HỒNG KÔNG: AGNES CHOW, TỪ TRƯỜNG TRUNG HỌC ĐẾN XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH
Nhà nữ hoạt động dân chủ Hồng Kông Agnes Chow (Châu Thính) trong chiến dịch vận động bầu cử lập pháp vào tháng 3 năm 2018. (Ảnh: trang Facebook chính thức của Agnes Chow)
Đây là một trong những nữ phát ngôn viên ra quốc tế của phong trào vận động dân chủ hiện nay ở Hồng Kông. Thế nhưng, Agnes Chow đảm bảo rằng: cuộc phản kháng “không hề có người lãnh đạo”. Asialyst đã có dịp trao đổi với nhà nữ hoạt động xã hội người Hồng Kông 22 tuổi này trong chuyến đi gần đây của cô đến Đức. Cô đề cập trở lại về các nguồn cam kết của mình.
“Cô ấy chỉ mới 22 tuổi nhưng đã tham gia hoạt động xã hội từ bảy năm nay.” Khi thông báo có bài phát biểu của Agnes Chow, đã có một luồng gió ngưỡng mộ thổi vào khán giả. Nhà nữ hoạt động xã hội trẻ tuổi người Hồng Kông bắt đầu nói một cách tự tin: “Sau khi bà Carrie Lam [đặc khu trưởng Hồng Kông] thông báo rút lại dự luật dẫn độ, rất nhiều cơ quan truyền thông và tổ chức đã nói rằng người biểu tình đã đạt được những gì mình muốn. Đó là điều không đúng, chúng tôi đã không giành được bất kỳ chiến thắng nào cả!” Thông điệp rất rõ ràng, sự tung hô của công chúng đều đồng lòng.
Nhà nữ hoạt động xã hội này đã tham dự hội nghị thường niên của Liên đoàn các hiệp hội Đài Loan, diễn ra vào các ngày 14 và 15 tháng 9 vừa qua tại Mainz, Đức. Khi bước xuống bục diễn thuyết, dáng điệu rụt rè của cô với một cọng tóc dính trên lưỡi tương phản hẳn với bài phát biểu phẫn nộ và kiên quyết của cô đối với Bắc Kinh. Phải nói rằng thuật hùng biện của nhà nữ hoạt động xã hội trẻ tuổi đã có thời gian trui rèn qua những năm dấn thân hoạt động. Một chủ bài quý giá, khi mà Agnes Chow từ nay, giống như các thành viên khác của tổ chức chính trị Demosistō của cô, trở thành một trong những người phát ngôn không chính thức của phong trào phản kháng đang gây chấn động Hồng Kông.
MỘT phong trào TRANH ĐẤU SỚM NỞ
Agnes Chow thuộc thành phần thế hệ trẻ này, thế hệ chỉ biết Hồng Kông dưới quy chế Đặc khu hành chính (RAS), sau khi Vương quốc Anh trao lại Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997. Nhà nữ hoạt động xã hội này cũng được sinh ra vào cùng năm đó, năm mà Luật cơ bản (Basic Law) có hiệu lực. Hiến pháp thu nhỏ này đóng khung tình trạng biến dạng của nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, được cho là sẽ kéo dài cho đến năm 2047.
Cô gái lớn lên theo nhịp điệu của những cuộc biểu tình đầu tiên chống lại sự can thiệp của chính quyền trung ương Trung Quốc tại thuộc địa cũ của Anh. Trong số các cuộc vận động phong trào thành công truyền cảm hứng cho mình, Agnes Chow không ngần ngại nhắc đến phong trào vào tháng 7 năm 2003: các cuộc biểu tình rầm rộ lúc đó phản đối một dự luật chống nổi loạn dẫn đến một bước lùi của chính quyền Hồng Kông, và một sự thất vọng đầu tiên đau như quất đối với Bắc Kinh.
Là con gái duy nhất trong một gia đình mà cha mẹ làm việc trong ngành thương mại, những người “ít nói về chính trị”, Agnes Chow khẳng định mình đã bắt đầu hoạt động xã hội thông qua các mạng xã hội. Chính qua màn ảnh truyền hình mà cô đã chứng kiến các cuộc biểu tình năm 2012 chống lại một dự án cải cách chương trình giảng dạy của nhà trường, trước khi cô quyết định tham gia các hoạt động xuống đường. Lúc đó cô mới có mười lăm tuổi: “Trên các mạng xã hội, tôi đã thấy hình ảnh về các cuộc diễu hành có sự tham gia của giới trẻ ở độ tuổi của tôi. Tôi đã tự tìm hiểu và phát hiện ra rằng dự luật [cải cách chương trình giảng dạy] này, chính là một sự tẩy não để cải thiện hình ảnh của Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì vậy, tôi cũng muốn diễu hành và đấu tranh cho một cái gì đó mà tôi cho là đúng.” Giống như các nhà hoạt động xã hội khác, cô cũng gợi lên đức tin Công giáo của mình như là một trong các nền tảng cho sự tham gia hoạt động chính trị của mình.
Joshua Wong (1996-) |
Rất nhanh, sự lôi cuốn và tiếng Anh hoàn hảo của cô nữ sinh trung học này đã dẫn cô ấy trở thành người phát ngôn của phong trào sinh viên Scholarism [Học dân tư triều], được thành lập vào năm 2011 dưới sự lãnh đạo của Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), từ nay được các phương tiện truyền thông đăng tải bài ảnh rất nhiều. Cuộc biểu tình của phong trào vào năm 2012 tượng trưng cho thắng lợi đầu tiên, nhưng bản thân Agnes Chow phải trả một cái giá đắt: “Cha mẹ tôi đã rất sốc, bởi vì cho đến lúc đó tôi không hề quan tâm đến chính trị hay chuyện thời sự.” Trước áp lực của gia đình, cô gái trẻ đã lùi bước. “Gia đình sợ tôi bị các đảng phái chính trị thao túng”, cô thở dài.
CUỘC PHIÊU LƯU BẦU CỬ
Nathan Law (1993-) |
“Lùi một bước để nhảy ba bước”. Năm 2014, Agnes Chow một lần nữa đóng vai trò nhân vật hàng đầu trong “cuộc cách mạng ô dù”, được thúc đẩy bởi nhiều tổ chức trong đó có nhóm Scholarism. Hai năm sau, các thành viên của nhóm Scholarism tham gia vào việc thành lập đảng Demosistō. Tham vọng của đảng chính trị này là tham gia vào cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 9 năm 2016: nỗ lực này đã thành công và dẫn đến việc giành được một ghế ở LegCo (Hội đồng Lập pháp) mà người đại diện là Nathan Law Kwun-chung.
Nhưng chính quyền Hồng Kông, bị Bắc Kinh dẫn dắt, không chấp nhận điều đó. Một năm sau, Nathan Law bị truất quyền ở LegCo vì đã tuyên thệ không đúng cách, một hành vi được coi là trái với Luật cơ bản. Trong khi đó, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc tại Bắc Kinh đã thông qua một văn bản giải thích nghiêm khắc hơn, cho phép truất quyền những dân biểu nào có hành vi xuyên tạc buổi lễ [tuyên thệ]. Một cách mà một số dân biểu sử dụng để thể hiện sự bất đồng của mình đối với hệ thống bầu cử và chính trị Hồng Kông, mà họ cho là phi dân chủ.
Đầu năm 2018, Agnes Chow đã tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ của đơn vị bầu cử Hồng Kông Island, để thay cho Nathan Law. Lúc đó, cô 21 tuổi và sẽ là dân biểu trẻ tuổi nhất của Hội đồng Lập pháp trong trường hợp đắc cử. Vả chăng, một vài tháng trước đây thôi, với tuổi tác còn nhỏ của mình cô đã bị Đặc khu trưởng Hồng Kông hiện tại Carrie Lam gọi là “cô bé”. “Bà Lam nói rằng tôi là một người cực đoan và đã từ chối hứa sẽ không truất quyền ứng cử của các nhà lập pháp. Điều này cho thấy bà ấy không hề biết gì về dân chủ”, Agnes Chow đã đáp trả lại như vậy trên các mạng xã hội.
Nữ chính trị gia trẻ tuổi này không có thời gian để tham gia cuộc đua: việc ứng cử của cô bị vô hiệu vì những quan điểm chủ trương tự trị của cô, được coi là không phù hợp với quy định của Hội đồng Lập pháp. Đối với Agnes Chow, bản chất chính trị của các trường hợp truất quyền ứng cử có hệ thống này, vì vậy, là quá rõ ràng. Một lập luận mà Đặc khu trưởng Hồng Kông bác bỏ.
Một thắng lợi mong manh. Cách đây vài tuần, một tòa án địa phương đã tuyên hủy quyết định cấm Agnes Chow tham gia LegCo, vì một thủ tục được coi là không công bằng. Đáp lại, nhà nữ hoạt động xã hội tuyên bố đây là một “thắng lợi theo kiểu Pyrrhus [một chiến thắng cay đắng]” và khẳng định cô không muốn tranh giành chiếc ghế [dân biểu] bị tranh cãi trong trường hợp có các cuộc bầu cử mới.
DEMOSISTŌ, MỘT TỔ CHỨC ỦNG HỘ DÂN CHỦ trong SỐ các TỔ CHỨC khác?
Khi được hỏi về vị trí của đảng Demosistō trên bàn cờ chính trị chung, câu trả lời của Agnes Chow lại ngắn gọn hơn: “Nhìn chung, chúng tôi gần hơn với các ý tưởng của nền dân chủ xã hội”, cô thốt ra điều đó sau một hồi do dự. Cô gái trẻ ngay lập tức tự bào chữa vì không thể dẫn chứng cho câu trả lời của mình và trở lại phong cách lôi cuốn thường thấy của mình: “Ở Hồng Kông, chúng tôi không thực sự có sự phân biệt giữa cánh hữu và cánh tả, bởi vì chúng tôi không có dân chủ! Sự khác biệt duy nhất là ủng hộ Bắc Kinh hay ủng hộ nền dân chủ.” Vả lại, tên gọi cộng đồng này là một sự rút gọn của các từ demos (người dân) bằng tiếng Hy Lạp và sisto (“đứng lên”) bằng tiếng La-tinh, vì vậy phản ánh ý đồ dân chủ của tập thể này.
Trong thực tế, tổ chức chính trị mới này [Demosistō] không có được sự nhất trí trong nội bộ giới chính trị-xã hội bảo vệ quyền tự quyết. Đặc biệt, Demosistō đã bị các nhóm được gọi là “theo chủ nghĩa bản địa” hoặc “theo chủ nghĩa địa phương” vượt qua mặt. Các nhóm này, như phong trào Youngspiration hay Civic Passion, thể hiện sự chống cộng thẳng thắn hơn và không ngại khẳng định lập trường của mình về những chủ đề như bản sắc [dân tộc] và bảo vệ biên giới. Họ trách quan điểm quá rụt rè của Demosistō trên những chủ đề nói trên.
Tuy nhiên, Agnes Chow gạt sang một bên vấn đề này: “Năm 2019, tôi không nghĩ việc xác định các đảng phái khác nhau đấu tranh cho quyền tự quyết có ý nghĩa gì nhiều. Tất cả các nhóm vì dân chủ đều đang rất đoàn kết”. Hơn nữa phong trào vận động hiện tại, không giống như “phong trào ô dù”, tự nhận không có bất cứ người lãnh đạo nào. Theo lời của những người biểu tình, việc thiếu vắng vai trò lãnh đạo này được bù đắp bởi vai trò quan trọng của các mạng xã hội trong việc phối hợp hành động. Việc khẳng định một cấu trúc tổ chức phẳng không ngăn được một số người tham gia phong trào thể hiện sự nghi ngờ của họ về tầm quan trọng các các phát ngôn viên được gọi là “theo chủ trương học dân tư triều” trước giới truyền thông.
Cho dù có những bất đồng tiềm ẩn này, cô gái trẻ thống nhất khối đoàn kết trong việc ủng hộ những phương pháp được một số người biểu tình sử dụng. “Năm nay, các phương pháp bất bạo động có vẻ như không gây ra bất cứ áp lực nào lên chính quyền, cô lưu ý. Vì vậy, tất nhiên, tôi bảo vệ tinh thần bất bạo động, nhưng tất cả phụ thuộc vào cách thức chúng ta định nghĩa nó: người biểu tình không gây hại cho thường dân và cũng không nhắm đến các cửa hàng tư nhân. Mục tiêu của họ là các cơ quan quyền lực, cảnh sát và chính quyền Hồng Kông.” Vào giữa tháng 8, việc người biểu tình mạnh tay bắt giữ một người đàn ông bị nghi ngờ là người chỉ điểm Trung Quốc đã dẫn đến việc một số người biểu tình phải xin lỗi – một lần nữa không có người phát ngôn chính thức. “Tôi hy vọng người dân Hồng Kông và trên thế giới hiểu được rằng hành động bạo lực này là một sự đáp trả đối với bạo lực của cảnh sát, đặc biệt là đối với chính quyền, tiếp tục phớt lờ những vấn đề chính trị của dân chúng.”
“TÔI SỢ BỊ GIẾT TRONG MỘT CUỘC BIỂU TÌNH”
Jean-Pierre Cabestan (1955-) |
Bị phơi bày trên truyền thông, Agnes Chow khẳng định cô phải chịu những áp lực ngày càng tăng. Như khi cảnh sát bắt giữ cô tại nhà vào ngày 30 tháng 8. Lý do được các đặc vụ đưa ra khi thẩm vấn cô ấy là sự tham gia của cô gái trẻ vào một cuộc biểu tình chống bạo động của cảnh sát vào ngày 21 tháng 6 trước tổng hành dinh cảnh sát. “Họ nói tiếng Quảng Đông nhưng hầu như không hỏi tôi một câu hỏi nào: họ chỉ tìm cách tạo ra một “sự khủng bố trắng” để đe dọa giới trẻ và làm nản lòng giới này tham gia các cuộc biểu tình”, cô đánh giá như vậy. Và cô tố cáo sự can thiệp của Trung Cộng trong việc đáp trả của cảnh sát: “Trong một số cuộc biểu tình, chúng tôi có thể nghe rõ cảnh sát nói tiếng Hoa với giọng nói Quan thoại của đại lục, thật là một điều kỳ lạ.” Người biểu tình đã gợi lên một sự hiện diện khá thường xuyên [của người Trung Quốc đại lục] và có vẻ như được một số chuyên gia xác nhận, như nhà Hán học Jean-Pierre Cabestan, người mà, vào đầu tháng 8, ước tính có đến 2.000 cảnh sát Trung Quốc đã được Bắc Kinh gửi đến tăng viện.
Nếu Agnes Chow nói các đe dọa nói trên không làm cô lung lay, thì giờ đây cô tâm sự lo sợ nhiều hơn sự đồng lõa của Trung Quốc với một số băng nhóm mafia hoặc hành vi bạo lực của các nhà hoạt động xã hội thân Bắc Kinh. “Có một cảm giác sợ hãi thực sự trong xã hội Hồng Kông: Tôi không sợ bị bắt, tôi không sợ bị tống vào tù. Nhưng tôi sợ những người ủng hộ Bắc Kinh hoặc mafia giết tôi trong một cuộc biểu tình!”, cô dỏng dạc nói rõ điều đó.
Thế nhưng, cũng giống như 80% người biểu tình được phỏng vấn trong khuôn khổ một nghiên cứu của Đại học Trung văn Hồng Kông được công bố vào tháng 8, Agnes Chow vẫn muốn tiếp tục cuộc đấu tranh, chừng nào mà chính quyền chưa nhượng bộ những đề xuất tiến bộ khác ngoài việc chỉ rút lại dự luật dẫn độ. Người ta có thể cảm nhận được sự giận dữ trong từng chữ một, vang lên như một kết luận.
Với điểm mạnh là được các phương tiện truyền thông phương Tây biết đến rộng rãi, Agnes Chow, từ nay, mong muốn nhân rộng lời kêu gọi đến cộng đồng quốc tế. “Một số nước châu Âu như Vương quốc Anh có thể ngừng bán trang thiết bị cho cảnh sát Hồng Kông hoặc thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế. Đó sẽ là những cách rất hiệu quả để gây áp lực lên chính quyền của chúng tôi”, cô hy vọng như vậy. Các yêu cầu này, được nhiều thành viên khác nhau của đảng Demosistō lặp đi lặp lại khi đến thăm châu Âu và Hoa Kỳ, cho đến giờ vẫn chưa đạt được kết quả.
Adrien Simorre |
Giới thiệu tác giả
Adrien Simorre tốt nghiệp ngành Xã hội học đô thị (đại học Science Po Paris) và có bằng Thạc sĩ về Khoa học Môi trường. Trở thành nhà báo, giờ đây ông định cư tại Đài Bắc, nơi ông đặc biệt quan tâm đến các vấn đề môi trường, đô thị và chính trị. Đặc biệt, ông đã viết bài cho tạp chí điều tra trực tuyến Marsactu, Le Monde và Orient-Le Jour.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Hong Kong: Agnes Chow, du lycée aux pavés de la contestation, Asialyst, ngày 27/09/2019.