(Diễn từ tại buổi lễ giải thưởng Văn hoá Phan Châu Trinh 2010)
Một trong hai "tân khoa" được trao giải dịch thuật Phan Châu Trinh năm nay, anh Nguyễn Đôn Phước đã "ra mắt" người đọc Việt ngữ với bản dịch một cuốn sách "không giống ai", cuốn Từ điển phân tích kinh tế của B. Guerrien, một tác phẩm "không có tương đương hiện nay trên thị trường từ điển", theo đánh giá của Trần Hải Hạc trên mặt báo này. Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét trong bài phát biểu bế mạc lễ trao giải của ông: Nguyễn Đôn Phước là một người đã có thể "lẳng lặng" làm việc - trong 10 năm trời - để thực hiện "ý đồ nghiêm trang và to lớn, lâu dài của mình". Bài diễn từ nhận giải ngắn gọn mà súc tích này là một minh chứng cho "cá tính" đó.
(Hình trên: Bà Nguyễn Thị Bình (bìa phải) - nguyên phó chủ tịch nước CHXHCN VN - chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh - trao giải thưởng 'Dịch thuật: cho dịch giả Nguyễn Đôn Phước - Ảnh: Minh Đức, nguồn: Tuoitre.vn)
Kính thưa Bà Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh,
Kính thưa Giáo sư Hoàng Tụy,
Thưa quý vị,
Tôi vô cùng vinh dự hôm nay được nhận giải thưởng cao quý của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và xin chia sẻ niềm vui này cùng dịch giả Phạm Văn Thiều.
Thưa quý vị,
Tôi trộm nghĩ có lẽ một trong những lí do Hội đồng giải thưởng quyết định trao giải cho bản dịch một quyển sách công cụ như Từ điển Guerrien là vì đồng cảm với quan niệm của tác giả khi Guerrien viết trong lời tựa rằng: “mọi người, trước tiên là sinh viên nhập môn hay công dân có ý muốn tìm hiểu, phải được thông tin về tính xác đáng và tầm quan trọng của các khái niệm và lí thuyết ... để ai cũng có thể tự mình đánh giá lợi ích của khái niệm hay lí thuyết ấy” do “tư duy trong kinh tế học nhằm vào một thế giới mà mỗi chúng ta, trong cuộc sống hằng ngày, đều có một hiểu biết ít nhiều trực tiếp”[1].
Như vậy, khi nhấn mạnh rằng cách tiếp cận của ông “có tính phê phán, như bất kì lập luận nào muốn có tính khoa học”[2], tham vọng của tác giả là không chỉ viết một từ điển thông thường giải mã biệt ngữ cho người nhập môn mà còn muốn cung cấp hành trang tối thiểu để người sử dụng, với tư cách công dân, có thể tham gia hay ít nhất cũng theo dõi được những cuộc tranh luận tự do trong không gian công cộng, hầu giúp hình thành chủ kiến có cơ sở và có cân nhắc.
Với “ít nhiều hiểu biết trực tiếp” như thế thì dù sống ở đâu trong thời đại nhiều biến động nhanh chóng, dồn dập, sâu sắc và đầy bất trắc như thế giới toàn cầu hóa của chúng ta ngày nay, ai cũng dễ dàng thấy rằng kinh tế là một việc quá quan trọng để chỉ giao phó cho các nhà kinh tế. Trước độ phức tạp của những vấn đề mà các xã hội phải giải quyết, chính bản thân các nhà kinh tế cũng nhận thức giới hạn của việc tự bó hẹp tầm nhìn trong chuyên ngành của mình. Chẳng hạn, hai khuôn mặt lớn trong thế kỉ hai mươi mà ảnh hưởng tư tưởng của họ còn đến tận hôm nay và tuy triết lí xã hội của họ đối lập nhau, là Keynes và Hayek, đều đòi hỏi nhà kinh tế không chỉ là nhà kinh tế, thậm chí còn cảnh báo rằng nếu chỉ là nhà kinh tế không thôi thì sẽ là một tai họa!
Song chính nhà giáo dục Hoàng Xuân Hãn, trong chương trình trung học nổi tiếng mang tên ông, là người sớm công nhận kiến thức kinh tế như là một thành tố của văn hóa nền khi đặt tên là “Kinh tế và Triết học” cho bộ môn chung dạy trong cả bốn ban[3] của cấp trung học chuyên khoa. Phải hơn hai mươi năm sau, nền giáo dục Pháp mới bắt đầu dạy kiến thức kinh tế cho học sinh trung học với việc thành lập ban “Các khoa học kinh tế và xã hội” (SES).
Thưa quý vị,
Tuy việc dịch là một công việc cá nhân nhưng việc đưa thành phẩm ra để xã hội đánh giá không thể nào là một công việc đơn độc. Nhân đây cho phép tôi có lời cảm ơn chân thành đến tập thể các bạn ở Nhà xuất bản Tri thức đã vượt qua nhiều khó khăn và thử thách để đưa nhiều đầu sách có giá trị đến công chúng, góp phần làm sống lại truyền thống “chấn dân khí, khai dân trí”.
Xin cảm ơn sự kiên nhẫn của tất cả quý vị.
Nguyễn Đôn Phước
[1] Lời tựa cho ấn bản tiếng Việt của Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007↩
[2] n.t.↩
[3] Chương trình trung học, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998↩