30.3.24

Nhật Bản, Ấn Độ, Haiti và những nơi khác: các nhà vệ sinh công cộng nói lên điều gì về các xã hội

NHẬT BẢN, ẤN ĐỘ, HAÏTI VÀ NHỮNG NƠI KHÁC: CÁC NHÀ VỆ SINH CÔNG CỘNG NÓI LÊN ĐIỀU GÌ VỀ CÁC XÃ HỘI

Các tác giả: Anthony Goreau-Ponceaud Alice Corbet

Một cảnh trong phim Perfect Days của Wim Wenders, với nhân vật chính là một người làm vệ sinh nhà vệ sinh công cộng ở Tokyo. Wim Wenders, “Perfect Days”, Master Mind

Ngày 6 tháng 12 vừa qua, phim Perfect Days (Những ngày hoàn hảo) của Wim Wenders được chiếu ra rạp, phim nêu lên đời sống hàng ngày của một nhân viên của thành phố Tokyo tên là Hirayama, phụ trách làm vệ sinh các nhà vệ sinh công cộng. Phim này nêu rõ, nếu điều này còn cần thiết, những khác biệt về xã hội và văn hóa trong các cách nhìn nhận “cái góc nhỏ” này (nhà vệ sinh), sự hiển hiện của nó trong không gian công cộng, cũng như những vấn đề các điều kiện vệ sinh.

Cuốn phim trình bày phần nào một kinh nghiệm được phát triển bởi Tokyo Toilet Project do tổ chức phi chính phủ The Nippon Foundation phát động, hướng đến việc phục hồi 17 nhà vệ sinh công cộng trong quận Shibuya của Tokyo, biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật, tất cả đều miễn phí và tất cả mọi người không phân biệt nam hay nữ, tuổi tác hay khuyết tật đều có thể sử dụng được.

Một trong những tác phẩm này, do kiến trúc sư Shigeru Ban thực hiện, được trang bị bằng những phòng nhỏ (buồng) nhiều màu sắc và trong suốt và chúng trở nên mờ đục khi người ta đóng cửa lại. Theo kiến trúc sư này, có một thiết bị cho phép đáp ứng hai mối quan tâm có thể có của những người dùng nhà vệ sinh: kiểm tra tình trạng vệ sinh sạch sẽ và bảo đảm rằng không có người nào đang ở bên trong.

Nhà vệ sinh trong suốt, Shibuya

Bằng cách nâng tính thẩm mỹ cho nhà vệ sinh và biến chúng thành một yếu tố dễ thấy của cảnh quan đô thị, nghĩa là một dụng cụ cải thiện điều kiện của một vài khu phố nhỏ trong quận của thủ đô, dự án này cho thấy vị trí đặc biệt của nhà vệ sinh trong văn hóa Nhật Bản.

Tuy nhiên, sở dĩ dự án này đã hình thành, chính vì một số yếu tố rập khuôn (trước đây nhà vệ sinh công cộng được xem là tối tăm, hôi hám và đáng ghê sợ) đã hạn chế việc sử dụng chúng. Ngày nay cũng vậy, nhiều phụ nữ ở Nhật ngại dùng nhà vệ sinh. Ngay trong lòng quốc gia dẫn đầu về nhà vệ sinh công nghệ cao - ở đó công ty Toto tham gia vào sự tỏa sáng của năng lực chuyên môn này vốn đồng nghĩa với năng lực mềm – các chiến lược tránh né này biểu thị những quá trình phân hóa và loại trừ ở những mức độ khác nhau.

Một mối bận tâm về mặt xã hội

Ví dụ trên đây giúp khơi dậy những vấn đề chính yếu vượt quá sự độc đáo của Nhật Bản. Nên áp dụng những chiến lược nào trong việc thiết lập các nhà vệ sinh công cộng? Chọn lựa địa điểm như thế nào? Có những lập luận nào giữa cái thấy được và điều bị che khuất – của những người sử dụng, những người chăm sóc nhà vệ sinh, những luồng chất thải tụ tập ở đó rồi phân tán – diễn ra trong và xuyên qua những nơi này?

Viễn cảnh này khiến ta cho rằng mọi hành động đối với nhà vệ sinh không thể chỉ dựa trên duy nhất một đơn vị địa lý (một khu phố hay một ngôi làng), mà phải tính đến tất cả các hiệu ứng mà các nhà vệ sinh, từ địa điểm đến việc bảo trì chúng tác động lên xã hội. Hơn nữa, các nhà vệ sinh, được thăng hoa nhờ nghệ thuật, càng thành công trong việc tăng cường tính trung tâm của Tokyo.

Khắp nơi trên thế giới, các nhà vệ sinh công cộng đều chứng kiến sự phức tạp của việc chia sẻ các không gian công cộng. Ở châu Âu, nhà vệ sinh công cộng thường đồng nghĩa với sự dơ bẩn và khó chịu, và làm liên tưởng đến những nơi được dùng vào những mục đích không được thiết kế lúc đầu: ví dụ, dùng ma túy, vẽ phun sơn và khắc chữ, nơi quan hệ tình dục hay nơi trú ẩn (đối với những người không có nơi cư trú).

“Kích cỡ là quan trọng”, trung tâm thương mại Palladium, Praha. Erik Marcussen/FlickrCC BY-NC-ND

Đó là những không gian đa năng, chúng đặc biệt cụ thể hóa những bất bình đẳng giới. Phụ nữ có nhu cầu đi vệ sinh nhiều hơn nam giới (đặc biệt là trong thời kỳ mang thai và kinh nguyệt) và họ dùng lâu hơn, nhưng những nhà vệ sinh có cửa đóng ít hơn những bồn tiểu cho nam giới.

Mặt khác, sự có mặt của một số loại dân cư (người nhập cư, người nghiện, người vô gia cư) có thể gây ra những phản ứng của cơ quan công quyền, cho thấy các cơ chế thống trị. Một cách tổng quát hơn, trong các xã hội của chúng ta được đánh giá là phát triển, biết ai chùi rửa phòng vệ sinh trong gia đình, ở nơi làm việc và trong không gian công cộng thường cho biết rất nhiều về các mối quan hệ thống trị và việc tái tạo sự phân biệt các vai trò theo giới.

Một điều kiêng kỵ trên toàn thế giới?

Vấn đề phân người thường là điều kiêng kỵ. Song le, mối bận tâm lớn đến nỗi Liên Hiệp Quốc từ năm 2013 đã đề ra “Ngày thế giới các nhà vệ sinh”, để nhắc nhở rằng một phần ba dân số trên thế giới không có được một nơi thích hợp cho việc đi vệ sinh của họ, điều này làm nảy sinh nhiều vấn đề: bạo lực, loại trừ khỏi các hoạt động xã hội (đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em), những hậu quả về y tế (kể cả sự lan truyền dịch bệnh như dịch tả). Một tổ chức chuyên môn phi lợi nhuận ủng hộ ngày này và khởi xướng nhiều dự án trên thế giới: đó là World Toilet Organization (Tổ chức nhà vệ sinh thế giới).

Chiến dịch nâng cao nhận thức chống lại việc phóng uế ngoài trời (Kanadukathan, Tamil Nadu, Inde). Tại Ấn Độ, Tổ chức Y tế thế giới đã ước lượng có khoảng 520 triệu người thường xuyên phóng uế ngoài trời năm 2015. Vấn đề đặc biệt đáng lo ngại ở các vùng nông thôn, 69% các gia đình cho biết không có nhà vệ sinh, năm 2011. Tuy vậy, tình hình đã được cải thiện rất nhiều: tỷ lệ các gia đình phóng uế ngoài trời đã giảm, từ 39% năm 2015-2016 xuống 19% những năm 2019-2021. Anthony Goreau-Ponceaud, ảnh do tác giả cung cấp.

Như vậy, có rất nhiều vấn đề về hậu cần và kỹ thuật: hố xí tự hoại, phân được đem đi đổ ở nơi khác (fosses septiques), những cách xây dựng các nhà vệ sinh khô không dùng nước hoặc thích nghi với hiện tượng phóng uế ngoài trời, những hệ thống xử lý và ủ phân, thậm chí dùng lại phân người cho nông nghiệp

Phản ánh các thứ bậc xã hội

Các thái độ đối với nhà vệ sinh có thể phản ánh các thứ bậc xã hội (giữa những người sử dụng, những người lau chùi làm vệ sinh, những người đổ phân). Tại Haïti, sở hữu nhà vệ sinh đã trở thành một dấu hiệu của uy thế, nhất là sau trận động đất năm 2010, khi nhiều tổ chức phi chính phủ đã giúp xây nhà vệ sinh. Mặc dù vậy, việc bảo trì được giao cho các bayakou là những người đổ thùng phân, họ làm công việc này mà không hề có bất kỳ một biện pháp nào về an toàn cũng như về vệ sinh, và họ đặc biệt bị xã hội khinh rẻ - mặc dù cái nghề tối cần thiết này giúp họ và cả gia đình sống được, chắc chắn là không có rủi ro thất nghiệp.

Cité Soleil, trong vùng phụ cận của thành phố Port-au-Prince, Haïti. Các nhà vệ sinh này do các tổ chức phi chính phủ xây dựng sau trận động đất năm 2010, đã nhanh chóng bị tháo gỡ để bán lại hay chuyển đổi thành nơi ẩn náu. Alice Corbet, tháng năm 2011, ảnh do tác giả cung cấp

Trong toàn bộ vùng nông thôn Ấn Độ, việc đổ phân thủ công vẫn là cách làm tồi tệ nhất. Ngay cả khi việc cấm hoạt động này đã được tăng cường bởi một đạo luật năm 2013 (The prohibition of employment as manual scavengers and their rehabilitation Act), cái nghề này vẫn tiếp tục, nghề chủ yếu dành cho các đẳng cấp thấp và đẳng cấp Dalits (Scheduled Castes - được coi là đẳng cấp hạ tiện nhất, bị áp bức ở Ấn Độ - ND) và những bộ lạc được liệt kê trong danh sách (Scheduled Tribes)[*].

Từ năm 1993, đạo luật “Employment of Manual Scavengers and construction of Dry Latrines (prohibition)” cấm xây dựng các nhà vệ sinh khô nhưng chúng vẫn tồn tại và một cách nghịch lý là đôi khi còn được các tổ chức phi chính phủ từ các nước phát triển làm cho thịnh hành trở lại, vì lý do dễ thực hiện trong những vùng không được kết nối với hệ thống cống rãnh.

Các nhà vệ sinh khô giúp tách được các luồng chất thải (phân và nước tiểu –ND), khai thác các nguồn lực bị mất và tiết kiệm nước đáng kể. Vi lý do đó, vệ sinh môi trường và phi tập trung này thể hiện ở phương Tây một ý tưởng nào đó về chuyển đổi sinh thái. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, tính chất bấp bênh của việc quản lý (đổ bỏ phân người) hoàn toàn không đồng nghĩa với chuyển đổi sinh thái đối với những nhóm dân cư bị gạt ra ngoài lề nhất. Ví dụ này khơi dậy nghịch lý gắn liền với sự lưu thông các thiết bị vệ sinh.

Trong thực tế, việc lau chùi thủ công các nhà vệ sinh (“manual scavenging”) vẫn tiếp tục, và về phía cuối nguồn của các khu phố là trong các cống rãnh bị nghẹt của các thành phố lớn. Chủ yếu là phụ nữ tiếp tục dùng tay của mình để lau chùi phân thải ra và vận chuyển chúng ra xa các nhà ở. Ngành đường sắt Ấn Độ là một ngành lớn sử dụng rất nhiều phụ nữ và nam giới làm người dọn rác một cách thủ công. Tại Ấn Độ, phóng uế dọc theo các đường ray là phổ biến, đáng chú ý là trong các thành phố.

Bên trong các trại tị nạn cho người Mali ở Niger, các nhà vệ sinh tập thể đã được các tổ chức phi chính phủ thiết lập từ năm 2012.

Nhà vệ sinh trong trại tị nạn Abala, ở Niger. Vì lý do khó có nguồn nước, các nhà vệ sinh hiếm khi được lau chùi nhưng bị nghẹt khi đã đầy, và được di chuyển đi nơi khác, điều này làm nảy sinh các vấn đề vệ sinh và lây nhiễm nguồn nước ngầm. Trong cuộc viếng thăm của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), những người tị nạn đề nghị làm các nhà vệ sinh thích nghi với văn hóa của họ, đáng chú ý là cần đặt các mắc áo quần để khỏi vứt áo quần trên đất. Alice Corbet, tháng tám 2014, Ảnh do tác giả cung cấp.

Các nhà vệ sinh nhanh chóng bị tư nhân hóa bởi người Touaregs quí tộc (Imajaghan) nhờ có một ổ khóa cửa để cấm không cho các nhóm xã hội thấp kém hơn sử dụng. Tuy nhiên, các nhà vệ sinh này do nhóm người Bella (hay Iklan) chăm sóc, trong một xã hội phân chia thứ bậc mạnh mẽ này, họ bị xem như là nô lệ hay tôi tớ có ít quyền và ít thù lao, họ sống ven rìa các trại tị nạn và không được quyền sử dụng nhà vệ sinh. Họ đi đại tiện trong sa mạc. Được cho là mọi người đều có thể dùng, những nhà vệ sinh này nhắm đến giữ gìn vệ sinh cho trại tị nạn môt cách công bằng, vậy mà bị thâu tóm để tái lập những cơ chế loại trừ và thống trị.

Những tiến trình phân thứ bậc trong không gian

Nhà vệ sinh cũng có thể cho thấy những tiến trình phân thứ bậc trong không gian giữa các khu phố trung tâm của các thành phố lớn và vùng ngoại vi, giữa không gian đô thị và các vùng nông thôn.

Ví dụ, các thành phố lớn, liên hệ chặt chẽ với cuộc cách mạng về vệ sinh, đã phát triển mạnh các mạng lưới kỹ thuật cống rãnh, nhưng mẫu hình nhà vệ sinh gắn liền với một mạng lưới tập trung từ nay tỏ ra không thích hợp với hình thái của các thành phố các nước Phương Nam.

Quá dàn trải, quá manh mún, quá nhiều trung tâm, những thành phố này cũng có đặc điểm là tiếp nhận một số lượng dân cư trôi nổi, họ ở trong những khu cư trú không chính thức và không có “quyền” được kết nối với các mạng lưới cống rãnh.

Như vậy, những thành phố này tùy thuộc vào những cơ sở hạ tầng phi tập trung hoặc tạm thời mà rốt cục lại tồn tại lâu dài nhờ những sắp xếp khác nhau để duy trì chúng. Hoặc là cũng như vùng cư trú tự phát (hay nhà lụp xụp - slum -) của khu Kibera (Nairobi), có những cách làm khác được thực hiện chẳng hạn như những “flying toilets” bằng cách đại tiện trong các túi ni lông rồi sau đó quẳng đi.

Những nơi bạo lực

Nhà vệ sinh cũng có thể bị tránh né vì sợ bạo lực hay không an toàn, đặc biệt là đối với trẻ em và trẻ vị thành niên hay cả với phụ nữ.

Trên khắp thế giới, việc không có nhà vệ sinh trong trường học hay nhà vệ sinh dơ bẩn loại trừ nhiều trẻ em khỏi việc học tập. Điều này đặc biệt đúng đối với trẻ gái khi có kinh nguyệt không thể thay đồ nên ở nhà, điều này càng loại trừ các em khỏi xã hội. Nhu cầu tiểu tiện ở nơi công cộng cũng đặt ra những thách thức về cơ thể của phụ nữ. Phụ nữ không dễ dàng tiểu tiện ở nơi công cộng như nam giới. Khi phụ nữ tiểu tiện, họ dễ bị tổn thương, đối diện với rủi ro gia tăng về tấn công tình dục.

Giữa không gian riêng tư và không gian công cộng, khi nhà vệ sinh được dùng chung hay chưa từng được nghĩ tới, như trong khuôn khổ những chăm sóc ở bệnh viện – những hiệu ứng về xã hội và về cảm xúc của việc đi đại tiện trong một bối cảnh bệnh viện cũng đáng ghê tởm, cho bệnh nhân cũng như cho những người làm chuyên môn và những người chăm sóc khác – việc thiết lập và quản lý nhà vệ sinh có một tầm quan trọng thực sự và cũng có thể trở thành những thách thức về sự giàu có.

Một thách thức mang tính chính trị cao

Xa hơn các điều kiêng kỵ, những điều ẩn giấu hay còn là những tiến trình mỹ thuật hóa môi trường, nhà vệ sinh nằm ở trung tâm của những cách thực hành hàng ngày của chúng ta nhưng cũng là của những chính sách công. Như vậy, nhà vệ sinh tạo nên một đối tượng nghiên cứu không hoàn toàn ngẫu nhiên, chúng nằm ở nơi giao nhau của những thách thức của cơ thể và sự riêng tư, của những có chế phân hóa và phân thứ bậc xã hội, của những tiết kiệm quan trọng và những câu hỏi về đạo đức.

Dù nhà vệ sinh có được thấy rõ hay không, dù công nghệ rất tiên tiến hay thô sơ, dù người ta dùng từ nhà vệ sinh ở số nhiều (“les toilettes”), một cách thiên về vệ sinh hơn (sanitaire), hay nói một cách thân tình (le “petit coin” - góc nhỏ -), vấn đề nhà vệ sinh là phổ quát và đồng thời còn ít được các ngành khoa học nhân văn chú ý, cho dù gần đây đã có một sự nhạy bén học thuật tương đối về chủ đề này. Ví dụ chúng tôi có thể dẫn ra một tiểu luận về các nhà vệ sinh công cộng, chương trình nghiên cứu và hành động về các hệ thống dinh dưỡng/ bài tiết và quản lý nước tiểu và phân người, hay còn là kêu gọi gửi bài cho một số đặc biệt của tạp chí Suds. Một khởi đầu để xem “góc nhỏ” (petit coin) đầy những điều ẩn giấu như là một nhân chứng quan trọng của các thách thức của thời đại chúng ta.

Các tác giả:

Anthony Goreau-Ponceaud

Nhà Địa lý, giảng viên - nghiên cứu viên, đơn vị nghiên cứu hỗn hợp (Unité mixte de recherche) UMR 5115 LAM (Les Afriques dans le monde), Đại học Bordeaux.

Alice Corbet

Nhà Nhân học, LAM, CNRS

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Japon, Inde, Haïti et ailleurs : ce que les toilettes publiques disent des sociétés”, The Conversation, 11.01.2024.




Chú thích:

[*] Scheduled Castes và Scheduled Tribes là những tầng lớp bị thiệt thòi nhất về kinh tế-xã hội tại Ấn Độ, và được chính thức xác định trong Hiến pháp Ấn Độ nhằm hỗ trợ cho những sáng kiến về bình đẳng. (Theo Wikipedia - ND)

Print Friendly and PDF