10.9.16

Don Patinkin, người hoà giải kinh tế tiền tệ và kinh tế thực tế


Don Patinkin (1922-1995)

DON PATINKIN, NGƯỜI HOÀ GIẢI KINH TẾ TIỀN TỆ VÀ KINH TẾ THỰC TẾ

Gilles Dostaler
Là một nhà lý thuyết tỉ mỉ và là một nhà sử học về tư tưởng kinh tế, Don Patinkin là một trong những kiến ​​trúc sư của tổng hợp tân cổ điển. Ông đã tìm cách xây dựng những nền tảng kinh tế học vi mô chặt chẽ cho kinh tế học vĩ mô của Keynes, bằng cách tích hợp lý thuyết tiền tệ và lý thuyết thực tế.
Don Patinkin cho rằng ông đã hòa giải, về mặt lý thuyết, các quan điểm của Keynes và các luận điểm cổ điển, nhưng hố sâu chính trị giữa hai tầm nhìn vẫn luôn xa cách đáng kể.
Sự nghiệp của Don Patinkin minh họa sự khó khăn trong việc phân loại những nhà tư tưởng có ảnh hưởng trong một ngách được xác định ranh giới rõ ràng. Trong kinh tế học, cũng như trong các lãnh vực kiến ​​thức khác, Patinkin được coi là một trong những kiến ​​trúc sư chính, cùng với John HicksPaul Samuelson, của tổng hợp tân cổ điển, một sự hỗn hợp giữa kinh tế học vi mô của Walras và kinh tế học vĩ mô của Keynes đã được “tiệt trùng”. Tuy nhiên ông vẫn bác bỏ một số ý tưởng chính của trào lưu tư tưởng nói trên, chẳng hạn như ý tưởng cho rằng tình trạng thất nghiệp không tự nguyện là do tính cứng nhắc trong chiều giảm của lương.
Thất nghiệp, hiệu ứng tiền mặt thực tế và mất cân bằng
John M. Keynes (1883-1946)
John R. Hicks (1904-1989)
Giống như những người theo thuyết hậu Keynes, những môn đồ cấp tiến của Keynes, ông tính đến tầm quan trọng của sự bất định. Đồng thời, ông không phân định ai đúng ai sai giữa, một mặt các nhà keynesian, và mặt khác những người theo thuyết trọng tiền và những nhà kinh tế cổ điển mới, trách cứ phe này lẫn phe kia, bằng những cách khác nhau, đã làm mất uy tín của các chính sách can thiệp xã hội-dân chủ, là những chính sách duy nhất có khả năng đảm bảo toàn dụng lao động.
Patinkin đã viết rất nhiều, nhưng danh tiếng của ông chủ yếu dựa vào một cuốn sách, Money, Interest and Prices (Tiền tệ, lãi suất và giá cả), mà ấn bản đầu tiên được xuất bản vào năm 1956. Lần xuất bản thứ hai, được xuất bản vào năm 1965, đã có những sửa đổi đáng kể, trong đó có những đáp trả đối với nhiều phê phán mà ấn bản đầu tiên đã gợi lên. Những ý tưởng chính của cuốn sách này đã được nêu trong luận án tiến sĩ của ông vào năm 1947, "On the Consistency of Economic Models: A Theory of Involuntary Unemployment (Về sự vững chắc của các mô hình kinh tế: một lý thuyết về thất nghiệp không tự nguyện)", mà kết quả sau đó đã được công bố trong một loạt các bài báo có ảnh hưởng được đăng vào năm 1948 và 1954.

Patinkin cho rằng lý thuyết kinh tế cổ điển bị hỏng bởi một vấn đề cơ bản: sự phân đôi giữa lý thuyết thực tế và lý thuyết tiền tệ, giữa quá trình hình thành mức giá tương đối và quá trình hình thành mức giá chung. Trong khi mức giá tương đối của các sản phẩm giữa chúng với nhau được xác định bởi cơ chế cung và cầu, thì mức giá chung được xác định bởi số lượng tiền. Quá trình kép này là điều không thể chấp nhận và cuối cùng không giúp xác định các giá thực tế cũng như mức giá chung: "Cách duy nhất để giải quyết khó khăn này là từ bỏ sự phân đôi giữa các khu vực thực tế và tiền tệ, và thừa nhận rằng giá cả được xác định đồng thời trong cả hai khu vực, trong một mô hình thực sự về cân bằng chung" (The Indeterminacy of Absolute Prices in Classical Economic TheoryTính không xác định của giá cả tuyệt đối trong lý thuyết kinh tế cổ điển, 1949, trang 2).
Patinkin cũng cho rằng không có mối liên hệ chặt chẽ nào được xác lập giữa kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô. Mô hình cân bằng chung của Walras, theo ý kiến ​​của ông, mặc cho những điều không hoàn hảo, đặc biệt là thất bại trong việc tích hợp với tiền tệ, là mô hình không thể né tránh của kinh tế học vi mô, còn Keynes là người truyền cảm hứng chính của kinh tế học vĩ mô hiện đại. Như vậy, chương trình nghiên cứu mà Patinkin đã chú tâm ngay từ lúc khởi đầu sự nghiệp là xây dựng những nền tảng kinh tế học vi mô chặt chẽ cho kinh tế học vĩ mô của Keynes, bằng cách tích hợp lý thuyết tiền tệ và lý thuyết thực tế.
Arthur C. Pigou (1877-1959)
Sự tích hợp này được thực hiện dựa vào một khái niệm đã làm hao tốn rất nhiều mực: "hiệu ứng tiền mặt thực tế". Patinkin trước đây gọi đó là "hiệu ứng Pigou" trong bài báo được đăng vào năm 1948 từ luận án tiến sĩ của ông. Thực vậy, chính Arthur Cecil Pigou là người đầu tiên làm sáng tỏ quá trình này bị Keynes xem nhẹ. Tiền mặt thực tế (real balance) chỉ sức mua tiền mặt do các tác nhân nắm giữ. Tuy số lượng tiền tệ này là cố định, nhưng giá trị của nó cũng thay đổi theo biến động của mức giá chung. Nếu ở trong tình huống được Keynes mô tả là có thiếu hụt tổng cầu và giá cả linh hoạt, thì giá cả sẽ có xu hướng giảm. Xu hướng giảm này sẽ làm tăng giá trị thực của lượng tiền do các tác nhân nắm giữ: khi giá giảm, người ta có thể mua nhiều sản phẩm hơn với một lượng tiền nhất định. Sự gia tăng tiền mặt thực này, đến phiên nó, sẽ khuyến khích các cá nhân gia tăng mức cầu của họ đối với sản phẩm và dịch vụ, dẫn đến việc thúc đẩy sản xuất và việc làm. Do đó hiệu ứng tiền mặt thực tế sẽ giúp đạt được toàn dụng lao động theo một cách khác với các chính sách can thiệp được Keynes ủng hộ.
Patinkin cho rằng luận điểm trên có một lợi ích mang tính thuần túy lý thuyết. Thời gian cần thiết để toàn dụng lao động quay trở lại theo cách nói trên có thể là rất lâu. Việc giảm giá và giảm lương cũng có thể kích hoạt một bầu không khí bất định và một làn sóng phá sản có tác dụng ngược. Nói tóm lại, không có gì có thể thay thế các chính sách can thiệp kinh tế tích cực được Keynes và những người theo ông ủng hộ.
Axel Leijonhufvud (1933-)
Edmond Malinvaud (1923-2015)
Patinkin cho rằng ông đã hòa giải, về mặt lý thuyết, các quan điểm của Keynes và các luận điểm cổ điển, nhưng hố sâu chính trị giữa hai tầm nhìn vẫn luôn xa cách đáng kể. Và thậm chí hố sâu ấy còn bị mở rộng thêm với sự xuất hiện của chủ nghĩa trọng tiền và kinh tế học vĩ mô cổ điển mới. Ông bác bỏ ý tưởng được những người bảo vệ kinh tế học vĩ mô cổ điển mới đề xuất và ngày nay rất thịnh hành, rằng tình trạng thất nghiệp phát sinh từ sự thiếu linh hoạt của thị trường lao động, lương giảm chưa đủ để khuyến khích người sử dụng lao động thuê người lao động. Keynes đã giải thích, bằng một phân tích động, rằng không có những tác lực đủ để đưa một nền kinh tế đến thế cân bằng. Sự cứng nhắc trong thói quen chi tiêu của các tác nhân làm chậm lại hoặc làm tê liệt hoàn toàn phản ứng của họ đối với các biến động giá cả, đã ngăn cản việc đạt được sự cân bằng. Patinkin gọi lý thuyết của Keynes là lý thuyết về sự mất cân bằng thiểu dụng lao động. Chủ đề này đã được các tác giả như Robert Clower, Axel Leijonhufvud, Robert Barro, Edmond Malinvaud phát triển và đã sản sinh ra, ở Pháp, điều được gọi là trường phái về sự mất cân bằng.
Sử gia về tư tưởng kinh tế


Là một nhà lý thuyết tỉ mỉ, Patinkin cũng là một sử gia về tư tưởng, với sự uyên bác đặc biệt. Năm 1989, ông đã được Hội Nghiên cứu Lịch sử Kinh tế học, một hội khoa học lâu đời nhất và quan trọng nhất trong chuyên ngành này, phong tặng danh hiệu Nhà nghiên cứu kiệt xuất. Có lẻ do bị ảnh hưởng bởi nền giáo dục theo kinh tan-mút (đạo Do Thái), ông cho rằng việc chú giải tỉ mỉ các bài viết là cách chặt chẽ duy nhất để hiểu được các cuộc tranh luận hiện nay. Thực vậy, ông cho rằng thường không có điều gì mới trong lĩnh vực tư tưởng con người.
Michal Kalecki (1899-1970)
Bertil Ohlin (1899-1979)
Ông đã dành phần lớn những nỗ lực diễn giải của ông cho Keynes, mà ông là một trong những chuyên gia không thể tranh cãi (ông được giao soạn thảo lời giới thiệu về tác giả này trong từ điển New Palgrave). Ông đã tiến hành một nghiên cứu cực kỳ tỉ mỉ về sự tiến triển của các ý tưởng của Keynes, kể từ cuốn Monetary Reform (Cải cách tiền tệ) cho đến cuốn General Theory (Lý thuyết tổng quát). Keynes đã tìm ra thông điệp trọng tâm của cuốn sách này vào năm 1933: vai trò quyết định gây ra bởi những biến động trong sản xuất trong quá trình đưa các nền kinh tế đến một tình trạng thiểu dụng lao động ổn định.
Patinkin cũng tiến hành một phân tích sâu sắc luận điểm của các tác giả thường được coi là người báo trước Keynes, đặc biệt là Michal Kalecki và các nhà kinh tế người Thụy Điển như Gunnar Myrdal và Bertil Ohlin. Ông kết luận, trong một cuốn sách được xuất bản vào năm 1982, rằng diễn giải thông dụng là sai, không ai trong số những tác giả nói trên đã dự đoán thông điệp trọng tâm của Lý thuyết tổng quát của Keynes.
Milton Friedman (1912-2006)
Gunnar Myrdal (1898-1987)
Patinkin cũng đã viết về lịch sử của trường phái Chicago. Trái ngược với những ý tưởng được tiếp nhận, ông cho rằng trường phái này theo tư tưởng can thiệp vào những năm 1930 và 1940. Chính với Milton Friedman, người đã đến Chicago vào năm 1946, mà gió đã đổi chiều. Theo Patinkin, Friedman giới thiệu một cách sai lầm lý thuyết của mình như là một sự khôi phục lý thuyết định lượng về tiền tệ: thực ra đó là "một bài thuyết trình lịch sự và tinh tế nhất về lý thuyết tiền tệ của Keynes" (The Chicago Tradition, the Quantity Theory, and Friedman Truyền thống Chicago, lý thuyết định lượng, và Friedman, 1969, trang 256). Vì vậy, Friedman là một nhà keynesian thù địch với chủ nghĩa can thiệp. Thật vậy, cùng một lý thuyết có thể, theo Patinkin, dẫn đến nhiều đề xuất về chính sách khác nhau, cũng giống như cùng một chính sách có thể được kết hợp với nhiều lý thuyết khác nhau.
Quan tâm trước hết bởi những lý thuyết và sự tiến triển của chúng, nhưng Patinkin cũng đồng thời tham gia rất nhiều vào những vấn đề chính trị vào thời của ông. Ông đã giữ nhiều chức vụ trong cơ quan quản lý đại học và cơ quan công quyền ở Israel, đất nước mà ông là nhà kinh tế hàng đầu của thế kỷ XX.
Don Patinkin qua vài năm tháng
1922: sinh tại Chicago.
1933-1943: học tại trường Telsche Yeshiva, một trường học theo kinh tan-mút (đạo Do Thái) tại Chicago.
1941: bắt đầu học tại Đại học Chicago, nơi ông tốt nghiệp cử nhân năm 1943, thạc sĩ năm 1945 và tiến sĩ năm 1947.
1946-1948: nghiên cứu tại Ủy ban Cowles và giảng dạy tại Đại học Chicago.
1948: Price Flexibility and Full Employment (Sự linh hoạt giá cả và lao động toàn dụng).
1948-1949: Phó giáo sư tại Đại học Illinois.
1949: di cư đến Israel, nơi ông dành toàn bộ sự nghiệp tại Đại học (thuộc người) Hê-brơ (Do Thái xưa) ở Jerusalem, vừa giảng dạy như một giáo sư thỉnh giảng tại một số trường đại học của Mỹ và Canada. "The Indeterminacy of Absolute Prices in Classical Economic Theory (Tính không xác định của giá cả tuyệt đối trong lý thuyết kinh tế cổ điển)".
1956: Money, Interest, and Prices: An Integration of Monetary and Value Theory (Tiền tệ, lãi suất, và giá cả: Một tích hợp của lý thuyết về tiền tệ và giá trị).
1956-1972: Giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu kinh tế Falk Maurice tại Israel.
1959: The Israel Economy: The First Decade (Nền kinh tế của Israel: Thập niên thứ nhất).
1967: On the Nature of Monetary Mechanism (Về bản chất của cơ chế tiền tệ).
1969: The Chicago Tradition, the Quantity Theory, and Friedman (Truyền thống Chicago, lý thuyết định lượng, và Friedman).
1972: Studies in Monetary Economics (Các nghiên cứu về kinh tế học tiền tệ).
1974: Chủ tịch Hội kinh trắc học.
1976: Chủ tịch Hội Kinh tế của Israel. Keynes’s Monetary Thought: A Study of Its Development (Tư tưởng của Keynes về tiền tệ: Một nghiên cứu về phát triển tiền tệ).
1978: đồng tác giả với James Clark Leith, Keynes, Cambridge and The General Theory: The Process of Criticism and Discussion Connected with the Development of The General Theory (Keynes, trường phái Cambridge và lý thuyết tổng quát: Quá trình phê phán và thảo luận gắn với sự phát triển của lý thuyết tổng quát).

1981: Essays on and in the Chicago Tradition (Tiểu luận về và trong truyền thống Chicago).
1982: Anticipations of The General Theory? And Other Essays on Keynes (Những tiên đoán của lý thuyết tổng quát? Và các tiểu luận khác về Keynes).
1983-1986: hiệu trưởng Đại học Hê-brơ (Do Thái xưa) ở Jerusalem.
1990: On Different Interpretations of The General Theory (Về những diễn giải khác nhau của lý thuyết tổng quát).
1995: "The Training of an Economist (Việc đào tạo một nhà kinh tế)". Mất tại Jerusalem, ngày 01 tháng 6.
Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Patinkin
Price Flexibility and Full Employment”, American Economic Review, vol. 38, 1948.
The Indeterminacy of Absolute Prices in Classical Economic Theory”, Econometrica, vol.  17, 1949.
La monnaie, l’intérêt et les prix: une intégration de la théorie de la monnaie et de la théorie de la valeur, PUF, 1972.
The Israel Economy: The First Decade, Maurice Falk Institute for Economic Research in Israel, 1959
On the Nature of Monetary Mechanism, Almqvist & Wiksell, 1967.
The Chicago Tradition, the Quantity Theory, and Friedman”, Journal of Money, Credit and Banking vol. 1, 1969.
Studies in Monetary Economics, Harper & Row, 1972.
Keynes’s Monetary Thought: A Study of Its Development, Duke University Press, 1976.
Keynes, Cambridge and The General Theory: The Process of Criticism and Discussion Connected with the Development of The General Theory, avec James Clark Leith, Mcmillan, 1978.
Essays on and in the Chicago Tradition, Duke University Press, 1981.
Anticipations of The General Theory? And Other Essays on Keynes, University of Chicago Press, 1982.
On Different Interpretations of The General Theory”, Journal of Monetary Economics, vol. 26, 1990.
The Training of an Economist”, Banca Nazional del Lavoro Quarterly Review, vol. 48, 1995.
Những tác phẩm viết về Patinkin
Don Patinkin, Money, Interest and Prices, par Roger Backhouse, dans Dictionnaire des grandes œuvres économiques, par Xavier Greffe, Jérôme Lallement et Michel De Vroey (dir.), Dalloz, 2002.
Monetary Theory and Thought: Essays in Honor of Don Patinkin, par Haim Barkai, Stanley Fisher et James Madison (dir.), Thoemmes Continuum, 2006.
Don Patinkin, par Michel De Vroey, dans Biographical Dictionary of American Economists, par Ross B. Emmett et James Madison (dir.), Thoemmes Continuum, 2006.
Patinkin and the Development of Modern Economic Theory, numéro spécial du European Journal of History of Economic Thought, vol. 9, no 2, par Pascal Bridel et Michel De Vroey (dir.), 2002.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Don Patinkin, conciliateur du monétaire et du réel” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012
Print Friendly and PDF