25.7.14

“Ngồi chờ thì biết đến bao giờ…”

Nguyễn Đôn Phước là một cái tên hàng đầu trong phân vùng dịch giả sách kinh tế hiện nay tại Việt Nam. 

Nói về dịch thuật, ông tự nhận mình là người nghiệp dư, với hai nghĩa: không được đào tạo chuyên ngành dịch thuật và không sống bằng nghề dịch. Nhưng những ai theo dõi chín dịch phẩm là tự điển, học thuyết, tư tưởng kinh tế đầy công phu và cẩn trọng mà ông giới thiệu với độc giả trong năm năm qua, có thể thấy Nguyễn Đôn Phước là một cái tên hàng đầu trong phân vùng dịch giả sách kinh tế hiện nay tại Việt Nam.
Phóng viên có một cuộc trao đổi ngắn với dịch giả Nguyễn Đôn Phước nhân dịp ông sắp nhận giải thưởng Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh 2010.
Thưa ông, trong năm năm qua, thị trường sách Việt Nam có một điểm chung: sách được độc giả ưa chuộng hầu hết tập trung vào các phân vùng khá “thực dụng” như hồ sơ những đại gia kinh tế, công cụ quản trị, marketing hay bí quyết kinh doanh, làm giàu… Trong lúc đó, sách tư tưởng, học thuyết kinh tế chuyên sâu vốn đã thiếu, lại ít được chú trọng. Ông có nghĩ đây là điều bất thường?

Tôi thấy cũng bình thường. Nó phản ánh đúng thị trường, và đúng với tình hình giáo dục của mình hiện nay. Vì lĩnh vực kinh tế thì quá rộng, bây giờ ai cũng có thể tự nhận là nhà kinh tế được cả. Việc khi mở cửa ra, nhiều người tìm bestseller là chính, tình hình này không chỉ riêng kinh tế mà các lĩnh vực khác như văn học cũng vậy. Các sách gọi là bestseller về kinh tế ra được nhiều cũng là điều đáng mừng. Song, tri thức chuyên sâu lý thuyết, chính sách kinh tế này nọ thì dính liền với chính sách giáo dục về kinh tế; hiện vẫn còn cái nhìn thực dụng, mì ăn liền. Cái lỗi gốc vẫn là ở giáo dục. Vì muốn cho dạng sách này sống được thì phải có độc giả. Mà độc giả tiềm tàng lớn nhất chính là giới trẻ. Trong khi chương trình học không khuyến khích hướng đến sự tìm kiếm tri thức chuyên sâu thì dĩ nhiên, họ sẽ không đọc.
Từ góc độ dịch giả, ông cảm nghiệm thế nào về cái khó của việc phổ biến kiến thức kinh tế chuyên sâu trong điều kiện Việt Nam?
Như đã nói, lĩnh vực sách kinh tế là rất rộng, rất khó nói nếu bỏ chung vào một rọ. Nhưng tôi nghĩ, mảng sách kinh tế chuyên sâu mà tôi chuyên dịch thì có hiện tượng một số lý thuyết, khái niệm, thường thường mình dịch, thì bên kia một số nhà lý thuyết, giáo sư đại học… viết cho đại chúng. Nếu ai không theo dõi điều này mà nhảy vào dịch liền, chắc chắn sẽ bị chệnh choạng. Đó là cái khó trong việc phổ biến kiến thức kinh tế ở Việt Nam. Vì mặt bằng tiếp nhận kiến thức của đại chúng ở xã hội người ta và mình có độ chênh. Những kiến thức mà tôi cung cấp đối với độc giả mình có thể khó trong tiếp nhận. Nhưng để tiếp nhận cái mới từ bên ngoài thì phải nắm bắt những nền tảng đó.
Như vậy, khi dịch những sách lý thuyết kinh tế chuyên sâu thì ông có hình dung được, độc giả sẽ là ai?
Trước thực tế đó, có một nhu cầu - đứng về mặt thị trường đây là một niche (ngách, khe, khoanh vùng – NV) – chưa có ai chiếm lĩnh thì hướng đến sự đa dạng phong phú, mình nên khai thác khu vực này. Chứ cứ ngồi chờ thì biết đến bao giờ…
Phản hồi của độc giả với những dịch phẩm của ông thế nào?
Tôi nghĩ tác động trước mắt có thể không có đâu. Sau khi ra những đầu sách này, tôi nhận được phản hồi của giới nghiên cứu và giảng viên nhiều hơn sinh viên mặc dù sau này tôi có tập trung dịch một số sách nhập môn.
Nghe nói, những đầu sách ông thực hiện chưa từng bị cắt bỏ?
Chưa có cuốn nào bị kiểm duyệt hay tự kiểm duyệt mà bị cắt bỏ cả.
Ông có vẻ lạc quan?
(cười) Nếu không lạc quan thì dịch làm gì!
Cám ơn ông.
Print Friendly and PDF