11.9.16

Tiền mặt thực tế



TIỀN MẶT THỰC TẾ 

Real cash balances
Khi những người nắm giữ tiền không bị ảo giác tiền tệ thì họ xác định cầu tiền mặt của họ trên cơ sở giá trị thực tế của tiền tệ (M/P). Những biến thiên của giá trị thực tế của tiền mặt bắt nguồn từ một biến thiên của lượng danh nghĩa tiền tệ (M), biến thiên của mức giá (P), hay từ cả hai loại biến thiên này. Dưới một số điều kiện, những biến thiên này có thể làm thay đổi những đại lượng thực tế như tiêu dùng hay việc làm, được gọi là hiệu ứng tiền mặt thực tế. Ví dụ, trước một gia tăng của mức giá chung làm giảm giá trị thực tế của tiền mặt thì những cá thể có thể muốn tái lập tiền mặt thực tế bằng cách giảm tiêu dùng (hay, ngược lại, gia tăng tiêu dùng tiếp sau một sụt giảm của mức giá chung làm tăng giá trị của tiền mặt của họ). Như vậy hiệu ứng tiền mặt thực tế là một cơ chế hợp nhất lĩnh vực thực tế và lĩnh vực tiền tệ, cơ chế này được thêm vào hay thay thế cho việc hợp nhất bằng lãi suất, và được các tác giả tân cổ điển hậu walrasian ưu tiên.
Knut Wicksell (1851-1926)
Irving Fisher (1867-1947)
Được K. Wicksell nêu lên ngay từ năm 1898, ta gặp lại hiệu ứng thực tế cũng vào thời kì đó ở I. Fisher (1911) và A. C. Pigou ngay từ bài viết đầu tiên của ông năm 1917, The value of money. Pigou sẽ dùng khái niệm này trong những cuộc tranh luận về những phương thức thoát ra khỏi khủng hoảng, diễn ra sau khi Lí thuyết tổng quát của Keynes được công bố, và chỉ ra rằng có một lực nội sinh loại bỏ thất nghiệp (1943, 1947), do đó đôi lúc hiệu ứng này còn được gọi là hiệu ứng Pigou. Tuy nhiên phải đợi đến Patinkin (1956, 1965) thì hiệu ứng này mới được tôn vinh khi ông làm rõ những khiá cạnh phân tích vi mô lẫn vĩ mô của hiệu ứng tiền mặt thực tế. Trong kinh tế học vi mô, vấn đề là đưa tiền mặt thực tế vào như một agumen của hàm lợi ích của người tiêu dùng. Tối đa hoá lợi ích dưới ràng buộc thu nhập cho thấy là cầu sản phẩm tiêu dùng cầu tiền mặt phụ thuộc vào giá trị của tiền mặt thực tế ban đầu. Trong so sánh tĩnh, một gia tăng của giá trị thực tế của tiền mặt ban đầu của một tác nhân làm tăng cầu sản phẩm và cầu tiền tệ của tác nhân ấy. Trong một cái nhìn cân bằng chung, những thay đổi của cầu phái sinh từ những biến thiên của giá trị thực tế của tiền mặt làm thay đổi việc xác định những cân bằng trên những thị trường và do đó làm thay đổi hệ thống những giá tương đối. Đóng góp của Patinkin là đã nhấn mạnh là hiệu ứng tiền mặt thực tế phát huy tác dụng trên thị trường tiền tệ cũng như trên thị trường sản phẩm, điều mà cả Wicksell, Fisher lẫn Pigou đã không cảm nhận, vì các tác giả này đều thừa nhận rằng cầu tiền mặt thực tế độc lập với những biến thiên của giá cả (hay cầu tiền tệ danh nghĩa có một độ co dãn bằng một đối với sức mua sức mua của đồng tiền, 1/P). Trong kinh tế học vĩ mô, vấn đề chính là đưa tiền mặt thực tế vào trong số những biến giải thích của hàm tiêu dùng (hay tiết kiệm), đạo hàm riêng của hàm này là dương (âm trong trường hợp hàm tiết kiệm): 
C = f(, M/P, ); df/d(M/P) > 0.
S = g(, M/P, ); dg/d(M/P) < 0.
Cũng còn có thể đưa tiền mặt thực tế vào trong một hàm sản xuất tổng thể bên cạnh nhân tố tư bản K và nhân tố lao động L, với một đạo hàm riêng đối với tiền mặt thực tế là dương (Y = F(K, L, M/P); dF/d(M/P) > 0).
Có nhiều kiểm định kinh trắc của những hàm tổng thể này có tiền mặt thực tế, nhưng từ đó khó mà rút ra được một kết luận dứt khoát về hiệu lực thực nghiệm của hiệu ứng tiền mặt thực tế.
Don Patinkin (1922-1995)

Thật ra hiệu ứng này bị điều kiện hoá bởi phản ứng của các cá thể trước một biến thiên của giá trị thực tế của tiền mặt của họ. Sự không có ảo giác tiền tệ được Pigou nhấn mạnh, cũng như việc không có những dự kiến cộng dồn về những biến thiên của giá cả khả dĩ gây nên những hành vi chạy trốn tiền tệ (trường hợp siêu lạm phát), là những điều kiện cần cho sự hoàn thành của hiệu ứng. Khi hội đủ những điều kiện này, lí thuyết cầu tiền tệ giải thích vì sao những cá thể xem mức tiền mặt thực tế của họ có thể là không thích hợp và mang mất cân bằng này sang thị trường sản phẩm và dịch vụ. Đối với một số tác giả, như Wicksell hay Fisher, ưu tiên cho khiá cạnh trung gian những cuộc trao đổi của tiền tệ thì các cá thể duy trì một tỉ lệ nhất định giữa cầu tiền mặt thực tế của họ và chi tiêu sản phẩm vì, như Fisher viết, theo kinh nghiệm, sự tiện dụng trong giao dịch, hay vì những động cơ duy lí hơn như phân tích những cơ sở kinh tế vi mô của cầu tiền tệ cho thấy điều này khuyến khích gọi hiệu ứng tiền mặt thực tế là hiệu ứng thanh khoản. Đối với một số tác giả khác, như Patinkin, ưu tiên cho một cách tiếp cận di sản về cầu tiền tệ hơn là một cách tiếp cận giao dịch thì giá trị thực tế của tiền mặt tham gia, hoặc một phần (quan điểm của Gurley và Shaw về tiền tệ bên ngoài) hoặc toàn bộ (quan điểm của Pesek và Saving), vào việc xác định giá trị của di sản. Từ đó, chính việc trở thành giàu hay nghèo hơn tiếp sau một biến thiên của tiền mặt thực tế mới khiến các tác nhân thay đổi cầu của họ điều này khuyến khích gọi hiệu ứng tiền mặt thực tế là hiệu ứng của cải. Cho dù có chọn cách tiếp cận nào đi nữa thì cơ chế hợp nhất lĩnh vực thực tế và tiền tệ cũng như những hệ quả là giống nhau.
Những hệ quả này không phải là nhỏ vì việc tính đến hiệu ứng tiền mặt thực tế không dẫn đến gì khác hơn là vượt qua hai cách nhìn lớn về hoạt động kinh tế, tức là cách nhìn của lí thuyết keynesian và cách nhìn của lí thuyết walrasian. Đối với Keynes, cân bằng toàn bộ của thiểu dụng lao động là lâu dài vì không có lực nội sinh nào khả dĩ loại bỏ được thất nghiệp; Pigou là người đầu tiên chỉ rằng hiệu ứng tiền mặt thực tế có thể là một lực như thế. Nếu cuộc khủng hoảng do thiếu tổng cầu đi cùng với một sụt giảm của mức giá chung thì giá trị thực tế của tiền mặt danh nghĩa tăng, điều này làm tăng tổng cầu và có xu hướng loại bỏ thất nghiệp keynesian. Lập luận này, với những được thua hiển nhiên về mặt chính sách kinh tế, đã khơi lên lại cuộc tranh luận kinh tế vĩ mô giữa những nhà keynesian và những nhà tân cổ điển mà thành công của lí thuyết tổng quát đã che giấu đi. Hiệu ứng tiền mặt thực tế hiện ra trong cuộc tranh luận này như một cơ chế cân bằng lại nền kinh tế và đặt thành vấn đề tính dai dẳng của thất nghiệp keynesian. Nó cũng đặt lại vấn đề sự phân đôi khu vực thực tế và khu vực tiền tệ của lí thuyết walrasian. Đối với Walras, một biến thiên của mức giá chung, được giải thích bằng lí thuyết định lượng, không ảnh hưởng đến những đại lượng thực tế và không làm thay đổi vị thế ban đầu của cân bằng chung. Đó là vì những hàm cầu sản phẩm chỉ phụ thuộc vào những giá tương đối, và những giá này không bị tác động bởi biến thiên của mức giá chung (tiên đề tính thuần nhất). Tính trung lập này của tiền tệ bị hiệu ứng tiền mặt thực tế đánh bật: việc đưa tiền mặt thực tế vào trong những hàm cầu sản phẩm, theo kiểu Patinkin, loại bỏ tiên đề tính thuần nhất và sự phân đôi thực tế-tiền tệ. Một biến thiên của mức giá chung ảnh hưởng đến giá trị thực tế của tiền mặt, do đó ảnh hưởng đến những cầu sản phẩm và cuối cùng đến hệ thống những giá tương đối. Nói cách khác, tiền tệ là không trung lập, ngày nào còn có hiệu ứng tiền mặt thực tế, và hiệu ứng này còn phát huy tác dụng khi còn có một mất cân bằng giữa cung và cầu tiền mặt thực tế. Bằng cách phát huy tác dụng, kể cả trên thị trường tiền tệ, hiệu ứng tiền mặt thực tế tạo điều kiện dễ dàng cho việc đạt đến một vị thế cân bằng mới và hơn thế nữa còn đảm bảo cho tính ổn định của cân bằng này. Chỉ có trong vị thế mới này mới tìm lại được mối quan hệ tỉ lệ của lí thuyết định lượng giữa tiền tệ và giá cả và tiền tệ mới bị trung hoà. Cơ chế chủ yếu của hợp nhất cái thực tế và cái tiền tệ, hiệu ứng tiền mặt thực tế phá vỡ sự phân đôi walrasian và tính trung lập của tiền tệ trước khi trở thành công cụ của một cách kiến giải lại có giới hạn (vì phụ thuộc vào cân bằng) lí thuyết định lượng.


FISHER I., The Purchasing Power of Money, New York, A. M. Kelley, 1911. GURLEY J. & SHAW F., Banking in the Theory of Finance, Washington, The Brooking Institutions, 1960. PATINKIN D., La monnaie, lintérêt et les prix, trad. fr., Paris, PUF, 1972. PESEK & SAVING T., Money, Weath and Economic Theory, London, Macmillan, 1967. PIGOU A. C., The Value of Money, QJE, 1917; The Classical Stationary State, EJ, 1943; Economic Process in a Stable Environment, Economica, 1947. WICKSELL K., Interest and Prices (1896), trad. angl., London, Macmillan, 1936.
Gérard BRAMOUILLÉ
Giáo sư đại học Aix-Marseille 3
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Ảo giác tiền tệ; Di sản; Giá cả và cấu trúc thị trường; Học thuyết Keynes; Lãi suất; Tiền tệ.
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001
Print Friendly and PDF