17.9.16

Châu Á và nỗi buồn của toàn cầu hóa lần thứ hai



Châu Á và nỗi buồn của toàn cầu hóa lần thứ hai
Xe tải chở container tại cảng Qingdao (Thanh Đảo), Trung Quốc, ngày 12 tháng 4 năm 2016. (Ảnh: Stringer/Imaginechina/via AFP)
Liệu sự kiện Brexit có kích hoạt sự kết thúc của toàn cầu hóa lần thứ hai hay không? Cuộc bỏ phiếu của người dân Anh cho thấy toàn cầu hóa không còn thành công và các số liệu thống kê đã cho thấy nó đang hụt hơi: trong năm 2015, thương mại thế giới đã co lại và điều này vẫn tiếp diễn trong quý I năm 2016.

Stefan Zweig (1881-1942)
Ở những trang đầu của cuốn tự truyện của mình Le Monde d’hier (Thế giới của ngày hôm qua), Stefan Zweig đã mô tả việc ông đến Paris vào đầu những năm của thế kỷ XX. Ông rời Vienna, thủ đô của Đế quốc Áo-Hung, và vượt qua nhiều biên giới mà không cần xuất trình bất cứ một giấy tờ chính thức nào cả. Hành trình trên thế giới của ông đã diễn ra trước khi xảy ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thời điểm kết thúc giai đoạn toàn cầu hóa lần thứ nhất. Bởi vì nếu các trao đổi mậu dịch quốc tế không được khởi động vào thế kỷ XIX, thì phần tư cuối của thế kỷ này, đã chứng kiến một sự giảm giá rất nhanh các chi phí vận chuyển và thuế quan. Được khuyến khích bởi sự chuyển đổi của giới tinh hoa sang các ý tưởng tự do, giai đoạn toàn cầu hóa lần thứ nhất này đi kèm theo một sự gia tăng rất mạnh về các luồng vốn và sự chuyển dịch của người dân: hàng triệu người dân châu Âu đã rời khỏi Lục địa già để đến Thế giới mới, trong khi có rất nhiều người dân Ấn Độ và người dân Trung quốc đã rời khỏi đất nước họ để đến làm việc tại các thuộc địa của phương Tây.
Tiến trình toàn cầu hóa đã tiếp tục trở lại sau chiến tranh thế giới lần hai, với sự ra đời vào năm 1947 của GATT (Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại), định chế này đã tổ chức nhiều vòng đàm phán đa phương, cho đến khi thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (1995) và khởi động vòng đàm phán Doha đang bị sa lầy. Từ đó, thất vọng với chủ nghĩa đa phương, người Mỹ tìm cách thay thế nó bằng một "chủ nghĩa tương tự", bằng cách khởi xướng các hiệp định đa phương về tự do mậu dịch (TPP, Trans-Pacific Partnership – Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, ở châu Á, TAFTA, Transatlantic Free Trade Area – Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương, với châu Âu) giữa các quốc gia cùng chia sẻ những giá trị tự do tương tự.
Biểu đồ cho thấy sự tăng trưởng của thương mại thế giới và trọng lượng của thương mại và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng tỷ lệ phần trăm GDP toàn cầu.
Sự suy giảm của thương mại thế giới
Thương mại thế giới (được tính bằng đồng đô-la hiện hành) đã tăng hơn 300 lần từ năm 1949 đến năm 2008. Tỷ trọng của nó trong GDP toàn cầu đạt 50% vào đêm trước của cuộc khủng hoảng từng khiến nó co lại, lần thứ sáu trong sáu mươi năm – năm 1952, 1958, 1982, 1998 và 2001. Mỗi lần có sự co lại thì tiếp theo đó là một sự phục hồi mạnh mẽ. Điều này đã được kiểm chứng một lần nữa vào năm 2009. Cuộc khủng hoảng đã gây ra một sự sụt giảm gần 20% và vào năm 2010 thì sự phục hồi cũng diễn ra với một cường độ tương tự. Sau đó, các trao đổi mậu dịch đã tăng trưởng với một tốc độ yếu ớt trước khi co lại một lần nữa vào năm 2015. Hiện các trao đổi mậu dịch vẫn chưa phục hồi trở lại. Trong bốn tháng đầu năm 2016, kim ngạch ngoại thương đã giảm 6% ở Mỹ, 9% ở Nhật Bản và Trung Quốc, 12% ở Hàn Quốc và 2% ở Đức. Sự sụt giảm giá cả của nguyên vật liệu không đủ để giải thích cho sự co lại của các trao đổi mậu dịch: số lượng các container qua các cảng Hamburg, Charlestown và Singapore cũng đã giảm trong năm 2015.
Trong khi các trao đổi mậu dịch trên thế giới tăng nhanh hơn GDP cho tới cuộc khủng hoảng năm 2008, kể từ đó nó đã tiến triển theo một tốc độ chậm hơn. Bởi thế, so với GDP toàn cầu, nó chưa quay trở lại mức đạt được trước cuộc khủng hoảng. Cho đến lúc đó, châu Á là một động lực thương mại toàn cầu và nếu châu lục này chiếm đến ba phần tư sự tăng trưởng tính theo khối lượng của thương mại toàn cầu thì năm 2015 nó chỉ đóng góp có hơn một phần tư. Những biến đổi đang diễn ra ở Trung Quốc cũng góp phần vào diễn tiến này với sự suy giảm tương đối của thương mại chế biến – gia công may mặc, lắp ráp các linh kiện điện tử thành sản phẩm hoàn chỉnh – và "sự trỗi dậy của các ngành nghề" của các doanh nghiệp Trung Quốc (hoặc của các chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở tại Trung Quốc), thay thế các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc bằng các sản phẩm nhập khẩu. Sự suy giảm có thể được khuếch đại bởi sự rút ngắn các "chuỗi giá trị toàn cầu" kể từ khi xảy ra những thảm họa thiên nhiên gần đây – sóng thần, sự cố nhà máy điện Fukushima, lũ lụt tại Bangkok và động đất tại Kyushu – những sự kiện đã minh họa cho điểm yếu của chúng.
Còn các trao đổi dịch vụ (du lịch, vận tải, trung tâm cuộc gọi, công nghệ thông tin...) thì như thế nào? Liệu chúng có thay thế cho các trao đổi hàng hóa được không? Không. Một mặt, giá trị của các giao dịch này tượng trưng cho một số tiền thấp hơn nhiều – thấp hơn năm lần –, mặt khác, diễn tiến của chúng không quá khác biệt: đạt đến một mức trần, thì chúng sẽ tăng trưởng chậm lại. Liệu kim ngạch thương mại quốc tế có giảm không khi chúng ta sản xuất nhiều hơn ở nước ngoài? Không. So với GDP thế giới, nguồn vốn (cộng dồn) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã ổn định và đã giảm nhẹ trong năm 2014. Điều này liên quan đến tài chính: cuộc chiến chống lại các thiên đường thuế và sự cứng nhắc trong sự điều tiết ngân hàng đã làm cho các dòng vốn giảm khoảng 25%.
Toàn cầu hóa đã chưa hoàn tất
Các số liệu thống kê mà đại gia về logistics DHL thu thập được soi rọi được nhiều vấn đề. Quyền đi lại của các thể nhân diễn ra ít tự do hơn so với giai đoạn toàn cầu hóa lần thứ nhất, người nhập cư chiếm 2% dân số thế giới vào năm 2015. Nguồn tài trợ từ các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ chiếm 7,5% trên tổng đầu tư (tích lũy tài sản cố định) trên thế giới; đầu tư tài chính chiếm 39% giá trị của thị trường vốn hóa toàn cầu. Điều ngạc nhiên hơn, 17% lưu lượng Internet phát sinh từ các cuộc tư vấn xuyên biên giới và lưu lượng các cuộc gọi quốc tế chỉ chiếm có 3% các cuộc gọi điện thoại.
Robert Gordon (1940-)
Nếu đúng vậy, thì sự hụt hơi của toàn cầu hóa sẽ được phương Bắc dễ chấp nhận hơn so với phương Nam. Thật vậy, người Mỹ, người châu Âu và người Nhật Bản ngày càng hoài nghi về những lợi ích của toàn cầu hóa. Các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã nhận ra rằng toàn cầu hóa không còn ăn khách nữa, giống như Donald Trump và cả Hillary Clinton, người chỉ trích hiệp định TPP sau khi đã bênh vực nó khi còn làm Ngoại trưởng.
Từ quan điểm của phương Nam, sự đánh giá rất khác. Ra đời từ sáng kiến ​​ca phương Bắc, toàn cầu hóa đã góp phần vào quá trình hội tụ các thu nhập giữa phương Nam và phương Bắc. Đặc biệt là ở châu Á, nơi mà toàn cầu hóa đã mang đến "sự cất cánh của đàn ngỗng trời" và sự cất cánh của tất cả các quốc gia, từ Hàn Quốc đến Trung Quốc qua Indonesia. Bởi vì, như dự đoán của một câu tục ngữ, "khi có gió lớn, thậm chí gà tây cũng có thể bay". Giờ thì gió đã lặng. Một tin xấu cho những quốc gia nào muốn dựa vào toàn cầu hóa để cất cánh. Sự thay đổi này sẽ làm chậm lại sự hội tụ, trừ khi như tiên đoán của Robert J. Gordon và gần đây nhất của tổ chức IMF về các viễn cảnh của Mỹ, sự chậm lại của phương Bắc sẽ đậm nét hơn so với phương Nam.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là chủ tịch của Trung tâm châu Á và là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles). Ông là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché – Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường (Armand Colin, 270 trang, năm 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF