9.10.22

Tìm hiểu các học thuyết về Trung Quốc của Tập Cận Bình, trò chuyện với David Ownby

TÌM HIỂU CÁC HỌC THUYẾT VỀ TRUNG QUỐC CỦA TẬP CẬN BÌNH, TRÒ CHUYỆN VỚI DAVID OWNBY[*]

Bàn về học thuyết về Trung Quốc của Tập Cận Bình

Kể từ hôm nay, tap chí Đại lục/Le Grand Continent sẽ xuất bản mỗi tuần một lần bản dịch được bình chú từng dòng một của một văn bản chính, chưa được xuất bản bằng tiếng Pháp, của một trí thức công viết và làm việc tại Trung Quốc của Tập Cận Bình. Loạt bài này do nhà Trung Quốc Học David Ownby chủ biên.

------------------------------------------------------------------------------

Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cấu trúc thế giới. Trung Quốc ở khắp mọi nơi và chúng ta hầu như không biết gì về nó. Cấu trúc của cuộc tranh luận công khai của chúng ta (Pháp) có nghĩa là chúng ta biết các động lực nội bộ của Đảng Xã hội Pháp tốt hơn nhiều so với hoạt động của đảng lớn nhất trên thế giới, Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự thiếu hiểu biết gần như hoàn toàn về hệ thống chính trị Trung Quốc, các học thuyết và những căng thẳng của nó ngăn trở chúng ta suy nghĩ chung về cách định vị bản thân trong thế giới mà Tập Cận Bình dự định định hình. Đó là một vấn đề.

Kể từ sau đại dịch, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dường như ngày càng xa cách và tách biệt với phần còn lại của thế giới. Vào tháng 11, Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ chứng kiến ​​sự duy trì quyền lực của Tập Cận Bình. Trong khi cuộc xâm lược Ukraine tập trung sự chú ý của giới truyền thông vào Nga, thì những diễn biến trong đời sống chính trị và trí thức của Trung Quốc lại quá ít được biết đến.

Với Le Grand Continent, chúng tôi đã quyết định ra mắt loạt bài hàng tuần mới - Học thuyết về Trung Quốc của Tập Cận Bình - do nhà nghiên cứu Trung Quốc David Ownby, giáo sư tại Đại học Montréal và người gần đây đã giảng dạy một loạt khóa học tại Collège de France[1], giám đốc của Voices from the Chinese Century (Tiếng nói từ thế kỷ Trung Quốc)[2], cũng như của Reading the China Dream (Tìm hiểu giấc mộng Trung Quốc)[3].

Mỗi tuần một lần, chúng tôi sẽ xuất bản các văn bản chính, chưa được xuất bản bằng tiếng Pháp, được ngữ cảnh hóa và bình luận từng dòng. Như David Ownby giải thích: “Trung Quốc đã trở thành một cường quốc, các ý tưởng của Trung Quốc quan trọng, bất kể chất lượng thực chất của chúng. Loạt bài này nhằm giúp khán giả châu Âu hiểu biết chúng.”

------------------------------------------------------------------------

Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ đăng những văn bản tiếng Trung chưa xuất bản bằng tiếng Pháp, được ông dịch và bình luận, bởi các “trí thức công” có ảnh hưởng ở Trung Quốc của Tập Cận Bình. Công thức này nói lên điều gì?

David Ownby: Khái niệm trí thức công - trí thức thuộc thành phần có quyền lực/establishment intellectual trong tiếng Anh - có thể được hiểu theo nhiều cách. Với loạt bài này, chúng tôi chủ yếu tập trung vào các trí thức hàn lâm, thường là các giáo sư đại học, những người, ngoài các ấn phẩm chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu đặc thù của họ, còn viết với mục đích tác động đến chính sách của chính phủ và công luận.

Những trí thức công này ở Trung Quốc này chấp nhận luật của cuộc chơi chính trị do nhà cầm quyền Trung Quốc quy định, không có nghĩa là họ lặp lại như những con vẹt tuyên truyền của Đảng-Nhà nước; ngoài các chủ đề cấm kỵ - Tân Cương, Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng - một cuộc tranh luận thực sự, không khoan nhượng, liên tục diễn ra ở Trung Quốc, và giới trí thức không “hài hòa” như chính quyền Trung Quốc mong muốn, cũng không độc tài như phương tiện truyền thông phương Tây đôi khi gợi ý.

Ngày nay ở Trung Quốc hầu như tất cả trí thức công đều suy nghĩ với các khái niệm, phạm trù hoặc tham chiếu của phương Tây. Ngay cả những người ủng hộ chế độ của Tập Cận Bình cũng sử dụng những phạm trù của chúng ta và tham khảo các tác giả phương Tây.

DAVID OWNBY

Tất nhiên, giới trí thức công rất hiếm khi là những người bất đồng chính kiến, một từ mà chính quyền Trung Quốc dùng để chỉ một người tích cực hoạt động cho sự thay đổi chế độ. Đứng bên ngoài hệ thống ở Trung Quốc mang lại những hậu quả nghiêm trọng: nhà tù hoặc lưu vong, gần như mất hoàn toàn ảnh hưởng ở Trung Quốc. Vì vậy, thông qua các chiến lược viết lách khác nhau, các trí thức công phải tìm cách báo hiệu với các cơ quan chức năng rằng họ vẫn trung thành với dự án cơ bản của Đảng-Nhà nước, đồng thời thông qua sự can thiệp của chính mình, họ là những người cung cấp nội dung cho một chế độ mà nhiều người mong muốn thấy phát triển theo hướng dân chủ hơn.

Mối quan hệ của những trí thức công Trung Quốc này với châu Âu và phương Tây là gì?

Ngay cả khi có một sự đoạn tuyệt lớn vào đầu thế kỷ 20 với truyền thống Nho giáo, hình ảnh các trí thức Trung Quốc có về bản thân họ vẫn còn vang vọng một hình thức nối tiếp và tự hào về một truyền thống rất lâu đời được cảm nhận là đặc thù của Trung Quốc.

Khi Trung Quốc càng rời xa hệ tư tưởng và cách mạng để hướng tới chủ nghĩa thực dụng và phát triển kinh tế, địa vị của trí thức thuộc thành phần có quyền lực (establishment) Trung Quốc đã thay đổi từ địa vị của những “giáo sĩ” phục vụ cho “nhà thờ” chính thống của Chủ nghĩa Mác-Lênin-Tư tưởng Mao Trạch Đông sang địa vị của những “nhà chuyên môn”, dấn thân, giống như các trí thức ở các nơi khác trên thế giới, trong lĩnh vực hoạt động của họ.

Do đó các trí thức Trung Quốc bắt đầu chịu ảnh hưởng của các trào lưu trí thức bên ngoài. Từ nay họ rất thường được đào tạo ở phương Tây, đặc biệt là trong các trường đại học lớn của Hoa Kỳ. Ngày nay ở Trung Quốc hầu như tất cả trí thức công đều suy nghĩ với các khái niệm, phạm trù hoặc tham chiếu từ phương Tây. Ngay cả những người ủng hộ chế độ của Tập Cận Bình cũng sử dụng các phạm trù của chúng ta và tham khảo các tác giả phương Tây.

Chúng ta có thể ngạc nhiên khi thấy một số trí thức này sử dụng Carl Schmitt...

Carl Schmitt (1888-1985)

Carl Schmitt thực sự là một tham chiếu, đặc biệt là đối với Cánh tả Mới, nhưng ảnh hưởng của các tư tưởng phương Tây vừa rộng hơn vừa không đáng kể. Những người theo chủ nghĩa tự do phân tích phong trào Black Lives Matter qua các cuốn sách của Samuel P. Huntington, chẳng hạn như Chúng ta là ai (Who are We)?, một cuốn sách năm 2004, trong đó ông nói rằng Hoa Kỳ đang đánh mất bản sắc Anglo-Saxon, tức là sự đồng thuận chính trị của họ vì lượng người nhập cư ồ ạt, Gan Yang xem lại các văn bản gốc bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh để bình luận về cái bẫy của Thucydide, Yao Yang xây dựng một “chủ nghĩa tự do của Nho giáo” để đáp lại các lý thuyết của John Rawls. Vì vậy, đây không phải là các tham chiếu “ngách” hoặc các tác giả thỉnh thoảng được trích dẫn để thể hiện sự tinh tế của trí thức Trung Quốc. Họ hấp thụ các chuẩn mực …

Carl Schmitt là một tham chiếu, đặc biệt là đối với Cánh tả Mới, nhưng ảnh hưởng của các tư tưởng phương Tây vừa rộng hơn vừa không đáng kể.

DAVID OWNBY

Phong trào này là một phần trong sự can dự của Trung Quốc với phương Tây từ cuối thế kỷ 19, nhưng toàn bộ sự việc đã diễn ra với tốc độ chưa từng thấy kể từ thời kỳ cải cách và mở cửa.

Phong trào này khá mới. Đến mức đôi khi khó xác định được cụ thể những yếu tố Trung quốc đặc thù trong các bài viết quan trọng nhất của giới trí thức Trung Quốc đương thời. Ngay cả những người ngày nay bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin chính thống cũng phải thông qua các khái niệm phương Tây. Nhiều trí thức Trung Quốc nói và đặc biệt là đọc thông thạo tiếng Anh. Trở thành một trí thức ngày nay ở Trung Quốc có nghĩa là đã lớn lên trong một thế giới toàn cầu hóa.

Đây là một sự biến đổi triệt để so với thời Chiến tranh Lạnh

Trong Chiến tranh Lạnh, chúng ta đã quen xem mối quan hệ giữa trí thức và chính quyền trong các chế độ cộng sản là rất có xung đột. Bất kỳ trí thức nào xứng đáng được gọi là trí thức đều chống chế độ và ủng hộ dân chủ, điều mang lại cho họ một vai trò trung tâm trong lịch sử của phong trào và những người bất đồng chính kiến.

Ngải Vị Vị (1957-)
Lưu Hiểu Ba (1955-2017)

Lịch sử này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay ở Trung Quốc: những trí thức duy nhất được biết đến bên ngoài Trung Quốc là những nhà bất đồng chính kiến ​​như Ai Weiwei (Ngải Vị Vị) hay Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba). Nhưng bên cạnh thế giới đó - một thế giới khá nhỏ - của những người bất đồng chính kiến, còn có một thế giới rộng lớn khác của những trí thức công, quan trọng hơn những người bất đồng chính kiến, đối với cả Trung Quốc và những nỗ lực của chúng ta để hiểu về Trung Quốc.

Vì những lý do nào?

Trí thức và ý tưởng rất quan trọng bởi vì Trung Quốc đang tìm kiếm một nguồn mới cho tính chính đáng chính trị kể từ cái chết của Mao Trạch Đông và sự chấp nhận “cách mạng liên tục” của ông.

Đặng Tiểu Bình đã đặt Trung Quốc dưới chiêu bài của sự tiến bộ về vật chất, cuộc cải cách và sự mở cửa, và sự phát triển kinh tế đáng kinh ngạc của Trung Quốc kể từ những năm 1980 là minh chứng cho người dân Trung Quốc về “sự khôn ngoan” trong tầm nhìn của ông. Tuy nhiên, bất chấp hàng trăm triệu người Trung Quốc đã thoát nghèo trong những thập kỷ gần đây, bất chấp sự thay đổi hoàn toàn của cảnh quan đô thị Trung Quốc, những nghi ngờ sâu sắc về bản sắc và tương lai của Trung Quốc vẫn còn tồn tại. Câu hỏi sau đây ngày càng được đặt ra: khi Trung Quốc rốt cuộc đánh bại phương Tây trong chính trò chơi của phương Tây, bằng cách trở thành siêu cường mới trên hành tinh, thì sẽ còn lại gì về “Trung Quốc” và “văn minh Trung Quốc”? Trí thức công đóng một vai trò quan trọng trong việc cố gắng trả lời những câu hỏi này.

Câu hỏi sau đây ngày càng được đặt ra: khi Trung Quốc rốt cuộc đánh bại phương Tây trong trò chơi của chính phương Tây, bằng cách trở thành siêu cường mới trên hành tinh, thì sẽ còn lại gì về “Trung Quốc” và “văn minh Trung Quốc”?

DAVID OWNBY

Theo nghĩa nào?

Trong những năm 1980, bất chấp sự khác biệt đáng kể về quan điểm trong giới trí thức và chính trị, hầu hết các trí thức, ngay cả ở Trung Quốc, đều mong đợi Trung Quốc sẽ trở thành một loại hình dân chủ. Có thể không phải là một nền dân chủ tự do, có thể không phải là một nền dân chủ tuân theo nguyên tắc “một người, một lá phiếu”, mà là một cái gì đó rất khác với mô hình chuyên chế/toàn trị đã trở thành đặc điểm của chính trị Trung Quốc kể từ cuộc cách mạng năm 1949.

Thảm sát Thiên An Môn và sự sụp đổ của Liên Xô đã thách thức niềm tin này vào tính tất yếu của dân chủ, vì chúng cho thấy rằng việc theo đuổi nhiều tự do hơn và dân chủ hơn có thể dẫn đến hỗn loạn. Đảng-Nhà nước đã đối phó với thách thức này bằng một loạt các biện pháp nhằm cải cách sâu rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu và củng cố chế độ độc tài. Những quyết định này đã phá hủy sự đồng thuận “tự do” yếu ớt vốn là đặc trưng của những năm 1980, và mở ra một không gian cho các cuộc tranh luận nghiêm túc trong cộng đồng trí thức công.

Cuộc tranh luận của Trung Quốc đã được cấu hình như thế nào sau vụ thảm sát Thiên An Môn?

Những người “tự do” thống trị các cuộc thảo luận trong những năm 1980 đã chia thành nhiều nhóm cạnh tranh nhau. Một số người cho rằng cải cách thị trường sẽ không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế mà còn xóa sạch vết tích của chế độ chuyên quyền phong kiến ​​(và chủ nghĩa Mao) của Trung Quốc, cả về chính trị và xã hội.

Những người khác lo sợ rằng các lực của thị trường sẽ tạo ra một chủ nghĩa tư bản thân hữu mới, về cơ bản là mang tính bè phái, có thể làm giàu cho Nhà nước và các ông chủ tư bản khiến người dân bị thiệt thòi. Những mối quan tâm tương tự đã làm nảy sinh “Cánh tả mới”, một nhóm trí thức phi tự do cống hiến cho sự phục hưng của chủ nghĩa xã hội thông qua việc diễn giải lại một cách sáng tạo các truyền thống xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Mao, kết hợp với việc tuân thủ chủ nghĩa hậu hiện đại phương Tây và lý thuyết phê phán.

Ở cánh hữu, một nhóm trí thức bảo thủ về văn hóa được gọi là “Tân Nho giáo” tố cáo cả những người theo chủ nghĩa tự do và cánh tả mới, nhấn mạnh rằng truyền thống Trung Quốc, được tái tạo đúng cách, đã cung cấp tất cả các nguồn lực mà Trung Quốc cần để tìm ra con đường ổn định cho sự phát triển trong tương lai. Các nhóm này đã tham gia vào các cuộc tranh luận gay gắt trong suốt những năm 1990.

Niềm tin ngày càng lớn của Trung Quốc được củng cố bởi sự suy giảm rõ ràng của nền dân chủ tự do phương Tây: bế tắc của Quốc hội Mỹ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 (do sự bất lực của chính phủ Mỹ để điều tiết lĩnh vực tài chính), Brexit và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở châu Âu, việc Donald Trump đắc cử, thất bại trong các cuộc chiến tranh bất tận ở Trung Đông….

DAVID OWNBY

Những cuộc tranh luận này có tiếp tục khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012?

Hoàn toàn đúng. Mặc dù các chủ đề và bối cảnh chính trị đã thay đổi ở Trung Quốc và trên toàn cầu. Vào đầu thế kỷ 21, với cuộc cải cách và mở cửa đã tạo ra sự trỗi dậy ấn tượng của Trung Quốc, ý tưởng thắng thế cho rằng việc Trung Quốc trở lại vị thế cường quốc là một sự kiện toàn cầu mang tính lịch sử, mở ra một kỷ nguyên thay đổi cơ bản, tương đương với thời kỳ các chế độ quân chủ nhường chỗ cho các nền dân chủ hoặc khi Hoa Kỳ kế thừa quyền lãnh đạo thế giới từ Anh. Điều này đã thúc đẩy các học giả này suy nghĩ lại những huyền thoại sáng lập về sự hiểu biết của họ về quá khứ, hiện tại và tương lai của Trung Quốc và thế giới.

Niềm tin chớm nở của Trung Quốc được củng cố bởi sự suy giảm rõ ràng của nền dân chủ tự do phương Tây: sự bế tắc của Quốc hội Hoa Kỳ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 (do chính phủ Hoa Kỳ thất bại trong việc điều tiết lĩnh vực tài chính), Brexit và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở châu Âu, cuộc bầu cử của Donald Trump, thất bại của các cuộc chiến tranh bất tận ở Trung Đông…

Chính trong bối cảnh đó, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi bắt đầu nhận nhiệm vụ vào năm 2012, đã xây dựng “giấc mộng Trung Quốc’ (zhongguo meng) của mình, nhấn mạnh sự tái sinh của dân tộc vĩ đại – quốc gia Trung Quốc vĩ đại - là mục tiêu chiến lược lâu dài của Đảng Cộng sản dưới sự lãnh đạo của ông.

Phải chăng đây chỉ là một yếu tố tuyên truyền, một khẩu hiệu chính trị sáo rỗng?

“Giấc mộng Trung Hoa” là một khẩu hiệu chính trị. Nếu nó có vẻ như là một khẩu hiệu chính trị rỗng tuếch, thì đó là vì nội dung của giấc mộng này không được nêu rõ và nhiều trí thức đã rất vui mừng khi đề nghị điền vào những gì còn thiếu.

Một mặt, “giấc mộng Trung Quốc” nhằm thách thức “giấc mơ Mỹ” và gợi ý rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ đẩy nước này vượt lên Hoa Kỳ, đương nhiên đưa nước này trở lại vị trí xứng đáng với tư cách là cường quốc lớn nhất thế giới. Với những tiến bộ ngoạn mục về vật chất của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây, việc hiện thực hóa “giấc mộng Trung Quốc’ dường như là một chân trời thịnh vượng có thể có đối với tầng lớp trung lưu Trung Quốc.

Mặt khác, Tập Cận Bình muốn “giấc mộng Trung Quốc” thật sự là đặc thù của Trung Quốc - ngay cả khi nó có thể trở thành hình mẫu cho phần còn lại của thế giới. Để củng cố quyền lực của mình, ông Tập kêu gọi quay trở lại hệ tư tưởng khép đảng vào vòng kỷ luật và động viên nhân dân. Hệ tư tưởng này phải hợp nhất tinh thần cộng sản với sự phong phú của văn minh Nho giáo truyền thống.

Một mặt, “giấc mộng Trung Quốc” nhằm thách thức “giấc mơ Mỹ” và gợi ý rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ đẩy nước này lên trên Hoa Kỳ, đương nhiên đưa nước này trở lại vị trí xứng đáng với tư cách là cường quốc lớn nhất thế giới.

DAVID OWNBY

Phản ứng của giới trí thức công đối với đề xuất này như thế nào?

Giới trí thức Trung Quốc đã nhiệt liệt hưởng ứng sự trỗi dậy của Trung Quốc và, với một vài ngoại lệ, đối với “giấc mơ Trung Quốc”. Đối với nhiều người, khả năng Trung Quốc có thể lấy lại vị thế là một cường quốc mà không cần phải trở nên phương Tây hóa hoàn toàn là một ý tưởng kích động, giàu tiềm năng để xem xét lại các tiền đề cơ bản của tính hiện đại.

Sự nghi ngờ, sinh ra từ “thế kỷ của sự nhục nhã” của Trung Quốc, rằng Trung Quốc trên thực tế có thể thua kém phương Tây, đang mờ dần, làm dấy lên hy vọng rằng tính chính đáng mà Trung Quốc tìm kiếm kể từ khi cải cách và mở cửa là trong tầm tay. Do đó, và bất chấp việc Tập Cận Bình đàn áp tính đa dạng ý thức hệ, đời sống trí thức Trung Quốc kể từ khi Trung Quốc trỗi dậy đặc biệt sôi động, khi các nhà tư tưởng cạnh tranh cung cấp nội dung cho giấc mộng Trung Quốc của Tập Cận Bình.

Vai trò của đội ngũ trí thức trong thời kỳ này đã thay đổi như thế nào? Tập Cận Bình cho phép họ đóng vai trò gì, khi “tư tưởng Tập Cận Bình” đã được ghi vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 2017, cùng với tư tưởng của Mao Trạch Đông và lý thuyết của Đặng Tiểu Bình?

Ngay khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã phải đối mặt với một chủ nghĩa đa nguyên trí thức mà đối với ông là nguy hiểm, vì nó liên kết đa nguyên trí thức với đa nguyên chính trị. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, ông cố gắng áp đặt một kỷ luật tư tưởng và trí tuệ có phần nào đó gợi nhớ đến thời Mao. Nhưng Đảng không còn quyền kiểm soát như trước nữa, và có cả thế giới báo, tạp chí, sách, trang web ở Trung Quốc liên tục tìm kiếm nội dung “hấp dẫn”.

Vì vậy, nếu một mặt chắc chắn rằng đời sống các ý tưởng ở Trung Quốc đang chững lại so với những năm 2000, và rằng nhiều trí thức đã tự kiềm chế (hạ nhiệt) trong những phê phán của mình, thì hầu hết đều tiếp tục viết mà không hề đề cập đến Tập Cận Bình và tư tưởng của ông ta. Cũng giống như vậy, sự phát triển của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây đã tạo ra các lực lượng kinh tế có nguy cơ thoát khỏi sự kiểm soát của Đảng-Nhà nước, thì “lực lượng trí thức” cũng có sự độc lập của riêng họ.

Định nghĩa về giấc mộng Trung Quốc đã phát triển như thế nào trong đại dịch Covid-19?

Như chúng ta đã biết, nguồn gốc của đại dịch là ở Trung Quốc. Nhưng cách Trung Quốc dành nguồn lực để kiểm soát đại dịch đã củng cố cho người Trung Quốc ý tưởng rằng hình thức quản trị của họ vượt trội những hình thức quản lý ở những nơi khác. Sự quản lý của Tập Cận Bình đối với làn sóng đầu tiên do đó đã làm tăng tính chính đáng của đảng. Người Trung Quốc đã thấy rằng tự do có một cái giá tai hại. Chế độ của họ vượt trội hơn, hiệu quả hơn.

Cách Trung Quốc dành nguồn lực để kiểm soát đại dịch đã củng cố cho người Trung Quốc ý tưởng rằng hình thức quản trị của họ vượt trội những hình thức quản lý ở những nơi khác.

DAVID OWNBY

Tuy nhiên, trong ít nhất một năm nay, phần còn lại của thế giới đã có một hướng đi khác khi quyết định sống chung với virus. Trung Quốc, phần lớn vì lý do chính trị, đã duy trì chính sách không khoan nhượng, điều này ngày càng khó khăn vì một số lý do. Trung Quốc sống nhờ ngoại thương. Kết quả là, khi Trung Quốc đóng cửa biên giới và giới hạn số người có thể được tiếp nhận, Trung Quốc tự làm hại mình và tự gây rắc rối cho bản thân. Người dân Trung Quốc nhận thức được tác động khủng khiếp của đại dịch đối với nền kinh tế của họ. Những biện pháp phong toả rất nghiêm ngặt như ở Thượng Hải ngày càng khó áp đặt[*] lên người dân Trung Quốc.

Chính sách zero covid là một thảm họa kinh tế, dường như nó ngày càng ít được biện bạch hơn vì lý do y tế và có cái giá chính trị phải trả ngày càng rõ ràng. Tại sao nó lại có sức ì lớn như vậy?

Cách đây vài tháng, chính sách không khoan nhượng của Covid đã được chính phủ Trung Quốc biện minh bằng cách chỉ ra rằng có rất nhiều người già ở Trung Quốc không được tiêm phòng. Vì vậy, có nguy cơ nhiều người Trung Quốc sẽ chết. Nếu ở Hoa Kỳ của Donald Trump, ý tưởng để hàng trăm nghìn người chết vì Covid là điều có thể hiểu được trong các cuộc thảo luận công khai hoặc trong bối cảnh của các diễn ngôn công khai theo chủ nghĩa tự do hoặc thậm chí theo chủ nghĩa tự do vô chính phủ, thì ở Trung Quốc, chính phủ thực sự có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của người dân. Nếu chúng ta tưởng tượng rằng Trung Quốc từ bỏ chính sách zero covid của mình và Covid tàn phá như những gì nó đã làm trên toàn thế giới trong những năm gần đây, việc duy trì Đại Hội có thể bị đe dọa. Nhưng, ông Tập Cận Bình muốn bằng mọi giá phải gia hạn nhiệm kỳ thứ ba. Quyền lực của ông ta khá mạnh nhưng nếu số người chết tăng lên thì vị thế của ông ta sẽ yếu đi đến mức ông phải trả lời cho người dân Trung Quốc. Nó có lẽ sẽ không đủ để làm suy yếu ông ta đến mức buộc ông ta phải rời khỏi chức vụ của mình, nhưng nó có thể gây ra những hậu quả khá khó quản lý vào một thời điểm tế nhị đối với ông ta. Vì vậy, nó thực sự là một vấn đề rất chính trị. Người ta có thể hình dung rằng sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu, chế độ sẽ dần từ bỏ chính sách zero Covid.

Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản vào tháng 11 là một thời điểm quan trọng trong việc khai diễn chính trường thế giới. Đối với ông, việc Tập Cận Bình tiếp tục duy trì quyền lực có khả năng xảy ra? Việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho chúng ta biết điều gì về sự chi phối của Tập Cận Bình và nói chung về chế độ chính trị Trung Quốc?

Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Thú thật là tôi không hiểu chính xác Tập Cận Bình có những ưu thế chính trị nào. Tôi từng nghĩ Trung Quốc đã học được những bài học từ lịch sử và kinh nghiệm của Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, tôi không thực sự tin chắc rằng toàn bộ người dân Trung Quốc cho rằng việc ông ta tái đắc cử là một điều tốt. Giới trí thức công không biểu hiện một sự phản kháng nào nhưng rõ ràng là thiếu nhiệt tình.

Những do dự này được thể hiện như thế nào?

Tập Cận Bình đã đầu tư rất nhiều vào suy nghĩ của mình và nỗ lực áp đặt kỷ luật mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, hầu hết các trí thức Trung Quốc vẫn chưa được thuyết phục và tiếp tục đề xuất những con đường khả thi khác như chủ nghĩa tự do theo Nho giáo. Có rất nhiều cuộc tranh luận. Nếu Tập Cận Bình cho rằng đường lối là rõ ràng và các khuôn khổ được xác định, các trí thức vẫn chưa được thuyết phục.

Trung Quốc ít tự do hơn nhiều so với trước khi Tập Cận Bình nắm quyền. Trong những năm đầu của thế kỷ 21, người ta có thể đọc trên các ấn phẩm quan trọng rằng cuộc cách mạng đã mất hết ý nghĩa và bây giờ một cái gì đó mới phải được phát minh. Các cuộc tranh luận tương tự có thể nghe được trước khi Tập Cận Bình xuất hiện vẫn tiếp tục nhưng giờ đây chúng đã ôn hòa hơn và được công bố kín đáo hơn. Tập Cận Bình tin rằng ông đã tìm ra công thức sẽ quyết định hướng đi của Trung Quốc và thế giới. Tuy nhiên, tôi không chắc rằng Tập cận Bình có thể thuyết phục được những người dân Trung Quốc bình thường.

Tập Cận Bình tin rằng ông đã tìm ra công thức sẽ quyết định hướng đi của Trung Quốc và thế giới. Tuy nhiên, tôi không chắc rằng Tập Cận Bình có thể thuyết phục được những người dân Trung Quốc bình thường.

DAVID OWNBY

Vì những lý do gì?

Tôi tin rằng nó liên quan đến những tác động của chính sách cải cách và mở cửa đối với tâm lý của giới trí thức Trung Quốc. Họ suy nghĩ với các phạm trù và khái niệm phương Tây. Dưới thời Mao Trạch Đông, chỉ có một ngôn ngữ duy nhất: đó là ngôn ngữ của Đảng-Nhà nước. Trí thức đã buộc phải sử dụng cùng một ngôn ngữ trong các bài viết của họ. Kể từ khi có chính sách cải cách và mở cửa, họ đã học cách nói và suy nghĩ khác, giống như người phương Tây. Nhiều trí thức đã coi tư tưởng của Tập Cận Bình là lỗi thời. Trung Quốc đã trở nên giàu có và hùng mạnh thông qua sự toàn cầu hóa. Tuy nhiên, chế độ này vẫn tiếp tục sử dụng các thuật ngữ của chủ nghĩa Mác và Lê-nin. Tôi có dịp dịch một số bài của một trí thức Trung Quốc, Yuan Peng, một chuyên gia giỏi về quan hệ quốc tế và đặc biệt là quan hệ Trung-Mỹ. Khi ông ấy viết với tư cách là một trí thức công, ông ít nhiều viết giống như những người khác, với một phong cách dễ tiếp cận. Nhưng một ngày nọ, tôi bắt gặp một văn bản của ông ấy nói về khái niệm an ninh quốc gia, một khái niệm mà Tập Cận Bình đã liên tục truyền đạt kể từ khi ông ấy lên nắm quyền. Ở đây Yuan Peng đã phải thể hiện mình trong danh mục hoàn toàn khác, viết như một Đảng viên với phong cách và ngôn ngữ tuyên truyền. Đối với tôi, văn bản hầu như không thể đọc được. Có văn phong, từ vựng áp dụng cho ngôn ngữ của Đảng - Nhà nước và ngôn ngữ dành riêng cho trí thức. Khẩu hiệu biến mất trong giới trí thức. Đôi khi ngôn ngữ của Đảng-Nhà nước làm tôi liên tưởng đến các lễ bằng tiếng Latinh. Trong khi những người Công giáo đã từ bỏ việc sử dụng tiếng Latinh trong lời nói, thì Giáo hội vẫn tiếp tục sử dụng nó. Đó là một tình huống có thể so sánh được với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng hầu hết các trí thức Trung Quốc ủng hộ chế độ nói chung đều muốn thấy chế độ chuyển sang một không gian khác về mặt tư tưởng, cả vì sự bền vững của chế độ mà còn cho phần còn lại của thế giới.

Nhiều trí thức đã lấy làm tiếc về sự gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ khi bắt đầu đại dịch. Việc Trung Quốc tiếp tục thể hiện mình là một chế độ cộng sản không cho phép nước này có nhiều đồng minh trên thế giới. Trên thực tế, tất cả các quốc gia ủng hộ Trung Quốc không phải vì lý do ý thức hệ mà vì lý do vật chất. Ngay cả khi giới trí thức Trung Quốc tán đồng thông điệp đằng sau diễn ngôn chính trị của Tập Cận Bình, họ thường nghĩ rằng cần phải tìm ra một cách mới để diễn đạt nó. Việc tiếp thị ngôn ngữ của Tập Cận Bình nên được xem xét lại để người Trung Quốc có thể hiểu được diễn ngôn chính trị của nhà lãnh đạo của họ.

Đôi khi ngôn ngữ của Đảng-Nhà nước làm tôi liên tưởng đến các lễ bằng tiếng Latinh. Trong khi người Công giáo đã từ bỏ việc sử dụng tiếng Latinh trong lời nói, thì Giáo hội vẫn tiếp tục sử dụng nó. Đó là một tình huống có thể so sánh được với Trung Quốc.

DAVID OWNBY

Cuộc chiến ở Ukraine đã tiếp thêm sức mạnh mới cho mặt trận phía tây, nơi mà trước đó dường như ngày càng bị chia rẽ. Về phần mình, Trung Quốc đóng vai trò không rõ ràng về sự ủng hộ ngầm ít nhiều đối với Nga. Động năng này được giải thích như thế nào ở Trung Quốc?

Ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, hàng chục bài viết đã được xuất bản để ủng hộ quan điểm của chính phủ Trung Quốc khi cho rằng mối đe dọa của NATO biện minh cho cuộc chiến này. Tuy nhiên, có các bài viết khác, mà chúng ta sẽ khám phá trong loạt ấn phẩm này, đã đặt câu hỏi về hành động của người Nga. Lập luận của họ làm tôi quan tâm. Một số trí thức cho rằng sự can thiệp của Putin vào Ukraine không có ý nghĩa chiến lược. Putin đã thành công trong việc tái lập một liên minh của hầu hết các nước phát triển để chống lại Nga. Đó là một quyền lực đang suy tàn. Do đó, câu hỏi về lợi ích của sự ủng hộ của Trung Quốc được đặt ra. Chắc chắn một số trí thức sẽ thích việc Trung Quốc tách mình ra xa Nga hơn, nhưng đây là một vấn đề rất tế nhị. Họ không thể công khai cho rằng việc tán thành sự ủng hộ ngầm của Trung Quốc đối với Nga là điên rồ, nhưng họ đã đặt ra rất nhiều câu hỏi. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng người dân Trung Quốc vẫn đứng về phía đường lối của chế độ.

Ông có thấy mối liên hệ với tình hình ở Đài Loan không?

Hoàn toàn có. Các trí thức không nói về Đài Loan. Đó là một chủ đề cấm kỵ. Rất hiếm khi thấy trí thức viết những điều thú vị về Đài Loan. Tôi nghĩ rằng hầu hết người Trung Quốc đều đồng ý với viêc Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Nếu sự độc lập của Đài Loan được rất ít người ở Trung Quốc ủng hộ, điều đó không có nghĩa là có sự ủng hộ lớn cho một chiến dịch chiến tranh. Hầu hết những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc tin rằng việc chấm dứt sự độc lập của Đài Loan là điều không thể tránh khỏi vì đó là sự thật lịch sử. Tuy nhiên, họ cũng đều tin chắc rằng một sự can thiệp như vậy sẽ có nguy cơ gây nguy hiểm cho tất cả những gì Trung Quốc đã đạt được trong bốn mươi năm qua. Nhiều người tin rằng liên minh chống lại Nga có thể được tái lập để chống Trung Quốc nếu Trung Quốc hành động với Đài Loan. Cảm tượng của tôi là giới trí thức đều tin rằng Trung Quốc nên có lập trường ôn hòa đối với Đài Loan và Ukraine. Nếu không có phản ứng nào của châu Âu sau cuộc xâm lược của Nga, nếu người Nga chiếm Kiev, tôi nghĩ Trung Quốc có thể đã nghĩ khác. Nhưng kết quả còn mơ hồ hơn nhiều - điều này dường như thúc đẩy sự cần phải có sự ôn hòa/tiết chế.

----

Nội dung sẽ xuất hiện trong loạt bài

• Tháng 8 / tháng 9 (“Tọa độ đầu tiên của Trung Quốc”)

— Xu Jilin, “Le nouveau Tianxia: Reconstruire l'ordre interne et externe de la Chine

— Qin Hui, “La guerre entre la Russie et l’Ukraine, une comparaison avec la guerre entre l’URSS et la Finlande.”

— Jiang Shigong, “La “décennie critique” dans les relations sino-américaines: le “nouvel empire romain” et la “nouvelle grande lutte”.”

— Xiang Lanxin, “À propos de la diplomatie du “loup guerrier”

— Gan Yang et Liu Xiaofeng, “Le positionnement culturel et l'autodestruction de l'Université de Pékin”

— Wang Shaoguang, “Politique morale traditionnelle et concepts contemporains de gouvernance

• Tháng 10 / tháng 11 (“Đại hội lần thứ XX: Đảng và Tập Cận Bình”)

— Jiang Shigong, “Philosophie et histoire: interpréter l'ère Xi Jinping à travers le rapport de Xi au XIXe Congrès national du PCC”

— Yao Yang, “Les défis du parti communiste chinois et la reconstruction de la philosophie politique”

— Sun Liping, “Vous voulez qu'ils fassent trois enfants? D'abord, donnez-leur une raison”

— Chen Ming, “Transcender la gauche et la droite, unir les trois traditions, le nouveau parti-État: une interprétation confucéenne du rêve chinois”

— David Ownby, “L'essor de la Chine et le monde de la pensée chinoise”

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Comprendre les doctrines de la Chine de Xi Jinping, une conversation avec David Ownby, Le Grand Continent, 22.8.2022.




NGUỒN:

[1] “La montée en puissance de la Chine et la réponse des intellectuels publics chinois”, Cours au Collège de France, Année 2021-2022 https://www.college-de-france.fr/site/anne-cheng/p482230892072591_content.htm

[2] Voices from the Chinese Century, Public Intellectual Debate from Contemporary China Edited by Timothy Cheek, David Ownby, and Joshua A. Fogel, New York, Columbia University Press, 2019

Chú thích:

* Có thể tham khảo bản tiếng Anh ở đây (ND).



[*] David Ownby là Giáo Sư Thạc sĩ Sử Học ở Đại học Montréal, Québec (Canada), giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Á (CETASE) của Đại Học Montréal

Print Friendly and PDF