel Grossetti, 2016, “Sur l’émergence des collectifs” (“Về sự xuất hiện của các tập thể”), in Didier Demazières & Morgan Jouvenet (dir.), Andrew Abbott et l’héritage de l’école de Chicago, volume 2. Éditions de l’EHESS, collection “En temps & lieux”, p. 61-83.
• Pierre Mercklé, 2016, La sociologie des réseaux sociaux (Xã hội học về các mng xã hội), La Découverte, collection “Repères”.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:L’économie comme science sociale, La Vie des idées, 3 décembre 2018.




Chú thích:

[*] Michel Grossetti là nhà xã hội học, giám đốc nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS). Những công trình nghiên cứu của ông là về các mạng xã hội và các sáng kiến. Ông mới cho xuất bản cuốn La vie en réseau. Dynamique des relations sociales (Cuộc sống trên mạng. Sự năng động của các mối xã hội), viết chung với Claire Bidart và Alain Degene (Presses Universitaires de France, 2011).

Print Friendly and PDF