31.12.21

Sau đại dịch, chủ nghĩa tân Nhà nước thay thế chủ nghĩa tân tự do

SAU ĐẠI DỊCH, CHỦ NGHĨA TÂN NHÀ NƯỚC THAY THẾ CHỦ NGHĨA TÂN TỰ DO

Paolo Gerbaudo[*]

Nhà nước tân tự do phương Tây giờ đây dường như đã kiệt sức, bị hiến tế trên bàn thờ của cơn đại dịch và cuộc khủng hoảng kinh tế. Lấy cảm hứng từ mô hình Trung Quốc và rút ra bài học từ quá khứ, Joe Biden và một số nhà lãnh đạo châu Âu hiện đang hướng tới một mô hình Nhà nước có xu hướng can thiệp hơn, đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới – mà bản chất, tiến bộ hay thoái hóa, vẫn còn phải được xác định.

Tổng thống Joe Biden đến Căn cứ Không quân Andrews sau khi có bài phát biểu về quyền bỏ phiếu tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ở Philadelphia, Thứ Ba, ngày 13 tháng 7 năm 2021, trong Căn cứ Không quân Andrews, Md. (Ảnh AP/Evan Vucci)/MDEV421/21194771064978//2107132330

Giống như nhiều hiện tượng tự nhiên và con người khác, chính trị phát triển theo từng đợt. Trong kinh tế học, từ một thế kỷ nay chúng ta nói đến mô hình sóng này của chu kỳ kinh tế, như đã được nhà kinh tế học Nikolai Kondratiev lý thuyết hóa trong các “sóng K” kéo dài 40-50 năm. Các chu kỳ ý thức hệ dường như có một sơ đồ tương tự. Những thời kỳ lịch sử kéo dài khoảng nửa thế kỷ gắn liền với một sự nhất trí ý thức hệ nhất định đã nối tiếp nhau trong lịch sử hiện đại, mở đầu là Cách mạng Pháp. Những thời kỳ này thường bắt đầu bằng một giai đoạn phá hủy (pars destruens) làm suy yếu các giả định của thời đại ý thức hệ trước đó, đạt tới đỉnh điểm bá chủ, và sau đó dần dần chấp nhận những mâu thuẫn của chính chúng, mở đường cho một chu kỳ mới.

Có rất nhiều ví dụ lịch sử. Kỷ nguyên tự do từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 được tiếp nối bởi kỷ nguyên dân chủ xã hội sau chiến tranh. Và cuối cùng, từ cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, kỷ nguyên tân tự do, được đánh dấu bằng thắng lợi của ý thức hệ thị trường tự do trên đống tro tàn của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Chủ nghĩa tân tự do đã để lại dấu ấn trên kỷ nguyên toàn cầu hóa và trở thành tư tưởng độc tôn, được chấp nhận rộng rãi bởi cánh trung tả và cánh trung hữu. Tuy nhiên, giờ đây, kỷ nguyên ý thức hệ đó dường như cũng sắp kết thúc.

Joseph Stiglitz (1943-)
Thomas Piketty (1971-)

Theo lập luận của các nhà kinh tế học như Joseph Stiglitz[1]Thomas Piketty, chủ nghĩa tân tự do trên thực tế đã sụp đổ sau cuộc khủng hoảng năm 2008; huyền thoại về thị trường tự do đã tan vỡ ngày Nhà nước Mỹ can thiệp để cứu vớt lĩnh vực tài chính khỏi phá sản, làm tan vỡ ý tưởng về một “thị trường tự điều tiết”. Những gì ban đầu được trình bày như một quan niệm về sự thịnh vượng và đổi mới ngày càng bị coi là một hệ tư tưởng trừng phạt - nếu không muốn nói là cực kỳ tàn bạo - vốn, không chỉ không chủ trương sự tăng trưởng, mà còn dẫn đến một thời kỳ kinh tế trì trệ chưa từng có kể từ đầu thời đại công nghiệp.

Những năm 2010, được đánh dấu bởi các cuộc nổi dậy của chủ nghĩa dân túy, các phong trào phản đối, các nhà lãnh đạo mới của các đảng cánh tả, và - từ giữa thập kỷ này - cũng là của một cánh hữu bài ngoại mới, đã bộc lộ mức độ lan rộng của sự bất mãn đối với trật tự thống trị. Đại dịch coronavirus dường như đã giáng một đòn chí mạng. Những tác động độc hại của việc cắt giảm hệ thống y tế trong thời kỳ Đại suy thoái và sự bất lực của thị trường để đáp ứng hiệu quả nhu cầu về hàng hóa y tế khẩn cấp (khẩu trang, máy thở, và sau đó là vắc-xin) đã làm cho niềm tin vào chủ nghĩa tân tự do bị xói mòn.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta chứng kiến không phải chỉ là sự kết thúc của một kỷ nguyên ý thức hệ mà là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Một khuôn khổ mới đang dần xuất hiện từ tình trạng khẩn cấp này: kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa tân tự do, Nhà nước can thiệp. Nó xuất hiện trở lại trong một thời kỳ được đánh dấu bởi các kế hoạch đầu tư công lớn, các chi tiêu được tài trợ bằng thâm hụt ngân sách, các chương trình tiêm chủng đại chúng và sự kế hoạch hoá khí hậu. Nếu cho đến gần đây, các diễn ngôn chính trị chỉ xoay quanh câu hỏi “thị trường sẽ làm gì?” và các chính trị gia tự thể hiện mình là những nhà quản lý quốc gia về các xu hướng kinh tế không thể tránh khỏi, ngày nay sự lựa chọn thay thế là “Nhà nước phải làm gì?”.

Tuy nhiên, đây không chỉ là sự kết thúc của một kỷ nguyên ý thức hệ, mà còn là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Một khuôn khổ mới đang dần xuất hiện từ tình trạng khẩn cấp này: kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa tân tự do, Nhà nước can thiệp.

PAOLO GERBAUDO

Paolo Gerbaudo (1979-)

Chủ nghĩa tân Nhà nước, hay chủ nghĩa tân can thiệp, thay thế chủ nghĩa tân tự do như một khuôn khổ lưỡng đảng, trong đó cánh trung tả mới của Biden và cánh trung hữu của (Boris) Johnson đưa ra các giải pháp khác nhau. Trái ngược với kỳ vọng của phần lớn cánh tả - vốn đã nhầm lẫn đánh đồng chủ nghĩa Nhà nước với chủ nghĩa xã hội - điều này không có nghĩa là chúng ta nhất thiết hướng tới một tương lai tiến bộ hơn và bình đẳng hơn. Như tôi đã nêu trong cuốn sách mới The Great Recoil của mình, điều đã thay đổi là chân trời chính trị chung, chiến trường mà các lập trường ý thức hệ mới mang tính “đảng phái” của cánh tả và cánh hữu đang đấu tranh để xác định thế giới hậu đại dịch[2].

Sợ chủ nghĩa Trump, sợ Trung Quốc

Biểu hiện rõ ràng nhất của sự thay đổi hệ hình này đến từ Hoa Kỳ, chính quốc gia này, với nhóm kinh tế gia của đại học Chicago và các nhóm tư tưởng như American Enterprise Institute (Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ), Heritage Foundation (Quỹ Di sản) và Project for the New American Century (Dự án cho Thế kỷ Mỹ mới), đã có những đóng góp lớn nhất để phát triển và sau đó xuất khẩu học thuyết tân tự do. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người - bắt đầu từ những người theo chủ nghĩa xã hội đã từng ủng hộ Bernie Sanders trong các cuộc bầu cử sơ bộ - khi được bầu làm tổng thống, Joe Biden đã thực hiện một sự chuyển đổi chính sách kinh tế triệt để. Tổng thống mới đã xây dựng các kế hoạch phục hồi khổng lồ với tổng trị giá 6 nghìn tỷ USD. Đúng là có nhiều kế hoạch trong số này vẫn còn được cân nhắc do dư địa còn hẹp của khả năng hành động của đảng Dân chủ tại Thượng viện và sự kháng cự của một số người có lập trường trung dung, và nội dung của chúng có nguy cơ bị làm dịu bớt rất nhiều. Tuy nhiên, đó vẫn là kế hoạch đầu tư và chi tiêu công lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Điều đáng ngạc nhiên, ngoài tầm quan trọng của những kế hoạch này, là logic mới làm cơ sở cho chúng. Joe Biden đã không bỏ lỡ cơ hội nào để phá bỏ nền tảng của ý thức hệ thị trường, chẳng hạn như khi ông nói, trong bài phát biểu đầu tiên của mình trước một phiên họp chung của Quốc hội vào ngày 29 tháng 4 năm 2021, rằng nền kinh tế dòng chảy từ trên xuống (économie du ruissellement/trickle-down economics) chưa bao giờ hoạt động thành công. Cũng trong bài phát biểu đó, Biden đã khẳng định vai trò đầu tàu của Nhà nước trong nền kinh tế mới. “Trong suốt lịch sử của chúng ta, các khoản đầu tư công vào cơ sở hạ tầng đã thực sự biến đổi nước Mỹ,” và nói thêm rằng “đây là những khoản đầu tư mà chỉ có chính phủ mới có thể thực hiện”. Ngoài ra, Biden, tự thể hiện mình là tổng thống của các công đoàn và của người lao động, nhiều lần biện hộ cho một mức lương tốt hơn cho người lao động, đã nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong một cuộc họp báo những từ này: “Hãy trả lương cho họ nhiều hơn.

Nhìn một cách tổng thể, các lập trường này đánh dấu sự đoạn tuyệt rõ ràng với việc đảng Dân chủ tuân thủ học thuyết thị trường tự do được Bill Clinton tán thành và sau đó được Barack Obama theo đuổi. Đây là một bước ngoặt đáng ngạc nhiên của các sự kiện, nhất là khi người ta tính đến sự nghiệp trước đây của ông Biden, người, trong 36 năm, với tư cách là thượng nghị sĩ của bang Delaware, đã đóng góp vào sự phá vỡ Nhà nước Phúc lợi và vào các chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đến mức ta có thể đặt câu hỏi một cách chính đáng: tại sao Biden lại làm tất cả những điều này?

Brian Deese (1978-)

Lời giải thích tốt nhất cho các chính sách của Biden (Bidenomics) có thể được tìm thấy trong cuộc phỏng vấn mà ông Brian Deese đã dành cho Ezra Klein của New York Times vào tháng 4 năm ngoái. Brian Deese là cố vấn kinh tế chính của Biden và cựu cố vấn của chính quyền Obama, sau này làm việc tại BlackRock - tập đoàn đầu tư lớn nhất thế giới, nơi ông chịu trách nhiệm về các khoản đầu tư bền vững[3].

Trong cuộc phỏng vấn, ông Deese giải thích rằng sự thay đổi đường lối của Joe Biden phản ánh diễn biến của cuộc tranh luận kinh tế và sự thay đổi thế hệ trong các nhà kinh tế, với các cố vấn trẻ sẵn sàng từ bỏ một số giáo điều của thế hệ trước. Deese khẳng định rằng sau cuộc khủng hoảng này không còn có thể tiếp tục bỏ qua những ảnh hưởng của sự bất bình đẳng kinh tế đối với xã hội, và rằng “không có giải pháp thị trường nào để khắc phục một số yếu kém đang biểu hiện trong nền kinh tế”.

Nhưng sự chuyển hướng theo chủ nghĩa tân can thiệp của Biden, như Deese gợi ý, cũng là - như thường xảy ra trong lịch sử - sản phẩm của nỗi sợ hãi, và đặc biệt là hai mối lo lắng đang tác động đến giới quyền uy (establishment) tự do Mỹ. Mối lo lắng đầu tiên là sự trở lại của chủ nghĩa Trump, sau bốn năm vô tư ở Nhà Trắng, và chấn thương quốc gia do cuộc nổi dậy của những người cực hữu ủng hộ Trump trên Đồi Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 gây ra. Sự kiện này dường như đã gieo rắc sự kinh hoàng trong nội bộ Đảng Dân chủ và giới trí thức tự do Hoa Kỳ, đến mức thúc đẩy những người bảo vệ chủ nghĩa tân tự do như Biden tự thuyết phục rằng thị trường tự do không chỉ có vấn đề về mặt kinh tế - như một thập kỷ trì trệ đã chứng tỏ - mà còn không thể bảo vệ được về mặt chính trị: ta không thể gây nguy hiểm cho sự kết thúc của nền dân chủ bằng cách lắng nghe các công thức của các nhà kinh tế học chính thống.

Nỗi sợ thứ hai thúc đẩy Bidenomics là nỗi sợ Trung Quốc. Như Deese giải thích, chính quyền của Biden đã nhận thức về sự thành công của hệ thống kinh tế Trung Quốc và cách nó mang lại sự tăng trưởng lâu bền và đã thành công trong việc tránh được phần lớn các cuộc khủng hoảng tài chính mà các nhà tiên tri cho rằng sẽ sớm dẫn đến việc người Trung Quốc lật đổ chế độ Cộng sản. Ngược lại, Trung Quốc đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nghiên cứu phát triển, chuẩn bị cho khả năng cạnh tranh về công nghệ tiên tiến, năng lượng tái tạo và trí tuệ nhân tạo. Điều này xảy ra khi, dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đang lùi bước so với thời kỳ mở cửa của những năm 1990 và 2000.

Joshua Kurlantzick (1976-)

Như nhà báo Mỹ Joshua Kurlantzick khẳng định, bước ngoặt là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2014-2015[4]. Sự tức giận của những người tiết kiệm nhỏ ở Trung Quốc đã khiến chính quyền Bắc Kinh gác lại lời hứa giải quy định hoá hệ thống tài chính và trao trả lại cho Nhà nước một vai trò tích cực hơn. Ngày nay, các doanh nghiệp công hay do Nhà nước kiểm soát chiếm 60% nền kinh tế Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, đó là như thể Hoa Kỳ đã nhận ra rằng họ không thể tiếp tục khẳng định rằng nền kinh tế thế giới đang tiến gần hơn đến lý tưởng của thị trường tự do, trong khi trên thực tế, đối thủ cạnh tranh chính của lí tưởng này là chủ nghĩa tư bản Nhà nước. Hệ quả chiến lược là, để đối mặt với một Trung Quốc táo bạo, Hoa Kỳ phải giống nước này hơn, chấp nhận một số cơ chế can thiệp của Nhà nước và các chính sách công nghiệp từng bị bỏ rơi sau cuộc khủng hoảng lạm phát đình trệ vào những năm 1970.

Để đối mặt với một Trung Quốc táo bạo, Hoa Kỳ phải giống nước này hơn, chấp nhận một số cơ chế can thiệp của Nhà nước và các chính sách công nghiệp từng bị bỏ rơi sau cuộc khủng hoảng lạm phát đình trệ vào những năm 1970.

PAOLO GERBAUDO

Cơ sở hạ tầng như một hệ hình

Nỗi sợ hãi chủ nghĩa Trump và Trung Quốc là những lý do giải thích cho việc sắp xếp lại của cánh trung tả Mỹ. Để hiểu được hướng đi của thế giới hậu tân tự do và hình dạng của chủ nghĩa can thiệp Nhà nước mới, cũng cần phải xem xét nội dung chương trình của quan niệm chính trị mới này. Chương trình này có thể được tóm tắt trong hai khái niệm: một quan niệm về cơ sở hạ tầng như một ưu tiên thiết yếu mới và sự đảo ngược cấu trúc ý tưởng về sự phát triển của thời kỳ tân tự do, trong đó công thức tinh hoa của nền kinh tế dòng chảy từ trên xuống được thay thế bằng quan niệm tập trung vào sự củng cố cơ sở kinh tế và cầu.

Biện pháp tham vọng nhất được chính quyền Biden công bố là kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng. Bị giảm so với kỳ vọng ban đầu, kế hoạch lưỡng đảng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD hiện đang được tranh luận tại Quốc hội không chỉ nhằm mục đích sửa chữa cầu, đường sá và đường sắt mà còn tạo cơ sở cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế hậu dầu mỏ, với năng lượng tái tạo và ô tô điện. Sự ưu tiên dành cho các khoản đầu tư này bắt nguồn từ tình trạng không an toàn của phần lớn cơ sở hạ tầng thiết yếu (giao thông, năng lượng, dịch vụ công, v.v.) do chính sách giảm đầu tư dần kéo dài trong hàng chục năm.

Như Deese đã lưu ý trong cuộc phỏng vấn nói trên, một trong những lý do chính dẫn đến sự suy tàn được Hoa Kỳ nhận thức chính là tình trạng tồi tệ của hệ thống giao thông của nước này. Trong khi Trung Quốc hiện nay có hàng chục nghìn km đường sắt cao tốc thì Mỹ chưa có. Trong khi tất cả các thành phố của Trung Quốc đều có phương tiện giao thông công cộng tối tân, thì các thành phố của Mỹ như New York và San Francisco vẫn sử dụng tàu điện ngầm cũ kỹ với những toa tàu có từ những năm 1970 và đầu những năm 1980. Nếu người ta đã thường sang Hoa Kỳ để nhìn thấy tương lai, thì nay ta đang đến đó để nhìn lại quá khứ, trong khi đối với Trung Quốc thì ngược lại.

Sự lạc hu của cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ là một vấn đề được biết đến từ khá lâu. Obama đã hứa sẽ làm điều gì đó về vấn đề này, nhưng các khoản đầu tư chỉ bằng một phần tư so với những gì Biden dự định chi. Ngay cả Trump đã từng hứa đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cuối cùng cũng làm được rất ít, và một số người cho rằng sự thất bại trong việc triển khai kế hoạch này, vốn được công nhân rất yêu thích, đã gây nên sự thất cử của ông[5]. Ông Biden dường như muốn tránh những sai lầm của những người tiền nhiệm, nhưng vẫn còn phải xem kết quả của các cuộc đàm phán lưỡng đảng.

Ngoài hệ thống giao thông và mạng lưới điện, các vấn đề khác - chẳng hạn như chăm sóc người bệnh và người già - thường được trình bày như các vấn đề về cơ sở hạ tầng. Các biện pháp dành cho các “nhân viên xã hội” đã được ghi nhận trong gói “cơ sở hạ tầng”, và các cố vấn kinh tế của ông Biden thường đề cập đến sự cần thiết phải tăng cường “cơ sở hạ tầng xã hội”. Lập luận là việc giảm đầu tư vào các dịch vụ công thiết yếu, chẳng hạn như chăm sóc, giáo dục và y tế, đã làm suy yếu nền tảng của nền kinh tế, chẳng hạn như khiến phụ nữ khó kết hợp việc làm mẹ và việc làm.

Tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng rất thích đáng trong bối cảnh châu Âu. Trong khi tình trạng của hệ thống giao thông ở một số quốc gia chưa tồi tệ như ở Hoa Kỳ, hậu quả của nhiều thập kỷ giảm đầu tư công đã xuất hiện trong những năm gần đây. Một ví dụ là sự cố sập cầu Morandi ở Genoa vào tháng 8 năm 2019, khiến 43 người thiệt mạng. Việc bảo trì được thực hiện bởi công ty tư nhân Atlantis, do gia đình Benetton kiểm soát. Sự kiện này đã trở thành một biểu tượng cho những tác hại của việc tư nhân hóa điên rồ của những năm 1990 và sự bất lực của thị trường để đảm bảo các dịch vụ thiết yếu.

Vấn đề khí hậu làm cho các can thiệp vào cơ sở hạ tầng trở nên cấp thiết hơn, đó là lý do tại sao một phần lớn các quỹ châu Âu trong kế hoạch phục hồi Thế hệ tiếp theo của Liên Minh Châu Âu (Next Generation EU) được dành cho mục tiêu này. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư rất lớn vào các mạng lưới điện mới, các năng lượng tái tạo và các trạm sạc cần thiết cho việc di chuyển bằng điện. Ngoài ra, như trận lụt kinh hoàng xảy ra ở Đức vào tháng 7 năm 2021 đã chứng minh một cách thảm khốc, các dự án khổng lồ để bảo dưỡng đất đai sẽ cần thiết nhằm đối phó với tính bất ổn định của địa chất thủy văn, nhằm chuẩn bị cho tình trạng nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết ngày càng khắc nghiệt.

Tuy nhiên, sự khẩn cấp này lại đụng phải chủ nghĩa bảo thủ thuế khóa vẫn thắng thế ở nhiều quốc gia, bắt đầu từ chính nước Đức. Armin Laschet, người kế nhiệm Angela Merkel đứng đầu CDU và là thống đốc vùng North Rhine-Westphalia, vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, mong muốn quay trở lại chính sách thắt lưng buộc bụng càng nhanh càng tốt và “hãm nợ” (Schuldenbremse), nhằm buộc các nước châu Âu khác noi gương ông.

Paolo Gentiloni (1954-)

Đúng là những người ủng hộ cuồng tín nhất của chính sách thắt lưng buộc bụng hiện đang bị cô lập hơn ở cấp độ châu Âu. Trong cuộc tranh luận về việc cải cách Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng, vốn đã bị đình chỉ khi đại dịch bắt đầu cho đến cuối năm 2022, việc không tính các khoản chi tiêu dành cho các đầu tư trong sự chuyển đổi sinh thái và kỹ thuật số vào sự thâm hụt đã được đặt ra, như Ủy viên Kinh tế Paolo Gentiloni đề xuất. Tuy nhiên, chúng ta phải chờ đợi sự phản kháng mạnh mẽ từ những quốc gia được gọi là đạm bạc và những người bảo thủ Đức, những người thích một Liên minh Châu Âu dành riêng cho việc ép các nước thành viên vào khuôn phép - đặc biệt là những nước ở Nam Âu, bị cáo buộc là lười biếng và lãng phí – hơn là quan niệm một Liên minh Châu Âu như một phương tiện phát triển. Nói tóm lại, trong khi Hoa Kỳ dường như đang hướng tới chân trời hậu tân tự do, thì lục địa già còn phải vất vả.

Nói tóm lại, trong khi Hoa Kỳ dường như đang hướng tới chân trời hậu tân tự do, thì lục địa già còn phải vất vả.

PAOLO GERBAUDO

Từ “cuộc đua hướng tới phía dưới” đến sự “nâng cao cơ sở”

Nét khác biệt khác của sự đồng thuận lưỡng đảng nổi lên ở cấp độ quốc tế là lời hứa giải quyết bất bình đẳng kinh tế đang gia tăng, hiện được coi như là hạn chế nghiêm trọng đối với sự phát triển và uy tín của các nền dân chủ tư bản phương Tây. Cuộc chạm trán địa chính trị và ý thức hệ với Trung Quốc dường như khiến vài bộ phận của thành phần lãnh đạo đưa ra lời khuyên khoan dung hơn, vì e rằng công nhân bắt đầu tán thành mô hình Trung Quốc; một cách lặp lại mô hình Chiến tranh Lạnh, trong đó các nước phương Tây nhượng bộ người lao động để xoa dịu cuộc xung đột xã hội.

Một cách có ý nghĩa, tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay ở Cornwall, sự cần thiết đấu tranh chống lại việc “hạ thấp tiêu chuẩn lao động và môi trường để đạt được lợi thế cạnh tranh” đã được nhấn mạnh. Hai mươi năm trước, tại hội nghị thượng đỉnh G8 ở Genoa năm 2001, kết thúc trong một “cuộc tàn sát theo kiểu Mexico”, như một cảnh sát trưởng thừa nhận, khi vấn đề nghèo đói được nêu lên, ta chỉ đề cập đến các nước thuộc thế giới thứ ba. Nghèo đói ngày nay là một vấn đề mà chính các nước công nghiệp phát triển phải đối mặt. Trong khi các nước tân tự do coi bất bình đẳng là có khả năng tích cực vì nó sẽ kích hoạt tinh thần kinh doanh, thì giờ đây nó được coi như là một nguy cơ đối với khả năng phục hồi của chủ nghĩa tư bản và lực cản đối với cầu.

Boris Johnson (1964-)

Sự thay đổi trong nhận thức này giúp hiểu được hình ảnh đằng sau những khẩu hiệu mới của nền chính trị thời hậu đại dịch. Tại nước Mỹ của Biden, người ta nói nhiều đến nhu cầu “nâng sàn”, trong khi cho đến gần đây, sự cần thiết dường như chỉ là nâng “trần” của các khát vọng khởi nghiệp: “to lift the ceiling” (“chính sách nâng trần”). Một ví dụ là lời hứa của Biden - nhưng cho đến nay bị chặn ở Quốc hội - tăng mức lương tối thiểu lên 15 đô la một giờ, và khuyến khích sự thúc đẩy tăng lương thông qua các công đoàn mạnh hơn. Phản ứng của phe trung hữu được thể hiện rõ qua khẩu hiệu của Boris Johnson: “levelling up” (“sự nâng cấp”), hay “sự san bằng ở mức trên”[6]. Điểm chung của những khẩu hiệu này là niềm tin rằng sự bất bình đẳng do tiến trình toàn cầu hóa tạo ra đã trở nên có hại cho lợi ích của chủ nghĩa tư bản. Nhưng các giải pháp họ đưa ra rất khác nhau.

Lời hứa của ông Biden có hương vị phổ quát hơn, và nhằm mục đích buộc các doanh nhân phải chấp nhận chi. Johnson tập trung vào sự bất bình đẳng giữa các lãnh thổ và hố sâu giữa các ngoại ô và thành phố lớn, điều đã thúc đẩy nhiều phong trào dân túy. Trong bài phát biểu về “sự nâng cấp” vào ngày 15 tháng 7 năm 2021, Boris Johnson đề cập đến “sự mất cân bằng và bất bình đẳng giữa các khu vực ở Vương quốc Anh” về tuổi thọ và cơ hội nghề nghiệp. Ngoài ra, ông Johnson cho biết chính phủ có “vai trò chất xúc tác trong việc đưa ra định hướng chiến lược” cho nền kinh tế. Một diễn ngôn rất khác với diễn ngôn của Margaret Thatcher.

Keir Starmer (1962-)
Margaret Thatcher (1925-2013)

Khẩu hiệu của Johnson gắn liền với chiến lược bầu cử của đảng Bảo thủ (Tories) và mong muốn củng cố quyền kiểm soát của họ đối với ‘bức tường đỏ’: một khu vực của Anh trước đây ủng hộ đảng Lao động và trong cuộc bầu cử vừa qua đã nghiêng về phía Tories. Thật vậy, nhà máy sản xuất pin ô tô điện nơi Johnson có bài phát biểu về sự san bằng là ở Blyth, một thị trấn gần Newcastle, thuộc đơn vị bầu cử gần đây đã chuyển sang đảng của ông. Lãnh đạo đảng Lao động Keir Starmer đã cáo buộc Johnson thiên vị, nhưng vấn đề của đảng Lao động, ngược lại với đảng Dân chủ của Biden, là, thay vì hướng về tương lai, họ lại trở lại chủ nghĩa Blair, và thậm chí còn muốn chiếm đoạt từ đảng Bảo Thủ vai trò của một đảng ủng hộ sự chặt chẽ về mặt thuế khóa.

Sự chậm trễ của nền dân chủ xã hội châu Âu để đối phó với sự thay đổi giai đoạn này cho thấy sự thay đổi ý thức hệ là rất đáng lo ngại và có nguy cơ mở ra cánh cửa cho một làn sóng dân túy cánh hữu mới. Điều nguy hiểm là một chủ nghĩa tư bản thiên về Nhà nước và chính sách quốc hữu hóa mạnh hơn có thể được đưa vào phục vụ cho chương trình nghị sự phản động của cánh hữu mới, như James Meadway đã lập luận gần đây[7]. Điều quan trọng là, trong khi từ bỏ vài giáo điều tân tự do nhất định, đảng Bảo Thủ lại đẩy quan điểm của họ về vấn đề nhập cư lên cực điểm và thúc đẩy cuộc chiến văn hóa về các giá trị. Kịch bản cần tránh là sự tái du nhập sau tiến trình toàn cầu hóa một Nhà nước doanh nghiệp, trong đó sự liên minh ngày càng chặt chẽ hơn giữa chính phủ và các tập đoàn quốc gia làm phương hại đến người lao động và nền dân chủ.

Sự chậm trễ của nền dân chủ xã hội châu Âu để đối phó với sự thay đổi giai đoạn này cho thấy sự thay đổi ý thức hệ là rất đáng lo ngại và có nguy cơ mở cửa cho một làn sóng dân túy cánh hữu mới.

PAOLO GERBAUDO

Ngay cả kế hoạch của Joe Biden, tham vọng hơn nhiều so với kế hoạch của các đối tác châu Âu, có nguy cơ là không đủ để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ kinh niên. Trong khi đầu tư công và chính sách công nghiệp là một thành phần cần thiết của chủ nghĩa Nhà nước tiến bộ mới, thì cũng cần phải thực hiện các chính sách tái phân phối triệt để, làm suy yếu quyền lực của các nhà tài phiệt và các ông trùm tư bản mới - như Jeff Bezos và Elon Musk - và đưa vào lưu thông các nguồn lực có khả năng kích thích cầu trở lại. Sự thiếu can đảm trên mặt trận này có thể sớm đẩy chúng ta vào một thập kỷ thậm chí còn tuyệt vọng hơn năm 2010, mở ra cánh cửa Nhà Trắng cho Trump hoặc người tiếp nối ông. Đại dịch dường như đã làm bánh xe lịch sử quay trở lại, nhưng không thể chắc chắn liệu kỷ nguyên mới là tiến bộ hay thoái trào. Điều có vẻ chắc chắn là cuộc tranh luận sẽ không chỉ tập trung vào thị trường mà vào vai trò của Nhà nước trong bối cảnh hậu đại dịch, và loại hình xã hội được xây dựng lại từ đống đổ nát của chủ nghĩa tân tự do, bắt đầu từ những nền tảng hoặc – để sử dụng từ ngữ của Biden - cơ sở hạ tầng.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Après la pandémie, le néo-etatisme remplace le néolibéralisme”, Le Grand Continent, 21.7.2021.




Chú thích:

[1] Joseph E. Stiglitz, “The End of Neoliberalism and the Rebirth of History”, Project Syndicate, 4 novembre 2019.

[2] Paolo Gerbaudo, The Great Recoil: Politics After Populism and Pandemic, Verso Books, à paraître en août 2021.

[3] The Ezra Klein Show, “The best explanation of Biden’s Thinking I’ve Heard”, The New York Times, 9 avril 2021.

[4] Joshua Kurlantzick, State Capitalism. How the Return of Statism if Transforming the World, Oxford University Press, 2016.

[6] Ben Wright, “Levelling up: Boris Johnson promises more power for local leaders”, BBC News, 16 juillet 2021.

[7] James Meadway, “Neoliberalism is Dead – and Something Even Worse is Taking Its Place”, Novara Media, 29 juin 2021.



[*] Paolo Gerbaudo, phó giáo sư về Nền Văn hóa Kỹ thuật Số và Xã hội (King’s College London), Giám đốc Trung tâm Văn hóa Kỹ thuật Số. Nghiên cứu của Paolo Gerbaudo tập trung vào sự biến đổi của chính trị trong kỷ nguyên kỹ thuật số, trong bối cảnh các phong trào xã hội và các đảng phái chính trị.

Print Friendly and PDF