26.3.24

80 năm tác phẩm Đường về nô lệ của Hayek: những gì các nhà phê bình hiểu sai về nhà kinh tế học người Áo này

80 NĂM TÁC PHẨM ĐƯỜNG VỀ NÔ LỆ CỦA HAYEK: NHỮNG GÌ CÁC NHÀ PHÊ BÌNH HIỂU SAI VỀ NHÀ KINH TẾ HỌC NGƯỜI ÁO NÀY

Friedrich von Hayek (1899-1992). Thư viện Quốc gia Áo/Alamy

Lời phê phán mạnh mẽ nhất đối với kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa”, là cách Margaret Thatcher mô tả cuốn sách The Road to Serfdom (Đường về nô lệ - NXB Tri Thức) của Friedrich von Hayek. Được xuất bản vào tháng 3 năm 1944 trong nhiệm kỳ của nhà kinh tế học người Áo tại Trường Kinh tế Luân Đôn (LSE), tác phẩm này đã luôn được những người theo chủ nghĩa thị trường tự do ưa chuộng.

Trong số những người ngưỡng mộ đó cả Winston Churchill, với tư cách là thủ tướng (nước Anh trong thế chiến II – ND), ông đã dùng 1,6 tấn giấy quý giá do chính phủ Anh phân bổ trong thời chiến để cho in thêm sách. Gần đây hơn, Elon Musk đã đăng ảnh quyển sách kèm chú thích “Cuốn sách vĩ đại của Hayek” lên mạng xã hội X (Twitter cũ) cho 174 triệu người theo dõi của anh, hành động này chắn chắn đã đưa tác phẩm của Hayek đến với một thế hệ mới.

Mặt khác, nhà kinh tế người Áo này thường bị cánh tả coi là một kẻ lừa đảo trí thức, một kẻ tạo điều kiện cho lòng tham vô độ, trách nhiệm xã hội tối thiểu và sự bất bình đẳng tăng cao.

Vậy Hayek là ai và tại sao tác phẩm Đường về nô lệ lại quan trọng?

Tự do kinh doanh (laissez-faire) đã lỗi thời ra sao

Sinh ra trong một gia đình thượng trung lưu ở Vienna vào năm 1899, Hayek lấy bằng tiến sĩ luật (1921) và khoa học chính trị (1923) tại trường đại học của thành phố. Ông gây tiếng vang trong lĩnh vực kinh tế lần đầu tiên vào năm 1928, khi xuất bản một báo cáo cho viện nghiên cứu tại nơi mình làm việc, báo cáo này đã dự đoán được sự sụp đổ của Phố Wall vào năm 1929 (một số nhà phê bình cho rằng thành tích của ông đã bị phóng đại).

Hayek làm việc 18 năm tại LSE (1932-1950), trước khi chuyển sang Đại học Chicago (1950-1962). Tại đó, ông làm việc cùng với Milton Friedman, một người ủng hộ có ảnh hưởng lớn khác của các nguyên tắc thị trường tự do.

Những quan điểm này hoàn toàn không hợp thời vào thời điểm bấy giờ. Sự đồng thuận của các nhà dân chủ xã hội đã được hình thành từ thời kỳ “trùm tư bản cướp bóc[robber barron] vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Các ngành công nghiệp chủ chốt như đường sắt và dầu mỏ đã bị thống trị bởi các thỏa thuận liên minh (cartel) các nhà độc quyền, dẫn đến những bất bình đẳng giàu nghèo khổng lồ.

Tiếp đó là sự sụp đổ của Phố Wall và cuộc đại suy thoái, khiến niềm tin vào các nhà kinh tế và lý luận kinh tế vơi đi. Chủ nghĩa tư bản thị trường tự do chịu phần lớn trách nhiệm. Chủ nghĩa xã hội được đưa ra như một giải pháp thay thế mang tính thực tế và thậm chí đáng mơ ước.

Các đồng nghiệp nổi tiếng của Hayek tại LSE, bao gồm nhà khoa học chính trị Harold Laski và nhà xã hội học Karl Mannheim, tin rằng việc kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa là điều không thể tránh khỏi ở Anh. Đảng Lao động đã cảnh báo rõ ràng trong một cuốn sách nhỏ năm 1942 về việc “trở lại thế giới cạnh tranh không có kế hoạch trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, khi mà chỉ một ít người có đặc quyền được hưởng lợi với cái giá phải trả là lợi ích chung”.

Hayek không đồng ý. Ông cho rằng làn sóng “chủ nghĩa tập thể” phổ biến này sẽ dẫn đến một chế độ đàn áp giống như Đức Quốc xã.

Trong Đường về nô lệ, ông chấp nhận sự cần thiết phải vượt ra khỏi cách tiếp cận tự do kinh doanh của kinh tế học cổ điển. Nhưng ông lập luận ủng hộ cách tiếp cận “lập kế hoạch cho cạnh tranh” hơn là cách tiếp cận “lập kế hoạch chống cạnh tranh” của những người theo chủ nghĩa xã hội. Ông phản đối việc nhà nước là nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ duy nhất nhưng cho rằng nhà nước có vai trò tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường cạnh tranh.

Trong chủ đề trọng tâm xuyên suốt cuốn sách, Hayek đã mô tả những khó khăn mà việc ra quyết định dân chủ sẽ gặp phải dưới chế độ kế hoạch hóa tập trung. Ông tin rằng nó sẽ dẫn đến sự bế tắc về chính sách và tạo cơ hội cho những kẻ vô đạo đức trở thành những người ra quyết định then chốt.

Mục tiêu của Hayek là chứng tỏ rằng giới trí thức Anh đã hiểu sai. Ông tin rằng kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa sẽ khiến người dân quay trở lại tình trạng bị hạn chế quyền tự do, tương tự như nông nô thời phong kiến.

Hayek và chủ nghĩa bảo thủ

Đường về nô lệ đặc biệt phổ biến ở Mỹ. Đó là nhờ tạp chí Reader's Digest đã xuất bản một ấn bản rút gọn vào năm 1945, giới thiệu Hayek tới với khoảng 9 triệu hộ gia đình không phải độc giả thuộc giới học thuật. Ông được ủng hộ bởi những người bảo thủ chống lại Chính sách can thiệp mới [New Deal] của Franklin D Roosevelt, vốn là những người sợ sự tổn hại về quyền tự do cá nhân và khuynh hướng tiến tới chủ nghĩa toàn trị.

Tuy nhiên, Hayek lo ngại ý tưởng của mình đã bị đơn giản hóa quá mức và bị diễn giải sai. Ông cảnh báo về “xu hướng rất nguy hiểm khi sử dụng thuật ngữ 'chủ nghĩa xã hội' cho hầu hết mọi loại nhà nước mà bạn không thích hoặc cho là ngớ ngẩn”. Vào giữa những năm 1950, ông đã tách mình ra khỏi những người bảo thủ ở Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, cuối cùng thì sau chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các nước phương Tây đều áp dụng cách tiếp cận gần với trường phái Keynes hơn. Được đặt theo tên đối thủ trí thức lớn nhất của Hayek, John Maynard Keynes, điều này liên quan đến việc sử dụng chi tiêu của chính phủ để tác động đến những thứ như việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, công trình của Hayek hầu như bị bỏ qua cho đến những năm 1970, thời kỳ mà Vương quốc Anh sa vào tình trạng lạm phát kèm suy thoái đình công công nghiệp. Sau đó, ông trở thành nguồn cảm hứng cho chính sách kết hợp giữa bãi bỏ quy định, tư nhân hóa, giảm thuế và dỡ bỏ triệt để sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế của Margaret Thatcher. Với việc Mỹ cũng đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế trong nước, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Ronald Reagan cũng đã chọn những cách tương tự.

Các nhà phê bình nói gì

Nếu đó có lẽ là thời kỳ đỉnh cao của Hayek, thì ông đã bị chỉ trích nặng nề từ một số phía trong những năm gần đây. Nhà kinh tế học người Mỹ John Komlos, trong bài báo năm 2016, Another Road to Serfdom, đã lập luận đầy thuyết phục:

Hayek đã không thấy được rằng bất kỳ sự tập trung quyền lực nào cũng là một mối đe dọa đối với tự do. Thị trường tự do mà ông ủng hộ đã cho phép sự tập trung quyền lực vào tay một bộ phận tinh hoa đầy quyền lực.

Sự tập trung quá mức như vậy đã tạo ra môi trường “quá lớn để có thể sụp đổ” trong lĩnh vực tài chính trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và nhiều người cho rằng việc bãi bỏ quy định của trường phái Hayekian là thủ phạm.

Khi đảng Bảo thủ của Margaret Thatcher lên nắm quyền vào năm 1979, Hayek là một trong những nguồn cảm hứng chính của họ. Hình ảnh PA/Alamy

Gần đây hơn, các chính sách kinh tế cắt giảm thuế trong thời gian ngắn làm thủ tướng Anh của Liz Truss đã được ấp ủ bởi các think tank, những người tự coi mình là người gìn giữ ngọn lửa của Hayek. Tương tự, tầm nhìn theo chủ nghĩa tự do kinh tế của tổng thống Argentina Javier Milei về một nhà nước tối giản được cho là chịu ảnh hưởng của Hayek.

Tuy nhiên, tương tự, điều này cũng dễ (là kết quả của việc) rơi vào cái bẫy đơn giản hóa quá mức (ý tưởng) của Hayek. Chẳng hạn, điều đáng chú ý là trong Đường về nô lệ, Hayek cũng đã hình dung ra vai trò quan trọng của nhà nước. Ông thấy nhà nước cung cấp thu nhập tối thiểu cơ bản cho tất cả mọi người. Ông cũng lập luận rằng “một hệ thống dịch vụ xã hội rộng lớn hoàn toàn có thể tương thích với việc duy trì cạnh tranh”.

Ngay cả Keynes cũng chúc mừng tác phẩm của Hayek và nói rằng “về mặt đạo đức và triết học, tôi thấy mình gần như đồng ý hoàn toàn với nó”.

Nói tóm lại, có lẽ cũng công bằng khi nói rằng thế giới đã phải gánh chịu những sai sót trong các ý tưởng của Hayek nhưng điều quan trọng là phải tách ông ra khỏi những người ủng hộ ông. Hayek chắc chắn không phải là người theo chủ nghĩa nhà nước (statism), nhưng tầm nhìn của ông về cách tốt nhất để điều hành nền kinh tế không cứng nhắc tới mức như nhiều người muốn chúng ta tin.

Tác giả

Conor O'Kane

Giảng viên cao cấp về Kinh tế, Đại học Bournemouth

Tuyên bố công khai

Conor O'Kane không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch.

Nguồn: Hayek’s Road to Serfdom at 80: what critics get wrong about the Austrian economist, The Conversation, Mar 11, 2024.

Print Friendly and PDF