20.12.21

Bài học từ sứ mệnh Mặt trăng để giải quyết các vấn đề toàn cầu

BÀI HỌC TỪ SỨ MỆNH MẶT TRĂNG ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ TOÀN CẦU

Nữ kinh tế gia có sức ảnh hưởng lớn, người đứng sau kế hoạch tài trợ cho nghiên cứu của châu Âu, trình bày suy nghĩ của mình.

Jayati Ghosh

Kinh tế gia Mariana Mazzucato (người bên phải) bắt tay với ủy viên nghiên cứu của EU là Carlos Moedas. Nguồn ảnh: Jennifer Jacquemart / Ủy ban Châu Âu

Sứ mệnh kinh tế: Một bản hướng dẫn kiểu Sứ mệnh Mặt trăng để thay đổi chủ nghĩa tư bản Mariana Mazzucato Allen Lane (2021)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bổ nhiệm kinh tế gia Mariana Mazzucato đứng đầu Hội đồng Kinh tế Sức khỏe cho Mọi người [Council on the Economics of Health for All] vào năm 2020. Bà là một trong những kiến ​​trúc sư của chương trình Khung về Nghiên cứu quốc tế lớn nhất trên thế giới, Horizon Europe, được triển khai vào tháng này [tháng 1/2021]. Cuốn sách Sứ mệnh kinh tế [Mission Economy] của bà là một tầm nhìn lạc quan và kịp thời về cách giải quyết “những vấn đề tồi tệ” của thế giới bằng định hướng đầu tư công và tư.

Trong hai cuốn sách xuất sắc và dễ hiểu được xuất bản trong thập kỷ trước, Mazzucato đã tự khẳng định mình là một nhà tư tưởng lỗi lạc, vạch trần những huyền thoại về cách các thị trường vận hành và đưa ra nhiều lựa chọn để tạo ra những nền kinh tế bình đẳng hơn. Năm 2013, trong cuốn Nhà nước Khởi tạo [The Entrepreneurial State], bà đã phá bỏ quan niệm cho rằng chính phủ là quan liêu, tham nhũng và thật cồng kềnh khi so sánh với khu vực tư vốn được cho là năng động, nhanh nhẹn và đổi mới. Bà chỉ ra rằng tất cả những gì khiến cho điện thoại thông minh trở nên ‘thông minh’ là kết quả của nghiên cứu do chính phủ tài trợ; các tổ chức tư nhân chỉ đầu tư vào các lĩnh vực mới sau khi các chính phủ đã thực hiện các khoản đầu tư dài hạn đầy rủi ro. Với cuốn Giá trị của vạn vật [The Value of Everything] trong năm 2017, Mazzucato đã thách thức cách chúng ta xem xét về lợi ích. Những tập đoàn kinh doanh các công cụ tài chính, dữ liệu, thực phẩm hoặc dầu mỏ có thể tự thể hiện bản thân mình như là những nhà sáng tạo giá trị, song trên thực tế, nhiều công ty vắt kiệt — thậm chí là phá hủy — giá trị thực thụ.

Bài liên quan: Những mối hiểm nguy của kinh tế học bên lề [fringe economics] trong chính phủ

Một năm trước, vài ý tưởng như vậy đã gây nhiều tranh cãi. Song kinh nghiệm toàn cầu của năm 2020 đã cho chúng ta thấy rằng chúng ta đã đánh giá thấp sự chăm lo [sức khỏe của người dân] và ưu tiên cho nền tài chính đến mức nào, dẫn đến việc những nền kinh tế và xã hội của chúng ta dễ bị tổn thương như thế nào trước đại dịch và những thảm họa khác.

Giờ đây, Mazzucato tập hợp những yếu tố này lại với nhau để ủng hộ cách tiếp cận ‘sứ mệnh’ nhằm giải quyết những thách thức phức tạp của xã hội và chuyển đổi chủ nghĩa tư bản, tạo điều kiện thuận lợi cho một quỹ đạo công bằng và bền vững hơn. Sứ mệnh kinh tế là một lời kêu gọi hành động táo bạo và thuyết phục, phản ánh tầm ảnh hưởng đã được cảm nhận trong nhiều lĩnh vực của chính sách. Ví dụ, chương trình Horizon Europe trị giá 95,5 tỷ (117 tỷ đô la) nhắm đến 5 sứ mệnh: thích ứng với biến đổi khí hậu; các thành phố thông minh và dung hòa với khí hậu; sức khỏe của các hệ thống đất đai và thực phẩm; các đại dương khỏe mạnh và những vùng nước khác; và ung thư.

Lên mặt trăng và trở về

Khuôn mẫu cho tầm nhìn của Mazzucato là chương trình du hành vũ trụ Apollo ở Hoa Kỳ những năm 1960, xuất phát từ khát vọng của tổng thống John F. Kennedy để vượt qua Liên bang Xô Viết trong cuộc chạy đua vào không gian suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Apollo có mục tiêu xác định rõ ràng là đưa người lên Mặt trăng trong vòng một thập kỷ. Việc này đòi hỏi khoản chi tiêu khổng lồ — 26 tỷ đô la Mỹ từ năm 1960 đến năm 1973, tương đương hơn 200 tỷ đô la vào năm 2020. (Nhiều người Mỹ đặt câu hỏi về việc sử dụng các nguồn lực công cho cuộc chạy đua vào không gian hơn là giải quyết các nhu cầu của những người dân nghèo khổ ở quê hương.) Sứ mệnh đưa người lên mặt trăng này liên quan đến số lượng lớn người dân (khoảng 400.000 người lao động) với nhiều kỹ năng từ các tổ chức khác nhau. Sứ mệnh này đã chứa đầy các rủi ro, cả rủi ro vật lý lẫn rủi ro tài chính: ba phi hành gia đã chết trong một cuộc thử nghiệm lúc đầu. Nó đòi hỏi sự phối hợp chưa từng có giữa các cơ quan chính phủ trong hàng loạt các lĩnh vực chính sách, cũng như các tác nhân tư; các bộ phận trong một tổ chức [silos] phải bị phá vỡ và các chuỗi chỉ huy được tổ chức lại.

Tất cả những điều này đạt được là nhờ sự ủng hộ chính trị từ cấp cao nhất và vì mục tiêu thu hút trí tưởng tượng của công chúng. Bất chấp những trục trặc, các tổ chức liên quan đã có được sự hỗ trợ tài chính bền vững, quyền tự chủ tương đối và tính linh hoạt của tổ chức. Sứ mệnh đã thành công, không chỉ trong việc đạt được mục tiêu đã tuyên bố là đưa người lên Mặt trăng. Sứ mệnh này cũng tạo ra nhiều công nghệ lan tỏa, bao gồm các điện thoại chụp ảnh, chụp ảnh cộng hưởng từ, các tấm pin mặt trời và các hệ thống lọc nước.

Các sứ mệnh truyền cảm hứng bởi vì mức độ phù hợp xã hội rộng lớn hơn và chúng đã thúc đẩy sự hợp tác giữa các khu vực. Apollo cho thấy cần phải khuyến khích nhiều giải pháp thay vì tập trung vào chỉ một con đường phát triển hay vào công nghệ. Ngày nay, nhiều thách thức sẽ phù hợp với cách tiếp cận sứ mệnh. Hãy nghĩ đến những thách thức đã được xác định trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (đi kèm với 159 mục tiêu cụ thể). Những thách thức khác bao gồm hố ngăn cách số [digital divide], khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và, trên hết là, biến đổi khí hậu.

‘Các sứ mệnh Trái đất’ [Earthshots] này khó thực hiện hơn nhiều so với các sứ mệnh Mặt trăng [Moonshots] theo đúng nghĩa đen (xem Nature 571, 145; 2019). Tại sao lại vậy? Bởi vì các mục tiêu của chúng khó xác định hơn; chúng liên quan đến các vấn đề chung toàn cầu như không khí và nước; và chúng bị ảnh hưởng bởi tình trạng xã hội và chính trị phức tạp trong các quốc gia và trong sự hợp tác quốc tế, cũng như những lợi ích và các mối quan tâm xung đột lẫn nhau về bất bình đẳng và công lý. Những vấn đề này đặt ra ra nhiều loại rào cản khác nhau, không phải tất cả các rào cản này đều được xem xét trong cuốn sách. Do đó, các sứ mệnh này đòi hỏi tham vọng và cam kết công lớn hơn nữa.

Mazzucato lập luận rằng các sứ mệnh cần một cách tiếp cận mới để cai quản nhà nước [governance]. Bà viết “nó [cách tiếp cận này] không phải là sửa chữa thị trường mà là tạo ra thị trường”. Các quan hệ đối tác công – tư tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro trong đầu tư thông qua bảo lãnh, trợ cấp và trợ giúp. Thay vào đó, họ nên nhấn mạnh việc chia sẻ cả rủi ro lẫn phần thưởng. Ví dụ, khoản đầu tư của chính phủ Hoa Kỳ vào công ty hàng không vũ trụ SpaceX của Elon Musk sẽ mang phần nào lợi nhuận, được sử dụng cho phúc lợi của người dân. Điều này sẽ liên kết việc sáng tạo ra giá trị với sự phân phối nó — cái mà Mazzucato gọi là “phân phối trước” chứ không phải là phân phối lại. Các ví dụ thành công bao gồm những nỗ lực ở Thụy Điển và Vương quốc Anh nhằm tạo ra các không gian đô thị chung sống động và lành mạnh, và Kế hoạch Đầu tư Bền vững của Châu Âu [Sustainable Europe Investment Plan] là một phần của Thỏa thuận Xanh châu Âu [European Green Deal].

Hãy xem xét việc làm thế nào mà một cách tiếp cận sứ mệnh sẽ thay đổi các can thiệp y tế công toàn cầu đối với các loại vắc-xin và thuốc trị COVID-19. Liệu các sản phẩm do các công ty dược phẩm phát triển với sự trợ giúp tài chính của chính phủ có thể được cung cấp miễn phí cho tất cả mọi người, thay vì những người đóng thuế lại phải trả tiền lần nữa và bị hạn chế bởi các cân nhắc trong việc tạo lợi nhuận? Các khoản trợ cấp từ khu vực công cho nghiên cứu và phát triển được cung cấp cho các công ty Hoa Kỳ Pfizer và Moderna có thể khiến giá vắc-xin của Hoa Kỳ thấp hơn, và đó là trường hợp của mũi tiêm AstraZeneca được phát triển với sự hợp tác của Đại học Oxford, Vương quốc Anh. Và tất cả các vắc-xin có thể bắt buộc phải được cấp bằng sáng chế, nâng cao sức sản xuất và phân phối dễ dàng hơn trên khắp thế giới.

Những sự mất cân bằng quyền lực có thể quyết định khả năng sống sót và thành công của cách tiếp cận sứ mệnh, và điều này đòi hỏi sự công nhận rõ ràng ở cấp quốc gia. Sự hợp tác quốc tế phải đảm bảo rằng cấu trúc pháp lý và thiết chế toàn cầu (chẳng hạn như Tổ chức Thương mại Thế giới [WTO], Quỹ Tiền tệ Quốc tế [IMF], các hiệp ước và thỏa thuận) không tiếp tục thu hẹp không gian chính sách quốc gia và không duy trì đặc quyền đặc lợi của các tập đoàn đối với người dân. Điều này là ngầm hiểu trong cuốn Sứ mệnh kinh tế, song chúng ta sẽ cần một cuốn sách khác để phân tích.

Mazzucato trình bày các lập luận của mình một cách đơn giản và rõ ràng đến mức chúng như là hiển nhiên. Sự thật là các lập luận này có tính cách mạng. Việc tư duy lại về vai trò của chính phủ trên bình diện quốc gia và trong nền kinh tế quốc tế — để đặt mục đích công lên hàng đầu và giải quyết những vấn đề quan trọng đối với người dân — hiện đang là câu hỏi trung tâm của nhân loại.

Nature 589, 349-350 (2021)

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-021-00076-1

Các từ khóa: Kinh tế học, Chính sách, Xã hội

THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ

Jayati Ghosh là Giáo sư Kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kế hoạch, Trường Khoa học Xã hội, Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi.

Hồ Thị Thu Hiền dịch

Nguyễn Việt Anh hiệu đính

Nguồn: Lessons from the Moonshot for fixing global problems, Nature, Jan 19, 2021.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF