28.7.14

Williamson Oliver E.



Williamson Oliver E.
  Markets and Hierarchies.
Analysis and Antitrust Implications
New York, Free Press, 1975
 Việc xuất bản Markets and Hierarchies [Những thị trường và thứ bậc], năm 1975, đánh dấu một bước ngoặt trong tư tưởng và ảnh hưởng của một nhà kinh tế còn trẻ, cho đến lúc bấy giờ được biết đến nhất về những công trình trong kinh tế học doanh nghiệp. Sinh tại bang Wisconsin năm 1932, trước tiên học kĩ sư ở MIT. Việc học tập này dẫn ông khám phá thế giới các tổ chức công cộng và tư nhân khiến ông theo học quản lí, trước tiên ở Standford với sự hỗ trợ của Arrow, rồi ở Carnegie-Mellon, nơi ông gia nhập nhóm những nhà nghiên cứu xuất sắc tập hợp chung quanh Herbert Simon và Richard Cyert. Tại đây ông viết một luận án về hành vi quản lí, The Economics of Discretionary Behavior: Managerial Objectives in a Theory of Economics of the Firm [Kinh tế học về hành vi tùy nghi: các mục tiêu quản lí trong kinh tế học công ti], thể hiện mối quan tâm của ông đối với công ti và xác lập vững chắc sự nổi tiếng của mình trong giới các nhà kinh tế doanh nghiệp và các nhà quản lí. Trong những năm sau đó, các ảnh hưởng trên được kết hợp với sự say mê của ông đối với học thuyết thể chế của Commons (1934) và việc gặp gỡ những công trình của Coase, đặc biệt là “The Nature of the Firm” (1937) [Bản chất của công ti]. Sau vài bài báo hiệu, vận dụng khái niệm chi phí giao dịch, một khái niệm sẽ trở thành hòn đá tảng trong thiết kế lí thuyết của ông, Williamson công bố tác phẩm năm 1975, sau khi gặp khó khăn để tìm một nhà xuất bản. Ảnh hưởng của tác phẩm là to lớn và lâu dài, trong kinh tế lẫn trong quản lí và các khoa học xã hội – nó được rất nhiều nhà xã hội học và chính trị học trích dẫn. Tiếp sau đó là hai tác phẩm nổi bật, The Economic Institutions of Capitalism (1985) [Những thể chế kinh tế của chủ nghĩa tư bản] và The Mechanisms of Governance (1996) [Những cơ chế điều hành]. Tuy nhiên quyển sách thứ nhất vẫn là
tác phẩm có ý nghĩa nhất do toàn bộ những chủ đề được ông đưa vào, đặc biệt là ý tưởng về một học thuyết tân thể chế đặt cơ sở trên cách tiếp cận bằng khái niệm chi phí giao dịch, ý tưởng cho rằng nền kinh tế thị trường được thể hiện bằng những đánh đổi giữa những cách thức tổ chức các giao dịch ấy và rằng những quan hệ hợp đồng giữ một vai trò then chốt trong các đánh đổi trên và ý tưởng cho rằng doanh nghiệp quyết định hợp nhất các hoạt động chủ yếu bị chi phối bởi những nhận định về tính hiệu quả của các giao dịch.

Logic của tổ chức thứ bậc
Những chủ đề vừa nêu phần lớn được nối khớp chung quanh một phân tích về tổ chức thứ bậc và vai trò của tổ chức này trong nền kinh tế thị trường. Để hiểu rõ góc tiến công này, chắc chắn phải qui chiếu về bối cảnh thời bấy giờ, khi những vấn đề thời thượng, ít nhất là trong kinh tế học vi mô, nhằm vào sự tồn tại và tính ổn định của một cân bằng chung, cũng như vào những đặc điểm và hệ quả của những cấu trúc thị trường khác nhau.
So với tình trạng ấy, tác phẩm năm 1975 nêu bật ba câu hỏi chính: vì sao các tổ chức theo thứ bậc giữ một vị trí như thế trong nền kinh tế thị trường? Đâu là những đặc điểm của các tổ chức ấy? Vì sao những hợp đồng giữ một vai trò quan trọng đến thế trong việc tổ chức hoạt động kinh tế?
Ngay vào đầu, Markets and Hierarchies theo đường hướng của Coase (1937), ở chỗ tác phẩm khẳng định sự tồn tại của tổ chức thứ bậc như một đối chọn cho thị trường trong việc triển khai các giao dịch, và cho rằng việc hợp nhất những hoạt động trong doanh nghiệp được giải thích không phải bằng những lí do công nghệ (tính không thể chia nhỏ, tính không thể tách rời) nhưng vì những chi phí cầu viện đến thị trường. Nói cách khác, nền kinh tế thị trường áp đặt những đánh đổi không ngừng giữa những phương thức tổ chức khác nhau các cuộc trao đổi, và chỗ dựa cho những đánh đổi này là việc so sánh những chi phí giao dịch. Vì sao quan tâm đến chi phí giao dịch hơn là chú ý đến chi phí sản xuất? Có thể tìm thấy hai lí do trong tác phẩm năm 1975. Trước tiên, các giao dịch được xem là trung tâm vì chúng là điều kiện không thể không có để tận dụng lợi thế của sự phân công lao động. Vì thế giao dịch cấu thành “the ultimate unit of economic investigation” [đơn vị cơ bản nhất của điều tra kinh tế] (Commons, 1934; dẫn ở trang 254). Tiếp đến, các chi phí sản xuất, và do đó những điều kiện công nghệ, có sức mạnh thuyết phục kém so với sự tồn tại và quy mô của các tổ chức thứ bậc: nếu giải thích chỉ dựa vào công nghệ không thôi thì đại bộ phận các doanh nghiệp phải có quy mô nhỏ. 
Thế mà nói đến giao dịch là nói đến quan hệ giữa các đối tác. Chiều kích này được thể hiện bằng tầm quan trọng của các hợp đồng trong hoạt động thị trường, với điều kiện hiểu hợp đồng như những phương thức đồng thuận mà chỉ một phần mới có những đặc điểm hình thức thường được các luật gia xem xét. Do đó có thể hiểu những chi phí giao dịch như là kết quả của việc tổ chức sự chuyển nhượng quyền giữa các tác nhân, đặc biệt là những chi phí thiết kế và thực hiện hợp đồng. Trong tác phẩm năm 1975, các chi phí này một phần được cho là có nguồn gốc ngoại sinh, nằm ngoài giao dịch, do tính bất trắc của môi trường và của cấu trúc thị trường, đặc biệt là sự có mặt của số ít các bên tham gia, và mặt khác có nguồn gốc con người, do tính duy lí hạn chế của các tác nhân và xu hướng ứng xử cơ hội của họ. Do đó việc nhận diện những chi phí giao dịch, cho một giao dịch nhất định, phải thông qua việc nhận diện những đặc điểm cho phép khởi động cơ chế của những nhân tố sản sinh ra các giao dịch. Markets and Hierarchies còn đề cập tương đối chưa chính xác các đặc điểm ấy, chúng sẽ được xem xét trong những bài viết sau này và hệ thống hóa trong The Economic Institutions of Capitalism.
Như thế, vấn đề đặt ra là phải biết những đặc tính nào của tổ chức thứ bậc cho phép tiết kiệm chi phí của việc cầu viện đến thị trường để cho kiểu tổ chức này hiện ra như một đối chọn có giá trị trong cặp “make or buy” (tự làm lấy hay đi mua trên thị trường – ND). Williamson tóm tắt lập luận của ông bằng sáu điểm (trang 257). Tổ chức thứ bậc:
-        mở rộng lĩnh vực của tính duy lí nhờ sự chuyên môn hóa các quyết định và việc giảm thiểu những chi phí truyền thông;
-        đưa vào những cơ chế động viên và giám sát cho phép giảm thiểu nguy cơ của những hành vi cơ hội;
-         cho phép một sự phối hợp tốt hơn khi đối mặt với sự bất trắc;
-      giải quyết tính bất định của những cuộc thương thảo bằng việc cầu viện đến quyền uy;
-       giảm thiểu thông tin không đối xứng bằng việc thiết lập những thủ tục riêng làm bộc lộ thông tin;
-        tương đối hóa các chiến lược tính toán cá nhân để cho hành động tập thể có lợi thế, với điều kiện tạo được một “không khí” thuận lợi.
Thế mà tất cả các lợi thế tiềm tàng này chỉ trở thành hiện thực, và do đó biến tổ chức thành một đối chọn có lợi so với giải pháp “tự làm lấy”, nghĩa là so với việc cầu viện đến thị trường, nếu có một số bố trí tổ chức. Đây là một khía cạnh vô cùng quan trọng của lập luận về mặt lí thuyết; vì nó giả định là phải bước vào “hộp đen” của tổ chức; và trên bình diện thể chế, nối khớp lí thuyết kinh tế với những công trình của các nhà quản lí và các nhà xã hội học về tổ chức, một yếu tố thiết yếu để hiểu ảnh hưởng của Williamson trên các bộ môn này. Markets and Hierarchies chủ yếu phân tích hai loại bố trí. Một mặt là tổ chức lao động, đặc biệt nhấn mạnh đến những kiểu dàn xếp tùy theo cấp độ thứ bậc và mức độ đặc thù của những tài sản con người có liên quan; mặt khác là hình thái cấu trúc được công ti chọn, như thế phân tích lấy lại những công trình của Chandler (1962) về các hình thái chức năng và đa đơn vị của doanh nghiệp lớn hiện đại.
Trong những gì vừa trình bày và trong tác phẩm của Williamson, ý tưởng về hợp đồng không ngừng được lặp lại. Đây là một điểm mấu chốt và là một đóng góp sẽ có ảnh hưởng sâu đậm đến tư tưởng kinh tế sau này. Tầm quan trọng của quan hệ hợp đồng như là phương thức phối hợp là kết quả khá tự nhiên của ý tưởng giao dịch, và đã có mặt ở Coase (1937), tác giả đã xem hợp đồng lao động là phần chủ yếu của tính đặc thù của tổ chức thứ bậc. Williamson lấy lại và phát triển chủ đề hợp đồng, khái quát hóa và, nhằm mục đích thực tiễn, biến nó thành một thành tố thiết yếu của mọi giao dịch, bất luận phương thức được chọn để tổ chức giao dịch ấy. Như thế, hợp đồng không chỉ đặc trưng hóa quan hệ việc làm mà còn cả các quan hệ liên doanh nghiệp. Ở cấp độ của tổ chức hợp nhất, lợi thế của hợp đồng là thay thế bằng một hợp đồng duy nhất một số lớn hợp đồng cần thiết nếu luôn phải cầu viện đến thị trường. Trong quan hệ giữa các tổ chức, các hợp đồng cấu thành những khuôn khổ cho phép quản lí sự phụ thuộc ít nhiều mạnh mẽ giữa các đối tác. Thế mà, trong tất cả mọi trường hợp, do những nhân tố môi trường và con người mà chúng tôi đã nêu trên đây, các hợp đồng nói chung là “không đầy đủ” và thường là không chính thức (casual documents). Và như thế có một hệ quả cơ bản: các đối tác phải gánh chịu rủi ro hợp đồng (contractual hazard). Sự kết hợp một môi trường bất trắc với tính duy lí hạn chế của các bên vào hợp đồng sinh ra rủi ro hành vi cơ hội. Rủi ro này càng cao khi số bên liên can càng ít và khi các bên phát triển một sự phụ thuộc song phương qua những đầu tư đặc thù, rất khó nếu không nói là không thể tận dụng lại trong những giao dịch khác. Bởi thế các bên sẽ muốn dự phòng chống các rủi ro hợp đồng này. Sự gia tăng của các rủi ro này được thể hiện bằng một sự phức tạp hóa ngày càng tăng các hợp đồng và những khó khăn chồng chất trong việc thực thi hợp đồng. Như thế những chi phí giao dịch có thể lớn đến độ mà sự hợp nhất tỏ ra là giải pháp tốt nhất. Đây là giải thích trung tâm của Williamson cho việc hợp nhất theo chiều dọc. Như thế ông bác bỏ giải thích, lúc bấy giờ là thống trị, cho rằng sự hợp nhất, ngoại trừ những trường hợp hiếm hoi được giải thích bằng nhân tố công nghệ, là kết quả của những hành vi chiến lược của doanh nghiệp nhằm tìm kiếm vị thế khống chế trên thị trường và tạo ra những rào cản gia nhập thị trường. Markets and Hierarchies phát triển một mô hình đối chọn khác: sự hợp nhất hiện ra như như là kết quả của một đánh đổi khi chi phí cầu viện đến thị trường là quá cao do những rủi ro hợp đồng. Giả thiết này, sau đó được làm tinh tế hơn bằng việc nhận diện ba nhân tố quyết định chính các chi phí giao dịch (tần suất giao dịch, tính bất trắc đi cùng giao dịch, và nhất là mức độ đặc thù của các tài sản mà giao dịch đòi hỏi) sẽ dẫn đến sự nở rộ của những kiểm định thực nghiệm củng cố cho tính xác đáng của phân tích (Joskow, 1991; Shelanski và Klein, 1955).
  Giả thiết trên cũng đặt lại vấn đề các chính sách về cạnh tranh được thực thi lúc bấy giờ, và điều này giải thích tiểu tựa của tác phẩm. Thật vậy, nếu sự hợp nhất theo chiều dọc, và một cách tổng quát hơn, những thỏa thuận bằng hợp đồng giữa các bên trước hết nhằm dự phòng chống lại rủi ro của những hành vi cơ hội thì như vậy chúng thuận lợi cho sự phát triển của các giao dịch, và do đó cho cơ năng kinh tế. Do đó ta không thể giả định, như xu hướng của các vertical menger guidelines (hướng dẫn sáp nhập theo chiều dọc) thời bấy giờ, rằng lí do tồn tại và mục đích của các thỏa thuận này trước hết có tính chống cạnh tranh. Trên những thị trường có sự cạnh tranh tối thiểu thì chức năng trước hết của sự hợp nhất, cũng như của các thỏa thuận liên doanh nghiệp, là để giảm thiểu các chi phi giao dịch. Vì vậy phải xem lại chính sách về cạnh tranh, theo hướng bớt khắt khe hơn. Thật vậy, dù sao đi nữa, sự hợp nhất hay những thỏa thuận hợp đồng mà không tương ứng với những giải pháp do đặc điểm của các giao dịch đòi hỏi cuối cùng sẽ tỏ ra quá tốn kém và phải nhường chỗ cho những dàn xếp khác. Vả lại chính tác động của các lực này giải thích những giới hạn của tổ chức, nghĩa là vì sao không có một tổ chức lớn duy nhất có khả năng thay thế thị trường một cách hiệu quả. Đối lại với những thất bại của thị trường (market failures) là những thất bại của tổ chức (organizational failures).
Như vậy Williamson khép lại mô hình của ông, giải thích vừa vì sao có những phương thức đối chọn với thị trường để tổ chức các giao dịch, và do đó sản xuất và trao đổi, và vừa vì sao các lực của thị trường tiếp tục tác động và giới hạn năng lực của các phương thức khác nhau này, tất nhiên với điều kiện là các lực chính trị không can thiệp vào theo chiều hướng ngược lại. Như vậy, một cách khá tự nhiên, tác phẩm dẫn đến những vấn đề qui định hóa và giải quy định, và do đó đến những vấn đề môi trường thể chế mà sau này sẽ được trường phái tân thể chế phát triển.      
 
Kinh tế thị trường như một tập những phương thức điều hành đối chọn
Do đó Markets and Hierarchies là một tác phẩm phong phú và phức tạp, mở ra việc phân tích đặc điểm của các tổ chức hầu có thể giải thích là trên những điểm nào chúng có thể là một đối chọn có hiệu quả so với thị trường; kết nối ý tưởng hợp đồng với ý tưởng giao dịch và như thế biến việc phân tích hợp đồng với những rủi ro đi kèm thành điểm mấu chốt của lí thuyết trao đổi; đưa đến một tra vấn khá triệt để những biểu trưng làm chỗ dựa cho chính sách về cạnh tranh và, một cách chung hơn, vai trò của các chính sách kinh tế không biết đến tầm quan trọng của những chi phí giao dịch. Ba chiều kích vừa nêu cũng xác định những lĩnh vực ảnh hưởng của tác phẩm năm 1975.
Chiều kích thứ nhất liên quan đến lí thuyết đánh đổi giữa “tự làm” và “giao ai khác làm” (make or buy) và cơ sở của lí thuyết này, tức là những đặc tính của một tổ chức cho phép nó, trong những điều kiện nhất định, tỏ ra ưu việt hơn cơ chế thị trường, chắc chắn là chiều kích có ảnh hưởng tức thì lớn nhất. Ảnh hưởng này trải ra trên hai hướng. Trước tiên, trong kinh tế học công nghiệp, nó đã đổi mới cách tiếp cận sự hợp nhất theo chiều dọc, vốn đang thiếu một lí thuyết chặt chẽ và kiểm định được. Markets and Hierarchies dẫn đến những mệnh đề có khả năng đối chiếu với các sự kiện. Việc tinh tế hóa các mệnh đề này ngay trong những năm tiếp theo đưa đến trong những năm 1980 việc nhân bội các nghiên cứu ứng dụng và kiểm định kinh trắc sản sinh ra những kết quả phù hợp với nhau, củng cố giả thiết cho rằng các chi phí giao dịch giữ một vai trò then chốt trong những quyết định nội bộ hóa hay, đưa các hoạt động ra khỏi doanh nghiệp. Có thể thấy một tóm tắt đầu tiên của các công trình này trong Joskow (1988), người đóng vai trò tiên phong trong lĩnh vực này, và trong Shelanski và Klein (1988). Việc phân tích những đặc điểm giao dịch khuyến khích sự hợp nhất đã dần dần vượt ra ngoài khuôn khổ của kinh tế học; nó đã ảnh hưởng to lớn đến các khoa học quản lí, ví dụ trong lí thuyết tiếp thị. Qua đó ta gặp khía cạnh khác của ảnh hưởng của tác phẩm năm 1975: sự phân tích những đặc tính của tổ chức đã cho phép nối kết kinh tế học và các khoa học tổ chức, và do đó khoa học quản lí. Thật vậy, sự cần thiết về mặt lí thuyết phải tìm ra điều gì trong tổ chức cho phép nó giải quyết có hiệu quả hơn thị trường các vấn đề phối hợp và phân bổ các nguồn lực một cách tự nhiên dẫn đến việc mở cái hộp đen của doanh nghiệp, và chung hơn là của các tổ chức. Phân tích vai trò của những kiểu dàn xếp thứ bậc khác nhau, của những biện pháp động viên trong quản lí, hay của các cấu trúc của tổ chức, trong việc xác định những nhân tố của hiệu quả so sánh đã khơi mào sự quan tâm trở lại lí thuyết công ti trong kinh tế học và đã cung cấp cho các lí thuyết gia về quản lí những công cụ quý báu. Đồng thời, và một cách nghịch lí, có ít môn đồ của Williamson đào sâu phân tích những đặc điểm nội tại của các tổ chức bằng những công cụ do ông cung cấp. Như Gibbons (1998) nhấn mạnh, ở đây còn những tiềm năng chưa được khai thác rộng rãi. Có thể hỏi phải chăng việc tập trung vào những vấn đề hợp nhất theo chiều dọc và chính sự thành công của các công trình này đã cản trở những nghiên cứu theo hướng đó. Một kiến giải khác, có tính phê phán hơn, phủ nhận là ta có thể phân tích điều gì xảy ra trong tổ chức bằng khái niệm giao dịch (một phần đây là quan điểm của Harold Demsetz, 1988).
Chiều kích thứ hai của ảnh hưởng của Markets and Hierarchies liên quan đến điều nay đã trở thành lí thuyết hợp đồng. Thật vậy, chỉ cần xem những tác phẩm về kinh tế học vi mô xuất bản trước khi tác phẩm này ra đời để thấy rằng trước đó ý tưởng cho rằng các hợp đồng là một công cụ phối hợp mạnh trong nền kinh tế thị trường là xa lạ biết mấy trong lí thuyết kinh tế. Phải cần đến cả chục năm trước khi chủ đề này xâm nhập vào trung tâm của nghiên cứu kinh tế học. Từ giữa những năm 1980, chủ đề hợp đồng trở thành chủ đề trung tâm. Không thể qui công lao này chỉ riêng cho tác phẩm năm 1975 của Williamson. Hoạt động của Coase, đặc biệt thông qua tạp chí Journal of Law and Economics, đã mở đường. Vả lại, song song với ảnh hưởng của tác phẩm năm 1975, sự phát triển – trễ hơn – của lí thuyết người ủy quyền-người đại diện đã góp phần tăng tốc sự chuyển động trên. Nhưng chính Williamson đã định hướng suy nghĩ về chủ đề này, đặc biệt do mối quan tâm được khẳng định rõ ràng của ông qua việc đề xuất những mệnh đề có thể kiểm định. Nếu nhìn vào kinh văn gần đây về các hợp đồng, không có đóng góp có ý nghĩa nào mà không tham chiếu đến Markets and Hierarchies hay đến The Economic Institutions of Capitalism. Đồng thời luận điểm của Williamson về tính bất toàn sâu sắc của đa số các hợp đồng bị phản bác. Một trong những lí do là khó hình thức hóa luận điểm này hơn là giả thiết về các hợp đồng đầy đủ.
Một cách tự nhiên phân tích bằng khái niệm hợp đồng cũng giải thích chiều kích thứ ba trong ảnh hưởng của tác phẩm năm 1975, tức là sự cần thiết phải xem xét sự tương tác của các hợp đồng, và rộng hơn của những phương thức tổ chức và đánh đổi giữa những phương thức ấy, với môi trường thể chế. Trước tiên, các hợp đồng được lồng ghép trong một môi trường pháp luật. Như Ronalf Coase đã nhận ra rất sớm, chính ở đây diễn ra sự nối khớp giữa luật học và kinh tế học. Trên điểm này, Williamson là “coasian”, ông nối dài và khuyếch đại đóng góp của thầy ông. Hơn nữa, sự đánh đổi thị trường và thứ bậc có thể chịu ảnh hưởng nặng, thậm chí là được quyết định bởi luật chơi của cơ chế thể chế. Từ đó tầm quan trọng của Markets and Hierarchies dành cho sự tác động của việc quy định hóa. Kết quả là có cả một kinh văn, lúc đầu chủ yếu tập trung vào các chính sách về cạnh tranh đối với những quyết định hợp nhất các công ti; tiếp đó, kể từ những năm 1990 là việc mở rộng khuôn khổ phân tích này sang những vấn đề cải cách các public utilities [dịch vụ công cộng] – ND (Joskov, 1991) và những vấn đề khuôn khổ thể chế tạo thuận lợi cho sự phát triển của các giao dịch và, qua đó, của tăng trưởng (World Bank, 1996).   
Tóm lại, xuất phát từ một vấn đề có vẻ kĩ thuật, vấn đề những đặc tính của các tổ chức khả dĩ giải thích được rằng chúng là một đối chọn hiệu quả cho thị trường, Williamson đổi mới sự phân tích nền kinh tế thị trường bằng cách tư duy nó như một tập nối khớp những phương thức điều hành đối chọn và cạnh tranh lẫn nhau, và bằng cách soi sáng những nguyên lí đặt cơ sở cho sự phân định giữa các phương thức ấy. Qua đó, ông đã mở đường cho sự nở rộ những nghiên cứu về các phương thức tổ chức và sự tương tác giữa các phương thức này và môi trường thể chế, đắt cầu nối với những bộ môn gần với kinh tế học như các khoa học quản lí cũng như với những bộ môn có vẻ xa hơn là luật học, xã hội học và khoa học chính trị. Kết quả là, khi đặt khái niệm chi phí giao dịch vào trung tâm thiết kế phân tích của ông, Williamson đã làm cho khái niệm này là gần như không thể né tránh trong mọi nghiên cứu đương đại về thế nào là một nền kinh tế thị trường.
Claude Ménard
Đại học Panthéon-Sorbonne (Paris I)
Nguyễn Đôn Phước dịch.
Thư mục
Chandler A. D. (1962), Strategy and Structure : Chapters in the History of American Enterprise, Beard Books.
Coase R. H. (1988), The Firm, The Market and the Law, Chicago, Chicago University Press.
Commons J. R. (1934), Institutional Economics, Madison, University of Wisconsin Press.
Demsetz H. (1988), The Organization of Economic Activity, Oxford, Basil, Blackwell.
Gibbons R. (1998), “Incentives in Organizations”, Journal of Economic Perspectives, 12 (4), p. 115-132.
Joskow P. (1988), “Asset Specificity and the Structure of Vertical Relationships :  Empirical Evidence”, in Williamson và Winter (1991)
Joskow P. (1991), “The Role of Transaction Cost Economics in Antitrust and Public Utility Regulatories Policy”, Journal of Law, Economics and  Organizations, 7 (Sp), p. 253-283.
Joskow P. (1997), “Restructuring, Competition and Regulatory Reform in the US Electricity Sector”, Journal of Economic Perspectives 11(3), p. 129-138.
Shelanski H và Klein P. (1995), “Empirical Research in Transaction Costs Economics”, Journal of Law, Economics and Organization, 11(2), p. 335-361.
Williamson O. E. (1985), The Economics Institutions of Capitalism, New York, Free Press.
Williamson O. E. (1996), The Mechanism of Governance, Oxford, New York, Oxford University Press.
Williamson O. E. và Winter S. (1991), The Nature of the Firm, Oxford, New York, Oxford University Press.

Coase, “The Problem of Social Cost”, Posner, Economic Analysis of Law, Simon, “From Substantive to Procedural Rationality” , Stigler, The Citizen and the State

Nguồn: Xavier Greffe, Jérôme Lallement, Michel de Vroey, Dictionnaire des grandes oeuvres économiques, Dalloz, Paris, 2002, trang 622-629.
Print Friendly and PDF