Knut Wicksell (1851-1926) |
Knut Wicksell, người bài báng truyền thống không được thừa nhận
Là kiến trúc sư lớn của lý thuyết tân cổ điển, Knut Wicksell còn là một nhà cải cách cấp tiến và là một nhà tư tưởng tự do. Keynes cũng như Hayek đều viện dẫn ông.
Knut Wicksell có thể được coi là nhà sáng lập trường phái Stockholm; ông đã, một phần, tạo cảm hứng cho "mô hình Thụy Điển".
Knut Wicksell là một nhân vật đầy màu sắc: ông vừa là một trong những kiến trúc sư chính của lý thuyết tân cổ điển và vừa là một nhà cải cách cấp tiến kiên quyết thuộc cánh tả trên bàn cờ chính trị và ý thức hệ của Thụy Điển thời bấy giờ. Ông không ngừng tố cáo sự hám của, sự ích kỷ và sự ham muốn quyền lực của người giàu. Là người phê phán chủ nghĩa mác-xít, tuy vậy ông vẫn cho rằng sự đăng quang của chủ nghĩa xã hội, mà ông hy vọng là mang tính dân chủ, là điều tất yếu. Các tổ chức lao động, công đoàn và chính trị đã không sai khi coi ông là một đồng minh ưu tiên và đi viếng tại đám tang của ông. Ngay cả những người vô chính phủ cũng coi ông là một đồng minh của họ. Để phản đối việc một người trẻ vô chính phủ bị kết án là báng bổ mà ông quyết định, khi gần 60 tuổi, viết một bài châm biếm về sự thụ thai trong trắng trong một hội thảo mang tên "Ngai vàng, bàn thờ, thanh kiếm và túi tiền." Điều đó khiến ông bị bỏ tù hai tháng vào năm 1909, khoản thời gian mà ông đã sử dụng để viết một cuốn sách về dân số. Là người theo học thuyết tân Malthus, Wicksell ủng hộ sự ngừa thai và, khi thích hợp, sự phá thai.
Nhà tư tưởng tự do cấp tiến và chống lại giáo quyền
Ông trình bày ý kiến của ông một cách quyết liệt, không nhượng bộ, trong nhiều cuộc hội thảo công cộng và bài báo mà ông có được một thu nhập ít ỏi. Các chủ đề khác của ông bao gồm hôn nhân, nạn nhân mãn, chủ nghĩa xã hội, mại dâm, tôn giáo, việc hộ tử, nghiện rượu, tự do báo chí. Sau một thời gian tin đạo mãnh liệt, vào lúc 23 tuổi ông trở thành một nhà tư tưởng tự do cấp tiến và chống lại giáo quyền. Cũng giống như John Stuart Mill, người mà ông ngưỡng mộ và chia sẻ những niềm tin về nữ quyền, ông bác bỏ đạo đức của Do thái-Cơ đốc giáo và những tập quán của giới tư sản. Mọi người đều có quyền sống theo thiên hướng của mình. Vậy nên ông từ chối việc ông kết hôn với Anna Bugge cần phải được Giáo hội hay Nhà nước thừa nhận. Giống như Jeremy Bentham và các nhà cấp tiến người Anh, ông ngờ vực hệ thống giáo dục công cộng, bảo thủ và mang tính tôn giáo, và tự mình giáo dục các con ông. Lối sống của ông lạ thường.
Do vậy không có gì ngạc nhiên khi Knut Wicksell không thể đạt được chức giáo sư ở tuổi quá 50. Là người chống lại chủ nghĩa quân chủ, ông đã thấy chức danh giáo sư bị trì hoãn khi từ chối viết đoạn kết của một đơn kiến nghị gửi lên nhà vua theo một công thức bắt buộc là "người hầu luôn vâng lời bệ hạ". Ông không ngừng đòi hỏi quyền tự do ngôn luận và phổ thông đầu phiếu. Là người chống lại chủ nghĩa quân phiệt, ông cũng tạo ra một scandal khi gợi ý Thụy Điển giải trừ quân bị và liên minh với Nga. Ông bị hầu hết các đồng nghiệp e ngại và ghét bỏ. Chỉ sau khi ông ẩn cư, người ta mới đánh giá được thiên tài của ông và bắt đầu viện dẫn chuyên môn của người bài báng truyền thống này.
Sự tổng hợp cận biên
Người ta gọi "cuộc cách mạng cận biên" là phong trào nhằm biến đổi kinh tế học được khởi xướng vào những năm 1870 bởi Jevons ở Anh, Menger ở Áo và Walras ở Thụy Sĩ. Một sự đột biến đã sản sinh ra kinh tế học tân cổ điển, dòng tư tưởng thống trị cho đến ngày nay. Tuy nhiên, đó không phải là một dòng tư tưởng đồng nhất và, ngay từ đầu, đã chia thành nhiều xu hướng. Một trong những đóng góp lớn của Wicksell là hợp nhất, trong tác phẩm của ông, những xu hướng trên mà ông đã nghiên cứu kỹ các tác phẩm lớn khác và quen biết các nhà lý thuyết chính. Đó là cách ông tích hợp trong cùng một mô hình lý thuyết về tư bản và lãi suất của Böhm-Bawerk, nhà lãnh đạo trường phái Áo, mô hình cân bằng chung của Walras, nhà sáng lập trường phái Lausanne, và phương pháp tiếp cận Anh của Jevons và Marshall.
Ngoài sự tổng hợp trên, ông còn bổ sung một đóng góp riêng, cụ thể là sự phát triển của lý thuyết về năng suất cận biên, tấm gương phản chiếu lý thuyết lợi ích cận biên. Trong khi lý thuyết thứ hai này đề cập đến sự gia tăng lợi ích được tạo ra bởi việc tiêu dùng đơn vị hàng hóa cuối cùng, thì lý thuyết thứ nhất đề cập đến sự gia tăng của sản lượng đi cùng với đơn vị sử dụng cuối cùng của một nhân tố sản xuất. Wicksell, người am hiểu toán học, chứng minh rằng nếu các nhân tố sản xuất nhận được một thu nhập bằng với năng suất cận biên của nó, thì toàn bộ sản xuất sẽ được phân phối giữa tất cả các nhân tố.
Điều này không có nghĩa rằng sự phân phối trên mang tính công bằng và, nói chung hơn, rằng sự tự do cạnh tranh mang lại phúc lợi tối đa cho một cộng đồng. Ngược lại, Wicksell tin rằng chủ nghĩa tư bản là một hệ thống tạo ra sự bất bình đẳng và sự không hiệu quả và rằng, nếu không có một sự biến đổi xã hội chủ nghĩa, thì các chính quyền phải có trách nhiệm sửa chữa. Trong cuốn sách Các nghiên cứu về lý thuyết tài chính công, ông vận dụng phân tích cận biên vào chế độ thuế khóa và định giá các hàng hóa công. Ông chủ trương việc giảm các sắc thuế gián tiếp, ủng hộ mức thuế lũy tiến trên thu nhập, để cho phép phân phối lại tiền của của người giàu cho người nghèo. Đối với ông, phân tích tân cổ điển không song hành với việc tán thành chủ nghĩa tự do kinh tế.
Tiền tệ, lãi suất và biến động kinh tế
Chính trong lĩnh vực kinh tế học vĩ mô mà Wicksell đã có những đóng góp quan trọng và bền vững nhất. Ông không hài lòng với cách thức mà tiền tệ và thời gian được tích hợp trong phân tích kinh tế của các nhà lý thuyết thuộc phái tân cổ điển lẫn cổ điển. Phân tích đó đặt thành tiên đề một mối liên hệ nhân quả trực tiếp và tỷ lệ thuận giữa biến thiên của khối tiền tệ và biến thiên của mức giá chung, dẫn đến tính trung lập của tiền tệ, một luận thuyết vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ông cho rằng một nền kinh tế tín dụng không vận hành theo cùng một cách với một nền kinh tế tiền tệ đơn giản và, tất nhiên, với một nền kinh tế hàng đổi hàng. Trái với định luật về tiêu trường của Say, ông cho rằng tổng cầu tiền tệ có thể ít hơn cung hàng hoá. Cuối cùng, ông cho rằng các quyết định đầu tư và tiết kiệm là của nhiều tác nhân khác nhau vì nhiều lý do khác nhau, vì vậy không có gì đảm bảo sự bằng nhau tại một thời điểm nhất định của đầu tư và tiết kiệm.
Trong nền tảng thiết kế của ông, Wicksell phân biệt hai lãi suất. Lãi suất tự nhiên được xác định bởi các nhân tố thực tế, đặc biệt là năng suất của tư bản và chi phí sản xuất. Đó là lãi suất làm cho cung tiết kiệm bằng với cầu tư bản. Lãi suất thị trường được xác định bởi các ngân hàng, với quyền cho vay và tạo ra tiền tệ không giới hạn. Không có gì đảm bảo sự bằng nhau của hai lãi suất trên, vốn là điều kiện của cân bằng kinh tế vĩ mô. Lãi suất thị trường thấp hơn lãi suất tự nhiên dẫn đến sự gia tăng đầu tư vượt quá mức tiết kiệm và một gia tăng cộng dồn của giá cả. Lãi suất thị trường cao hơn lãi suất thực tế có hiệu ứng ngược lại và do đó gây ra sự suy thoái, giảm phát và thất nghiệp. Một hệ thống tiền tệ hợp lý phải nhắm đến việc kiểm soát lãi suất thị trường, làm cho nó trùng với lãi suất tự nhiên để có được sự ổn định giá cả.
Di sản của Wicksell
Sự ghi nhận thành tích của Wicksell đến muộn, nhưng đã không ngừng tăng kể từ những năm 1930, khi hai trong số các cuốn sách của ông được dịch sang tiếng Anh, theo sáng kiến của Keynes. Phải chờ đến khi ông ẩn cư thì mới có một số nhà kinh tế trẻ của đất nước ông bắt đầu đọc sách của ông và tham khảo ý kiến ông. Vì vậy, Gunnar Myrdal, Bertil Ohlin và Erk Lindahl, những người tự xác định mình là người theo “trường phái Wicksell", đã hình thành nên nòng cốt của trường phái Stockholm, mà Wicksell có thể được coi là nhà sáng lập.
Trường phái này có rất nhiều điểm chung với Keynes và học thuyết của Keynes, cả về lý thuyết lẫn chính trị. "Mô hình Thụy Điển" là một phần di sản của trường phái Wicksell. Keynes, người đã từ chối đăng một bài viết của Wicksell trên tạp chí Economic Journal, đã không vì thế mà không thừa nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa các luận thuyết của họ. Keynes vay mượn của ông cấu trúc kép về lãi suất trong cuốn Luận thuyết về tiền tệ (1930). Cùng lúc đó, Friedrich Hayeck, đối thủ kiên quyết của Keynes, cũng viện đến Wicksell. Điều này cho thấy sự phong phú và phức tạp của một tư tưởng mà người ta có thể tìm cách đổ vào nhiều khuôn mẫu.
Knut Wicksell qua vài năm tháng
1851: sinh ngày 20 tháng 12, ở Stockholm. Cha ông là một thương gia.
1869: bắt đầu học toán học tại Đại học Uppsala.
1872: tốt nghiệp đại học đại cương. Tiếp tục học để có cử nhân toán học và vật lý.
1875: bị gián đoạn việc học.
1875-1880: làm nhiều việc vặt; viết và xuất bản những bài thơ và kịch bản.
1880: khởi đầu sự nghiệp diễn thuyết trước công chúng, thu nhập từ nghề viết báo được trả theo từng bài.
1881: quay lại học đại học ở Uppsala.
1883: cùng với người bạn August Strindberg, thành lập tờ báo cấp tiến Tiden, trong đó ông đã xuất bản nhiều bài báo.
1885: đổ cử nhân Toán.
1885-1886: sống ở London, nơi ông bắt đầu nghiên cứu về kinh tế học, nhờ được hưởng một gia tài nhỏ.
1886: với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Fondation Loren, Wicksell thực hiện một hành trình nghiên cứu dài, dẫn ông tới London, Paris, Lausanne, Strasbourg, Berlin và Vienna.
1889: bắt đầu sống chung với Anna Bugge. Họ có hai người con, người con trẻ nhất chết vì tai nạn ở tuổi 19, năm 1913.
1893: Valeur, capital et rente (Giá trị, tư bản và địa tô).
1895: tiến sĩ kinh tế tại Đại học Uppsala. Etudes sur la théorie des finances publiques (Các nghiên cứu về lý thuyết tài chính công).
1898: Intérêt et prix (Tiền lãi và giá cả).
1899: tốt nghiệp luật tại đại học Uppsala, điều kiện cần thiết để được dạy kinh tế. Giảng viên (docent) tại Đại học Uppsala.
1900: Phó giáo sư (đặc cách - extraordinarius) tại Đại học Lund.
1901: Leçons d’économie politique. Théorie générale (Các giáo trình về kinh tế học chính trị. Lý thuyết tổng quát (Tập I)).
1904: Giáo sư thực thụ (ordinarius).
1905: L’Etat socialiste et la société contemporaine (Nhà nước xã hội chủ nghĩa và xã hội đương đại).
1906: Leçons d’économie politique. Monnaie (Các giáo trình về kinh tế học chính trị. Tiền tệ (Tập II)).
1909: bị bỏ tù hai tháng vì bị kết án báng bổ.
1910: Théorie de la population, sa composition et ses modèles de changement (Lý thuyết về dân số, sự hình thành và các mô hình thay đổi của nó).
1911: Anna Bugge tốt nghiệp luật và hoạt động rất tích cực trong phong trào vì sự mở rộng quyền bầu cử và hòa bình.
1915: trở thành nhà tư vấn của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển.
1916: nghỉ hưu. Wicksell và Anna chuyển đến một ngôi nhà ở ngoại ô Stockholm, mua được từ tiền quyên góp của bạn bè. Gặp Marshall và Keynes ở Cambridge. Thành viên của một ủy ban quốc hội về tín dụng ngân hàng.
1917-1922: Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà kinh tế.
1918-1922: chuyên gia cho một ủy ban quốc hội về chính sách đánh thuế thu nhập và tài sản.
1926: mất ngày 3 tháng 5, vì bệnh viêm phổi.
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của Wicksell
• Selected Papers on Economic Theory, George Allen & Unwin, 1958.
• Selected Essays in Economics, Routledge, 2 vol., 1997.
Những tác phẩm viết về Wicksell
• The Life of Knut Wicksell, Torsten Gardlund, Edwar Elgar, 1996.
• Economic Doctrines of Knut Wicksell, Carl G. Uhr, University of California Press, 1960.
• The Theoritical Contributions of Knut Wicksell, Steiner Strom và Bjöm Thalberg, Mcmillan, 1979.
• Knut Wicksell: Critical Assessments, John Cunningham Wood, Routledge, 3 vol., 1994.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Knut Wicksell, iconoclaste méconnu” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012