22.3.24

Những cảm xúc của sự đọc: nhường lời cho các nam nữ độc giả

NHỮNG CẢM XÚC CỦA SỰ ĐỌC: NHƯỜNG LỜI CHO CÁC NAM, NỮ ĐỘC GIẢ

Tác giả: Elena Prat

Những nam, nữ độc giả “bình thường” đã cho chúng ta biết rất nhiều về những cảm xúc được khơi dậy bởi sự đọc. Unsplash/Gift Habeshaw

Cứ mỗi lần tôi đọc lại Le baron perché (Nam tước trên cây) của Italo Calvino, tôi có cảm tưởng như được trở về nhà, một cảm tưởng vừa khích lệ vừa gây ngạc nhiên. Có thể bạn cũng có một quyển sách đem lại cho bạn cảm tưởng này? Hoặc có thể là khi đọc bạn đã có cảm giác phát hiện lại ngôn ngữ của chính bạn? Hoặc bạn có dịp hồi tưởng với niềm xúc động những cảnh đọc sách thời thơ ấu, hay đưa bạn trở lại với những người và nơi chốn thân thiết của bạn?

Để nêu đặc điểm của những mối liên hệ chặt chẽ và đa dạng này vốn dĩ được thiết lập giữa văn học và đời sống thực, bà Marielle Macé, nhà nghiên cứu về lý thuyết văn học nói về một mối liên hệ giữa “các cách đọc” và “các cách sống” của chúng ta. Những cảm xúc của chúng ta trong khi đọc (vui mừng, buồn chán, ngạc nhiên…) trỗi dậy trở lại khi chúng ta nhớ đến những bài đọc của chúng ta, những cảm xúc ấy tạo thành những dấu vết rõ ràng nhất của mối liên hệ này.

Ngày nay chúng ta có nhiều công cụ về lý thuyết và phương pháp luận để nghiên cứu những cảm xúc được khơi dậy bởi sự đọc và diễn tả chúng bằng ngôn ngữ. Những công cụ này đến từ lý thuyết văn học, ngôn ngữ học, các khoa học về nhận thức, hay cả nhân học nữa. Tuy nhiên, chúng ta không biết một cách chính xác kết hợp chúng như thế nào để cuối cùng tạo ra được một khung phân tích thống nhất và đầy đủ.

Tôi hy vọng đem lại một đóng góp nhỏ vào nỗ lực trí tuệ tập thể này qua các nghiên cứu cấp tiến sĩ mà tôi đang thực hiện tại Đại học Le Mans dưới sự hướng dẫn của bà Brigitte Ouvry-Vial trong khuôn khổ của dự án Reading Europe Advanced Data Investigation Tool.

Với mục đích này, tôi phân tích những cảm xúc do sự đọc khơi dậy từ một bộ tài liệu gốc gồm gần ba ngàn lời chứng. Những lời chứng này được viết vào đầu những năm 2000 bởi các nam, nữ thí sinh trước một hội đồng chấm một giải thưởng văn học bình dân nổi tiếng do đài phát thanh Pháp tổ chức. Những câu hỏi mà tôi đặt ra cho mình đối với bộ tài liệu này cụ thể là như sau: Các nam, nữ độc giả đã đề cập đến những cảm xúc nào và chúng được khơi dậy bởi điều gì? Những cảm xúc này có được diễn đạt thông qua một danh sách các từ vựng được lặp đi lặp lại? Những cảm xúc này có ảnh hưởng đến hệ thống giá trị, những quyết định cá nhân và nghề nghiệp, và một cách chung, đến trải nghiệm về thế giới của các nam, nữ độc giả?

Theo tôi, có ít nhất ba lý do đặc biệt thích hợp để đặt các câu hỏi này ngày nay.

“Vì chúng có ở đó”

Jean-Paul Sartre (1905-1980)
Simone de Beauvoir (1908-1986)

Văn học, và nhất là tiểu thuyết văn học, có thể khơi dậy những cảm xúc mãnh liệt chắc chắn không phải là một phát hiện mới của ngày nay. Để chỉ trích dẫn một vài gương mặt văn học lớn, chỉ cần nghĩ đến những trang viết mà Simone de BeauvoirJean-Paul Sartre hay Nathalie Sarraute dành cho những niềm vui thú hay những xáo trộn lạ thường mà một quyển sách có thể khơi dậy.

Trái lại, cái mới chính là sự gia tăng những cơ hội mà các nam, nữ độc giả “bình thường” – “ngoại đạo” và không chuyên về văn học thuộc mọi thành phần – được điễn đạt bằng ngôn từ về những trải nghiệm đọc của họ, được chia sẻ chúng với những người đồng đẳng cũng như với những nhà phê bình và các tác giả. Những ví dụ về hiện tượng này có rất nhiều, căn bản liên quan đến những biến đổi của kỹ thuật số: những mạng đọc trực tuyến như Babelio và Goodreads, những nền tảng vừa dành cho việc viết và đọc, như Wattpad và Scribay, ngoài ra còn có các blog, những câu lạc bộ đọc và những hội thảo trực tuyến hoặc hội thảo về liệu pháp đọc sách, trực tuyến hoặc gặp mặt.

Diễn giải câu trả lời của nhà leo núi nổi tiếng người Anh George Mallory cho những người hỏi ông tại sao ông muốn leo núi Everest, tôi muốn gợi ý rằng những cảm xúc mà sự đọc khơi dậy phải được nghiên cứu chỉ đơn giản “vì chúng có ở đó” dưới mắt chúng ta, hơn bao giờ hết. Trước bối cảnh mới do Internet tạo ra, những nghiên cứu văn học đi đến rộng mở với trải nghiệm của các nam, nữ độc giả bình thường, đồng thời suy nghĩ lại những cách tiếp cận của những nghiên cứu này vốn được xây dựng theo truyền thống dựa trên những mô hình khái niệm trừu tượng hoặc dựa trên những độc giả là “chuyên gia”.

Bởi vì văn hóa không còn chỉ thuộc về các chuyên gia

Lĩnh vực văn học không phải là lĩnh vực duy nhất có tiến hóa: từ nay tất cả các tập quán văn hóa sẽ biến đổi theo hướng cùng tham gia. Những người không chuyên góp một phần có tính quyết định vào sự phổ biến, đánh giá và cả sản sinh ra văn hóa, theo một cơ chế lạ lùng mà nhà xã hội học truyền thông Axel Bruns đã đúc kết bằng khái niệm produsage (sản xuất nội dung do người dùng dẫn dắt - ND)

Những người dùng, vừa là người tiêu thụ vừa là người sản xuất, đòi hỏi phải có vị trí trong lĩnh vực văn hóa. Đối diện với những thay đổi này, các ngành khoa học xã hội xác nhận sự cần thiết phải suy nghĩ lại một cách triệt để các phương pháp nghiên cứu của mình. Thực vậy, khối lượng to lớn của những nguồn phân tích mới – đối với một số là nguồn kỹ thuật số - đòi hỏi huy động những công cụ công nghệ thích hợp với việc thu thập và xử lý những tư liệu mới này. Vả lại, văn hóa được sản sinh “từ dưới lên” này khiến các khoa học nhân văn quan tâm không những đến các tác phẩm – dù chúng hợp tiêu chuẩn hay không – mà còn là sự tiếp nhận và những cảm xúc của những người sử dụng.

Ngày nay, và thông thường nhất là trong khuôn khổ những dự án tập thể và liên ngành, càng ngày chúng ta càng quan tâm đến tiếng nói của các độc giả ngày trước và hiện nay, khởi đi từ những cuộc phỏng vấn, thư từ, bản tin của các thư viện, những lời bình trực tuyến trên mạng, nhật ký đọc sách trên mạng, v.v..

Công trình nghiên cứu của tôi về những cảm xúc của nam, nữ độc giả “bình thường” là một ví dụ về cách mà các khoa học nhân văn có thể đề cập đến những tập quán văn hóa một cách khác, như sự đọc, từ lâu chúng bị giam hãm trong những ngành cách xa nhau (nghiên cứu văn học, xã hội học, lịch sử…) và với những phương pháp và thứ bậc riêng.

Để tìm hiểu những mối liên hệ giữa các cảm xúc, thân và tâm của chúng ta

Từ thời Hy Lạp cổ đại, tư tưởng phương tây đối chọi các cảm xúc và lý luận: cảm xúc là những xung năng mạnh mẽ, lý luận là một quá trình trí tuệ có cân nhắc; cảm xúc thuộc về thân thể, lý luận thuộc về tâm trí. Sự tách biệt này đã dần dần không được nói đến, trong triết học cũng như trong tâm lý học.

Ngày nay, chúng ta biết không những các cảm xúc ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và nhận thức của chúng ta về thế giới (lý luận về nhận thức theo cảm xúc), mà mọi cảm xúc tự phát đều dựa trên một dạng lý luận (lý thuyết đánh giá nhận thức). Những phát hiện này khiến chúng ta xem xét lại các cảm xúc, và đặc biệt là những ranh giới chia cắt các tri giác, cảm xúc và phán đoán giá trị.

Đọc văn học tạo thành một mảnh đất ưu tiên để khảo sát những vấn đề liên quan đến những mối liên hệ được kết thành giữa cảm xúc, thân thể và tâm trí: có tồn tại không một sự liên hệ giữa tương tác vật chất.

Với sách - sách giấy hoặc sách kỹ thuật số - và sự tham gia của chúng ta với nội dung quyển sách? Đâu là mối liên hệ giữa những cảm xúc được thể hiện trong tiểu thuyết văn học (hãy nghĩ đến nỗi đau khổ của Bà Bovary khi bị người tình bỏ rơi!) và những cảm xúc mà chúng ta trải nghiệm trong đời sống thực? Sự đáp ứng của chúng ta đối với sự đọc ảnh hưởng đến phán đoán của chúng ta đối với quyển sách như thế nào? Đó chỉ là một vài trong rất nhiều hướng nghiên cứu mà chúng ta mở ra khi chúng ta lắng nghe các nam, nữ độc giả bình thường.

Tại sao ngày nay việc nghiên cứu lại quan tâm đến những phản hồi với sự đọc? Trước tiên, vì chúng ta tiếp cận được những khối thông tin mới về các tập quán, sở thích và cảm nhận của nam và nữ độc giả bình thường; mặt khác, bởi vì hiện nay có một sự bùng nổ các diễn ngôn không chuyên, từ nay những diễn ngôn này góp phần ngày càng đáng kể vào sự lan truyền, đánh giá và sản xuất/sáng tạo nghệ thuật; cuối cùng, vì việc phân tích cảm xúc của độc giả cung cấp cho chúng ta những chỉ báo về bản chất tự thân và về chức năng nhận thức của cảm xúc.

Tác giả:

Elena Prat

Nghiên cứu sinh tiến sĩ văn học so sánh, Đại học Le Mans (Pháp)

Tuyên bố công khai

Elena Prat đã nhận một hợp đồng nghiên cứu tiến sĩ (2020-2023) đồng tài trợ bởi dự án Reading Europe Advanced Data Investigation Tool (READ-IT, JPI CH 2018-2021) và một học bổng luận án tiến sĩ về môi trường năm 2020 của Viện nghiên cứu châu Âu và toàn cầu Alliance Europa.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Les émotions de lecture: la parole aux lectrices et aux lecteurs”, The Conversation, 29.01.2024.

Print Friendly and PDF