16.3.24

Sử dụng song ngữ làm chậm quá trình lão hóa não, và có thể ngừa bệnh Alzheimer

SỬ DỤNG SONG NGỮ LÀM CHẬM QUÁ TRÌNH LÃO HÓA NÃO, VÀ CÓ THỂ NGỪA BỆNH ALZHEIMER

PeopleImages.com - Yuri A/Shutterstock

Con người được tổ chức thành khoảng 200 dân tộc, song có khoảng 6.000 ngôn ngữ đang tồn tại. Do đó, có vẻ hiển nhiên việc sử dụng song ngữ mang tính phổ biến nhiều hơn so với những gì chúng ta tưởng. Đây là một thực tế xuất hiện ngày càng rõ, làm suy yếu mô hình nổi bật về “một nhà nước, một ngôn ngữ”, một hệ quả của việc thống nhất các khu vực và nền văn hóa khác biệt trước đây thành các quốc gia rộng lớn hơn.

Khi các quan điểm về chủ đề này bắt đầu thay đổi, thì người ta đã nghiên cứu tác động của việc sử dụng song ngữ lên sự phát triển nhận thức và ngôn ngữ trong những thập kỷ gần đây. Câu hỏi liệu việc sử dụng song ngữ có thể bảo vệ con người chống lại căn bệnh Alzheimer hay không đã được chú ý trong một thời gian, và thậm chí ngày nay mức độ hiệu quả của nó trong việc chống lại sự suy giảm nhận thức vẫn là một chủ đề tranh luận.

Mối quan hệ phức tạp giữa lão hóa và song ngữ

Đây không phải là một vấn đề đơn giản để giải quyết, vì nó liên quan đến hai điều kiện, mà bản thân chúng đã mang tính rất phức tạp để điều tra riêng lẻ, thậm chí còn phức tạp hơn khi kết hợp lại. Khi nghiên cứu hai vấn đề song ngữ và lão hóa, có nhiều biến về cảm xúc, nhận thức, ngôn ngữ và xã hội cần được tính đến. Điều này có nghĩa là kết quả nghiên cứu trong một bối cảnh không thể khái quát cho tất cả các nhóm dân cư.

Ngoài ra, không có hình thái duy nhất về việc sử dụng song ngữ. Tùy thuộc vào thời điểm học một ngôn ngữ, chúng ta phân biệt có hai hình thái: song ngữ sớm (hay đồng thời) được tiếp thu từ thời thơ ấu; và song ngữ lần lượt, khi ngôn ngữ thứ hai được giới thiệu muộn hơn trong cuộc sống.

Nghiên cứu về song ngữ sớm, cho đến khoảng 4 đến 6 tuổi, tập trung vào tác động mang tính cấu trúc và lâu dài của việc xử lý nhiều hơn một ngôn ngữ lên não bộ đang trong quá trình phát triển. Trong những năm đầu đời này, được gọi là “giai đoạn vô cùng quan trọng”, não sẽ loại bỏ, hoặc “lược bớt”, một lượng lớn tế bào thần kinh. Điều này xảy ra cùng với việc hình thành một lượng lớn các kết nối và mạch mới. Trong số nhiều thay đổi khác, sự tương phản về âm vị – khả năng phân biệt nhiều âm thanh khác nhau – được phân loại. Những âm thanh không thạo sẽ bị lược bỏ trong quá trình này, khiến việc học song ngữ rất khó sau này.

Eiko Tsuchiya/Shutterstock

Các nghiên cứu về song ngữ lần lượt xem xét nhiều giai đoạn khác nhau trong quá trình tiếp thu ngôn ngữ thứ hai. Cụ thể, có ba giai đoạn rõ rệt: trước 12 đến 15 tuổi, từ 16 đến 30 tuổi, và từ 31 đến 60 tuổi.

Ngoài ra còn lần lượt: sử dụng song ngữ với một vốn từ cơ bản 6.000 từ hoàn toàn khác với việc nắm vững 60.000 khái niệm trong hai ngôn ngữ với ít lỗi nhất.

Kỹ năng hiểu một ngôn ngữ và nói được một ngôn ngữ là hai việc không giống nhau

Sai sót có thể cung cấp một con đường nghiên cứu đặc biệt thú vị. Thông thường, lỗi trong việc hình thành ngôn ngữ – kỹ năng nói và viết – diễn ra thường xuyên hơn và dễ nhận thấy hơn so với những lỗi trong kỹ năng đọc hoặc nghe, khi mà sự hiện diện của lỗi là rất nhỏ một cách đáng ngạc nhiên.

Điều này xảy ra là do quá trình hình thành ngôn ngữ viết hoặc nói phức tạp hơn: nó bao gồm việc lựa chọn, nhận diện, sắp xếp, đánh giá và hoàn thành những gì đang được nói.

Mặt khác, kỹ năng hiểu đơn giản hơn về mặt ngôn ngữ, vì nó liên quan đến việc nhận ra những tài liệu gì đã được học. Tuy nhiên, không thể bỏ qua thực tế là việc suy ra một hàm ý (điều không được nói ra) là chìa khóa để hiểu rõ ngôn ngữ, và điều này đòi hỏi một nỗ lực tinh thần lớn hơn nhiều.

Nghiên cứu về việc suy luận ý nghĩa này đã phát hiện ra rằng những người sử dụng song ngữ đã nâng cao được khả năng nhận thức. Việc sử dụng song ngữ bao gồm việc xử lý nhiều tùy chọn hơn về ngôn ngữ và văn hóa, khả năng hướng sự chú ý, quản lý bản đồ tinh thần, v.v.. Tùy vào khả năng và kinh nghiệm, điều này có thể vừa mang tính yêu cầu vừa cung cấp nguồn lực nhận thức lớn hơn.

Nếu bổ sung thêm tính phức tạp của thuật hùng biện hoặc bối cảnh – có thể mang tính xã hội, tường thuật hoặc chuyên môn – và nhiều tầng cảm xúc mà ngôn ngữ có thể tiếp cận, thì thật dễ để hiểu lý do vì sao thuật dịch hay là một công việc phức tạp đến thế.

Những phát hiện gần đây về song ngữ và suy giảm nhận thức

Nghiên cứu DELCODE được công bố gần đây, so sánh 746 người tham gia từ các nhóm tuổi nói trên, đã đưa ra một số nghiên cứu xuất sắc về mối quan hệ giữa song ngữ và lão hóa. Những phát hiện của nghiên cứu cho thấy rõ, trong những bối cảnh tương tự nhau, việc sử dụng song ngữ trên cơ sở hàng ngày – dù là cùng thời hay lần lượt – đều mang lại lợi ích như thế nào.

Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy việc sử dụng song ngữ lần lượt – dù cho không quá 60 tuổi – đều có tác động đến việc duy trì các chức năng nhận thức, đặc biệt liên quan đến công việc học tập, trí nhớ tổng quát, trí nhớ làm việc, chức năng điều hành và năng lực ngôn ngữ.

Ở cấp độ cấu trúc, người sử dụng song ngữ có lượng chất xám lớn hơn người chỉ sử dụng một ngôn ngữ. Điều này đúng cho cả những người trẻ tuổi và người ở độ trung niên trong việc sử dụng song ngữ.

Miquel Serra Raventós

Tóm lại, mặc dù việc sử dụng song ngữ diễn ra trong nhiều tình huống khác nhau, tùy theo sắc thái của từng cá nhân, nhưng có bằng chứng rõ ràng cho thấy nó gây ra những thay đổi cấu trúc có lợi, lâu dài trong não bộ. Ngoài ra, trong một dân cư có trình độ trung bình, việc sử dụng song ngữ liên tục không những giúp mở rộng phạm vi giao tiếp và văn hóa, mà còn cải thiện khả năng nhận thức một cách lâu dài. Vì thế, chúng ta có thể nói rõ rằng việc sử dụng song ngữ sẽ bảo vệ chống lại quá trình suy giảm nhận thức.

Tác giả

Miquel Serra Raventós

Giáo sư Tâm lý học nhận thức và chuyên gia cao cấp của Ủy ban đạo đức sinh học, Đại học Universitat de Barcelona

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Being bilingual slows brain ageing, and can prevent Alzheimer’s, The Conversation, 02/11/2023.

Print Friendly and PDF