13.10.22

Những đóng góp của Ben Bernanke về kinh tế học

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA BEN BERNANKE VỀ KINH TẾ HỌC

Tác giả: Tyler Cowen

Ngày 10 tháng 10 năm 2022 lúc 6:51 sáng

Từ khóa: Kinh tế học

Ben Bernanke được biết tới nhiều nhất với vai trò là chủ tịch Fed, nhưng ông có một sự nghiệp nghiên cứu lâu dài và nổi tiếng có sức ảnh hưởng to lớn. Dưới đây là một vài đóng góp của ông:

1. Trong hàng loạt bài nghiên cứu, thường là với Alan Blinder, Bernanke đã lập luận rằng “tín dụng và tiền tệ” là một chỉ báo hàng đầu tốt hơn so với chỉ có mỗi chỉ báo về tiền tệ. Và nhìn chung, ông đã giúp chúng ta ngẫm nghĩ lại về mối tương quan giữa tiền tệ và thu nhập, điều đã được Milton Friedman cổ vũ. Công trình này là đúng hơn là không đúng, song vì việc tiền tệ được xem như một chỉ báo hàng đầu đã không còn được ưa chuộng (một phần là do những hành động sau này của chính Bernanke!), quả thật thì khoảng 15 năm nay những đóng góp này được coi là ít quan trọng hơn. Hãy xem thêm công trình nghiên cứu này về ý nghĩa (trước đây) của lãi suất quỹ liên bang với tư cách như là một thước đo chính sách tiền tệ. Tổng tập công trình về tiền tệ và tín dụng của Ben là các công trình đầu tiên đem lại cho ông danh tiếng.

2. Bernanke có một bài nghiên cứu nổi tiếng năm 1983 về việc làm thế nào mà sự đứt gãy của trung gian tài chính lại trở thành một thành phần chủ yếu gây ra cuộc Đại Suy thoái [1929-1933]. Trước đó, Milton Friedman đã nhấn mạnh tới việc giảm cung tiền, song công trình của Bernanke đã dẫn tới một bức tranh phong phú hơn nhiều về việc sự sụp đổ diễn ra như thế nào. Những người gửi tiết kiệm bị cắt đứt khỏi những người đi vay, do những thất bại của ngân hàng, và nền kinh tế không thể huy động vốn hiệu quả được nữa. Bài nghiên cứu này cũng cho thấy sự tích hợp giữa công trình của Bernanke và công trình của Diamond và Dybvig. Công trình này đã được nghiên cứu rất tốt.

3. Bernanke có công trình liên quan, với Gertler, Gilchrist và những cộng sự khác, công trình này bàn về việc các vấn đề tài chính có thể làm tồi tệ hơn ra sao đối với một chu kỳ kinh doanh. Công trình này tất nhiên đã gắn liền với các quyết định sau này của ông khi ông làm Chủ tịch Fed. Trong một nghiên cứu khác, Bernanke đã cho thấy việc những cuộc suy thoái kinh tế có thể làm giảm giá trị của tài sản thế chấp như thế nào, do đó siết chặt quy trình cho vay và làm trầm trọng thêm những cuộc suy giảm [kinh tế] theo chu kỳ kinh doanh.

4. Luận án tiến sĩ của Bernanke về các khái niệm giá trị quyền chọn và đầu tư không thể đảo ngược [irreversible investment]. Việc tình trạng bất trắc trong kinh doanh gia tăng ở mức độ vừa phải có thể gây ra những sự sụt giảm lớn trong đầu tư, do sự khát khao chờ đợi, sự thực hiện “giá trị quyền chọn” và việc chọn mẫu thêm nhiều thông tin hơn. Công trình này đã được xuất bản trên tập san QJE [The Quarterly Journal of Economics] vào năm 1983. Tôi từ lâu đã cảm thấy Bernanke không nhận được đủ tín nhiệm cho ý tưởng đặc thù này, rồi sau đó ý tưởng này đã được Pindyck và Rubinfeld đào sâu.

5. Bernanke đã viết rất nhiều công trình nghiên cứu — công trình này với Mishkin — về mục tiêu lạm phát như một phương tiện mới để điều hành chính sách tiền tệ. Cuộc sống đã có những ngày tươi đẹp như thế! Phần lớn các quốc gia OECD sống dưới chế độ [chính sách] này trong một vài thập kỷ qua.

6. Đây là phần trích trong công trình của Ben với các đồng tác giả khác: “Trước hết, chúng ta ghi nhận rằng về cơ bản, trong 30 năm qua, ở Hoa Kỳ, tình trạng tăng giá dầu hỏa và việc siết chặt chính sách tiền tệ đều xảy ra trước khi nổ ra tất cả các cuộc suy thoái …”. Ôi không!

7. Đây là công trình năm 2004 của Ben bàn về những điều cần làm khi một nền kinh tế chạm ngưỡng giới hạn zero [zero lower bound]. Đây là công trình của Ben bàn về chính sách tiền tệ trước đây của Nhật Bản, và điều mà ông gọi là “sự tê liệt tự mình chuốc lấy” [self-induced paralysis] của họ ở ngưỡng giới hạn zero. Ông thực sự đã được đào tạo cho công việc ở Fed trong suốt những năm đó. Đây là công trình của Ben về “Thời kỳ Điều chỉnh Vĩ đại” [The Great Moderation]. Đây là công trình năm 1990 của Ben bàn về hệ thống bù trừ và thanh toán [giao dịch chứng khoán] trong sự sụp đổ [thị trường chứng khoán] vào năm 1987.

8. Ben đã có những đóng góp to lớn cho sự am hiểu của chúng ta về cách chế độ bản vị vàng và những áp lực giảm phát quốc tế đã gây ra cuộc Đại Suy thoái, nó đã lan xuyên biên giới ra nhiều quốc gia khác và khiến cuộc suy thoái này càng trở nên tồi tệ hơn nhiều. Công trình này đã được nghiên cứu rất tốt và hiện đây là một phần của kinh tế học dòng chính. Và để biết thêm chi tiết, các bạn có thể đọc ở đây.

9. Bernanke đặt ra thuật ngữ “sự ngập tràn tiết kiệm toàn cầu” [global savings glut].

Đây là tất cả thông tin của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nói về các nhà nghiên cứu [nhận giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel] và công trình của họ. Tôi chưa đọc những điều này, song chúng thường được viết và trình bày rất tốt. Còn đây là các công trình của Ben trên trang scholar.google.com.

Tóm lại, Ben là một nhà nghiên cứu và nhà tư tưởng có sức ảnh hưởng lớn và gây ấn tượng sâu đậm. Giải thưởng này rõ ràng là xứng đáng dành cho ông. Theo ý kiến của tôi, một ý kiến không chính thức mà tôi thừa nhận, công trình quan trọng nhất của ông là về cuộc Đại Suy thoái và lịch sử của nó.

Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: The economic contributions of Ben Bernanke, Marginal Revolution, Oct 10, 2022.

Print Friendly and PDF